Phỏng Vấn Nhà Văn Nguyễn Xuân Hoàng
Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đươc phát thanh trên Chương Trình Văn Học Nghệ Thuật – đài TNVN- 103.3 FM- Montreal, ngày 26 tháng 3 năm 2000.
Lê Quỳnh Mai (LQM): Xin ông giới thiệu vào dòng về tạp chí Văn và tuần báo Việt Mercury mà hiện nay ông là Tổng Thư Ký.
Nguyễn Xuân Hoàng (NXH): Tạp chí Văn do ông Nguyễn Đình Vượng sáng lập tại Saigon năm 1964- giấy phép xuất bản ngày 4 tháng Mười Hai, 1963, với Trần Phong Giao trong vai Tổng Thư Ký. Năm 1972, ông Trần Phong Giao thôi việc, ông Nguyễn Đình Vượng mời tôi làm công việc của Trần Phong Giao. Cùng làm việc chung trong thời gian này, có nhà văn Mai Thảo. Sauk hi cụ Nguyễn Đình Vượng qua đời năm 1974, tôi có nhiều việc phải làm, người trông coi là Mai Thảo.
Sau năm 1975, khi vượt biên đến được Hoa Kỳ, nhà văn Mai Thảo cho dựng lại tờ Văn năm 1982. Đầu năm 1996, sức khỏe Mai Thảo sa sút, và ông đã trao lại cho tôi trông nom từ tháng Tám, 1996. Số báo đầu tiên tôi thực hiện từ tay Mai Thảo ghi tháng Chín năm 1996 trong một bữa cùng với họa sĩ Khánh Trường đón anh về từ Seattle. Vì thời gian đó tôi đang làm Tổng thư ký nhật báo Người Việt, nên dù rất thích, tôi bắt đầu làm tờ Văn khá vất vả. Nếu không có Nguyễn Mộng Giác, Khánh Trường và nhà thơ Nguyên Sa giúp sức, chắc không xong.
Về tờ tuần báo Việt Mercury, ấn bản tiếng Việt của nhật báo San José Mercury, tôi vào làm với vai trò Tổng thư ký qua cuộc tuyển người của tờ báo này. San José hiện có khoảng 100.000 người Việt sinh sống và làm việc tại đây. Việt Mercury khổ tabloid, khởi đầu ước chừng 40 trang, nhưng số đầu tiên có ngay 88 trang và số Xuân vừa qua có đến 216 trang.
LQM: Ông có ý định thay đổi( sáng tạo) về hình thức và nội dung của tạp chí Văn không?
NXH: Nếu cô để ý, có thể cô đã nhận thấy tờ Văn trong ba năm qua có nhiều thay đổi từ hình thức đến nội dung. Nhiều người viết mới, nhiều tác giả từ lâu không viết cho Văn nay đã đến với Văn. Đặc biệt Hoàng Ngọc Tuấn và Nguyễn Hưng Quốc ở Úc. Mặc dù tôi vẫn không ngừng tìm cách thay đổi tờ báo này để phù hợp với khung cảnh mới, nhưng phải nói là tôi chưa ưng ý cả hình thức lẫn nội dung của tờ báo hiện nay.
LQM: Xin ông cho vài nhận xét hoặc ý kiến về tình trạng văn hóa tại hải ngoại hiện nay?
NXH: Đó là một câu hỏi khó. Tại sao cô không hỏi về tình trạng văn học? Nói vể văn hóa rộng lớn quá!
LQM: Là một nhà văn đồng thời là một giáo sư về bộ môn viết. Xin ông cho biết ý kiến về lối giáo dục của học đường tại Bắc Mỹ.
NXH: Từ ngày sang Mỹ đến nay, tôi không hề được tham dự vào sinh hoạt học đường nên không thể trả lời câu hỏi của cô. Thật ra từ những ngày trong nước, tôi không phải là một người có suy nghĩ nhiều về đường lối giáo dục. Tôi thích công việc của một người sáng tạo hơn là một nhà nghiên cứu. Có lần đài phát thanh Sài Gòn mời tôi nói chuyện về chương trình giáo dục Việt Nam bậc Trung học. Tôi có phát biểu một câu đại khái chương trình giáo dục mà chúng ta nói là khai phóng và dân tộc, thực ra chỉ là sao chép của Tây, rời của Mỹ. Ví dụ, ở các lớp đệ nhất cấp, đang học về Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương… bỗng nhảy lên lớp Đệ Nhất (12) học về các ông Triết Tây, chẳng ra làm sao cả. Người học sinh không được trang bị trước một kiến thức cầu nối giữa những món ăn.
LQM: Ông có nhận xét gì về dân tộc Việt Nam so với dân tộc Đông phương khác (khi những dân tộc này cùng định cư tại hải ngoại như chúng ta).
NXH: Vẫn là một câu hỏi khó! Tôi nghĩ để trả lời câu hỏi này, cần có một công trình của nhiều người và nhiều nỗ lực hơn.
LQM: Theo ông, làm sao để người Việt nam hiện nay có thể hòa nhập với thế giới chung quanh mà vẫn giữ được bản sắc của mình.
NXH: Người Nhật, người Hoa và nhiều sắc tộc khác đã sống ở Mỹ, ở Canada, ở Pháp, ở Úc … Cá nhân tôi, mặc dù đã ở Mỹ được 15 năm, vẫn chưa hội nhập được đất nước này. Bức rào ngôn ngữ, văn hóa và phong tục tập quán luôn luôn ngăn cản tôi. Tôi thiếu kinh nghiệm đó và như vậy cô hiểu tại sao tôi không thể trả lời câu hỏi của cô.
LQM: Ông là nhà văn. Nhưng trong quá khứ cũng như hiện tại đều chăm sóc cho các tạp chí hoặc nhật báo, tuần báo. Xin ông cho biết sự khác biệt giữa hai lãnh vực này – viết văn và làm báo.
NXH: Làm báo đôi khi giết chết công việc viết văn. Nhất là làm báo tin tức, thời sự. Thời sự – actualité – là cái sẽ qua đi. Còn tác phẩm văn chương là cái còn lại. Người làm báo chạy theo thời gian, người viết văn đôi khi có thể nhẩn nhơ. Làm báo là ăn fastfood, làm văn là ngồi vào bàn ăn từ từ thưởng thức nghệ thuật nấu nướng.
LQM: Theo ông, hạnh phúc lớn nhất của một người viết văn là gì?
NXH: Hạnh phúc của một người viết văn là khi chấm dứt chữ cuối cùng của một sáng tác. Hạnh phúc lớn nhất của họ là được người đọc. Nhưng tại sao cô không hỏi nỗi đau khổ của người cầm bút?
LQM: Trong nhiều năm hoạt động, vừa là nhà văn vừa là nhà báo. Điều gì làm ông thích thú nhất? Và điều gì làm ông chán ghét nhất?
NXH: Tôi nghĩ cái thích thú của người làm báo khác với cái thích thú của người viết văn. Người làm báo thích thú thấy những gì mình viết ra tác động tích cực trên khía cạnh xã hội và đời sống thực tế. Trong khi cái thích của nhà văn là mang lại niềm vui của tâm hồn. Khía cạnh nhân bản là cái lớn lao nhất mà cả hai cùng chia sẻ.
LQM: Cuộc sống của một nhà văn nổi tiếng có gây khó khăn gì cho gia đình hoặc cá nhân ông không? Nếu có, thì đó có phải là cái giá đánh đổi cho sự nổi tiếng không?
NXH: Tôi không thể trả lời cô câu hỏi này vì trước hết tôi chưa hề nổi tiếng, nghĩa là tôi chưa có kinh nghiệm của một người nổi tiếng. Tôi mong mình cứ mãi là một người bình thường trong những người bình thường. Viết văn thì có gì ghê gớm chứ!
LQM: Nếu cho ông đánh đổi giữa danh vọng và tuổi trẻ, ông chọn điều nào? Và nếu cho làm lại từ đầu, ông sẽ đi theo con đường nào?
NXH: Tôi thích tuổi trẻ và tôi không cần danh vọng. Mặc dù tuổi trẻ và danh vọng cũng là những thứ sẽ qua đi, như bóng mây. Nhưng tuổi trẻ là điều tôi thích thú, bởi vì mới ngày nào… và bây giờ …
Nếu cho làm lại từ đầu, tôi sẽ chọn việc viết văn. Tôi yêu chữ nghĩa hơn những thứ khác …
LQM: Ông cũng từng làm thơ. Tại sao không tiếp tục trong lãnh vực này?
NXH: Tôi đã bắt đầu chuyện viết lách bằng thơ. Nhưng tôi thấy thơ không đủ. Vả lại tôi tự thấy mình không có cái khả năng của một thi sĩ. Làm thơ thật khó!
LQM: Trở lại những tác phầm của ông. Võ Phiến đã nhận định rằng: Truyện NXH vốn không rườm rà, lòng thòng, đối thoại thường vắn tắt ỡm ờ (Văn Học Miền Nam- 1990). Võ Phiến cũng nói rằng: Chính tác giả cản trở chúng ta. Ông có đồng ý về nhận định này không? Nếu không, tại sao? Nếu có, xin ông giải thích tại sao thường cắt xén, sửa chữa dù tác phảm của ông đã xuất bản.
NXH: Nhà văn Võ Phiến cũng như mọi người đọc khác, luôn luôn có cái nhìn chủ quan của ông. Khi người viết để trang sách của mình viết dưới mắt người đọc – bất cứ người đọc nào- có quyền phê phán. Tôi muốn hỏi cô nghĩ sao về những gì tôi viết, hơn là ông A hay ông B nào đó, dù ông ấy là một tác giả lớn. Một tác giả thành danh thường đã có một bút pháp, phong cách của mình. Võ Phiến còn chủ quan hơn người đọc bình thường. Vả lại, tôi chưa hiểu mệnh đề – chính tác giả cản trở chúng ta- của ông. Tôi là một người đọc rất yêu thích những tạp bút của Võ Phiến. Trong văn chương, ông ấy là ông anh của tôi. Không có Võ Phiến, tập truyện đầu tay của tôi, cuốn Mù Sương, đã không ra đời.
LQM: Hầu hết những tác phẩm của ông đều có đoạn kết bi quan về hạnh phúc gia đình, thường có dáng dấp của sự đổ vỡ, lạnh lẽo, tàn nhẫn như Nguyễn Mộng Giác đã phê bình. Đây có phải là biểu tượng thời thơ ấu của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng không?
NXH:-Nhà văn Nguyễn Mộng Giác như con mắt nhìn rõ trái tim tôi.
LQM: Ông đã viết: Trong thời chiến, tình yêu đôi khi chỉ là xa xí phẩm (Dưới Tàn Cây Trứng Cá; Bất Cứ Lúc Nào bất Cứ Ở Đâu). Theo ông, tình yêu có còn được xem là xa xí phẩm nơi cộng đồng Người Việt chúng ta đang lưu vong – nơi không có chiến tranh- hay không?
NXH: Tôi viết câu đó trong một truyện ngắn ở thời điểm cuộc chiến Việt Nam đang hồi gay gắt. Những người bạn cùng lứa tuổi tôi ra mặt trận. Nhiều người đã ngã xuống. Nhiều người đã trở về không nguyên vẹn. Nhiều người có địa vị và giàu có nhờ chiến tranh. Có kẻ sống trong âm mưu. Có kẻ sống trong ngây ngô trước một thời đại đầy nghi hoặc. Tôi thấy chiến tranh dã man (chiến tranh nào mà không dã man?) và tôi thấy mình tồi tệ. Một con đà điểu dấu đầu trong cát. Tôi tưởng Tình Yêu là món quà xa xỉ. Nhưng câu nói đó giờ đây nghe cô nhắc, tôi thấy mình thật sai lầm. Phải nói là chính trong hoàn cảnh chiến tranh, khi mà cái chết không biết lúc nào chụp xuống đời mình, khi đó Tình yêu thật vô cùng cần thiết. Còn giờ đây giữa một đất nước thanh bình và vĩ đại như nước Mỹ, nơi vật chất thừa thãi, nơi tự do gần như tuyệt đối, tôi thấy Tình yêu mới là xa xí phẩm, nhưng là xa xí phẩm vô cùng cần thiết. Thiếu Tình yêu thì còn phương hướng nào mà sống!!!!
LQM: Trong video Dòng Thời Gian do Trung Tâm Thùy Dương thực hiện cách đây không lâu tại Cali. Nhà thơ Du Tử Lê đã phát biểu: Tình yêu không đi đôi với tình dục là tình yêu tật nguyền. Xin ông cho biết ý kiến về lời phát biểu trên.
NXH: Tôi hoàn toàn đồng ý với Du Tử lê. Đã qua rồi, từ lâu lắm thứ tình yêu trống trơn, tình yêu platonique. Nhưng tôi không thích thứ tình yêu giả chỉ để lấy cớ đi đến kết thúc bằng tình dục. Tình dục trống trơn là công việc của sinh vật(?) Tình yêu trống trơn là chuyện của mấy ông Thánh. Chúng ta không phải là thánh thần. Chúng ta cũng không phải chỉ là loài vật.
LQM: Như Nietzsche đã nói,“Khi người ta thản nhiên trước tất cả mọi sự thì người ta đã hoàn toàn tự do.” Ông sống ở hải ngoại cũng khá lâu, Vậy ông thấy bản thân đã hoàn toàn tự do theo đúng nghĩa chưa?
NXH: Tôi nghĩ khái niệm tự do là một khái niệm luôn luôn cần phải xét lại. Nói một cách khác, tự do tùy theo mình đứng ở vị trí nào để nhìn nó. Có thật là có một thứ tự do thuần túy không? Người chủ và người nô lệ có cùng một ý niệm về tự do không? Người giàu và người nghèo có cùng một thứ tự do không? Người sống dưới chế độ dân chủ và người sống dưới chế độc độc tài có cùng một tự do không? Tôi thích câu chuyện ngụ ngôn của Esope về ý nghĩa của chữ Tự Do.
LQM: Có một công việc hữu ích, viết hồi ký, về những năm tháng hoạt động trong lãnh vực văn học. Ông có nghĩ đến sẽ làm công việc này trongt thời gian sắp tới không? Ngoài ra ông có ý định xuất bản tác phẩm mới không?
NXH: Tôi có đọc hồi ký của những nhân vật chính trị, quân sự, khoa học, có ảnh hưởng lớn trong lịch sử xã hội, một dân tộc. Hồi ký, của ông vua như Bảo Đại, quân sự như ông Nguyễn Chánh Thi, Trần Văn Đôn, Đỗ Mậu, một học giả như Nguyễn Hiến Lê, nhà văn như ông Võ Phiến, nhạc sĩ như ông Phạm Duy… tôi nghĩ rất hay. Phần tôi, tôi không nghĩ và chưa nghĩ đến chuyện này. Mình phải biết mình là ai chứ.
Về xuất bản sách. Tôi đang viết cuốn thứ ba của bộ ba Người Đi Trên Mây. Vẫn chưa xong. Viết rồi xóa, rồi viết rồi xóa. Tôi không bao giờ bằng lòng với những gì tôi đã viết. Tôi cần thời gian. Mà tôi luôn luôn thiếu thứ này. Tất nhiên cũng còn nhiều thứ thiếu khác mà tôi không muốn kể ra đây.
LQM: Cả một đời cống hiến cho văn học. Bây giờ nhìn lại, nếu có một điều đáng tự hào về mình. Ông tự hào điều gì?
NXH: Trước hết tôi thấy cuộc đời tôi đâu có đóng góp gì cho văn học. Một vài truyện, một vài cuố tiểu thuyết, đôi ba bài báo. Những thứ đó quá nhỏ so với nhiều tác giả viết trước tôi, những người cùng thời với tôi, và cả những tay bút mới viết bây giờ. Tôi thấy những người đó lớn hơn tôi nhiều. Tôi không thấy có gì để tự hào. Tôi nghĩ nếu mình có thể làm lại từ đầu, tôi sẽ viết những cuốn đã viết bằng một phương cách khác.
LQM: Xin ông cho biết cảm tưởng khi bắt đầu sống vào đầu thiên niên kỷ thứ ba. Và ông ước muốn điều gì cũng như nuối tiếc điều gì?
NXH: Tôi ước sao đất nước của chúng ta giàu mạnh hơn. Con người Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước được đối xử trân trọng hơn. Tôi ước sao không ai nghèo. Tôi ước sao cuộc đời chỉ có Tình yêu, không thù hận. Ước nhiều quá, cô còn muốn tôi ước nữa không?!
Cám ơn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã gởi tặng thính giả một phỏng vấn thú vị.
Lê Quỳnh Mai
Trích: Lê Quỳnh Mai, Tác Giả, Với Chúng Ta, nxb. Khôi Nguyên: 2004,Canada
Nguồn: https://damau.org/28709/phong-van-nha-van-nguyen-xuan-hoang
0 Bình luận