Lệ Nam Kinh
Gửi đồng bào Miền Nam và cố đô Sài gòn
Máu đào nhỏ lệ Nam Kinh
Gió hoa bay đẹp ân tình Lệ Nam
Đắng cay nát ngọc siêu phàm
Một thôi cát bụi nguyện làm mây bay!
 
Nguyễn Sỹ Tế

Ngày 3, tháng 7 (1972)-LỰC LƯỢNG TIẾP VIỆN ĐƯỢC CHÀO MỪNG-Những người lính, mỏi mệt từng chống đỡ cho An Lộc, đứng trên một chiếc xe tăng Bắc Việt bị quất xụm và reo hò mừng lực lượng tiếp viện, được chuyên chở mới đây qua ngả máy bay, tới tỉnh lỵ bị vây khổn này. Những người lính kỳ cựu đã phóng một trái hỏa châu từ chiếc xe tăng tàn tạ đó để ăn mừng [Thông tấn xã AP]
Sau khi Tô Thùy Yên qua đời, lập tức nhiều làn sóng ca tụng tới tấp phủ trên đại dương internet. Thanh Tâm Tuyền, chủ soái Thơ Tự do–người được giới nghiên cứu hai miền sau 1975 đặc biệt chú ý– cũng không hề được nhận sự thông tin tương tự. Ông sống và chết lặng lẽ tại Hoa Kỳ, có lẽ cũng vì đám tang của ông rất đỗi âm thầm. Sau nữa, thời buổi của facebook và internet càng dễ đẩy những làn sóng ấy lên.

Đằng khác, cũng chỉ hơn 1 tháng sau khi nhà thơ Tô Thùy Yên về cõi Hiu quạnh lớn với niềm tự hào lòng cũng bằng lòng một cuộc chơi, một vấn đề rất cũ đã trở lại âm ỉ, hay sắp bùng lên chưa biết chừng. Đó là cơn sóng dữ của một loạt tin tức liên quan đến tư cách một nhà thơ vốn là sĩ quan Tâm lý chiến, Việt Nam Cộng hòa kiêm cựu tù nhân chính trị của chế độ Cộng sản cùng cả những mối liên hệ với các “nàng thơ” bên này và bên kia đại dương. Tôi không bao giờ có tham vọng làm người tiên đoán thời tiết liên quan đến cảm xúc độc giả, nhưng sẽ đề cập đến vấn đề  “sĩ quan Tâm lý chiến, Việt Nam Cộng hòa kiêm cựu tù nhân chính trị” của ông với tư cách một người thu thập tài liệu để người nghiên cứu khác có dịp định giá. Sự định giá ấy, theo tôi, không cách nào thoát khỏi một khía cạnh không thể bỏ qua: Sự tham dự của ông trong và sau cuộc chiến với tư cách một nhà thơ kiêm một quân nhân.

Những tài liệu đó cũng hy vọng sẽ giúp giải đáp được câu hỏi, sau rốt, về Thơ của ông. Đó là câu hỏi này:  Liệu Tô Thùy Yên có thể đi xa hơn nữa trên phương diện nghệ thuật hay không? Hay đời Thơ của ông đã chấm dứt ngay từ tháng 7. 1985? Từ những câu thơ trước 1975 rồi tới những câu thơ tự “giải thoát” đại diện bằng “Ta Về“? Có ai còn nhớ bài thơ nào sau 1985 nữa? Trong Thắp Tạ, 2004? Trong tập thơ cuối xuất bản vào năm 2018?

1. “TA VỀ” với ĐẶNG TIẾN

Một bài của nhà phê bình Đặng Tiến đã vô tình góp phần không nhỏ vào cơn sóng xuất phát từ rốn biển quá khứ ấy. Theo nhà đu dây không chuyên nghiệp này (nên thường bị tung lên nhào xuống) thì Tô Thùy Yên được tán tụng như “nhà thơ Việt Nam”, nhưng lạ đời thay, lại  “Không phải là nhà thơ hải ngoại hay của Miền Nam cũ …”  “, có lẽ vì ông là một “hành giả” “vô quốc tịch”. Trong bài “Tô Thùy Yên (1938-2019): Nhà thơ Việt Nam”, ông ta còn kết luận Tô Thùy Yên “là người Việt Nam, viết văn, làm thơ bằng tiếng Việt Nam. Tô Thùy Yên là nhà thơ Việt Nam bên cạnh Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tản Đà...” Chả lẽ Tô Thùy Yên lại “là nhà thơ Việt Nam bên cạnh” W.B. Yeats hay Lord Byron?

Trong bài thượng dẫn (1), “nhà thơ Việt Nam” của ông ta mang dép, nhưng không phải dép râu, chớ có định chụp mũ. Sự kiện Tô Thùy Yên xuất hiện tại một… đại sảnh với đèn đuốc sáng choang cùng vài nhân vật hơi danh tiếng của hệ thống quan chức [nếu tôi không nhầm] có vẻ làm chứng cho lời phát ngôn ấy của phát nhân ngôn không chính thức Đặng Tiến. Ông ta biết trước sẽ bị vài Thiên Lôi Việt Nam (chứ không phải Thiên Lôi Hoa Kỳ) đả cho vài búa về tội ngoa ngôn ngụy ngữ nên lập tức kéo ngay nhà thơ Thanh Thảo vào để đính chính đính phụ thanh minh thanh nga: “Tô Thùy Yên nhà thơ Việt Nam, tưởng là đã chắc nịch, trong khi Thanh Thảo dùng chữ ‘nhà thơ Việt’ ngắn gọn hơn, nhưng sắc bén, sâu xa hơn cái quốc hiệu tôi đưa ra….” Vì cái “quốc hiệu” gượng ép ấy, ông Tiến phát biểu một cách lố lăng, rằng (Tô Thùy Yên) “Không phải là nhà thơ hải ngoại hay của Miền Nam cũ.” (bđd). Thế thì chúng ta phải tả chính Đặng Tiến như thế nào? Ăn cơm quốc gia còn dính mép chùi chưa sạch, mà đã chối biến nhanh đến thế a?

Chú thích trên blog Kim Dung/Kỳ Duyên, theo nguồn “FB Mậu Nguyễn Đức” (2): “Nhà thơ Tô Thuỳ Yên với các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học Việt Nam tại Hà Nội năm 2014”

Chú thích của Nguyễn Tà Cúc:
Từ trái sáng phải: Chủ nhiệm Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hoá Hà Nội Ngô Văn Giá (người thứ 2), bà Tô Thùy Yên (người thứ 4), nhà thơ Tô Thùy Yên (người thứ 5), nhà thơ Trương Đăng Dung- từng giữ chức Viện phó Viện Văn học Việt Nam 1995-2010 (người thứ 6), nhà phê bình Đỗ Lai Thúy (người ngoài cùng, bên phải)

Bởi vậy, tôi đề nghị Đặng Tiến cần nên thêm “Tô Thùy Yên là một nhà thơ Sài gòn và Hà nội” đặng làm rõ cuộc vận động nhắm “hóa giải cuộc biển dâu” có tên Chiến tranh Việt Nam 54-75. Tại sao thế? Vì kèm vào bài “Tô Thùy Yên: Thức cho xong bài thơ” của nhà thơ Ý Nhi, đăng vào thứ bảy, ngày 7.10. 2017 trên website báo Người đô thị  (4), có một đoạn tiểu sử được đóng khung nhắm cho độc giả biết rằng Tô Thùy Yên  “nhập ngũ, phục vụ ngành chiến tranh chính trị quân đội Sài Gòn” (5). Tiểu sử ấy được giữ nguyên trên một số website khác, như Khoa Văn  Học-Trường Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân Văn-Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tô Thùy Yên đang bị tấn phong là “nhà thơ Việt Nam” nên người đọc có quyền đòi hỏi tiểu sử cần phải được chính xác. Trong đó, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nơi xuất xứ của Thiếu tá Đinh Thành Tiên, bị gọi là “quân đội Sài gòn” tại nhiều chỗ khác, không chỉ riêng trong bài nói trên. Bởi vậy, tiện đây, tôi mạn phép kèm ảnh Thiếu tá Tâm Lý chiến Đinh Thành Tiên hồi còn đại úy và sẽ thêm ảnh Trung tá Thủy quân Lục chiến Nguyễn Xuân Phúc làm thí dụ. Ông Đặng Tiến, “xa quê hương” nếu còn “nhớ mẹ hiền” Miền Nam, sẽ có dịp chứng kiến hình ảnh điển hình của các quân nhân– một …lính kiểng, một tác chiến– bảo vệ dân Miền Nam chúng tôi và ông ta được an toàn. Nhờ an toàn, ông ta (sinh năm 1940) mới an tâm ở “đô thị Sài gòn” phê bình phê bát chứ lỵ; đâu có phải khốn đốn lăng ba vi bộ, người thì không mù nhưng vẫn xẩy bước vào nơi gió kiếm như bây giờ. Tốt hơn nữa, ông ta rất có thể đề cập đến phần đời “ở lính” này và cả thơ trong phần đời đó một cách chính xác hơn.

Cho tới nay, tôi thấy hình như chưa có ai phân tích kỹ lưỡng về thời gian Tô Thùy Yên “ở lính” mà đa phần chỉ lướt tới những siêu hình, hư vô nhắm quá giang ngay tới phần dễ thuyết phục ta-về-quên-hết-hận-thù-với-Đặng-Tiến-và-với-một-hay-nhiều-nàng-thơ. Tôi tin rằng khi hình dung nhà thơ trong bộ quân phục Trưởng Phòng Văn nghệ, Cục Tâm lý chiến, Tổng Cục Chiến tranh Chính trị, Quân lực Việt Nam Cộng hòa của thiếu tá Đinh Thành Tiên (6), một số vấn đề sẽ phải được đặt ra liên quan đến trước và sau chiến tranh Việt Nam.

Người đeo mắt kiếng ngồi chính diện là thi sĩ Chinh Yên, kế bên là thi sĩ Tô Thùy Yên lúc này đang mang lon Đại úy Tâm Lý Chiến, sau lưng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng, cạnh ông là nữ sĩ Hồng Vân, tới cô dâu Thư-Hương – chú rể nhà thơ (quá cố) Nguyễn Tôn Nhan, rồi nghệ sĩ Tô Kiều Ngân, còn lại 2 người chưa rõ tên tuổi. Tấm hình chụp ngày 15 tháng 4 năm 1972 (đăng lại & chú thích từ Thu Hương http://huyvespa.blogspot.com/2019/05/to-thuy-yen-1938-2019-ba-sinh-con-e-nho.html)

Bài này, tôi cần viết, dù lẽ ra Đặng Tiến không đáng nhắc tới (7), mà để làm đúng lời giao ước, rằng tôi sẽ lên tiếng, bất kể khen chê, miễn cung cấp được tin tức mà tôi biết. Không có bài này, tôi sẽ không thể viết tiếp “Đầu ta như chiếc đầu lâu cổ: Hãy nói dùm Tô Thùy Yên một đời thất sắc“.

Trước tiên, ông ta cần nên bỏ lối viết ngồi lê đôi mách. Dù gì cũng mang tiếng viết lách bao nhiêu năm mà không dám đối thoại với độc giả ư? Chưa nói tới đối thoại với các nhà phê bình khác? Để cổ võ cho nhận xét nhà thơ đã “bôi xóa quá khứ” để giải oan cho cuộc biển dâu này, ông ta đã viết có đoạn như sau:

“Bài Ta Về làm 1985 khi tác giả vừa ra khỏi trại tù cải tạo, tuy có nhắc lại những lao khổ qua “mười năm chết dấp”; nhưng không thù hận. Ông xem những điêu linh, chiến tranh, lao lý, đổi đời như là hiện tượng tự nhiên, một cuộc biển dâu như người xưa vẫn quan niệm[…] Để bôi xóa quá khứ, để nuôi dưỡng sự sống, tác giả rót chén rượu giải oan, […] trong một bài nói tại Seattle ngày 26-7-1997; ông giải thích thêm, phân biệt “văn nghệ giải trí, giải muộn khác với văn nghệ ở cấp độ cao nhất là văn nghệ giải oan, giải thoát”. Dù sao thơ cũng cần đến những ẩn dụ hào hoa, chứ kỳ thật để giải oan cho cuộc biển dâu này, Tô quân không cần rưới chút rượu hồng nào cả. Thơ ông là đủ để hóa giải.”

Rồi đưa tới kết luận “ngồi lê đôi mách” đồng hóa người Cộng sản với người chống Cộng trong và ngoài nước:

“[…]Người cộng sản không ưa Tô Thùy Yên thì chuyện dễ hiểu, nhưng khắc nghiệt đến mực ấy thì quả là bất thường, gây thiệt thòi cho quần chúng độc giả; nhất là giới trẻ không tiếp cận được với một nguồn thơ giàu có của đất nước họ. Mà giới chống cộng trong hay ngoài nước, cũng chưa chắc gì đã ưa lối thơ này, mà nhiều người chê là “thiếu lửa”, ví dụ bài Ta Về nổi tiếng. Họ đòi hỏi ở một nạn nhân cộng sản tính chiến đấu cao hơn, và ngờ vực tác giả còn giữ nhiều liên hệ với giới văn nghệ quốc nội và đã đôi ba lần về thăm đất nước. Nghe nói tập thơ cuối cùng mới in gần đây tại Mỹ không bán, tác giả xuất bản để tặng bạn bè…” (Đặng Tiến, bđd)

Tại sao ông ta không chỉ đích danh những ngoài nước hay những trong nước cho họ cơ hội lên tiếng? “Người xưa” có giam hàng trăm ngàn quân dân phía bại trận và trục xuất hàng trăm ngàn dân–nhất là dân có tiền của– về vùng “Kinh tế Mới” khiến họ lao vào biển cả (không phải “biển dâu”) để tìm đường sống, đến nỗi tạo thành chữ thuyền nhân/boat people trong lịch sử cận đại của thế giới? Quốc tế–chứ không phải bọn “chống Cộng”– ước lượng có khoảng vài trăm ngàn dân Miền Nam biệt tích trên đường vượt biển vượt biên tìm tự do. Số đàn bà con gái bị hãm hiếp hay bị bắt vào các ổ điểm Thái Lan thì không bao giờ có thể ước lượng được. Cho nên, tôi tin câu “ngoài thời gian và vô quốc tịch ” của ông ta (từ bài của Ý Nhi) bịa ra là có thật. Chỉ có một thứ người “vô quốc tịch” mới không biết đau đớn–dù Nam hay Bắc–trước những số phần như thế. Hay ho gì mà nói cạnh nói khóe tới người “chống Cộng”?

Thế nhưng không ai phí thì giờ đòi hỏi bất cứ một “nạn nhân cộng sản” nào “một tính chiến đấu cao hơn”. Nhất là từ Tô Thùy Yên. Tôi đã từng phải làm một việc bất lịch sự khi phản bác ông  một cách mạnh mẽ ngay trong lúc phỏng vấn khi đề cập đến các Trung Tâm Văn Bút và Ủy ban Văn nghệ sĩ-Bị cầm tù, nghĩa là tôi, và nhiều bạn nữa, hiểu rất rõ “cái tạng” của ông ngay từ hồi đó (8). Còn “ngờ vực tác giả còn giữ nhiều liên hệ với giới văn nghệ quốc nội và đã đôi ba lần về thăm đất nước”? Tại sao Đặng Tiến không nêu đích danh trong “văn giới quốc nội” và viết rõ chỗ nào thuộc “đất nước” khi kết án người khác? Chỉ có một chỗ mà tôi biết là …”đi ăn bánh xèo Đinh Công Tráng” lại do chính nhà thơ Ý Nhi bầy ra khi viết về Tô Thùy Yên.  Ai biết ma ăn cỗ tại chỗ nào, trừ có lẽ Đặng Tiến? Tôi không hiểu tại sao đến giờ này vẫn có người tiếp tục thứ khẩu hiệu quê nội quê ngoại để chia rẽ mọi người? Hầu có cớ vu oán hòng bào chữa cho sự thất bại của thơ Tô Thùy Yên vì “Nghe nói tập thơ cuối cùng mới in gần đây tại Mỹ không bán, tác giả xuất bản để tặng bạn bè” [Đặng Tiến, bđd]?!!!

Ngay cả chính Tô Thùy Yên– một thi sĩ từng lưu diễn, từng phát biểu, từng trả lời phỏng vấn, từng tự bênh vực thơ mình, từng dự các cuộc tiệc tùng hội hè đình đám, từng giao du với …quan chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và từng ra Hà Nội gặp gỡ giới văn nghệ sĩ ngoài đó –cũng không thể cấm trong nước lẫn ngoài nước nhận xét hay phê bình.Nếu cây ngay lẽ nào lại sợ chết đứng nhỉ? Lẽ ra là một người phê bình, Đặng Tiến còn càng cần phải biết rằng giới độc giả có quyền yêu ghét một tác giả tùy theo quan niệm và tâm cảm của họ mà quan niệm và tâm cảm ấy rất nhiều khi không dính dáng gì đến chính trị. Phần tôi, tôi sẽ trình bày bối cảnh của một quá khứ đã chi phối sáng tác của Tô Thùy Yên, do đó có thể đã ảnh hưởng tới nghệ thuật của ông lúc đó và sau này.    

2. TÔ THÙY YÊN trước 1975: THIẾU TÁ ĐINH THÀNH TIÊN – TRƯỞNG PHÒNG VĂN NGHỆ, CỤC TÂM LÝ CHIẾN, K.B.C.  3168 Tổng Cục Chiến tranh Chính trị, Quân lực Việt Nam Cộng hòa

Tô Thùy Yên [Niên-Giám Văn-Nghệ-sĩ và Hiệp-hội Văn-Hóa Việt-Nam 1969-1970 Phủ Quốc-Vụ-Khanh Đặc-Trách Văn-Hóa, 1970]
Một câu hỏi muôn thuở khi đánh giá sự nghiệp thơ văn của một tác gia — nhất là một tác gia đã bị bắt buộc hay tình nguyện tham dự một cuộc chiến– là sáng tác của họ đạt tới mức nào sau kinh nghiệm đó. Tôi rất nghi ngờ thứ giáo điều, rằng người cầm bút và tác phẩm của anh ta chỉ có thể giới hạn trên phương diện nghệ thuật một cách duy nhứt, bứt rời khỏi môi trường anh ta sống và hành động. Nói như thế có khác nào anh ta không hề làm chủ một quá khứ, vị trí của một quá khứ riêng từ một trí nhớ chung, điều tôi đã đề cập đến trước đây trong cuốn Ủy ban Văn nghệ sĩ-Bị Cầm tù: Cánh chim phượng hoàng tái sinh từ Trung Tâm Văn bút Việt Nam Lưu vong [Nhà xuất bản Mẹ & Con, 7.2017]. Một người phủ nhận hay tránh né trí nhớ chung từ trí nhớ riêng thì không cách nào chuyển nó vào nghệ thuật được. Mà nghệ thuật là gì nếu không phải là kinh nghiệm và cảm xúc trầm tích trong quá khứ chính vì những “kinh nghiệm và cảm xúc trầm tích trong quá khứ” ấy đã phản ảnh ngay vào văn chương.

Tôi sẽ không thể đánh giá một cách công bằng, nếu có bao giờ nghiên cứu về thơ ông, khi thiếu những chi tiết về quãng đời đó. Hãy đọc lại những bài “Qua sông”, “Anh hùng tận”, “Chiều trên Phá Tam Giang” hay “Trường Sa hành” để ngẫm đến “Ta Về” là có thể tự trả lời. 

Cuộc đời binh nghiệp của ông–có lúc giữ một trong những chức Trưởng Phòng quan trọng nhất của Cục Tâm lý chiến, Việt Nam Cộng hòa–chỉ còn đúng một dòng ngắn ngủi “tại ngũ từ 1963 đến 1975” (Thắp Tạ, 1944). Gần nửa thế kỷ trôi đi, mấy ai còn biết tới 3 trận Lộc Ninh do phóng viên chiến trường Đinh Thành Tiên bút danh Tô Thùy Yên tường thuật trên tạp chí Vấn Đề, 1967? Người ta có thể không biết nhưng ông chắc chắn còn nhớ. Dù sao chăng nữa, Đảng và người Cộng sản Việt Nam đã không quên: Họ sử dụng ông và quá khứ đó như một thứ poster boy/nhân vật điển hình  cho cuộc vận động “Cuộc gặp mặt lần thứ nhất Nhà văn với Sự nghiệp Đại đoàn kết Dân tộc” vào năm 2017 như sẽ bàn tới trong bài này.

Vấn đề được đặt ra sẽ không phải là “hòa hợp hòa giải” [toàn dân Việt Nam đều biết đó là 4 chữ không cần nhắc đến vì sẽ xúc phạm tới sự thông minh của mọi người], mà là một vấn đề của riêng Thiếu tá Đinh Thành Tiên. Ông đã phục vụ tại Cục Tâm lý chiến, Việt Nam Cộng hòa và thuộc Văn học Miền Nam với bút danh Tô Thùy Yên- một thành viên của nhóm Sáng Tạo. Chúng ta đã biết nhiều về Nhóm và Tạp chí Sáng Tạo, nhưng còn về Tổng cục Chiến tranh Chính trị, Cục Tâm lý chiến? Trong cuộc vận động đó, họ đã nhắc tới Cục Tâm lý chiến như sau:

 “Bằng hệ thống tâm lý chiến khổng lồ với nhiều thủ đoạn trá hình, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cố tạo ra một thứ văn hoá uốn éo, ẻo lả, vị kỷ, bế tắc… Nguy hiểm hơn, họ muốn hướng dân chúng đến niềm tin lệch lạc rằng Việt Nam Cộng hoà là quốc gia riêng biệt, tách rời khỏi nước Việt Nam thống nhất; rằng “giải phóng miền Nam” thực chất là cuộc xâm lược của những người cộng sản miền Bắc…” [Nguyễn Thế Kỷ, “Hòa hợp, đoàn kết dân tộc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ sau năm 1975”, Tuần báo Văn Nghệ số 43, ngày 27.10.2017, http://baovannghe.com.vn/hoa-hop-doan-ket-dan-toc-trong-linh-vuc-van-hoa-van-nghe-sau-nam-1975-17156.html?vip=bvn]

Một số tài liệu sau đây sẽ giúp chúng ta có thể vạch được một cách đại cương hành trình của Đinh Thành Tiên-Tô Thùy Yên từ một người lính trừ bị tới Thiếu Tá Trưởng Phòng Văn nghệ, Cục Tâm lý chiến. Nghĩa là hành trình của một người lính, kể cả một người lính Tâm lý chiến, chống lại cuộc xâm lược của Đảng Cộng sản Miền Bắc–mà chính ông từng công nhận–bên cạnh hành trình một nhà thơ.

2.1  Tháng giêng, 1967: Trung úy Đinh Thành Tiên viết tựa cho Ca khúc Trịnh Công Sơn với bút danh Tô Thùy Yên

Tô Thùy Yên nhập ngũ vào cuối năm 1963 khi nhận được lệnh nhập ngũ Khóa 17 Thủ Đức. Khi viết tựa cho Ca khúc Trịnh Công Sơn, có lẽ ông mang lon trung úy. Hãy đọc đoạn này:

“[…] Ở đây, vì tình thế đau đớn đặc biệt của quê hương, chúng ta phải gánh chịu gấp đôi thân phận nhân loại. Do đó, có vài người tâm hồn giản dị đã vội kết luận rằng những ca khúc này của anh là những tác phẩm phản chiến để buộc tội anh về những tác dụng nguy hại của chúng đối với đám đông trong giai đoạn nghiêm trọng này của đất nước. Chẳng lẽ chúng ta lại lên tiếng trách móc sao những người lại nỡ mang đặt nghệ thuật vào trong một cuộc đầu tư ngắn hạn và chắc chắn thua lỗ. Nghệ thuật khi đã hình thành, là một nhận thức bao quát về đời sống, là cánh hồng bay bổng tuyệt vời, chớ đâu phải là con gà què ăn quẩn cối xay…” [Tô Thùy Yên, “Huyển thoại về con người”, Ca khúc Trịnh Công Sơn, An Tiêm xuất bản, Sài gòn, Tháng giêng 1967, https://www.tcs-home.org/ban-be/articles/HuyenThoaiVeConNguoi]

Chúng ta có thể thấy Tô Thùy Yên đã bầy tỏ quan điểm của ông về nghệ thuật, nghĩa là bênh vực vô điều kiện ca khúc của Trịnh Cộng Sơn, những ca khúc mà Tô Thùy Yên biết thừa là  “tác phẩm phản chiến” có “những tác dụng nguy hại của chúng đối với đám đông trong giai đoạn nghiêm trọng này của đất nước”. Đằng khác, ông khinh rẻ những người không cùng quan điểm có “tâm hồn giản dị” đó đến nỗi so sánh họ với những “con gà què”. Một thi sĩ tự tin thì thứ nhất, không nên có cái lối nói hơi đạo đức giả “Chẳng lẽ chúng ta lại lên tiếng trách móc…” vì ông không những trách móc, còn đã mạt sát họ. Thứ hai, một thi sĩ không bao giờ cần kết án những người không đồng quan điểm. Sự thiếu tự tin này sẽ theo đuổi hết cuộc đời ông như sẽ dẫn chứng và, theo tôi, là một lý do khiến thơ ông không thể đạt đến “cánh hồng bay bổng tuyệt vời“.

Nhưng chỉ 5, 6 năm sau, ông sẽ còn quyết liệt hơn “vài người tâm hồn giản dị” đó khi “đề nghị”, [một chữ lịch sự thay cho hai chữ “kiểm duyệt”] không hát nhạc Trịnh Công Sơn lúc nắm chức Trưởng phòng Văn Nghệ, Cục Tâm lý chiến theo lời kể của Đinh Quang Anh Thái.

2.2  Tháng 9, 1967: Phóng viên chiến trường Trung úy Đinh Thành Tiên với bút danh Tô Thùy Yên

Đây là một đoạn trích trong bài “Lộc Ninh: Trận đánh mở màn Chiến dịch Đông Xuân của Việt Cộng” do Tô Thùy Yên gửi về đăng trên tạp chí Vấn Đề, tháng 9, 1967:

” […] Sau đó, Tiểu Đoàn 2/9 được chuyển tới để mở những cuộc hành quân giải tỏa áp lực địch trong những vùng phụ cận. Địch quân rời bỏ phố chợ, chém vè vào rừng núi ven biên giới. Nhưng ai cũng hiểu rõ rằng trận chiến Lộc-Ninh chưa thể ngừng lại ở giai đoạn này. Ngày hôm sau, ta tăng cường thêm Tiểu Đoàn 36 Biệt Động Quân. Về phía Mỹ, 3 Tiểu Đoàn thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh được chuyển tới mặt trận đóng theo thế chân vạc, cách căn cứ Chi Khu trong vòng bán kính 5 cây số. Đến đêm 31 tháng 10, rồi đêm 2 tháng 11, cả 3 Trung Đoàn Q.761, Q.762 và Q.763 phối hợp nhau liên tiếp đánh thêm hai trận kinh hồn nữa vào căn cứ Chi Khu và các đơn vị Hoa-Kỳ. Mặc dù V.C. giốc hết toàn lực của Sư Đoàn 9 nhưng vẫn không hạ được căn cứ Chi Khu vì hỏa lực yểm trợ hùng hậu của pháo binh, trực thăng võ trang, khu trục cơ và cả phản lực cơ, nhất là trong trận cuối cùng đêm 2 tháng 11, rốc kết và bom lửa đã được xử dụng tới mức tối đa ở chung quanh căn cứ Chi Khu, gây nên những đám cháy khổng lồ ở mấy lô cao su gần bên phi đạo.  Tính chung cả ba trận đánh Lộc-Ninh trong năm ngày liền, mức tổn thất của V.C. có thể lên tới 1.500 nhân mạng thương vong (về phia Mỹ: từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 3 tháng 11, có cả thảy 495 V.C. chết tại trận, 17 bị bắt, với 26 súng cộng đồng và 52 súng cá nhân bỏ lại). Như vậy, Sư Đoàn 9 V.C. có thể thiệt hại trên 40 phần trăm. Trên phương diện tiếp vận, nhất là trên phương diện tinh thần, với một phân số thiệt hại như vậy, một đơn vị coi như đương nhiên bị loại ra ngoài […] thì ba trận Lộc-Ninh thật ra cũng chỉ là những trận đánh mở màn chiến dịch Đông Xuân của V.C. mà mục đích chính yếu là giải tỏa biên giới, mở rộng các đường xâm nhập từ Bắc vào Nam mà không cần phải băng qua vùng phi quân sự.” [Tô Thùy Yên, Lộc Ninh: Trận đánh mở màn Chiến dịch Đông Xuân của Việt Cộng, sđd, trang 21-22]

Tôi có thể bảo đảm rằng một số “tín đồ” cùng các nàng thơ của Tô Thùy Yên sẽ không tưởng tượng được một thi sĩ từng viết những câu đầy triết lý, lại là một sĩ quan phóng viên chiến trường sử dụng rành rẽ ngôn ngữ súng đạn như “công kiên chiến”, ” công đồn đả viện”, “tao ngộ chiến” và chỉ đích danh …Việt Cộng. Tôi phải mở ngoặc để mạn phép giải nghĩa cho các nàng thơ — đang thu tàn quân và đang kiểm điểm lực lượng xem được chàng tặng mấy bài — rằng “tao ngộ chiến” là chiến thuật gặp đâu đánh đó, “tao ngộ” chỗ nào thì đánh lẻ tẻ cho dân hoang mang và sợ hãi hầu cũng để cung cấp lương thực nuôi họ. “Tao ngộ chiến” không cần chuẩn bị đánh lâu hay tấn công đặc biệt một đồn nào đó như “công đồn đả viện”. Các bạn Miền Nam hồi xưa du lịch đường Sài gòn-Đà lạt rất nhiều hân hạnh tao ngộ các đoàn du kích này. Ái nữ của nhà văn Mặc Đỗ từng thuật lại một cuộc tao ngộ hiểm nghèo như thế với một ký giả ngoại quốc khi bà du học tại Hoa Kỳ. May là không bị bắt làm…con tin vì chắc chắn các cậu du kích không biết bà là ái nữ của một trong những thành viên của Nhóm (“phản động”) Quan Điểm, mượn lời cái loa phường của Đài Tiếng nói  Việt Nam.

Trong bài này còn có một đoạn có thể giải nghĩa việc tự sát sau này của 5 viên tướng và vô số sĩ quan cùng binh sĩ Việt Nam Cộng hòa vào tháng 4.1975, những người không đầu hàng hay/và “không bỏ lính” như Trung tá Nguyễn Xuân Phúc đã nói với bạn hữu chỉ vài tháng trước khi mất tích. Đó là một đoạn miêu tả cảnh lính VNCH tử thủ sau khi người chỉ huy yêu cầu Pháo binh và Không quân bỏ bom ngay trên đầu họ vì lính Cộng sản đã đến ngay bên cạnh. Cảnh này, dĩ nhiên, đã tái diễn tại nhiều trận đánh khác:

” […] Thành phần hỏa lực gồm có những khẩu súng cối 82 ly, 60 ly, đại bác không giật 75 ly và 57 ly bố trí trong lô cao su của mặt Đông Nam của Chi khu, pháo kích chừng 4.000 quả đạn vào căn cứ Chỉ Khu và Trại Cách mạng; thành phần xung kích từ  hướng phố chợ tức mặt Tây Bắc dùng ma bengalore phá dây kẽm gai và mìn plastic phá các công sự phòng thủ, tràn vào căn cứ Chi Khu. Ngay sau đợt xung phong thứ nhất của địch, ta chỉ còn 2 vị trí chiên đấu (căn hầm của Bộ Chỉ Huy và lô cốt phía Nam). V. C.  khi đã tràn được vào đồn, liền dùng lựu đạn tấn công tẩy sạch các hầm trú ẩn trong trại gia binh. Lực lượng Chi Khu lúc đó đã gần hết đạn, mỗi chiến sĩ đã bắn trên ba cấp số hỏa lực (cấp số hỏa lực của một khẩu súng trường được ấn định là 120 viên). Có một lúc, V.C. chỉ đúng cách miệng hẳn không tới 20 thước. Bảo chí đã nói nhiều đến căn hầm bí mật của Chi Khu Lộc-Ninh. Thật ra, căn hầm này chẳng có gì là bí mật cho lắm: đó là một căn hầm của quân đội Nhật để lại, ở dưới lòng đất 15 thước, có 5 ngõ thông thương theo hình ngôi sao, hội tụ vào một căn phòng nhỏ hẹp đặt máy truyền tin và được coi như vị trí phòng thủ cuối cùng của căn cứ Chi Khu. Căn hầm đó do 12 chiến-sĩ cố thủ. Cũng may là 6 cấp trụ truyền tin (trong đó có 4 cây trụ giả nghi trang) không bị hư hại. Chi Khu vẫn còn liên lạc được với Tiểu Khu, Trại Cách- Mạng và đứa con bên lô cốt Nam. Cuối cùng Bộ Chỉ Huy Chi Khu quyết định yêu cầu pháo binh và không quân xạ kích ngay trên đầu mình để ngăn chặn địch. Đó là đêm dài nhất trong đời 12 chiến sĩ...” [Tô Thùy Yên, sđd, trang 20]

Xét về những bài thơ xuất hiện trong cùng thời gian, ông vẫn có sáng tác nhuốm đầy mỏi mệt của một thân phận bất lực trôi nổi theo cuộc chiến. Ông không phải là thi sĩ duy nhất. Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn có những câu thơ thuyết phục hơn nhiều về cái nhìn bất-cần-đời trước một cuộc chiến vô vọng. Tuy vậy, chưa tới 6 năm sau,  Đại úy Đinh Thành Tiên với bổn phận của một người lính Việt Nam Cộng hòa đã đổi khác thấy rõ theo tuổi lính dầy lên với giai đoạn làm phóng viên chiến trường. Chúng ta có thể nhận ra phần lấn lướt đó, qua kỷ niệm gặp ông lần đầu của Đinh Quang Anh Thái vào khoảng 1972-1973 tại Cục Tâm Lý chiến (cũng cùng khoảng ông viết “Chiều trên Phá Tam Giang”) kèm lời bàn của nhà thơ Đỗ Quý Toàn, một người bạn của Tô Thùy Yên từ những năm trung học, về cuộc gặp gỡ này.

2.3  1972: Đại úy Đinh Thành Tiên đề nghị một phái đoàn học sinh trung học không nên hát nhạc Trịnh Công Sơn tại Đài Phát thanh Quân đội, Việt Nam Cộng hòa, khoảng 1972-1973

Nhạc Trịnh Công Sơn là một thứ nhạc không dè được hậu quả kinh khiếp của một cuộc chiến do Đảng Cộng sản chủ trương ngay từ đầu. Ngay từ đầu, Việt Nam Cộng hòa đã tiến dần tới hậu quả đó dù hết sức chống trả. Sự thất trận của Quân lực Việt Nam Cộng hòa– một quân đội không còn vũ khí khi đồng minh Hoa Kỳ rút đi–là sự đương nhiên. Trong khi đó, Khối Cộng sản hoàn toàn đứng sau Miền Bắc với một kho vũ khí tân tiến và dồi dào. Tấm ảnh bắt đầu bài này là bằng chứng quá rõ ràng.

Ký giả Đinh Quang Anh Thái thuật lại như sau trong chương trình phát thanh “Nhà thơ Tô Thùy Yên qua đời: Nói chuyện với Ngô Nhân Dụng”. Sau đây là một phần cuộc nói chuyện đó:

          -” Đinh Quang Anh Thái (ĐQA Thái): Thì chúng tôi khoảng 17 tuổi khi chúng tôi chọn cái bài “Tuổi trẻ của chúng tôi” của Trịnh Công Sơn có câu mở đầu là Tuổi trẻ VN là hầm hố chông gai (hát câu này) thì lúc hát bài đó khi bước ra khỏi phòng thu thì có 1 ông đại úy người Việt Nam có 1 ông đại úy Đinh Phụng Tiên tức là đại úy Tô Thùy Yên…

          – Ngô Nhân Dụng (NND): Đinh Thành Tiên

          – ĐQA Thái: Đại úy Đinh Thành Tiên tức là Tô Thùy Yên mới gọi đám học sinh chúng tôi đến và ông bảo tôi không trách các cậu tại các cậu trẻ quá không thấy được bài nhạc này, nhưng bài nhạc này nó muốn tả về bên kia đấy chứ không phải là bên này đâu. Nhưng cái hay của nhà thơ Tô Thùy Yên là ông ở vị thế quyết định là chọn hay không cho chọn phát hình cái bài đó. Nhưng mà ông đã thấm đẫm cái sinh hoạt mà tôn trọng ý kiến của người khác của không khí tự do của Miền Nam, và ông chỉ nói thế thôi, và ông bảo rằng ông chỉ góp ý, và chúng tôi bàn với nhau xong thì chúng tôi thấy ý của nhà thơ Tô Thùy Yên là đúng và chúng tôi trân trọng sự góp ý của ông và chính chúng tôi xin cắt bản đó không phát nữa. Đó là kỷ niệm, hồi còn bé, thấy được 1 nhà thơ Tô Thùy Yên, người Nam Bộ, ăn nói nhỏ nhẹ, khuôn mặt rất là hiền và cái cách mà ông đóng  góp với học trò cũng không có kẻ cả, không có ra lệnh lạc gì hết mặc dù có vị thế cắt được bài đó…Cái đó là cái hay của Tô Thùy Yên.

          – NND: Cái đó cho thấy cái tư cách của Tô Thùy Yên nói riêng và của 1 sĩ quan trong quân đội VNCH, là ông thấy 1 bài hát có tính cách chống lại cái việc mà quân đội Miền Nam có những người trẻ phải tham dự vô đó rồi lăn mình vô cuộc chiến thì ông ấy thấy cái đó nói lối đó là thiên lệch, là bởi vì cuộc chiến tranh đó là do Miền Bắc nó gây ra, bây giờ ở cái người Miền Nam đành phải đánh lại, mà bây giờ chỉ có nói rằng, Ố tuổi trẻ Việt Nam chỉ có chết ở hầm hố chông gai không thôi, thì 1 cách làm cho người ta không muốn đi lính nữa, không muốn làm cái bổn phận của cái người thanh niên nữa, thì khi ông Tô Thùy Yên ông thấy như vậy, ông bảo cái này là cái lợi cho phía Bắc Việt, nhưng ông không dùng cái quyền lúc ấy ông ấy đang làm ở Đài phát thanh…

          – ĐQAT: Cục Tâm lý chiến  Quân đội nhưng ông là người coi chương trình học sinh lên hát trong chương trình Quân đội….

          – NND: Nhưng mà ông ấy có cái quyền bảo các anh cắt cái này đi, nhưng ông ấy lại nói rằng, tôn trọng sự lựa chọn của các anh, nếu các anh chọn như vậy tôi không có cắt, thì điều đó cho thấy tư cách của ông Tô Thùy Yên này và của 1 người sĩ quan quân đội…” [Đinh Quang Anh Thái “Nhà thơ Tô Thùy Yên qua đời: Nói chuyện với Ngô Nhân Dụng, Phần 2, Ngày 23.5.2019,  https://www.youtube.com/watch?v=399IZ2kYQwU-Tôi hy vọng đã ghi lại nhiều phần chính xác cuộc nói chuyện này.]

Sự kiện thượng dẫn chứng minh Đại úy Đinh Thành Tiên-Tô Thùy Yên đã thực sự nhận thấy mối nguy bị Bắc Việt chiếm và hậu quả đương nhiên xẩy ra:  “V. C.  khi đã tràn được vào đồn, liền dùng lựu đạn tấn công tẩy sạch các hầm trú ẩn trong trại gia binh” [Tô Thùy Yên, bđd] nghĩa là họ đã tàn sát (“tẩy sạch”) cả đàn bà con trẻ người già trong trại gia binh (chỗ cư ngụ của thân nhân người lính). Chỉ trong vòng khoảng 6,7 năm, từ 1967 đến 1972, từ một người viết tựa dè bỉu những người “đầu tư ngắn hạn và chắc chắn thua lỗ”, ông đã nhận ra rằng cuộc thua lỗ tại chiến trường sẽ vấy máu Miền Nam, kể cả gia đình mình.

Có điều tôi cần phải nêu ra một điểm cần xét lại. Trong cuộc nói chuyện, cả Ngô Nhân Dụng lẫn Đinh Quang Anh Thái đều nhấn mạnh và hình như rất tự hào về việc Đại úy Đinh Thành Tiên chỉ khuyên chứ không cắt bài hát đó dù “có quyền” vv và vv. Trên nguyên tắc, và nhất là để tránh những thứ học sinh sinh viên nằm vùng có cớ gây rối, ông không có quyền cắt vì chính phủ lúc ấy vẫn cho phép lưu hành các bài hát của Trịnh Công Sơn. Nếu thấy nguy hại và phản lại chính sách của chính phủ, “làm hại đến tinh thần chiến đấu của chiến sĩ” vv thì tôi có cảm tưởng ông phải hội ý với Trung tá Văn Quang, Quản đốc Đài Phát Thanh Quân đội VNCH. [Dẫm lên …giầy bốt-đờ-sô của Văn Quang, rất dễ bị dăm bẩy ngày trọng cấm]. Nếu 2 ông không thể giải quyết thì sẽ phải trình lên Đại tá Cao Tiêu, Cục Trưởng Cục Tâm lý chiến. Nếu Đại tá Cục trưởng vẫn còn nghi vấn thì sẽ trình lên Trung Tướng Trần Văn Trung, Tổng Cục trưởng Tổng cục Chiến tranh Chính trị. Nếu Trung tướng Trần Văn Trung không quyết định được, thì sẽ phải… trình lên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ôi, lúc đó thì xong ngay: “Hãy nhìn những gì Cộng sản làm. Đừng nghe những gì Cộng sản nói” và ra lệnh cấm ngay lập tức. Không những cấm mà còn ra lệnh tống vào tù, tha hồ ca với hát “Tuổi Trẻ Việt Nam là hầm hố chông gai/ Mắt đăm đăm nhìn những xóm thôn lúa vùi/ Sớm mai nào nhìn đoàn quân qua đầu núi/ Nghe trong lòng một nỗi ngậm-ngùi...” Hay ra lệnh đưa các em này ra chiến trường hầm hố chông gai vác đạn tiếp tế các đồn bót xa xôi cho “ngậm ngùi” thêm chút nữa.

Sau nữa, không hiểu vì tôi quen với … “xếp” của các Trưởng Phòng Tâm lý chiến như nhà thơ Cao Tiêu, họa sĩ Tạ Tỵ hay các sĩ quan cao cấp như Trung tá Hà Thượng Nhân và nhà thơ Hà Huyền Chi mà tôi muốn nói thêm một điều nữa. Tôi có cảm tưởng cả Ngô Nhân Dụng [nhà thơ Đỗ Quý Toàn] lẫn Đinh Quang Anh Thái đều không hình dung được “tâm lý chiến” nghĩa là gì. Một sĩ quan Tâm lý chiến bắt buộc sẽ không “ra lệnh” nhưng sử dụng nghề-của-chàng để thuyết phục. Hơn nữa, có phải đám này là  lính của chàng đâu mà “ra lệnh”?! Nhất là trong đám học sinh có mặt hôm đó chắc chắn phải có mấy cô diễm lệ của thủ đô Sài gòn hoa lệ, như cái cô “thương xá” trong “Chiều trên Phá Tam Giang” đấy. Thế nên chàng càng phải “nhỏ nhẹ” chứ lỵ. “Chiêu hồi” mỹ nhân hay kẻ địch kể ra cũng không khác nhau xa mấy. Cho nên, khen bạn (tôi) nồng nhiệt như thế hóa ra lại hại chàng đấy.

Từ trái sang phải: Đại tá Cao Tiêu, Cục trưởng Cục Tâm lý chiến VNCH, một thân hữu, Nguyễn Tà Cúc, Viên Linh (khoảng năm 2001)

Nói đi phải nói lại, Đinh Quang Anh Thái và các bạn trong nhóm sinh viên học sinh ngày đó không phải là những người duy nhất thích nhạc Trịnh Công Sơn. Ngày đó–với nhiệt huyết của tuổi trẻ, với lý tưởng trong sáng, với niềm tin ngây thơ của những người thiếu kinh nghiệm chính trị, rằng cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến “ủy nhiệm” giữa 2 Khối Nga-Mỹ–nhiều người tưởng nhầm họ có thể thay đổi cuộc chiến bằng cách từ chối sự “ủy nhiệm” đó nghĩa là tiếp tục được tự do ca hát mặc tình mà không tốn một giọt máu nào. Sau 1975, chỉ khi “Máu đào nhỏ lệ Nam Kinh” [thơ Nguyễn Sỹ Tế], may ra họ mới hiểu rằng không ai có thể “ủy nhiệm” quyền tự do cho ai. Đồng minh Hoa Kỳ có thể dùng Việt Nam Cộng hòa cho ý đồ của họ. Nhưng chúng ta phải đổ máu cho quyền tự do của chúng ta. Và cuộc tranh đấu đó cho tự do chống lại Khối Cộng sản đó không dính gì đến Hoa Kỳ, trừ vũ khí của họ. Những người nào, cho đến giờ này, vẫn còn tin cuộc chiến tranh giữa Miền Nam-Tự do chống lại Miền Bắc-Cộng sản là một cuộc chiến “ủy nhiệm” cần nên nhìn lại sự tự do hay mất tự do của họ và của cả người khác nữa sau 1975 mà tự xét đoán. Trước 1975, cả Thiếu tá Đinh Thành Tiên lẫn nhà thơ Tô Thùy Yên đều hiểu hơn ai hết giá trị sự sống còn của Miền Nam-Tự do theo chứng cớ của chỉ 3 tài liệu trên.

Sau 1975, trong một cuộc phỏng vấn với nhà thơ Phan Nhiên Hạo, ông lại xác nhận “ý niệm tự do dân chủ” tại Miền Nam đã giúp Nhóm Sáng Tạo thành hình:

“[…] Và hẳn nhiên, người ta chẳng thể nào làm văn chương nghệ thuật bên ngoài lịch sử được. Sự xuất hiện cũng như sự thành công nếu có của tạp chí Sáng Tạo vào cuối thập niên 1950 cũng nằm trong tiến trình đương nhiên của lịch sử ở thời điểm đó. […] Miền Nam từ trong hang cùng ngõ cụt của xã hội, cần những thay đổi khẩn cấp, những triển khai vượt bực để sinh tồn trong một cơn bão lửa khủng khiếp đã bắt đầu cho thấy lờn rờn những điềm báo bất thường. Thành thử, miền Nam cùng với sự tượng hình của ý niệm tự do dân chủ, trong một thời gian nhanh chóng, đã đón nhận ồ ạt bất kể mọi trào lưu tư tưởng hiện hành của thế giới, nhờ đó, nhận thức của thành phần tiên tiến trong quần chúng văn chương nghệ thuật một sớm một chiều cũng được nâng cao lên ngang tầm với nhận thức đương thời của quần chúng văn chương nghệ thuật thế giới. [Phan Nhiên Hạo phỏng vấn Tô Thùy Yên, “Thi sĩ, kẻ nhuốm bệnh thời khí trước tiên và khỏi bệnh sau cùng”, ngya2 26.4.2005, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4367&rb=0102]

Quan trọng hơn, trong đoạn trên, ông thú nhận một trong những điều kiện sinh tử cho văn chương nghệ thuật: Nó không thể tồn tại “bên ngoài lịch sử”. Chính điều kiện này, sau 1975, sẽ giúp thẩm định và tái thẩm định giá trị của thơ ông.

(còn tiếp)

Nguyễn Tà Cúc

 

CHÚ THÍCH

(1) Nguyên văn của Đặng Tiến như sau: “Tựa đề bài này khẳng định: Tô Thùy Yên là nhà thơ Việt Nam. Không phải là nhà thơ hải ngoại hay của Miền Nam cũ. Lý do đơn giản: ông là người Việt Nam, viết văn, làm thơ bằng tiếng Việt Nam…” [ Đặng Tiến, “Tô Thùy Yên (1938 – 2019) – Nhà thơ Việt Nam” https://kimdunghn.wordpress.com/2019/06/13/to-thuy-yen-1938-2019-nha-tho-viet-nam/ hay https://www.diendantheky.net/2019/06/ang-tien-to-thuy-yen-1938-2019-nha-tho.html ]

(2) và (3)  https://kimdunghn.wordpress.com/2019/06/13/to-thuy-yen-1938-2019-nha-tho-viet-nam/            Tôi xin trân trọng đa tạ và thành thật xin lỗi chủ nhân 2 tấm ảnh mà tôi đã sử dụng khi chưa xin được phép. Xin vị ấy liên lạc, nếu không bằng lòng, để tôi lấy xuống. Phần chú thích của tôi, nếu sai về cơ quan phục vụ của những người được nêu trên, cũng xin độc giả cho biết để cập nhật hay sửa đổi.

(4) a- Đoạn tiểu sử [đóng khung] của Tô Thùy Yên xuất hiện trong bài “Tô Thùy Yên: Thức cho xong bài thơ” của  nhà thơ Ý Nhi đăng trên mạng Người Đô Thị, Cơ quan chủ quản: Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng-Tổng hội Xây dựng Việt Nam, [https://nguoidothi.net.vn/to-thuy-yen-thuc-cho-xong-bai-tho-10186.html] và  trên báo giấy Số 65, trang 41, tháng 10.2017.

 b- Câu “Riêng tôi sức khỏe ngày càng lôi thôi, khó lòng đến thăm cô ở ngôi nhà Gò Vấp của cô…hay đi ăn bánh xèo Đinh Công Tráng”  không có trong Chú thích 5 trên Người Đô Thị nhưng có trên Viêt Studies. Nguyên văn Chú thích Số 5 của Ý Nhi trên Mạng Việt Studies như sau:

5. Trích thư Tô Thùy Yên trả lời về việc xin đăng thơ ông trên Văn Việt:…Riêng tôi sức khỏe ngày càng lôi thôi, khó lòng đến thăm cô ở ngôi nhà Gò Vấp của cô…hay đi ăn bánh xèo Đinh Công Tráng…Về những bài thơ, xin cô cứ tùy nghi. Tôi thiết nghĩ, dù xa mặt, bao giờ cô cũng chẳng nỡ làm gì có thể hại thanh danh và khí tiết của tôi…” [http://www.viet-studies.net/YNhi_ToThuyYen.html]

(5) Đây là nguyên văn tiểu sử của Tô Thùy Yên– kèm lời mời ông về dự cuộc họp có chủ đề  “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức– đã đăng cùng vào bài của Ý Nhi,  trên Người Đô Thị, ngày 7.10.2017:

“Cuối năm 1963 ông nhập ngũ, phục vụ ngành chiến tranh chính trị quân đội Sài Gòn.  Sau 30.4.1975, Tô Thùy Yên phải tập trung cải tạo tổng cộng gần 13 năm, đến 1993 ông cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư. Tô Thùy Yên là một trong số các nhà văn hải ngoại vừa nhận được lời mời về nước tham dự  “một cuộc gặp mặt nhẹ nhàng và ấm áp” với các nhà văn trong nước dự định tổ chức vào hạ tuần tháng 10 tại Hà Nội.” [ https://nguoidothi.net.vn/to-thuy-yen-thuc-cho-xong-bai-tho-10186.html] và http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-vi%E1%BB%87t-nam/7415-t%C3%B4-th%C3%B9y-y%C3%AAn-th%E1%BB%A9c-cho-xong-b%C3%A0i-th%C6%A1.html.]

(6) Đó là chức vụ của Thiếu tá Đinh Thành Tiên Tô Thùy Yên mà tôi đã sao lục từ nhiều sách quân sử hầu viết cho chính xác. Việt Nam Cộng hòa không có “Phòng Tâm Lý Chiến” cũng như Tô Thùy Yên không giữ chức “Trưởng phòng Ấn họa”. Chức đó hình như thuộc Thiếu tá /thi sĩ Hà Huyền Chi. Trung tướng Nguyễn Văn Trung (số quân 46/200.975) là Tổng Cục Trưởng và Đại Tá Cao Tiêu Hoàng Ngọc Tiêu (số quân 50/300.411) là Cục trưởng Cục Tâm lý chiến vào thời 1966-1975. Báo chí thuộc TCCTCT gồm nhật báo Tiền Tuyền, nguyệt san Chỉ Đạo, bán nguyệt san Chiến sĩ Cộng hòa và nguyệt san Tiền Phong.

(7) Tuy chưa lục báo cũ để kiểm nhưng tôi có thể đoán rằng, trong 20 năm, chúng tôi Khởi Hành có đăng khoảng 5, 6 bài của Đặng Tiến từ 1996 tới 1999.

(8) Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1998, Tô Thùy Yên đã nhắc đến Trung Tâm Văn bút với niềm “ngầm hãnh diện” là đã không gia nhập hội đoàn nào, kể cả Văn Bút. Tôi buộc lòng phải …tự vệ thay cho các hội viên của TT Văn bút VN Hải ngoại, nhất là khi tôi từng phải đảm nhận nhiệm vụ Trưởng Ủy ban Văn nghệ sĩ -Bị Cầm tù vì tình thế lúc bấy giờ đòi hỏi. Với chúng tôi, Văn bút chỉ là một phương tiện để tranh đấu. Nó không quan trọng gì tới nỗi phải “hãnh diện” hay “không hãnh diện”. [Tôi đã chính thức phản bác Tô Thùy Yên sau này, cũng trên Khởi Hành,  khi phát biểu về vấn đề trách nhiệm của nhà văn trước thời loạn]:

Tô Thùy Yên: […] Hơn nữa, tôi cũng ngầm hãnh diện là chưa từng gia nhập bất kỳ một hội đoàn văn hóa văn nghệ, hay một đảng phái chính trị nào. Mặc dù, sau này, khi bị nhà cầm quyền Cộng Sản bắt tới bắt lui vì thơ phú chữ nghĩa, nhận được rất nhiều sự giúp đỡ tinh thần và vật chất của nhiều hội đoàn ngoài nước, bất ngờ làm hội viên danh dự của một số Trung Tâm Văn Bút ngoại quốc, tôi vẫn chưa là hội viên thông thường của Văn Bút, chẳng hạn…

Nguyễn Tà Cúc:  Anh nói rất đúng: đã không phải cái tạng hay cái ý chí của mình thì không nên. Không phải ai cũng là một nhà thơ được như anh, nên không phải nhà văn nào cũng vừa cầm bút vừa là đảng viên mà tuy phân cách rõ ràng hai phần, phần nào cũng xuất sắc, cũng cống hiến được toàn vẹn như Nhượng Tống, như Nhất Linh[…] Còn Văn Bút thì như anh đã biết, sau 1975, nếu Văn Bút Quốc Tế không có Ủy Ban Văn Nghệ Sĩ -Bị Cầm Tù thì hẳn có nhiều anh em cũng chẳng muốn gia nhập làm gì để tốn tiền niên liễm mỗi năm!” [Nguyễn Tà Cúc, “Giấc Mơ Không Dứt Đó Của Thần Linh: Nói chuyện với nhà thơ Tô Thùy Yên“, Khởi Hành Số 26, Tháng chạp. 1998)

Tôi đã cố gắng thu thập rồi cũng được rất nhiều văn hữu trong và ngoài nước cung cấp thêm tài liệu để viết bài này.  Đây là một bài khá dài, không những bao gồm khoảng thời gian trước và sau 1975, mà còn nhắc tới nhiều nhân sự hay tạp chí khác nhau cùng sinh hoạt văn nghệ hay chính trị có liên quan của cả 2 Miền Nam-Bắc. Tôi xin trân trọng tri ân sự giúp đỡ của quý bạn.

 Dĩ nhiên, phần sai lầm là không tránh khỏi và sẽ hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của tôi.  Tôi chân thành mong được báo cho biết để bổ túc hay sửa chữa ngay  [NTC]

Nguồn: http://www.gio-o.com/HoLieu/NguyenTaCucTTYTamLyChien.htm

 

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận