Lời dẫn của Người thực hiện:

Nhà văn Nhật Tiến vừa vĩnh viễn ra đi về cõi… Thềm Hoang! Như một mất mát to lớn của văn học Việt Nam hải ngoại, của văn học Việt Nam hiện đại, về mặt sáng tác văn chương và, hơn thế, về nhân cách văn chương…

Tôi may mắn – qua họa sĩ Khánh Trường – được quen biết và rồi làm bạn vong niên cùng người đã khuất, từ sau chuyến đầu tiên tới “thủ đô tị nạn Bolsa”. Hơn 20 năm có lẻ, đến giờ phút này vẫn trong tôi câu nói vị chủ biên tạp chí Hợp Lưu ấy từng lặp lại trong các lần đưa tôi sang nhà gặp Nhật Tiến (mà rồi cuối cùng dịp đó toàn bị lỗi nhịp): “Không biết, không gặp, không hỏi me xừ Nhật Tiến – không thể hiểu đúng về văn học Việt và người Việt ở đây, rồi cả ở miền Nam ngày trước. Dẹp các chỗ khác, go-go, lên xe!”

Dù trong vòng văn hữu hạn hẹp và tri thức ít ỏi của mình, tôi luôn cao vọng tìm ra “nguyên khí” của đất nước Việt Nam, “hiền tài” của người Việt qua những công việc cụ thể với những con người cụ thể… Khó khăn và hy hữu! Và tôi cũng đã thấy, ở Nhật Tiến.

Ngày 26/8 mới rồi, sau khi nhà văn Đỗ Phương Khanh – tức hiền thê của nhà văn Nhật Tiến – đã bỏ ông, bỏ đời về hẳn cõi Phật; tôi vội email chia buồn. Thư đáp vẫn nhanh lẹ như đã từng, và là lời cảm ơn thân mật, ngắn gọn kèm bảng tiểu sử chi tiết về người vừa khuất. Hiểu là trong buồn đau ông không thể nào có các tín hiệu hài biếm thường thấy giữa chúng tôi mỗi lần thư giao. Song chưa khi nào lại hồi âm… giật cục vậy, kể cả nhiều lần hai anh em tranh biện. Đang tính qua kỳ tang lễ, sẽ phone sang thăm hỏi và tìm thêm đôi điều cho một biên soạn trong đó có “đại gia đình văn sĩ” này mà tôi cũng được làm bạn vong niên với người em trai là cố nhà văn Nhật Tuấn (1939-2015).

Thế rồi, tới hôm qua 14/9 – cùng ở tuổi 84 như bạn đời, bạn báo, bạn văn của mình – nhà văn của chúng ta đã rời cõi tạm!

Nay tôi soạn bài này sau khi đọc lại kỹ, chữa lỗi câu chữ, đặt tựa mới, cập nhật chú thích… từ bản gốc được công bố lần đầu trên tạp chí Hợp Lưu số 78 tháng 8/2004, và bản tu chỉnh tháng 6/2016 đăng ở nhavannhattien.wordpress.com:

https://nhavannhattien.wordpress.com/do-quyen-phong-van-nhat-tien-trung-thuc-mot-pham-chat-hang-dau-cua-nguoi-cam-but/

Toàn bộ bài phỏng vấn gồm 3 phần chính:

– VỚI VĂN NGHỆ MIỀN NAM VÀ HẢI NGOẠI

– VỀ VĂN NGHỆ, CHẾ ĐỘ MIỀN BẮC

TRĂM HOA VẪN NỞ TRÊN QUÊ HƯƠNG: NHÂN VĂN-GIAI PHẨM VÀ CAO TRÀO PHẢN KHÁNG 1986-1989

Mời độc giả cùng chuyện trò với văn sĩ Nhật Tiến của 20 năm trước…

(ĐQ – Vancouver, 15/9/2020)

 

LÁ THƯ PHI LỘ

Kính gửi anh Nhật Tiến

(…) Mỗi bài phỏng vấn của Nhìn Cây Thấy Rừng[1] không phải chỉ là chân dung của từng nhân vật, mà quan trọng hơn: qua nhân vật đó (“cây rừng” đó) người đọc nhìn thấy được ít nhiều về “khu rừng Việt Nam”.

Mục đích của phỏng vấn là để đưa vào sách, tức có tính lâu dài; vì thế anh có thể nói những vấn đề mà có thể không công bố lúc này, hoặc trong lần xuất bản nào thì có những vấn đề nào… Tất nhiên, để được làm như vậy, tôi phải được anh và những người khác “tin cậy” (…)

*

Kính anh Đỗ Quyên,

(…) Eo ơi! Ông làm cái gì mà cứ như là đang phỏng vấn, trò chuyện với các chính trị gia vậy!

Tôi thì không phải và không thích những cung cách hành xử ấy. Theo tôi, ý tưởng nào đã viết ra được thì có thể công bố được, chẳng phải chờ đợi lúc nào thì nên, lúc nào thì không nên. Dĩ nhiên trong hoàn cảnh kìm kẹp tự do ngôn luận như ở quê nhà hiện nay thì khác, tôi không ngây thơ đến độ chủ trương anh em cầm bút ở quê nhà cũng phải theo nguyên tắc đó. Tuy nhiên, nếu đang sinh sống ở một xứ tự do, được quyền ăn nói thì chẳng có gì phải quanh co, giấu giếm, đặc biệt là với người cầm bút. Sự trung thực vốn chẳng phải là một trong những phẩm chất hàng đầu của người cầm bút đó sao, phải không anh? Vậy thì, với riêng tôi, anh cứ yên tâm. Những gì tôi đã trao đổi với anh, xin anh cứ tùy nghi sử dụng! Còn về “tính lâu dài” như anh đã đề cập đến thì theo tôi tùy thuộc vào những vấn đề mà mình sẽ trao đổi. Cái này thì tùy anh chọn lựa vì anh là người thực hiện cuốn sách, anh phải biết mình sẽ điều hợp thế nào để cho cuốn sách không phải là một sản phẩm nhất thời.” (…)

* * *

– Đỗ Quyên: Xin vào ngay hai đề tài mà nhờ đó, vô tình, chúng ta găp lại nhau trên Internet mấy ngày qua… Xung quanh một lá thư ở Việt Nam cho biết nhân vật Nguyễn Vũ Phương của Chuyện Kể Năm 2000 ở ngoài đời vừa mất, anh có thể nói gì về tác phẩm này?

+ Nhật Tiến: Tôi đã đọc Chuyện Kể Năm 2000, tất cả 3 lần: Lần đầu tiên, từ hồi đầu năm 2000, đọc liền một hơi trong 2 đêm ở ngay quán trọ ngõ Nam Ngư, gần chợ Cửa Nam, Hà Nội, ngay khi vừa mua cuốn này với giá chợ đen ở quán cà phê bên hè phố Tràng Tiền, 250.000 đồng một bộ. Cảm xúc khi đọc xong cùng nỗi ám ảnh về mỗi nhân vật trong truyện khi đó hết sức tràn đầy. Tôi đã phải đọc khá vội vàng vì có nhiều người ”xếp hàng” muốn được mượn coi. Sau này về Mỹ, tôi có nhiều thì giờ hơn đề nghiền ngẫm lại cuốn sách. Phải nói là càng đọc càng thấm và càng phát hiện được nhiều ý tưởng phong phú và mới lạ hơn mà trước đó, do sự hấp dẫn của tác phẩm tôi không nhìn thấy hết. Kinh nghiệm về tù đày thì trước Bùi Ngọc Tấn đã có khá nhiều người viết ra. Nhưng viết được đến như Bùi Ngọc Tấn thì phải nói là đã soi rọi tới tận cùng mọi ngóc ngách của con người với nhiều số phận, nhiều hoàn cảnh khác biệt nhau ở cả trong lẫn ngoài tù. Tôi cho rằng đây là một trong những bức khắc họa sâu xa và truyền cảm nhất về thân phận của con người sống trong một xã hội mà ở đó bạo lực được sử dụng như một cứu cánh để trấn áp con người nhằm bảo vệ cho một thiểu số bất nhân, ngu muội và độc ác khi còn đương cầm quyền.

– Lâu nay nhiều người Việt từng “ấp ủ” giấc mơ giải Nobel Văn chương cho một người Việt Nam. Sau giải Văn chương năm 2000 cho nhà văn Trung Quốc cư trú chính trị tại Pháp là Cao Hành Kiện, chuyện này lại được bàn và khá nhiều ý kiến quy tụ về nhà văn Bùi Ngọc Tấn với Chuyện Kể Năm 2000

+ NT: Ngay từ hồi còn sinh hoạt ở Trung Tâm Văn Bút Việt Nam ở Sài Gòn trước năm 1975, Ban thường vụ chúng tôi cũng đã nhận được thư của Hàn lâm viện Thụy Điển mời tham gia việc giới thiệu một nhà văn hóa Việt Nam vào danh sách ứng viên của giải Nobel về văn chương. Đây là vinh dự cho giới cầm bút Việt Nam, nhưng chúng tôi chưa hề có ảo tưởng là người được giới thiệu sẽ đoạt cái giải thưởng cao quý đó. Tuy nhiên người ta đã mời thì mình cứ làm. Do đó bản giới thiệu về sự nghiệp thi ca của thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã được gửi đi theo đúng thủ tục. Và chỉ có thế thôi. Nay qua hải ngoại, hình như cũng có lần Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại nhận được lời mời tương tự, nhưng tôi không được rõ Ban chấp hành đã đề cử ai.

Theo nhận xét của riêng tôi, cho tới nay chưa có một nhà văn, nhà thơ Việt Nam nào đủ điều kiện để lọt vào mắt xanh của Ban giám khảo, kể cả nhà văn Bùi Ngọc Tấn với tác phẩm rất hay là Chuyện Kể Năm 2000. Thông thường, giải Nobel được trao cho một sự nghiệp văn chương chứ không phải cho một tác phẩm văn chương. Cho nên lắm khi, một tác phẩm được giải chưa chắc đã là tuyệt tác, vì nó chỉ mang tính cách đại diện cho cả một sự nghiệp. Mà sự nghiệp văn chương này lại phải có tầm mức ảnh hưởng vượt biên giới quốc gia, nếu không ảnh hưởng đến cả một thời đại thì chí ít cũng phải là một cộng đồng mang tính cách quốc tế. Xét theo tiêu chuẩn ấy Việt Nam mình còn cách giải thưởng khá xa. Nếu ai trong chúng ta thường “ấp ủ” giấc mơ thì tôi cho là quá sớm. Hy vọng trong tương lai, thế hệ con cháu mình rút ngắn được khoảng cách để mang lại vinh dự cho giới cầm bút Việt Nam.

VỚI VĂN NGHỆ MIỀN NAM VÀ HẢI NGOẠI

Là một trong các nhà văn quan trọng của văn học và sinh hoạt văn nghệ miền Nam trước 1975 và hải ngoại sau 1975, từ lâu Nhật Tiến đã được đọc và nghe tiếng về chuyện từng là hậu quả của “sự trung thực vốn chẳng phải là một trong những phẩm chất hàng đầu của người cầm bút đó sao?”… Anh có thể cho biết các vụ việc chính như vậy?

+ NT: Xin thay hai chữ “quan trọng” trong câu trên.

Từ năm 1985, khi phát biểu trong buổi ra mắt tập truyện Một Thời Đang Qua được tổ chức tại Đại học George Mason ở Washington DC (do Tủ sách Cành Nam và Hội Văn Hóa Việt Nam tại Bắc Mỹ tổ chức chung với cuốn Thấm Thoắt Mười Năm của nhạc sĩ Phạm Duy), tôi đã nêu lên – lần đầu tiên – những ưu tư mới của mình về một số vấn đề của quê hương, đất nước. Tôi nhìn nhận ra rằng trong hàng ngũ những người Cộng sản vẫn có những con người đi làm cách mạng vì yêu nước, rằng thật là kinh khủng khi ta vì hận thù mà “dễ dàng sổ toẹt một con người”. Đấy là điểm khởi đầu cho những hệ lụy vì những cảm nhận này không thích nghi vào thời điểm ấy. Biết vậy nhưng tôi vẫn đeo đẳng và muốn tiếp tục khai triển các nhận định kiểu này qua những sáng tác tiếp theo như những truyện Những Kẻ Đứng Bên Lề, Kẻ Lạ, Người Tù Cuối Năm, Cánh Cửa, Những Sự Thực Cần Được Nói Ra, Mồ Hôi Của Đá, và đặc biệt là truyện ngắn Gặp Gỡ Ngày Cuối Năm – sáng tác đã gây nên một trận bão nhục mạ kéo dài cả hơn một năm trời. Sau đó là những vấn đề bang giao, Quy chế tối huệ quốc cho Việt Nam. Và nhất là vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc vốn cho đến bây giờ vẫn là một đề tài nhiều nhạy cảm. Những hệ lụy từ đó kể lại thì nhiều, nhưng chỉ xin nêu hai chuyện đáng nhớ.

Một, liên quan đến công trình chung của một số anh em ngồi lại với nhau để in cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương mà nội dung đề cao các cây bút phản kháng ở quê nhà thời 1986-1989. Cuốn này được ấn hành năm 1990, có thể được sự đồng tình của giới độc giả thầm lặng nhưng dấu ấn đáng ghi nhớ của nó là nó bị kéo lê trên đường phố Bolsa trong một cuộc biểu tình ồn ào tại Quận Cam, California.

Hai, liên quan đến cá nhân. Đó là việc Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, khoảng năm 1995, đã cho ấn hành một tuyển tập đồ sộ gồm những sáng tác của Hội viên trong 20 năm ở hải ngoại. Tôi gửi một truyện để đóng góp vào công trình này, nhưng nó đã bị Ban chấp hành vào thời điểm đó loại bỏ. Thành ra trong 20 năm sáng tác của Hội viên Văn bút ở hải ngoại không có tác phẩm của Nhật Tiến, một thành viên Văn bút từ năm 1961 ở Việt Nam. Như thế có đúng cũng là một hệ lụy như anh nêu ra không?

– Trong số các tác phẩm anh vừa dẫn có những chi tiết cụ thể của truyện nào khiến xảy ra “các trận bão nhục mạ” như vậy?

+ NT: Các tác phẩm tôi vừa dẫn tên đều là truyện ngắn chứ không phải là phóng sự để có thể nêu ra được những chi tiết cụ thể. Giá trị truyền đạt của chúng là toàn bộ những lời văn hoặc ý tưởng trong truyện, cho nên thật khó tóm tắt ở vài câu có thể nói được nội dung tác giả muốn truyền đạt. Tuy nhiên, để chiều ý anh, tôi chỉ xin nói lý do tại sao truyện ngắn Gặp Gỡ Ngày Cuối Năm của tôi lại bị chống đối dữ dội.

Tôi đã đưa ra hoàn cảnh một ông anh đại tá miền Bắc vào thăm một chú em ruột là sĩ quan miền Nam đang ở trong một trại cải tạo. Họ kình chống nhau, lý luận với nhau, và cuối cùng vì tình cốt nhục, họ đã nhìn nhận nhau. Chỉ riêng ý tưởng cho hai nhân vật này nhìn nhận nhau cũng đã đủ gây nên những trận bão nhục mạ trong thời gian dài vào đầu thập niên 90 rồi.

– Thế anh nghĩ sao khi bạn đọc liên hệ một cách tự nhiên rằng, chuyện “một ông anh đại tá miền Bắc” và “một chú em ruột là sĩ quan miền Nam” ấy chính là chuyện của hai anh em nhà ông Nhật Tiến-Nhật Tuấn?

+ NT: Sai quá là sai, ông bạn ơi! Nếu hai anh em chúng tôi có vấn đề khác biệt tư tưởng thì tôi đã dựng ngay một truyện gay cấn xảy ra giữa hai anh em ruột cùng là người cầm bút nhưng lớn lên ở hai môi trường xã hội khác nhau, can chi phải tránh né, nói bóng nói gió xa xôi! Khi có biến cố tháng 4-1975 thì Nhật Tuấn đang ở Đà Nẵng, trong đoàn kỹ thuật chuyên đi đo đạc, cắm mốc để các toán dân-quân đi sau mở đường. Nhật Tuấn trong nhiều năm đã vượt đường mòn Hồ Chí Minh với nhiệm vụ đo đạc như thế. Rồi chỉ hai tháng sau là chúng tôi đã gặp nhau, do Nhật Tuấn leo được lên xe của một anh đại úy quen biết để rông vào Sài Gòn. Khi đó tôi mới được biết Nhật Tuấn cũng đã là một nhà văn, được giải nhất văn chương về tập truyện Trang Mười Bảy, và đang viết cuốn Con Chim Biết Chọn Hạt. Chúng tôi đã thẳng thắn trao đổi với nhau về nhiều vấn đề mà không chút tị hiềm. Tôi còn nhớ mãi một câu chú ấy nói: “Ở trong chăn, em biết chăn có nhiều rận lắm, anh ơi!”

Nhật Tiến & Nhật Tuấn

– Trước 1975 anh có những hệ lụy tương tự như trên không?

+ NT: Hệ lụy của những lời phát biểu trung thực thì ở thời đại nào và ở dưới bất cứ chế độ nào cũng đều phải có, duy mức độ nặng nhẹ ra sao còn tùy mỗi chế độ mình đang sinh sống. Dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, tôi cũng gặp một vài hệ lụy nhưng tôi cho là không đáng kể. Chẳng hạn, sau khi đọc điếu văn trước huyệt cố văn hào Nhất Linh vào năm 1963, tôi phải bỏ trốn xuống Biên Hòa một thời gian cho tình thế nguôi ngoai đi. Hoặc năm 1974, khi làm chủ biên tờ tuần báo Thiếu Nhi xuất bản ở Sài Gòn, tôi đã phát động trên báo một chiến dịch bài trừ ma túy và tổ chức cuộc thi cho các em thiếu nhi làm thơ lục bát chống ma túy. Tờ báo này bị ngay Bộ Thông Tin (hồi ấy đặt dưới quyền của ông Hoàng Đức Nhã) tìm đủ cách làm khó dễ.

Báo của tôi không được nạp bản để ra đúng kỳ hạn, phải bôi xóa hàng chục ngàn số báo vì những lý do không đâu, như phải xóa đi bức hình chụp một tấm da người có xâm những hình vẽ mỹ thuật (tattoo). Khi đó tôi mới biết đụng đến ma túy là chạm húy vài ông kẹ nào đó trong chính quyền từng tổ chức buôn bán ma túy. Vậy không mất mạng cũng may lắm rồi!

Anh không muốn dùng chữ “quan trọng” vì khiêm nhường hay chữ đó chưa chính xác? Qua tác phẩm và sinh hoạt văn học của mình, Nhật Tiến cho người đọc thấy nhiều nét sinh hoạt văn học miền Nam trước 1975 và hải ngoại sau 1975. Nội các chuyện anh vừa kể cũng nói lên phần nào điều đó…

+ NT: Hai chữ “quan trọng” theo tôi nghĩ không được đúng đối với trường hợp viết lách của tôi. Vậy xin được thay bằng hai chữ ”quen thuộc” có vẻ chính xác hơn.

– Trời không chịu đất thì đất đành chịu trời thôi! À, mà nếu coi nhà văn, coi tác phẩm văn học là bạn của bạn đọc thì chữ của anh hay hơn. Ta thử so sánh hai câu: “Đây là người bạn quen thuộc của tôi” và “Đây là người bạn… quan trọng của tôi”.

Nào, ta tiếp tục: Anh có biết ngay sau 30-4-1975 văn nghệ Cộng sản ngoài Bắc đánh giá các tác phẩm của Nhật Tiến ra sao không?

+ NT: Sau 30-4-1975, văn nghệ Cộng sản miền Bắc, hiểu theo nghĩa chủ trương của giới lãnh đạo văn nghệ miền Bắc (chứ làm gì có giới văn nghệ miền Bắc tách riêng biệt) có ý muốn tẩy xóa tàn dư văn nghệ “phản động” miền Nam; nên họ chỉ định tôi cùng một số văn nghệ sĩ khác như Phạm Thiên Thư, Tường Linh, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Lệ Hằng là những tác giả phải ra tự phê điển hình trong “học tập” khoá 1 dành cho văn nghệ sĩ được tổ chức đầu tiên ở Sài Gòn, khoảng tháng 7-1975. Mỗi người phải lựa chọn 2 tác phẩm để tự phê, nhưng riêng tôi được gợi ý trước là trong số đó phải có cuốn Giấc Ngủ Chập Chờn, một truyện dài của tôi do nhà Đông Phương ấn hành năm 1969. Nội dung viết về đời sống dân chúng ở vùng nằm giữa hai làn đạn, thường được gọi là vùng xôi đậu, trong cuộc chiến ở miền Nam. Nhu cầu tự phê cũng được gợi ý trước; đại thể phải giải thích hoàn cảnh xã hội, động cơ, nhu cầu nào… từng khiến cho tác giả viết cuốn truyện đó. Tôi phát biểu rằng tại miền Nam, sau 1954, đã hình thành một quốc gia được nhiều quốc gia khác trên thế giới công nhận. Tôi vào Nam từ năm 1954 nên tôi đã sinh sống, hoạt động và viết lách, tất cả đều trên động cơ là tư cách ở một công dân phục vụ quốc gia đó.

– Về Nhất Linh mà anh nhắc tới… Theo hiểu biết ít ỏi của tôi qua tư liệu từ các nhà văn miền Nam cho thấy, “vụ án (xin lỗi tạm gọi vậy cho… oai!) Nhất Linh” hình như cho đến nay còn chưa tường minh? Anh có nhận định chung gì về con người và sự nghiệp Nhất Linh?

Và, phải xin anh bỏ qua cho về sự thán phục này: Với cánh “trẻ” chúng tôi ở miền Bắc, Nhất Linh là loại “thứ dữ” lắm đó: Chưa nói các khoản khác, chỉ ở hai khoản là văn tài thì ngang dọc này, hoạt động chính trị lại quá trời luôn này! Vậy, anh – Nhật Tiến lúc 1963 là một văn sĩ trai trẻ mới 27 tuổi chắc phải “quan trọng” thế nào mới được “đọc điếu văn trước huyệt cố văn hào Nhất Linh”?

+ NT: Gọi là Vụ án Nhất Linh cũng đúng chứ sao, vì ông bị truy tố ra tòa do tham dự cuộc đảo chính bất thành 1-11-1960. Và cũng vì không chịu xuất hiện trước vành móng ngựa với lý do “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xét xử tôi cả!” (trong Tuyệt mệnh thư), nên ông đã quyên sinh bằng độc dược. Những sự kiện trên quá rõ ràng và đã đi vào lịch sử, sao anh lại coi đến nay chưa tường minh?

Với văn hào Nhất Linh, sự nghiệp lớn lao nhất của ông là mở ra một chiều hướng sáng tác mới trong văn chương Việt Nam qua việc thành lập Tự Lực Văn Đoàn ở những thập niên 30-40. Tuy nhiên, sau 1954 ông đã không thoát khỏi những vầng hào quang cũ của chính mình để có nhãn quan mới mẻ phù hợp hơn với tình hình đất nước giai đoạn ấy; nên các hoạt động sau đó của ông tại miền Nam, cả về văn hóa cũng như chính trị, đều lu mờ và đi đến kết cục bi thảm như nói trên.

Về văn tài của ông theo anh nhận xét là “ngang dọc”, tôi thấy cũng đúng; nhưng bảo hoạt động chính trị “quá trời luôn”, thì tôi thấy không ổn. Dưới nhãn quan của riêng tôi, ảnh hưởng chính trị từ Nhất Linh không có bao nhiêu, đặc biệt với thế hệ bắt đầu trưởng thành từ năm 1954 như chúng tôi. Tôi vẫn nhớ, buổi tối trước hôm có cuộc đảo chính năm 1960 xảy ra mà Nhất Linh tham dự, tôi còn được ngồi chơi bài domino với ông tại nhà in Việt Liên ở đường Gia Long, Sài Gòn, khi đó do anh chị Trương Bảo Sơn và Nguyễn Thị Vinh làm chủ. Tôi đã chỉ nhìn ngắm ông như một nhà văn lão thành mà không thấy nơi ông một nhà chính trị. Nhưng cái đức trầm tĩnh ở ông thì thật tuyệt vời. Ông đã chơi những ván bài domino rất tỉnh táo khi vẫn đang ấp ủ trong đầu một âm mưu khuynh đảo.

Việc đọc điếu văn lúc hạ huyệt văn hào Nhất Linh là tự ý tôi làm, chứ chẳng phải vì tôi quan trọng gì mà được ai đề cử việc ấy. Hồi đó, theo chân đám tang Nhất Linh rất đông người, nhưng được vào tận huyệt thì ngoài thân nhân ra, không được bao nhiêu vì công an, mật vụ của chế độ đương thời bao vây rất chặt chẽ. Khi ấy tôi đang giữ chức Phó chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam mà Chủ tịch là Linh mục Thanh Lãng. Nhờ cái danh nghĩa này hai chúng tôi mới vô được tận nơi hạ huyệt. Linh mục Thanh Lãng nhân danh Chủ tịch Văn Bút đọc lời ai điếu. Còn tôi chỉ nhân danh một nhà văn độc lập ngỏ vài lời vĩnh biệt đối với một văn hào vừa đi vào cõi vĩnh hằng. Đấy là những lời nói xuất khẩu, nhưng vì bị cơ quan an ninh thu vào băng nhựa nên sau này, khi lịch sử đã qua một trang khác mới có thể trở thành tài liệu và được nhiều báo đăng lại.

Để có bài đó bạn đọc tìm ở các sách, báo nào?

+ NT: Bài này đã được một số sách báo đăng lại rải rác, cụ thể là cuốn Chân Dung Nhất Linh hay Thân Thế Sự Nghiệp Nguyễn Tường Tam của Nhật Thịnh, do nhà Đại Nam ở Cali ấn hành, không thấy đề năm in hoặc ghi rõ tác phẩm mới hay tái bản từ sách in trước đây ở trong nước. Để anh khỏi mất công tìm kiếm, tôi xin trích lại sau đây nguyên văn bài ứng khẩu này, trước linh cữu Nhất Linh khi hạ huyệt ngày 13-7-1963, từ cuốn sách kể trên:

“Kính thưa anh hồn văn hào Nhất Linh,

Thật là vô cùng đau đớn và xót xa cho chúng tôi khi chúng tôi nhận được tin văn hào đã quyết tâm từ bỏ hoàn cảnh sống nhỏ nhen và tăm tối này để đi về chốn thanh cao. Đại diện cho một nhóm nhà văn độc lập, không phụ thuộc một màu sắc chính trị, không gia nhập một đảng phái, hôm nay trước anh hồn của văn hào, chúng tôi xin được bày tỏ lòng tiếc xót của chúng tôi.

Trọn một đời gian khổ, không ngại khó khăn, không màng danh vọng, văn hào đã tận tụy hy sinh, từ bỏ mọi quyền lợi riêng tư để tranh đấu cho lý tưởng tự do, cho cuộc sống hạnh phúc của dân tộc.

Văn hào đã hoàn thành sứ mạng cao quý của người cầm bút.

Văn hào đã nêu cao sĩ khí bất khuất của truyền thống những nhà văn chân chính.

Cái chết của văn hào sẽ mãi mãi là bó đuốc soi sáng con đường tăm tối của chúng tôi đang đi, là niềm khích lệ lớn lao cho những nỗi khổ nhọc mà chúng tôi sẽ gặp gỡ, là một tấm gương sáng láng mà mãi mãi những kẻ cầm bút đi sau như chúng tôi phải soi vào để suy ngẫm.

Chúng tôi xin nguyện trước anh hồn của văn hào là chúng tôi sẽ nhất quyết theo đuổi con đường cao đẹp mà văn hào đã vạch ra.

Đó là sự hoàn thành sứ mạng cao quý của các nhà văn.

Đó là sự chống đối lại mãi mãi bạo quyền và bạo lực.

Đó là sự đòi hỏi đến kỳ cùng quyền tự do được sống đúng nghĩa làm người của toàn thể dân tộc, như ý muốn của văn hào trước khi nhắm mắt.

Ôi! Nói làm sao cho xiết nỗi lòng thống thiết của chúng tôi trong giờ phút đau đớn này.

Chúng tôi chỉ xin cầu nguyện cho anh hồn của văn hào sớm tiêu diêu nơi cực lạc, cũng như xin văn hào linh thiêng chứng giám những lời nói chân thành của chúng tôi trong giây phút vĩnh biệt này.”

– A, tôi túm được “ổ con chuồn chuồn” rồi: Ngần ấy tuổi mà anh đã là… VIP của Văn Bút Việt Nam? Vậy, anh phác họa cho dăm nét về sinh hoạt và vai trò của Văn Bút Việt Nam trước 1975?

+ NT: Văn Bút Việt Nam thành lập khoảng 1957, khởi sự lấy tên là Hội Bút Việt, chắc muốn dịch sát chữ P.E.N Club (P=Poet, Playwright; E=Editor; N=Novelist) do nhiều cây bút lão thành sáng lập và được gia nhập Hội Văn Bút Quốc tế (PEN Club International). Phải kể tới những vị tiền phong như Nhất Linh, Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Đỗ Đức Thu, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Đào Đăng Vỹ, Nghiêm Xuân Việt, Lê Văn Hoàn v.v…

Thoạt tiên vì ngân quỹ eo hẹp nên Hội chỉ đóng trụ sở tại căn nhà nhỏ ở đường Cô Bắc, ngay sau lưng chợ Cầu Ông Lãnh, đường Nguyễn Thái Học, Sài Gòn, và sinh hoạt chỉ bao gồm việc xuất bản không định kỳ tập san Bút Việt, việc tuyển dịch các truyện ngắn hay ra Anh ngữ để vài lần gửi đi dự giải Văn Hóa Á Châu và Thái Bình Dương (Pacific Rim). Các tác phẩm của Linh Bảo và Bình Nguyên Lộc đã lọt vào chung kết và có tên trong danh sách trúng giải.

Sau này do sự tài trợ của tổ chức Asia Foundation (vài năm sau nữa, khi hết ngân khoản tài trợ ấy thì chính phủ VNCH tài trợ tiếp), Hội Bút Việt đổi tên thành Trung Tâm Văn Bút Việt Nam và rời trụ sở về một biệt thự ở đường Đoàn Thị Điểm rộng rãi, khang trang, có sân để xe hơi, có tầng lầu rộng rãi đủ sức chứa hàng trăm người. Thế nên Hội có điều kiện mở rộng sinh hoạt hơn, đại thể gồm có: – Xuất bản nguyệt san Tin Sách chuyên loan tin sinh hoạt sách báo và đăng những bài phê bình sách mới ra trong tháng. Nguyệt san này do anh Trần Phong Giao và Lê Thanh Thái phụ trách; – Tổ chức hàng tháng những buổi nói chuyện về các đề tài văn học nghệ thuật do chính các hội viên thuyết trình; – Cung ứng trụ sở cho văn hữu để họ làm nơi ra mắt tác phẩm mới; – Tổ chức hai năm một lần, một giải thưởng văn chương, đầu tiên là thể loại truyện ngắn, sau qua thể tiểu thuyết; – Dịch các truyện ngắn hay ra Anh, Pháp ngữ để góp bài cho tập san của Hội Văn Bút quốc tế, hay dự các giải văn chương dành cho những nước thuộc vành đai Thái Bình Dương; – Cử phái đoàn Việt Nam đi tham dự đều đặn các Đại Hội Văn Bút Quốc Tế và phát biểu trong đại hội về những đề tài đã được chỉ định; – Cử đại diện Văn Bút tham gia Hội Đồng Văn Hoá Giáo Dục, một định chế quốc gia của VNCH thời kỳ trước 1975.

Nói chung, sinh hoạt của Trung Tâm Văn Bút rất ổn thỏa, đều đặn trong tất cả các nhiệm kỳ Chủ tịch (hai năm bầu lại một lần) lần lượt là Nhất Linh, Đỗ Đức Thu, Vũ Hoàng Chương, và Linh mục Thanh Lãng. Số hội viên toàn quốc trên 200 người, nhưng nhiều vị ở xa chỉ gửi phiếu bầu qua bưu điện, chứ con số thực sự sinh hoạt gắn bó với Hội thì tập trung ở Sài Gòn mà số lượng chỉ trên 100 người.

– Hội viên Văn Bút Việt Nam trước 1975, trong dư luận xã hội và trong giới văn nghệ, có được trọng vọng không? Việc kết nạp theo tiêu chuẩn nào? Với giới cầm bút miền Nam trước 1975, người ta có ham muốn trở thành hội viên Văn Bút Việt Nam không?

+ NT: Phải nói rằng, ở một xã hội tự do, có phần nào xô bồ nữa, lại vào thời chiến tranh nhiều nhiễu nhương như miền Nam trước đây, văn chương không là lãnh vực tất yếu đem lại danh giá cho người cầm bút. Dĩ nhiên cũng có người trọng vọng, nhưng vẫn không thiếu kẻ khinh thường tùy kinh nghiệm họ trải qua khi tiếp xúc giới cầm bút. Trong bối cảnh ấy, Hội Văn Bút cũng chỉ được nhìn nhận như những hội, những đoàn thể khác không mang tính cách văn chương, chữ nghĩa. Còn với giới sáng tác, một số không nhỏ, đặc biệt những nhà văn, nhà thơ coi mình bứt phá được trào lưu văn hóa cũ, mà ngôn ngữ hồi đó gọi là “văn chương tiền chiến” (thí dụ các cây bút trong Nhóm Sáng Tạo, Nhóm Trình Bày…), thì nhìn Văn Bút như thứ đồ cổ, như những con hạc gỗ nên không muốn tham gia. Tuy nhiên họ cũng không lên tiếng chỉ trích, bài bác gì những hoạt động của Văn Bút cả. Ngoài ra phải kể thêm nhiều cây bút khác, nhất là giới ký giả, cũng nhiều người không gia nhập chỉ vì… không thích gia nhập, thế thôi. Đấy là bầu không khí sinh hoạt ở một xã hội tự do.

Riêng Hội Văn Bút, chiếu theo nội quy, bất cứ tác giả nào có tác phẩm ấn hành và do 2 hội viên ký tên giới thiệu thì có quyền gia nhập. Sau này, để mở rộng hơn, tiêu chuẩn trên được tu chính thông qua Đại hội thường niên thì chỉ đòi hỏi người xin gia nhập có một số bài viết hay sáng tác đã đăng báo và xuất hiện trước một phiên họp hàng tuần của Ban thường vụ để trình bày ý muốn xin gia nhập của mình là đủ.

– Lại nữa, “rút dây động rừng”, nhưng không thể nào né tránh “cái dây” này. Khi thấy tôi đi tới đi lui phỏng vấn nhà văn nọ, nhà báo kia có liên đới ít nhiều trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, bạn bè thường thách: “Có “ngon” thử hỏi vụ “Văn bút” coi chơi?” Vâng, ai cũng biết đó là một câu chuyện dài và đến thời điểm này “cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn”. Tuyển tập Nhìn Cây Thấy Rừng không dám (vì không đủ khả năng), và không thể (vì không là mục đích) làm diễn đàn cho các cá nhân, tổ chức “tuyên truyền thuần túy” về mình, trong mọi vấn đề. Làm sách này, khi gặp các đề tài đòi hỏi những tranh luận “triền miên” và, quan trọng là các tranh luận lại ra ngoài “vấn đề chuyên môn” tôi lâm cảnh bỏ thì… hèn mà vương thì cực.

Là người mang nhiều hệ lụy với Văn Bút Việt Nam nói chung, anh có thể nói những điều gì anh thấy cần nói với độc giả trong chuyện Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại thời gian qua, nhất là sắp đến ngày 24-3 này Văn Bút VNHN sẽ được nhóm họp lại tại Washington DC?

+ NT: Đầu thập niên 80, khi tới Mỹ, hay tin Văn Bút Việt Nam Hải ngoại đã được thành lập do công trình vận động của chị Minh Đức Hoài Trinh, các anh Trần Thanh Hiệp và Trần Tam Tỉệp, tôi rất vui mừng. Vì sinh hoạt văn nghệ tại Nam Cali, tôi cùng một số anh chị em cầm bút ở vùng này từng có ý định thành lập một Trung Tâm Văn Bút ở đây. Nhưng mãi tới năm 1988 ý định mới được thể hiện. Gần 100 văn nghệ sĩ tham gia cuộc vận động và tôi được bầu Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời có nhiệm kỳ một năm để chuẩn bị cơ sở pháp lý và tổ chức đại hội tiến tới bầu Ban Chấp Hành chính thức. Khi đó chị Minh Đức Hoài Trinh và anh Viên Linh là đồng Phó Chủ tịch và anh Lê Đình Điểu giữ chức vụ Tổng thư ký.

Công việc rất suôn sẻ, một năm sau Đại Hội Văn Bút Nam Cali đã được xúc tiến và anh Viên Linh được bầu vào ghế Chủ tịch. (Tôi quyết định không ra tranh cử vì khi đó còn nhiều công việc vận động cho thuyền nhân phải làm). Rồi… rồi… bao nhiêu chuyện đau lòng xảy ra cho Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại như mọi người đã thấy. Biết nói gì hơn là giữ im lặng, vì biết bao nhiêu thiện chí hàn gắn được vận dụng nhưng có đem lại kết quả cụ thể nào đâu, khi mà có những người chỉ biết đặt danh vọng cá nhân lên trên quyền lợi và danh dự của cả dân tộc. Văn Bút Việt Nam trong hiện trạng, cuối tháng 11-2000 đây, coi như bị quốc tế mặc nhiên xóa tên.

Tôi kỳ vọng một tương lai sáng sủa hơn, ở đó, Văn Bút không chỉ có sự tham gia của những người cầm bút lưu vong mà có cả sự tham dự chan hòa từ những người cầm bút trong nước. Không còn tên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại nữa, mà chỉ là Văn Bút Việt Nam. Văn Bút Việt Nam theo đúng nghĩa, mang tính chất tự do, dân chủ vốn là lý tưởng của những người cầm bút chân chính hằng đấu tranh để thực hiện.

– Trong văn chương của anh có thời cuộc và trong sinh hoạt văn chương của anh cũng tràn ngập chính trị, như vài ví dụ anh vừa kể. Nếu xài từ cũ, thời mồ ma cụ Sartre, thế ra anh là một nhà-văn-dấn-thân à?

Anh còn chưa kể (chắc sót?) nhưng bạn đọc thì nhớ lắm: Hình như hơn 25 năm qua, từ khi có Việt Nam hải ngoại chưa thấy “cặp” nào như cặp Nhật Tiến-Nhật Tuấn trong vụ in sách chung cả! Anh có thể cho bạn đọc biết về “vụ” này chăng?

+ NT: Vào thời đó chạy theo Jean Paul Sartre thì được gọi là hiện sinh chứ không phải dấn thân. Mà chất hiện sinh Sartre khi thẩm thấu qua cảm quan người Việt Nam thời đó chỉ còn là cái hình thức sống vội, sống cuồng, sống bên ngoài một cách tương đối cảm quan chung của xã hội. Còn hai chữ “dấn thân” như anh đề cập, thì cũng chẳng có nghĩa gì trong thời đó. Cả nước lâm vào cuộc chiến dầu sôi lửa bỏng, thì ai, ở đâu, làm gì đều phải dính líu cách này hay cách khác vào cuộc chiến khốc liệt. Như thế còn chỗ nào để không dấn thân nữa chứ?

Tuy nhiên, vào năm 1994, khi quyết định in chung với Nhật Tuấn (ở trong nước) tập truyện Quê Nhà Quê Người quả là tôi cũng có ý đồ… dấn thân thiệt! Chúng tôi muốn đẩy ý tưởng hòa hợp, hòa giải thêm bước nữa, từ lý thuyết suông qua hành động cụ thể. Nhờ một, hai nhân vật có thẩm quyền về văn hóa-văn nghệ trong nước hỗ trợ, cuốn sách được in ra ở Sài Gòn. Thế nhưng tác phẩm không gây được tác dụng bao nhiêu vì có lẽ ý tưởng hòa hợp, hòa giải hãy còn quá sớm ở thời gian đó.

– Chữ “dấn thân” xin được hiểu theo nghĩa Nhật Tiến không bao giờ coi văn chương là “tháp ngà”. Phải thế không ạ? Vậy, quan niệm của anh về viết văn và về nhà văn ra sao? Chính trị, thời thế và xã hội trong văn của anh có mặt bằng cách nào? Giữa tương quan văn chương và thời thế, với nhà văn Nhật Tiến có gì thay đổi không nếu lấy mốc 30-4-1975, hay chính xác hơn là từ khi anh cầm bút trở lại ở hải ngoại?

+ NT: Vâng, tôi không bao giờ nghĩ văn chương là trò chơi trong tháp ngà. Nhưng nếu buộc cho tôi cái nhãn hiệu chủ trương “văn dĩ tải đạo”, như một số văn hữu đã từng giễu tôi, thì cũng oan cho tôi, vì tôi làm gì có cái đạo nào để mà tải! Tôi viết văn chỉ nhằm mục đích phô bày với người đọc những kinh nghiệm, hoàn cảnh, tâm trạng mình từng chứng kiến hay trải qua. Và trong một số trường hợp, nhất là ở các sáng tác được viết khoảng mười năm nay, tôi còn có chủ đích mời gọi mọi người chia xẻ với tôi những nhận thức trước hoàn cảnh của quê hương, đất nước hiện thời. Cũng chính vì cái chủ đích này mà tính thời thế trong tác phẩm của tôi đã lấn át chất văn chương, khiến nhiều bạn bè chỉ ra rất rõ khi đọc cuốn Mồ Hôi Của Đá do nhà xuất bản Cành Nam ấn hành năm 1988. Tuy nhiên, tôi không quan tâm nhược điểm ấy, và nếu cần viết lại tôi vẫn viết thế, đấy là nói riêng trong lãnh vực kỹ thuật. Bởi khi thời thế đang gay gắt hơn sinh hoạt văn chương thì tại sao lại phải vì văn chương mà coi nhẹ thời thế? Hơn nữa, nói ra điều đó cũng có nghĩa tôi chấp nhận số phận tác phẩm, rằng nó sẽ có đời sống ngắn ngủi một khi thời thế qua đi. Điều đó với tôi không quan trọng gì, miễn sao tôi tự thấy đã làm tròn được cái gọi là trách nhiệm của người cầm bút (mà khi nói đến trách nhiệm này thì cũng có người muốn giễu rồi, vì có ai buộc ai chuyện đó đâu cơ chứ!)

– Xin cho biết sơ qua về tờ báo Thiếu Nhi vừa được nhắc ở trên? Nghe nói ra hải ngoại anh có nghề sinh sống như một chuyên viên về Computer; vậy vốn là một nhà văn rất quen thuộc của độc giả ở mọi lứa tuổi, lại là một nhà báo, ra hải ngoại anh từng tính chuyện làm báo để sinh sống hay để… chơi văn nghệ không? Nhiều lúc tôi nghĩ tại sao người Việt hải ngoại có cả… tỷ tờ báo, tạp chí mà như chả có lấy một tờ báo chuyên dành cho thiếu nhi, thiếu niên?

+ NT: Ra một tờ báo dành cho thiếu nhi (trong khoảng từ 10 đến 15-16 tuổi hay trình độ từ cuối bậc tiểu học đến hết bậc trung học phổ thông cơ sở) vốn là mơ ước của tôi, nhất là vào thời kỳ xã hội miền Nam có nhiều dấu hiệu băng hoại do ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai (trên khía cạnh xấu) và do cả chiến tranh. Nhưng mãi đến năm 1971 tôi mới thực hiện được nhờ tài trợ của nhà sách Khai Trí, một mạnh thưòng quân trong lãnh vực sách báo.

Tờ Thiếu Nhi, tuần báo của thiếu nhi Việt Nam, ra mắt số đầu vào ngày 15-8-1971, do Nguyễn Hùng Trương, tức ông giám đốc nhà sách Khai Trí, làm chủ nhiệm, Nhật Tiến chủ biên, và Đỗ Phương Khanh làm quản lý kiêm phụ trách trang dành cho độc giả nữ sinh. Ngoài vấn đề bài vở do rất nhiều nhà văn, nhà giáo cộng tác, tờ Thiếu Nhi còn tổ chức những sinh hoạt phụ khác, có tính cách thuần túy giáo dục như tổ chức thư viện cho các em mượn sách báo giáo dục đem về nhà đọc, tổ chức Gia Đình Thiếu Nhi với nhiều chi nhánh ở các tỉnh và đô thị lớn với những buổi sinh hoạt tập thể hàng tuần ở ngoài trời, và tổ chức nhiều đợt thi viết văn, làm thơ có trao nhiều giải thưởng. Nói chung, tôn chỉ của chúng tôi khi đó là cung ứng cho các em các phương tiện làm sao để vừa giải trí vừa giáo dục. Tờ báo tồn tại liên tục hàng tuần cho đến tháng 5-1975 mới chấm dứt.

Nhật Tiến và Nguyễn Hùng Trương

Qua định cư ở Hoa Kỳ, tôi cũng có ý định góp phần thực hiện một tờ báo dành cho thiếu nhi Việt ở hải ngoại. Chỉ góp phần thôi, vì với những người chân ướt chân ráo mới tới như tôi, áp lực từ đời sống kinh tế khi ấy rất nặng nề. Do đó, khi được biết nhà văn Quyên Di cũng có ý định này, tôi tình nguyện làm phụ tá cho anh ấy tục bản tờ Tuổi Hoa, vốn cũng là một tờ báo có tên tuổi ở Sài Gòn trước 1975. Tờ Tuổi Hoa số tục bản đề ngày 1-2-1986, xuất bản ở Cali, với Quyên Di làm chủ nhiệm, Nhật Tiến chủ bút cùng sự hợp tác của nhiều nhà văn, nhà giáo ở hải ngoại như Vô Ngã, Nguyễn Mộng Giác, Trần Diệu Hằng, Trương Anh Thụy, Vũ Huy Quang, Nguyễn Bá Trạc, Bùi Vĩnh Phúc, Phạm Quốc Bảo, Lưu Trung Khảo, Trần Phong Vũ… Tuy nhiên vào thời điểm đó, nhu cầu sách báo Việt ngữ chưa được mọi người thực sự quan tâm nên báo in ra, không có hưởng ứng nhiều. Riêng phần tôi, sau vì hệ lụy của công việc viết lách (như đã nói) nên cũng lẳng lặng rút lui để anh em khác dễ làm việc. Tờ Tuổi Hoa, tuy đình bản rồi lại tục bản đôi lần, nhưng hiện vẫn sống lai rai. Trong một bài gần đây, khi tổng kết hoạt động của tờ Tuổi Hoa ở hải ngoại, tòa soạn cũng tránh né không nhắc đến tên tuổi tôi, cho tôi thấy sự lẳng lặng rút lui của mình quả là phù hợp.

Tiện thể mời anh cho bạn đọc biết những gì có thể về “tiểu sử” của mình? Và xin chớ bỏ qua câu chuyện chuyến vượt biên của anh từng gây chấn động dư luận dạo ấy, mà bằng ngòi bút của mình anh đã đóng góp trong việc kêu gọi dư luận quốc tế bảo vệ các nạn nhân nữ bị hiếp hại? (như tạp chí Hợp Lưu số cách đây 5-6 tháng in lại).

+ NT: Việc tự mình nói về tiểu sử của chính mình là một điều kỳ cục, với tôi. Xin “ông anh”… tha cho tôi cái vụ này!

+ Thôi đành lại “thua” anh! Và ta nói về cuốn Thềm Hoang được không, chả là thấy trên tạp chí Văn Học (California) cách đây ít lâu anh có bài nhìn lại cuốn này?

+ NT: Thềm Hoang là cuốn thứ ba trong hơn hai chục cuốn sách của tôi đã ấn hành, được viết xong vào năm 1961, sau Những Người Áo Trắng (truyện dài, 1959) và Những Vì Sao Lạc (truyện dài, 1960). Nó được trao tặng Giải thưởng Văn chương toàn quốc năm 1962, tuy nhiên đó không phải là tác phẩm hay nhất trong số những tác phẩm đã xuất bản ở thời kỳ đó. Lý do dễ hiểu: Muốn tham dự giải này tác giả phải gửi tác phẩm của mình dự thi; có nhiều nhà văn thuộc bậc đàn anh của tôi đã không gửi tác phẩm tham dự. Thềm Hoang là một truyện thuộc loại không có cốt truyện, viết về đời sống lam lũ, nghèo nàn của đám thị dân sống chui rúc trong xóm lao động ở Sài Gòn vào những năm mới có cuộc di cư 1954. Cũng là thời điểm cho những cuộc rút quân của người Pháp ra khỏi miền Nam, của những con người lam lũ ở đồng quê theo dòng người như thác lũ đổ vào Nam trên các con tàu há mồm và của cả những con người còn nguyên vẹn cá tính miền Nam chưa một lần pha trộn với dòng người đông đảo đến từ miền Bắc. Một bức tranh thuần túy xã hội, có phần nào phơi bày thực trạng đen tối ở miền Nam chỉ vài năm sau Hiệp định Genève chia cắt đất nước.

Trong tạp chí Văn Học, số tháng 6-2000, nhân có mục “Người cầm bút nhìn lại quá trình sáng tác một tác phẩm của mình”, tôi đã chọn cuốn Thềm Hoang để nhắc lại vài kỷ niệm vào thời gian viết nó, chỉ với mục đích vui buồn cùng bạn đọc và đáp ứng lời mời của người chủ trương tạp chí là anh Nguyễn Mộng Giác. Thế thôi, chứ không có gì quan trọng. Bài viết ấy cũng giải thích tại sao tôi lại chọn tên Thềm Hoang. Ấy là, khởi đầu trước khi viết, tôi chỉ dùng hai chữ đó ám chỉ một xóm nghèo, nơi chui rúc ra vào của những con người khốn khổ sống bên lề xã hội như những cái thềm đất hoang sơ bị bỏ rơi trong một xã hội xa hoa, giàu có. Sau này, khi đến hồi kết cục, nhân vật Năm Trà trong hoàn cảnh tâm lý bị bức xúc đến tận cùng đã nổi cơn điên tưới dầu thiêu rụi xóm Cỏ, thì lại có thêm lý do để tôi cho nơi chốn ấy trở thành những cái thềm hoang trơ trụi tàn tro và bụi đất. Sự kiện để câu chuyện kết cục như thế đã khiến tôi bị nhiều cây bút phê bình lúc đó chỉ trích rằng, tôi giải quyết vấn đề một cách quá dễ dãi và tiêu cực! Nói rõ hơn, với tình cảnh số phận thảm thương của những con người như thế không thể chỉ một mồi lửa châm lên là tác giả phủi tay đứng dậy. Điều này rất đúng, nhưng nghĩ cho cùng, một cây bút nhỏ nhoi và yếu đuối như tôi liệu làm được gì trước thực trạng xã hội xảy ra gay gắt trong thực tế. Hồi còn ít tuổi, tôi có thói quen suy nghĩ là công việc cải tạo xã hội không phải là trách nhiệm ở người cầm bút, mà thuộc về lãnh vực của những chính trị gia hay những nhà lãnh đạo đương quyền. Âu cũng là cái nhìn còn hạn hẹp của một thanh niên chập chững bước vào đời như tôi vào thời điểm đó.

– Vô tình tôi vừa coi trên một mailing list của diễn đàn mang tên Nghị Luận, họ đang “treo lên” đó truyện Nồi Cháo Thịt của anh và bình luận về nó…

+ NT: “Ông Nghị Luận” đưa bài Nồi Cháo Thịt lên Net mà tôi không hay, nhưng tôi vẫn cám ơn, vì nó đã được viết trong thời kỳ mông muội nhất của Đảng CSVN say sưa sau chiến thắng đã dìm đời sống dân chúng tới chỗ khốn cùng. Truyện được sáng tác từ hồi tôi còn nằm ở trại tỵ nạn Songkhla Thái Lan, khoảng cuối năm 79 đầu 80. Gần 20 năm nước chảy qua cầu rồi, nhưng tôi muốn nhắc nhở là mỗi tác phẩm có vai trò riêng của mình tùy hoàn cảnh xã hội ở thời kỳ nó được viết ra.

 

VỀ VĂN NGHỆ, CHẾ ĐỘ MIỀN BẮC

– Trở lại chuyện “học tập” dành cho văn nghệ sĩ ở Sài Gòn sau 30-4-1975: Khi đó anh nghĩ gì về việc làm ấy của giới lãnh đạo văn nghệ miền Bắc? Cụ thể (khi đó – tất nhiên!) anh hiểu về chế độ miền Bắc, và nhất là về cách thức sinh hoạt văn nghệ ở miền Bắc ra sao? Nhìn chung, trước 30-4-1975, anh biết gì và nghĩ gì về các chế độ Cộng sản (ở Việt Nam và các nước Cộng sản khác) và về văn học nghệ thuật vô sản?

+ NT: Khi đó tôi chỉ nghĩ giới lãnh đạo văn nghệ miền Bắc là kẻ thắng, và văn nghệ sĩ chúng tôi ở miền Nam là những kẻ thua. Mà kẻ đã thắng rồi thì muốn hành người thua cách nào chẳng được. Đành cứ chấp nhận thôi, miễn không quỵ luỵ, hèn hạ. Trước năm 1975, tin tức về sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Bắc đối với chúng tôi rất hiếm hoi, ngoại trừ biến cố Nhân Văn-Giai Phẩm mà chúng tôi được biết qua cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc của học giả Hoàng Văn Chí ấn hành năm 1959. Đây là cuốn biên khảo đầy đủ tư liệu để chúng tôi có thể hình dung được tình hình sinh hoạt văn nghệ miền Bắc cùng số phận bi thảm của những người làm văn học nghệ thuật chân chính sau khi đất nước bị chia cắt. Sau này, năm 2000, khi về Hà Nội, tôi không thấy có tên đường Phan Khôi mà lại có tên đường Xuân Diệu, tác giả những câu thơ:

Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống, đọa đầy chết thôi…

Thật là mai mỉa! Riêng Hà Nội có tên đường Tố Hữu hay không thì tôi không biết. Tôi cũng được đọc nhiều thơ của ông này sáng tác trong thời kỳ đó, những bài cũng quá “nổi tiếng”, ở miền Nam hầu như ai cũng biết, thiết tưởng không cần nhắc lại.

– Có lẽ ở Việt Nam người ta chỉ đặt tên đường cho những người đã mất. Tố Hữu đang còn khỏe mà[2]. Tuần trước, tôi được xem hình một người chụp chung, vẻ như dăm ba tháng trước đó, với Tố Hữu tại nhà riêng (nơi có “cây táo ông Lành” ấy). Nếu còn chế độ chính trị như hiện nay (hay gần giống thế), thì tôi nghĩ chắc sẽ có tên đường Tố Hữu.

Tố Hữu là một đề tài tôi có dịp nghe và hỏi nhiều người viết văn ở hải ngoại ra đi từ miền Nam trước 1975. Tất nhiên, về Tố Hữu tôi nghe thì nhiều, như anh vừa nhắc đến; hỏi thì tôi chỉ hỏi “chơi” thôi, chưa hỏi ai để đăng báo, làm sách cả. Bây giờ muốn hỏi anh nghĩ gì về Tố Hữu nói chung, về thơ của Tố Hữu nói riêng?

+ NT: Tố Hữu là một nhà thơ có tài, trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ông ta có nhiều bài thơ hay. Tuy nhiên, bên cạnh hồn thơ, ông ấy còn có cái tham vọng của kẻ chạy theo quyền lực và chính điều này làm nhem nhuốc khuôn mặt thi sĩ của ông ta. Sau gần nửa thế kỷ kể từ vụ đấu tố Cải cách ruộng đất và vụ Nhân Văn- Giai Phẩm, đáng lẽ ông ta phải nói lên lời sám hối như nhà văn Bửu Tiến đã can đảm thực hiện, hay tệ lắm cũng nên vì chút lương tâm mà biết giữ im lặng, đừng tiếp tục làm thơ đăng báo một cách tự hào nữa. Cả hai điều đó ông ta đều không làm. Dĩ nhiên ông ta có quyền tự do chọn lựa thái độ sống cho riêng mình, nhưng ông ta quên một điều là lịch sử văn học chân chính Việt Nam sẽ không bao giờ bỏ qua những gì ông ta từng làm đối với văn nghệ sĩ, đặc biệt những văn nghệ sĩ đã tham gia trong phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm.

So sánh Bửu Tiến và Tố Hữu trong chuyện “sám hối” thì tôi nghĩ có “xứng đôi vừa lứa” không? Chí ít phải như Trần Độ, hoặc các “quan văn nghệ” có quyền hành nhỏ hơn, như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài? Chưa nói về các hành vi đời thường hay hành chính, tạm nói chuyện “sám hối” qua tác phẩm văn học (đã được phát hành) của vài vị “quan văn nghệ miền Bắc”, anh để ý đến những ai: Tô Hoài qua một số chi tiết trong Cát Bụi Chân Ai, Chiều Chiều… (Bật mí cùng anh, tôi mới được đọc bản thảo một tiểu thuyết về Cải cách ruộng đất của Tô Hoài đang ở dạng “truyền tay”, mà khi bài phỏng vấn này ra mắt bạn đọc thì có thể cuốn tiểu thuyết đó cũng hiện diện); hay Chế Lan Viên qua Di Cảo; rồi Trần Độ qua một loạt bài viết và nhất là ở cuốn Đổi Mới, Niềm Vui Chưa Trọn vừa được nhà Văn Nghệ (California) phát hành?

+ NT: Tôi không có ý so sánh hai vị này trên bất cứ phương diện nào, chỉ nhân nói đến hành vi sám hối nên đề cập tới họ mà thôi. Dĩ nhiên trách nhiệm của Tố Hữu với vụ Nhân Văn-Giai Phẩm là lớn lao hơn ai hết, hơn cả các nhân vật trong Trung ương hồi đó, bởi vì ông ta là thi sĩ, người cùng một giới với tất cả những ai bị vùi dập.

Tôi cũng đọc một vài bút ký của các “quan văn nghệ miền Bắc” như Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan… (Chế Lan Viên đã mất khi sách được in, xin không nhắc đến). Tôi không thấy ở đó những tư tưởng sám hối nào. Họ khôn lanh tung hỏa mù về các thành tích trong thời kháng chiến rồi luồn lách vào đó vài cảm nghĩ hay chi tiết xét lại những hành vi của mình. Như thế đâu gọi được là sự thành tâm sám hối! Chính vậy, tôi khâm phục sự can đảm của nhà văn Bửu Tiến khi ông đã công khai bày tỏ nỗi lòng trước Đại Hội Nhà Văn năm 1989 với những lời lẽ xin nhắc lại ở đây: “Người bàn với các bạn về hai chữ Dân chủ hôm nay cũng đã tham gia ‘đấu” nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, góp một tiếng nói nhỏ bé của kẻ đánh hôi vào số phận điêu đứng của một số anh em cùng nghề… Xót xa hơn cả là đã đánh vào Tự do, Dân chủ vì mơ hồ về cái đuôi tư sản của nó mà quên bẵng đi “giá trị tự thân của Tự do”, giấc mơ ngàn đời của nhân loại và của bản thân. Tự mình đã đánh vào mình! Ân hận đó đã dày vò suốt ba mươi năm trời. Thời gian không thể xóa nhòa. Chỉ đành “mang xuống tuyền đài không tan” mà thôi”.

Tô Hoài và Nguyễn Công Hoan có viết ra được những lời thống thiết như thế hay không? Riêng tướng Trần Độ, tôi lại nhìn dưới khía cạnh khác. Ông ta đang góp phần cùng với nhiều cây bút can đảm khác như Hà Sĩ Phu, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang… xoay chuyển hướng đi cho toàn thể xã hội.

– Về sự “sám hối” của Đảng CSVN, anh nghĩ sao?

+ NT: Câu hỏi này của anh có đôi chút tế nhị đây, vì nó bao hàm ý nghĩa vẫn tin cậy vào thiện chí của Đảng CSVN một khi ta còn muốn gợi ý họ “phải nói lên lời sám hối như thế nào?” Riêng tôi, tôi không bao giờ nghĩ được sẽ có ngày họ thành tâm muốn sám hối những gì xảy ra trong quá khứ. Cả cái guồng máy vận hành đến nỗi Bùi Ngọc Tấn phải viết thành cuốn Chuyện Kể Năm 2000 như thế thì còn biết sám hối sao? Cho nên, trong lãnh vực văn chương, tôi vẫn trông đợi ở những cá nhân từng dính líu quyền lực vào vụ Nhân Văn-Giai Phẩm giờ đây phải biết can đảm bày tỏ một cách rõ rệt thái độ của mình, hơn là kỳ vọng sự sám hối từ Đảng CSVN.

– Anh có nghĩ vì sao các Đảng CS ở Đông Âu lại có thể “sám hối” được còn Đảng CSVN thì anh lại “không bao giờ nghĩ được là sẽ có ngày họ thành tâm muốn sám hối về những gì đã xảy ra trong quá khứ”?

+ NT: Sau hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, sự gian khổ của mọi người nói chung kéo dài quá lâu, riết rồi thành thói quen chịu đựng nên ý thức quyền lợi con người cả vật chất lẫn tinh thần đều bị bào mòn. Ý thức phản kháng vì thế cũng khó cơ cơ hội nảy nở như các dân tộc bên Đông Âu chăng? Rồi về phía giới lãnh đạo nữa, ở Việt Nam, ý thức cầm quyền là ý thức thời phong kiến, chức quyền càng cao càng coi dân đen như con sâu cái kiến. Chẳng thế dân trong nước gọi thời kỳ Lê Duẩn và Lê Đức Thọ là thời Lê mạt. Trong tình cảnh ấy, tôi không nghĩ có vấn đề Đảng CSVN sám hối trong tương lai.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa tôi nhìn Đảng CSVN như khối đá ù lì, không biết cảm ứng tình hình đổi thay vũ bão của thế giới trong thập kỷ nay. Bởi vì Đảng không chỉ là một cá nhân mà là một tổ chức tập thể. Không tập thể nào, dù mang bất cứ nhãn hiệu gì đi chăng nữa, lại không có những cá nhân tốt. Tôi nghĩ, chính những con người tốt này đã và đang còn góp phần thay đổi bộ mặt đất nước. Vậy nếu trong tương lai, cùng nỗ lực đóng góp của những người Việt Nam yêu nước đứng ngoài Đảng, cả trong lẫn ngoài nước, mà tự do dân chủ trên quê hương được thực hiện, người cầm bút không còn bị coi như công cụ riêng của Đảng dưới bàn tay bạo tàn của chuyên chính, thì cũng nên coi đó như một hình thức Đảng nói lời sám hối của mình. Phải chăng câu hỏi của anh bao hàm ý nghĩa ấy?

Nếu được vậy thì là “lời sám hối cuối cùng” rồi còn gì! Tiếp câu hỏi hôm qua: Người ta vẫn nói sự khác nhau trong việc lỗi lầm (ta tạm qua chữ “sám hối”, vì nó mang chất phương Tây, chất đạo Chúa quá!) của người Á Đông và người phương Tây. Mỗi văn hóa có cách riêng khi “tha thứ và xin tha thứ” (tôi mượn GS Nguyễn Văn Trung cặp chữ này). Tôi nghĩ, Đảng CSVN vẫn là “đảng-nông-dân” chứ không là đảng mang tính công nhân như đại đa số Đảng CS khác trên thế giới, nên họ sẽ nương theo tâm lý chung từ đông đảo người dân Việt (chủ yếu là những người-nông-dân ở trong nước) về quan niệm “tha thứ và xin tha thứ” để hành xử. Còn anh, anh nghĩ sao?

+ NT: Theo tôi, sám hối chỉ là từ ngữ nên dùng theo ý nghĩa “xác nhận một cách rõ ràng và minh bạch” lỗi lầm lớn lao trong quá khứ. Và nó không là một lời nói suông, một sự khôn ngoan luồn lách nhằm trả xong thứ nợ quỷ thần, rồi thôi! Ngựa quen đường cũ. Đồng ý là sống trong chế độ không có quyền tự do phát biểu ý kiến của mình, nói ra một lần… rồi hết, chả nói được gì nữa. Nhưng tôi nghĩ người cầm bút còn có thứ võ khí là sự im lặng, sự bất hợp tác, sự bẻ bút làm công việc khác không dính líu sinh hoạt chữ nghĩa. Còn nếu lại chỉ vì một cái thẻ hội viên hội nhà văn, một chỗ ghi danh trại sáng tác, một việc làm trong tờ báo, hay một vé xuất ngoại đi Tây đi Mỹ… mà vẫn nhởn nhơ sinh hoạt viết lách trong khi bạn bè, văn hữu vẫn tiếp tục bị đàn áp thì còn gì để nói nữa. Đầu năm 2000, khi Đại hội Nhà văn Việt Nam họp ở Hội trường Ba Đình Hà Nội, tôi kỳ vọng Hội nhà văn Việt Nam cho ra văn bản hay bài tham luận đặt vấn đề với nhà nước về sự kiện cuốn Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn bị tịch thu sau khi phát hành, hay sự kiện cuốn Những Đứa Con Của Đất của Đỗ Ban bị tịch thu ngay khi vừa in xong. Nhưng cả lực lượng hơn 400 nhà văn ấy không một ai cất lên một tiếng nào, đã thế còn tham dự đông đủ buổi chiêu đãi do Bộ Công an tổ chức chào mừng Đại hội Nhà văn nữa thì mới đáng buồn chứ. Tôi thấy anh chị em cầm bút ở Việt Nam “hiền” quá. Mềm nắn, rắn buông, không lẽ cái kỹ thuật trấn áp này lại không được ai nhớ!

Anh nói “hiền” là trách yêu thôi, chứ nhiều người nói toạc ra là “hèn”. Chính họ cũng biết vậy: biết họ “hèn”. Từ Nguyễn Tuân (“Chúng mình sống được là nhờ biết “sợ”. Tôi “sợ”. Anh “sợ”. Chúng nó “sợ”…) đến Nguyễn Huy Thiệp (“Tôi khôn hơn Dương Thu Hương”). “Nguyễn” nào cũng rứa thôi! Điều tôi muốn nói là phản ứng của nhà văn, trí thức trước nhà cầm quyền còn là “hàn thử biểu” cho phản ứng chung của dân chúng. Nhà văn không từ trên trời rơi xuống, mà từ người dân… chui ra! Nhà văn Nhật Tiến ơi, không lẽ ta trách người dân trong nước, kiểu trách của B. Brecht: “Hãy giải tán Nhân dân!”?

+ NT: Nhân dân Việt Nam từ lâu là nạn nhân của những bồi bút qua nhiều chế độ, thời kỳ, biến cố trọng đại, làm sao có thể trách cứ người dân được. Tôi không bao giờ quên mẩu chuyện tâm sự giữa tôi và một ông anh đến từ miền Bắc sau 1975. Một lần anh ấy thú nhận: “Hồi trước từng anh tự hỏi: Làm sao con gái miền Nam có thể lấy Ngụy được nhỉ?” Tôi đã trả lời: “Thì em cũng là Ngụy đây này, có gì kinh khiếp đâu!” Qua chuyện đó, tôi thương ông anh, thương mọi người đã sống trong một thế giới huyễn hoặc do chính những người cầm bút tô vẽ lên.

Đúng là người ta sẽ nương theo tâm lý chung để hành xử, nhưng cũng không cần thiết nhấn mạnh ở chỗ chủ yếu là người nông dân chiếm thành phần đa số. Theo tôi ai cũng thế thôi, mà càng đối với dân ở đô thị, người ta càng cần phải dòm chừng hơn; chính thế thành phần cầm bút bị kiểm soát chặt chẽ hơn ai hết.

Ý tôi nói đến cái nông dân tính trong lối hành xử ở người Việt mình: Không nhận lỗi một cách thanh thiên bạch nhật như dân Âu-Mỹ. Chính tâm lý nông dân đó mà “cuộc tình Mỹ-Việt” sau cuộc chiến 1975 kéo dài đến gần 20 năm bằng cuộc viếng thăm lịch sử (đối với phía Việt) của vợ chồng con cái nhà Clinton giữa tháng 11 mới rồi.

+ NT: Đồng ý với anh ở điểm tâm lý hành xử của đa số người Việt mình nay vẫn giữ lề lối “ao tù, lũy tre xanh”; nhưng sự tiếp đón nồng nhiệt của dân Hà Nội với gia đình Clinton vừa qua, theo tôi còn mang ý nghĩa khác. Đó là bày tỏ một cách công khai khát vọng tự do, dân chủ vẫn ấp ủ trong lòng mọi người ngàn năm một thuở mới có dịp bộc phát lại không sợ có “vấn đề “. Tôi nghĩ, một số trong giới lãnh đạo ở Hà Nội căm chuyện này lắm, nhưng đồng thời họ cũng được bài học cụ thể: “Lòng dân nay đã như thế đó! Cái ta đang cưỡi lên cổ nó không còn là thằng dân ngu khu đen như ngày xưa nữa mà như là con cọp có thể vùng lên bất cứ lúc nào.”

Sau này – sau 30-4-1975 và khi ra hải ngoại, rồi qua các lần về Việt Nam – anh thấy biến cố Nhân Văn-Giai Phẩm ra sao?

+ NT: Tôi chưa hề được gặp bất cứ nhà văn, nhà thơ nào liên hệ đến vụ Nhân Văn- Giai Phẩm dù đã trở về Hà Nội đôi lần mấy năm gần đây. Tuy nhiên, tôi cảm nhận có vẻ mọi người ở cả hai phía (đàn áp và bị đàn áp) đều muốn coi biến cố ấy như một trang bi thảm đã lật qua, và không muốn nhắc lại. Một phần vì nó trôi vào khá xa trong quá khứ; phần khác, tình hình đất nước ở hoàn cảnh mới đặt ra nhiều vấn đề rộng lớn, sâu xa hơn, tâm thức con người cũng khác biệt hơn so với cái tâm thức thời kỳ các nhà văn Nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm từng sống.

– Ở trên nói đến cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương như là các anh muốn tái thực hiện cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc của học giả Hoàng Văn Chí. Anh có so sánh gì giữa “những cây bút phản kháng ở quê nhà 1986-1989” với biến cố Nhân Văn-Giai Phẩm?

+ NT: Về nội dung sáng tác của người cầm bút, trong cả hai hoàn cảnh dĩ nhiên có nhiều tương đồng. Cả hai đợt đều biểu lộ khát vọng tự do ở người cầm bút, đấu tranh cho tự do sáng tạo phục vụ những giá trị chân chính của con người. Tuy nhiên, nếu cần so sánh ta cũng có thể thấy rõ có sự khác biệt sâu xa. Đó là những cây bút tham gia cao trào văn nghệ phản kháng 1986-1989 có tính chất đa dạng và rộng rãi hơn nhiều so với Nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm hồi cuối thập niên 50. Hơn nữa, mục tiêu phản kháng, cường độ phản kháng ở cao trào này cũng sâu xa, mạnh mẽ hơn; và tính chất biểu lộ đồng tình của giới độc giả quần chúng cũng sôi nổi, rộng rãi hơn nhờ ảnh hưởng từ các biến cố trọng đại bên ngoài và chính sách cởi mở của Tổng Bí thư thời đó là Nguyễn Văn Linh. Nhưng đấu tranh với một chính quyền đang ở thế mạnh, lại có cả bề dầy kinh nghiệm lọc lõi phương cách đàn áp và khống chế con người, thì thành quả và số phận của cao trào này sau đó ra sao, ai cũng thấy. Nó đã xẹp đi như quả bóng xì hơi, số ngòi bút vẫn tiếp tục quyết liệt con đường đã lựa chọn bây giờ chỉ là con số rất nhỏ nhoi; và đáng buồn hơn, lại có cả các ngòi bút từng tham gia cao trào nay quay 180 độ ngồi xổm lên chính những điều mình từng viết ra.

Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng rằng sở dĩ có các hiện tượng đáng buồn vậy không phải vì mọi người nhận ra sai trái của mình trong nhận thức, mà chính vì sự sinh tồn của mỗi cá nhân trong mỗi hoàn cảnh riêng biệt. Nghĩa là tôi còn tin tưởng ở khát vọng tự do cầm bút không bao giờ nguội tắt nơi tâm tưởng mỗi người dù hiện nay họ lựa chọn đất đứng nào. Phải trực diện đời sống thực tế trong nước mới có thể cảm thông nhận định này. Không nên cứ ở xa kêu gào người khác đóng vai anh hùng. Xu hướng thời đại vẫn lừng lững tiến lên, sự phát triển của kỹ thuật tin học không ngừng chiếm lĩnh các địa bàn trong mọi sinh hoạt của đất nước. Tất cả sẽ tạo điều kiện cho những người khát khao tự do, dân chủ, đặc biệt là những người cầm bút, sẽ có cơ hội viết lên trang sử mới đẹp đẽ hơn của dân tộc trước bình minh thế kỷ 21.

– Tôi nghĩ, ít nhất cũng qua các sự việc nhìn thấy, nghe thấy thì “cao trào văn nghệ phản kháng 1986-1989” có bề rộng, lan tỏa xa mà không sâu nặng, không cam go như thời Nhân Văn-Giai Phẩm. Nói theo ngôn ngữ nhà binh trong nước ưa xài là “có diện mà không có điểm”.

+ NT: Nêu vấn đề Diện và Điểm, như anh nói, là nhận diện Cao trào văn nghệ phản kháng như một cuộc đấu tranh có tổ chức, có đường lối chỉ đạo rõ rệt và có sách lược nghiên cứu kỹ lưỡng. Tôi cho rằng nếu xét như thế là bỏ qua vấn đề bản chất “lề mề” của văn nghệ sĩ. Không hiểu có chủ quan khi nêu nhận định này không, nhưng theo tôi, người văn nghệ sĩ thường đa dạng trong cung cách ứng xử cũng như trong sự lựa chọn đề tài sáng tác. Cái gì thích, cái gì gây xúc động, gây rung cảm cho mình thì mình viết. Họ không quen đứng trong một hàng ngũ để sáng tác hay viết lách theo nhu cầu đánh giá của hàng ngũ ấy. Có thể vì thế họ không phân biệt rạch ròi, hoặc ngay cả sự không thích phân biệt rạch ròi, đâu là diện, đâu là điểm để đưa cao trào tới các thành quả cụ thể.

Còn về hệ lụy với những người tham gia Cao trào không sâu nặng, không cam go như Nhân Văn-Giai Phẩm thì hoàn toàn đúng. Nhưng cũng có thể vì thế giới ngày nay có quá nhiều đổi thay so với gần 50 năm trước, dân chúng Việt Nam cũng không còn là các con cừu ngoan ngoãn như xưa, nhà nước dù muốn cũng không thể, không dám áp dụng chính sách đàn áp quyết liệt, thẳng tay như trước. Xin hỏi anh, vào thời điểm 1986-1989, có một nhân vật văn hóa, văn nghệ nào ở Việt Nam dám muối mặt đứng ra làm một thứ Tố Hữu của những thập niên 50 hay không?

Nhật Tiến (bên phải) và Bùi Tín

Những anh chị em ra đi từ miền Bắc sinh sống, du học, làm việc và tỵ nạn ở các nước Âu châu đón nhận cuốn Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương với sự xúc động và thán phục. Cuốn mà tôi được gửi tặng ngày 3-12-1991 từ anh Lê Bửu Tấn, bạn bè tôi chuyền tay nhau đến mức nó sờn cong như một cuốn chưởng Kim Dung! Mười năm đã qua, cho thấy giá trị hiếm có từ cuốn sách này trong vô vàn sách báo hải ngoại. Theo tôi, hình như đấy là tuyển tập duy nhất quy tụ được hầu hết các cây bút với khuynh hướng khác nhau từ những người viết hải ngoại?

Xin cho biết Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương được thực hiện về bài vở, in ấn, phát hành ra sao? Anh làm các công việc gì trong đó; và xin nói vài lời về bài viết “Nhà văn Nguyên Ngọc: Suy nghĩ và hành động trong Cao trào phản kháng” có ở tập sách?

+ NT: Tôi thật bất ngờ khi được anh cho biết sách Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương từng được tiếp đón nồng hậu đến thế bên trời Âu. Vậy mà thâm tâm tôi cứ nghĩ nó chỉ mang lại nhiều hệ lụy trong khi thành quả không có bao nhiêu, mặc dù tôi vẫn tự hào được đóng góp phần nhỏ nhoi trong việc hình thành sách. Đúng như anh nhận xét, đây là cuốn sách hiếm hoi ở hải ngoại quy tụ được hầu hết những cây bút có khuynh hướng khác nhau ở hải ngoại.

Theo nhận xét của tôi và nhiều anh chị em khác, đây cũng là lần duy nhất tính đến nay, từng có một nhóm như thế ngồi lại được với nhau, sôi nổi, nhiệt tình và đầy thiện chí để làm đến nơi đến chốn một công trình từ lúc khởi sự tới khi hoàn tất. Ngoại trừ những người ở quá xa, phần còn lại trên dưới 20 người, chúng tôi đã làm việc ròng rã suốt một năm trời; tuần lễ nào cũng họp mặt để thảo luận, để trao đổi tin tức, để thu góp tài liệu, để phân công làm việc, để giải quyết mọi vấn đề xoay quanh cái chủ đề lớn khi đó: Cao trào văn chương phản kháng ở trong nước. Cuối cùng thì chúng tôi cũng hoàn tất được việc biên soạn và ấn loát được một bộ sách khá đồ sộ, dày tới 800 trang khổ lớn, bao gồm bài vở và tài liệu từ 27 tác giả ngoài nước đọc và viết về 79 tác giả ở trong nước. Công lao lớn nhất phải dành cho những người đã bỏ ra rất nhiều thì giờ, tiền bạc và tim óc cho công trình này; như các anh Trần Vịnh, Đỗ Hữu Tài, Thân Trọng Mẫn, Nguyễn Quốc Trung, Lê Bửu Tấn, Nguyễn Bá Tùng, Trương Đình Luân, Hoàng Sử Mai cùng một số anh em khác nữa. Sau khi sách được in ra, chúng tôi còn phân công nhau đi tổ chức ra mắt ở vài nơi như Portland (Oregon), Houston (Texas) và Washington DC. Tôi và anh Đỗ Thái Nhiên nhận lãnh nhiệm vụ ra mắt sách tại Portland State University thuộc thành phố Portland với sự hợp tác tận tình của các anh chị em Hội Sinh Viên Việt Nam nơi đó. Cả hai chúng tôi thay nhau thuyết trình các vấn đề xoay quanh Cao trào văn chương phản kháng ở Việt Nam và trả lời những thắc mắc do cử tọa nêu ra. Nhìn chung có sôi nổi nhưng không xảy ra vấn đề gì đáng tiếc. Điều bất ngờ là sau này, chính anh Đỗ Thái Nhiên đã thay đổi lập trường chính trị, lại là một trong những người phê phán tôi bền bỉ và mạnh mẽ nhất. Dẫu sao tôi cũng cám ơn anh ấy ở chỗ đã chịu khó đọc các tác phẩm, bài viết của tôi, và trình bày những cách nhìn khác biệt với cái nhìn vốn có của tôi bằng giọng văn nhã nhặn, chứ không là thứ văn chương chợ búa mà nhiều người dành cho tôi trên các tờ báo khác nhau.

Trở lại cuốn sách, như anh đã hỏi, tôi nhận sự phân công của anh chị em trong nhóm biên soạn để viết về tác giả Nguyên Ngọc, nguyên Bí thư Đảng đoàn Ban thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Thực ra tôi không được quen biết hay tiếp xúc với nhà văn này trong những năm tôi chưa ra khỏi nước (1975-1979). Tuy nhiên, các văn liệu chúng tôi có về Nguyên Ngọc thì khá phong phú, nên tôi đã viết bài “Nhà văn Nguyên Ngọc: Suy nghĩ và hành động trong Cao trào phản kháng” chủ yếu qua nghiên cứu những văn liệu ấy.

– Nếu như có ý cho rằng, vấn đề Nhân Văn-Giai Phẩm khởi thủy từ vài đề nghị “góp ý thành thực để xây dựng Đảng” (đại để “Bây giờ không còn ở chiến khu nữa mà đã hòa bình rồi, văn nghệ sĩ vẫn dưới sự lãnh đạo của Đảng nhưng Đảng cần cho anh em tự do sáng tác” v.v…), từ một số anh em nhà văn quân đội mà Trần Dần đại diện gửi trực tiếp tới tướng Nguyễn Chí Thanh lúc đó nắm Tổng cục Chính trị QĐNDVN; Sau do bị “nâng quan điểm” nên mới lớn chuyện và thành cái gọi là “vụ án” có tính “phản kháng văn nghệ” như đã xảy ra. Anh nghĩ sao về ý kiến này?

+ NT: Tôi không đồng ý với nhận định ấy vì như thế vừa đánh giá quá thấp khát vọng tự do của anh chị em văn nghệ sĩ (mà đa số không trong quân đội, không là cấp dưới của tướng Nguyễn Chí Thanh để phải gửi kiến nghị), lại vừa bỏ qua những biến động trong tình hình thế giới lúc đó.

Theo nhận định từ cụ Hoàng Văn Chí có nhiều nguyên nhân cả về phương diện khách quan ngoài nước lẫn chủ quan trong nước. Xin tóm tắt như sau…

– Nguyên nhân khách quan: Gồm những biến cố chấn động thế giới như hạ bệ Staline do Krushchev khơi mào trong Hội nghị lần thứ 20 Đảng CS Liên Xô tháng 2-1956, như chủ trương “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh” do Lục Định Nhất, Cục trưởng Cục Tuyên Huấn của Đảng CS Trung Quốc đưa ra tháng 5-1956, như các cuộc nổi dậy ở Poznan (Ba Lan) tháng 6-1956, Budapest (Hung gia lợi) tháng 10-1956…

– Nguyên nhân chủ quan: Phải kể đến tâm trạng giới trí thức, văn nghệ sĩ trước tình cảnh “báo chí, sách vở xuất bản ở Hà Nội sau ngày tiếp thu vẫn đầy rẫy những bài ca tụng Đảng, Bác, những bài kêu gọi nông dân đứng dậy tàn sát địa chủ, phản động, lưng chừng”. Đời sống vật chất của họ cũng cực kỳ thấp kém, hoàn toàn chênh lệch so với các cán bộ văn hóa cấp cao như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu và những kẻ “bận đồ lớn, đi dự hội nghị, ăn uống ngồm ngoàm”. Rồi những biến động to lớn trong nước cũng xảy ra thời kỳ đó như vụ nông dân xã Quỳnh Lưu nổi loạn, vụ thanh niên và công nhân “miền Nam tập kết ” đập phá trụ sở đồn công an Bờ Hồ, và nhất là vụ sửa sai Cải cách ruộng đất khiến nhà nước phải thả 12 ngàn đảng viên bị cầm tù vì tố điêu, tố sai, dẫn tới việc Trường Chinh, Hồ Viết Thắng bị mất chức. Trong bối cảnh ấy, giới cầm bút không thể lặng lẽ ngồi yên. Sau cùng, không thể không nói tới những vị lớn tuổi ở hàng ngũ trí thức, văn nghệ sĩ còn mang nhiều chất kẻ sĩ như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Thụy An, và đặc biệt là nhà nho đầy tiết tháo Phan Khôi. Không lẽ các tên tuổi như thế lại chỉ biết đóng góp tâm huyết của mình sau khi Trần Dần, đại diện các nhà văn quân đội gửi “vài đề nghị có tính cách xây dựng Đảng” lên tướng Nguyễn Chí Thanh?

– Tôi có coi một số bài nhận định của giới phê bình trong nước (cả loại viết có tính “văn công”, cả loại viết độc lập) về văn học, sách báo hải ngoại (mà một vài báo hải ngoại in lại), nhưng như không thấy đánh giá nào về “sự kiện” sách Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương. Khi về nước, anh có thấy giới văn nghệ trong nước biết về cuốn này không? Nếu không, thì với anh em văn nghệ trong nước, ta làm một việc gần như “ném đá xem tăm”! Uổng quá anh à?

+ NT: Tập Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương sau khi được phát hành, tuy hầu như không có bài điểm sách nào nhắc nhở đến (hoặc giả có tôi cũng không được đọc), nhưng tự nó đã dấy lên trên mặt báo chí hải ngoại các loạt bài nhận định, phê phán trên chủ đề “Có hay không có một cao trào văn chương phản kháng ở quê nhà?” Hầu hết các bài viết tôi được đọc đều nghiêng về lập luận rằng đó là những chống đối giả, phản kháng giả, là những nắp xì hơi cho chính quyền. Cũng như số phận của cuốn sách bị giàng dây kéo lê trên mặt đường Bolsa, các cây viết trong nước được nhắc đến của Cao trào phản kháng thì lại bị đem ra nhục mạ cách này hay cách khác; nhưng hằn học nhất phải kể tới “sự kiện” Dương Thu Hương bị gọi là “Con Việt Cộng Cái” (chữ của N.V.N) hoặc “Con Việt Cộng” (N.V.C). Trong khi đó, về phía trong nước thì tiếc thay, hầu như không mấy ai biết tới sự hiện diện của tuyển tập này, kể cả giới làm văn hóa, văn nghệ! Đúng là “uổng quá anh à”, nhưng không bao giờ chúng tôi tiếc xót công trình của mình đã thực hiện. Cuốn sách đã đóng đúng vai trò của nó trong thời điểm ấy, và chúng tôi không có cao vọng gặt hái được gì nhiều hơn.

Ban nãy tôi hỏi bài anh viết trong sách, âu cũng muốn nhắc khẽ đến Nguyên Ngọc – người có lẽ nên được coi như một “công trình sư” của rất nhiều vụ việc đã biết và chưa biết về những gì gọi là “đổi mới” ở sinh hoạt văn học Việt Nam 15 năm qua.

Trong việc phổ biến, tranh đấu cho các cao trào tự do văn nghệ dưới các nền độc tài, nếu ta chỉ “hồ hởi, phấn khởi” nói đến các tác giả, tác phẩm mà thờ ơ, có khi còn quay mặt với các “bà đỡ” (thường phải có “chức sắc” nào đấy trong cơ chế) của các tác giả, tác phẩm đó thì không những ta đã vô tâm mà còn không thể hiểu nổi toàn bộ tiến trình các cao trào. (Nói dzui: Ở trong nước thời ấy, người ta hay nói: “Cậu mà như thế thì chả biết gì về… điện cả”!) Anh thấy sao về chuyện “chả biết gì về điện” này ở hải ngoại trước một số vấn đề văn nghệ cũng như chính trị, xã hội trong nước?

+ NT: Vâng, đúng như anh nói… Hầu hết các tác phẩm quan trọng trong Cao trào văn nghệ phản kháng đều xuất hiện trên tờ Văn Nghệ do nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập, nhờ vậy giới cầm bút thuộc cao trào này trong không đầy 3 năm (1987-1989) đã mau chóng lấy lại được lòng tin cậy từ người đọc, và thậm chí đã trở thành ngọn đuốc sáng rỡ soi rọi tới được những hoàn cảnh tối tăm, cơ cực của quần chúng, đã trở thành cái phao cho quần chúng khi họ đang chết đuối giữa sức ép dòng đời đầy dẫy bất công, thối nát và áp bức. Cho nên, ở trong nước, khi biết Cao trào mà không biết tới vai trò của Nguyên Ngọc thì quả là… chẳng biết gì về điện cả! Nhưng như thế cũng chưa ghê. Đằng này ở bên ngoài, người ta biết đến nó mà người ta vẫn phủ nhận nó; thế nên có thể nói qua cách ví von của anh rằng, điện thì ai chẳng biết, nhưng chớ bao giờ xài điện nhé, nó giật chết!

– Đỗ Quyên: Theo anh, các bài báo viết như thế vì họ nghĩ thực như thế hay cố tình không muốn công nhận một thực tế khác ý muốn của họ?

+ Nhật Tiến: Tôi nghĩ rằng thuộc về cả hai lý do. Một là có những người thực tình nghĩ như vậy theo tâm lý của những người được gọi là “Kinh cung chi điểu” (Chim bị tên sợ cành cây cong); Hai là còn có những người cố tình không muốn công nhận thực tế khác với ý mình, bởi họ đang sử dụng chiêu bài chống Cộng cực đoan, “đến chiều”, để làm lý do tồn tại cho chính mình. Với nguyên nhân sâu xa như thế, làm sao họ có thể chấp nhận các thực tế đi ra ngoài ý đồ của họ được.
 

ĐỖ QUYÊN
Thực hiện qua email 11-2000 – 3-2001; tu chỉnh 4-2004; đọc lại & cập nhật 9-2020

 

Chú thích

[1] Bài này vốn nằm trong bản thảo tập 2 của sách Nhìn Cây Thấy Rừng (Đỗ Quyên, Phỏng vấn chuyện nước non Việt, Nxb Văn Nghệ, California, 1997).

[2] Tố Hữu đã qua đời ngày 9-12-2002. Năm 2013 tại Hà Nội có con đường mang tên Tố Hữu, nối dài từ đường Lê Văn Lương trên tuyến đường Nguyễn Trãi về hướng Hà Đông.

[3] Tóm tắt tiểu sử Nhật Tiến

– Tên Bùi Nhật Tiến; sinh ngày 24-8-1936 tại Hà Nội; di cư vào Nam năm 1954; viết truyện ngắn, truyện dài trên các tạp chí Văn Hóa Ngày Nay, Tân Phong, Đông Phương, Bách Khoa, Văn, Văn Học; chủ trương nhà xuất bản Huyền Trân, chủ biên tuần báo Thiếu Nhi; năm 1979 vượt biển qua Thái Lan rồi định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1980;

– Đã in khoảng 30 tác phẩm ở trong nước trước 1975: Những Người Áo Trắng (1959), Những Vì Sao Lạc (1960), Thềm Hoang (1961), Mây Hoàng Hôn (1962), Người Kéo Màn (1962), Ánh Sáng Công Viên (1963), Chuyện Bé Phượng (1964), Vách Đá Cheo Leo (1965), Chim Hót Trong Lồng (1966), Giọt Lệ Đen (1968), Tay Ngọc (1968), Lá Chúc Thư (1969), Quê Nhà Yêu Dấu (1970), Theo Gió Ngàn Bay (1970), Tặng Phẩm Của Dòng Sông (1972), Thuở Mơ Làm Văn Sĩ (1974)…

– Tác phẩm đã in ở hải ngoại (trước 2000): Tiếng Kèn (1981), Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan (viết chung với Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, 1981), Một Thời Đang Qua (1985), Mồ Hôi Của Đá (1988), Cánh Cửa (1990), Quê Nhà Quê Người (viết chung với Nhật Tuấn, ấn hành ở trong nước, 1994)…

– Nguyên Phó Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam (1963-1975)

– Nguyên Hội viên Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa (nhiệm kỳ II, 1974)

– Nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu Giáo Chức Việt Nam Hải Ngoại (1982-1985)

– Nguyên Chủ tịch Ban Chấp Hành Lâm Thời Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Nam California (1988)

– Chủ biên cơ sở xuất bản Huyền Trân (từ 1959 đến nay)

– Biên tập viên tuần báo Việt Tide, California (2001-2010)

– Tổng thư ký đặc san Vietstream, Nam California (từ 2015)

– Qua đời ngày 14-9-2020 tại Nam California (Hoa Kỳ).

Bản tiểu sử đầy đủ hơn và chính thức được gia đình phổ biến trong Tin buồn. Có thể xem tại FB của con trai nhà văn Michael Bui:

https://www.facebook.com/michaeltrubui2/posts/10158451342363405

Hoặc

https://vietbao.com/a304891/quan-cam-nha-van-nhat-tien

Nhật Tiến tại tư gia (2018)

Nguồn: https://damau.org/65835/nhat-tien-cua-20-nam-truoc-hay-l-trung-thuc-mot-pham-chat-hng-dau-cua-nguoi-cam-bt

 

0 Bình luận

Bình Luận