Trong căn nhà nhỏ ấy, không biết gia đình họ đã sống ở đó từ lúc nào, có lẽ đã lâu lắm rồi từ khi bà còn trẻ. Khi chúng tôi dọn đến nơi đây, chỉ thấy có một mình bà lui cui nấu nồi bún bò bán cho người ta ăn sáng. Bà nấu bún bò khá ngon, giá lại rẻ nên người đi chợ qua lại hay các bác xích lô, xe ôm … dạo ấy ghé ăn cũng đông. Thỉnh thoảng lũ trẻ trong xóm hay hát đùa: “bà Ba bán bún bò, bị bò báng bể bụng, bả bắt bò bỏ bót”… Bà chăm chỉ làm ăn, khi thì nấu bún bò, có bữa chuyển qua phở, bánh bèo, bánh đúc…
Thỉnh thoảng chúng tôi cũng gọi đem qua nhà ăn sáng, khen bà nấu ăn món gì cũng được. Cứ thế bà xoay vòng vòng để sống và nuôi con. Nghe nói bà cũng có mấy đứa con làm ăn khá ở xa. Có một cô con gái và một cậu con trai tròm trèm 40 tuổi ở cùng nhà thì hay bán thêm cà phê nhưng không thường xuyên, lúc bán lúc nghỉ. Thỉnh thoảng thấy cửa đóng then cài không ai ra vô, tôi nghĩ chắc bà mệt nên nghỉ bán, vì dù gì thì bà cũng đã trên 80 tuổi rồi. Rồi có buổi sáng đột nhiên nhà lại mở cửa treo bảng “Hôm nay bán bún bò”… Có lần tôi hỏi bà bán như vậy có đủ sống không, bà chép miệng: “Một mình tôi thì được, ngặt còn lo cho hai đứa con”… Đứa con trai lớn tồ nhưng có gì đó không được bình thường nên cũng chỉ loanh quanh ở nhà, còn đứa con gái thì hình như có dính vào cờ bạc, số đề nên đổ nợ, thỉnh thoảng lại bỏ nhà đi trốn nợ.

Có một thời gian thấy bà biến mất, gánh bún bò cũng không còn thấy nữa, nghe nói bà được con gái ở Mỹ lãnh qua chơi vài tháng. Ai cũng mừng cho bà, thôi tuổi già được con nuôi cũng là điều may mắn. Đứa con gái trở về, cũng mở một hàng quán nhỏ bán bánh tráng trộn, thằng anh khờ thì bán cà phê. Khi có đứa con gái xuất hiện thì chẳng bao lâu sau lại có người đến đòi nợ, phá tanh banh hàng quán của nó. Rồi nó lại bỏ trốn. Vài tháng sau bà về, nhìn bà mập khỏe ra, tươi tắn hơn, trông cũng ra dáng “Việt kiều”. Sắm được cái TV cho khách uống cà phê lề đường ghé xem đá banh. Ít ngày sau, nồi bún bò lại xuất hiện, cảnh cũ lại tiếp diễn. Cho đến một ngày bà nói bà đi Mỹ luôn.

Nhiều lần như thế lối xóm cũng mệt theo rồi không để ý đến nữa khi lần cuối đứa con gái bị đòi nợ dữ quá trốn biệt tăm luôn, không biết giờ đây nó đang ở phương nào. Đứa con trai cũng bỏ đi. Nhà đóng kín cửa không còn ai ở đã nhiều tháng nay.

Hai tháng trước Tết, bà lại từ Mỹ trở về. Mọi người cho rằng chắc bên ấy đã đến mùa lạnh nên bà về trú đông. Một buổi sáng thấy đứa con trai về phụ với bà quét dọn lại nhà cửa cho tươm tất. Cửa nhà lại mở, nồi bún bò lại xuất hiện, nhưng nay cạnh tranh quá vì hàng quán càng lúc càng nhiều, riêng bà bỏ đi hoài khách cũng biến theo. Nồi bún bò bữa bán bữa không. Mọi lần còn cái TV, dịp gần Tết hai đứa con bà hay mở nhạc Xuân cho khách qua đường nghe, có lúc hơi ồn nhưng cũng vui tai… Năm nay thì im lặng hoàn toàn.

Sáng 26 Tết chị tôi qua thăm đem cho bà hộp bánh. Bà cảm động rồi buồn buồn tâm sự chuyện đời mình: Tui cực lắm cô hai ơi! Lúc trẻ thì chồng phá. Hồi đó tui mở tiệm ăn mua được mấy cái nhà, ổng bán hết cho gái, may là cái nhà này đứng tên tui nên mới còn. Con gái lãnh qua Mỹ thì tui cũng đâu có sướng, nó đi làm nail tối ngày, tui đi chợ nấu ăn giặt giũ áo quần lo hết cho mấy đứa con của nó từ sáng sớm đến 12 g khuya. Lần này tui muốn về mà nó không cho về, nhưng không cho tui cũng về vì không chịu nổi nữa. Về nó cũng không cho một đồng bạc. Hai tháng trời rồi không thèm gọi cho mẹ một tiếng hỏi thăm. Thằng rể ở đây mới cho tui một triệu đồng sơn quét lại cái cửa, có chút vốn đổ vô nồi bún … Mà thôi, năm nay con Heo tui hy vọng tốt vì hồi nào đến giờ nay là lần đầu tiên cô ghé thăm tui, chắc thế nào tui mần ăn cũng khá!

Mái đầu bạc cúi xuống rưng rưng. Bâng khuâng bà nhìn ra đường. Vẫn còn đứa con gái lang thang giờ không biết nơi đâu. Ngoài kia, chợ vẫn còn đông khách những ngày giáp Tết. Những gánh hàng hoa rực rỡ, bánh trái sắc màu xôn xao.Tôi biết đêm giao thừa bà sẽ rất buồn, khi ngồi một mình trong bóng đêm nơi góc nhà hồi hộp mong chờ một tiếng động, một âm thanh. Có thể là tiếng chuông điện thoại reng từ Mỹ, hay tiếng gõ cửa khe khẽ gọi: Mẹ ơi!

 

Nguyễn Diệu Tâm

Nguồn: FB NDT

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận