Chân dung nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ở thung lũng Silicon. (Hình: Doanh Nhân Sài Gòn)

Một ngày trong năm 1960, một đồng nghiệp dạy trung học cùng trường ở Ban Mê Thuột cho biết mới đọc một bài lục bát của tôi trên tạp chí Hiện Đại của Nguyên Sa ở Sài Gòn, tôi ngạc nhiên vì mình không hề gửi bài cho tờ báo đó, song hiểu được vì sao.

Khi lên cao nguyên, dự trù chỉ đi chơi ít ngày, tôi để lại phần lớn sách vở vật dụng trong ngôi nhà ở chung với mấy người bạn khác trong khu Chi Lăng Gia Định, trong có một cặp già nhân ngãi non vợ chồng, cô vợ làm thư ký văn phòng trong một trường tư thục, hiệu trưởng còn là một chủ báo văn nghệ.

Điều cho thấy có sự sắp đặt là cô cũng có một bài thơ đăng bên cạnh thơ tôi, cùng thơ một “tài năng mới” khác, theo lời giới thiệu có tính phủ đầu, kể công của ông chủ nhiệm tờ tạp chí, và ba bài thơ này hợp lại thành ba “mầm non” hứa hẹn, dù tờ báo không dùng chữ đó, nhưng người đọc có thể hiểu như thế.

Trong khi đó, những bài thơ và truyện ngắn đầu tiên của tôi đã đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong và Ngôn Luận từ khoảng 56, 57, bài đăng có nhuận bút, trong lúc mấy tờ gọi là văn nghệ đăng thơ văn chỉ tặng báo suôn.

Vào nghề báo từ năm 17 tuổi khi làm phóng viên lãnh lương tháng tại nhật báo Ngôn Luận, tôi chưa bao giờ có ý niệm viết bài không nhuận bút cho ai. Truyện ngắn đầu tiên của tôi được đăng trên tờ Tiếng Dân ở Hà Nội khoảng 1953 cũng là sáng tác đầu đời được đăng báo và được trả nhuận bút ngay. Từ đó trở đi, tôi thấy rằng không có lý gì để gửi bài đăng báo mà không ghi ngay ở trang đầu mấy chữ “truyện có nhuận bút.”

Khoảng 1955, tôi gia nhập Trại Học Sinh Sinh Viên Di Cư tọa lạc trên nền khám lớn cũ trên góc đường Gia Long-Nguyễn Trung Trực. Tháng sau, khu này dành cho sinh viên, còn học sinh bị chuyển xuống trại Pavie Lamothe ở cạnh Trường Đua Ngựa Phú Thọ.

Vào trại không bao lâu tôi ghi tên học lớp Hè do sinh viên đại học xá Minh Mạng tổ chức, anh Đỉnh dạy lý hóa, thấy tôi làm tờ bích báo cho trường, khen ngợi, và hỏi tôi nếu muốn đi làm báo thực anh sẽ giới thiệu với bạn anh đang làm giám đốc trị sự nhật báo Ngôn Luận.

Anh Lê Tâm Việt nhận tôi làm phụ tá anh, điều lạ lùng là Hội Chợ Kinh Tế Bình Định vừa khai mạc, tòa báo cử ông giám đốc trị sự đi hội chợ tham quan, với mục đích phát triển tờ nhật báo ra các tỉnh miền Trung, bắt đầu từ Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), lần lượt dừng lại các nơi, tìm cách treo biểu ngữ “Đọc và cổ động nhật báo Ngôn Luận,” tại các thành phố sẽ đi qua, Tuy Hòa, Nha Trang, Qui Nhơn, Bình Định.

Văn, tạp chí Nguyễn Xuân Hoàng từng làm thư ký tòa soạn. (Hình: indomemoires.hypotheses.org)

Thế là trên giấy tờ, tôi là một nhân viên “nhà báo Sài Gòn” đi tham dự tường thuật một hội chợ kinh tế bề thế, được tiếp đón niềm nở, và bản thân thấy mình được việc. Lúc đó còn được gọi là “đặc phái viên” được chiêu đãi rất lịch sự.

Trong chuyến đi này tôi hai lần ngồi uống bia 33 bên các quán dọc bờ biển bị các bà các cô nhận lầm là Nam Hàn, Phi Luật Tân sao đó, tới bên cạnh mời mọc lả lơi, xem cái máy ảnh tôi khoác trên vai hay cái túi da đựng đồ linh tinh, mời cái này cái nọ bằng tiếng… Mỹ, không thèm dùng tiếng Việt!

Tôi về Sài Gòn ngay, tìm tới tòa soạn Hiện Đại, tờ báo lúc đó không một ai làm việc, chỉ gặp một người của nhà in, ông này từng du học ở Pháp – đúng hơn là ở một trường đạo ở bên Bỉ. Chính ông nói với tôi, nhiều người hay nói họ du học Pháp Quốc, thực sự là du học ở Bỉ, nơi một trường đạo; từ trường này qua Paris bằng đường bộ chỉ mất khoảng một giờ đồng hồ, cho nên họ nói du học Paris cho tiện, dù rằng có khi họ làm việc mãi trên bến tàu Mạc Sây. Bài thơ của tôi ký bút hiệu tôi dùng trên Văn Nghệ Tiền Phong, Ngôn Luận từ 1956-57, bài thơ kia ký bút hiệu Hoang Vu.

Hoang Vu là cậu nào, mặt mũi ra sao, tôi tò mò muốn biết. “Tin sơ khởi” nghe cũng yên tâm, chàng ta đang dạy môn triết tại Trung Học Trương Vĩnh Ký. Tên thật là Nguyễn Xuân Hoàng.

Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, chúng tôi vui vẻ biết nhau, và từ đó thường gặp nhau. Nguyễn Xuân Hoàng khi được mời làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn đã là người thực hiện một bài phỏng vấn chi tiết nhất về tôi, đó là cuộc phỏng vấn nhan đề “Đi Thật Xa với Viên Linh,” phỏng theo mục “Va Plus Loin Avec…” của tờ báo mà tôi đặt mua dài hạn hằng tuần ở nhà sách Le Porteil trên đường Catinat: tờ L’Express.

Lúc đầu gặp nhau, Hoàng sống với bà vợ trong hẻm Kỳ Đồng, bà dân Việt nhưng quốc tịch Pháp, và là giáo sư dạy Pháp văn trường công lập. Đó là một nữ lưu mảnh khảnh, thanh nhã, khác với người bạn sôi nổi của tôi; làm tôi có ý nghĩ hơi kỳ bà có vẻ như là bà chị bạn tôi, chứ không phải là bà vợ.

Nguyễn Xuân Hoàng lại để tóc ngắn, hớt cao, sơ mi không cài hết hàng khuy trước ngực, chả thế mà có hôm ngay trên hành lang trường Petrus Ký, một ông giám thị đi ngược chiều Giáo Sư Nguyễn Xuân Hoàng, la chàng ta phải cài cúc áo cho ngay ngắn, học trò lớn rồi.

Mấy cậu học trò, vì là học trò ban triết của thầy Hoàng, vội la ông giám thị, thầy dạy triết của chúng tôi đó ông ơi.

Tôi không tìm ra bài thơ “hoang vu” của Hoang Vu, chỉ nhớ có một câu: “Hoang vu chín đến độ thèm…” Gọi đện thoại viễn liên cho nhà thơ Thành Tôn, từ California anh đọc cho chép bài thơ đó như sau:

Mang Mang

Từ xa phố chợ đến giờ
Chân quen bỏ lệ gõ bờ lộ quen.
Hoang vu chín đến độ thèm
Lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên đường.

Mùa sương phố núi mù sương
Nhịp buồn hút gió hồn nương sao rừng
Chuyện linh hồn với bản thân
Bàn tay thượng đế mộ phần chiêm bao.

Đồi thông xanh tóc nghẹn ngào
Ngập ngừng lạnh xuống từ bao lâu rồi?
Còn tôi, còn chỉ mình tôi
Mây bay đầu núi kéo trời lên xa.
Bàn tay thoáng nổi da gà
Thẳm sâu lòng đất nhà ga luân hồi.
[Hoang Vu (Nguyễn Xuân Hoàng), đăng trên Hiện Đại số 2, 1960]

Viết tới đây, nói tới nhà ga luân hồi, là nói tới nơi người bạn văn thơ ấy – Nguyễn Xuân Hoàng (1940-2012) – đang dừng chân, nơi thẳm sâu lòng đất.

Viên Linh

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/nguyen-xuan-hoang-khi-di-tren-may-luc-ve-long-dat/

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận