Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

Khi một thi sĩ ra đi, người để lại điều gì? Để lại những câu thơ lộng lẫy, làm giàu cho tiếng Việt.

Khi tôi lắng nghe một bài thơ của Cung Trầm Tưởng, và những lời của ông trong ca khúc phổ thơ, tôi nhìn thấy tác giả, người trẻ tuổi những năm sáu mươi đi giữa châu Âu nhớ về đất nước mình. Tình yêu ấy từ xa, mà rất gần. Hầu hết chúng ta đều ao ước được dấn thân vào đời sống, vào sự vận động của dân tộc, trên những mảnh đất riêng biệt nơi chúng ta sinh ra. Lịch sử biến động, những số phận hào hùng và bi thảm, để lại dấu ấn sâu trong thơ Cung Trầm Tưởng, giữa những nhà thơ miền Nam khác, trôi dạt. Có cần thiết không, tan tác chia lìa để tìm lại với nhau? Tôi không biết, nhưng từ những ngày đầu, từ khi xa Hà Nội, Cung Trầm Tưởng đã mang theo trong tim mình những ám ảnh thật đẹp về quê hương. Thơ tình của các nhà thơ Việt thường khởi đầu từ quê hương, từ người con gái mà ta gặp lần đầu tiên trên góc phố, bên giếng nước. Nhưng Cung Trầm Tưởng là người đầu tiên bắt đầu từ một tình yêu phương Tây.

Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ

Đó là sự kết hợp mới mẻ, gần như đầu tiên, Đông và Tây trong thơ Việt. Trước đó trong thơ tiền chiến, chúng ta chưa gặp những hình ảnh ấy. Nhưng tình yêu ấy không hoàn toàn xa lạ với chúng ta, với tâm hồn việt Nam. Tôi có nhiều dịp trò chuyện trên điện thoại, và một lần gặp ông ngoài đời, tôi thấy ông là một người hiền lành, chất phác, cả tin. Trong thơ ông có cả hai thứ ấy: một tài hoa ngôn ngữ và những xúc cảm đằm thắm, chất phác lạ lùng. Ngôn ngữ Cung Trầm Tưởng ở những bài hay nhất bao gồm lối nói hồn nhiên và những chữ xuất thần, các hình ảnh liên tưởng, gần như bước nhảy (leap associations), gần như siêu thực.

Tính nhạc trong thơ, sự trùng điệp, phép luyến láy, nói chung là nhịp điệu, là phương cách duy nhất mà con người như những nạn nhân của lịch sử có thể nuôi dưỡng trầm tích quá khứ. Ông hình như lúc nào cũng có một điều gì muốn bày tỏ, thơ có khuynh hướng biểu hiện rõ ràng. Những bài thơ về sau là một loại thơ làm chứng của người đi qua những thăng trầm chiến tranh và sau chiến tranh. Có một sự pha trộn khó giải thích của khuynh hướng lãng mạn, chịu ảnh hưởng của thơ Pháp, và một ngôn ngữ hiện đại, đôi khi dị thường. Cung Trầm Tưởng làm thơ nhiều, càng về sau càng nhiều, nhưng ít được phổ biến. Càng về sau, ông càng nghiêng về một loại trữ tình tự sự. Đó là thơ nhân chứng pha lẫn những đức tin tôn giáo, pha lẫn tình yêu và tình dục, các nguyên mẫu văn hóa và các giai thoại.

Trong thời đại của thơ tự do, ông vẫn thường xuyên trở lại với lục bát, và giữ đươc sự trầm tư, tiết kiệm, như trong những bài đầu tiên.

Tặng em một gã lo xa
Vành trăng tươm tất, bình hoa bày bàn

Bây giờ thì nhà thơ không cần phải lo xa nữa, ông để lại cho chúng ta một vành trăng ngôn ngữ thật tươm tất, một bình hoa tình yêu mỗi người có thể dùng bày bàn buổi sáng trắng tinh. Nhớ ông, là nhớ một thi sĩ. Được nhân gian nhớ như một thi sĩ, có gì hơn thế nữa?

 

Nguyễn Đức Tùng
Thanksgiving, 10. 10. 2022

Nguồn: https://damau.org/75177/nho-cung-tram-tuong

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận