Khung Trời Kỷ Niệm
Ngày 27 tháng 4 năm 2020, vào khoảng trưa, điện thoại reo. Bên kia đầu dây giọng quen thuộc của Đường Anh Đồng, đương kim Hội Trưởng Hội Tây Sơn Bình Định Bắc California, nhưng hôm nay có vẻ thảng thốt:
– Em Đồng đây! Anh Bích chết rồi!”
Tai tôi còn thính, nhưng vẫn không tin mình đã nghe chính xác. Tôi hỏi lại:
– Sao? Đồng nói lại đi.
– Anh Bích chết khoảng nửa đêm về sáng hôm nay. Em vừa hay tin, vội báo cho Anh đây.
Nghe tin đột ngột, đầu óc tôi bổng trở nên hụt hẫng…
Với tôi, nói đến anh Đặng Đức Bích là cả một Khung Trời Kỷ Niệm:
– Khoảng niên khóa 1963 – 1964, lần đầu tiên tôi gặp Đặng Đức Bích, tại nhà Ông ngoại tôi ở làng Thuận Thái, xã Nhơn An, quận An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn), lúc Anh vừa đỗ Tú tài Phần hai. Bích nhỏ hơn tôi 7 tuổi, lúc Anh đỗ Tú tài thì tôi đã dạy học hai niên khóa rồi.
– Khoảng đầu thập niên năm 1970, nghe tin anh Bích được bổ làm Ty Trưởng Nông Nghiệp Bình Định, trụ sở ở Qui Nhơn. Lúc đó, tôi không còn dạy ở Trường Trung Học Kỷ Thuật Qui Nhơn nữa, vì đã xin chuyển về Trường Trung Học Đào Duy Từ An Nhơn từ hạ bán niên 1965. Chúng tôi đều bận rộn với công việc trong ngành, nên chưa có dịp gặp nhau. Thế rồi, sau biến cố Tháng Tư Đen năm 1975, vật đổi sao dời, bặt tin nhau…
– Khoảng năm 1996, một ngày đầu thu, anh Bích đến thăm tôi tại tư gia của con trai tôi ở số 1790 Hurstwood Court, San Jose, Ca 95121. Vài tuần sau, Anh chở anh Trương Toại, gốc người Bình Khê, đến gặp tôi. Cả ba chúng tôi, thường lui tới nhau từ dạo ấy. Và cũng từ anh Bích, tôi quen biết thêm nhiều bạn đồng hương khác định cư tại San Jose và vùng phụ cận.
– Cũng trong năm 1996, vào một ngày cuối thu, Bích đến chở tôi đến nhà Anh, lúc Anh còn ở Thành phố Santa Clara. Nhân đó, tôi được biết Anh làm thơ Đường luật rất nhiều, và đang sắp xếp thành tập.
– Mùa hè năm 2000, Ban Biên Tập Đặc San Bình Định Bắc California được thành lập, gồm 5 người, kê thứ tự theo tuổi tác: Trương Toại, Nguyễn Bá Thư, Đào Đức Chương, Đặng Vĩnh Mai, Đặng Đức Bích. Từ đó, chúng tôi thường họp bàn xúc tiến việc làm Đặc San hằng năm, ấn định phát hành trong ngày hội Đồng Hương Tất niên hoặc Tân niên. Và BBT chọn danh xưng khiêm tốn là Nhóm Thực Hiện. Trong những năm đầu làm báo, Ban Biên Tập mất nhiều thời giờ, vì hầu hết tác giả viết tay rồi gửi bài qua đường Bưu điện. Chúng tôi phải giao cho nhà in đánh máy, đả tự viên gõ chữ rất nhanh, nhưng sai rất nhiều vì nhận lầm chữ, chúng tôi phải sửa đến lần thứ 3 mới tạm ổn.
– Mồng một Tết Tân Tỵ (nhằm ngày 24- 1- 2001), tôi khai bút qua bài thơ Nguyên Đán Tân Tỵ Cảm Tác, thể thất ngôn bát cú Đường luật. Khi bài xướng được phổ biến, có 162 bài ứng họa của các thi hữu: Ở Mỹ, từ các tiểu bang California (CA), Florida (FL), Maryland (MD), Oregon (OR), Philadelphia PA, Texas (TX), Virginia (VA). Ở Canada, từ tỉnh bang Manitoba, Montréal, Quebec (QC), Vancouver. Ở Pháp, gửi từ Dordogne. Và ở Việt Nam, gửi từ Sài Gòn, Long Khánh, Qui Nhơn, thị trấn Bình Định, huyện Tây Sơn, huyện Tuy Phước.
Nguyên Đán Tân Tỵ Cảm Tác
(Bài xướng)
Mưa rơi nhè nhẹ sáng đầu năm,
Phong cảnh Ca Li thắm nhuận đằm.
Đón Tết miên man tình nước dậy,
Mừng Xuân nhung nhớ bạn bè thăm.
Chén trà dâu bể lên hương sắc,
Ngọn bút hoa đèn rọi tối tăm.
Trót đã cưu mang vào nghiệp dĩ,
Ba lăm tuổi nữa mới tròn trăm.
San Jose, ngày 24- 1- 2001
VIỆT THAO
Đặng Đức Bích họa lại:
Mới đây mà đã mấy mươi năm,
Nước mất nhà tan khổ lụy đằm.
Ngày trước vui Xuân mừng pháo nổ,
Bây giờ đón Tết vắng người thăm.
Quê nhà khí thế đang sôi sục,
Hải ngoại cao trào dội tiếng tăm.
Xuân đến Xuân mang niềm hy vọng,
Tương lai nước Việt gấp nghìn trăm.
Jose (CA), ngày 18- 5- 2001
ĐẶNG ĐỨC BÍCH
– Tháng 7 năm 2002, Đặng Đức Bích đi Houston dự Đại Hội Trường Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn, Anh cảm tác vần thơ theo thất ngôn bát cú Đường luật:
Bài Thơ Trường Cũ
Tặng đến trường xưa vạn ý thơ,
Cường tân thôi thúc nước mong chờ.
Để phương hào kiệt gìn non nước,
Nữ hội anh thư phất ngọn cờ.
Trung liệt giang sơn ghi sử sách,
Học lưu tuổi trẻ đáp thời cơ.
Qui thành sức mạnh niềm tin sáng,
Nhơn tụ quần hùng đạt ước mơ.
San Jose, California
ĐẶNG ĐỨC BÍCH
Anh mời tôi họa. Tôi họa vận theo lối khoán thủ nguyên điệu và lấy nhan đề là:
Gửi Bạn.
Tặng bạn mấy vần cảm họa thơ,
Cường xoay vận nước mãi trông chờ.
Để cho tên cũ ngời trang sử,
Nữ vẫn hình xưa rạng bóng cờ.
Trung thấu tâm can nghiền phận số,
Học thông đạo lý ngẫm thiên cơ.
Qui về nghĩa cả cùng chung sức,
Nhơn vững chí thành đạt giấc mơ.
San Jose, ngày 8 – 5 – 2002
VIỆT THAO
– Ngày 2 tháng 2 năm 2004, nhà in Đường Sáng điện thoại báo tin Đặc San đã in xong. BBT, chúng tôi, gồm 5 người, đến địa chỉ 712 N. 9th Street San Jose 95112, xem xét Đặc San 2004 lần chót, trước khi nhà in xuất kho giao sách cho Ban Chấp Hành TSBĐ Bắc Cali. Mỗi năm, Đặc San TSBĐ in 1000 cuốn, tiêu thụ 600 cuốn trong dịp Đồng Hương hội ngộ Tất Niên hay Tân Niên, còn 400 cuốn dành cho dịp Picnic Hè gặp mặt. (Mời xem toàn bộ 19 cuốn Đặc San Bình Định, nơi Website www.taysonbinhdinhbaccali.com, Link Nhanh, Đặc San Bình Định.)
H 1 & 2: Ảnh chụp ngày 2- 2- 2004, tại Văn phòng Nhà in Đường Sáng.
Từ trái sang phải: Đặng Đức Bích, Đặng Vĩnh Mai, Trương Toại, Nguyễn Bá Thư, Đào Đức Chương.
– Năm 2004, Đặng Đức Bích thành lập Tạp Chí Tân Văn, Anh làm Chủ biên và mời tôi tham gia trong Ban Biên Tập.
– Năm 2005, tháng 12 là mùa làm báo, Đặng Đức Bích phụ trách mục Thơ Xướng Họa, tờ Đặc San Tây Sơn Bình Định Bắc Cali. Anh ra bài xướng lấy nhan đề là: Thu Quyến Rũ. Có 11 thi hữu ứng họa: Trương Toại, Nguyễn Bá Thư, Việt Thao, Đặng Vĩnh Mai, Thục Điềm, Lê Văn Ba, Thái Tẩu, Ngô Đình Phùng, Huyền Vũ, Nhất Dạ, và Trịnh Văn Toàn. Mười 12 bài xướng họa ấy đăng trong Đặc San Bình Định Bắc California, Bính Tuất 2006.
Thu Quyến Rũ (Bài Xướng)
Mùa gió thu về lạc mất em,
Vàng rơi lả tả rớt bên thềm.
Hè đi tràn ngập lòng lưu luyến,
Thu đến bâng khuâng dạ nhớ thêm.
Có phải thuyền em không đậu bến,
Hay là trần thế vắng người quen.
Thu đừng quyến rũ em tôi nữa,
Quyện ánh trăng tà tiếng nhạc đêm.
ĐẶNG ĐỨC BÍCH
Xuân Đến (Bài họa)
Sức sống bừng lên trong mắt em,
Nhìn tia nắng ấm dải quanh thềm.
Cành trơ buốt giá đông tàn lại,
Chồi mở nõn nà xuân sắc thêm.
Sương khói tan theo màu luyến nhớ,
Hoa đào nở rộ dáng thân quen.
Và khi cánh én giao mùa ấy,
Xanh biếc khung trời khép bóng đêm.
San Jose, 20- 12- 2005
VIỆT THAO
Lần xướng họa này, chỉ hơn 5 tháng sau, anh Đặng Vĩnh Mai, một thành viên trong BBT, vừa là thành viên trong mục Thơ Xướng Họa, đột ngột từ trần vào ngày 3 tháng 5 năm 2006. Và dưới đây là tác phẩm cuối cùng của đời Anh.
Hoài Cố Nhân (Bài họa)
Vắng ánh hoa đào ửng má em,
Chiều trông sầu nhớ đọng bên thềm.
Nắng mưa sợi bạc dần thưa thớt,
Ngày tháng lòng vương bện chặt thêm.
Ước mộng chôn sâu thành thấy lạ,
Mơ màng tưởng nhớ hóa ra quen.
Thôi đừng vướng bận thêm chi nữa,
Cánh nhạn phương trời lạc bóng đêm.
ĐẶNG VĨNH MAI
– Tháng 1 năm 2006, như đã nói trên, lệ hằng năm, hai tháng cuối cùng của Dương lịch, là mùa làm báo, đôi khi lấn sang tháng giêng năm sau. Lúc ấy, nhà Đặng Đức Bích và tôi tương đối ở gần nhau, nên Anh thường chở tôi đến nhà in Đường Sáng.
H 3: Từ trước đến sau: Đào Đức Chương, Nguyễn Bá Thư, Đặng Đức Bích, Đặng Vĩnh Mai, Trương Toại.
Nơi đây, Ban Biên Tập chúng tôi phải làm việc trong nhiều ngày để xem lại các bài nhà in vừa đánh máy xong, sắp xếp bài vở, hình ảnh vào các tiết mục, trang hoàng Đặc San. Có lần, ngày 4 tháng giêng năm 2006, chúng tôi phải làm việc từ sáng sớm đến quá trưa vẫn chưa xong, phải chở nhau ra quán phở Tàu Bay trên đường số 10th ăn vội, rồi trở lại làm tiếp đến hơn 8 giờ tối mới về nhà. Vì lần này, chỉ còn đúng 1 tháng nữa là ngày Hội Tân Niên Bình Định, nhưng bài vở vẫn còn bề bộn.
H 4: Từ gần đến xa: Trương Toại, Đặng Vĩnh Mai, Đặng Đức Bích, Nguyễn Bá Thư, Đào Đức Chương. (Ảnh chụp tại nhà in Đường Sáng, ngày 4- 1- 2006)
Không ngờ lần chụp ảnh trên, vỏn vẹn 4 tháng sau, ngày 3- 5- 2006, anh Đặng Vĩnh Mai đột ngột từ trần.
Tháng 7 năm 2006, Ban Biên Tập mời Đường Anh Đồng bổ sung vào. Sang năm 2007, mời Quách Tứ, rồi năm 2011 mời Nguyễn Diêu vào Ban Biên Tập. Từ ngày có Đường Anh Đồng trong Ban Biên Tập, công đoạn kỹ thuật cho tờ Đặc San nhẹ nhàng hơn nhiều. Chúng tôi chỉ lo việc cổ động đồng hương, thân hữu góp bài, đọc và chọn, sửa lỗi chính tả, rồi sắp xếp bài vở thành tập. Đường Anh Đồng đảm nhận đánh máy những bài viết tay, layout hình bìa, còn làm nhiều công việc khác trên computer trước khi Đặc San được gửi đến nhà in.
Tháng 11 năm 2006, mục Thơ Xướng Họa lại xuất hiện theo định kỳ, để chuẩn bị cho tờ Đặc San 2007. Bài xướng Xuân Mơ của Đặng Đức Bích, có 23 thi hữu ứng họa, gồm: Thích Giác Lượng Tuệ Đàm Tử, Trác Như, Nguyễn Bá Thư, Việt Thao, Lê Văn Ba, Bùi Thúc Khán, Lê Phương Nguyên, Nguyễn Công Lượng, Nguyễn Thế Giác, Ngô Đình Phùng, Võ Bá Hà, Vĩnh Xuyên, Nguyễn Diêu, Nguyễn Việt Nho, Lam Nguyên, Thái Sinh, Minh Thi, Huyền Vũ, Vương Sinh, Hoàng Vũ, Cao Yên Tuấn, Mỹ Vân, Nhất Dạ.
Xuân mơ (Bài xướng)
Tết nhứt nhà ai cũng cũng rộn ràng,
Xuân về chan chứa ánh thiều quang.
Lá hoa chen chúc khoe màu thắm,
Ong bướm xôn xao lượn sắc vàng.
Dân tộc hân hoan mừng Tết đến,
Quê hương nhộn nhịp đón Xuân sang.
Xuân mơ nước Việt giàu no ấm
Hạnh phúc dân vui sướng ngập tràn.
ĐẶNG ĐỨC BÍCH
Mơ Xuân (Bài họa)
Cây cảnh bừng lên nét rỡ ràng,
Hương trời sắc nước đẹp phong quang.
Nụ đào chen chúc hoa tươi đỏ,
Đóa cúc sum sê cánh mượt vàng.
Vọng tưởng lòng đau từng tháng đợi,
Mỏi mòn ruột thắt mỗi năm sang.
Mong cho đất nước hồi sinh lại,
Xuân đến Quê Hương ước mộng tràn.
San Jose, Thanksgiving (23-11- 2006)
VIỆT THAO
– Năm 2009, Triều Phong Đặng Đức Bích lập Bình Định Đường Thi, quy tụ 25 nhà thơ Đường luật của Bình Định sống ở Hải ngoại, 5 nhà thơ Bình Định thời VNCH còn ở Việt Nam, ngoài ra còn sưu tầm thơ của 24 thi sĩ tiền bối Bình Định. Thi tập bìa cứng màu nâu chữ mạ vàng, đóng chỉ, khổ giấy 14 x 29 cm, dày 512 trang giấy hoa, chia làm 4 phần chính:
Phần I (từ trang 17 – 395) Nhà Thơ Hiện Đại: Đặng Đức Bích, Nguyễn Diêu, Hoàng Duy, Ngọc Anh Trần Đình Đệ, Khiêm Đức, Nguyễn Thế Giác, Chu Hà, Trần Quang Hân, Nguyễn Công Hoàng, Bùi Thúc Khán, Đặng Hiếu Kính, Võ Ngọc Lam, Nguyễn Công Lượng, Lam Nguyên, Song Nguyên, Nguyễn Việt Nho, Trác Như, Lâm Phú, Ngô Đình Phùng, Thái Tẩu, Việt Thao, Thư Trang, Thích Giác Lượng Tuệ Đàm Tử, Mỹ Vân, Huyền Vũ.
Phần II (từ trang 398 – 432) Thơ Xướng Họa: Thơ Mùa Xuân gồm 1 bài xướng và 15 bài họa; Thơ Mùa Thu có 1 bài xướng và 17 bài họa.
Phần III (từ trang 435 – 476) Đường Thi Của Các Bậc Tiền Bối: Đào Duy Từ, Đặng Đức Siêu, Trần Văn Huệ, Đào Tấn, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Kiều, Nguyễn Trọng Trì, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Quý Luân, Mai Xuân Thưởng, Đào Phan Duân, Hồ Sĩ Tạo, Nguyễn Liên, Trần Trọng Giải, Đặng Đào Trúc Tiên, Trần Hinh, Trần Tam Mô, Lâm Thúc Mậu, Hà Trì, Quách Tấn, Hàn Mạc Tử, Mai Đình, Lam Giang, Hòa Thượng Kế Châu.
Phần IV (từ trang 479 – 490) Một Số Thi Hữu Góp Mặt Trong Một Vài Tác Phẩm: Phú Điềm, Phạm Hà Hải, Hà Xuân Kỷ, Lê Phương Nguyên, Trần Thục, Võ Khắc Trung. (Mời bạn đọc xem toàn bộ Bình Định Đường Thi, nơi Website www.taysonbinhdinhbaccali.com, mục Văn Thơ.)
H 5 & 6: Trang bìa trước và bìa sau Thi tập gồm nhiều tác giả.
– Năm 2014, tôi được Nhà xuất bản Nguồn Sống ở Fresno (CA) cấp 12 số ISBN (International Standard Book Number), dùng cho 12 tập sách biên soạn của tôi. Anh Bích ngỏ ý nhờ tôi xin giúp 2 số ISBN. Khi nhận được, Anh dùng số 1-889882-37-2 cho quyển Bình Định Đường Thi, và số 1-889882-38-0 cho quyển Hoa Vông Vang. Rất tiếc hai quyển ấy Anh đã in và phân phát cho các tác giả có tham gia mỗi người 20 cuốn. Riêng Anh chỉ còn giữ trên 5 cuốn, phần tôi còn giữ 5 quyển, trao lại anh 3 quyển, cộng lại chừng 10 quyển. Chúng tôi tính chuyện phải đưa quyển Bình Định Đrường Thi vào các thư viện ở San Jose. Nếu thu góp được thi tập ấy từ các bạn, sẽ mở rộng việc cung cấp cho các thư viện vùng phụ cận. Nhưng việc đưa sách vào thư viện Mỹ còn gặp một rào cản nữa là ngoài số ISBN phải có thêm số LCCN (Library of Congress Control Number), thì họ mới nhận. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng gửi qua email cho tôi trang web có mẫu đơn, anh Bích và tôi họp nhau làm đến vài lần, cuối cùng mới được cấp số LCCN 2017903188 cho quyển Bình Định Đường Thi.
Có đủ 2 số rồi, nhưng phải viết lời giới thiệu về nội dung quyển sách thì mới đủ thủ tục. Đặng Đức Bích thảo bằng tiếng Việt, chuyển cho tôi xem, rồi Anh chuyển sang tiếng Anh, trong thư có đoạn:
“Đây là tuyển tập thơ rất hay về thể thơ Đường luật (bảy chữ, tám câu) của 25 Tác giả quê hương tỉnh Bình Định, Việt Nam.
“Các bài thơ diễn tả về cảnh trí thiên nhiên, cuộc sống trong tự do, dân chủ trước năm 1975.
“Một số bài thơ Đường luật hay của các bậc Tiền bối, được truyền tụng qua nhiều thế hệ, làm tăng thêm giá trị cho cuốn sách Bình Định Đường Thi.
“Một số Thi hữu khác góp mặt trong một vài tác phẩm hay.
“32 hình phong cảnh nổi tiếng của tỉnh Bình Định, tô thêm vẻ đẹp cho cuốn sách.
“Bìa cứng, chữ mạ vàng, in trên 512 trang giấy hoa.
“Chúng tôi xin trình bày với sự tin yêu kính mến.
“Trân trọng kính chào,
“Đặng Đức Bích.”
– Về phương diện giao tiếp, đối với bằng hữu, anh Đặng Đức Bích là người rất hiếu khách, mỗi lần có bà con ở phương xa đến, Anh họp mặt bà con và đồng hương, ở nhà Anh hoặc tại nhà hàng để hàn huyên trò chuyện.
H 7: Từ trái sang phải: Đường Anh Đồng, Nguyễn Bá Thư, Đặng Đức Thông, Mạnh Thị Thu Cúc (vợ tôi), bà Trần Đình Đệ, Đặng Đức Bích, Đào Đức Chương, Phan Minh Châu, Trương Toại, Huỳnh Hữu Dụng, Nguyễn Mai.
Ảnh chụp tại phòng khách nhà anh Bích số 4045 Chamberer Dr., San Jose, CA 95135, chiều ngày 14- 6- 2006.
Đơn cử, bà Trần Đình Đệ (tức Đặng Thị Ngọc Anh, tôi gọi bằng cô họ) từ Virginia (VA) đến San Francisco (CA) thăm con trai là Bác sĩ Trần Đình Chi. Nhân đó, ngày 14 tháng 6 năm 2006, Bà ghé lại San Jose (CA) thăm bà con, Đặng Đức Bích nhanh chóng mời các bạn họp mặt tại tư gia của Anh để đón khách từ phương xa đến thăm.
– Anh không những hiếu khách, mà rất có lòng với bạn. Có lần tôi bị nhức răng, lúc đó đã hơn 8 giờ tối mùa đông, Anh vẫn đem đến cho tôi một lọ thuốc nước, vừa đủ dùng hai lần, cho buổi tối và sáng mai. Nhờ có thuốc, đêm hôm ấy răng bớt nhức, và sau khi ngậm thuốc lần thứ hai, răng không còn đau nhức nữa.
– Ngày 13- 2- 2011, trong buổi Hội ngộ Tân niên năm Tân Mão của Đồng Hương Bình Định Bắc Caifornia, tại nhà hàng Grand Fortune Seafood, Anh đến bàn tiệc gặp vợ chồng tôi, hỏi han thân mật.
H 8: Đào Đức Chương và Mạnh Thị Thu Cúc (ngồi), Đặng Đức Bích (đứng)
– Cuối năm 2015, trong Mùa Làm Báo, Ban Biên Tập họp tại nhà Hội trưởng Phan Thanh Hùng số 2077 Wendover Ln., San Jose CA 95121, duyệt xét bài vở lần chót trước khi chuyển đến nhà in.
H 9: Ban Biên Tập, từ trái sang phải: Nguyễn Diêu, Đường Anh Đồng (đứng), Quách Tứ, Đào Đức Chương, Nguyễn Bá Thư, Đặng Đức Bích, Trương Toại.
– Ngày 1 tháng 9 năm 2019, lại bắt đầu cho Mùa Làm Báo hằng năm, Ban Biên Tập Đặc San Bình Định Bắc Cali họp tại Hội trường trên đường Whispering Hills Dr., San Jose, chuẩn bị cho tờ Đặc San 2020. Không ngờ, đây là lần chụp ảnh cuối cùng BBT chúng tôi có đủ mặt 7 người chung nhau xây dựng tờ Đặc San trong nhiều năm trời; vì ngày 27- 4- 2020 Anh bất ngờ ra đi, sau 7 tháng 27 ngày chụp ảnh chung.
H 10: Từ trái sang phải: Đặng Đức Bích, Nguyễn Diêu, Tương Toại, Đường Anh Đồng (đứng), Nguyễn Bá Thư, Đào Đức Chương, Quách Tứ.
– Ngày 11- 5- 2020, là ngày an táng Đặng Đức Bích, cũng là ngày kết thúc Khung Trời Kỷ Niệm về Anh. Ban Biên Tập chúng tôi, không thể đến viếng, để đuợc thấy mặt Anh lần cuối, và tiễn Anh ra Nghĩa Trang, vì lệnh cách ly Đại dịch Covid 19 đang nghiêm ngặt. Nhà quàng chỉ cho thân quyến đến dự và giới hạn không quá 10 người. Sáng hôm ấy, tôi gọi điện thoại đến Đường Anh Đồng là người duy nhất trong BBT, cũng vừa là thân quyến (em rể anh Bích), chia buồn, nhờ thắp hộ nén hương, và vái lời vô cùng thương tiếc của tôi đối với anh Bích…
Bích ơi! Ở Hải ngoại, chúng ta thân thiết nhau và thường gặp nhau đã 25 năm rồi. Nay Triều Phong ra đi, để lại một lỗ hổng trong Đặc San Bình Định về mục Thơ Đường Luật Xướng Họa. Và Ban Biên Tập thiếu vắng Bạn trong những buổi họp chọn bài, sắp xếp bài vở vào các tiết mục cho Đặc San.
Anh Bích ơi! Giờ đây tuy thân xác Anh nằm yên trong lòng đất, nhưng những tác phẩm của Anh đã đi vào lòng người đọc và sống mãi với thời gian.
Bình sinh, Triều Phong rất thích thơ thất ngôn bát cú Đường luật, nên dành cho phần kết thúc bài Khung Trời Kỷ Niệm, tôi xin kính tặng Hương Linh Nhà Thơ, Nhà Văn Triều Phong Đặng Đức Bích bài:
LỜI TIỄN NGƯỜI ĐI
Thương bạn ra đi – quá ngỡ ngàng,
Tiếc cho tài trí – nghẹn lời than!
Thi nhân xuất chúng nguồn lai láng,
Văn nghiệp đang lên bỗng lỡ làng.
Hữu xạ tiếng thơm còn sống mãi,
Đặng gia khoa bảng vẫn lừng danh.
Đức dày công quả tròn danh phận,
Bích sớm Hương Linh nhập Niết Bàn.
San Jose, ngày 15- 5- 2020
Bổ chính ngày 12- 6- 2022
VIỆT THAO ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
Bài Cùng Tác Giả:
- Quê Tôi
- Cái Duyên Đến Với Đề Tài Lễ Hội Cầu Ngư Và Hát Bả Trạo
- Ngày Xuân Và Lễ Hội Cầu Ngư
- Từ Võ Lý Đến Chiến Thuật
- Với San Jose Giáp Bốn Mùa
- Hai Ngôi Chùa Hương
- Những Bài Khảo Luận Đầu Tay – Đoạn II: Đào Duy Từ, Cuộc Đời Và Sự Nghiệp 1572 – 1634 (Nhâm Thân – 17/ 10/ Giáp Tuất)
- Duyên Tri Ngộ – Đoạn 1: Gặp Mộng Bình Sơn
- Trận Rạch Gầm Xoài Mút
0 Bình luận