Hồi 2014, khi Nga thôn tính bán đảo Crimea thuộc Ukraine, cây bút trào phúng người Nga Vladimir Sorokin viết về phản ứng của bạn bè ông đối với tình hình chiến sự.

“Tôi không thể tin được là Nga và Ukraine đang giao tranh. Đây là một cơn ác mộng,” một người bạn của ông nói. Một người khác tự trào: “Dân Nga mình đang bị buộc phải ngồi trong một nhà hát lớn để xem vở kịch Ukraine. Và không ai được phép rời nhà hát!”

Giờ đây tất cả chúng ta đều đang cùng xem vở kịch khủng khiếp đó, sững sờ và sợ hãi như Sorokin và bạn bè ông.

Nhưng những gì chúng ta đang chứng kiến, phía sau các bản tin, là thứ bền lâu hơn thế: tính cách Ukraine và phẩm chất của người Ukraine.

Với vị trí địa chính trị đặc biệt và lịch sử đầy biến động, Ukraine được nhắc đến nhiều trong văn học và vẫn tiếp tục là đề tài truyền cảm hứng cho các nhà văn ngày nay.

Những cây bút người Ukraine

Boris Dralyuk là nhà văn và dịch giả sinh ra tại Ukraine, hiện đang sống ở Mỹ. Khi được hỏi Ukraine được khắc họa như thế nào trong các tác phẩm, ông đề cập đến một trong những cây đại thụ của văn học đất nước, Taras Shevchenko (1814-1861), “nhà thơ nhân dân của Ukraine, một hình tượng kiểu như Pushkin của Nga, người khi chào đời là nông nô nhưng tài năng đã đem lại cho ông sự tự do.”

Một trong những bài thơ của Shevchenko là bài Vườn Anh Đào Bên Nhà (A Cherry Orchard by the House), viết năm 1847.

“Lời thơ khiêm cung da diết,” Dralyuk nói. “Nó không gây ấn tượng như một áng thơ xuất chúng, nhưng với người Ukraine, nó là hình ảnh quê nhà. Bài thơ khắc sâu trong trái tim chúng tôi và không ai có thể quên nó.”

Taras Shevchenko, “nhà thơ nhân dân của Ukraine”, là một trong những cây đại thụ của nền văn học Ukraine

Ông cũng nói về nữ sĩ Lesya Ukrainka (1871-1913), người chịu ảnh hưởng của Shevchenko và, như Dralyuk nói, bà là “hình tượng nữ quyền [và] từ cách bà chọn bút danh, ta có thể nhận ra bà là người nếu không phải là theo chủ nghĩa dân tộc thì cũng là người ái quốc. Hình ảnh của bà giờ đây xuất hiện thường xuyên trên Twitter, và bà trở thành biểu tượng của sự phản kháng.”

Tuy nhiên, cả Shevchenko lẫn Ukrainka đều không nổi tiếng bên ngoài Ukraine.

Cái nhìn của ‘người ngoài’

Thật là một điều đáng thất vọng khi một số những hình ảnh nổi tiếng nhất về Ukraine thời kỳ đầu trong văn học lại được khắc hoạ bởi người ngoài, đặc biệt là qua những tác phẩm miêu tả Cuộc chiến Crimea thời thập niên 1850.

Cuộc chiến Crimea giữa Nga và một liên minh các nước, trong đó có Anh và Pháp, thời đó bị giới bình luận đánh giá là “thảm bại”, gây ra “cuộc tàn sát quốc tế khét tiếng”.

Tại Anh, trong bài thơ nổi tiếng nhất của mình, Cuộc tấn công của Lữ đoàn Light (1854), nhà thơ đoạt giải Alfred, Huân tước Tennyson miêu tả sứ mệnh cảm tử của Anh quốc thời kỳ chiến tranh với giọng điệu mỉa mai đầy cay đắng về sự ngu dốt của các tướng lĩnh cầm quân (“Ai kia đã thật ngông cuồng”), và với sự cảm phục những người lính đã tuân theo mệnh lệnh (“Bị nã đạn và pháo kích/…/ném mình vào cửa địa ngục/ sáu trăm kỵ binh trên lưng ngựa”).

Nữ thi sĩ ái quốc Lesya Ukrainka đã trở thành biểu tượng kháng chiến ở Ukraine

Từ phía người Nga, Cuộc chiến Crimea có lẽ đã sản sinh ra phóng viên chiến trường đầu tiên của thế giới: một sỹ quan trẻ của quân đội Nga với niềm yêu thích văn chương đã thực hiện các báo cáo tường thuật hiện trường bao vây cảng Sevastopol vào năm 1854-1855, và lần đầu tiên ký tên đầy đủ của mình, Leo Nikolayevich Tolstoy.

Ba bản ký sự “Phác hoạ tin chiến trường Sevastopol” của ông thể hiện các tố chất ban đầu của Tolstoy: sự hòa quyện của chính trị và nhân cách, sự tái hiện lịch sử nghiêm ngặt, và con mắt sắc bén trong việc khắc họa chiến tranh đậm chất sử thi.

Các bản ký sự được viết như tiểu thuyết, đầy ắp chuyện sống chết, nhưng với Tolstoy thì “anh hùng trong câu chuyện của tôi, nhân vật mà tôi yêu quý bằng cả trái tim và tâm hồn của mình,” đó chính là “sự thật”.

Ông không quan tâm tới việc liệu các bản ký sự của mình có thể xúc phạm tới ai đó hay không – “tất cả nhân vật đều chẳng có gì đáng trách, nhưng cũng như đều xấu xa như nhau” – và những nhân vật đó đã khiến ông trở thành một nhà văn nổi tiếng.

“Tôi thất bại trong việc trở thành một vị tướng trong quân đội,” ông viết, “nhưng lại thực hiện được điều đó trong văn chương.”

Cuộc chiến Crimea thời thập niên 1850 có lẽ đã sản sinh ra cho người Nga phóng viên chiến trường đầu tiên của thế giới: Leo Nikolayevich Tolstoy

Mảnh đất bị xâu xé

Những gì Tolstoy và Tennyson viết nên đã phản ánh rõ hình ảnh về Ukraine, nơi không chỉ luôn bị phân chia mà còn bị tàn phá bởi xung đột.

Nơi mà ta gọi là Ukraine ngày nay – đất nước mới trở thành một quốc gia độc lập được hơn ba thập kỷ qua – trong lịch sử lúc nào cũng là điểm giao thoa từ Tây sang Đông.

Vào thế kỷ 19, miền tây Ukraine là một phần của Đế quốc Áo-Hung, còn miền đông thì bị thống trị bởi nước Nga.

Vào đầu thế kỷ 20, nước này thống nhất trong thời gian ngắn dưới tên gọi Cộng hòa Nhân dân Ukraine, rồi lại một lần nữa bị chia năm xẻ bảy về tay Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc và Romania, rồi trở thành một phần của Liên Xô.

Có một cách để nhìn vào lịch sử dữ dội của đất nước, đó là xem tên gọi một thành phố ở phía tây Ukraine, thành phố Lviv. Nơi này từng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như Lvov, Lwów hay Lemberge, tùy thuộc vào việc ai là người nắm quyền cai trị vùng lãnh thổ này vào từng thời điểm.

Một cách khác nữa là lắng nghe nhà văn, cây hài Mikhail Bulgakov sinh ra ở Ukraine, người từng bình luận châm biếm rằng vào những năm sau 1918, tại quê nhà Kyiv của ông “đã có tới 14 [lần thay đổi quyền lực], tôi đã đích thân trải qua 10 trong số các sự kiện đó.”

Sự đóng góp của Bulgakov cho văn chương về xung đột Ukraine là tác phẩm lớn đầu tay The White Guard (Bạch Vệ) (1925), lấy bối cảnh một trong các trận chiến giành quyền kiểm soát Kyiv, và theo dấu sự bất hạnh của gia đình Turbin một thời giàu có. (Tác phẩm này đã không qua được vòng kiểm duyệt của Liên Xô do không vinh danh hình ảnh người anh hùng cộng sản.)

Tiểu thuyết lớn đầu tay của Mikhail Bulgakov, Bạch Vệ, lấy bối cảnh một trận chiến giành quyền kiểm soát Kyiv

Đến tận bây giờ, Ukraine vẫn tiếp tục sản sinh ra các tác phẩm viết về những cuộc chiến đang tiếp diễn: Dralyuk nêu tên một trong những nhà thơ đương đại quan trọng nhất của đất nước, Lyuba Yakimchuk, người mà theo ông “là một người tị nạn từ Donbas, từ vùng chiến sự, và bà đã viết về trải nghiệm đầy xúc động của mình”.

Bài thơ Con Quạ và Những Bánh Xe (Crow, Wheels) bà viết năm 2016 nêu bật sự leo thang xung đột bất tận: “Khi thành phố chết, / họ bắt đầu tranh giành nghĩa trang.”

Nơi giao thoa giữa các nền văn hóa

Nhưng sẽ thật là bất công cho Ukraine nếu ta chỉ tập trung vào văn chương về xung đột mà bỏ qua những phẩm chất khác.

Với vị thế là nơi Đông-Tây hội ngộ, một trong những nét khác biệt nhất của quốc gia này đó là sự pha trộn của nhiều nền văn hóa, đặc biệt là ở các thành phố phía tây như Lviv và Odessa.

Isaac Babel (sinh năm 1894), nhà văn người Do Thái sinh ra ở Ukraine, trở thành một trong những tên tuổi của nền văn học thế kỷ 20 qua một số ít các tác phẩm viết trước khi ông bị giết trong chiến dịch khủng bố của Stalin hồi năm 1940.

Babel viết rằng “không sắt thép nào có thể xuyên thủng trái tim với sức mạnh bằng được một dấu chấm hết được đặt đúng chỗ,” và mặc dù ông cũng viết về chiến tranh – trong tuyển tập truyện ngắn Hồng Quân – nhưng chính những truyện ngắn Odessa mới là các tác phẩm gợi lên một cách đẹp đẽ nhất đặc trưng của điểm giao thoa văn hóa Ukraine.

Dralyuk, người sinh ra ở Odessa, đã dịch truyện của Babel sang tiếng Anh. Các câu chuyện Odessa chủ yếu viết về cộng đồng Do Thái lưu vong và thể hiện năng lượng cũng như sự sáng tạo bất ngờ của họ bằng văn phong dường như là phiên bản Châu Âu của phong cách Damon Runyon.

Dralyuk lo sợ rằng một trong những mất mát nữa từ cuộc xâm lăng của Nga là “ngôn ngữ Nga mà bạn đọc được trong những câu chuyện của Babel, vốn dĩ là một phần của văn hóa Ukraine… chắc chắn sẽ mai một dần, vì những ai sử dụng cả hai ngôn ngữ có thể sẽ cố nói tiếng Ukraine thay vì tiếng Nga. Và điều đó đặt dấu chấm hết cho một truyền thống đa dạng mà đáng ra có thể vẫn tồn tại nơi đây. Tôi mong sao Ukraine tiếp tục phát triển như là một quốc gia đa ngôn ngữ, đa văn hóa như suốt 30 năm qua.”

Nhà văn gốc Do Thái sinh ra ở Ukraine Isaac Babel nắm bắt được đặc điểm giao thoa văn hóa của Ukraine trong những câu chuyện Odessa của ông

Trong các câu chuyện của Babel, Odessa được thể hiện bằng cả sự gắn bó và khiếu hài hước.

Nơi đây, ông viết vào năm 1916, là “một trong những thành phố xinh đẹp nhất của Đế chế Nga… nơi mà cuộc sống diễn ra nhẹ nhàng và đơn giản.” Sự đa dạng của thành phố được thể hiện thông qua “tàu hơi nước từ Newcastle, Cardiff, Marseille và Cảng Said tới; nơi đây có người da đen, người Anh, người Pháp và người Mỹ.”

Nhưng ở phía bên kia của xã hội, “những bà vợ mặt trát bự phấn” trong thành phố “thuộc tầng lớp trưởng giả béo đẫy và lố bịch… sa vào sự chiều chuộng phù phiếm của các cậu sinh viên y khoa, sinh viên luật khoa với tính khí bốc đồng.”

Nhìn chung, Babel nói thêm, “độc giả sẽ nói, ‘Nghe đâu Odessa cũng giống như bao thành phố khác, và ngài chỉ đơn giản là thiên vị tới mức cực đoan mà thôi.'”

Trên thực tế, sự hoài nghi và tự trào lộng này hoàn toàn phù hợp với điều mà tiểu thuyết gia sinh ra ở Ukraine Józef Wittlin hồi 1946 gọi là “sự ghê tởm các nghi thức rườm rà” và “sự chán ghét lối cư xử phô trương phù phiếm” ở thành phố Lviv yêu quý của ông.

Giống như Babel, ông quý mến đặc điểm dân số đa dạng và nhiều màu sắc của thành phố: “sự hòa trộn phi thường của cao sang và xảo quyệt, thông thái và khờ dại, thi ca và thô tục.”

Tiểu thuyết gia người Pháp gốc Czech Milan Kundera nhận định đây là điều phổ biến hơn ở Trung Âu: ông nói con người nơi đây “đại diện cho mặt trái của lịch sử. Họ vừa là nạn nhân vừa là người ngoài. Chính quan điểm phản tỉnh về lịch sử này là nguồn gốc văn hóa, trí tuệ, và ‘tinh thần trào lộng’ chế giễu sự hùng vĩ và vinh quang.”

“Tinh thần trào lộng” này chỉ là sự gán ghép cho Ukraine chăng?

“Tôi nghĩ là có,” Dralyuk nói. “Đây là đất nước của sự khiêm nhường vốn có, khiếu hài hước tuyệt vời, và giàu lòng tự trọng. Việc khắc họa nhân vật phản diện, quỷ quyệt, bịp bợm, kẻ mà đạt được mục đích bằng mọi giá” – kiểu người mà ta có thể thấy trong các câu chuyện của Babel – “đã hằn sâu vào văn hóa. Và điều khiến văn học Ukraine đặc biệt chính là việc những hình tượng này được thể hiện với nhiều sắc thái. Tôi nghĩ đó là một phần của tư tưởng Ukraine – tính tự trào nằm trong tâm trí người Ukraine.”

Một thế kỷ hỗn loạn

Chia sẻ quan điểm tương tự là nhà thơ và dịch giả sinh ra ở Ukraine Nina Murray, BBC Culture cũng có cuộc trò chuyện với bà về văn học Ukraine.

“Hài hước là truyền thống lâu đời [ở Lviv], vì đây là thành phố của sự pha trộn văn hóa, nơi mà mọi người thuộc nhiều tầng lớp thường cười cợt châm biếm lẫn nhau. Nhà văn người Do Thái Sholem Aleichem đến từ Lviv và ông ấy là một cây hài xuất sắc. Tôi là người hơi có chút thiên vị vì tôi [cũng] đến từ đó!”

Các nhà văn đương đại Ukraine cũng chia sẻ “tinh thần trào lộng.”

Dralyuk coi cuốn tiểu thuyết Carbide năm 2015 của nhà văn Andriy Lyubka là một ví dụ điển hình: “Đó là một tác phẩm tuyệt vời. Nó là kiểu câu chuyện giống như những giai thoại về các băng cướp, trong đó một giáo viên lịch sử quyết định đào một đường hầm chui qua biên giới Ukraine và lén đưa tất cả 40 triệu người Ukraine vào Châu Âu.”

Còn điều gì khác mà văn chương Ukraine đương đại thể hiện và có thể cho ta biết những gì về đất nước này?

Đối với Murray, một vài cuốn sách mà bà từng dịch “có cùng chủ đề về mất mát đau thương không thể hồi phục, giống như những phần bị thiếu trong quá khứ của mà chúng ta không còn nhận biết nổi vì ký ức đó đã vĩnh viễn lùi xa”.

Điều này không có gì là ngạc nhiên vì những tổn thất và Ukraine đã chịu đựng trong suốt một thế kỷ hỗn loạn.

Văn học Ukraine, bà nói, có thể khám phá “cảm xúc về khoảng trống hoác đằng sau mỗi phận người và những nỗ lực đầy sáng tạo nhằm khỏa lấp điều đó”.

Murray nhấn mạnh rằng kể từ năm 2014, “chính phủ Ukraine đã đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào việc dịch các tác phẩm văn học hiện đại của Ukraine ra tiếng nước ngoài, đó là lý do mà giờ đây ta có thể thu hoạch trái ngọt của sự đầu tư đó.”

Đối với bà, một trong những tiếng nói chủ chốt là Oksana Zabuzhko, người “rất nổi tiếng ở Ukraine thời thập niên 1990. Bà xuất bản tiểu thuyết ngắn Fieldwork in Ukrainian Sex (Sắc thái tính dục của người Ukraine) (1996).

“Và đó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được viết bởi phụ nữ, về một người phụ nữ tìm hướng đi trong bối cảnh tinh thần hậu thuộc địa, bao gồm các mối quan hệ của nhân vật với những người đàn ông Ukraine và những người đàn ông nước khác. Bà ấy viết về những điều cấm kị, chưa từng được đề cập tới trước đó.”

Cuốn tiểu thuyết Sắc thái tính dục của người Ukraine viết năm 1996 của Oksana Zabuzhko giúp bà trở nên nổi tiếng tại quê nhà

Có lẽ nhà văn Ukraine đương đại được biết đến nhiều nhất trên trường quốc tế là Andrey Kurkov, tác giả cuốn tiểu thuyết Ong Xám (Grey Bees) (2018) lấy bối cảnh “vùng xám” giữa những người Nga ly khai và quân đội Ukraine ở vùng Đông-Nam đất nước sau sự kiện thôn tính Crimea năm 2014.

Kurkov chọn cách tiếp cận đề tài xung đột một cách trực diện: người hùng trong câu chuyện của ông là người nuôi ong tên Sergey, một trong những tổ ong của Sergey bị tịch thu bởi nhà cầm quyền Nga, và khi nó được trả lại, nó không thể nào trở lại thành tổ ấm cho bầy ong được nữa.

Khi con người hiền lành ngây thơ Sergey đi từ Donbas đến Crimea, anh gặp gỡ những người đại diện cho Ukraine hiện đại. Họ phóng khoáng, tốt bụng và kiên cường, đó là tất cả những phẩm chất mà ta có thể thấy rất nhiều trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

BBC Culture hỏi Murray và Dralyuk về các nhà văn Ukraine đương đại khác mà chúng ta nên biết, những người đã có tác phẩm xuất bản bằng tiếng Anh nhưng ít được biết đến hơn Kurkov.

“Có một cuốn sách rất hay của nhà thơ Iryna Shuvalova,” Murray cho biết. “Tựa đề là Cầu nguyện cho những giếng khô (Pray to the Empty Wells), [và] một số bài thơ chiêm nghiệm về quá trình tìm hiểu cuộc xâm lược năm 2014 và chiến tranh.”

Dralyuk thì nhắc đến Yuri Andrukhovych, nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm như Địa ngục Moscow (The Moscoviad) và Mười Hai vòng tròn tăm tối (Twelve Circles), và là người có văn phong “theo chủ nghĩa siêu thực, cực kỳ dí dỏm, rất châm biếm, có thể giải thích được bản chất của tinh thần Ukraine và lịch sử đất nước”.

Andrey Kurkov có lẽ là nhà văn Ukraine đương đại nổi tiếng nhất trên thế giới

Nhà văn người Ba Lan Ryszard Kapuściński đã có mặt vào thời điểm Ukraine giành độc lập hồi 1991.

Trong cuốn sách Quyền lực tối thượng (Imperium) của mình, ông viết “tương lai của Ukraine sẽ phát triển theo hai hướng: một hướng tùy vào mối quan hệ với Nga, hướng còn lại tùy vào mối quan hệ với Châu Âu và phần còn lại của thế giới”.

Tác phẩm viết về Ukraine không thể hợp nhất hai hướng này nhưng có thể giúp chúng ta hiểu về sự đa dạng nơi đây.

Dralyuk và Murray tha thiết muốn giúp những người bên ngoài Ukraine tìm đọc văn học nước này để hiểu về đất nước vốn luôn bị nhắc đến trên truyền thông vì những lý do sai quấy.

Một tác phẩm mới được dịch ra tiếng Anh thời gian gần đây mà Dralyuk rất yêu thích của tác giả sinh ra tại Kyiv, Lev Ozerov, có tên Những bức chân dung không lồng khung (Portraits Without Frames) (1999), là những bức chân dung ngắn sinh động bằng ngôn từ khắc họa 50 gương mặt ưu tú người Ukraine và người Nga, trong đó có Isaac Babel, Boris Pasternak và Anna Akhmatova.

“Đây là một cuốn sách rất quan trọng nhưng chưa nhận được nhiều sự quan tâm,” Dralyuk nói.

“Đó là tác phẩm của người mà danh tính ông đang là tâm điểm sự chú ý. Giống như Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, Ozerov là người Do Thái sinh ra ở Liên Xô trong khu vực thuộc Ukraine, người trung thành với danh tính là người dân Ukraine cũng như với danh tính là nhà văn người Nga. Chỉ cần có thời gian để đọc tác phẩm này, tôi nghĩ cuốn sách sẽ cho chúng ta góc nhìn vô cùng giá trị về ý nghĩa của việc là một người Ukraine.”

“Nó không đơn giản là làm một người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan choàng quốc kỳ lên người,” ông nói thêm. “Mà đó là việc tôn trọng nền văn hóa đa ngôn ngữ vô cùng phong phú của quốc gia lớn thứ hai Châu Âu.”

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vert-cul-60930746

 

0 Bình luận

Bình Luận