Em ơi đừng đành đoạn
đừng lặng thinh miết
hãy kể dùm qua* một đời thất sắc…
[Không phải thơ của Nguyễn Tà Cúc]


Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ bạn hữu và cựu-độc giả Khởi Hành, rằng bao giờ thì tôi viết về Tô Thùy Yên. Ông qua đời chỉ cách đây mấy ngày. Tôi không có thói quen viết về những người bạn trong giới văn nghệ  đã rời tôi, nhưng lần này sẽ viết. Giữa tôi và Tô Thùy Yên có một sự liên hệ thân hữu khiến tôi “nợ” ông một món đặc biệt mà sẽ đề cập sơ qua. Không, không phải mối ái tình lâm ly, quý bạn chớ có mừng sẽ được đọc Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân [Nguyễn Du]. Tô Thùy Yên từng đặt cho tôi biệt danh “Bông cúc lửa” nên tôi chân thành hy vọng rằng bài viết sau đây, có thể không xuôi tai vui mắt, nhưng sẽ góp được một phần khiêm nhượng vào tiểu sử cuộc đời sáng tác của một trong những thi sĩ lớn nhất Việt Nam. Tôi viết bài này, không chỉ trả một món nợ riêng mà còn để làm tròn một lời giao ước với ông.

A-  Một lời giao ước

Cách đây rất nhiều năm, khi chưa quen biết nhau lắm,Tô Thùy Yên gọi điện thoại cho tôi. Dĩ nhiên tôi sửng sốt, không phải vì quá ái mộ, mà vì bất thường. Ông cho hay bà Trần Mộng Tú, trong một bữa họp mặt, đã đả kích tôi dai dẳng về một bài viết không liên quan gì đến cả bà ta lẫn Tô Thùy Yên. Cuối cùng, chính Tô Thùy Yên và một người quen tôi tình cờ có mặt, phải nhiều lần yêu cầu bà ta chấm dứt. Ông cung cấp những chi tiết không thể bịa đặt được. Một trong những chi tiết đó là việc rêu rao tôi đã “làm quen” trước; trong khi, sau bao nhiêu năm, tôi vẫn còn giữ lá thư mời đến dự cuộc ra mắt sách của bà ta tại trụ sở tờ báo Thế Kỷ 21. Tôi thừa biết bà ta thuộc môn phái Thơ “Xi rô-Nước đường” (nguyên văn của một đồng nghiệp bên Hợp Lưu) chứ tôi không phải tay mơ như bà ta tưởng lầm. Tôi quen (lớn)– từ anh Đỗ Ngọc Yến, người sáng lập Nhật báo Người ViệtThế kỷ 21 cho tới anh Lê Đình Điểu, người điều hành– nên có quyền coi bà Tú là đồ bỏ. Tôi từng viết về việc đã được 2 anh ấy đề nghị về làm cho Thế kỷ 21, VNCR Người Việt với một số lương hậu hĩnh thì xá gì thứ nhà thơ đêm buồn tỉnh lẻ như Trần Mộng Tú?  Dù sao chăng nữa, Tô Thùy Yên vẫn làm tôi rất cảm động vì, thói thường đàn ông không hay lắm lời, mà ông lại có đủ thương tâm mà báo động trong khi tôi đang là tâm điểm của một cuộc đánh phá quy mô và tàn nhẫn.

Năm 2014, nhận được cuốn Văn học Miền Nam: *Nhóm *Tạp chí văn học * Tác giả, ông gọi tôi. “Rất thích thú,” ông nói vậy. Đây là lần đầu tiên ông được đọc những bài phê bình theo đúng “bài bản” đại học với các phương pháp đã quy định chặt chẽ và với một kiến thức hiếm có về văn học và tác giả Miền Nam được chọn. Nhắc tới những khám phá mới được tôi trình bày về bài thơ “Bài Phượng liên” và tập Hóa Thân (Viên Linh) rồi thêm mấy chương về bản dịch Việt ngữ  Kinh Thánh Tin Lành thuộc Hội Thánh Tin lành Đông Pháp, ông cho rằng sứ mạng của một nhà phê bình, nhất là trong buổi “chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau”, thật nặng nề. Từ gần 20 năm trước, ông đã gọi công việc tôi làm là “lủi thủi tìm nhặt những mẩu xương rồi cố ráp lại một hình hài toàn vẹn“. Ông ngậm ngùi đọc mấy câu thơ trong cái sầu thiên cổ của một trẻ một già nhưng đều có lần đã hiểu thế nào là sự tuyệt vọng:

Ta về như bóng ma hờn tủi 
Lục lại thời gian, kiếm chính mình. 
Ta nhặt mà thương từng phế liệu 
Như từng hài cốt sắp vô danh.

Rồi ông có nói một câu làm tôi mủi lòng: ” “Qua” có lần nói với em, Tô Thùy Yên là ‘le benjamin’ của nhóm Sáng Tạo. Còn em, em là ‘le benjamin’ của tất cả mấy “qua”. Đừng đành đoạn bỏ viết.”

Ông nói thế vì biết tôi rất được sự thương mến của các “xã trưởng văn nghệ” (lời Tô Thùy Yên) từ Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyễn Sĩ Tế, Cao Tiêu cho tới Mặc Đỗ. Họ đã chia sẻ với tôi bao nhiêu là tin tức từ sự hoạt động của họ. Một số trong những người này còn đã bị giam nhiều năm nên họ càng muốn hỗ trợ tinh thần cho tôi (Thư ký Tòa soạn) để Khởi Hành sống được mà làm một chỗ phổ biến về Văn học Miền Nam.

Tôi cũng khác với nhiều phụ nữ mà ông đã quen vì tôi biết nhiều về đời lính. Hầu hết những người bạn thân đã bênh vực  giúp đỡ tôi từng xuất thân từ Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tôi đã đọc nhiều bài nhưng chưa thấy ai nhắc sâu xa đến thời Tô Thùy Yên phục vụ tại Cục Tâm lý chiến với Tạ Tỵ, Hà Huyền Chi vv. Tô Thùy Yên có cho tôi một cái hình chụp hồi còn đeo lon thiếu tá mà bây giờ chưa tìm ra. Đúng như Hà Huyền Chi kể với tôi, cậu văn thi sĩ nào ăn mặc bê bối xộc xệch thì không biết, nhưng giầy bốt-đờ-sô và cái khóa thắt lưng của thiếu tá Tô Thùy Yên lúc nào cũng bóng loáng. Tôi có đem chuyện ấy ra trêu Tô Thùy Yên: “Này, anh có nhớ đánh bóng lon của anh không đấy?!” Tô Thùy Yên cười hà hà: “Có chớ, sao lại không? Tôi rất tuân hành nghiêm chỉnh bất cứ lề thói nào mà mình sống. Bởi vậy, tôi  không coi trọng cái lon nhưng coi trọng cái gì nó đại diện.” Cái- gì -đại -diện đó là Việt Nam Cộng hòa cộng thêm tội làm thơ và 13 năm tù sau này.

Ông biết rất rõ tôi có thể bỏ viết bất cứ lúc nào sau khi đã làm xong bổn phận, chứ không phải sứ mạng. Tôi tự nguyện giao ước, rằng tôi sẽ giúp những gì thuộc về tác phẩm của ông sẽ không bị khai tử một lần nữa sau lần phần thư 1975, chỉ vì thứ tình yêu thái quá mà hết sức bất cẩn của những người tôn thờ thơ ông. Cách đây vài ngày, lời giao ước ấy thành sự thật một cách bất ngờ.

Vài người bạn gái, rất yêu thơ Hà Huyền Chi, báo cho tôi biết một bài thơ nổi tiếng của Hà Huyền Chi bị lọt vào một trang thơ của Tô Thùy Yên đăng trên Mạng Văn Việt. Tôi vào Văn Việt xem hư thực ra sao. Không những mấy cô bạn ấy nói đúng, tôi còn tìm ra một số tin tức rất nên xét đến vì vị trí của Văn đoàn Văn Việt hiện nay. Văn đoàn này dù gì cũng là một tổ chức hùng hậu, quy tụ nhiều nhân sự danh tiếng, dễ được truy cập hơn các mạng văn học ngoài nước, cộng thêm sự nhiệt huyết về các-thứ, kể cả Văn học Miền Nam. Tôi sẽ cho thấy, trong trường hợp Tô Thùy Yên, không những nhiệt huyết ấy có lẽ không giúp Văn Việt thành công trong sứ mạng tự đặt ra, mà còn đầy sơ hở khi thực hiện sứ mạng ấy.

B-  Thiếu sót hay/và sai lầm của Văn Việt trong những bài viết về Tô Thùy Yên

 1.1 Tác giả bài MỘT LẦN CUỐI KHÁC là Hà Huyền Chi, không phải Tô Thùy Yên

Khi tôi viết những giòng này vào đêm 26 tháng 5 thì Mạng Văn Việt vẫn đăng “Một lần cuối khác” (Hà Huyền Chi)  trong phần sưu tầm “Thơ Tô Thùy Yên” của Nguyễn Thanh Châu:

           -“Cách nay ít lâu, khi giới thiệu chùm thơ của Nh. Tay Ngàn, chúng tôi đã nói đến việc sưu tập thơ của nhà thơ Nguyễn Thanh Châu […] Việc làm của ông giúp cho các nhà nghiên cứu cũng như độc giả có thể có được một cách nhìn nhận toàn diện, kỹ càng hơn với mỗi nhà thơ. Văn Việt xin lần lượt giới thiệu ba phần Thơ của Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền và Cung Trầm Tưởng, do nhà thơ Nguyễn Thanh Châu gửi đến…” [Thơ Tô Thùy Yên, 17 Tháng Ba, 2019, http://vanviet.info/tho/tho-t-thy-yn-3/]      

Và cho đăng bài này giữa bài “Người ngoài hoang đảo” và “Mộ khúc“:

MỘT LẦN CUỐI KHÁC

Em hãy cho ta vay nụ cười,
Dù mai mình bỏ dở cuộc chơi.
Mai sau trên những khung tình nhớ,
Nhớ những tàn phai cũng đủ rồi.
 
Em hãy cho ta niềm hãnh diện,
Chỉ là chút ít bọt bèo thôi.
Ta đến tình yêu bằng cửa chính,
Cũng bằng cửa ấy lúc chia phôi.
 
Em hãy cho ta tin tưởng mãi,
Những lời thề ngọt uống trên môi,
Những đêm thừa gió trăng man dại,
Những tháng mưa đông vắng mặt trời.
 
Em hãy cho ta đầy bất hạnh,
Ông vua nhu nhược bị nhường ngôi,
Làm tên thủy thủ trên sa mạc,
Đợi sóng đêm về nhớ biển khơi.
 
Em hãy cho ta lần cuối khác,
Một ngày hẹn chót dẫu xa xôi.
Ta ươm một nhánh cây hy vọng,
Sẽ nở hoa xanh ở cuối đời.

Nhưng như chứng minh, bài thơ này–sáng tác vào tháng 7.1974– đã được Hà Huyền Chi cho đăng vào tập “Không gian vương dấu giầy: Tuyển tập 30 năm”, trang 144-145, Nhà Xuât bản Chuông Việt, Ấn bản lần thứ nhất, San Jose, California, 1988. Bản Văn Việt sai 1 chữ: một chứ không phải nhiều: Nhớ những tàn phai cũng đủ rồi/ Nhớ một tàn phai cũng đủ rồi.

1.2     Xuất xứ của các bài thơ còn lại

Các bài thơ còn lại thường không có xuất xứ rõ ràng như ngày tháng hay số trang vv.  Thế nên, Văn Việt đã sai khi khẳng định: “Việc làm của ông giúp cho các nhà nghiên cứu cũng như độc giả có thể có được một cách nhìn nhận toàn diện…” (bđd). Loại sưu tầm này chỉ dành cho độc giả. Không nhà nghiên cứu nào dám sử dụng loại tài liệu đó vì họ không thể tin vào một văn bản đã bị số hóa mà lại không có xuất xứ để tìm kiếm hay kiểm chứng. Bằng chứng nhỡn tiền là bài “Một lần cuối khác” như đã dẫn. 

Bài “Ba mươi tuổi” và “Người ngoài hoang đảo” là một bằng chứng khác. Hai bài này đã đăng trên “Tuần báo Khởi Hành số 10, trang 9, ‘Ra Ngày thứ năm 3. 7. 69’, Sài gòn”; nhưng khi được đăng lại trên Văn Việt đã không có xuất xứ. “Người ngoài hoang đảo” còn thiếu mất một câu (“Muốn đi không nơi“) cũng như không kết thúc bằng ba dấu chấm (…).

Ngoài ra, bài “Mộ Khúc“, sáng tác vào năm 1973, đã xuất hiện trong cuốn Tuyển tập Thơ, trang 83, Edition lmn, Bonn, Đức quốc, 1994. Bản của Nguyễn Thanh Châu trên Văn Việt sai 2 chữ trong câu “Kể ra e cũng đôi điều lạc sai” (bđd). Theo nguyên bản thì “Kể ra e cũng ít nhiều lạc sai” trừ phi Tô Thùy Yên chữa lại, nhưng người đọc cần phải biết chi tiết đó một cách rõ ràng và bằng văn bản, nếu được.

Tôi có biết tới nỗ lực đáng cổ võ của anh Nguyễn Thanh Châu. Viêc sưu tầm thơ văn hết sức mệt mỏi, nhầm lẫn là thường. Bởi thế, những thiếu sót này lẽ ra có thể tránh khỏi nếu người có trách nhiệm nơi anh gửi bài đến giúp anh hoàn chỉnh.

2.1  Những chi tiết sai lầm trong tiểu sử Tô Thùy Yên

Một số chi tiết về tiểu sử của Tô Thùy Yên trên Văn Việt hoặc không chính xác hoặc không đúng. Đây là những chi tiết đã đăng vào ngày 22. 5. 2019:

          -“Văn Việt vừa nhận được tin buồn: nhà thơ Tô Thuỳ Yên, một cộng tác viên của Văn Việt, đã từ trần vào ngày 21/5/2019 tại Houston, Texas Hoa Kỳ […] Đã xuất bản: Thơ Tuyển (một ấn bản tại Đức năm 1994, một ấn bản tại Mỹ năm 1995), Thắp Tạ (năm 2004) […] Vẫn theo tác giả Trần Doãn Nho, từ khi qua định cư tại Hoa Kỳ, Tô Thùy Yên cư ngụ tại thành phố Houston, tiểu bang Texas […] Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một bài viết của nhà thơ Ý Nhi về Thơ Tô Thuỳ Yên, đã đăng trên Văn Việt ngày 12/10/2016.” [“Vĩnh biệt nhà thơ Tô Thùy Yên”, Ngày 22.5.2019, Văn Việt, http://vanviet.info/van-de-hom-nay/vinh-biet-nh-tho-t-thuy-yn/]

Tôi sẽ cung cấp tài liệu cho thấy các tin tức này sai một cách cẩu thả …

2.1  “Thơ Tuyển (một ấn bản tại Đức năm 1994, một ấn bản tại Mỹ năm 1995)…”[Văn Việt, bđd]

Trật lất! Tuyển tập thơThơ tuyển là 2 cuốn khác nhau. Tuyển tập thơ do Nhà xuất bản lmn xuất bản tại Bonn, Đức quốc vào năm 1994. Cuốn này rất hiếm nên ít người biết xuất xứ, dẫn đến sự nhầm lẫn như Văn Việt và nhiều người khác đã nhầm lẫn. Ba chữ “lmn” là viết tắt cho tên của họa sĩ [L]ê Trọng Phương, nhà thơ [M]ai Vi Phúc và nhà thơ Viên Linh-Nguyễn [N]am. Lê Trọng Phương đảm nhận phần vẽ bìa và trình bày sách. Bất cứ độc giả nào cũng có thể nhận ra ngay sự khác biệt qua tên của chúng. Bất cứ ai cũng có thể làm một tuyển tập thơ, nhưng chỉ có tác giả mới tuyển được thơ của họ. Các bạn Văn Việt phụ trách mục này không thấy, ngay ngoài bìa, Tô Thùy Yên đã phải ghi rất rõ “Tác giả xuất bản” sao? Để phòng ngừa…quý bạn?! Đúng là Than ôi, trời đã bỏ rơi dân vì quý bạn còn… khoe Tô Thùy Yên là “cộng tác viên” của quý bạn! Tôi rất tiếc là anh ấy đã qua đời. Nếu không, tôi sẽ nhấc điện thoại hỏi xem anh ấy đã cộng tác với quý bạn trong tinh thần nào. Những kẻ chậm tiến như vậy mà dám nhơn nhơn bố cáo một thi sĩ cỡ Tô Thúy Yên là “cộng tác viên” thì quả không lễ nghĩa Kẻ mới tới bày tòa giữa chợ, Giải người ra, sỉ mạ ba đời.

Ba người nêu trên dự định lập “Tủ sách Thi ca Hiện đại” nhắm xuất bản thơ Miền Nam nhưng chỉ mới xuất bản được vài cuốn, trong số có cuốn này. Thơ tuyển do chính Tô Thùy Yên xuất bản tại Hoa Kỳ vào Mùa Thu 1995. Ngoài ra, nội dung 2 cuốn khác nhau nên không thể dùng chữ “một ấn bản” tại Đức, tại Mỹ vv.

2.2  “từ khi qua định cư tại Hoa Kỳ, Tô Thùy Yên cư ngụ tại thành phố Houston, tiểu bang Texas…” [Văn Việt, bđd]

Càng không thể sai hơn được nữa: Tô Thùy Yên định cư tại Minnesota trước.

2.3 Tác giả bức ảnh của Tô Thùy Yên

Hoài Nam là tác giả bức ảnh đã thấy xuất hiện ở nhiều nơi, kể cả trên Văn Việt nếu tôi không nhầm. Năm 1998, tôi phỏng vấn Tô Thùy Yên để Khởi Hành làm một số chủ đề. Ông gửi cho bức ảnh mà ông rất thích và thêm 3 bài thơ mới làm. Tôi bình phẩm: “Trông anh giống người da đỏ nhỉ?” Rồi tiếp: “Bọn mình cũng giống dân da đỏ ở chỗ bị đuổi, bị diệt hay phải tình nguyện /cưỡng bách ra đi.” Ông đồng ý về “cả hai.” Tôi phải công nhận nhà thơ Viên Linh là một tay làm báo tuyệt vời. Không ai có thể so sánh với Viên Linh về tài trình bày báo và sách trước và sau 1975, tôi dám nói thế. Anh ấy biến cái ảnh ấy thành trắng đen khiến có tác dụng khác ngay.

2.4     Một chuyện bên lề

Tôi phải nói trước rằng tôi đã phải cân nhắc rất lâu về chuyện-bên-lề sắp đề cập tới: đó là bức chân dung to tướng [“chình ình” nói theo kiểu Nam-kỳ-chúng-tôi] của nhà thơ Ý Nhi kèm vào bài viết về Tô Thùy Yên [http://vanviet.info/van-de-hom-nay/vinh-biet-nh-tho-t-thuy-yn/].

Tôi phải “cân nhắc”, không vì sợ bị hiểu lầm, mà vì không biết có xứng đáng được nhắc đến hay chăng sau khi đã trưng cầu ý kiến của một số độc giả vô danh tiều tốt. Cuối cùng, tôi quyết định là “nên” vì những lý do này. Thứ nhất, báo mạng thì vẫn là báo, vẫn nên trình bày cho đàng hoàng. Ảnh chụp/chân dung/bức vẽ một người viết về một người khác thì không thể vượt quá ảnh/ chân dung đối tượng. Thú thật, lúc mới trông thấy, tôi đã lập tức tưởng lầm, Nam mô a di đà Phật, bà Ý Nhi đã …quá cố với một cái chân dung đen- thui [đen-thùi-lùi, cũng theo kiểu nói của Nam kỳ-chúng tôi]. Thật là hú vía. Nói của đáng tội, cái chân dung này rất mỹ thuật nhưng cái kiểu cho lên-nhựt-trình thì hoàn toàn không đúng chỗ và đúng lúc, theo tôi. Tôi có xem qua nhiều trang khác để xem đó có phải là một thứ truyền-thống-trình-bày-phản-cảm của ban phụ trách phần này của Văn đoàn Việt Văn, à quên, Văn Việt, nhưng, nói cho công bằng, tôi chưa gặp lại một trường hợp tương tự. Thứ hai, cái chân dung này lại đăng ngay [tôi phải gạch dưới hai chữ này] chình ình dưới cái ảnh mờ mờ ảo ảo- thiếu -thẩm- mỹ- thua- xa- bản -chính của người bạn quá cố của tôi thì rất khó …”đành đoạn lặng thinh miết”. Nếu đăng nhỏ hơn và đăng ở cuối bài thì đã không …phản cảm đến nỗi vậy. Quý độc giả thập phương không tin cứ vào mà xem. Thứ ba, không cần lý do nào cả. Có thể là tôi sai, nhưng, Ừ, tôi bênh bạn tôi đấy. Tôi không bênh bạn tôi thì ai bênh bạn tôi?

C-  Tô Thùy Yên và Cộng sản

Tôi không bao giờ muốn viết một bài chỉ nêu ra những tin tức nhầm lẫn mà không đóng góp tài liệu hoặc ý kiến để hy vọng tình trạng sai lầm ấy trở nên khá hơn. Thế nên, ngoài những tài liệu đã dẫn, để kết thúc bài này, tôi muốn bầy tỏ một điều chưa hoặc ít thấy được bày tỏ về Tô Thùy Yên. Đó là ông rất căm ghét chế độ Cộng sản Việt Nam.

Những thứ “vượt lên thù hận…”, “khai giải“, “giải oan” vv và vv khi nhắc tới thơ ông, điển hình trong “Ta về“, chỉ là đồ bỏ, theo tôi. Không cần một nhà thơ lớn cỡ Tô Thùy Yên mới làm được. Hàng trăm ngàn dân Miền Nam bị đuổi đi Kinh tế mới đến nỗi gia đình ly tán, chết bờ chết bụi và/hay bị cầm tù v v. đã làm được điều đó. Sài gòn đã không còn mang tên Hồ Chí Minh ở bất cứ nghĩa nào. Không chỉ dân Miền Nam, dân miền Bắc cũng vậy. Chính tôi đã và đang được nhận sự hỗ trợ vô giá về tài liệu từ anh em nghiên cứu từ Miền Bắc. Bởi thế, tôi cần nói một điều hết sức quan trọng về Tô Thùy Yên: Không những ông căm ghét chế độ Cộng sản vì sự dã man tàn hại với dân chúng, với văn hóa Việt Nam; ông còn chính thức công khai kết tội những người Cộng sản đã hủy diệt đời thơ của Thanh Tâm Tuyền, người bạn chí thiết của ông. Tôi nói “công khai” mà không ghi nguồn để các bạn …phát ngôn -bừa bãi về Tô Thùy Yên nên cẩn thận mà tìm hiểu về ông sâu xa hơn. Đừng nên quên rằng ông phân biệt rất rõ chính phủ Cộng sản và người dân Việt Nam. Một trong những lý do ông cho xuất bản Thơ Tuyển là để bầy tỏ thái độ của ông với nhà cầm quyền này:

          -“[…] Thêm nữa, tôi cũng còn muốn, qua việc xuất bản đó, gián tiếp nói lên với nhà cầm quyền hiện nay ở Việt Nam rằng tôi, giữa đông đảo những người cầm bút khác của miền Nam trước đây, đã chẳng hề chối bỏ những tác phẩm đã được hình thành trong quá khứ của mình, rằng qua bao nhiêu dập vùi đày đọa, những thi sĩ vẫn còn sống, thơ vẫn còn sống…” [“Giấc Mơ Không Dứt Đó Của Thần Linh”, Nguyễn Tà Cúc phỏng vấn Tô Thùy Yên, Khởi Hành số 26, trang 20,  tháng 12.1998]

***

Tồng chi, khen chê nào có nghĩa lý gì với một người đã viết được những câu thơ đó nên, nếu thế, viết về một nhà thơ như Tô Thùy Yên chẳng khó khăn đâu.  Cái khó ở đây là viết cho đúng mà thôi.-

Nguyễn Tà Cúc
5.2019

 

chú thích

* Chữ “qua” này không có nghĩa “qua lại”, mà tiếng Bình Định Phú Yên là để chỉ “chính mình”.

** Những dòng chữ in ngả trong bài này là thơ của Tô Thùy Yên

Nguồn: http://www.gio-o.com/HoLieu/NguyenTaCucToThuyYen2.htm

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận