Bài 1

Duy Thanh “tự họa”, Phổ Thông [1953-1954], Hà Nội.
Họa sĩ Duy Thanh Nguyễn Khánh Thành 11. 8. 1931, Thái Nguyên, Việt Nam — 24. 11. 2019, San Francisco, California, Hoa Kỳ

Trước khi tiếp tục loạt Tô Thùy Yên & Nhóm/ Tạp chí Sáng Tạo, tôi muốn trình bày về họa sĩ thành viên Duy Thanh và một số thành viên khác. Thứ nhất, ông không sáng lập nhưng đã góp phần vào việc Mai Thảo được người Hoa Kỳ giao tờ Sáng Tạo và, bởi thế, cũng phát sinh Nhóm Sáng Tạo.Thứ hai, sự đóng góp của ông vào Hội họa Miền Nam sẽ được ghi lại qua những tài liệu trong phạm vi giới hạn của một bài viết.

Tôi nghiệm được một điều khiến quyết định viết về ông và Nhóm Sáng Tạo trở thành dễ dàng: Vấn đề tài liệu. Bầy tỏ tình cảm với người sống đã khó, công khai nỗi tiếc thương làm chi khi họ đã khuyết; nhưng một lần nữa, tình cảnh thiếu thốn tài liệu một cách khác thường dẫn đến sự khan hiếm, thậm chí sai lầm, đậm chất nghèo nàn trong nhiều bài đã xuất hiện. Bởi thế, trước khi vào phần chính Duy Thanh, tôi sẽ giới thiệu vài chi tiết về thí dụ của thành viên Tô Thùy Yên hầu cho thấy mối nguy thiếu hụt hay suy diễn sai lầm tài liệu đang tiếp tục góp phần vào miền khuyết sử.

Miền khuyết sử đó không chỉ khuyết phần Văn học Miền Nam mà còn về Chiến tranh Việt Nam. Từ lâu, tôi đã nhận thấy một thứ chiều hướng không những tách Văn học Miền Nam khỏi cuộc chiến, mà còn tách nhiều tác giả như Nhóm Sáng Tạo khỏi cuộc chiến khi nhận xét rằng sáng tác của họ đa số chỉ-về-thành phố. Trước hết, một tác giả không thể bịa đặt nếu không có kinh nghiệm. [Sau nữa, có đúng như thế không, ít nhất với Nhóm Sáng Tạo?] Miền Nam khác Miền Bắc chính ở quyền tự do sáng tác. Tôi không tin chúng ta Miền Nam lại nuôi dưỡng một thứ giáo điều tương tự khiến phản bội sự tự vệ để bảo vệ quyền tự do ấy.

Trên hết thẩy, tôi thường cảm thấy một sự khôi-hài-đen khi được đọc một số bài về nhiều tác giả danh tiếng Miền Nam. Sự khôi hài đó càng tăng khi độc giả, hay thật ra, chính tác giả, phải biết rõ những “bổn cũ soạn lại” đó gồm tin tức không kiểm chứng được, hay tệ hơn, đã bị kiểm chứng là sai. Nhiều lần sai bên này và bên kia đại dương cộng thêm hai bên một giòng Bến Hải.

Bởi thế, ít nhất ai cũng có thể góp phần tài liệu từ kinh nghiệm khôi-hài-đen ấy. Tôi khởi sự viết loạt bài Duy Thanh ngay sau khi ông qua đời vào cuối tháng 11. Gần nửa năm sau, ngày 30 tháng 4 lại đến. Đó là ngày thất trận của Việt Nam Cộng hòa nhưng cũng là ngày khải hoàn của Văn học Nghệ thuật Công dân Miền Nam. Hai mươi năm của Miền Nam ấy cũng có thể đồng nghĩa với một miền khuyết sử khi không chỉ khuyết nhân vật như họa sĩ Duy Thanh.

1. Miền khuyết sử: Giọt tối phiếm du/miền khuyết sử, Thanh Tâm Tuyền

1.1 Văn, Thơ, Tiểu luận Tô Thùy Yên & Nhà Xuất bản Kẻ Sĩ trong Tiểu sử Thiếu Tá Tâm Lý chiến Đinh Thành Tiên

Tôi hơi bất ngờ khi phải kéo dài loạt Tô Thùy Yên và Nhóm Sáng Tạo thành một thứ “trường thiên tiểu thuyết” từng kỳ chỉ vì lý do nêu trên. Ngày nay, ngay cả những nhà sưu tập không cần chuyên nghiệp lắm cũng có thể tìm đọc Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Vấn Đề, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Thời Tập vv. nên quả khác thường khi tuồng như phần Văn và phần Tiểu luận của Tô Thùy Yên hoàn toàn vắng mặt trong nhiều bài đã xuất hiện sau khi ông qua đời.

Đây là lúc tuyệt hảo cho các nhà phê bình chuyên nghiệp, hay văn hữu, nếu muốn, nhìn lại đời văn chương Tô Thùy Yên từ sáng tác trước 1975 tới khép lại vào năm 2019 khi tương đối đã có đầy đủ tài liệu. Ông thật sự tham dự vào sinh hoạt văn nghệ tại Hoa Kỳ qua các cuộc ra mắt sách, họp bạn, trả lời phỏng vấn, góp ý bàn tròn vv. Tôi đã phỏng vấn và đã viết một hai bài về Thơ Tô Thùy Yên từ những năm cuối 90, nhưng sẽ rất hào hứng nếu có dịp tổng kết, dù chỉ trả lời chính tôi về vài thắc mắc vẫn còn vương vấn. Trước 1975, chí hướng chống Cộng và cải tổ xã hội thuộc phần vụ người trí thức của ông hiện quá rõ trong hai phần thượng dẫn. Bên cạnh đó, còn phần Xuất bản với Nhà Xuất bản Kẻ Sĩ do ông và nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ ( người vợ thứ 2) thành lập. Hai chữ “Kẻ Sĩ” tự nó phải có một ý nghĩa và mục đích nào đó.

Bởi thế, qua lời thuật mới đây của nhà báo Đinh Quang Anh Thái sau khi Tô Thùy Yên qua đời [1], chúng ta sẽ có thêm tài liệu khi chứng kiến Thiếu tá Tâm lý chiến Việt Nam Cộng hòa Đinh Thành Tiên kiểm duyệt nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù, trước đó, nhân danh một văn nghệ sĩ, đã viết lời bênh vực cho đương sự. Tôi đã chứng kiến ông đầy giọng tuyên huấn kẻ sĩ tân thời trong Văn và tiểu luận hay trong 1 bài điểm sách hiếm hoi nhắm sát phạt Nguyễn Mạnh Côn qua cuốn Kỳ Hoa Tử; ngược lại, tự nhận trong Thơ Các việc ta làm/Ta xét thấy chẳng ra chi/Nên ngươi hăng điên, còn ta ảm đạm/Khi cùng làm những việc như nhau…” [Chiều trên Phá Tam Giang].

Nếu căn cứ trên tiểu sử người lính Việt Nam Cộng hòa, tôi có thể hỏi: “Cùng làm những việc như nhau”? Cùng đắp mô gài mìn phục kích hay chặn đường xe đò bắt cóc bất cứ ai bị nghi ngờ? Cùng tàn sát dân lành bằng bằng lựu đạn? Như chính ông mô tả người lính Mặt trận Giải phóng Miền Nam hay Miền Bắc Cộng sản trong tư cách một phóng viên chiến trường và một tác giả? Dù giải nghĩa thế nào về “ý nghĩa bí hiểm” /Xấu đẹp tùy người đối diện của đoạn thơ đó, chúng ta không cách nào từ chối rằng đoạn thơ này rất mâu thuẫn với tác phong Thiếu Tá Tâm lý chiến Đinh Thành Tiên và tác giả Tô Thùy Yên của truyện ngắn Người bạn đồng hành.

Trước 1975, trong bài Tôi [Sáng Tạo, Số 11, Trang 44-45, Tháng 8. 1957 (2)] ông xưng đích danh và vạch ra định nghĩa cũng như sứ mạng một thi sĩ. Theo tôi, đây là bản căn cước có thể được dùng làm mốc thứ nhất trong cuộc đời Thơ của ông. Mốc thứ hai là Chiều trên Phá Tam Giang. Mốc thứ ba là những bài thơ như Mùa Hạn, Tàu Đêm, Nỗi Đợi về tình trạng tù đày của riêng ông và những quan sát về một Miền Nam thất điên bát đảo dưới chế độ Cộng sản. Mốc cuối là Ta Về, bày tỏ tâm trạng và thái độ của ông sau 1975.

Ta Về cũng có thể được coi như đại diện cho sứ mạng của loạt thơ “giải thoát” (3). Loạt thơ này xuất hiện sau mươi năm tù của tác giả dưới trào “cường quyền” Cộng sản rồi sau cùng, chấp nhận một cuộc sống lưu vong ngoài đất nước. Tựu chung, chúng cũng không trượt xa lắm tinh thần Thơ trước 1975. Có điều, như tôi biết, ông không bao giờ nhắc đến “chống lại cường quyền” trong Thơ hay bất cứ ở đâu nữa. Đó là lý do tại sao tôi đã viết ở trên “nhưng sẽ rất hào hứng nếu có dịp tổng kết, dù chỉ để trả lời chính tôi về vài thắc mắc vẫn còn vương vấn”. Trên căn bản, Thơ ông không thay đổi mấy. Ông vẫn là một nhà thơ với tới được mối tương quan giữa nhân loại và khoảng không vô hình khiến không “ăn thua đủ” với người bên kia. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần có một quan sát tỉnh táo từ độc giả, với một ý niệm dù thiếu sót thế nào về cuộc chiến, nếu muốn nhận xét sâu xa hơn về vị trí của ông trong Văn học Miền Nam và mức độ quan trọng của thái độ vị tha sau khi bị tù đày.

Tôi phải nói thêm rằng tôi muốn viết phần này, không phải để hạ giá sự vị tha đó, mà để cung cấp một cái nhìn rộng hơn về những người cầm bút khác cùng thời chiến với ông. Nhất là khi chính phủ Cộng sản Việt Nam vẫn cố gắng níu kéo nhà văn Miền Nam tỵ nạn hải ngoại chỉ vì lý do duy nhất: Ngày nào còn nhà văn Miền Nam tiếp tục sáng tác và từ chối trở về tham dự các cuộc họp do Hội Nhà Văn tổ chức, ngày đó họ vẫn chưa chiến thắng hoàn toàn. Đương nhiên những người lính cầm bút–cùng viết và có khi ứng xử tương tự như Thiếu tá Đinh Thành Tiên/nhà thơ Tô Thùy Yên trước 1975–phải thuộc một tập thể cầm súng hơn 20 năm hầu người khác có cơ hội tự do sáng tác. Tập thể đó không chỉ cùng màu áo màu cờ mà chia cùng cốt tủy của tập thể người lính. Tôi hy vọng cũng sẽ được góp phần tài liệu cho chân dung người lính không cầm bút ấy trong những phần tới.

1.1.1 Ta vốn hiền khô ta là lính cậu-Nguyễn Bắc Sơn

Tô Thùy Yên là một trong những người cầm bút sáng tác về chiến tranh, về đề tài muôn thuở của 2 kẻ mặt-giáp-mặt với vũ khí trong tay; hoặc trong trường hợp Văn học Miền Nam, về sự không thù hận với người lính Cộng Sản.

Nhà thơ Wilfred Owen gốc Anh [1893-ngày 4.11.1918], tử trận lúc 25 tuổi ngay trước ngày Đình chiến Thế chiến Thứ Nhất. Thơ ông, từ vị trí tác chiến, biểu tả chân thành đến độ tàn nhẫn sự phi lý, niềm vô vọng và nỗi kinh hoàng mà người lính phải hứng chịu khi giao chiến “cho các lão tướng lãnh già hưởng”, nhất là cuộc giao tranh bằng chiến hào /the trench warfare. Bài thơ bất hủ Dulce et Decorum Est ghi lại sự hoảng loạn và đau đớn cùng cực của binh lính Anh quốc hay Đồng Minh trước khi tử trận vì trúng khí độc từ quân đội Đức quốc trong Thế Chiến thứ Nhất.:

-“[…] In all my dreams before my helpless sight,/ Trước sự chứng kiến bất lực trong mọi cơn mơ/He plunges at me, guttering, choking, drowning/ Anh ta bổ nhào vào tôi, nước mắt dàn dụa, ngạt, chìm đuối […]/ If you could hear, at every jolt, the blood / Nếu anh có thể nghe, trong từng cơn co giật, máu/ Come gargling from the froth-corrupted lungs/Trào ra sục sục từ buồng phổi bại hoại đang sủi bọt/ Obscene as cancer, bitter as the cud/Tục như ung thư, chua như đồ ợ…[ Wilfred Owen, Dulce et Decorum Est, 1917 *Horace, “Dulce et decorum est / Pro patria mori” -Thật là dịu ngọt và xứng đáng để hy sinh cho đất nước]

Họa sĩ Hoa Kỳ John Singer Sargen họa lại quang cảnh thê lương mà ghê rợn đó khiến chúng ta có thể cảm nhận bài thơ trên một cách thấm thía mà kinh tâm động phách. Bức Gassed/ “Trúng khí độc” (1919) trải theo chiều dài 6 mét 5 cộng với chiều đứng 2 mét 8. Chi tiết trong tranh cho thấy 2 toán quân nhân trúng thương, đa số bị băng kín mắt. Họa sĩ đã dàn xếp để bố cục bức tranh với những người sống sót dắt díu nhau thành 2 hàng tới trạm cứu thương bằng những bước chân xiên xẹo. Những bước chân này hoặc do dự hoặc nâng quá tầm mặt đất vì người lính bị thương không còn ước lượng được khoảng cách dưới chân. Hai bên đường, la liệt xác binh sĩ tử trận hay kiệt sức với cặp mắt cũng bị băng kín, nằm lăn lóc. Xa xa, nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy một đám người không mặc quân phục, màu áo xanh hay đỏ, đang đá banh. Đám người này có lẽ đại diện cho một đời sống bình thường, tương phản một cách lãnh đạm với hình tượng bất thường do chiến tranh gây ra.

John Singer Sargent (1856–1925), Gassed, 1919, oil on canvas, Imperial War Museum, London. © Imperial War Museum (Art.IWM ART 1460) https://www.huntington.org/verso/2018/08/study-gassed
Binh lính Áo Quốc trúng khí độc, Bois de l’Abbe, Pháp quốc, ngày 27.5.1918 https://s3-ap-southeast-2.amazonaws.com/awm-media/collection/E04851/screen/4241660.JPG

Wilfred Owen, một sĩ quan tác chiến, hẳn phải chứng kiến cảnh kinh sợ đó nhiều lần ngoài các cảnh chém giết khác. Đó là lý do tôi muốn kèm thêm một bức ảnh nữa về khí độc để xin cho phép nói lên điều này: Đừng lãng mạn hóa chiến tranh bằng Thơ. Hay bằng tình thân hữu giữa những người sống sót. Anthem for Doomed Youth/”Bài (Thánh) Ca cho giới trẻ tận số”, cùng tác giả, chống lại lối lãng mạn hóa lời tung hô vô vị so với tiếng đạn réo ở chiến trường đã kết liễu đám lính trẻ tận số.

Độc giả nhớ nhiều đến Dulce et Decorum Est, nhưng Wilfred Owen, một đời ngắn ngủi, còn nhiều bài thơ đặc sắc khác. Một trong những bài đó chính là Strange Meeting/”Một cuộc gặp gỡ kỳ lạ”, thuật lại cuộc đối thoại và làm lành tại Địa ngục giữa 2 chiến binh đối nghịch. Bài thơ kết thúc bằng mấy câu “I am the enemy you killed, my friend./Tôi là kẻ thù mà anh giết […] Let us sleep now/Chúng ta hãy yên nghỉ thôi…” Trong bài này có câu thơ với vài chữ “The pity of war/Sự đáng tiếc của Chiến Tranh” lập lại trong phần “Lời Tựa” cho một tập thơ dự định xuất bản:

-“[…] Above all I am not concerned with Poetry/Trên hết thẩy, tôi không quan tâm tới Thơ/My subject is War, and the pity of War./Chủ đề của tôi là Chiến Tranh, và sự đáng tiếc của Chiến Tranh/The Poetry is in the pity./Thơ cư ngụ trong sự đáng tiếc đó…”

Tôi đưa trường hợp Wilfred Owen hầu chứng minh “truyền thống” làm thơ nhân ái về kẻ giao chiến không hiếm dù quan niệm, có phần nào Cơ đốc nhân, của ông khác hẳn trường hợp một Miền Nam lẻ loi chiến đấu cho sự sinh tồn của chính nó và Tự do trước làn sóng Cộng sản Thế giới. Nay hãy trở lại trường hợp Tô Thùy Yên, thành viên Nhóm Sáng Tạo, trong Văn học và Chiến Tranh Miền Nam.

Ý Nhi và “Thức cho xong bài thơ

Độc giả-kiêm-tác giả Ý Nhi là thí dụ của hiện tượng sử dụng chiếc thảm thần thi ca để bay lướt qua cuộc chiến khiến sáng tác trong hoàn cảnh Văn học Miền Nam và thời gian tham chiến thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng hòa của ông hầu như lu mờ. Tôi có cảm tưởng khi bà quan trọng hóa kinh nghiệm trước 1975 với kinh nghiệm tù đày sau 1975; khi bà liên kết phần đời cá nhân nhà thơ với cuộc đổi đời kinh hoàng ảnh hưởng tới hàng triệu gia đình Miền Nam hầu tấn phong ngôi vị “hành giả”, “nhà thơ lớn” “người lớn” cho Tô Thùy Yên thì hình như chưa vững lắm. Cách đây mấy năm, Ý Nhi viết một bài công phu, thành tâm và cẩn thận trích dẫn nhiều thơ Tô Thùy Yên trước và sau 1975 hầu có đoạn chứng minh những nhãn hiệu đó:

-“[…] 5. Ta về, khai giải bùa thiêng yểm

Cuộc “khai giải” này dường đã được bắt đầu từ rất lâu, trước tai ương, trước 10 năm tù lưu xứ, trong căn cốt, trong tri cảm của Thi sĩ / Hành giả[…] Và, cuộc ‘khai giải sâu đậm nhất đã diễn ra trong một lần gặp mặt tưởng tượng với người lính bên kia chiến tuyến: Ví dù ngươi bắn rụng ta /Như tiếng hét Xé hư không bặt im /Chuyện cũng thành vô ích/ Ví dầu ngươi gục /Vì bom đạn bất dung/ Thi thể chẳng ai thâu/ Nào có chi đáng kể […]

Chắc chắn, nếu không có cuộc “khai giải” trong tâm tưởng ấy, không có cuộc khai giải tự lòng mình ấy, không thể có hình ảnh người tù: Ta về một bóng trên đường lớn; không thể có cảnh tượng: Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa/ Làng ta, ngựa đá đã qua sông/ Người đi như cá theo con nước/ Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng; không thể có nỗi hàm ơn: Ta về cúi mái đầu sương điểm/ Nghe nặng từ tâm lượng đất trời/ Cám ơn hoa đã vì ta nở/ Thế giới vui từ mỗi lẻ loi; không thể có sự bình tâm: Em hãy yêu lấy thành phố của anh/ Như tất cả những gì anh gửi lại/ Trong buổi chiều dịu lãng đời em/ Thành phố của anh/ Bây giờ đã thuộc về em/ Như lời nói thuộc về nhà thơ phe thắng trận; không thể có cuộc lễ tạ đơn độc mà kỳ vĩ: Ta về như lá rơi về cội/ Bếp lửa nhân quần ấm tối nay/ Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống/ Giải oan cho cuộc biển dâu này… Cuộc khai giải huy hoàng và đau đớn này, chỉ có thể được làm nên bởi chính tri cảm của một người lớn, một nhà thơ lớn…” [Ý Nhi, “Thức cho xong bài thơ”, http://vanviet.info/van-de-hom-nay/vinh-biet-nh-tho-t-thuy-yn/, Tháng 3, 2016, Sài gòn]

Tôi phải công nhận tác giả đã thành công khi xây dựng được một bài tùy bút-lẫn-phê bình xem ra hợp lý, đậm nét nguy nga của lâu đài thi ca, ẩn hiện tình thân hữu sâu đậm giữa một nhà thơ tập kết và một thi sĩ/chiến binh thất trận qua một màn sương huyền ảo. Thành công hơn nữa khi cả hai đều phản ảnh ánh chiếu chói lọi của nhau, một sự phản ảnh đồng nhất dù xuất thân trái ngược. Ý Nhi tập kết ra Bắc từ khi còn thơ, tốt nghiệp đại học Hà Nội, có vị trí vững vàng trong hệ thống xuất bản của chính phủ Cộng sản, lại được bảo vệ tối đa với gia thế. Thân phụ và chồng đều là những nhân vật tập kết cao cấp phục vụ trong lãnh vực giáo dục nghệ thuật. Mọi người đều biết giá trị của các nấc thang thăng tiến được duyệt xét khắt khe ra sao trên căn bản “ngụy”, “tập kết” và “Đảng” sau 1975.

Tô Thùy Yên rời nhà tù với quá khứ u ám của một quân nhân thất trận, đến nỗi tự vẫn không thành vì tội vượt biên trong khi, dù sống hay chết, sáng tác cũng bị cấm lưu giữ và cấm lưu hành dưới bất cứ hình thức nào. Con cái ông bị kỳ thị trong hệ thống giáo dục Miền Nam. Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, người vợ thứ hai, cùng lập Nhà xuất bản Kẻ Sĩ, hủy bản thảo, dọn khỏi nơi 2 người từng sinh sống, chật vật nuôi nấng các con. Ông nộp đơn xin nhập cư Hoa Kỳ. Thụy Vũ ở lại. Tình cảnh bi thương này đã được phổ biến quá nhiều, tôi không muốn nói thêm, ngoài một điều hẳn có người biết: Thân phụ nhà văn Thụy Vũ (tức nhạc phụ của Tô Thùy Yên) có cảm tình với “Cách Mạng” nhưng rồi cũng không thể bảo vệ được con gái và con rể. Có cảm tình chưa đủ.

Đọc bài thượng dẫn lần đầu, người ta rất dễ ái mộ những “tâm hồn cao thượng” đã do văn chương mà tự quyết định cởi bỏ dây xích cựu thù. Ý Nhi có thể cả quyết về một “cuộc khai giải huy hoàng và đau đớn” kèm thêm “cuộc lễ tạ đơn độc mà kỳ vĩ” khi chỉ cần dựa trên mấy câu thơ phác họa hai người lính kình địch trước 1975 tới lối thơ “giải oan” sau 1975. Nhưng trước hay đồng thời với Tô Thùy Yên, Văn học Miền Nam đã có nhiều tác giả có thái độ không ưa thích chiến tranh. Rõ ràng hơn, quan trọng hóa thái độ không thù hận binh lính Cộng sản như trong Chiều trên Phá Tam Giang trình bầy một sự hiểu biết có giới hạn về Văn học Miền Nam và Chiến Tranh Việt Nam. Đó mới là điều quan trọng đủ để tôi mở rộng vấn đề ở đây chứ không phải sự chính xác của các nhãn hiệu đó. Nếu đúng, tôi cũng hân hạnh cho ông (một người bạn kể được là thân, thân đến nỗi lần nào nhấc điện thoại lên cũng trêu tôi: “Hết ế chưa bà Nghè?!”), mà nếu không đúng lắm, đây là một dịp góp thêm tài liệu.

Trong Văn học Miền Nam và sau 1975, có phải chỉ có Tô Thùy Yên mới có những câu thơ không thù hận? Trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa, có phải Thiếu tá Đinh Thành Tiên mới được xem như người lính Miền Nam duy nhất sẵn sàng bao dung? Tôi, một độc giả của Văn học Miền Nam, cũng tin chắc chắn rằng, Không. Không đâu: Lính mà em.

Có bao nhiêu tác giả Miền Nam đã “một lần gặp mặt tưởng tượng với người lính bên kia chiến tuyến” và xem việc ra trận là việc bất đắc dĩ hầu bảo vệ tự do nên không oán thù dai dẳng? Tôi có thể trả lời: Có ít nhất một thi sĩ khác, nổi tiếng ngang với Tô Thùy Yên cộng thêm vài nhà văn nữa. Thế nên, nếu chỉ có mấy câu thơ về chuyện tưởng tượng ấy mà bỗng dưng biến thành “hành giả”, “khai giải”, với lại “trí cảm của một người lớn” hay “một nhà thơ lớn” vv và vv. thì cả Miền Nam này đều “ra ngõ gặp…hành giả” từ một thi sĩ, văn sĩ tới một chiến sĩ. Bởi thế, nếu Tô Thùy Yên không độc chiếm những ngôi vị đó thì “cuộc khai giải huy hoàng và đau đớn“, “cuộc lễ tạ đơn độc mà kỳ vĩ“, “hành giả“, “tri cảm” của Ý Nhi trao tặng sẽ không sống sót nổi hoàn cảnh chiến tranh rực sáng ánh hỏa châu soi thấu Chiều trên Phá Tam Giang hay nỗi đoạn trường do chính quyền Cộng sản tạo ra trải suốt Ta Về. Và đoạn nhận xét quan trọng này, có thể quan trọng nhất, trong bài viết huê mỹ của Ý Nhi sẽ kém nhiều phần hiệu nghiệm.

Trước hết, chúng ta hãy đọc thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn, người xứng đáng được nhắc tới trên phương diện “trước Tô Thùy Yên” khi chỉ mỗi một Nguyễn Bắc Sơn có thể gắn liền với chủ đề Chiến tranh Việt Nam một cách riêng biệt:

Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình
Ăn muối đá mà điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xuôi khiến đó thôi…
[Nguyễn Bắc Sơn, Chiến tranh Việt Nam & tôi, “Chiến tranh Việt Nam và tôi”, Đồng Dao-Tủ-sách Thi-ca xuất bản, trang 17-18, năm 1972, Sài gòn, Việt Nam * Giấy phép kiểm duyệt ngày 6 tháng 4 năm 1971]

Trong cuốn này, có những câu thơ đã lên bìa tờ Khởi Hành từ tháng chạp 1969, nghĩa là hơn 2 năm rưỡi trước khi có Chiều trên Phá Tam Giang:

Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt
Xin giã từ đời vũ khí huy chương
Xin trở về như một kẻ hoàn lương
Xin vứt hết xin bắt đầu lại hết…
[Nguyễn Bắc Sơn,”Tiệc tẩy trần của người sống sót”, bìa trước Khởi Hành số 34, ngày thứ năm 18 tháng chạp, 1969]

Độc giả muốn đọc thêm, có thể xem thêm 2 bài nữa, cũng trên Khởi Hành (Bộ Cũ, Sài gòn):

Nguyễn Bắc Sơn, Khởi Hành Số 73, trang 4, Sài Gòn. Chủ nhiệm&Chủ bút: Anh Việt Trần Văn Trọng-Thư ký Tòa soạn: Viên Linh. Tài liệu của Lưu Đức, Viên Linh và Nguyễn Tà Cúc

Ngoài nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, nhà văn Dương Nghiễm Mậu cũng phát biểu về sự “phải chăng” của Miền Nam và đòi hỏi Miền Bắc phải đáp ứng cũng bằng một sự “phải chăng” khác:

-“[…] Lửa đạn ở Lộc Ninh, ở An Lộc, tôi nhớ tới những người bạn ở trong Sư đoàn 5, Sư đoàn 18, những người tôi đã cùng đi trên con đường vào sâu Kampuchea trong năm trước[…] Anh Xuân Vũ, đó là một nhà văn, bạn cũ của anh Sơn Nam, anh đi kháng chiến 9 năm, năm 1954 còn tin người cộng sản, anh đã ra Hà nội tập kết, từng nổi tiếng là nhà văn của Nam Bộ, sau anh trở về Nam, năm trước anh bỏ hàng ngũ cộng sản. So sánh hai đời sống trước kia và hiện nay, anh Xuân Vũ nói mình như con chim trước kia được sống trong một cái lồng son, nay thì mình bay ra ngoài. Đời sống của một con chim chắc chắn không phải ở trong cái lồng, Nhân cuộc chiến đang ác liệt, tôi hỏi anh Xuân Vũ: Nếu để được nói với những người cộng sản thì điều gì nên nói? Anh Xuân Vũ nói: để nói với người thanh niên Miền Bắc, tôi chỉ có hai điều để nói, trước nhất là mong họ hoài nghi những điều mà đảng và chính phủ nói với họ, đặt câu hỏi với họ vì chính anh đã kinh qua một kinh nghiệm: thực tế miền Nam khác với những điều mà guồng máy nói, dân chúng miền Nam có thể không hoàn toàn hài lòng về xã hội miền Nam nhưng chắc chắn họ không thích cộng sản. Điều thứ hai nữa: người quốc gia miền Nam rất phải chăng. Mùa xuân Mậu Thân năm 1968 trong khi những người lính miền Nam lo trở về sum họp ăn Tết với gia đình trong thời gian hưu chiến thì những người cộng sản cầm chắc súng trên tay từ rừng núi trở về, họ có mặt và nổ súng trong hầu hết các thị trấn. Người cộng sản đã tưởng trận tổng công kích tổng khởi nghĩa sẽ giúp họ nắm quyền thống trị, dân chúng sẽ xuống đường hoan hô, quân đội miền Nam sẽ tan rã. Nhưng không, điều ấy ở ngoài ước tính của người cộng sản. Cộng quân có mặt ở chỗ nào thì dân bỏ chạy khỏi chỗ ấy. Quân đội không tan rã. Những người lính trở lại ngay đơn vị cầm súng không chút bịn rịn. Tại sao anh chiến đấu? Câu hỏi ấy đã được trả lởi. Để lựa chọn giữa tự do và cộng sản, người miền Nam lựa chọn tự do nhưng họ không mong muốn người khác cũng phải lựa chọn như mình. và họ mong muốn người cộng sản cũng có thái độ như thế, đừng dùng bạo lực khống chế họ. Nếu người cộng sản từ bỏ bạo lực, người miền Nam chắc chắn vui hơn ai hết để những người từ mặt trận trở về, vui với hạnh phúc nhỏ bé của gia đình của họ. Sự phải chăng của người miền Nam ở ngay thái độ chiến đấu của người chiến sỹ. Tại sao người cộng sản không có được sự phải chăng? Bao nhiêu đau thương của cuộc chiến 30 năm không đủ cho một phút chùng lòng, ngậm ngùi với những sống chết tức tưởi? Vui bao nhiêu cho một thành công mong manh nào đó với nỗi thống khổ của cả dân tộc? […] Hàng trăm ngàn dân chúng lần lượt bồng bế nhau chạy khỏi những vùng mà cộng quân có mặt, họ ra đi trong khó khăn, nhưng nỗi kinh hoàng ở lại còn lớn lao hơn nhiều. Những ra đi ấy nói lên lần nữa: Chúng tôi không chấp nhận cộng sản. Chúng tôi mong ước hòa bình, mong ước được sống nhưng chúng tôi không chấp nhận cộng sản, chúng tôi chấp nhận chiến đấu bởi vì chúng tôi không thể còn có lựa chọn nào khác để sống như mình muốn. Trong cảnh huống đó, tôi lên tiếng.” [Dương Nghiễm Mậu, “Một lời cho cuộc chiến“, Bìa trước và bìa sau Khởi Hành số 152, ngày thứ năm 11.5.1972]

Lần nào đọc lại những dòng này, tôi đều không ngạc nhiên. Bị đánh thì phải đỡ và đỡ cho đẹp, tại sao cứ phải …bình giảng. Chiến đấu vì bị bắt buộc, bị đánh úp hồi Mậu Thân, nhưng người Miền Nam không hề thù hận:

-“[…] Họ mong muốn người cộng sản cũng có thái độ như thế, đừng dùng bạo lực khống chế họ. Nếu người cộng sản từ bỏ bạo lực, người miền Nam chắc chắn vui hơn ai hết để những người từ mặt trận trở về, vui với hạnh phúc nhỏ bé của gia đình của họ. Sự phải chăng của người miền Nam ở ngay thái độ chiến đấu của người chiến sỹ. Tại sao người cộng sản không có được sự phải chăng?…“[Dương Nghiễm Mậu, sđd]

Dương Nghiễm Mậu phải phân trần dài dòng như thế cho đám nằm vùng và đám Ngô Bá Thành cùng Huỳnh Tấn Mẫm hiểu rằng họ đang tự treo cổ mà không biết. Bên cạnh Dương Nghiễm Mậu, Phan Nhật Nam không những khoan dung với “thù ngoài”-người lính Miền Bắc mà còn với cả “thù trong”-đám “trí thức nằm vùng phá hoại Miền Nam với những mơ mộng xuẩn ngốc về khả năng lãnh đạo và tham vọng chính trị của họ. Tôi còn nhớ lần đầu “thấy” Phan Nhật Nam, quân phục đại úy, tươi cười trong một bức ảnh trắng đen lớn trong Hồ sơ Ủy Ban Văn Nghệ sĩ – Bị Cầm tù, Văn bút Việt Nam Hải ngoại. Sau khi nhận Trưởng Ủy Ban thay Trung Tá Không quân Trần Tam Tiệp, tôi phải tìm đọc tác phẩm của tác giả Miền Nam đã và đang bị cầm tù. Tôi vẫn coi Tù binh và Hòa Bình không những thuộc quân sử Việt Nam Cộng Hòa mà còn lịch sử Chiến tranh Việt Nam vì tường thuật đầy đủ về các buổi họp–những buổi đấu trí nhắm giữ danh dự cho một Việt Nam Cộng Hòa đang tiến dần vào địa ngục– của các Ban Liên Hợp Quân Sự Trung Ương 4 & 2 Bên. Đây là một cuốn sách đầy ắp sự kiện, ghi lại phát biểu của cả hai bên nên tôi tin là trung thực. Như Dương Nghiễm Mậu, Phan Nhật Nam coi chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tự vệ: “…chúng tôi phải tự vệ để sống còn…” [Mùa hè đỏ lửa, trang 131, Nhà Xuất bản Sáng Tạo, Sài gòn, 1972]. Sau 14 năm tù với hơn 8 năm kiên giam, ông định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1993.

Người lính-Viết Văn Phan Nhật Nam, Hoa Kỳ phúc đáp Hữu Thỉnh, Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, Việt Nam

Gần đúng 25 năm sau, ngày 9.9.2017, Phan Nhật Nam cho phổ biến công khai lá thư từ chối lời mời của nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hầu tham dự “cuộc hội ngộ” (sic) của “Hội Nhà văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài” (sic). Cuộc “hội ngộ” tại Hà Nội chứ không phải một cuộc tao ngộ chiến tại An Lộc nhé! Lời mời tới Tô Thùy Yên cũng được rao truyền trên báo Người Đô Thị ngay trong khung kèm vào bài viết thượng dẫn của Ý Nhi:

-“… Tô Thùy Yên là một trong số các nhà văn hải ngoại vừa nhận được lời mời về nước tham dự ‘một cuộc gặp mặt nhẹ nhàng và ấm áp’ với các nhà văn trong nước dự định tổ chức vào hạ tuần tháng 10 tại Hà Nội.” [Ngày 7.10.2017, https://nguoidothi.net.vn/to-thuy-yen-thuc-cho-xong-bai-tho-10186.html]

Đúng là “Giặc đánh lớn – mùa mưa đã tới” [Tô Thùy Yên, Qua sông] !Tôi không hiểu Tô Thùy Yên vấn đáp ra sao nhưng chắc lời mời cũng tương tự như “cùng ngồi lại với nhau trong tình đồng nghiệp” của Hữu Thỉnh. Hai chữ này chỉ định “đồng nghiệp nhà văn”, có lẽ không thể ám chỉ “đồng nghiệp đang ngồi tù mút mùa lệ thủy” hay “đồng nghiệp Miền Nam còn ở lại Việt Nam” hay “đồng nghiệp lính cũ Miền Nam ngồi tù còn ở lại Việt Nam”. Bức thư của Hữu Thỉnh có những lý luận kiểu “Nói điều ràng buộc thì tay cũng già” [Nguyễn Du, Truyện Kiều], khéo nhân danh mọi sự tốt đẹp trên đời, nhưng hình như ông chưa đọc Tù Binh và Hòa Bình. Phan Nhật Nam đã hiểu quá rõ Đảng Cộng sản và những người thừa hành của Đảng.

Mở đầu bức thư, Phan Nhật Nam tự giới thiệu “nguyên là một sĩ quan cấp Đại Uý Hiện Dịch Thực Thụ thuộc Sư Đoàn Nhảy Dù Quân Lực VNCH“. Bởi thế, ông phúc đáp “Từ vị thế một quân nhân thuộc đơn vị tác chiến của Quân lực Miền Nam“. Nghĩa là ông triệt tiêu hy vọng của Hữu Thỉnh-Nhà nước Cộng sản khi phản bác luận điệu nhân danh “Dân tộc” (sic), “thiên chức nhà văn” (sic), “giá trị bền vững của tâm hồn Việt” (sic) bằng cách nhân danh một người lính Việt Nam Cộng hòa hầu công khai chất vấn Hữu Thỉnh về cách đối xử bạo ngược với “nhà văn”, với “ngụy quân”, với dân- tộc Miền Nam còn sống đã đành mà cũng không tôn trọng giá- trị- bền- vững-của- tâm- hồn -Việt khi truy diệt thương phế binh và tử sĩ Việt Nam Cộng hòa.

Ông xác nhận một lần nữa về tư cách “Người Lính-Viết Văn. Cũng bởi tôi chưa hề nhận Chứng Chỉ Giải Ngũ của Bộ Quốc Phòng/VNCH cho dù đã không mặc quân phục từ 1975.” Y sĩ Đại Úy Ngô Thế Vinh chỉ chút nữa thì biến thành quân sư quạt giấy một cách oan uổng khi góp ý: “…nhưng Hữu Thỉnh mời Nam với tính cách một Nhà Văn chứ không phải một người lính của Miền Nam.” [Ngô Thế Vinh, Phan Nhật Nam và những chấn thương không chảy máu, Ngày 30. 7.2018,https://www.voatiengviet.com/a/phan-nhat-nam-mua-he-do-lua-ngo-the-vinh/4505848.html (4) ]

Ôi, tưởng thế thì dễ lọt hầm Củ Chi quá. Cái vòng hoa “Nhà Văn” do Hội Nhà Văn quàng lên cổ thì có đáng gì mà quan tâm. Cái mà Hội Nhà Văn quan tâm ở đây là bộ quân phục người lính Việt Nam Cộng hòa của Đại Úy nhiệm chức Phan Nhật Nam. Bức thư phản bác này còn xác định một điều mà tôi đã chắc chắn từ đầu. Người Miền Nam không hề có lòng hận thù:

-“Xin hãy ‘Hòa Hợp Hòa Giải’ với những người đã chết. Với những người đang sống sau thảm hoạ Formosa, Nghệ An. Hãy hoà hợp hoà giải với “Khúc ruột ở trong nước” trước. Khi ấy không cần mời, chúng tôi “Khúc ruột ngàn dặm” sẽ về. Về rất đông. Người Viết Văn–Lương Tri và Chứng Nhân của Thời Đại sẽ về. Tất cả cùng về Việt Nam.” [Ngô Thế Vinh, “Thư Phan Nhật Nam trả lời Chủ tịch Hội Nhà Văn Hữu Thỉnh”, Phan Nhật Nam và những chấn thương không chẩy máu]

Chính Hữu Thỉnh cũng công nhận nhà thơ Thụy Kha sang Hoa Kỳ có gặp Phan Nhật Nam “cùng nhau uống bia vui vẻ. Đây quả là một sự kiện bất ngờ thú vị.” Có gì mà bất ngờ, thú vị hay không? Thỉnh thoảng, chính tôi cũng gặp anh chị em “ở bển” sang đây tìm gặp. Có …đổ máu hồi nào đâu?! Toàn là đổ rất nhiều rượu và rất nhiều cà phê thôi. Tôi thấy có vẻ nhà thơ Hữu Thỉnh cũng như nhà thơ Ý Nhi không hiểu gì mấy về dân Miền Nam, nói chi tới lính Miền Nam.

(còn tiếp)

Lệ Nam Nguyễn Tà Cúc

* Loạt bài này rồi ra sẽ đề cập đến nhiều thành viên Nhóm Sáng Tạo nên tôi lấy hiệu Lệ Nam từ 4 câu thơ của Nguyễn Sỹ Tế để kỷ niệm họ.

Lệ Nam Kinh

Gửi đồng bào Miền Nam và cố đô Sài gòn

Máu đào nhỏ lệ Nam Kinh
Giấy hoa bay đẹp ân tình Lệ Nam
Đắng cay nát ngọc siêu phàm
Một thôi cát bụi nguyện làm mây bay!

Nguồn: http://www.gio-o.com/HoLieu/NguyenTaCucSangTao1.htm

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận