Cái Duyên Đến Với Đề Tài Lễ Hội Cầu Ngư Và Hát Bả Trạo
Tôi viết xong bài “Ngày Xuân Và Lễ Hội Cầu Ngư” tại San Jose, ngày 30 tháng 10 năm 1998. Rồi tiếp soạn xong bài “Hát Bả Trạo” ngày 09 tháng 03 năm 1999. Bởi cơ duyên nào tôi hoàn thành được hai đề tài này.
Với loạt bài ấy là cả một sự đầu tư lâu dài, tưởng chừng đề tài không bao giờ thành tựu.
– Cái duyên đầu tiên đến rất sớm, từ lúc tôi còn là học sinh của Trường Trung Học Cường Để Qui Nhơn (1955 – 1958). Thời ấy, tôi được may mắn chứng kiến đám tang cá voi tại Khu Hai ở Qui Nhơn. Dân chài vùng này vớt được một cá voi dài khoảng 2 mét, đã chết, xác trôi dạt vào bờ. Họ che rạp trên bãi cát Khu Hai, đặt cá ông trên một sạp gỗ, thiết bàn án có đủ tam sơn ngũ sự, hương trầm nghi ngút khói, rất uy nghiêm trọng thể. Dân chài Khu Hai tụ họp đông đủ, đầu chít khăn tang, lần lượt vào lễ bái trong trật tự và yên lặng. Có một người mặc áo tang trắng toát, đầu đội dây rơm mũ bạc, tay chống gậy, đứng hầu cạnh xác “Ông lụy.” Hỏi ra mới biết, đây là người đầu tiên nhìn thấy “Ông lụy bờ.”
Từ dạo ấy, tôi tìm hiểu thêm về việc thờ cúng cá voi, biết được bên bờ Đông đầm Thị Nại, nơi triền núi cát trắng, có một làng chài khá đông đúc, có đền thờ Ông (cá voi), hằng năm mở hội Cung nghinh Thủy thần, tế lễ rất long trọng, và có hát Bả trạo. Đó là làng Hưng Lương và Xương Lý, thời ấy thuộc xã Phước Hòa (chưa có xã Phước Lý), quận Tuy Phước (xem Ghi chú 1, trong bài Ngày Xuân Và Lễ Hội Cầu Ngư). Nhưng rồi bận việc học hành thi cử dồn dập, tiếp đến là chiến tranh lan tràn, vùng Phước Lý mất an ninh, không thể đến thực địa tìm hiểu.
– Cái duyên thứ 2, gặp ông Lê Trầm, xã trưởng xã Phước Lý. Sau Tháng Tư Đen năm 1975, tôi đi tù “cải tạo” ở K18 (Kim Sơn), sung vào toán thợ mộc, gặp Lê Trầm cũng trong tổ mộc và ở chung một “sam” (chamber). Gần gũi với Lê Trầm, tôi được dịp biết thêm về Lễ hội Cầu Ngư ở làng Hưng Lương và Xương Lý. Ông cũng rành Hát bội, đã chuyển điệu vở thoại kịch Ngô Quyền thành tuồng Hát bội và đem Bả trạo vào diễn màn thủy quân ta chèo thuyền trên sông, chuẩn bị tác chiến với quân Nam Hán.
Tổng lái giáo đầu bằng câu bạch:
Nước Hương giang [1] uốn khúc,
Non Bình Lãnh khoe mình.
Trộm tiên đào nhớ đức thánh minh,
Du Đông Hải thoả lòng ngư phủ.
Như tôi quản mấy mươi thủy thủ,
Lãnh một gã thuyền đầu.
Gành Thái Công sớm nắm dây câu,
Bãi Hàn Tín tối tầm tăm cá…
[1] Hương giang: một chi lưu của sông Thái Bình (nằm phía Bắc) là sông Văn Úc, chảy qua tỉnh Kiên An (nay thuộc Hải Phòng) rồi đổ ra biển bằng cửa Văn Úc. Sông này có đoạn mang tên sông Hương, đoạn khác lại mang tên sông Rang.
– Cái duyên thứ 3, trong cuối thập niên 1980, tôi tìm đọc những vở tuồng cụ Đào Tấn. Biết được hát Bả trạo đã có mặt trong Hát bội từ xa xưa. Chẳng hạn, tuồng Tân Dã Đồn là kịch bản đầu tay của Đào Tấn (1845 – 1907), lúc Cụ 19 tuổi (1864), đang là chân học sinh và thọ giáo Cụ Tú Nhơn Ân.
Tân Dã Đồn là tuồng 1 hồi, gồm 8 lớp: Tào Nhân hành binh, Từ Thứ phân binh, Thất thủ Phàn Thành, Mưu Trình Dục, Giả thư, Từ Thứ độc thư, Từ giã, Tiễn biệt.
Lớp 1: Tào Nhân hành quân bằng đường thủy, trong Màn 1: Tào Nhân khai diễn hát giáo đầu và bạch; sang Màn 2, Bả trạo khai thuyền, các con trạo đồng hát:
Con trạo:
Bài gia ban
Thừa dạ độ Nam Giang,
Trừng ngưng đẩu khí hàn.
Giang vân diêu bố hộ,
Kỳ ảnh diệu ba giang.
Kỳ ảnh diệu ba giang.
(Việt Thao dịch:
Đêm, qua sông phía Nam,
Nước, khí lạnh dâng tràn.
Mây bủa sông dày đặc,
Bóng cờ xao sóng ngàn.)
Tào Nhân:
– Tán
Đồ giang sơn một bức,
Đêm phong nguyệt nửa trời.
Chí thệ thanh [2] dòng nước chơi vơi,
Trường oanh liệt cánh buồm phơi phới.
– Nam xuân
Phơi phới duềnh quyên [3] lướt dặm,
Nước thanh bình gió lặng sao thưa. (câu trống)
[2] Thệ thanh: Thề quyét sạch.
[3] Duềnh quyên, còn gọi là doành quyên: Dòng nước có ánh trăng chiếu vào nên trong sáng trông rất đẹp.
Bả trạo:
– Bài gia ban
Vân đạm thủy thanh thanh,
Phàm lực trục phong khinh.
Hà biên diêu nhất vọng,
Khí thối lãng ba bình.
Khí thối lãng ba bình.
(Việt Thao dịch:
Mây thưa nước ngắt xanh,
Gió nhẹ cánh buồm căng.
Mé sông xa vẫn thấy,
Bớt lạnh sóng êm dần.)
Tào Nhân:
– Nam xuân
Một màu thủy bích sơn thanh,
Ngù sâm [4] gió lướt, hơi kình sóng xao. (câu mái)
[4] Ngù sâm: Chóp lông gắn ở đầu cán cờ thêu hình sao sâm.
Bả trạo:
– Bài gia ban
Huy trạo nhập thương ba,
Đào thanh tráng viễn hà.
Hoành giang đồng khoái ẩm,
Dự tấu khải hoàn ca.
Dự tấu khải hoàn ca.
(Việt Thao dịch:
Vẫy chèo ngập sóng xao,
Tiếng sóng rền sông xa.
Thuyền đậu cùng chè chén,
Khải hoàn sẽ vang ca.)
Tào Nhân:
– Nam xuân
Khải hoàn ca tiêu ma phân tiết [5],
Tân Dã đồn bóng nguyệt xa xa. (câu trống sau)
[5] Tiêu ma phân tiết: Tiêu sạch mọi thứ dơ bẩn.
Bả trạo:
Dạ!
Tân Dã dĩ đáo lai [6].
Tào Nhân:
Bạt thuyền vu giang ngạn [7].
[6, 7] Ý nói đã đến đồn Tân Dã, đậu thuyền tại bờ.
(Đồng hạ, hết Lớp 1)
Như vậy, về giá trị nghệ thuật, hát Bả trạo không chỉ đơn thuần là thể loại dân ca nghi lễ, mà còn có chỗ đứng vững vàng trong bộ môn Hát bội từ xa xưa. Về giá trị văn học, hát Bả trạo mguyên là văn chương bình dân, nhưng khi nhập vào bộ môn Hát bội lại được nâng lên tầm văn chương bác học.
– Cái duyên thứ 4, ngày 8 tháng 7 năm 1993 tôi đến Mỹ, định cư tại thành phố San Jose, CA. Không ngờ con ông Lê Trầm là Ban Quản Trị chợ Tân Lập nằm trên đường Senter, San Jose; và tôi liên lạc với Ông qua số phone (408) 929 1419. Lần này tôi lại được dịp hỏi thêm nhiều chi tiết về Lễ hội Cầu Ngư và hát Bả trạo ở Phước Lý. Tuy nhiên, ông là khách mời tham dự, vì thế chỉ có thể cung cấp về mặt nổi của Lễ hội mà thôi.
– Cái duyên thứ 5, ngày 20- 5- 1995 tại Sài Gòn, tôi tìm mua được trọn văn bản hát Bả Trạo, nhân chuyến về Việt Nam để tiếp tục viết cho xong tác phẩm “Thi ca VN Thời Cần Vương” với Mộng Bình Sơn.
– Cái duyên thứ 6, khoảng nửa sau thập niên 1990, tôi gặp cụ Võ Thùy, tên thường gọi là Thầy Ba Thùy, tại nhà Phan Minh Châu ở số 2425 Huran Dr., San Jose , CA 95122, gần Lion plaza (San Jose). Cụ Thùy, người làng Xương Lý, làm Thầy địa nổi tiếng trong vùng, và đáng kể nhất là thành viên nòng cốt của Ban Tổ Chức Lễ Hội Cầu Ngư hằng năm. Cụ từ VN sang Mỹ thăm con là Võ Tuấn (nhà thư họa của Bình Định), được Phan Minh Châu là nguòi cùng làng mời về nhà hàn huyên vài hôm. Nhân cơ hội ấy, tôi đến gặp Cụ và thu nhận nhiều chi tiết về lễ hội này. Có thể nói, nếu gặt hái ở ông Lê Trầm những chi tiết về hình thức Lễ hội, thì với cụ Thùy, những lần phỏng vấn qua số phone (408) 286- 3689, lột tả về nội dung của Lễ hội, từ quy luật cúng tế đến nghệ thuật trình diễn và làn điệu hát Bả Trạo. Cụ còn hứa, khi trở lại VN sẽ lục tìm cuộn băng video Lễ Hội Cầu Ngư có màn trình diễn múa hát Bả trạo, và chờ khi tôi về thăm Quê hương sẽ trao tận tay, chứ gửi qua bưu điện có thể bị lạc.
Nhóm Thư họa Võ Tuấn, gốc người làng Xương Lý, xã Phước Lý, quận Tuy Phước (nay là Nhơn Lý, thuộc thành phố Qui Nhơn) trưng bày thành tích Thư pháp, nhân ngày Hội Đồng Hương Bình Định Bắc Cali, tân niên Bính Thân ( 28- 2- 2016), tại nhà hàng Phú Lâm, San Jose. Chúng tôi, Đào Đức Chương, ghé thăm gian hàng của Võ Tuấn (Engineer hardware engineering), người mặc áo dài màu vàng. Thư pháp của Võ Tuấn, nét chữ đậm đà, khiến con chữ mạnh mẽ, chỉnh đốn; khác với trường phái thư họa Vũ Hối nét chữ thanh thoát, khiến con chữ sinh động “như phương múa rồng bay.”
– Cái duyên thứ 7, âu cũng là cái nghiệp! Tôi săn tài liệu cũng như người đi săn ảnh. Nhiếp ảnh gia kiên nhẫn chờ đợi hàng nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày, mặc cho trời đông gió lạnh, hoặc nóng bức ngày hè, để chụp cho được một bức ảnh đúng lúc nhất, ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất của tạo hóa, cống hiến cho nhân loại thưởng lãm.
Bởi thế, ngày 22- 6- 1997, tôi về Việt Nam, đến nhà Cụ Thùy ở số 153 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Thị Nại, Chợ Đầm, Qui Nhơn, số phone 011 84 56 820 168, để nhận cuộn băng quay Lễ hội Cầu Ngư và trình diễn Bá trạo. Thời ấy, muốn đem cuộn băng video ra nước ngoài, phải trao cho cơ quan kiểm duyệt trước một tuần, họ xem xét xong, nếu hợp lệ thì niêm phong bao bì, dán con niêm, đóng dấu và kèm theo giấy phép; người sở hữu phải trình cho hải quan mới được mang lên phi cơ.
– Và duyên thứ 8, là cái duyên cuối cùng, tình cờ thấy tại phòng khách nhà Phan Minh Châu treo một bức ảnh chụp toàn cảnh làng Xương Lý ngó ra Vũng Nồm. Nếu viết về Lễ hội Cầu Ngư ở Xương Lý, mà không có ảnh minh họa vị trí làng này là thiếu sót. Tôi mượn tấm ảnh để scan, và đem vào phần dẫn nhập bài viết.
Khi đề tài đã được sưu tập tài liệu đầy đủ, tôi bắt tay vào viết giữa mùa thu năm 1998, lấy nhan đề là “Ngày Xuân Và Lễ Hội Cầu Ngư”dài 12 trang đánh máy trên computer, dạng chữ Palatino Linotype, khổ chữ 12. Rồi tiếp viết bài “Hát Bả Trạo” dài 22 trang đánh máy, vào đầu mùa xuân năm sau.
Tôi nghĩ, bộ môn Bài chòi đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, vào ngày 7 tháng 12 năm 2017. Rồi ngày 5- 5- 2018 tỉnh Bình Định, nơi phát sinh mô hình nghệ thuật này đã được đón nhận vinh dự ấy.
Hy vọng, Lễ Hội Cầu Ngư ở làng Hưng Long và Xương Lý, cùng với bộ môn Hát Bả Trạo một ngày nào đó cũng sẽ được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhất là Hát Bả Trạo, không những thịnh hành ở các làng chài Bình Định, mà còn phổ biến rộng rãi tại các làng chài từ tỉnh Thừa Thiên đến Khánh Hòa.
San Jose, ngày 14- 02- 2023
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
(Trích Mục 4, Chương IX
Trong tập Bước Đường Biên Khảo)
Bài Cùng Tác Giả:
- Quê Tôi
- Ngày Xuân Và Lễ Hội Cầu Ngư
- Từ Võ Lý Đến Chiến Thuật
- Khung Trời Kỷ Niệm
- Với San Jose Giáp Bốn Mùa
- Hai Ngôi Chùa Hương
- Những Bài Khảo Luận Đầu Tay – Đoạn II: Đào Duy Từ, Cuộc Đời Và Sự Nghiệp 1572 – 1634 (Nhâm Thân – 17/ 10/ Giáp Tuất)
- Duyên Tri Ngộ – Đoạn 1: Gặp Mộng Bình Sơn
- Trận Rạch Gầm Xoài Mút
0 Bình luận