Đạo diễn Trần Anh Hùng (phải) và đạo diễn Phạm Thiên Ân (trái) thắng hai giải với phim với chủ đề nghệ thuật nấu ăn của Pháp và đi tìm lẽ sống tại Liên hoan phim Cannes 2023

Đạo diễn Trần Anh Hùng và đạo diễn Phạm Thiên Ân thắng hai giải với phim mang chủ đề nghệ thuật nấu ăn của Pháp và đi tìm lẽ sống tại Liên hoan phim Cannes 2023.

Đạo diễn người Pháp gốc Việt, Trần Anh Hùng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất với phim ‘La Passion de Dodin Bouffant’ (The Pot-au-feu) trong lễ trao giải vào tối ngày 27/5 theo giờ Pháp, sáng ngày 28/5 giờ Việt Nam.

Đạo diễn Phạm Thiên Ân được trao giải Camera d’Or với ‘Bên trong vỏ kén vàng’ (Inside the Yellow Cocoon Shell) tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76.

‘Trần Anh Hùng tạo nguồn cảm hứng’

‘The Pot Au Feu’ là bộ phim lấy bối cảnh cuối thế kỷ 19 tại Pháp, dựa theo tiểu thuyết ‘The Passionate Epicure’ năm 1924 của nhà văn Marcel Rouffe.

Bộ phim mô tả tỉ mỉ cách nấu ăn kéo dài gần 40 phút, và tái hiện một mối tình chậm rãi cùng cốt truyện tối giản giữa đầu bếp Eugenie do nữ diễn viên Juliette Binoche thủ vai và Dodin, một người sành ăn do nam diễn viên Benoît Magimel đóng trong bối cảnh một lâu đài tại Pháp.

“Đạo diễn Trần Anh Hùng là tấm gương sáng và người đồng hành nhẫn nại cùng các nhà làm phim trẻ Việt Nam, trong đó có tôi,” đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ từ Việt Nam bình luận với BBC News Tiếng Việt.

“Chiến thắng Đạo diễn xuất sắc nhất cùng bộ phim thứ bảy trong sự nghiệp của anh tại Cannes 2023 nhắc nhở tôi và thế hệ của mình rằng, hành trình của một nhà làm phim rất dài, cần nhiều nỗ lực và kiên định với mục tiêu nghề nghiệp của mình. Không phải ai cũng có dịp được đứng trên bục vinh quang, nhưng ai cũng có thể đi con đường riêng của mình bằng tình yêu thuần khiết – đó là bài học quan trọng nhất tôi nhận được từ anh.”

Trong phỏng vấn với Variety ngày 27/5, đạo diễn Trần Anh Hùng cho biết ‘dự án trong mơ’ của ông là về Đức Phật Thích ca, “với di sản tâm linh đã trải dài 25 thế kỷ qua”.

Ngoài ra đạo diễn 60 tuổi cũng mong muốn làm một bộ phim tại Việt Nam với toàn bộ dàn diễn viên là nữ, theo Variety.

Đạo diễn người Pháp gốc Việt, Trần Anh Hùng thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất với phim ‘La Passion de Dodin Bouffant’ (The Pot-au-feu)

Đạo diễn Trần Anh Hùng nổi tiếng với tác phẩm Mùi đu đủ xanh (The Scent of Green Papaya) khi đạt giải Caméra d’Or tại Liên hoan phim Cannes 1993. Bộ phim này cũng lọt vào danh sách đề cử Oscar rút gọn tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất vào năm 1994.

Sau đó vào năm 1995, đạo diễn Trần Anh Hùng đã tiếp tục đạt giải Golden Lion (Sư Tử Vàng) tại Liên hoan phim Venice với Xích lô (Cyclo) có sự tham gia của nam diễn viên nổi tiếng Lương Triều Vỹ.

Lấy bối cảnh tại Sài Gòn, Xích Lô (Cyclo) đã bị cấm chiếu tại Việt Nam, với lý do “phản ánh xã hội đau thương, cảnh bạo lực không phù hợp với hiện thực Việt Nam”.

“Đúng là phim Xích lô là một chuyện buồn của ngành điện ảnh Việt Nam. Một bài học điển hình về cách đối xử với tài năng nghệ thuật và các tác phẩm đỉnh cao của bộ máy quản lý nghệ thuật một nước tiểu nông,” nhà văn Thái Kế Toại viết hồi năm 2010.

Video phỏng vấn giữa phóng viên BBC David Hannah và đạo diễn Trần Anh Hùng tại London nhân dịp ra mắt phim Rừng Na Uy (Norwegian Wood) trong Tuần phim Á châu vào năm 2014.

Báo Dân việt vào ngày 20/5 có bài ‘Vì sao đạo diễn gốc Việt tranh giải Cành cọ vàng LHP Cannes 2023 “ngại” về Việt Nam làm phim?’ dẫn lời đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẻ những khó khăn khi làm phim tại Việt Nam.

“Khi trở về Việt Nam vào năm 1999, tôi muốn làm Mùa hè chiều thẳng đứng để kể về con người Việt Nam, một bộ phim rất nhẹ nhàng, hiền khô, chỉ có thế thôi nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn. Khi tiếp cận đến nội dung Việt Nam, tôi đã phải chịu thua về sự tự kiểm duyệt vì có quá nhiều vấn đề bất khả thi. Để rồi sau đó tôi không thể nào thuyết phục một nhà sản xuất Pháp tới Việt Nam để làm phim về Việt Nam được”.

Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên vào năm 2021, đạo diễn Trần Anh Hùng từng trải lòng về lý do ‘ngại’ về Việt Nam làm phim từ sau Mùa hè chiều thẳng đứng (2000).

“Làm phim ở Việt Nam là tôi căng thẳng hơn hẳn vì cứ phải tự kiểm duyệt. Trong khi đó, với những dự án ở nước ngoài, quá trình sáng tạo được tự do và có nhiều niềm vui hơn. Nó khuyến khích mình làm việc,” ông nói với báo Thanh Niên.

‘Bên trong vỏ kén vàng’ (Inside the Yellow Cocoon Shell) có thời lượng 182 phút, mang chủ đề đi tìm lẽ sống, với cảnh sương mù giăng khắp núi đồi cùng câu hỏi “thế nào là đức tin”

‘Bên trong vỏ kén vàng’ trăn trở với ‘thế nào là đức tin’

Đạo diễn Phạm Thiên Ân được trao giải Camera d’Or với ‘Bên trong vỏ kén vàng’ (Inside the Yellow Cocoon Shell) tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76.

‘Bên trong vỏ kén vàng’ của đạo diễn Phạm Thiên Ân có thời lượng 182 phút, mang chủ đề đi tìm lẽ sống, với cảnh sương mù giăng khắp núi đồi cùng câu hỏi “thế nào là đức tin”.

Nội dung phim là một người đàn ông đấu tranh trên hành trình đi tìm linh hồn thật của mình.

Trả lời đài RFI Tiếng Việt, ‘Vỏ kén’ được đạo diễn Phạm Thiên Ân cho rằng là vỏ bọc của con người trong xã hội chạy theo danh vọng và tiền bạc và xoay quanh câu hỏi “Sống vì điều gì”.

Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ đánh giá việc bộ phim đầu tay của đạo diễn Phạm Thiên Ân được chọn lựa để trình chiếu tại LHP Cannes 2023 “là một chiến thắng”.

“Điều này xảy đến trong thời điểm nhiều nhà làm phim trẻ muốn mang tới những cách thể hiện mới trong điện ảnh đang rất khó khăn với con đường của mình, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Niềm khích lệ lớn lao này nói rằng hãy cứ chân thành với ước mơ của mình, đi tới phía trước cùng lòng quả cảm và thái độ trìu mến,” đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ bình luận với BBC.

Đạo diễn Trần Anh Hùng và đạo diễn Phạm Thiên Ân là hai cái tên Việt Nam duy nhất được xướng danh trong đêm trao giải Liên hoan phim Cannes lần thứ 76.

Các giải thưởng tại Cannes 2023

Giải thưởng danh giá nhất của liên hoan phim Cannes năm nay, ‘Palme d’Or’ (Cành Cọ Vàng) được trao cho Anatomy of a Fall, một bộ phim thể loại thriller (giật gân) bí ẩn, về một nhà văn bị cáo buộc giết chồng, do đạo diễn người Pháp Justine Triet ‘cầm trịch’.

Bà trở thành nữ đạo diễn thứ ba giành giải thưởng danh giá này. Người đầu tiên được trao giải vào năm 1955.

Đạo diễn Justine Triet đã đánh bại 21 phim khác, bao gồm các phim mới từ những đạo diễn kỳ cựu như Wes Anderson và Ken Loach.

‘Palme d’Or’ là giải thưởng cao nhất của Liên hoan phim Cannes và được giới thiệu vào năm 1955.

Grand Prix, giải thứ hai, được trao cho đạo diễn người Anh Jonathan Glazer cho phim The Zone of Interest, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn quá cố Martin Amis về một gia đình sống cạnh trại tập trung Auschwitz.

Fallen Leaves, thể loại hài lãng mạn của Phần Lan được nhận giải Jury Prize (giải thưởng thứ ba) của liên hoan phim Cannes.

Phim Kaibutsu (Quái vật) của Nhật Bản được trao giải kịch bản phim hay nhất.

Giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất được trao cho Koji Yakusho đến từ Nhật Bản, với vai một người đàn ông trung niên ở Tokyo, đi dọn nhà vệ sinh trong phim Perfect Days của đạo diễn Wim Wenders.

Giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất được trao cho diễn viên Thổ Nhĩ Kỳ, Merve Dizdar với vai diễn trong ‘About Dry Grasses’.

Harrison Ford cũng nhận giải ‘Palme d’Or’ danh dự’ trước buổi công chiếu phim mới của ông, Indiana Jones and the Dial of Destiny.

Những huyền thoại Hollywood như Martin Scorsese, Robert De Niro, Quentin Tarantino, Isabella Rossellini và Sean Penn đều đã xuất hiện trên thảm đỏ Liên hoan phim Cannes lần thứ 76 tại Pháp.

BBC Tiếng Việt

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd1rxz0wwdpo

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận