Giang Hồ Kỳ Tình Lục – Chương 3. Dương Oai tiêu cuộc
Phân phân hồng trần hiêu thế lý
Đa thiểu tuấn nhã nho hùng
Nhu tình tự thủy kiếm như hồng
Tương kiến thái thông thông
Ly hận ký thương củng
Ân oán tình cừu nguyên hữu nhân
Tiếu tương báo hà thời cùng
Thị phi danh lợi chuyển đầu không
Nhất túy nệ ân cừu
Tận phó giang hồ trung
Tạm dịch:
Bụi trần mờ mịt thế gian
Bấy nhiêu tay anh hùng hào kiệt
Nhu tình tựa nước, loang loáng làn kiếm biếc
Thoáng tương phùng
Bỗng chốc như không, ôi trời xanh
Ân oán tình cừu thủy chung
Cười thay kẻ vay người trả
Biết bao giờ xong
Thị phi danh lợi chốc lát đã
Thành không
Say đi một phen cho hết
Ân tình oán hận
Chôn vùi chốn giang hồ phó mặc cho đành.
“Đường đường Đại Nguyên,
gian nịnh chuyên quyền,
khai hà biến sao họa căn nguyên,
nặc Hồng Cân vạn thiên.
Quan pháp lạm,
hình pháp trọng,
lê dân oán;
nhân ngật nhân,
sao mãi sao,
hà tằng kiến;
tặc tố quan,
quan tố tặc,
hỗn ngu hiền.
Ai tai khả lân!”
Bài từ này tên là “Chính cung từ; Túy thái bình”, là do một vị vô danh thị cuối đời nhà Nguyên làm ra. Chuyện kể, cuối triều Nguyên, hoàng đế hoang dâm vô độ, triều cương nghiêng ngửa, buôn quan bán tước, quan lại hoành hành bá đạo, xa xỉ tàn nhẫn, tham ô thành thói, chỗ nào cũng xâu xé bá tánh không được yên ổn sinh sống, chết đói đầy cả hoang dã, mọi nơi nông dân ùn ùn dựng cờ khởi nghĩa, trong đó có Chu Nguyên Chương lãnh đạo nhóm Hồng Cân là lớn nhất, năm 1368 công phá thành đô, lật đổ triều đại tàn bạo của nhà Nguyên, sau đó tiêu diệt thế lực các cứ địa khác, kiến lập ra triều đại nhà Minh. Chu Nguyên Chương làm hoàng đế được ba mươi năm thì băng hà, truyền lại ngôi cho hoàng tôn Chu Sùng Văn, sử gọi là Minh Huệ Đế. Minh Huệ Đế tức vị không bao lâu, Yến Vương Chu Khang mượn danh “Tĩnh nạn” làm loạn, năm 1402 đoạt ngồi hoàng đế, sử gọi là Minh Thành Tổ, Châu Khang chết rồi, con là Châu Cao Chích, cháu là Châu Thiềm Cơ liên tiếp kế vị, sử gọi là Minh Nhân Tông và Minh Hoàn Tông, ba vị hoàng đế đều thực hành chính sách anh minh, bách tính được yên ổn hưu dưỡng. Nhưng Minh Hoàn Tông Châu Thiềm Cơ chỉ làm được mười năm hoàng đế là băng hà, con trai trưởng là Châu Nhưng Trấn kế ngôi hoàng đế, sử gọi là Minh Anh Tông, ông này mới có chín tuổi, do tổ mẫu thái hoàng thái hậu là Trương thị phù trì, triều Minh đến đây là thời kỳ toàn thịnh nhất.
Năm thứ bảy Chính Thống, Trương thái hậu băng hà, Châu Nhưng Trấn sủng ái hoạn quan Vương Chấn, triều cương hủ bại, quan lại tham ô , Vương Chấn hoành hành chuyên quyền, quốc gia bắt đầu suy thoái, lại phát sinh ra biến cố trứ danh trong lịch sử là “biến cố Thổ Mộc Bảo”, Châu Nhưng Trấn suất lãnh năm chục vạn hùng binh bị Ngõa Thích Dã Tiên tận số hủy diệt, Châu Nhưng Trấn cũng bị Ngõa Thích Dã Tiên bắt được, Sau biến cố, em của Minh Anh Tông là Châu Nhưng Ngọc dưới sự ủng hộ phù trì của bọn đại thần Vu Khiêm lên làm hoàng đế, sử gọi là Minh Đại Tông. Dã Tiên thấy Châu Nhưng Trấn không còn giá trị lợi dụng được, bèn đòi triều Minh tiền chuộc, thả Châu Nhưng Trấn về lại nước, để cho hai anh em tranh giành nhau ngôi hàong đế, mình ngồi hưởng lợi “ngồi trên núi xem hai con cọp đánh nhau”. Quả nhiên, Châu Nhưng Trấn về lại triều đình rồi, nhà Minh lại phát sinh ra biến cố trong lịch sử là “biến cố Đoạt Môn”, kết quả Châu Nhưng Trấn giết Châu Nhưng Ngọc và đại thần Vu Khiêm, trở lại làm hoàng đế. Châu Nhưng Trấn không lâu sau đó băng hà, con là Châu Kiến Thâm kế thừa ngôi vị, sử gọi là Minh Tiên Tông, ông Châu Kiến Thâm này lại sủng ái Vạn qúy phi và hoạn quan Uông Trực, còn tin vào tà pháp vu thuật, quậy nát triềuđình kỷ cương, quan lại tham ô, hoang dâm thối nát, thế lực triều Minh đến đây là rơi xuống vực thẳm ngàn trượng, bách tính rơi vào trong dầu sôi lửa bỏng, không nơi nương tựa, khổ không sao mà nói. Đạo tặc ùn ùn nổi lên khắp nơi, sinh hoạt hỗn loạn không chỗ nào an ổn, do đó mà dần dần một nghề nghiệp mới bắt đầu hưng thịnh lên, chính là nghề bảo tiêu, chỉ nội trong thành bắc kinh thôi là đã có đến trên dưới mười nhà tiêu cuộc.
Bắc Kinh vào cuỐi thu, cái lạnh đã sầm sập tới, gió thu từng trận từng trận thổi tung những chiếc lá vàng. Một toà trạch đệ tọa lạc trên con đường Trường An của Bắc Kinh bấy giờ cũng đang tràn đầy không khí vui mừng. Toà nhà ngói lưu ly, cổng đỏ chói, có khoen đồng, khí phái hùng vĩ, chót vót trên cổng là cây tiêu kỳ đang phất phới trước gió, trên lá cờ có thêu hai cây bát quái đao giao chéo nhau, trước cửa có hai con sư tử đá ngưỡng cổ hiên ngang, phía ngoài hai bên đứng hai hàng đám đại hán mặc áo đỏ đầu đội khăn đỏ, người nào người đó tay cầm đại đao, oai phong lẫm lẫm. Trên đầu cánh cửa treo một cái lồng đèn lớn đỏ rực trước một tấm biển vàng chóe đề bốn chữ lớn … “Dương Oai Tiêu Cuộc”. Tấm biển vàng này của vua ban, chính là do đương kim hoàng thượng vừa mới lên ngôi là Minh Hiếu Tông Châu Tá Đường tự tay viết tặng, chỉ có tấm biển thôi là đã biết tiêu cuộc này ở thành Bắc Kinh đứng ở vị trí nào rồi.
Người khai sáng ra Dương Oai tiêu cuộc này chính là Dương Oai, năm xưa chỉ nhờ vào cây bát quái đao, bàn tay trắng làm nên sự nghiệp, trải qua mười mấy năm phát triển, toàn quốc các tỉnh đã có hơn một trăm phân cuộc, làm ăn lan rộng từ bắc chí nam, thậm chí tới cả sa mạc nam bắc dãy Thiên SƠn, thủ hạ dưới tay trên dưới mấy trăm tiêu sư. Đương kim triều đình có chuyện tải lương thực khẩn cấp cho binh lính đều đa số do bọn họ áp tống. Nhắc đến đại danh của Dương Oai, đám hắc đạo ai ai cũng nghe mà táng đởm, bọn hắc đạo có truyền nhau một câu nói, “thà đụng Diêm vương, hơn là vấp phải lão Dương”, chỉ đích danh chính là Dương Oai của Dương Oai tiêu cuộc ở Bắc Kinh. Ông này vốn là người xứ Hà Nam, từ nhỏ theo phụ thân học võ, cha là Dương Kiệt lúc bé được dị nhân chỉ bảo, luyện thành một thân võ công kinh người, hồi đó được giang hồ mệnh danh là “Bát Quái Truy Hồn Thủ”, nhờ vào ba thứ tuyệt chiêu “Bát Quái chưởng”, “Truy Hồn Tiêu” và sáu mươi bốn đường Du Long Bát Quái Đao xưng hùng võ lâm. Lúc còn trẻ ông hành hiệp trượng nghĩa, cứu nguy phò khốn, về sau vào triều đình làm thị vệ, rồi sau đó vài năm chán cảnh sinh hoạt trong cung, bèn về quê, lấy con gái nhà vũ lâm thế gia chỗ đó là Trần Nghiêu Niên làm vợ, không lâu có tin vui, tức hiện giờ là Dương Oai. Sau rồi lại có thêm đứa con gái, không may mất sớm, bà vợ không sinh đẻ gì nữa.
Dương Oai từ nhỏ rất ham luyện võ, năm tuổi đã bắt đầu học, Dương Kiệt từ lúc lấy vợ sinh con rồi, không còn qua lại trong chốn giang hồ, nhất tâm nhất ý dạy con đọc sách luyện võ. Dương Oai lúc mười tuổi, ông ngoại đã dạy cho cách hít thở trong Thái Cực quyền, đến năm ông ta lên mười, Dương Oai không những học được ba thứ tuyệt kỹ gia truyền Bát Quái Chưởng, Bát Quái Đao và Truy Hồn Tiêu, còn thuần thục hết Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm. Năm đó, Trần Nghiêu Niên đến Bắc Kinh thăm bạn, bèn đem Dương Oai theo du ngoạn, vốn là cho ông ta tăng trưởng thêm kiến thức, không ngờ nhờ vậy mà được phúc, ông trời cũng có mắt, rốt cuộc Dương Oai nhờ đó mà thoát khỏi tai ách. Vốn là, Dương Kiệt năm xưa qua lại giang hồ, kết oán bên hắc đạo quá nhiều, sau rồi làm thị vệ, lại đắc tội với không ít một số người, kẻ thù nhân cơ hội ông ta bị bệnh kéo nhau lại báo thù, cầm đầu là Ngũ Hỗ ở Thái Hành Sơn, kéo theo một đám du đãng, một đêm đột nhập vào nhà họ Dương. Tuy vợ chồng Dương Kiệt hết sức chống cự, còn giết chết hai tên trong bọn ngũ hỗ là Hắc Diện Hỗ Khắc Báo và Bạch Diện Hỗ Lý Phàm, nhưng rốt cuộc quả bất địch chúng, bị kẻ thù giết chết. Đợi người của Thái Cực Môn hối hả lại cứu thì nhà họ Dương chỉ còn một đám lửa đỏ, chủ tớ mười mấy người đã mất mạng trong biển lửa, tội nghiệp Dương Kiệt một đời anh kiệt, lại đi chết dưới tay bọn gian ác. Trần Nghiêu Niên nghe tin không khỏi nước mắt tầm tả trên gương mặt già nua, Dương Oai lại càng đau lòng muốn chết, khóc ngất cả đi, lúc tỉnh lại ông ta thề sẽ vì cha mẹ báo thù.
Trần Nghiêu Niên từ Bắc Kinh về lại Hà Nam, bèn phát thiệp mời vũ lâm khắp nơi, rốt cuộc tìm ra bọn hung thủ Ngũ Hỗ Thái Hành Sơn một đám phỉ đồ. Ông ta không màng tấm thân già yếu, tự mình thống lãnh vũ lâm quần hiệp lên Hắc Phong trại ở Thái Hành Sơn, cũng vì con rễ và con gái báo thù, mà cũng đồng thời vì bách tính trừ diệt đi một mối họa hại. Trong trận giao chiến, Dương Oai không nghe lời mọi người ngăn trở, tay cầm thanh Bát Quát Đao của phụ thân để lại cương quyết xông vào Hắc Phong trại, tự tay giết đi mườii mấy tên phỉ đồ, với sự bang trợ của mọi người, rốt cuộc san bằng cả Hắc Phong trại, giết hết bọn phỉ đồ còn lại, báo thù cho cha mẹ. Sau đó, Dương Oai nhờ ông ngoại lại nuôi nấng chỉ điểm thêm thêm, vũ công tiến bộ vượt bực, không những thuần thục võ công gia truyền mà còn thông hiểu cả Thái Cực Kiếm và Thái Cực quyền tinh yếu, đem vô số chiêu thức của Thái Cực dung hòa vào võ công gia truyền của mình. Thanh Bát Quái Đao trong tay ông múa lên quả thật nước không vào được lọt, ào ào gió cuốn, phụ thân ông năm xưa vốn lấy cương mãnh xưng danh, đến giờ truyền đến tay ông lại biến thành cương nhu tương tế, oai lực vô cùng tận. Đợi đến năm Dương Oai lên mười tám, Trần Nghiêu Niên thấy cháu ngoại vũ nghệ đã thành tài, bèn quyết định cho ông ra xông xáo chốn giang hồ, cốt tăng thêm kiến thức lịch lãm. Rồi lại viết thư cho người bạn kết nghĩa của mình ở Bắc Kinh là Kim Thương Vương Vi Bá Thiên ở Oai Viễn Tiêu Cuộc, nhờ lão ta đem cháu mình theo bảo tiêu, để tăng thêm kinh nghiệm giang hồ.
Dương Oai đem lá thơ của ông ngoại đến Bắc Kinh, tìm địa chỉ lại Oai Viễn tiêu cuộc, trình danh thiếp lên. Vi Thiên Bá thấy Dương Oai lưng hùm eo gấu, mắt sáng như sao, anh tuấn phi phàm, đã có mấy phần hoan hỉ, sau đó lại biết thân thế của ông, lại càng coi như là con ruột đem theo bên mình. Mỗi lần đi bảo tiêu, Vi Thiên Bá đều đem ông theo kề bên, Dương Oai đi theo lão qua lại nam bắc, chân đạp hết cả hai miền đại giang nam bắc, không những thông hiểu hết những quy cũ trong ngành bảo tiêu, còn am tường địa bàn ám ngữ trong các bang phái chốn giang hồ, đồng thời còn thể hội sâu xa lối sinh hoạt của đám bảo tiêu sống trên đầu lưỡi đao ngọn giáo, cho đến cách làm ăn trong nghề tiêu hành.
Nguyên tác: A Chí
Dịch giả: Lê Khắc Tưởng
Bài Cùng Tác Giả:
- Bi Ca Hành trong nhạc cổ điển
- Hoàng Hạc Lâu – Thôi Hiệu
- Tương Tiến Tửu – Lý Bạch
- Cẩm Sắt – Lý Thương Ẩn
- Đăng Quán Tước lâu – Vương Chi Hoán
- Vọng nguyệt hòai viễn – Trương Cửu Linh
- Khiển hòai – Đổ Mục
- Lương Châu từ – Vương Hàn
- Phong kiều dạ bạc – Trương Kế
- Dạ vũ ký bắc – Lý Thương Ẩn
- Đăng Lạc Du nguyên – Lý Thương Ẩn
- Vô Đề – Lý Thương Ẩn
- Xuân hiểu – Mạnh Hạo Nhiên
- Bạc Tần Hòai – Đỗ Mục
- Hành lộ nan – Lý Bạch
- Ngọc đài thể – Quyền Đức Dư
- Phú đắc cổ nguyên thảo tống biệt – Bạch Cư Dị
- Hiệp Khách Hành – Lý Bạch
- Tặng Vệ bát xứ sĩ – Đỗ Phủ
- Kim Lũ Khúc – Nạp Lan Tính Đức
- Trường Can Hành – Lý Bạch
0 Bình luận