Giang Hồ Kỳ Tình Lục – Chương 83. Vũ lâm đại hội [2]
Thì ra lúc nãy Triệu Tử Phong phủi phủi trên ghế y đã ngầm vận nội lực chấn đoạn đi bốn chân ghế và chỗ dựa, y luyện nội công theo đường âm nhu của Thái Ất Huyền Công cực kỳ lợi hại chấn thương người không một dấu vết, mà bên trong ngũ tạng lục phủ đã bị tan nát lúc nào không hay, Dương Thông dĩ nhiên là cùng một đường đâu lẽ nào không biết, lúc Triệu Tử Phong phủi ghế y đã đoán được dụng ý. Triệu Tử Phong bấy giờ đã có đề phòng, y đứng dậy làm bộ mỉm cười xin lỗi rối rít:
– Ui da! Cái ghế này sao lại chịu không nổi người ngồi, hay là chịu không nổi nội lực quá thâm hậu của Huyền Ân đại sư chấn gãy đây mà! Công phu ngồi gãy ghế của đại sư tại hạ thật không cách nào học được, bội phục! Bội phục!
Nói rồi hướng về Huyền Ân đại sư vái lấy vái để, bọn TRác Nhất Hoa thì đã rút kiếm đứng canh trước mặt Triệu Tử Phong, Huyền Ân té bổ ngửa ra đã có bọn đệ tử đở ngồi dậy, nhà sư phẫn nộ cùng cực cầm cây cửu tích trượng chạy bon bon lại chỗ phái Hoa Sơn, hơn hai chục gã đệ tử cầm Nga Mi côn chạy theo phía sau, mắt thấy sắp có một trận đại chiến xảy ra giữa hai bên. Trí Không đại sư thấy tình hình không xong vội vàng hét lớn:
– Thập Bát Côn Tăng đâu rồi ?
Mười tám vị La Hán đứng sau lưng nhà sư lập tức cùng gầm lên một tiếng, mọi người ai nấy đều giật nãy mình, Trí Không đại sư ra lệnh:
– Ngăn bọn họ lại!
Chỉ thấy mười tám vị La Hán phất phới tăng bào nhảy vào trong luyện vũ trường, bên này một tăng bên kia một tăng thoáng chốc đã bày ra Thập Bát La Hán Trận ngăn chính giữa hai bên, cả hai đều không dám xông vào trận để qua bên kia do đó đành phải lui về lại chỗ cũ. Mọi người thấy Triệu Tử Phong hiển lộ tuyệt kỹ nội lực cao thâm khôn lường bất giác ngấm ngầm bội phục.
Trí Không đại sư chắp tay niệm Phật rồi nói:
– A Di Đà Phật! Lão nạp mời các vị đến đây chính là thành tâm mời các vị ăn một bát Lạp Bát Bật, ngờ đâu lại gây ra chuyện các vị kết thù kết oán với nhau, mọi người xin nễ vào lão nạp quên đi chuyện thù oán lúc nãy có được không ?
Triệu Tử Phong thấy mình cũNg đã trả đủa lại được một phen với Huyền Ân đại sư, hơi giận cũng đã tiêu tan, y bèn cười nói:
– Tại hạ chỉ là muốn nói đùa với Huyền Ân đại sư một phen nào ngờ lại gây ra chuyện ngộ hội thế này, Huyền Ân đại sư, tại hạ xin nhận lỗi với đại sư nơi đây!
Y nói xong bèn đứng dậy hướng về Huyền Ân đại sư vái một vái, lần này y thành thực nhận lỗi do đó dáng điệu vô cùng cung kính, Trí Không đại sư quay đầu qua Huyền Ân nói:
– Huyền Ân đại sư, Triệu chưởng môn thành tâm hướng đại sư giải tỏa hiềm khích, ý đại sư ra sao ?
Huyền Ân thấy vậy cũng chắp tay đáp lễ nói:
– Không dám! Không dám! Lão nạp lúc nãy có chỗ đắc tội, xin Triệu chưởng môn niệm tình thứ lỗi.
Nhà sư thấy Triệu Tử Phong nội lực chấn đoạn chiếc ghế cũNg lấy làm khâm phục, Trí Không đại sư đã mở miệng can gián, nhà sư làm sao còn muốn làm to chuyện, nhà sư là trụ trì của chùa nam Thiếu Lâm một lời cửu đỉnh dĩ nhiên oán thù từ đây không còn. Triệu Tử Phong mỉm cười thi lễ nói:
– Thật là đắc tội!
Nói xong cũng trở về lại chỗ ngồi. Trí Không đại sư bèn quay qua Yến Dương Thiên thi lễ nói:
– Yến chưởng môn, ý ngài ra sao ?
Yến Dương Thiên hướng về Trí Không đại sư đáp lễ nói:
– Đại sư lòng dạ từ bi như vậy làm sao tại hạ còn dám không tuân mệnh ?
Nói rồi gã cũng hướng về Huyền Ân đại sư vòng tay thi lễ nói:
– Huyền Ân đại sư, lúc nãy đắc tội xin bỏ qua!
Mọi người thấy dáng điệu của gã tuy gượng gạo miễn cưỡng, nhưng gã là một phái chưởng môn, một lời nói ra nhất định là phải theo, Trí Không đại sư thấy hai phái chưởng mÔn đều không phiền hà gì với Huyền Ân đại sư nữa bèn nói:
– Xin các vị đều an tọa, lão nạp còn có chuyện cần nói với các vị.
Bấy giờ tăng nhân chùa Thiếu Lâm cũNg đã đem ghế ra, Huyền Ân bèn ngồi xuống đâu vào đó.
Lâm Trung Hiền phái Hằng Sơn nói:
– Mọi người đều là đồng đạo vũ lâm, có chuyện gì không phải có thể nói thẳng ra đừng nên làm thương tổn hòa khí, chúng ta còn chưa đụng độDi Lặc giáo đã ẩu đả với nhau, làm vậy không phải là để bọn chúng ngồi làm ngư ông hưởng lợi sao ?
Tuệ Thanh sư thái phái Hoành Sơn cũng nói:
– Huyền Ân đại sư lòng dạ từ bi, đức Phật đã biết, có điều đức Phật độ người có duyên, ngày nay bọn Di Lặc giáo tâm ma đã hiện rõ ràng, liên tiêp sát hại đệ tử các môn các phái, ngay cả đệ tử của nhà Phật chúng tôi cũNg không bỏ qua, đức Phật tuy từ bi nhưng cũng có dạy, trừ ác cũng là giúp lành, Trí Không đại sư cử hành đại hội lần này cũng la`theo ý đức Phật phổ độ cứu vớt chúng sinh.
Dương Thông thấy Huyền Độ đại sư thật tình quá cổ hủ bèn góp lời:
– Bọn Di Lặc giáo thật nguy hại cho giang hồ, không những chỉ bắt đầu từ hôm nay thôi mà trước giờ vẫn tranh cướp đồ vật của bảo tiêu và khách thương tàn sát người trong các môn phái, la`mra không biết bao nhiêu chuyện táng tận lương tâm, mười năm trước, gia phụ tại hạ và hơn năm chục người tiêu sư đã bị táng mạng dưới tay bọn Di Lặc giáo này, làm cho cả tiêu cục tan cửa tan nhà, tại hạ cũng là một nạn nhân trong đó.
Nói rồi Dương Thông bèn đem chuyện Lục Trang đã từng nói cho mình nghe, là Di Lặc giáo đã bức chết Dương Oai và cướp tài vật của tiêu cục nói cho mọi người nghe. Hiện tại y là bang chủ một đại bang nói ra cũng không sợ Di Lặc giáo hãm hại dễ dàng như lúc trước, với lại ai nấy đều chia xẻ mối thù chung do đó y bèn đem thân thế của mình nói ra cho mọi người cùng rõ. Dương Thông thấy không ai nói gì bèn tiếp lời:
– Không những vậy Di Lặc giáo còn lợi dụng Trung Thánh Môn làm bình phong, ngấm ngầm thôn tính vô số các môn phái nhỏ trong giang hồ, còn thu nhận những kẻ bại hoại vào cho mình xử dụng, ví dụ như Liễu Không đại sư lúc nãy đã có nói đến Lãn Lộ Hỗ Hầu Tứ trong bọn Thái Hành Sơn Ngũ Hỗ là vậy, mười mấy năm nay chiếm cứ chùa Phụng Tiên làm hại lương dân tranh cướp tài vật chưa từng bị ai phát hiện, tuy là sào huyệt đó đã bị chúng tôi phá hủy nhưng không biết còn có bao nhiêu sào huyệt bí mật khác của bọn Di Lặc giáo khắp nơi, bọn chúng tranh cướp khách thương qua lại, giết người cướp của hãm hiếp phụ nữ không lẽ không đáng diệt trừ đi sao ?
Mọi người nghe nói đều lẩm nhẩm gật đầu.
Trí Không đại sư nói:
– Lão nạp lần này mời các vị lại, thứ nhất là mời thiên hạ anh hùng cùng ăn bát Lạp Bát Bật, tiếp đó là để thương lượng chuyện Di Lặc giáo dạo sau này đã tàn hại nhân sĩ giang hồ, lão nạp muốn liên hiệp nhân sĩ các phái cùng nhau đối phó cứu vớt kiếp nạn lần này của vũ lâm. Năm xưa Quỹ Giáo hoành hành giang hồ sát hại vũ lâm thiên hạ cũng là nhờ mọi người kếtminh cộngđồng đối phó mà giành được cho giang hồ mấy chục năm thanh bình, hiện tại như nếu có vị nào không muốn tham dự vào chuyện kết minh chúng tôi cũng không miễn cưỡng, chúng ta đã ăn xong chén Lạp Bát Bật, xin mời tự mình xuống núi hoặc du ngoạn quanh đây, chùa Thiếu Lâm y dạng đối đãi tôn kính như khách.
Mọi người nghe nhà sư nói xong lẳng lặng không ai có ý kiến gì, không ai muốn ăn xong rồi bỏ đi như vậy. Dương Thông nghe nhà sư nhắc đến Quỹ Giáo thình lình sực nhớ đến Hắc Vô Thường Tang Thiên Ác bèn nói:
– Phương trượng vừa nói đến chuyện Quỹ Giáo năm xưa, tại hạ chợt nhớ đến một chuyện, Hắc Vô Thường của Quỹ Giáo cũng từng gia nhập dưới trướng của Di Lặc giáo đó!
Nói rồi đem chuyện Hắc Vô Thường đã hỗng nhập vào Cái Bang ra sao, bị Cái Bang bắt giữ ra sao, cuối cùng giải tán dư đồ của Quỹ Giáo trở về lại Tây Vực ra sao kể lại cho mọi người nghe, Hắc Vô Thường đã về lại Tây Vực nói ra cũng không gây rắc rồi gì cho lão, chuyện mình giúp lão giải độc và chuyện lão nói cho Dương Thông đều lược qua không kể. Mọi người nghe nói đều giật mình kinh ngạc không ngờ đến Di Lặc giáo còn thu được những kẻ lợi hại như Tang Thiên Ác vào vòng như vậy, những người tuổi tác lớn một chút có mặt lúc này nhớ lại lần đó tham gia vây công Địa Ngục Quỹ Bão ở Âm Sơn trận chiến vô cùng thảm khốc hai bên đều tổn thương trầm trọng cuối cùng mới tiêu diệt được Quỹ Giáo, bây giờ nhớ lại còn kinh hồn táng đảm.
Lâm Trung Hiền phái Hằng Sơn nghe tới đó thở ra một tiếng nói:
– Không ngờ được Di Lặc giáo dã tâm thật lớn lao, năm xưa lão phu cũng có tham dự trận vây công Âm Sơn, đến nay nhớ lại còn rùng mình, mọi người hãy xem đây! Đây là ký hiệu năm xưa Quỹ Mẫu đã để lại trên người lão phu.
Nói rồi lão kéo ống tay phải lên, mọi người bèn thấy một vết sẹo vừa dài vừa sâu đỏ hỏn trên cánh tay lão, tưởng là vết thương lúc ấy hẳn là trầm trọng đến đâu. Lâm Trung Hiền lại nói tiếp:
– Vết sẹo trên người lão phu này là do Quỹ Mẫu chụp trúng, may mà lúc đó Huyền Không đại sư phái Thiếu Lâm đã nhanh tay cứu được.
Dương Thông thấy lão râu tóc bạc phơ bay lất phất, cặp mắt loang loáng như điện, nói đến chuyện khích đấu kịch liệt năm xưa, mặt mày oai nghiêm chính nghĩa, đầu tóc đều như muốn dựng đứng lên, bất giác sinh lòng kính phục.
Lâm Trung Hiền phái Hằng Sơn thì Đoàn Nhị cũng đã từng đề cập tới với Dương Thông, y biết đây là một vị tiền bối vũ lâm đáng được tôn kính, phái Hằng Sơn là lãnh tụ quần hùng ở phương bắc, đệ tử phái này xưa kia vốn không được đứng đắn lắm, sau này Lâm Trung Hiền nhiệm chức chưởng môn rồi bèn ra sức chỉnh đốn một phen môn phong cương kỹ làm cho quy cũ chặt chẻ, đệ tử trong phái hành hiệp trượng nghĩa làm cho oai danh phái Hằng Sơn càng ngày càng lớn mạnh. Hằng Sơn vốn có tên là bắc nhạc, nằ, ở thành nam huyện Hồn Nguyên Sơn Tây, phía tây sát với Nhạn Môn Quan, phía đông giáp với tỉnh Hà Bắc liên miên mấy trăm dặm, lớn nhỏ một trăm lẻ tám tòa núi. Tương truyền hơn bốn ngàn năm trước Vũ Đế tuần thú bốn phương thấy ngọn núi này hùng vĩ bèn phong cái tên bắc nhạc, sau này Hằng Sơn cùng với Hoa Sơn, Hoành Sơn, Tung Sơn và Thái Sơn cùng xưng thành ngũ nhạc. Bắc nhạc Hằng Sơn từ xưa đã là nơi chiến địa đời này qua đời khác xây lên không biết bao nhiêu hào lũy sạn đạo, phái trọng binh trấn thủ. Chuyện xưa trứ danh của Dương Gia tướng thời Bắc Tống bắt đầu ở đây, Dương Nghiệp, Dương Diên Chiếu, Dương Tông Bảo, Dương Văn Quảng mấy đời đều trấn thủ ở Nhạn Môn Quan tung hoành qua lại sa trường đề kháng cường địch bảo vệ xã tắc lưu danh muôn thuở, đến giờ vô số vách đá trên Hằng Sơn còn lưu lại không biết bao nhiêu dấu vết đao tên. Phái Hằng Sơn do đệ tử trước giờ lúc nào cũng đông đảo do đó được gọi là Hằng Tông, có Thuần Dương Cung, Cửu Thiên Cung, Bắc Nhạc Miếu, Hội Tiên Phủ, Huyền Không Tự mười mấy nơi có kiến trúc nổi danh, trong đó lấy Huyền Không Tự nơi chôn cất chưởng môn các đời là trứ danh nhất.
Chùa Huyền Không được xây lên sau thời Bắc Ngụy, tương truyền hòa thượng trụ trì trong chùa là Quảng Thắng đại sư bởi vì muốn lánh mặt các vị đế vương mà thành ra có lúc sùng tín đạo Phật có lúc sùng tín đạo giáo, có lúc lại sùng tín đạo Khổng mà từ bỏ đạo Phật, do đó mà làm ngôi chùa treo lơ lửng ở Kim Long Hiệp Sơn. Đây là một ngôi chùa hiếm có, người xưa có làm thơ tán tụng rằng: ‘Thùy nghiệp cao sơn thạch, lăng không câu Phạn cung, huy lâu nghi hải thượng, điểu đạo một vân trung’. Chùa xây lững lơ giữa hai vách đá hẹp, phía trên là đá nguy nga phía dưới là vực thẳm sâu không thấy đáy, cấu kết đặc thù gió thổi không xiêu mưa đổ không ngập, trên là vách đá khổng lồ che chở không sợ bị đá lở, chữ “huyền” lấy từ đạo giáo, chữ “không” lấy ở đạo Phật, sau này người ta cứ việc gọi là Huyền Không Tự. Cổng chùa hướng nam, các miếu các lăng theo hình chữ nhất xây thành một dọc như con rồng nằm cuộn mình, đông tây là đai áo, toàn ngôi chùa chia ra làm điện Tam Cung, điện Tam Thánh và điện Tam Giáo ba phần. Điện Tam Cung cung phụng Thái Thượng LãO Quân, Thái Ất Chân Nhân và Quan Đế Gia, là thánh địa của Đạo giáo. Điện Tam Thánh thì cung phụng Thích Ca Mâu Ni của đạo Phật, Địa Tạng Vương Bồ Tát và Đại Từ Đại Bi Bồ Tát. Còn điện Tam Giáo thì cung phụng chính giữa là Thích Ca Mâu Ni, bên phải là Khổng Tử của Nho gia, bên trái là Lão Tử của Đạo giáo. Chùa có hơn bốn chục gian phòng kiến trúc dựng lên từ sạn đạo hoặc cầu treo hoặc vách đá, phòng kín tương thông bằng khe núi hoặc cửa hang, đường đi vòng vo như mê cung, cả một tòa đại điện và vách núi dính vào với vách núi, đời này qua đời khác trải qua bao nhiêu năm mưa gió động đất vẫn y nhiên không hề suy suyễn. Thi nhân thời Đường Là Lý Bạch đã từng vác kiếm qua đây, thấy một kỳ quan như vậy bất giác cảm thán không ngớt đề trên vách đá hai chữ “tráng quan” và làm bài Dạ Túc Sơn Tự như sau: ‘Nguy lâu cao bách xích, thủ khả trích tinh thần, bất cảm cao thanh ngữ, khủng kinh thiên thượng nhân’.
Phái Hằng Sơn vốn là thánh địa của Phật giáo đặc biệt là vào thời Đường, lúc đó đã phát triển đến mức cực thịnh, đi chùa lễ Phật là phong tục, tăng nhân rất được quan phủ ưu đãi phụng dưỡng, rất nhiều tăng nhân nổi tiếng được phong làm quốc sư pháp sư vân vân, chùa miếu rất được nhiều đất đai và giúp đở. Đến thời Đường Tiêu Tông và Đường Đại Tông, lại còn được bao bọc thành trang viện cùng nô bộc và tài sản được nhiều đặc quyền của triều đình, lập ra pháp sư quản hạt tất cả chùa chiền, còn có vũ tăng bảo vệ khu vực, tự có quân đội riêng tư. Đến thời Đường Vũ Tông Lý Viêm, bởi vì chùa miếu chiếm cứ đất đai tài sản quá nhiều lại còn không phải nạp thuế má thi hành nghĩa vụ, rồi đi hà hiếp đến bách tính, thêm nữa đồ tượng trong chùa miếu đều làm bằng đồng làm cho cả nước thiếu kim khí để chế tạo binh khí do đó Đường Vũ Tông hạ lệnh bãi bỏ Phật giáo thu lại hết của cải điền địa của chùa miếu, bắt buộc tăng nhân ni cô đều phải hoàn tục. Đám người của phái Hằng Sơn vì tỵ nạn đành phải để tóc lại, sau này đa số đều bỏ đi giới luật cấm rượu, dần dần trở thành phái Hằng Sơn hiện giờ.
Nhưng phái Hằng Sơn trở thành một môn phái lớn cũng phải bắt đầu từ thời Tam Tống Tống Cao Tông. Thời kỳ ban đầu của Nam Tống, triều đình không có tài năng, quân Kim đánh xuống phía nam mấy lần cướp của giết người không chuyện gì không làm, dân chúng miền bắc vì phải bảo vệ xóm làng bèn xúm nhau đoàn kết lại thành toán nghĩa quân kháng cự quân Kim, trong đó có Vương Thiện, Dương Tấn, Vương Tái Hưng, Lý Quán, Vương Đại Lang vân vân, lãnh đạo nhóm nghĩa quân có thế lực nhất, bọn họ có đâu mấy chục vạn binh mã, đám người này trước đó đã chạy loạn lên núi Hằng Sơn, ở đó học vũ nghệ ai ai cũng có tấm lòng trung can nghĩa đảm, ái mộ lão tướng kháng Kim là Tông Trạch bèn đầu bôn dưới lá cờ của ông ta, có điều triều đình Nam Tống hèn nhát cầu mong đường sống đi theo chính sách đầu hàng quân địch, đánh dẹp áp bức Tông Trạch không cho ông ta đánh lên phía bắc lấy lại lãnh thổ, Tông Trạch uất ức mà chết. Sau này Nam Tống có được danh tướng trứ danh là Nhạc Phi cùng với đám Vương Thiện, Dương Tấn, Vương Tái Hưng, Lý Quán, Vương Đại Lang đi theo phò tá, có điều Tống Cao Tông và tể tướng Tần Cối lấy cớ sát hại Nhạc Phi đồng thời giải tán hết đám nghĩa quân, tước đi binh quyền của một danh tướng khác là Hàn Thế Trung, đám tướng tài dưới trướng phẫn nộ bỏ đi hết về miền bắc, chiêu tập cựu bộ lấy Hằng Sơn làm cứ điểm tiếp tục kháng cự quân Kim, bọn họ chuyên môn cướp phá quân Kim quanh quẫn Nhạn Môn Quan làm cho giặc Kim kinh hồn táng đảm không dám xuống miền nam phá phách. Phái Hằng Sơn chính là nhờ lúc đó mà vũ công tiến triển không ngừng, Vương Thiện sử binh khí là một cặp ngân câu, Dương Tấn sử trường thương, Vương Tái Hưng sử Sát Thủ Giản, Lý Quán sử đại đao,Vương Đại Lang sử CửU Tiết Côn do đó phái Hằng Sơn vũ công vô cùng phức tạp, mười tám thứ vũ nghệ hầu như đều có đủ, đám tướng lãnh đó chiếm cứ phái Hằng Sơn rồi bèn kết hợp vũ công của phái Hằng Sơn trước đó rồi sáng tạo thêm vô số thứ vũ công mới, trong đó lợi hại nhất là Liên Hoa Thiên Diệp Thủ là thứ chưởng pháp được sáng chế trong thời gian đó. Lúc Mông Cổ vào xâm lăng, cướp bóc tàn hại dân lành cùng các nhân sĩ vũ lâm, rất nhiều môn phái đã bị hao tổn vì bị quân Nguyên tàn sát, phái Hằng Sơn cũng không thoát khỏi, nhiều lần bị quân Nguyên vây sào huyệt, đa số bắt buộc phải trốn chạy xuống núi có điều lúc quân Nguyên rút lui thì bọn đệ tử phái Hằng Sơn lại kéo nhau trở về kiên trì kháng cự, tu bổ lại chùa miếu nhà cửa. Có điều cũng có một số đệ tử không trở lại Hằng Sơn tự mình dựng lên môn phái trong giang hồ, các môn phái nhỏ trong giang hồ phía bắc đa phần là xuất phát từ phái Hằng Sơn, như Kim Đao Môn, Đường Hướng Quyền, Kim Thương Môn vân vân, đám môn phái đó tuy tự lập môn hộ nhưng vẫn lấy phái Hằng Sơn làm đầu não nghe thoe hiệu lệnh của phái này, do đó phái Hằng Sơn trở thành lãnh tụ của quần hùng phương bắc và được xưng là Hằng Tông.
Triệu Tử Phong phái Hoa Sơn tiếp lời:
– Trí Không đại sư nói quả không sai, hiện tại trong giang hồ có một số môn phái tuy chưa bị bọn họ sát hại nhưng nếu chúng ta cứ để mặc như vậy, sớm muộn gì rồi cũng sẽ có đại họa xuống đầu, chúng ta không thể ngồi đó chờ chết, mà phải liên hiệp với nhau đánh lên Đại Tuyết Sơn tiêu diệt bọn Di Lặc giáo để trừ hậu hoạn!
Triệu Tử Phong vừa nói dứt lời thì một giọng nói oang oang cất lên:
– Không phải vậy! Không phải vậy! Triệu chưởng môn nói có chỗ không ổn thỏa, thật là quá không ổn thỏa!
Mọi người nghe nói giật nãy mình quay đầu lại xem người vừa nói là ai, Dương Thông thấy người đó ngồi chính giữa đám môn phái nhỏ, là một lão già chừng hơn năm chục tuổi, lão già mặt mày hồng hào tóc tai bạc phơ mặc một tấm trường bào lụa màu xanh tay cầm một ống dọc tẩu bằng phỉ thúy xem dáng vẻ như một chưởng quỹ trong một tiền trang. Dương Thông chưa hề gặp qua người này không biết lão là môn phái gì, chỉ nghe Trí Không đại sư cất tiếng niệm Phật:
– A Di Đà Phật! Bao tiên sinh có cao kiến gì xin mời nói ra.
Lão già cười nói:
– Phương trượng đại sư, cháo Lạp Bát Bật của đại sư lão phu đã ăn xong, có điều chuyện đi đánh Di Lặc giáo Bao mỗ không tham dự được! Đại sư xin nghĩ thử, như nếu Bao mỗ giết vài vị sư huynh trong chùa có tự mình thông báo tính danh ra không ? Còn chuyện gian dâm cướp bóc gì đó lại càng không để lại đại danh tý nào! Người ta nói ‘chó sủa là chó không cắn, mèo ăn vụng sẽ chùi miệng sạch sẽ’, lão phu cũng đã từng mấy lần vào Cơ Xuân viện gặp cô nương Thúy Hồng, như nếu để lại tính danh chỉ sợ sẽ bị mắc nợ phong lưu không chừng, ha ha ha …!
Mọi người nghe nói đều nhìn kỹ lão già, nhất là các tăng nhân lại càng chú ý, thấy lão ăn nói không được đứng đắn, lời nói lại càng vô lễ, ai cũng vô cùng tức giận trong bụng. Dương Thông quay đầu qua hỏi Ngô trưởng lão:
– Long đầu trưởng lão, lão này là ai ?
Ngô trưởng lão hạ giọng đáp:
– Bẩm bang chủ, lão này là Bao Thất, truyền nhân của Vô Cực Môn ở Hà Nam Khai Phong, lão thì tự mình xưng là hậu nhân của ông quan thanh liêm Bao Thừa thời Tống.
Dương Thông nghe Ngô trưởng lão đề cập tới Vô Cực Môn bèn nghĩ tới Đoàn Nhị có nói qua môn phái này, sở trường kỳ môn độn giáp tinh tú chiêm bốc. Trí Không đại sư chắp tay làm lễ nói:
– Bao tiên sinh có cao kiến xin mời nói thẳng ra cho.
Lão già cười nói:
– Di Lặc giết vô số người trong giang hồ, có ai thấy qua bọn họ là ai trong Di Lặc Giáo ? Như nếu chúng ta chỉ dựa vào có mỗi lá cờ bèn đoán chắc đó là bọn họ thì không khỏi có chỗ võ đoán, như nếu chúng ta hiên ngang dẫn nhau đi lấy binh đao làm lễ tương kiến với Di Lặc giáo thì không biết sẽ có bao nhiêu là máu chảy thành sông thây chất thành gò thành núi! Vạn nhất nếu không phải bọn họ, không phải là chúng ta tự tương tàn sát hay sao ?
Yến Dương Thiên chưởng môn phái Không Động nghe vậy bèn cười nhạt một tiếng nói:
– Bao tiên sinh, sao ông biết đám người đó không phải là do Di Lặc giáo giết ? Có phải là vì người trong Vô Cực Môn các ông chưa ai bị giết phải không ?
Lão già cười nói:
– Yến chưởng môn nói vậy là sai rồi! Lão phu chỉ thấy là chuyện này có chỗ nhiêu khê, chúng ta còn phải tra xét cho rõ ràng rồi mới kết luện đầu vào đâu, nếu không hai bên lỡ có hiểu lầm, hậu quả sẽ tai hại không biết sao mà lường.
Vô số các môn phái nhỏ nghe lão nói đều lẩm nhẩm gật đầu tán thành ý kiến, đám môn phái nhỏ này vì chưa bị Di Lặc giáo làm hại do đó không nghĩ đến chuyện tham dự gây hấn vào một giáo phái lớn.
Triệu Tử Phong bèn nói:
– Vị Bao tiên sinh này nói cũng đúng, dĩ nhiên là chúng ta phải điều tra rõ ràng chuyện này chân tướng ra sao trước đã, có điều mình không hại người là chắc nhưng cũng đề phòng người ta hại mình, hiện tại những người bị hại cho dù không phải là Di Lặc giáo gây ra nhưng chắc chắn là một môn phái hùng mạnh hoặc tổ chức thần bí nào đó làm, không lẽ chúng ta cứ để cho bọn họ mặc tình thao túng sao ?
Lão già nghe nói vậy bèn lặng thinh, Trí Không đại sư bèn nói:
– Triệu chưởng môn và Bao tiên sinh đều nói đúng cả, chuyện này chúng ta phải tra ra cho rõ ràng đâu vào đó, có điều trước mắt giang hồ chớp mắt là sẽ phát sinh một trường kiếp nạn mà các môn các phái chúng ta lại như những hạt cát vung vãi, một bầy rồng không có đầu, lão nạp cho là chúng ta nên chọn một người đức độ kiêm tài năng ra lãnh đạo mọi người cùng thoát khỏi cơn nguy biến mới phải.
Yến Dương Thiên gật đầu nói:
– Phương trượng đại sư nói rất đúng, Yến mỗ cho là người thích hợp với ngôi vị này phải là Trí Không đại sư, chùa Thiếu Lâm trước nay vốn là Thái Sơn Bắc Đẩu của vũ lâm, chỉ cần đại sư đứng ra hô một tiếng, thiên hạ vũ lâm anh hùng đều hưởng ứng.
Rất nhiều người nghe đến đó đều nhao nhao tán thành ý kiến của Yến Dương Thiên, bày tỏ lòng nhiệt thành ủng hộ chùa Thiếu Lâm Trí Không đại sư đứng ra lãnh đạo quần hùng. Trí Không đại sư chắp tay đáp lễ rồi nói:
– A Di Đà Phật! Lão nạp là người phương ngoại, chân chưa bước ra khỏi chùa đã được hơn mấy chục năm nay, đối với chuyện trong giang hồ đều rất bỡ ngỡ không quen thuộc, người lãnh đạo này phải là một tay hiền tài mới phải.
Bởi vì đại hội lần này là do chùa Thiếu Lâm xướng khởi, nếu Trí Không đại sư đứng ra nhận lãnh sẽ không khỏi có nhiều người cho rằng chùa Thiếu Lâm có dã tâm thống lãnh anh hùng thiên hạ, do đó Trí Không đại sư uyển chuyển từ chối để tỵ hiềm nghi, mọi người ai nấy nhất thời bối rối không biết phải đề cử ai đây.
Một gã đại hán thấy Trí Không đại sư cực lực chối từ bèn lớn tiếng nói:
– Phương trượng đại sư chùa Thiếu Lâm đã không nguyện ý can thiệp vào chuyện giang hồ, chi bằng chúng ta chọn Lâm chưởng môn của phái Hằng Sơn vậy, Lâm chưởng môn đức vọng trọng, nghĩa hiệp tiếng tăm vang dội, lại là người ổn trọng rất thích hợp với ngôi vị lãnh tụ!
Dương Thông thấy người này tuổi tác chừng năm mươi thân hình nhỏ bé mặc một bộ đồ kình trang màu đen, mặt mày đen đủi loắt choắt miệng nhô ra, cặp mắt thì nhìn quanh láo liêng, trên vai lão có con khỉ nhỏ nhắn màu vàng đeo cứng bèn đoán lão là chưởng môn của Hầu Quyền Môn Vũ Tứ Đức, y thấy lão này quả nhiên có mấy phần giống khỉ bất giác bật cười trong bụng. Hầu Quyền Môn xuất xứ vốn là từ phái Hằng Sơn ra, xem ra Vũ Tứ Đức có ý muốn phái Hằng Sơn lãnh tụ mình được thơm lây. Lão vừa nói dứt lời một gã đại hán khác bèn lớn tiếng phụ họa:
– Đúng vậy, Lâm chưởng môn phái Hằng Sơn lòng dạ nhân hậu vũ công cao cường lại hành tẩu mấy chục năm nay trong giang hồ kinh nghiệm phong phú rất thích hợp với chức vị này hơn ai cả.
Gã nói dứt lời lại có vô số người lên tiếng phụ họa, Dương Thông thấy gã đại hán này khoảng chừng hơn bốn mươi thân thể khôi ngô mày rậm mắt to mũi cao miệng rộng cặp mắt loang loáng như điện, gương mặt chữ điền dáng vẻ phong trần, nhìn qua nhìn lại lộ vẻ oai nghiêm, y nhận ra người này chính là chưởng môn Kim Thương Môn Tư Mã Lâm, Kim Thương môn cũng là một môn phái nhỏ tự lập ra môn hộ từ phái Hằng Sơn ra, xuất xứ từ vị tướng quân Dương Tấn kháng Kim thuở xưa. Lâm Trung Hiền phái Hằng Sơn nghe có hai người tiến cử mình vuốt râu cười ha hả nói:
– Quá khen! Quá khen! Hai vị đài cử lão phu quá chừng, lão phu đã bao nhiêu đâu tuổi còn đảm đương gì được trọng trách này ?
Lâm Trung Hiền bèn khiêm nhượng từ chối một hồi, bèn có người lại đề cử Thanh Tòng đạo trưởng phái Võ Đang, nhất thời người này một câu người kia một câu giằng co một hồi không ngã ngũ theo đường nào.
Nguyên tác: A Chí
Dịch giả: Lê Khắc Tưởng
Bài Cùng Tác Giả:
- Bi Ca Hành trong nhạc cổ điển
- Hoàng Hạc Lâu – Thôi Hiệu
- Tương Tiến Tửu – Lý Bạch
- Cẩm Sắt – Lý Thương Ẩn
- Đăng Quán Tước lâu – Vương Chi Hoán
- Vọng nguyệt hòai viễn – Trương Cửu Linh
- Cận thí thượng Trương thủy bộ – Chu Khánh Dư
- Khiển hòai – Đổ Mục
- Phong kiều dạ bạc – Trương Kế
- Dạ vũ ký bắc – Lý Thương Ẩn
- Đăng Lạc Du nguyên – Lý Thương Ẩn
- Xuân hiểu – Mạnh Hạo Nhiên
- Hành lộ nan – Lý Bạch
- Ngọc đài thể – Quyền Đức Dư
- Hiệp Khách Hành – Lý Bạch
- Kim Lũ Khúc – Nạp Lan Tính Đức
- Trường Can Hành – Lý Bạch
0 Bình luận