Ðọc lại Dương Nghiễm Mậu, nghĩ về văn chương và thời thế
Khoảng thập niên 60-70, thực sự đã có những luồng gió mới thổi tới trong văn học nghệ thuật miền Nam. Giữa người đọc và người viết hình như chung một ý hướng là làm mới lạ văn chương, để khác đi với thời trước, thời tiền chiến và thời của Tự Lực Văn Ðoàn. Những tác giả trong những tác phẩm của mình và các tạp chí văn học đã cố gắng trong nỗ lực ấy. Người viết mang những trào lưu tư tưởng triết học tây phương mà trong đó những tư tưởng hiện sinh là một. Trong khi đó, người đọc, phần đông trẻ tuổi là sinh viên học sinh hoặc những người lính chưa có nhiều năm quân ngũ, cũng theo dõi một cách hào hứng những trào lưu tư tưởng có khi trở thành thời thượng.
Khi ấy, chiến tranh bắt đầu có những ảnh hưởng sâu sắc đến mọi người. Cuộc sống không những chỉ phi lý, bi đát trong triết học trong văn chương mà còn phi lý và bi đát thực tế của con người. Thời thế tạo ra những bi thảm do con người tạo ra cho con người và đôi khi do chính mình tạo ra cho mình bởi sự dằn vặt nội tâm, bởi sự cố nhận diện mình là ai trong cái sương mù của cuộc đời, trong những điều tương phản cực độ với nhau.
Một người viết, có phong thái riêng, có cá tính riêng, của tuổi trẻ cô đơn, của lòng phẫn nộ trước những phi lý của cuộc sống, là nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Hình như, ông đi một mình một đường trên con đường văn chương của mình. Tiểu thuyết của ông, những nhân vật bàng bạc những nét hiện thực nhưng lại xa lạ và khó kiếm tìm trong cuộc sống hiện hữu. Không gian, thời gian, cũng mờ ảo không xác định, như một cõi sống nào, có không lẫn lộn và con người là thực thể chất chứa đầy những đối nghịch lẫn nhau. Nhân vật của ông, luôn xưng tôi ở ngôi thứ nhất, để như một cuộc độc thoại, để cái “tôi“ của tác giả nhòa nhạt vào cái “tôi“ của từng nhân vật.
Xuất hiện trong một trường hợp đặc biệt với truyện ngắn “Rượu chưa đủ” coi như là một khám phá tài năng mới của nhà văn Mai Thảo trên tạp chí Sáng Tạo. Ông đã tạo cho mình một chỗ ngồi riêng, một chỗ ngồi mà sau này, gần nửa thế kỷ, sau bao cuộc đổi thay, sau những biến cố chính trị, vẫn được xác định như một nhà văn có đóng góp vào gia tài văn chương của dân tộc. Tự Ðiển Văn Học, in trong thời của chế độ đã bắt giam ông với tội danh là văn nghệ sĩ, trong ấn bản mới nhất có viết về Dương Nghiễm Mậu:
“Dương Nghiễm Mậu là một trong những nhà văn Việt Nam thế hệ 60-70 đã đào rất sâu vào bản chất của cuộc hiện sinh con người. Ông đứng riêng một cõi, dường như không có bạn đồng hành, và đã tạo được một lối cấu trúc về truyện ngắn, truyện dài nằm trong nhân sinh quan bao quát của triết học hiện sinh và vô thần..”
Jason A. Picard, của đại học UC Berkeley trong bài ”Poisoned Water: Vietnamese Youth in the Works of Duong Nghiem Mau “ (“Nước Ðộc: Tuổi trẻ Việt Nam trong tác phẩm Dương Nghiễm Mậu”) có viết lời mở đầu bài tiểu luận của mình:
“Vào năm 1954 hàng triệu người Việt ở miền Bắc di cư xuôi nam theo giải pháp của Hội Nghị Geneve. Trong làn sóng người tị nạn ấy có một cậu trai trẻ mười tám tuổi, Dương Nghiễm Mậu. Hơn bốn năm tiếp theo ông đã di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác: Huế, Nha Trang và Sài Gòn trong thời kỳ chính thể Việt Nam Cộng Hòa mới thành lập. Kinh nghiệm của ông là của một người tị nạn di cư, đã trải qua thời niên thiếu trong cuộc chiến Ðông Dương lần thứ nhất và cuộc đời ông là của một người trẻ trưởng thành ở giữa những trạng thái căng thẳng chính trị càng ngày càng tăng ở miền Nam bắt đầu thành những phóng ảnh và luận đề cho những truyện ngắn và tiểu thuyết của ông. Nhân vật chính của Dương Nghiễm Mậu là những người tuổi trẻ Việt Nam vật lộn với những biến cố của xã hội thay đổi cũng như những xung đột giữa người với người và người với chính nội tâm của hắn
Bài viết sẽ nhắm thử nghiệm những tác phẩm của một tác giả trong những tác giả danh tiếng nhất của miền Nam Việt Nam: Dương Nghiễm Mậu. Khởi từ những kinh nghiệm bản thân và sự lưu tâm đến văn hóa của tuổi trẻ, ông đã mở những cánh cửa để độc giả nhìn thấu vào tuổi trẻ miền Nam Việt Nam trong những thập niên 1950,1960, 1970. Tuổi trẻ ấy tham dự trong vai trò của vở kịch lịch sử bi đát của một thời kỳ nhưng họ đã bị quên lãng trong chữ nghĩa. Sự khám phá của tôi từ tác phẩm Dương Nghiễm Mậu sẽ cung cấp nhiều hiểu biết thực thể về Việt Nam Cộng Hòa, trong văn học và trong văn hóa tuổi trẻ nữa..”
Khởi viết từ năm 1957, đến năm 1975, ông đã hoàn tất rất nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự. Truyện ngắn như: Cũng Ðành (1963), Ðêm (1965), Ðôi Mắt Trên Trời (1966), Sợi Tóc Tìm Thấy (1966), Nhan Sắc (1966), Kinh Cầu Nguyện (1967), Ngã Ðạn (1970), Cái Chết Của..(1971). Truyện dài như: Gia Tài Người Mẹ (1964), Ðêm Tóc Rối (1965), Tuổi Nước Ðộc (1966), Phấn Ðấu (1966), Ngày Lạ Mặt (1967), Gào Thét (1969), Con Sâu (1971). Ký sự như Ðịa Ngục Có Thật (1969), Quê Người (1970)..
Một tác phẩm đoạt giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1964 là truyện dài Gia Tài Người Mẹ. Gia tài rách nát của Mẹ Việt Nam đầy chia rẽ và hận thù. Những nhân vật: u già, người mẹ, bốn đứa con tên Thạch, Nhược, Nhẫn, Tuấn, có mặt trong những hoàn cảnh nghiệt ngã kể chuyện về mình với cái chủ quan và nhìn sự kiện theo cách bóp méo để có phần lợi cho mình. Gia tài là một căn nhà đổ nát trống trơn chẳng có ý nghĩa thực tế nào nhưng là mục đích của những cuộc tranh dành, gấu ó. Cái gia tài ấy, có phải liên tưởng đến những quốc gia nhược tiểu, khốn khó bị chia rẽ bởi các đại cường và lao mình vào những cuộc chiến ủy nhiệm làm người lính đánh thuê để phần thưởng là những đổ nát hoang tàn cho cả dân tộc. Người mẹ, yếu ớt về thể xác và tan nát về tâm hồn có hai đời chồng ở hai vị trí chống đối nhau ở hai chiến tuyến nhưng đều bị hy sinh để lại cho người vợ những đứa con hai dòng máu. Người chồng đầu thì bị chết trong tù còn người thứ hai thì bị lính lê dương giết chết trước khi hãm hiếp người vợ. Cuộc hãm hiếp ấy tạo ra đứa con lai là Nhẫn, kết quả của những oan khiên của những tình thù quấn quít với nhau. Mỗi nhân vật kể chuyện mình, khi độc thoại, khi đối thoại, trong cái chủ đích trình bày cho được cái số phận của mình. Thân phận của Nhẫn, một đứa con hoang, ra đời trong cái nghiệt ngã của một xứ sở chiến tranh luôn luôn bị dằn vặt bởi những mặc cảm đeo đẳng suốt cả đời. Hãy nghe Nhẫn trong vai trò của tôi ngơi thứ nhất thố lộ: ”Tôi là giọt máu của một kẻ thù trong gia đình này. Kẻ thù đó là bố tôi, nhưng có thực bố tôi là kẻ thù đích danh không? Tôi nghĩ bố tôi không bao giờ lại thế. Bố tôi cũng chỉ là một nạn nhân, một kẻ đánh mướn mang bản án tù đầy chung thân không sao gỡ được với thân phận nhược tiểu ốm o gầy yếu trong thực tại nhân loại. Bố tôi còn sống hay đã chết rồi ? Sống hay chết số phận những người đồng loại với bố tôi đều không thay đổi. “Nhẫn là kết quả của sự oan nghiệt, của người mẹ mang thai của một kẻ hãm hiếp mình để đứa trẻ lớn lên với nỗi day dứt của đứa trẻ ra đời ngoài ý muốn và chịu đưng tất cả ngững ghẻ lạnh của người chung quanh. Còn nỗi niềm nào quay quắt đau xót hơn khi Nhẫn cứ dầy vò với ý nghĩ: ”tôi là điều để các anh tôi nhớ rằng chính mẹ tôi đã bị nhục nhã khốn khổ, bố họ đã bị giết, kẻ giết đó chẳng phải ai xa al mà chính là bố tôi..” Nhẫn đã tự tử nhưng vẫn sống để có mặt trong một tấn bi kịch của một xứ sở đầy những cuộc chém giết phân tranh.
Gia Tài Người Mẹ là một cái nhìn trở lại lịch sử, để ở đó, vượt lên thành một tấn thảm kịch biểu hiện cho cả một thời kỳ nhân loại. Phân hóa, tranh giành, cướp lấy một phần gia tài đang đổ nát, để mọi người trong gia đình thành kẻ thù lẫn nhau. Người mẹ lả dần đi trong những viễn tượng vô củng thẳm đen, những đứa con không thèm nhìn mặt nhau, hầm hè trong sự đấu đá giành giật để mong cướp cho mình những gia tài trống rỗng đổ nát. Trong khi đó, ở ngoài, những kẻ lạ mặt hung hãn đang chờ để cướp tay trên.
Sống trong một xã hội chiến tranh đầy nghịch cảnh, con người không những phải chiến đấu với người ngoài mà còn phải phấn đấu với chính mình. Trong tác phẩm này, Dương Nghiễm Mậu đã nêu ra một ý tưởng : đừng trách người hãy trách mình. Bởi vì mình phân hóa giành giật với nhau nên kẻ thù bên ngoài mới lợi dụng được để gây hoang tàn đổ vỡ cho dân tộc.
Gia tài Người Mẹ không phải là một tác phẩm phản chiến. Tác giả chỉ nêu ra một biểu tượng và không có tham vọng đặt ra những phương cách giải quyết. Thực tại của đất nước đã được nhìn ngắm với con mắt sắc sảo muốn đi sâu vào trong nội tâm con người và với một thái độ thật rõ ràng. Ðó chẳng phải những lời kêu than, chẳng phải là những lời chạy tội như lời nói và thái độ của những nhân vật trong truyện. Gia Tài Của Mẹ là của ngôn ngữ văn chương muốn đi sâu vào sự phức tạp của cuộc sống của một đất nước chiến tranh. Từ những nhát dao sắc bén giải phẫu, chúng ta thấy được những cục u ung thư ăn ruỗng trong tâm cảm con người. ..
Năm 2007, nhà xuất bản Phuơng Nam ở trong nước đã in lại bốn tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu: là bốn tập truyện ngắn Ðôi Mắt Trên Trời, Nhan Sắc, Cũng Ðành và Tiếng Sáo Người Em Út. Những tác phẩm này đã gây xôn xao dư luận, người tán đồng kẻ phản đối chê trách ở trong nước.
Tập truyện Ðôi Mắt Trên Trời do nhà xuất bản Giao Ðiểm in năm 1966 được tái bản đáng kể nhất là Bộ ba Mậu truyện: Lấy Máu, Những Chuột, Và Rệp. Trong đó những cuộc sống giữa người và vật cùng ở trong một mức độ bi thảm nên rất nhiều điểm tương đồng. Chính vì những truyện này nên có cô giáo Lê Anh Ðào đã phản đối nhà xuất bản Phương Nam cho rằng đọc sách Dương Nghiễm Mậu là thú vật hóa con người và lưu manh hóa hình tượng văn học.
Truyện Lấy Máu kể lại một câu truyện của một đứa bé phải chịu làm dụng cụ để quảng cáo cho món thuốc cao của Năm Sài Gòn. Hắn rạch tay thằng bé rồi dùng cao dán lại để quảng cáo cho món thuốc cao Giang Ðông. Thằng bé dùng máu của mình đổi lấy miếng ăn nhưng dần dần hết cả máu, khi rạch ra thì chỉ còn rỉ vài giọt và những vết khứa khác thì mưng mủ hôi thối. Rốt cuộc thì cái trò quảng cáo lường gạt ấy cũng không mà mắt được ai và cái trò mãi võ ấy trở thành một trò múa rối không có khán giả. Truyện mô tả với giọng văn bình thản biểu lộ tính bình thản không cảm xúc của con người trước nỗi đau đớn của người khác. Trong một xã hội mà đau khổ là chuyện bình thường, con người thường lạnh lùng và vô cảm đến mức trơ trơ như gỗ đá…
Truyện Những Chuột kể lại cuộc sống giữa Lão Chệt, đàn chuột và con chó. Trước đây lão có ba chuồng nuôi chuột để thằng Lai con lão chở lên Sài Gòn cho mấy quán nước làm xíu mại. Nhưng rồi thằng Lai cuỗm đi con Xiềm của lão và không về nữa nên nhà lão không còn ai lui tới. Lão sống với đàn chuột, vừa là bạn vừa là thức ăn cho lão sông. Ðến một ngày có một con chó là người khách lạ đến ở. Rồi đến khi đàn chuột bị vắng đi và lão Chệt nghĩ rằng con chó có thể ăn tươi nuốt sống lão nên bất ngờ hạ thủ con chó rồi moi gan nướng ăn và uống máu của chó còn xác thì mang bỏ ra giữa nhà để đàn chuột sâu xé. Vài ngày sau, ở xóm ấy có nhiều người chết vì bệnh dịch hạch.
Chệt, chó, chuột, cùng một vần mẫu tự, cùng có những đặc tính giống nhau của một cuộc sống phải giết nhau để sống còn. Lão Chệt là biểu tượng của con người tha hóa, khôn ngoan thủ đoạn hơn con chó và cũng dữ dằn hơn loài chuột là một biểu tượng tàn ác, nguy hiểm hơn cả bệnh dịch đã giết hại bao nhiêu người.
Truyện Và Rệp là một cuộc đối đầu giữa ông Tư và loài rệp. Một cuộc chiến dai dẳng dù ông Tư có thuốc DDT làm vũ khí để diệt trừ. Chỉ được một thời gian ngắn rồi rệp lại sinh sản trở lại. Ở đâu có con người là ở đó có rệp. Và ông Tư nổi điên đốt nhà để diệt trừ tận gốc loài vật này. Cuộc chiến đấu giữa người và vật đã chấm dứt trong kết quả phi lý ấy.
Bộ ba Mậu Truyện như lên án sự ác độc của con người và tất cả hình như đẩy vào thế tuyệt lộ của tan vỡ của hoang tàn và của những điều phi nhân vẫn thản nhiên xảy ra trong cuộc sống loài người.
Truyện Ðôi Mắt Trên Trời là những suy tư của một người sắp chết. Thực ra hắn đã chết từ lâu khi được vớt từ dưới nước lên và từ đó hắn đã sống mà như chết rồi. Cái chết được mường tượng từ cái chết của chiếc lá và con sâu. Con sâu giết chiếc lá làm nó rụng xuống đất, nhưng con sâu cuối cùng của một cây đang dần chết sẽ ra sao ? Sẽ bị chim ăn, bị rớt xuống đất vì cơn gió hay bị lũ kiến làm thịt. Nỗi chết, ai cũng sẽ có và sẽ giống nhau như hắn đang nằm trên giừng bệnh và tưởng tượng đến ngày cuối của mình. Sống cũng là trống rỗng mà chết thì cũng trống không. Con người xa lạ với chính đời sống mình.
Nhan Sắc, tập truyện do nhà xuất bản An Tiêm năm 1966, Văn Xã tái bản năm 1972 và Phương Nam tái bản năm 2007. Tất cả gồm các truyện : Người Tình của Trương Quỳnh Như, Một Người Lên Núi, Nhan Sắc, Từ Hải và Cuộc Phiêu Lưu của Ðời Chàng, Kinh Kha, Con Chủy Thủ và Ðất Tần Bất Trắc .
Tập truyện như một chuỗi đời sống, xuất hiện từ trong một thế giới lung linh của suy tưởng nào nhưng chuyên chở và gói ghém những nỗi niềm của cuộc sống. Phẫn nộ có, bi quan có, nỗi đớn đau của kiếp nhân sinh không phải hình thành từ mệnh số đã định mà do chính con người tạo ra và hằn vết vào tâm thức. Không hiểu tác gỉa Nhan Sắc có quá tay một chút hay không khi phác họa những cuộc sống tối tăm, những suy tư của tuyệt lộ đường cùng? Vắng bóng sự tươi tắn lạc quan, những hoàn cảnh của người đầu hàng định mệnh, Dương Nghiễm Mậu tạo ra những thế giới ảo riêng nặng phần trí tuệ.
Truyện Người Tình Của Trương Quỳnh Như, vẽ ra khuôn mặt Phạm Thái như một biểu tượng của kẻ sĩ thời đại. Thời thế đổi thay, non sông dời đổi, con người dù cố gắng đi tìm ý nghĩa của cuộc sống cũng có lúc nản lòng mượn men say để lãng quên. Nếu cuộc đời là một trường đại mộng thì tài trí có lúc cũng đủ để làm một Phổ Chiêu Thiền Sư để cay đắng thốt ra những lời phẫn chí.
Những nhân vật lịch sử được Dương Nghiễm Mậu làm sống lại và khoác choàng theo những suy niệm của riêng ông. Nhan Sắc viết về những người làm cách mạng và dù họ là những người bất lực trước xoay vần của lịch sử nhưng cái chết của họ chính là sự chọn lựa rốt ráo đến tuyệt đối trong sự tương đối có thể. Qua cuộc dấy binh của Cao Bá Quát để có nhân vật thầy khóa Nhâm và người khách vô danh đã mang cái chết anh hùng làm ý nghĩa cho lẽ sống trên đời.
Rồi những truyện Từ Hải và Cuộc Phiêu Lưu Cuối Ðời Chàng, Kinh Kha, Con Chủy Thủ và Ðất Tần Bất Trắc là những hình tượng của Từ Hải và Kinh Kha theo những phác họa mới với những ưu uất của thời sự hôm nay. Họ là ai, là kẻ anh hùng hay người lãng tử văng mạng, là kẻ đi xây dựng cơ đồ hay phá đổ cơ đồ. Họ hiện hữu hay không giữa những trường cửu lịch sử. Họ là mẫu người thật hay chỉ là những hình tượng ảo của một thời lịch sử đa đoan. Những con đường mà họ lựa chọn, đến ngày hôm nay còn ý nghĩa nào cho những người sau, cho những lúc vân nước chông chênh dân tình lầm than đất nước mịt mù khói lửa. Con đường nào ? sẽ đi để có lúc s ẽtrở về mà không mất hút theo những bọt bèo thời cuộc…
Tập truyện Cũng Ðành với Niềm Ðau Nhức Của Khoảng Trống, Người Ngồi Ðội Mũ, Bồn Cát Tuổi Thơ, Tiếng Ðộng Trên Da Thú, Cũng Ðành,.. là những phác họa chân dung con người trong những hoàn cảnh là anh chàng có cái bướu nhưng khi bị cắt đi thì thấy dường như mình là một người khác và mất đi một phần đời sống của mình trong Niềm Ðau Nhức Của Khoảng Trống hay là lão Giăng một Tây thực dân chủ đồn điền gian ác và người thanh niên định giết hắn, cả hai là những người lơ láo giữa thực tại và dĩ vãng, đều là khuôn mẫu của đời người bất lực và xa lạ. Cũng Ðành là của một nhân vật đi kháng chiến bị sốt rét uống quinine đến tai bị điếc sống bằng nghề bới rác và bị mật thám bắt tra khảo để tìm một lý lịch. Cho đến chết hắn vẫn chưa trả lời được mình là ai. Mày là ai? Từ đâu tới? Cái lý lịch của một kẻ lạc loài trong chính đất nước mình.
Truyện Tiếng Sáo Người Em Út là câu chuyện của hai anh em về cái chết của người cha. Người anh mới đi xa về nghe người em kể về một người cha hiền lương và khi tiễn chân cha về cõi khác đã thổi khúc sáo có âm điệu hân hoan cho nhe lòng người ra đi không vướng bận một điều khuất lấp nào trên trần thế. Người em bảo rằng sẽ ra đi vì chốn này không còn gì vướng bận nữa và người anh cũng nói đã trở về thì sẽ ở lại. Nhưng, mọi sự vẫn không đổi, người em vẫn ở lại và người anh vẫn sẽ ra đi. Ði và ở, nơi nào cũng vậy thôi nếu ta có sự an nhiên tự tại. Sự lưa chọn sẽ phải có nhưng như cuộc đời, thản nhiên và lạnh lùng trôi…
Ðọc truyện dài Tuổi Nước Ðộc, thấy được bút pháp lúc sôi nổi lúc lạnh lùng nhằm lột tả một tâm trạng, một tâm tư của tuổi trẻ bị ảnh hưởng nặng nề trong chiến tranh. Những đoạn độc thoại, những hình tượng bạo lực, những sa dọa nảy mầm, những đen tối phủ nhòa cuộc sống. Thế giới con người bị bôi đen, bi quan và họ sống gần với bản năng hơn là lý trí.
Dương Nghiễm Mậu viết về Hà Nội trong Tuổi Nước Ðộc với nhân vật Ngạc người sống một thành phố bất an, sống lẫn lộn giữa lòng yêu thương và sự khinh ghét. Sống nhờ gia đình nhờ sống bám vào ông nội nhưng lại khinh ghét cái nghề cho vay nặng lãi. Ngạc sống như một người lêu bêu, ích kỷ và vô luân. Cũng như Tân một người bị tàn tật trong chiến tranh được may mắn cứu sống nhưng lại không đường sinh kế và chết dần chết mòn. Còn Ngạc bị đứa em khác mẹ dí bàn là vào mặt và trở thành một người độc ác, giết người thím tàn tật, chiếm hữu xác thịt người chị đã từng giúp đỡ mình. Ngạc sống như một thây ma thối rữa, ngụp lặn trong tội lỗi. Con người như một thấp thoáng của hư vô, của bạo lực ghê tởm, của bóng dáng chiến tranh xa gần.
Ðêm Tóc Rối với nhân vật Lễ là người luôn tự hỏi mình là ai, hoài nghi cuộc sống, không tin tưởng vào một giá trị nào và sống gần với bản năng hơn là lý trí. Say mê dục tính, ngoại tình với một người đàn bà có chồng dâm đãng, để làm chỗ trú thân cho dục vọng nhơ nhớp bẩn thỉu. Hắn luôn luôn đặt câu hỏi nhưng không bao giờ tự trả lời, luôn đầu hàng mọi sự khi khởi đầu. Ðời sống với hắn là hư vô là không nghĩa lý ngay việc làm tình hay phân biệt giữa tình yêu đích thực của người nữ trinh nguyên và mụ nạ dòng dâm dục. Ðời sống của Lể và những nhân vật khác trong Ðêm Tóc Rối là những người sống không một chút hy vọng, lẫn lộn có và không, thực tại và hư vô, hiện hữu như một loại dư thừa. Phi lý và không nghĩa lý.
Từ tác phẩm Dương Nghiễm Mậu, nghĩ đến văn chương và thời thế. Có vẻ, như văn chương không thể bị hủy diệt được, nếu là văn chương chân thực. Qua sự sàng lọc, qua những thay đổi chế độ, dù có bị xóa bỏ nhất thời, dù tác giả có bị đầy ải tù ngục, nhưng tác phẩm vẫn sống. Chuyện thời thế, lúc này lúc khác, lúc mất lúc còn nhưng văn chương vẫn còn mãi mãi. Ở trường hợp bốn tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu được tái bản ở Sài gòn trong khi chế độ Cộng Sản vẫn còn ngự trị có ý nghĩa gì và có tác dụng ra sao trong thời điểm hiện nay?
Nguyễn Mạnh Trinh
Nguồn: https://sangtao.org/2012/05/25/doc-lai-duong-nghiem-mau-nghi-ve-van-chuong-va-thoi-the
Bài Cùng Tác Giả:
- Văn Quang Với “Những Người Muôn Năm Cũ”
- Đọc “Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác” Của Nhà Văn Nhật Tiến
- Hồ Trường An, tác giả tác phẩm
- Tháng Tám, tưởng niệm văn-thi-họa sĩ Tạ Tỵ
- Vũ Hoàng Chương, ngôi bắc đẩu của thi ca Việt Nam
- Hai mươi năm văn học miền Nam: phỏng vấn nhà thơ Nguyên Sa
- Tô Thùy Yên, chân dung muôn đời thi sĩ
- Dương Nghiễm Mậu và các đao phủ văn chương
0 Bình luận