Chân dung Bùi Giáng
Có người nhìn Bùi Giáng với một tấm lòng đầy thán phục tinh thần một nhà thơ, có người nhìn ông như một biến cố, một hiện tượng, hay như một kẻ điên dại. Tôi lại khác hẳn, vì Bùi Giáng đã như một tầm vóc của tự nhiên, của một dấu vết đi ngoài bao giới hạn, định chế mà con người áp đặt, nên tôi có những cái nhìn về chiều sâu, chiều rộng của ông trong lòng con người Sài Gòn, trong lòng cuộc đời với đầy dẫy những bất an, cùng những vọng tưởng mà nhân loại đã cưu mang. Bùi Giáng như một hình ảnh để giải thoát tất cả trói buộc, một con người khi tỉnh, khi mê, khi mộng tưởng, khi hóa bướm, khi làm người…
Có thể nói Bùi Giáng đã đi vào con người Sài Gòn với từng ngày một, những chuỗi ngày đó trải dài, khiến cho chúng ta biết về ông còn nhiều hơn về tất cả những hình ảnh khác. Tôi không quen biết Bùi Giáng, thế nhưng tôi đã gặp ông rất thường xuyên trên các đường phố Sài Gòn, hình ảnh đó như một cái gì thân quen, không thể thiếu vắng, nhất là những ngày còn ở Cao đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn, không hiểu tại sao? Duyên cớ nào mà Bùi Giáng xuất hiện rất thường xuyên ở trước ngôi trường của chúng tôi, những quãng đời dài miệt mài cùng sơn với cọ.
Một buổi sáng vào năm 1972, tình cờ tôi gặp một người ăn mặc dị dạng, mon men đến bên cạnh một gánh hàng bán xôi, đột xuất ông giật gói xôi trên tay của một khách hàng vừa mới mua. Hành động này làm bà khách hàng tỏ ra bực bội, không ngừng chửi xối xả vào mặt ông. Ông chỉ cười hì hà và nhai một cách ngấu nghiến, nhai luôn cả những mảnh lá gói xôi, đồng thời ông tự nhiên nhảy múa như có vẻ khoái trá lắm. Câu chuyện này làm bao người hiếu kỳ chăm chú nhìn với một con mắt thật khó hiểu. Nhưng sau đó có người bộ hành hoàn trả lại cho khổ chủ mua xôi, ông ấy nói: “Bà xem tôi lớn tuổi như vầy, nhưng ông ấy lại là thầy của chúng tôi, thôi bà đừng phiền hà gì cả”. Câu chuyện được giải quyết một cách êm thấm. Hôm ấy, khi vào lớp học, trong giờ phối cảnh của kiến trúc sư Huyền Tôn Nữ Quỳnh Như, tôi thuật lại chuyện này, bà giáo tôi cười bảo: “Đó là thi sỹ Bùi Giáng.”
Một thời gian sau đó, tôi lại tìm thấy ông với một “mode” mới. Bùi Giáng lúc đó chẳng ngại cái nóng bức của Sài Gòn, ông mặc chiếc áo dài màu đen, bên ngoài lại thêm chiếc áo bà ba khác, rồi lại vận thêm cái veston Tây phương bên ngoài rõ là Đông Tây Kim Cổ. Lúc ấy ông đang lui cui ôm con gà nòi thật chiến, mon men đến bên một quầy hàng chiên bánh tiêu, bất thình lình, ông xông tới, đổ trọn cái chảo dầu, tiện đó dùng bàn tay vét lọ đen để bôi lên mặt mình. Tiếp đến, ông cũng không quên thoa lên cổ, lên đầu chú “gà độ” và nói thầm điều gì khó hiểu. Tuy vậy, những lần thiệt hại trên đều có người nể phục chi tiền để bồi thường, riêng phần ông, chỉ hì hà cùng nhảy múa một cách tự nhiên.
Cũng từ những lần gặp gỡ, hình ảnh của ông đã ăn sâu vào ký ức tôi. Đôi lúc tôi tự nghĩ, nếu như ông có điên dại, cái “điên” này cũng không phải như bao người điên khác. Chúng tôi đã gặp ông rất nhiều lần, khi ở Lăng Ông Bà Chiểu, khi ở các sạp báo ở đường Lê Lợi. Rồi những ngày đi qua, con người Bùi Giáng đã ăn sâu vào xã hội Sài Gòn, nó như hình bóng thân quen. Thậm chí còn nhiều hơn những tấm bích chương, những khuôn mặt chính trị mà tôi đã thấy nhan nhản trên vách tường ở các đường phố này:
“Ban ngày mặc quần đỏ, áo xanh
Ban đêm mặc quần xanh, áo đỏ…”
Đến những ngày sau 1975, Bùi Giáng vẫn cứ làm con người Bùi Giáng. Con người nhân chứng cho cảnh đời, cho bao bể dâu biến đổi và nếu như cuộc đời ví như một vở kịch thì người thắng cuộc lại là những người đóng trọn vai tuồng một cách xuất sắc.
Có lần Huy Cận về nói chuyện ở Cao đẳng Mỹ Thuật, Bùi Giáng lại xuất hiện, đi tới đi lui ở trước cổng trường và chửi đổng: “Mẹ mày Huy Cận, mẹ mày Huy Cận.” Một sinh viên đứng gác cổng trường vào báo cho ban giám hiệu cùng Huy Cận, nhưng tất cả đều im lặng.
Có lần vào năm 1977, tôi gặp lại tiên sinh với dáng dấp tiều tụy, hốc hác như người từ xa mới về, cũng với chiếc áo gấm đen, lai vãng trước cổng trường. Lúc đó Bùi Giáng quẩy trên vai một bó củi, đầu kia thì đầy nồi niêu soong chảo, hình ảnh này làm tôi liên tưởng đến các vị tiều phu thời xa xưa hay những người từ vùng “Kinh tế mới” trở lại đô thành. Bao hình ảnh chợt thoáng qua như một đoạn phim ngắn, một bối cảnh, quãng đời mà Sài Gòn đổi khác. Đời trở nên chật vật, trật tự xáo trộn, kinh tế khó khăn.
Tối hôm đó, khi đi ngang qua Lăng Ông, tôi bắt gặp Bùi Giáng tỏa mình ở giữa “Ngã ba Đường”. Chợt một người xích lô hỏi:
– Bác có muốn về nhà không?
Ông liền trả lời:
– Về thì về.
Một mạch ông nhảy lên xe và biến mất. Một con người thật đặt biệt trong ý tưởng của tôi, nó như những câu hỏi, những câu trả lời một cách tự nhiên, cùng những tất nhiên phải đến.
Sau thời gian đi vẽ ở Phan Thiết, Phan Rí, Cửa Cà Mau, Cần Thơ… trở lại Sài Gòn, bọn tôi kéo ra quán cà phê vỉa hè, ở cạnh ngôi mộ Nguyễn Văn Học. Buổi sáng hôm ấy, tôi lại gặp Bùi Giáng. Ông lúc này hiện thân như người bán thuốc lá, vẫn ăn mặc kỳ dị. Cái kỳ dị đó vẫn không làm chúng tôi thắc mắc mà nó trở thành bao hình ảnh thân thuộc.
Đến cạnh bàn chúng tôi ông mời:
– Mua thuốc không mấy anh?
Chúng tôi ngước nhìn ông và im lặng, thấy vậy ông bèn mở một bao thuốc lá hiệu Hàng Không, loại thuốc này chỉ bán ở phi trường cho những khách ngoại quốc, ông đưa ra một điếu và nói:
– Hút đi, cứ tự nhiên đi.
Chúng tôi bốn người chia nhau điếu thuốc, sau đó ông hỏi:
– Sao, thấy sao?
Tôi gật gù thích thú, ông xoè tay ra nói:
– Một đồng một điếu
Một anh bạn gửi tiền trả cho ông và hỏi:
– Thuốc ngoại phải không bác?
Ông trả lời:
– Liên Xô… Liên Xiếc… Liên Xô… Liên Xiếc
Kế đó ông ngồi xuống và hỏi:
– Mấy anh là sinh viên mỹ thuật?
Tôi trả lời:
– Đúng như vậy bác à…
Tôi hỏi:
– Bác người miền Trung phải không?
Ông đáp lại:
– Qua..ã..ng N.oôm.
Sau đó ít lâu, tôi ra hải ngoại, không còn gặp lại hình ảnh đó, một hình ảnh gắn chặt trong khoảng thời niên thiếu của chúng tôi. Cuộc sống và người vẫn thay đổi, những đột biến cùng con người Bùi Giáng luôn làm những tín hiệu của thời thế, tôi chợt nhớ lại vài câu lục bát hay của ông mà tôi đã đọc lâu lắm rồi, như bài Phùng Khánh Mẫu Thân:
“Mẹ về trong cõi người ta,
Một hôm mẹ gọi con ra bảo rằng
Trần gian vui sướng lắm chăng?
Hay là đau khổ hỡi thằng chiêm bao?”
Ðã bao lần ngồi uống cà phê bên cạnh Quỳnh Thi, nàng nói: “Nhiều khi thấy tội nghiệp. Mẹ mình mang Cậu về nhà tắm gội cho sạch sẽ, xong xuôi đâu đó, Bùi Giáng đi thẳng một mạch đến sào phơi quần áo, lấy cái quần lót, đội lên đầu rồi một mạch rời khỏi nhà một cách tự nhiên.”
Tôi mỉm cười hỏi:
– Em có biết về bài thơ “Thu Ba ngồi cạnh Thu Bồn không?”
– Biết, ai trong họ hàng của Cậu cũng biết.
Thực ra, nói cho cùng, những hiện tượng về fetish, pissing ở phương Tây cũng đầy dẫy khắp nơi. Ở Á châu, Trung Hoa, thời nhà Minh, Thanh cũng phổ biến nhiều về những tranh in gỗ nói về dục tính, luôn cả trong văn học. Ở Việt Nam, thời Bùi Giáng cũng chẳng ngần ngại phát biểu lên cho dù dưới dạng thơ ca, ví như: “Cô Kim Cương nó đái trong mày chuồn ơi…” Từ xưa đến nay mọi thứ đều có thể đi đến lỗi thời, duy chỉ có dục tính luôn luôn cập nhật, luôn luôn mới mẻ. One of two things never go out of fashion… Ở nhiều quốc gia tiến bộ người ta đã chẳng ngần ngại nghiên cứu soạn thảo ra hàng khối sách như “Érotisme dans l’art plastique”.
Sau bao ngày xa vắng, Sài Gòn đã thay đổi nhiều, nhưng khi dạo bước trên các vỉa hè, bên những gốc cây, tôi liên tưởng đến một nhà thơ xứ Quảng, một con người Việt Nam chẳng khác như một Van Gogh, một Antonin Artaud vậy.
1998-2003
La Toàn Vinh
Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=338&rb=0102
0 Bình luận