Trong bài “Thơ Mai Thảo, tiếng mưa thầm rơi trên Nam Hoa Kinh” trước, đăng trên Văn Học số 49 (1990), sau, đăng lại trên Hợp Lưu số 16 (1994), tôi đưa ra luận điểm: đặc điểm nổi bật nhất trong văn xuôi Mai Thảo là chất thơ, và Mai Thảo, tự bản chất, là một nhà thơ. Tuy nhiên, tôi không hề có ý định xem thơ là phần chính trong sự nghiệp văn học của ông. Làm thế là tội nghiệp cho ông: thứ nhất, nó có vẻ như một lời chê trách, ngầm ý cho cả đời ông là một sự nhầm đường; thứ hai, thơ Mai Thảo hay, có bài thật hay, nhưng nhìn chung có lẽ đó không phải là một cái hay có khả năng mở ra những ngả rẽ quan trọng. Trong thế giới thơ, Mai Thảo là một thứ trái muộn, nó chín vào cuối mùa. Như Quách Tấn, cuối mùa cổ điển. Như Vũ Hoàng Chương sau năm 1954, cuối mùa lãng mạn. Cái đẹp của thơ Mai Thảo, tuy mặn mà và sắc sảo, vẫn là một cái đẹp về chiều. Của những mệnh phụ. Của những tà dương. (Nhớ hai câu thơ của Lý Thương Ẩn, đời Đường: Tịch dương vô hạn hảo / Chỉ thị cận hoàng hôn.)

Tập Ta thấy hình ta những miếu đền là một một kết thúc đẹp chứ không phải là một ngọn đỉnh trong cuộc đời viết lách của Mai Thảo. Dù rất yêu thơ và dù mang tâm hồn của một nhà thơ, sự nghiệp Mai Thảo, nhìn chung, chủ yếu vẫn là sự nghiệp của một nhà văn.

Với tư cách là một nhà văn, nơi Mai Thảo có vẻ như thành công nhất lại là nơi ông thất bại một cách thảm hại: Đọc lại những cuốn tiểu thuyết một thời rất ăn khách ở miền Nam, sau này được in lại tràn lan ở hải ngoại của Mai Thảo, dù thương ông đến mấy, tôi nghĩ, chúng ta cũng nên thẳng thắn thừa nhận một điều là chúng chỉ là những cuốn tiểu thuyết đèm đẹp. Cố gắng lắm, tôi cũng chỉ đọc vài chục trang là phải buông sách xuống. Hình như nhiều người trong giới cầm bút cũng có tâm trạng tương tự. Người ta hoang mang: một mặt, người ta vẫn không dám nghi ngờ tài năng và tầm vóc của Mai Thảo, mặt khác, bằng khiếu thẩm mỹ trung bình, người ta cũng thấy nản lòng trước những cuốn tiểu thuyết màu mè và đầy mùi son phấn của ông. Tôi có cảm tưởng, đó là lý do chính của hiện tượng, cho đến nay, phần lớn những bài viết về Mai Thảo đều tập trung vào cá tính và vào cuộc đời của ông hơn là vào tác phẩm hay là sự nghiệp của ông. Làm như con người của ông lớn hơn sự nghiệp của ông và sự nghiệp của ông thì lại lớn hơn tác phẩm của ông.

Nhưng điểm đặc biệt nhất ở con người của Mai Thảo là gì? Nhiều người đã viết: đó chính là tình yêu nồng nàn và trong sáng của ông đối với văn chương. Suốt đời ông chung thuỷ với chữ nghĩa; ông không làm bất cứ một nghề gì khác ngoài việc cầm bút. Một mặt, tôi hoàn toàn không có chút nghi ngờ gì về những điều đã được nhiều người khẳng định này, mặt khác, tôi lại quan niệm, với tư cách là một nhà văn, cái tình yêu quá thiết tha ấy đã làm hại Mai Thảo không ít. Theo tôi, trong một xã hội mà lượng độc giả quá ít và trình độ độc giả nói chung lại khá thấp như xã hội Việt Nam, để sống bằng ngòi bút, người ta không thể không cúi xuống vỗ về những thị hiếu kém cỏi của quần chúng: từ tình yêu đối với văn học, người ta dần dần đi vào con đường tự huỷ về thẩm mỹ và nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn tác phẩm của tất cả những cây bút ăn khách nhất của miền Nam ngày trước cần được loại bỏ để bức chân dung văn học của họ không bị tổn hại. Mai Thảo cũng thế: không có gì làm hại ông một cách hữu hiệu cho bằng cứ cho in đi in lại những tác phẩm được xem là ăn khách của ông ngày trước như cái điều người ta đã và đang làm lâu nay.

Mai Thảo nhất định không phải là nhà văn thích hợp với hình thức toàn tập. Mai Thảo chỉ là người của những tuyển tập. Điều Mai Thảo cần nhất là một người biên tập, một editor, một kẻ chọn lọc giùm ông những tinh tuý bị ẩn khuất đâu đó dưới hàng tá tác phẩm được sáng tác vội vã như những mối tình nhẹ dạ với một giới độc giả nào đó.

Trong những cái gọi là tinh tuý ấy chắc chắn là có khá nhiều truyện ngắn. Cho đến nay, không hiểu vì lý do gì, các truyện ngắn của Mai Thảo vẫn không được tái bản ở hải ngoại, trong khi, theo tôi, đó mới chính là thể loại Mai Thảo thành công nhất. Truyện ngắn của ông pha nhiều chất tuỳ bút. Chúng rất gần với thơ: đọc xong, cái còn lại, thật sâu đậm trong tâm trí độc giả, ở những truyện ngắn ấy, là một màu sắc, một khí hậu hay một giọng điệu. Một cái gì thật mông lung, man mác, rất khó nắm bắt nhưng cứ đọng lại mãi. Có truyện ngắn của ông, đã gần ba mươi năm tôi không đọc lại, vẫn còn phảng phất trong đầu óc của tôi. Như một thoáng sương mờ. Hay một thoáng hương mơ. Nhẹ nhàng. Lãng đãng.

Dẫu sao, có lẽ Mai Thảo cũng chưa phải là người viết truyện ngắn xuất sắc nhất của Việt Nam. Dù của một miền. Dù trong một thời. Truyện ngắn của Mai Thảo hay, có truyện thật hay, nhưng tôi có cảm tưởng chúng vẫn thiếu cái gì đó để được xem là những truyện ngắn lớn. Giá như không có truyện ngắn của Mai Thảo, chắc thế giới truyện ngắn Việt Nam hiện đại sẽ nghèo đi một ít nhưng không phải vì thế mà bị còm cõi hay dị dạng hẳn đi.

Nhưng nếu không có Mai Thảo, diện mạo văn học miền Nam thời 1954-1975 cũng như diện mạo văn học hải ngoại từ năm 1975 đến nay sẽ khác đi rất nhiều. Không phải truyện dài, không phải truyện ngắn, cũng không phải thơ, điều gì ở Mai Thảo có khả năng gây nên những tác động lớn lao như vậy?

Theo tôi, đó là giọng văn.

Mai Thảo không lớn ở từng bài thơ hay ở từng cuốn truyện. Mai Thảo lớn ở từng câu văn hay từng đoạn văn cụ thể. Thật ra, phải nói ngay: không phải câu văn, đoạn văn nào của Mai Thảo cũng hay. Ông có không ít những câu văn dài dòng, rổn rảng, sáo rỗng, những đoạn văn ồn ào, thừa thãi, nhạt nhẽo. Nhưng khó có thể phủ nhận được điều này: ngay cả ở những câu văn, những đoạn văn khuyết tật ấy, Mai Thảo cũng đóng được những con dấu khắc tên mình để người đọc có thể nhận ra ngay đó là những khuyết tật của Mai Thảo chứ không phải của bất cứ ai khác. Tôi cho đó là một thành công lớn đối với một nhà văn. Có rất ít người có khả năng đóng được con triện riêng ở những đơn vị rất nhỏ như thế.

Mai Thảo làm cách mạng ở cách chấm câu, ngắt câu. Mai Thảo nổi loạn, xoá nhoà ranh giới giữa các từ loại. Ông bẻ cong, ông vặn vẹo cấu trúc của câu. Ông bắt chữ nghĩa phải khiêu vũ. Ông làm cho từng âm, từng từ biết cất lên tiếng hát. Có thể nói Mai Thảo tạo ra hẳn một thứ cú pháp mới. Cho văn xuôi. Thứ cú pháp ấy không phải không có khuyết điểm nhưng có điều chắc chắn là nó có ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng trong giới cầm bút Việt Nam ở miền Nam lúc trước cũng như ở hải ngoại hiện nay. Không khó khăn gì việc phát hiện ra những dấu vết của Mai Thảo trong trang viết của nhiều người, kể cả những người đã thành danh lừng lẫy. Hơn nữa, theo tôi, cú pháp ấy cũng ảnh hưởng đến cả những người ngỡ như không có quan hệ gì với Mai Thảo khiến câu văn Việt Nam sau năm 1954, nhìn chung, khác hẳn ngày trước. Và câu văn Việt Nam ở miền Nam cũng không giống với câu văn Việt Nam ở miền Bắc cùng thời kỳ.

Trong lịch sử văn học Việt Nam nói chung, những người có khả năng tạo ra những thứ cú pháp có bản sắc và đầy quyền lực như vậy chắc chắn là không nhiều. Phải không? Và như vậy, cho dù mất đi danh hiệu một nhà tiểu thuyết lớn, một nhà thơ lớn, hẳn Mai Thảo, ở đâu đó, cũng không thấy có gì đáng buồn.

Cái còn lại, ở ông, cũng vô cùng hiếm hoi và nguy nga: một nhà phong cách lớn.

Riêng tôi, tôi mắc nợ nhà phong cách Mai Thảo khá nhiều: hồi nhỏ, lúc còn học trung học, có lúc tôi đã đọc ông, nhất là tập Chuyến tàu trên sông Hồng, với một ý thức và một quyết tâm rất rõ là học tập một cách viết để làm sao cho ngôn ngữ rực lên những hào quang, lấp lánh. Tôi chọn bài “Chuyến tàu trên sông Hồng” để trích lại dưới đây một phần cũng vì chút kỷ niệm riêng ấy. Của một thuở ban đầu.

Nguyễn Hưng Quốc

Nguồn: http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=165

Mai Thảo – Chuyến tàu trên sông hồng

 

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận