Bùi Giáng như tôi thấy
Vâng, tôi không quen biết Bùi Giáng. Tôi chỉ thấy ông, một cách khá thường xuyên, trong những năm học Ðại Học Sư Phạm ở Sài gòn. Trong bốn năm từ 1985 đến 1989, tôi sống ở ký túc xá Ðại Học Sư Phạm, tức trường Vạn Hạnh cũ. Nơi này vừa là chỗ ở vừa là chỗ học của sinh viên khoa Văn, bên cạnh các lớp học ở cơ sở chính trên đường An Dương Vương. Bùi Giáng hay lang thang trong sân trường Vạn Hạnh và khu vực quanh cầu, chợ Trương Minh Giảng.
Thời tôi học, sinh viên văn chương không phải là những anh chàng lãng đãng văn nghệ như sinh viên văn khoa Sài gòn trước 1975. Sinh viên thời chúng tôi chỉ có một bận tâm lớn nhất, lớn hơn cả sự học hành: đói. Tôi không biết có nơi đâu trên thế giới mà sinh viên phải sống cảnh thiếu thốn như sinh viên ký túc xá những năm đó. Ðói ngày đêm. Những bữa ăn gạo mục, một mẩu cá khô, và một bát “canh toàn quốc” thật ghê sợ. Chiều ăn, đến khoảng tám giờ tối đã đói run người. Ban ngày đang ngồi học trên giảng đường cũng đói. Ðó là thời người ta uống rượu được làm cho trong bằng cách chấm thuốc trừ sâu vào, bia lên men ủ từ những trái cây thối rửa nồng nặc mùi cồn y tế. Sinh viên càng đói thì càng nhậu dữ. Nhậu để quên nỗi thống khổ hiện tại, để thôi hình dung về một tương lai bi đát với đồng lương thầy giáo chết đói và cuộc đời rã mục ở một xứ sở khỉ ho cò gáy. Ðại đa số sinh viên văn khoa lúc đó giỏi lắm chỉ nghe tên Bùi Giáng chứ không hề đọc tác phẩm của ông. Vì trong chương trình học người ta không hề nhắc đến tên tuổi ông, mà nếu muốn đọc cũng chẳng có sách để đọc. Ngoại trừ một số rất nhỏ sinh viên cố gắng mở rộng kiến thức bằng cách săn tìm những sách xuất bản ở Sài gòn trước đây, đại đa số chỉ được dạy dỗ bằng những giáo trình thiển cận, méo mó.
Tôi đã đọc Bùi Giáng trước đó rất lâu, trong tủ sách của các chú tôi, cùng với những tác phẩm của Phạm Công Thiện, Nhất Hạnh, Lê Tôn Nghiêm… Thời mới lớn, sống ở Phan Thiết, thỉnh thoảng tôi cũng được dẫn đi lang thang bởi một nhân vật rất gần gũi về mặt tinh thần với Bùi Giáng: nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn. Tác giả “Chiến Tranh Việt Nam và Tôi” này luôn nhắc đến Bùi Giáng với giọng kính trọng đăc biệt, gọi ông là “thầy Bùi Giáng”. Qua cách diễn đạt của Nguyễn Bắc Sơn, tôi có cảm tưởng Bùi Giáng là một nhân vật mà những người thường khó lòng hiểu được. Ông điên hay không điên, tôi không biết và cũng không thắc mắc nhiều. Có điều tôi biết rõ, ngay từ lần đầu tiên đọc Bùi Giáng, tôi không thích văn chương ông. Tôi không thích thơ ông, và tôi không chịu được dịch thuật của ông. Thơ ông làm theo những thể điệu cũ, vừa trong sáng nhưng cũng vừa cầu kỳ, giọng điệu vừa đùa cợt lại vừa trịnh trọng, và phảng phất một không khí cổ. Còn dịch thuật, phải nói ông phóng tác thì đúng hơn. Mà phóng tác như viết kiếm hiệp. Từ nhỏ tôi đã rất ghét kiếm hiệp, mặc dù tôi có thử đọc một đôi lần. Trong những ngày đói kém ở Sài gòn sau 1975, kiểu văn chương “phiêu bồng” của Bùi Giáng dường như ở quá xa mặt đất đối với tôi. Tôi cần một thứ văn chương trực tiếp hơn, thẳng thắn nhìn vào đời sống hiện thực, xoa dịu sự khốn cùng hôm nay. Tôi cũng có xu hướng thích thơ tự do, triết Tây phương, mà thơ Bùi Giáng thì phần lớn là lục bát và có vẻ phiêu bồng rất Á Ðông. Văn chương của Bùi Giáng trong những ngày đói kém ở Sài gòn sau 1975 là một loại văn chương quá mông lung và cũ kỹ đối với tôi. Ðó là lý do tại sao tôi đã không cảm thấy một sức hút đặc biệt đối với Bùi Giáng. Tôi đã không đến gần để hỏi han gì, mặc dù tôi vẫn thường thấy ông lang thang trong sân đại học Vạn Hạnh. Một người bạn tôi, tên Thuấn, lân la làm quen với ông và xin được mấy bài thơ lục bát Bùi Giáng mới làm. Ông viết chữ to, hơi nghiêng, rõ ràng và khá đẹp. Còn tôi, tôi không đến gần ông, nhưng vẫn hay quan sát ông.
Ông là một nhân vật khá nổi đình đám ở khu vực cầu Trương Minh Giảng. Có những buổi chiều đông đặc xe cộ, tôi ngồi uống cà phê bên đường nhìn ông đứng làm cảnh sát giao thông nơi đầu cầu Trương Minh Giảng. Ông đội một chiếc quần lót đỏ chói trên đầu, áo quần te tua, tay cầm chiếc roi tre dài, xoay ngang xoay dọc chỉ đường cho xe cộ. Người ta đi qua, cố gắng tránh xa ngọn roi tre dài, nhưng không ai chú ý đến ông. Ông loay hoay như vậy giữa dòng xe cộ hàng giờ liền, rồi chán, bỏ đi.
Một lần đang ngồi ăn cơm của một bà bán cơm gánh trước cổng trường, ông đến ngồi cạnh tôi. Bà bán hàng thấy ông, có vẻ rất ngán ngẩm nhưng không đuổi ngay. Ông cũng chẳng kêu cơm nước gì. Ông dùng ngón trỏ và ngón giữa móc vào nhau tạo thành một dấu hiệu tục tĩu mà trẻ con hay làm. Tay kia cầm một quả chanh, không biết kiếm đâu ra. Ông cố nhét quả chanh vào giữa cái hình ô van tạo nên bởi hai ngón tay, miệng lẩm bẩm: “Ðây là con c. nhét vô cái l. Kim Cương. Con c. to quá nhét vô không đươc”.
Ông nói tiếng Quảng Nam, phát âm tiếng c. nghe như “ạketỳ”. Tôi cố nín cười mà không được. Ông vẫn tỉnh bơ lặp đi lặp lại trò chơi quả chanh to và cái khe nhỏ đó cho đến khi bị bà bán cơm quát đuổi. Rồi ông nói ông mong được Kim Cương đái lên mồ ông. Ông còn nói một vài câu nữa về Kim Cương, toàn những câu rất tục, có vẻ ông bị ám ảnh ngày đêm bởi khao khát tình dục với người đàn bà này.
Có lần tôi thấy ông mặc một chiếc áo chim cò rộng thùng thình. Chiếc áo rất mới có vẻ hàng ngoại đắt tiền, chắc ai đó ở nước ngoài về tặng ông. Nhưng chỉ vài hôm đã thấy chiếc áo trở nên cũ bẩn.
Ðôi khi tôi bắt gặp ông ngồi dưới hành lang trong sân Vạn Hạnh, chỗ gần cổng. Ông nửa ngồi nửa nằm, tựa lưng vào cột. Dưới bóng cây phượng xanh mát, những lúc như vậy trông ông có vẻ tỉnh và buồn. Ông ngồi một mình, ánh mắt sau cặp kính cận dày nhìn xa xăm ra dòng xe cộ bên ngoài cổng trường.
Hình như Bùi Giáng không chỉ lang thang trong “lãnh địa” chợ Trương Minh Giảng và trường Vạn Hạnh. Một lần tôi thấy ông ở một chỗ khác, khá xa “nhà”. Hôm đó trời mưa to, tôi đứng chơi trên lầu nhà một anh bạn ở đường Nguyễn Thiện Thuật, đối diện một cái chợ, không nhớ rõ là chợ Vườn Chuối hay chợ Nguyễn Thiện Thuật. Trước chợ có một đống rác cao nghệu, đen xì, bục ướt và rất hôi thối. Bùi Giáng đang đứng cãi nhau với một bà bán hàng ngay cạnh đống rác. Chắc ông phá phách gì nên bị bà này mắng xối xả, còn ông thì chỉ la ó những câu vô nghĩa để đáp lại. Nhưng ông cũng hoa tay múa chân vẻ khá hung hăng. Cuối cùng người đàn bà xô mạnh Bùi Giáng. Ông ngã chỏng gọng vào đống rác đen, miệng la bai bải. Cặp kính cận dày và cái thân hình lèo khoèo trong tư thế nằm ngửa khiến ông trông giống một con bọ ngựa bị bẻ chân. Dưới trời mưa tầm tã, ông có vẻ không gượng dậy được vì đống rác quá nhão. Còn người đàn bà vẫn tiếp tục chửi bới.
Tôi cũng đã thấy Bùi Giáng trong một trường hợp khác, rất đáng nhớ. Một buổi sáng chỉ mới khoảng 6 giờ, sinh viên ký túc xá bỗng nghe tiếng la hét từ phía dãy phòng các sinh viên nữ. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nghe những tiếng la như vậy khi có trộm lẻn vào bên khu nữ. Tôi vội chạy ra hành lang. Nhìn qua bên dãy nữ, thấy các mái tóc dài thò ra rồi thụt vào, hết người này đến kẻ khác. Tiếng la oai oái vẫn không ngớt, nhưng bây giờ xen lẫn tiếng cười khoái trá của các sinh viên nam. Nhìn xuống, tôi thấy giữa sân trường, Bùi Giáng đang trong tư thế trồng chuối, nhưng hoàn toàn… khỏa thân, quần áo cởi hết ra để bên cạnh. Mấy sinh viên bảo vệ từ ngoài cổng vội chạy đến, nhét quần áo vào tay ông lôi ra khỏi sân trường. Thật là một buổi “điểm tâm” đặc biệt cho cả ký túc xá.
Thời tôi học cũng có một nhân vật “điên điên” nổi tiếng khác trong trường là giáo sư ÐXH. Ông từ Hà nội vào, dạy tu từ học và là dịch giả của một cuốn truyện Xô Viết, cuốn “Lục Ðịa Sanhicốp”. Sau 1975, phim “Lục Ðịa Sanhicốp” được chiếu ở miền Nam. Như những bộ phim “màu-màn ảnh rộng-Liên Xô” thời đó, người ta chen lấn nhau đến rách áo để vào xem “Lục Ðịa Sanhicốp”. Trong sự thiếu thốn cùng cực không chỉ về vật chất mà còn cả về văn hóa, người ta thèm khát bất cứ thứ gì từ thế giới bên ngoài, từ những chiếc bình thủy lòe loẹt Trung Quốc đến những cuốn phim viễn tưởng vụng về của Liên Xô.
Không biết do ông tự xưng hay do sinh viên đặt, tất cả chúng tôi đều gọi giáo sư ÐXH là thầy Trình Văn Ðộ. Thầy Trình Văn Ðộ đã về hưu nhưng vẫn hay ôm cặp, một chiếc cặp bằng da cũ kỹ, đứng trước cửa giảng đường. Sinh viên ra khỏi lớp, vây lấy Trình Văn Ðộ, yêu cầu ông diễn Shakespeare. Chúng tôi khoái nhất ông diễn cảnh Othello giết Desdemona. Ông rống lên những tiếng kêu bi thiết, ôm ngực lảo đảo gục xuống như một kịch sĩ thượng thặng. Ông đọc Shakespeare bằng tiếng Anh và thơ của chính ông bằng tiếng Pháp, giọng hùng hồn vang khắp sân trường. Ông là một ông già to con, lưng hơi còng, hai lỗ tai đầy những sợi lông đen mọc thò ra ngoài. Ông nói ông biết bảy ngoại ngữ. Về khả năng ngoại ngữ của ông thì tôi không kiểm chứng được vì tôi chỉ biết lõm bõm tiếng Anh. Tôi đoán ông rành nhất tiếng Pháp, tiếng Nga, và đọc được tiếng Anh. Chúng tôi khoái Trình Văn Ðộ vì ông rất “điên”. Ông lang thang vào phòng các sinh viên huyên thuyên chuyện văn chương trên trời dưới đất, lâu lâu lại đóng kịch, xổ ngoại ngữ. Ông có vẻ là một trong số hiếm hoi những giảng viên có khả năng thật sự, những người say mê văn chương và yêu thích việc dạy học. Ông nói ông phải vào trường để tiếp tục “dạy ngoài hành lang” cho chúng tôi. Cũng như chúng tôi, Trình Văn Ðộ hình như rất đói. Ông hay hỏi thẳng xem “chúng mày có gì cho thầy ăn không”. Thỉnh thoảng tôi mời ông một tô mì ăn liền dưới cantin rồi dẫn ông vào nằm nghỉ trưa trong giường của tôi.
Nếu như Bùi Giáng hay bị ám ảnh bởi kịch sĩ Kim Cương thì Trình Văn Ðộ hay bị ám ảnh bởi giáo sư Hoàng Nhân. Hoàng Nhân dạy văn học phương Tây và có thời làm chủ nhiệm khoa văn. Sự dạy dỗ của ông thầy này tôi có thể tóm gọn trong một câu: “Toàn bộ văn học hiện đại phương Tây đều đồi trụy và bế tắc, ngoại trừ Aragon, một nhà thơ tiến bộ Cộng Sản”. Dĩ nhiên ông không đề cập nhiều đến chuyện Aragon rồi cũng từ bỏ Cộng Sản. Trình Văn Ðộ hay than vãn chuyện Hoàng Nhân “đì” ông, không cho ông đi Tây, bắt ông phải về hưu như thế nào. Những chuyện này, được kể ra từ miệng một ông già hơi điên điên, không biết thật hư thế nào. Nhưng rõ ràng Trình Văn Ðộ rất “cay” Hoàng Nhân. Trình Văn Ðộ cũng có một điểm đặc biệt là mặc dù điên, ông không bao giờ dám động đến các lãnh tụ. Về phương diện này thì ông hoàn toàn khác với Bùi Giáng, một người tôi đã từng nghe đem tên các “thánh thần” ra nhiếc móc. Mỗi khi tôi đặt những câu hỏi chính trị, Trình Văn Ðộ lập tức lái câu chuyện sang hướng khác. Khôi hài hơn nữa, ông còn làm thơ tặng các lãnh tụ. Những bài thơ rất nghiêm túc, hùng hồn. Ông làm thơ tiếng Nga tặng Brezhnev, một bài thơ hình như tặng lãnh tụ Tito của Nam Tư, một bài khác tặng đồng chí Ðỗ Mười. Ông nói ông đã gởi các bài thơ này đến các đồng chí lãnh đạo, xin được đi Nga. Thấy ông cũng điên điên như Bùi Giáng, chúng tôi hỏi ông có biết Bùi Giáng không. Ông trả lời một cách rất ngông:
– “A, Bùi Giáng. Bùi Giáng chỉ là một con mèo nhỏ bên cạnh con sư tử lớn Trình Văn Ðộ”.
Chúng tôi rất mong chứng kiến một cuộc đụng độ giữa Trình Văn Ðộ và Bùi Giáng để biết ai thật sự là mèo, ai là sư tử. Nhưng chuyện đó đã chẳng bao giờ xảy ra. Có thể vì cả hai ông đều điên nên không nhận ra nhau, như cái cách những người tâm thần chẳng bao giờ nhận ra nhau. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng hai ông không đụng độ nhau vì thật sự hai ông chẳng có một điểm chung nào, mặc dù bề ngoài đều “điên”. Bùi Giáng là một người đọc sách nhiều nhưng coi thường kiến thức hàn lâm, trong khi Trình Văn Ðộ rất hay trích Ðông dẫn Tây khi nói chuyện. Bùi Giáng dịch sách rất phóng túng trong khi Trình Văn Ðộ dịch sách rất cầu kỳ, trau chuốt theo kiểu một chuyên gia tu từ học. Bùi Giáng là một nhà thơ, mà là một nhà thơ giang hồ nhất, trong khi Trình Văn Ðộ về bản chất là một ông giáo mực thước. Và quan trọng hơn, Bùi Giáng là một con người của tự do tuyệt đối, một kẻ không e ngại hay hệ lụy bất cứ điều gì ngoài những huyễn tượng tình yêu (hoặc tình dục) của chính ông. Trong khi đó, mặc dù điên điên, Trình Văn Ðộ vẫn là một người bị ám ảnh bởi cái quán tính của một đời sống tủn mủn, đầy sợ hãi của những người bị đè nén quá lâu. Trình Văn Ðộ than vãn không ngừng về chuyện không được đi Tây, làm thơ ca ngợi lãnh tụ, và có vẻ vẫn hy vọng sẽ được “đèn trời soi xét”. Khoảng năm 1989, khi bắt đầu bùng lên phong trào các đầu nậu sách thuê người dịch truyện ngoại quốc, Trình Văn Ðộ hình như có dịch một vài cuốn sách cho một nhà xuất bản ở miền Tây. Bẵng đi một dạo mới thấy ông lại vào trường, tay đeo chiếc nhẫn vàng một chỉ, ăn mặc tề chỉnh, và ông cũng thôi la hét, thôi diễn kịch Shakespeare. Ông đã tỉnh lại khi có mùi tiền. Còn Bùi Giáng thì hình như điên hoài, điên cho tới ngày ông chết.
Tôi không phải là người ái mộ văn chương Bùi Giáng, và tôi thuộc một thế hệ hoàn toàn khác với thế hệ ông. Nhưng tôi nghĩ sự tuyệt diệu của văn chương miền Nam, trong số nhiều điều tốt đẹp khác mà nó đã làm được, là việc sản sinh ra một nhân vật kỳ vĩ như Bùi Giáng. Nền văn chương đó đã cho phép ông sống trọn vẹn cuộc sống của một nghệ sĩ sáng tạo, đi đến tận cùng con đường tinh thần đã chọn mà không phải sợ hãi hay quỵ lụy bất cứ điều gì. Sự dấn thân tuyệt đối của ông cho thơ ca có một điều gì gần như là tôn giáo và khiến tất cả chúng ta xúc động. Ông không chỉ là một nhà thơ, ông là một nhân vật lớn hơn đời sống (a larger than life character). Ðóng góp của Bùi Giáng vào văn chương miền Nam, bên cạnh những giá trị thơ văn, chính là cái đời sống nghệ sĩ can đảm và kỳ lạ của ông. Cái đời sống có khả năng kích thích và khiến những người viết khác, nhất là những thế hệ đi sau, giữ được lòng tin vào sự kỳ diệu của văn chương. Ông là một huyền thoại hiện đại của thơ ca, như Rimbaud vậy.
Sau cùng, và quan trọng nhất, Bùi Giáng là biểu tượng trọn vẹn của tự do sáng tạo. Một tự do đã mất.
Nghe nói Bùi Giáng có nhiều người quen ở Sài gòn, nhưng tôi chỉ luôn thấy ông đi một mình. Ông ra vào trường Vạn Hạnh nhưng không còn tìm thấy ai quen. Ông đứng trên cầu giữa giòng xe cộ la hét nhưng không ai chú ý đến ông. Người ta đẩy ông ngã xuống rác. Tôi không biết ông có cảm thấy cô độc không, những lúc ngồi lặng lẽ dưới bóng phượng, nhìn mọi sự đổi thay. Có thể dưới cái bề ngoài điên khùng, thật ra ông đã sống những ngày buồn bã.
Tôi không biết chắc, vì tôi chỉ đứng từ xa nhìn ông mà thôi. Ðó là những ngày tôi rất đói.
Phan Nhiên Hạo
9/2003.
Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=341&rb=0102
0 Bình luận