Khi quan điểm triết học, mỹ học thay đổi vào cuối thế kỷ mười chín, đầu thế kỷ hai mươi ở phương Tây, kể từ đó xuất hiện một trào lưu văn học nghệ thuật mới. Tuy thời gian không dài, nhưng chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực ấy đã ảnh hưởng khá sâu sắc đến khuynh hướng, nghệ thuật sáng tạo của các nhà thơ nói riêng, và văn nghệ sĩ nói chung ở Việt Nam lúc đó. Sau 1954, khuynh hướng sáng tác này bị bài bác ở miền Bắc, nhưng nó vẫn được nuôi dưỡng, như một dòng chảy tiếp nối của văn học miền Nam. Và gần đây, một số nhà thơ có xu hướng quay trở lại thi pháp đó. Tuy nhiên, nó đã bị bóp méo và biến tấu thành những thứ thơ đọc không thể hiểu, tối thui về tư tưởng cũng như hình thức và ngữ nghĩa.
Khi đi sâu vào nghiền ngẫm thi ca tiền chiến, với bút pháp tượng trưng, siêu thực để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là hai thi sĩ Bích Khê, và Đinh Hùng. Có thể nói, với lứa tuổi năm, sáu mươi hiện nay, nếu sinh trưởng ở miền Bắc Việt Nam, ngoài giới nghiên cứu chuyên môn, chắc chắn có rất ít người được đọc và biết đến nhà thơ Đinh Hùng. Bởi, cùng với văn học lãng mạn tiền chiến, thơ ông bị chọc tiết, cấm đọc, phát tán, lưu hành trên toàn đất Bắc. Cho đến mãi những năm gần đây, người ta mới hồi sức cấp cứu cho ông sống lại. Vậy là, Đinh Hùng được nhắc đến, và thơ ông mới được tái bản lưu hành. Rồi như một thứ bùa ngải, nó được chọn in trong thi tập một trăm bài thơ hay (?) của thế kỷ hai mươi. Vâng! Thơ văn vốn dĩ đã bèo bọt, lại phải mang thêm số phận lận đận đến như vậy.
Đinh Hùng người Hà Đông, sinh năm 1920 tại Hà Nội, trong gia đình dòng dõi khoa bảng. Cha ông đã từng giữ chức Hàn lâm viện thị độc. Nhưng gần kỳ thi tú tài, ông rẽ ngang, bỏ dở học hành, để đến với tình ái và thi ca. Đời ông gắn liền với những tấn bi kịch. Do vậy, cái bi thương ấy, luôn ám ảnh cuộc sống, và quằn quại, sương khói trên từng trang viết của ông. Năm 1954, Đinh Hùng cùng gia đình di cư vào Nam. Ngay sau đó, ông giữ chuyên mục Tao Đàn cho Đài phát thanh Sài Gòn. Đang ở độ chín, sung sức nhất, ông bị bệnh ung thư, và mất vào mùa thu năm 1967 tại Sài Gòn.
Có thể khẳng định, Đinh Hùng không chỉ là nhà thơ lớn của dân tộc, mà còn là một nghệ sĩ đa tài đích thực, trên cả các lãnh vực âm nhạc và hội họa. Bốn bảy năm của cuộc đời, trên hai chục tác phẩm, với nhiều thể loại, từ thơ ca đến văn xuôi, tiểu thuyết, ký và phê bình văn học, ta có thể thấy, sức viết của Đinh Hùng rất mạnh mẽ, dồi dào. Đám Ma Tôi là tập thơ đầu tay của ông, được nhà xuất bản Tân Việt ấn hành vào năm 1943. Và thi tập cuối Tiếng Ca Bộ Lạc được in vào thời điểm ngay sau khi ông mất. Nhưng hai thi tập Mê Hồn Ca được in vào năm 1954 và Đường Vào Tình Sử ấn hành năm 1961 mới làm nên tên tuổi, chân dung người nghệ sĩ tài năng Đinh Hùng. Và từ Mê Hồn Ca đến Đường Vào Tình sử, dường như thơ Đinh Hùng đã đổi mới thi pháp sáng tác, dù vẫn là những câu chuyện tình. Khi nhắc đến Đinh Hùng, người ta chỉ nghĩ đến những bài thơ tình ám ảnh, rờn rợn khói sương, mà thường quên đi những bài thơ về xã hội con người sâu sắc và sảng khoái của ông. Cho đến nay, thơ Đinh Hùng vẫn còn bí ẩn, có những đánh giá tranh cãi khác nhau. Thơ cũng như con người ông bị nhiều oan trái, bởi những định kiến một cách khắt khe, sai lệch, kể cả trong giới nghiên cứu, phê bình.
Đọc Kiều Truyện, có lẽ chúng ta không thể, không ngạc nhiên và thú vị, khi Nguyễn Du để cho Thúy Kiều: “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” tìm đến Kim Trọng. Hành động táo bạo ấy của Kiều đã phá vỡ sự hà khắc của lễ giáo phong kiến đương thời. Và nó cũng là tư tưởng, khát vọng của chính thi hào Nguyễn Du. Khi đi sâu vào đọc Đinh Hùng, ta bắt gặp lại cái tư tưởng tự do ấy, nhưng mạnh mẽ và dứt khoát hơn. Nó không chỉ trong thơ văn mà còn thể hiện trong hành động phá bỏ những ràng buộc, đạo đức dối trá ngoài xã hội, cũng như cuộc sống thường nhật của nhà thơ. Tuổi Mới Nhớn, là một bài thơ hay, lạ xuyên suốt cuộc đời và tính cách Đinh Hùng, đã cho ta thấy rõ điều đó:
“…Ta ngồi nghe những tiếng thị thành xa
Hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp
Nắng thuở đó khiến lòng ta hồi hộp
Ta nhìn cao mới rõ bị giam cầm
Ôi tiếng nào vang bốn bức tường câm?
Không khí nặng mơ hồ thầy với bạn…
Ta ném bút dẫm lên sầu một buổi
Xa vở bài, mở rộng sách ham mê
Đã từng phen trèo cổng, bỏ trường về
Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn…”
Bi kịch của tình yêu, bi kịch của gia đình với những ràng buộc khắt khe của xã hội như những nhát dao chém vào tâm hồn người thi sĩ. Với những vết thương luôn rỉ máu ấy, làm Đinh Hùng ám ảnh, lạc lõng giữa cái xã hội xô bồ giả dối. Đi sâu vào nghiên cứu, ta thấy, có giai đoạn, tư tưởng cũng như trong thi ca ông luôn chối bỏ cái thế giới hiện hình. Với ông, thế giới hiện hữu chỉ là hình ảnh, cái bóng của một thế giới khác không nhìn thấy, mà người thi sĩ luôn phải đi tìm, xây mới nó. Và chỉ có trực giác, với trái tim đa cảm, người thi sĩ mới nắm bắt, khám phá được những gì còn chìm khuất. Bởi vậy, ông tin sẽ có một ngày:
“…Anh sẽ tìm em chiều nào tận thế
Khi những sầu thương cất cánh xa bay
Khi những giận hờn, khi những mê say
Khi tất cả hiện nguyên hình ảo mộng…”
Những thập niên đầu của thế kỷ hai mươi, cùng với Đinh Hùng có nhiều thi sĩ như: Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… chịu ảnh hưởng sâu sắc trường phái tượng trưng, siêu thực từ Baudeleire, Rimbaud… Tuy nhiên, thơ Đinh Hùng có đường nét riêng biệt, với ngôn ngữ kỳ dị, quái quỷ đi vào một thế giới địa phủ hồn ma. Có thể nói, thơ Đinh Hùng không thể lẫn lộn bất kỳ một nhà thơ nào cùng thời, hoặc trước và sau ông. Bởi, con đường độc đạo ấy, chỉ có ông mới dám mở và đi đến tận cùng. Thật vậy, đọc thi tập Mê Hồn Ca, không chỉ còn dừng lại mức ám ảnh nữa, mà làm ta phải rợn người đến kinh dị. Nhìn lại văn học sử, có lẽ, không có nhân vật, con người, nhà văn nào (có kiểu cách) yêu cuồng nhiệt như Đinh Hùng. Điều đó, không chỉ bắt gặp trong thơ văn, mà trong cuộc sống tình yêu đời thường ông cũng luôn có những hành động bất ngờ như vậy. Có một câu chuyện, nếu không phải nhà thơ Hồ Dzếnh là bạn thân của Đinh Hùng kể cho nhà văn Thanh Nam, thì chắc chắn không ai dám tin: Đinh Hùng yêu một cô gái tên Liên, mắc bệnh lao, không thể chữa trị. Khi người yêu chết, Đinh Hùng tới thẳng nhà nàng, tìm gặp thân nhân và trình bày rõ mối tình của mình, rồi xin phép được vào nhìn mặt lấn cuối. Đứng trước xác người yêu, Đinh Hùng đã làm một cử chỉ khiến tất cả mọi người ở đó phải kinh hoàng. Bởi, ông điềm nhiên lật tấm vải liệm phủ mặt cô gái ra, rồi cúi xuống hôn một cách say đắm.
Từ đó, ta có thể thấy, Đinh Hùng đi vào mộ huyệt, tìm người mình yêu, làm tình với nắm xương khô, âu cũng là chuyện bình thường, và dễ hiểu. Nói là thế, nhưng với trí tưởng tượng đó, và được trải trên trang thơ, thì quả thực, sự dũng cảm, cũng như tình yêu của Đinh Hùng mãnh liệt biết nhường nào. Và cũng như Bùi Giáng, nếu Đinh Hùng không có những hành động mà người đời cho là điên điên, khùng khùng ấy, thì làm sao có được những câu thơ để đời, hay đến rợn cả người như vậy:
“Trời cuối thu rồi – Em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu
Em mộng về đâu?
Em mất về đâu?
Từng đêm tôi nguyện, tôi cầu
Đấy màu hương khói là màu mắt xưa
——-
Ta gởi bài thơ anh linh
Hỏi người trong mộ có rùng mình?
Nắm xương khô lạnh còn ân ái?
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình?
Hỡi hồn tuyết trinh!
Hỡi người tuyết trinh!
Mê em, ta thoát thân hình
Nhập hồn cây cỏ, đa tình mỗi đêm…” (Gửi người dưới mộ)
Đọc Mê Hồn Ca ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy, sự ám ảnh với những nỗi đau và cái chết. Cái si mê tình ái trong thơ ông nó vượt quá giới hạn, vượt quá sự tưởng tượng của con người. Với ông cái chết và sự cuồng si ấy cũng là cái đẹp. Nó không chỉ đẹp trong thơ, mà còn trong tiềm thức của người thi sĩ.
Mỗi khi nói đến Đinh Hùng, nhắc đến nỗi đau, và sự rung động si mê tình ái, thường làm tôi liên tưởng đến nữ thi sĩ cùng họ Đinh – Đinh Thị Thu Vân (Long An) tác giả của những câu thơ ám ảnh, hay đến “vãi” cả linh hồn: “những câu thơ em viết mất linh hồn”. Tuy thi pháp khác nhau, nhưng cả hai đi đến tận cùng của tình yêu, của nỗi đau, và dám hy sinh, tôn thờ nó. Nếu được phép chọn hậu duệ cho nhà thơ Đinh Hùng, người nhắc đến, với tôi chắc chắn phải là nữ thi sĩ họ Đinh này.
Có một điều khó giải thích rạch ròi, khi đọc, so sánh cho tôi một cảm giác, hình ảnh tượng trưng: Nếu thơ Xuân Diệu là cái vỏ, thì thơ Đinh Hùng được xem là cái lõi của tình yêu. Bởi, thơ Xuân Diệu dường như là những khái quát, với định nghĩa bản chất của tình yêu, dành cho đại chúng, nơi đông người. Với Đinh Hùng tình yêu, cái đẹp được nâng lên, tôn thờ như một thứ tôn giáo. Đứng trước nó, ông như một con chiên ngoan đạo:
“Ta đặt em lên ngai thờ Nữ Sắc
Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da
Buổi em về, xác thịt tẩm hương hoa
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết…
Em đài các, lòng cũng thoa son phấn
Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ
Ôi vô lương! Trong một phút không ngờ
Ta đã muốn trở nên người vô đạo…
Hỡi Kỳ Nữ! Em có lòng tàn ác
Ta vẫn gần – ôi sắc đẹp yêu ma!
Lúc cuồng si, nguyền rủa cả đàn bà
Ta ôm ngực nghe trái tim trào huyết
Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết!
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn…” (Kỳ Nữ)
Những biến cố của cuộc đời là nguyên nhân tâm lý, dẫn đến mâu thuẫn nội tâm của người thi sĩ. Do vậy, tính không nhất quán thể hiện rõ trong thơ Đinh Hùng. Nhưng tôi không hoàn toàn tán đồng nhận định: Ðinh Hùng đã trốn vào bàn đèn khói thuốc, vui ca hưởng thụ để quên đi những đau thương đổ vỡ của cuộc đời, như một số nhà phê bình viết gần đây. Bởi, để có những bài, nhưng câu thơ để lại cho đời, Đinh Hùng phải đi đến tận cùng yêu, tận cùng sống. Nếu ông không dám lột trần truồng cả thể xác lẫn linh hồn, và như một người địa chất, lội ngược dòng thời gian, lật lên những mảnh hồn dưới tầng tầng, lớp lớp trong vũ trụ hồng hoang kia, thì không thể có “Những hướng sao rơi” một bài thơ thất ngôn làm rung động bao thế hệ:
“Khi miếu đường kia phá bỏ rồi
ta đi tìm những hướng sao rơi
lạc loài theo dấu chân cầm thú
từng vệt dương sa mọc khắc người
————-
rồi những đêm sâu bỗng hiện về
vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya
đâu đây u uất hồn sơ cổ
từng bóng ma rừng theo bước đi
————-
từng buổi hoàng hôn xuống lạ kỳ
ta nằm trên cỏ lắng tai nghe…
thèm ăn một chút hoa man dại
rồi ngủ như loài muông thú kia.”
Tuy nhiên, một vòng, từ “đi về hướng sao rơi”, nơi vũ trụ hồng hoang, chờ đến “chiều nào tận thế”, để đi vào huyệt mộ vẫn chưa làm người thi sĩ hài lòng, mãn nguyện. Rồi cũng như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng theo kháng chiến, tưởng chừng đã tìm được nơi trú ngụ cho linh hồn. Nhưng ông và Vũ Hoàng Chương đã lầm. Ở đó không phải nơi giải thoát cho thi ca với những linh hồn như ông, như Vũ Hoàng Chương. Thời gian sau, cùng với Vũ Hoàng Chương, ông trở về thành. Có điều đặc biệt, thời gian đó, khác hẳn với Vũ Hoàng Chương, hoặc những thi sĩ cùng theo kháng chiến viết những bài, những câu tụng ca lãnh tụ, con người, riêng thơ Đinh Hùng vẫn chỉ tụng ca cái đẹp, với hồn khí lãng mạn:
“Lòng gái rung theo bước lữ đoàn
Lâu rồi chinh chiến lạnh dung nhan
Chiều dương bừng lửa trên g̣ò má
Gợn sắc hồng pha mây hợp tan” (Người nữ du kích Hải Kiến)
Hiệp định Geneve 1954 như một nhát dao cắt đôi đất nước. Nó làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của mấy chục triệu người dân đất Việt. Cùng với Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng theo dòng người xuôi Nam. Dù đã có nguy cơ khởi nguồn cho một cuộc nội chiến, nhưng có lẽ, do tình người ấm đất phương Nam chăng? Nên đọc thơ ông trong giai đoạn này, đều cho chúng ta một cảm nhận chung: Cùng với thi tập Đường Vào Tình Sử, dường như Đinh Hùng đã có chiều hướng thay đổi tư tưởng cũng như thi pháp. Thật vậy, nếu Mê Hồn Ca là câu chuyện thơ mộng mị, ma quái không tưởng, thì đến với “Đường Vào Tình Sử” ông đã quay trở về tình yêu, thiên nhiên con người, xã hội một cách hiện thực hơn. Lời thơ Đinh Hùng trong giai đoạn này đẹp và trong sáng. Nói theo ngôn ngữ của các nhà phê bình, thơ ông đã có lối thoát.
Và có thể nói, Đinh Hùng có sở trường về thơ thất ngôn. Ông có nhiều bài thơ hay ở thể thơ này. Có một điều thú vị, mỗi khổ thơ trong bài đều có thể đứng độc lập. Nếu tách ra, chúng sẽ trở thành những bài thơ thất ngôn tứ tuyệt hoàn chỉnh. Liên Tưởng là một bài thơ thất ngôn như vậy. Cả bài thơ là một bức tranh mang đậm nét u hoài, hương xưa. Người thi sĩ tưởng nhớ, để rồi vẽ lên dáng hình người con gái tên Liên. Hoặc một thoáng buồn chiều thu chợt làm người thi sĩ liên tưởng đến người xưa? Phải nói, đây là một trong những bài thơ hay nhất của Đinh Hùng. Và khi tách ra, ta có thể thấy mỗi khổ thơ là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt hay. Nó như những bức tranh nhỏ, nằm trong bức tranh thiên nhiên và con người rộng mở, được vẽ bằng ngôn ngữ vậy:
“Ý chiều ngây ngất màu hoàng cúc
Sao mắt thu buồn dáng hạ xa
Ta nhớ mà thương người sử nữ
Áo mùa thu đọng sắc kiều hoa.
Nước cũ rưng rưng màu ngọc trắng
Mây ngày xưa tỏ, nguyệt xưa trong
Người xưa lẫn dáng tình sương tuyết
Riêng cặp môi kia ánh nét hồng…”
Nếu (mùa thu) ở Liên Tưởng là mùa thu đi, để lại dáng hình, và niềm nhớ thương vời vợi, thì mùa thu đến trong Hờn Giận lại là những đắng cay và tàn nhẫn cứa vào lòng người thi sĩ. Có thể nói, Hờn Giận không phải là bài thơ hay nhất trong thi tập Đường Vào Tình Sử, nhưng là bài thơ đặc biệt, tôi thích. Bởi, cái hình tượng so sánh ẩn dụ xuyên suốt cả bài thơ, tuy dân dã, nhưng đọc lên vẫn cho ta cảm giác nhẹ nhàng. Và mỗi khổ thơ ấy, như những điệp khúc trong cùng bài ca vậy:
“Em đến hôm nào như hoa bay
Tình không độc dược mà đắng cay
Mùa thu tàn nhẫn từ đôi mắt
Mùi hương sát nhân từng ngón tay
Em đến hôm nào như mây bay
Gió mưa triền miên từ nét mày
Đường vào lòng nhau toàn sạn đạo
Bước chân tha hương từ dấu giầy…”
Càng về sau này, dường như thơ Đinh Hùng càng gần với âm nhạc. Với tôi, Đường Vào Tình Sử là một trong những tập thơ giàu nhạc tính nhất trong văn học sử Việt Nam. Ngoài nhạc tính, ta còn thấy lời thơ của ông sáng, đẹp và trau chuốt. Nhưng có điều đặc biệt, thơ Đinh Hùng thường viết bằng cảm xúc, trong lúc thăng hoa, ít chú trọng phần trí, do vậy, bố cục thơ ông thường không chặt chẽ. Cho nên, vị trí câu thơ, hay khổ thơ có thể hoán chuyển, nhưng nghĩa thường không thay đổi nhiều so với bản gốc. Thậm chí, ba khổ thơ trong hai bài Tự Tình Dưới Hoa và Xuôi Dòng Ảo Mộng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương gộp lại, phổ thành nhạc phẩm Mộng Dưới Hoa hay đến nghẹn ngào. Có lẽ, thế hệ tôi và trước tôi không ai, không biết bài hát này. Và nếu không đọc, không nghiên cứu Đinh Hùng, chắc chắn không ai nghĩ đến điều đó:
“Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng:
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại
Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng…
Em đến như mây, chẳng đợi kỳ
Hương ngàn gió núi động hàng mi
Tâm tư khép mở đôi tà áo
Hò hẹn lâu rồi – Em nói đi…” (Tự tình dưới Hoa)
“Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em dựa sát lòng anh
Ta đi vào tận rừng xanh
Vớt cánh rong vàng bên suối…” (Xuôi dòng ảo mộng)
Nhiều người, trong đó có một số văn nghệ sĩ cho rằng, đề tài xã hội không được Đinh Hùng quan tâm đến. Nhưng đọc và nghiên cứu ông, tôi không nghĩ như vậy. Bởi, những ngày đầu đến với thi ca, và trước khi làm thơ châm biếm, trào phúng, Đinh Hùng đã viết về đề tài xã hội, con người. Bài Ca Man Rợ và Hương Phấn Mê Linh… là những bài thơ chứng minh cho điều đó.
Tôi không rõ, cái tiêu chí tuyển chọn một trăm bài thơ hay nhất của thế kỷ hai mươi của Bộ Giáo Dục và Trung tâm doanh nhân Việt Nam như thế nào? Và khả năng thẩm thơ của những người trực tiếp tuyển chọn ra sao? Bởi, Đường Khuya Trở Bước của Đinh Hùng được tuyển chọn, chưa phải là bài thơ hay đặc sắc nhất của ông. Nếu xét về mặt tư tưởng, đạo đức xã hội, con người cũng như hình tượng nghệ thuật với màu sắc sử thi, thì phải là Bài Ca Man Rợ. Nó là một trong số rất ít bài thơ hay, tiêu biểu về xã hội, con người, kể từ một trăm năm nay. Và cũng là một trong số những bài thơ mà Đinh Hùng đã nhập đồng vào từng câu chữ:
“…Người và vật nhìn ta không dám nói,
Chân lảng xa, từng cặp mắt e dè.
Ta ngẩn ngơ nhìn theo bóng ngựa xe,
Nhìn theo mãi đến khi đời lánh cả
———
Ta ghì người tắt thở ở trong tay,
Miệng quát hỏi: có phải ngươi là bạn?
Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản
Mất tinh thần từ những thuở xa xôi!
Ta về đây lạ hết các ngươi rồi
Lạ tình cảm, lạ đời chung cách sống
—–
Lạc thiên nhiên đến cả bọn đàn bà,
Với những vẻ dung nhan kiều diễm nhất.
Ta lảo đảo vùng đứng lên cười ngất
Ghì chặt nàng cho chết giữa mê ly.
Rồi dày xéo lên sông núi đô kỳ,
Bên thành quách ta ra tay tàn phá.
Giữa hoang loạn của lâu đài, đình tạ,
Ta thản nhiên, đi trở lại núi rừng.
Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng.”
Vẫn thể thơ thất ngôn, nhưng khi viết về lịch sử, xã hội con người, Đinh Hùng đã đổi bút pháp một cách linh hoạt, tài tình. Cái hồn khí dân tộc, thần thái oai hùng Hai Bà trong Hương Phấn Mê Linh như kéo người đọc trở ngược thời gian về với cuộc chiến chống giặc ngoại xâm hàng ngàn năm trước. Đây là một bài thơ sảng khoái, hay nhất về đề tài lịch sử, xã hội mà tôi đã được đọc. Nếu với những cảm xúc thăng hoa để Đinh Hùng viết lên những bài thơ tình nghiệt ngã, thì đến với đề tài xã hội, ông đã dùng trí để viết lên những vần thơ bất hủ về tinh thần dân tộc. Đến Hương Phấn Mê Linh, ngoài chuyển biến về tư tưởng, ta còn thấy được tài năng nghệ thuật so sánh ẩn dụ của Đinh Hùng: “Quần hồng Giao Chỉ nghiêng Đông Hán/Dồn ngược mây thành xuống Bắc Phương” Hai câu thơ đầy hình tượng, có thể nói, hay nhất trong bài một bài thơ hay.
Khổ kết bài thơ, tác giả bất ngờ đổi thủ pháp nghệ thuật, từ thất ngôn chuyển sang thể lục bát. Làm cho câu thơ trở nên mềm mại, ngân nga, như những lời ru, lời tình tự của dân tộc đưa Nữ Vương vào giấc ngủ ngàn thu chăng?
Đây là sự sáng tạo độc đáo của tác giả. Và với thủ pháp này, ta còn bắt gặp ở Tìm Bóng Tử Thần, và một số bài thơ khác của ông:
“…Trăng sáng nhập thần đôi mắt ngọc
Vàng hai mái tóc một vầng dương.
Quần hồng Giao Chỉ nghiêng Đông Hán
Dồn ngược mây thành xuống Bắc Phương
——–
Ôi dáng lệ kiều lưng chiến tượng
Long Biên thẳng trỏ mũi gươm vàng
Tiếng hô diệt tặc, sông truyền núi
Cuộn thủy triều theo lệnh Nữ Vương
—–
Ngàn năm, ôi bóng Trưng Vương!
Cánh chim huyền diệu đưa đường về xưa
Nước non còn đẹp dáng thơ:
Bàn tay Nương Tử, ngọn cờ Châu Phong
Hỡi non cao! Biển muôn trùng
Còn say hương phấn má hồng Mê Linh.”
Bốn bảy năm trên cõi tạm cũng là ngần ấy năm, người thi sĩ đã xẻ đôi thể xác lẫn linh hồn: “Chia đôi thân xác tiên liền tục” để tạo ra một lối đi, một con đường thi ca độc đáo của mình. Và khép lại mấy mươi năm ngắn ngủi nơi trần tục ấy, bằng bốn câu thơ tuyệt mệnh, dường như Đinh Hùng đã tự đóng cho mình chiếc đinh cuối cùng vào mùa thu 1967, để thực sự quay về với vũ trụ hồng hoang, và thế giới vĩnh hằng:
“Ngát một vườn thơm nhạc cảm hoài
Lâng lâng hồn tưởng thoát trần ai
Chia đôi thân xác tiên liền tục
Nghe lắng tiền thân trở gót hài.”
Leipzig ngày 26-11-2016
Đỗ Trường
Nguồn: https://danlambaovn.blogspot.com/2016/11/inh-hung-con-uong-tho-oc-ao.html
Bài Cùng Tác Giả:
0 Bình luận