Dự báo Mekong: trận hạn hán và nhiễm mặn 2020 sẽ trầm trọng hơn năm 2016. Mekong Delta barbecue / ĐBSCL bị nướng do khô hạn. [tranh biếm hoạ của Babui, tặng Ngô Thế Vinh]
Thấy Gì Trong Xu Hướng Giáo Dục Của Việt Nam?

Đồng Bằng Sông Cửu Long ở Việt Nam là một vùng đất vốn nổi tiếng trù phú nhất khu vực Đông Nam Á, nơi đây vốn cũng rất dồi dào về sản lượng lúa và là địa điểm du lịch thu hút khách tại quốc nội cũng như du khách ngoại quốc. Tuy vậy, những ngày vừa qua, tên của vùng đất này được nhắc đến nhiều trên các mặt báo, các cơ quan truyền thông và mạng xã hội, và nó được nhắc đến không vì những nét đặc biệt trên, mà như tiếng gào xé, kêu cứu thật bi ai. Vì đâu nên nỗi?

Gõ vào Google, những từ ngữ như: Đồng Bằng sông Cửu Long bị bức tử; Hiểm hoạ hạn hán; Sự cạn kiệt tài nguyên; và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt v.v là những cụm từ khiến ai đọc cũng thấy xé lòng. Không ai nói ra nhưng trong tâm khảm mỗi người đã thấy có cả sự bất lực vì không biết phải nói thế nào, nói với ai, kêu cầu ai vào lúc này, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang là nỗi quan tâm lo ngại của mọi người, mọi nhà và trên toàn thế giới.

Dưới cái nhìn của một nhà giáo, người đã làm việc ở cả hai đất nước, Việt Nam và Úc, tôi thấy thật băn khoăn, lo lắng và cả thao thức cho một sự biến đổi từ bên trong của hệ thống giáo dục, chứ không phải chỉ là sự thay đổi bề mặt của vấn đề Đồng Bằng Sông Cửu Long bị bức tử.

Tôi cùng các đồng nghiệp tại Úc xây dựng kế hoạch giảng dạy cho đề tài tìm hiểu về nước Úc và các nước láng giềng. Đặc biệt khi trực tiếp xây dựng kế hoạch giảng dạy cho Tuần Lễ Châu Á – cụ thể là nước Việt Nam, tôi thấy mình thực sự ngạc nhiên, lúng túng và cả có chút thất vọng về chính mình và về những dữ liệu tôi tìm kiếm được cho đề tài này. Tôi ngạc nhiên vì thực sự kiến thức của học trò từ Mẫu giáo đến lớp 6 của trường tôi về các nước khác tương đối dồi dào, nhưng các em chỉ rất mơ hồ về Việt Nam hoặc chỉ biết đến nó như một địa điểm du lịch rẻ tiền với những món ăn ngon. Tôi lúng túng vì khi tự mình phải nói về các mảng đề tài liên quan đến Việt Nam mà mình lại có quá ít tài liệu mang tính chính xác, khách quan và phù hợp lứa tuổi. Thật buồn!

Khi học về các đề tài như thế này, trong suốt 10 tuần lễ của một kỳ học, các em sẽ học về mối liên hệ về địa lý giữa nước Úc và nước bạn ở Châu Á. Các em sẽ được tìm hiểu về đất nước, văn hoá đó để có khái niệm, kiến thức và kỹ năng liên quan đến các môn văn học, toán học, khoa học, lịch sử, nghệ thuật, ngôn ngữ, và giao thương.

Một ví dụ điển hình về các em Lớp 4 khi học về Việt Nam trong Tuần Lễ Châu Á (nói đúng hơn là cả một kỳ học). Các em tìm hiểu về địa lý của Việt Nam và khoảng cách địa lý này là bao xa giữa Úc và Việt Nam. Bên cạnh đó còn có những nước nào có thể được gọi là láng giềng xa và láng giềng gần. Các em đưa kiến thức này vào môn toán, học đo toạ độ trên quả địa cầu, khoảng cách này được tính trong việc di chuyển bằng tàu, và bằng máy bay sẽ xa như thế nào. Kết hợp với các bạn Lớp 5, các em tính thêm chi phí liên quan đến việc di chuyển, tìm hiểu thêm các chi tiết liên quan đến các ngành nghề kinh doanh, và giữa hai nước có kết nối gì trong việc trao đổi thương mại và văn hoá. Tìm hiểu xem các điểm tương đồng và không tương đồng trong văn hoá và ngôn ngữ giao tiếp. Nghiên cứu thêm những điạ điểm du lịch và cách mà các công ty du lịch liên kết với nhau để thu hút du khách. Vấn đề du lịch có ảnh hưởng như thế nào đến học hành, đến kinh tế, và môi trường. Đồng thời các em cũng học cách viết văn để thuyết phục người khác v.v Cuối kỳ, các em có một ngày báo cáo kết quả tìm hiểu của mình bằng việc tổ chức sự kiện thông qua các công ty du lịch. Mỗi nhóm sẽ là một công ty, giới thiệu và quảng bá về đất nước bạn một cách thu hút nhất để có thể có nhiều khách đăng ký tour. Sau bài báo cáo của các em, phụ huynh và thầy cô, cùng các bạn ở các lớp khác học được bao nhiêu là điều mới lạ. Nhiều phụ huynh Việt Nam nhận xét, nhờ các em mà nay bản thân họ mới biết thêm những đặc điểm liên quan đến địa lý và lịch sử của nơi mình sinh ra và lớn lên.

Chính việc tìm hiểu này giúp các em ngay từ nhỏ đã ý thức được phương diện địa lý của đất nước và của vùng lãnh thổ mà các em đang ở. Các em cũng dần ý thức được về những vấn đề địa lý, khí hậu, môi trường có liên quan và ảnh hưởng thế nào trong vấn đề giao thương trong khu vực. Những gì làm hôm nay có ảnh hưởng gì đến mai sau. Từ lý thuyết đến thực hành, các em được hướng dẫn để biết mình có thể làm gì với nguồn tài nguyên mà đất nước mình đang có để kết nối với các nước và văn hoá bạn. Từ những kiến thức mang tính trừu tượng, vĩ mô, các em học được cách trao đổi, thảo luận và vui chơi qua các trò chơi, các em nhớ lâu, nhớ sâu và biết phân tích vấn đề một cách hợp lý. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến địa lý và môi trường, các em thường có những sáng kiến rất thiết thực để trong khả năng của mình, các em có thể giúp thay đổi một điều gì đó hoặc làm cho nó tích cực hơn. Những nhận xét và ý kiến của các em đôi khi còn mộc mạc, đơn sơ nhưng đều luôn cho thấy ý thức và trách nhiệm xét trên phương diện mình không chỉ là công dân của nước Úc mà còn là công dân toàn cầu nữa.

Nhìn về Việt Nam, chương trình dạy và học còn mang tính riêng lẻ, giáo điều và rất thiếu chiều sâu. Các bộ môn vẫn chỉ được dạy như những bộ môn riêng biệt và thiếu hẳn tính thực hành, ứng dụng. Thậm chí, tuần qua, khi tôi hỏi một số các bạn nhỏ của mình ở Việt Nam, từ lớp 2 đến lớp 10, về cách vẽ bản đồ Việt Nam và Việt Nam nằm kề những nước nào, chúng nhìn tôi lạ lẫm vì chẳng hiểu tôi đang hỏi gì. Đó là các bạn nhỏ này đang học tại những trường mang tên “chuẩn quốc gia”. Tôi hỏi các bạn, trường của con có thư viện không? – Dạ có, nhưng cả học kỳ nay thư viện không mở cửa. Đứa khác lại nói: – trường con có thư viện, tụi con chỉ được phép vào thư viện khi có cô quản thư ở đó, và tụi con vào, đọc sách để giáo viên điểm danh có đọc sách rồi thôi. Tôi lại hỏi, con có biết Đồng Bằng Sông Cửu Long ở đâu không? Ở đó đang bị nhiễm mặn. Các cháu nói: – Dạ tụi con đâu bao giờ nghe thâỳ cô nói về những chuyện đó. Rồi các cháu cho biết, phòng vi tính và phòng khoa học có đủ máy tính nhưng luôn “được” khoá kín, chùm mền, đợi khi có thanh tra đến mới mở ra mà thôi. Tôi nghe mà thấy mắt mình cay xè.

Vấn đề là trong chương trình giáo dục của Việt Nam, chúng ta đang dạy gì và xây dựng ý thức chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường như thế nào đối với thế hệ tương lai. Thông tin thì tràn ngập, nhưng chúng ta còn quá nhiều những lỗ hổng trong việc làm thế nào để đưa tri thức, thông tin đến với học trò, tuỳ theo lứa tuổi một cách hợp lý.

Vấn đề Đồng Bằng Sông Cửu Long chỉ là một trong vô vàn vấn nạn về địa lý, kinh tế, giáo dục và môi trường đã không được cập nhật và phổ biến trong chương trình giáo dục của mọi cấp học. Học trò nhỏ thiếu kiến thức, thiếu thông tin và không có khả năng phân tích vấn đề. Người lớn cũng có rất nhiều người mơ hồ trong việc nhận ra có một vấn đề nghiêm trọng không kém Covid-19 đang xảy ra ở đất nước mình. Họ không biết, không quan tâm hay còn là không thể lý giải được nạn hạn hán này có ảnh hưởng gì đến họ, đến gia đình và đất nước hay không.

Giáo dục đạo đức, giáo dục công dân là giáo dục về chính những bài học cụ thể này. Vậy nhưng còn thiếu rất nhiều những người có chuyên môn đưa các vấn đề này vào việc viết sách cho lứa tuổi thiếu nhi, cho học sinh trung học và chuyển dịch sang các ngôn ngữ khác, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và hội nhập văn hoá, phát triển giáo dục và kinh tế vừa mang tính đặc trưng mà không thiếu tính phổ quát trong xã hội ngày nay.

Cần lắm thay và cũng cấp thiết lắm thay!

Trần An-Bee

0 Bình luận

Bình Luận