Nguyễn Xuân Hoàng Tại Boston
Nhân dịp nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (NXH) đến thuyết trình tại Boston College trong đêm văn hóa Việt Nam do nhóm Phát Triển Giáo Dục Văn Hóa tổ chức dưới sự chấp thuận của trường Cao Học Nhân Xã Vụ đại học Boston, chúng tôi xin phép nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tiếp để giới thiệu ông với đồng bào Việt Nam tại Boston và bang Massachusetts. Xin quí thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi Trần Thu Miên và ông giám đốc đài phát thanh Phạm Văn Đảm.
Thưa ông NXH, xin ông cho thính giả biết về ông qua một vài dữ kiện liên quan đến tiểu sử cá nhân, học vấn, và kinh nghiệm nghề nghiệp.
NXH: tôi nguyên là học sinh Pétrus Ký ở Saigon, Việt Nam, tốt nghiệp môn Triết Đại học sư phạm Đà Lạt. Trở về phụ trách Triết tại trường cũ là Pétrus Ký, Saigon. Về báo chí tôi làm thư ký toà soạn tạp chí Văn [1972-1974]. Đến Mỹ năm 1985, làm tổng thư ký nhật báo Người Việt tại Nam Cali, tổng thư ký tạp chí Thế Kỷ 21 từ 1986 đến 1997. Cuối năm 1998 tôi nhận làm tổng thư ký tuần báo Việt Mercury [ấn bản tiếng Việt của tờ San Jose Mercury News] cho đến nay. Đồng thời, hiện nay tôi còn là chủ bút tạp chí Văn, do nhà văn Mai Thảo dựng lại tại Hoa Kỳ từ năm 1982, nhưng đến đầu năm 1996, do tình hình sức khoẻ của ông không tốt, ông đã trao tờ Văn cho tôi trông nom. Văn số tháng chín 1996 là số báo đầu tiên do tôi làm chủ bút cho đến nay.
Trong quá khứ ông là một nhà giáo. Kinh nghiệm về nghề giáo có liên quan đến việc sáng tác văn chương và sinh hoạt báo chí không?
Nhiều người dạy học đã viết văn, và họ thực sự là nhà văn nhà thơ như Nguyên Sa, Trần Hồng Châu – bút hiệu của giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch nguyên là khoa trưởng đại học Văn khoa Sàigòn- Nguyễn Mộng Giác, Trần Doãn Nho, Võ Hồng và nhiều người khác. theo tôi, kinh nghiệm dạy học cũng như kinh nghiệm của những ngành nghề khác có cái lợi và cái bất lợi trong sáng tác văn học. tôi nghĩ đôi khi, công việc của một nhà giáo có thể là một trở ngại cho việc viết lách và sinh hoạt báo chí.
Ông đã đi vào thế giới văn chương bằng cách nào và khởi điểm cuộc hành trình văn chương của ông bắt đầu từ lúc nào?
NXH: Năm 18 tuổi tôi làm bài thơ đầu tiên được nhà thơ Nguyên Sa giới thiệu trên tạp chí hiện đại của ông. năm 20 tuổi truyện ngắn đầu tay của tôi đăng trên tạp chí văn học do nhà viết kịch dương kiền, bào huynh của nhà báo dương phục làm chủ bút [không phải tờ văn học của anh nguyễn mộng giác hiện nay]
Xin ông kể cho thính giả một kỷ niệm văn chương đặc sắc nhất của đời viết văn.
NXH: Thế nào là một kỷ niệm văn chương đặc sắc? Xin ông có thể nói rõ hơn??
Tác phẩm đầu tay đưa ông vào thế giới văn chương là tác phẩm gì, đã xuất hiện trên văn đàn nào (tạp chí văn học hay thời báo vv…)?
NXH: Tập truyện ngắn đầu tay của tôi, Mù Sương, được nhà văn Võ Phiến giám đốc nhà xuất bản Thời Mới ấn hành năm 1966. Tôi không viết nhiều nhưng đó là cái mốc khi tôi bắt đầu vào con đường chữ nghĩa.
Ông còn nhớ gì khi biết tác phẩm của mình được chọn đăng lần đầu?
NXH: Tôi rất xúc động. Tôi giữ tờ báo ấy khá lâu. Tôi cảm thấy từ bản viết tay, bôi xoá nham nhở đến những giòng chữ in, sao mà lạ lùng như thế. Tôi không tin bài mình được chọn đăng. Đó là tôi nói bài thơ, còn truyện ngắn thi tôi không có cái cảm giác đó nữa.
Trong tất cả những tác phẩm ông đã xuất bản, tác phẩm nào ông ưng ý nhất và tác phẩm nào làm ông thất vọng nhất (xin cho biết tại sao)?
NXH: Tôi không có cuốn sách nào của mình cho tôi cái cảm giác ưng ý nhất hay thất vọng nhất. Nhưng tôi có cái cảm giác là khi đọc lại thấy lẽ ra mình đã không nên viết như vậy. Nhà văn Võ Phiến trong một bài viết về tôi có khám phá ra là mỗi lần cho in lại một sáng tác cũ của mình tôi thay đổi và sửa chữa nhiều lắm. Phần lớn là cắt ngắn đi, nên hiểu đó là sự thất vọng. Tôi thất vọng hầu hết những gì tôi đã viết.
Nhà văn Việt Nam hay ngoại quốc nào đã ảnh hưởng đến sự nghiệp văn chương của ông? Tại sao và như thế nào?
NXH: Tôi không biết người nào ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất. Hình như trước đây tôi thích Hemingway trong cách viết đối thoại, Paustovski trong suy nghĩ văn chương. Bếp Lửa là tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền trong nhóm Sáng Tạo. Gần đây nhất tôi rất thích Milan Kundera, một tác giả Pháp gốc Tiệp. Cách viết của tôi là luôn luôn tìm cách phủ nhận cách viết những tác giả mà tôi thích.
Nếu người ta hỏi ông về trường phái văn chương, ông tự coi mình thuộc trường phái nào?
NXH: Tôi không có câu trả lời. Có lúc tôi và các bạn tôi [như] Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Đặng Phùng Quân thích quan niệm văn chương tiểu thuyết mới ở Pháp thời thập niên 60 với Alain Robbe-Grillet, Michel Butor, Claude Simon, Nathalie Sarraute … và tôi đã viết một cuốn truyện vừa Khu Rừng Hực Lửa đăng nhiều kỳ trên tạp chí Văn. Sau đó cuốn sách này được nhà xuất bản Đêm Trắng in, nhưng theo tôi nhà xuất bản bị lỗ nặng vì in cuốn này.
Thưa ông, theo ông thì văn chương có khả năng đóng góp gì cho đời sống nhân loại? Hay nói hạn hẹp hơn là văn chương có khả năng đóng góp gì cho xã hội mà nhà văn đang sống?
NXH: Văn chương có đóng góp gì cho xã hội? Tôi nghĩ văn chương là một sản phẩm của xã hội. là con đẻ của xã hội, nó nói tiếng nói của xã hội, thở hơi thở của xã hội chắc chắn nó có chịu hổ tương của xã hội. Tuy nhiên tôi phủ nhận việc đặt lên vai nhà văn trọng trách của một người mang một thông điệp đến xã hội. Nhà văn cũng như một người thợ mộc, thợ nề, người làm vườn…… cái mà ông làm được cho đời sống đó là qua chữ nghĩa người đọc thấy cuộc sống mình hạnh phúc hơn. Nhưng tôi nghĩ khả năng đó đâu phải là nhà văn nào cũng có. Khi người đọc khám phá ra cuốn sách và nhận được nơi đó niềm vui hay nơi đó là nỗi đau khổ hay đó chỉ là rác rến thì phải nói tùy tác phẩm … [Một] nhà văn Pháp nói một câu tôi rất thích: đó là với những ý tưởng tốt đẹp người ta thường làm văn chương dở ….
Xin ông cho thính giả biết vài chi tiết về cách ông sáng tác. Thí dụ như kinh nghiệm về việc viết tiểu thuyết, và tiến trình sáng tạo một tác phẩm của ông?
NXH: Kinh nghiệm viết tiểu thuyết? Tôi không phải là một tác giả viết nhanh và viết nhiều. Tôi bắt đầu viết khi lòng tôi cảm thấy là chắc mình phải viết một câu chuyện về cái chuyện này! Nhưng thấy vậy mà từ lúc muốn viết đến lúc viết ra dòng chữ đầu tiên cũng truân chuyên lắm.
Tôi thường viết về ban đêm, và không bao giờ bằng lòng về những dòng chữ của mình. Cuốn Bụi và Rác tôi viết trong một năm. Cuốn Sa Mạc viết trong 6 tháng. Cuốn Căn Nhà Ngói Đỏ trong 3 năm. Riêng cuốn Người Đi Trên Mây III, cuốn chót trong bộ ba, tôi đã bắt đầu từ bảy năm nay. Năm rồi viêt được trên 100 trang, nhưng khi đọc lại thấy không được mà cứ để trong máy hoài thì không yên nên tôi đã delete toàn bộ. Cuốn Người Đi Trên Mây III như vậy là vẫn còn trong trí tưởng. Nhà xuất bản đã trả tiền mà tôi chưa đưa cho họ chữ nào.
Ông hiện là nhà báo, xin ông kể cho thính giả vài chi tiết về kinh nghiệm làm báo của ông?
NXH: Tôi từng làm báo Văn [ở] Saigon những năm 70. Tôi làm tổng thư ký nhật báo Người Việt tin tức thời sự ở Nam Cali mười ba năm, rồi làm tuần báo Việt Mercury từ 1998 đến nay. Tôi thấy làm báo văn chương khác với báo tin tức, thời sự, báo Việt-Việt khác với báo Việt-Mỹ, như trường hợp một bản tin, một bức ảnh, một trích đoạn, một nguồn tin ….
Thưa ông, ký giả báo chí và nhà văn có những điểm gì giống nhau và những điểm gì khác nhau?
NXH: Những bài báo của ký giả giống như mì ăn liền, fast food còn những bài viết của nhà văn như một món ăn mà người đầu bếp phải chuẩn bị nấu nướng kỹ lưỡng, dọn lên một bàn ăn có khăn trải bàn có chén bát …. Cái giống nhau là phải dùng chữ viết, là kinh nghiệm sống … cái khác nhau là một cái đi qua, một cái để lại. Nhưng nói vậy thôi chứ đi qua như thế nào, để lại cái gì còn tùy tài năng của người viết ….
Ông có nhận xét gì về sinh hoạt văn chương Việt Nam hải ngoại?
NXH: Theo một nhà văn bạn chúng tôi thì văn chương VN hải ngoại đang bị lão hoá. Người viết già và người đọc cũng già. Thực ra, với tư cách một người phụ trách tạp chí Văn từ nhiều năm nay, tôi thấy nhiều người viết mới. Chỉ với không tới hai triệu người sống rải rác khắp năm châu bốn biển, bằng những ngôn ngữ khác nhau mà chúng ta hiện có một lực lượng người viết khá đông đảo, Trần Vũ, ở Pháp, Lê Minh Hà ở Đức, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Quí Đức ở Mỹ, nhiều nguời viết mới và viết rất hay: Phùng Nguyễn, Hồ Như, Nguyễn thị Ngọc Nhung, Trần Mai Ninh, Miêng, và gần đây tôi thấy Trịnh Y Thư với tập truyện ngắn Ngưòi Đàn Bà Khác tôi rất thích …. Trong những tác giả ở hải ngoại có người có thể vừa viết cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh [như trường hợp Nguyễn Quí Đức] có người chỉ viết được có tiếng Anh như Andrew Lam, Andrew X. Pham, Lai Thanh-ha, Monique Trương, Isabelle Thuy Pelaud, Angie Chau, có người chỉ viết được tiếng Pháp như Linda Lê … Nỗi lo sợ là người đọc văn chương Việt hải ngoại sẽ mất dần theo năm tháng. Cái hình kim tự tháp chữ nghĩa văn chương là cái đáng sợ của những người cầm bút VN. Đó là chưa kể một lớp người viết mới xuất hiện trên mạng lưới như nhóm văn học nghệ thuật liên mạng với Pham Chi Lan.
Hàng năm mỗi lần nghe hay đọc tin về giải thưởng Nobel văn chương, tôi vẫn thấy mình thắc mắc và nôn nao chờ không biết khi nào một nhà văn Việt Nam sẽ nhận được vinh dự này? Ông nghĩ gì về vấn đề này? Đã có nhà văn Việt Nam nào được đề nghĩ lĩnh gải Nobel chưa? Ông có tiên đoán gì về vinh dự này không (còn bao lâu nữa sẽ có nhà văn Việt Nam được vinh dự này?)
NXH: Tác giả Cao Hành Kiện người Trung Hoa vừa được giải Nobel văn chương năm 2000, rời Trung Quốc năm 1987 tị nạn ở Pháp và tác phẩm của ông viết bằng Pháp ngữ …. Tôi nghĩ trước hết người viết khi sáng tác không ai nghĩ mình viết để nhắm vào cái giải Nobel. Thứ nữa, tác phẩm ấy muốn đến với đông đảo người đọc trước hết nó phải được viết bằng Anh ngữ [hay Pháp ngữ]. Văn chương viết bằng tiếng Việt chưa đủ sức gõ vào cánh cửa của người đọc quốc tế. Đó là tôi chỉ mới nói tới có cái phương tiện là ngôn ngữ thôi. còn cái chứa đựng trong chữ viết là sức nặng của tác phẩm, cái đó định đoạt chiều cao và bề dày của tác phẩm.
So sánh về gía trị văn chương của các tác phẩm đã xuất bản trong thập niên 90 ở cả Việt Nam lẫn hải ngoại, có bao nhiêu tác phẩm được coi là hay? Tác giả là ai?
NXH: Xin được phát biểu với tính cách cá nhân và chủ quan nhé: ở hải ngoại tôi thấy Trần Vũ là một tác giả trẻ đang sống tại Pháp với tập truyện Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu và trong nước là Nguyễn Huy Thiệp với toàn bộ những truyện của ông, mặc dù cả hai tác giả này theo tôi tác phẩm của họ chứa nhiều bóng tối hơn là ánh sáng.
Ông nghĩ gì về tương lại văn chương Việt Nam tại hải ngoại?
NXH: Đã trả lời ở trên.
Ông có kinh nghiệm gì muốn chia sẻ hay lời nhắn nhủ gì dành riêng cho các bạn trẻ muốn trở thành nhà văn trong tương lai?
NXH: Tôi không dám có ý tưởng nhắn nhủ những người trẻ cầm bút muốn thành nhà văn, nhưng tôi có thể nói từ suy nghĩ của tôi về công việc viết của mình: chỉ nên viết những gì mình sống, và từ kinh nghiệm sống ấy trí tưởng tượng, kiến thức đóng góp rất nhiều vào sự hình thành tác phẩm. Hãy viết giản dị, tránh sự lê thê, tránh những chữ đao to búa lớn, tránh những hình ảnh cũ, tránh sự lập lại những ý tưởng sáo mòn, tránh thứ văn chương tĩnh từ ….
Theo ông thì các cộng đồng người Việt hải ngoại nên làm gì, hay đóng góp gì vào sinh hoạt văn chương nghệ thuật Việt Nam?
Dân tộc VN là một dân tộc sính văn chương chữ nghĩa. tuy vậy tôi vẫn không có câu trả lời cho một câu hỏi như thế. Liệu ba năm, năm năm, mười năm nữa chúng ta có còn một Trần Vũ, một Hồ Như, một Nguyễn Quí Đức không hay chỉ có Linda Lê, Andrew Lam, Andrew X. Pham? Một trong những ông thầy hồi trung học của tôi là nhà văn Cung Giũ Nguyên, nhưng ông chỉ viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp, Le fils de la Baleine. Văn chương Việt Nam không ghi tên ông vào danh sách những nhà văn VN, liệu những Linda Lê, Andrew Lam, Andrew X. Pham, Isabelle Thuy Pelaud, Angie Chau … có phải là nhà văn VN không khi những cây bút này không sáng tác bằng tiếng Việt? tôi không có câu trả lời.
Trần Thu Miên & Phạm Văn Đảm
Nguồn: https://damau.org/28678/nguyen-xuan-hoang-tai-boston
0 Bình luận