Thế giới người điên
1.
Má ơi ! Con muốn điên rồi,
Má còn trông đứng đợi ngồi mà chi
Ầu ơ . . .
Ví dầu con Má có sao
Có điên, có dại Má nào bớt thương
Đó là những câu thơ của nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Ngu Í (1921 – 1979) bật lên trong những ngày điên loạn. Giữa ngổn ngang hiện vật trong phòng lưu trữ của nhà thương điên Biên Hoà, chúng tôi tìm thấy bút tích lời kêu cứu của ông viết vào năm 1976 như sau:
Tôi là Nguyễn Hữu Ngư, 58 tuổi, bút hiệu Nguyễn Ngu Í, là nhà văn, nhà giáo, nhà báo chuyên nghiệp, hiện là bệnh nhân ở khu 3, bệnh viện tâm thần Biên Hòa (tức nhà thương điên Biên Hòa). Xin có lời kêu cứu với các bạn, các thầy, học trò cũ và những người quen biết:
Tôi mắc bệnh cuồng não tuần hoàn từ năm 18 tuổi. Lúc trẻ, năm bảy năm bệnh tái phát một lần, càng có tuổi chu kỳ càng hẹp. Biến cố lịch sử tết Mậu Thân xúc động tôi quá mạnh, tôi lên cơn dữ dội. Nay chu kỳ bệnh lại công phạt, cứ vài tháng là bệnh cũ tái phát trở lại, tôi phải sống nhờ cơm của nhân dân, lấy bệnh viện làm nhà. Vừa rồi tôi suýt chết, tôi thấy sức lực tôi đã mòn nhiều, sống ráng độ vài năm nên tha thiết yêu cầu người quen giúp phương tiện để tôi có thể: 1-Mua một kính cận thị bị anh em quận đội đánh bể vì tôi đột nhập vào quận đội nửa đêm tết năm ngoái. 2-Làm một hàm răng giả (tôi phải ăn nuốt trọng từ một năm nay). 3-Tái bản quyển “Sống vô vị”, “Có những bài thơ”, “Hạnh phúc chính nơi bạn”. 4-Xuất bản hai tập hồi ký “Nếu tôi nhớ kỹ” và “Những bức thư tình tưởng không bao giờ viết”.
Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh sau khi đọc cho tôi ghi lời kêu cứu của Nguyễn Ngu Í, ông nói: “Một người điên mà biết trăn trở vì sống nhờ hạt cơm của nhân dân thì quả là một người điên cực kỳ tử tế”.
Trong hồ sơ bệnh lịch của Nguyễn Ngu Í nhập viện hồi năm 1964 có đoạn viết: “Bệnh khởi phát từ năm 1940 với triệu chứng nói nhiều, chửi bới, lui tới lăng xăng. Đã điều trị ở bệnh viện Chợ Quán một đợt sáu tháng, được choáng điện nhiều lần, khi về đi dạy học được. Đến năm 1947, bệnh tái lại, điều trị ở trại an trí Quảng Ngãi sáu tháng, bệnh giảm, vài tháng bệnh trở lại, đến Biên Hoà, ra vào 12 lần, mỗi lần hai ba tháng. . .
Theo nhà văn Sơn Nam thì Nguyễn Ngu Í là một nhà văn nổi tiếng yêu nghề và yêu nước, luôn xót xa vì chuyện đất nước chia đôi. Dường như cả một đời dạy học và hoạt động báo chí ở Sài Gòn, Nguyễn Ngu Í lúc nào cũng trong trạng thái nửa tĩnh nửa điên. Có lần, chính quyền sài Gòn tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch bình định cấp tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long tại căn cứ Đồng Tâm, có cả cố vấn Mỹ tới dự. Nguyễn Ngu Í cũng tới dự với tư cách nhà báo. Ông mặc áo sơ mi trắng, thắt cà-vạt nhưng lại mang guốc vông. Chính điều đó đã biểu hiện một trạng thái bất thường. Sau bài phát biểu của một cử toạ, Nguyễn Ngu Í xin phát biểu cảm tưởng của một nhà báo. Hội trường vang lên tiếng vỗ tay. Ông nghiêm mắt nói: “Làm công việc bình định đồng bằng sông Cửu Long nhưng vị quận trưởng có mặt tại đây là một người đạo đức giả, là kẻ gian phu! Ông ta thông dâm với tất cả những nữ giáo viên xinh đẹp trong vùng. Trong số gái mất nết ấy, vài người hiện có mặt tại đây…”
Nguyễn Ngu Í vừa nói vừa chỉ vào mặt viên quận trưởng, vừa lia lia ngón tay về phía các cô giáo. Trước tình thế quá căng thẳng, một viên chức địa phương phải lên phân trần với cố vấn Mỹ và các quan chức chủ toạ rằng đó là một nhà báo mắc bệnh thần kinh đang lên cơn. Có lẽ vì Nguyễn Ngu Í mang đôi guốc vông không giống ai nên ông thoát nạn.
Trong phòng lưu trữ của nhà thương điên Biên Hoà, chúng tôi còn tìm thấy tờ đơn xin nghỉ phép của Nguyễn Ngu Í đề ngày 13 tháng 8 năm 1976, ông viết : “ Kinh xin bác sĩ cho tôi được về phép ngày chúa nhật 15/8/76 để đến thăm gia đình một bạn thân ở tỉnh lỵ Biên Hoà, anh Nguyễn Văn Thuyết, con trai cố bác sĩ Nguyễn Văn Hoài (Giám đốc bệnh viện tâm trí Biên Hoà từ 1945-1955 – NV )
Nguyễn Ngu Í là bạn thân với nhà văn Bình Nguyên Lộc, mà Bình Nguyên Lộc lại có người con trai là bác sĩ Tô Dương Hiệp làm giám đốc bệnh viện tâm trí Biên Hoà những năm 2972-1973. Bản thân nhà văn Bình Nguyên Lộc cũng từng là bệnh nhân của nhà thương điên Biên Hoà trong những năm chống Pháp. Chính vì mối quan hệ nầy mà nhà văn Nguyễn Ngu Í từng được bác sĩ Tô Dương Hiệp trực tiếp chăm sóc như một người thân. Hoạ sĩ Lê Thành Vinh, phụ trách phòng hội hoạ trong bệnh viện cho biết, những lúc tỉnh táo, Nguyễn Ngu Í thường bắt bác sĩ Hiệp ra ngồi đánh cờ tướng với ông hàng buổi. Thắng thì vui vẻ, thua thì nổi cơn điên. Có lần ông cầm bàn cờ đập lên đầu bác sĩ Hiệp, thủng cả bàn cờ , tròng xuống cổ, mặt mày đầy máu nhưng bác sĩ Hiệp vẫn vui, vì đó không chỉ là một bệnh nhân mà còn là bạn chí cốt của cha mình.
Bác sĩ Hiệp mất năm 1973 vì bệnh ung thư, an táng tại nghĩa trang bệnh viện. Nguyễn Ngu Í mất năm 1979, tại tư gia ở sài Gòn. Bình Nguyên Lộc sang California chữa bệnh năm 1985 và từ trần bên ấy năm 1987.
Chưa tìm được mối quan hệ nào trong nhà thương điên Biên Hòa giữa Nguyễn Ngu Í, Bình Nguyên Lộc và Bùi Giáng. Căng cứ vào hồ sơ lưu trữ thì Bùi Giáng nhập viện hai lần. Lần thứ nhất vào năm 1969, lần thứ hai vào năm 1977, thời gian nầy Nguyễn Ngu Í vẫn còn trong bệnh viện, hai người cùng ở khu 3 nhưng chúng tôi không tìm được thông tin về mối quan hệ của họ như thế nào. Đây cũng là một việc đáng tiếc.
Bệnh án của Bùi Giáng có đoạn ghi: “Bệnh tái phát từ tháng 4 năm 1969, có hôm thức suốt đêm để viết, nói huyên thuyên, chơi chữ, có khi la thất thanh, ý tưởng tự cao tự đại. Hay phát biểu ý kiến về những vấn đề chính trị, văn hóa trọng đại, có ý nghĩ bị người ta phá hoại sự nghiệp văn chương. Tháng 3 năm 1969 bị cháy nhà và cháy tất cả sách vỡ quý báu nên đương sự bị bệnh mỗi ngày một nặng hơn . . .”
Bùi Giáng để lại trong bệnh viện rất nhiều bút tích, chủ yếu là thơ. Nhưng hầu hết những bài thơ ông không ghi ngày tháng, và, cũng chẳng ai hiểu ông muốn gởi gắm những điều gì qua những vần thơ nửa tỉnh nửa điên:
Tờ thư bí mật hôm nay
Gửi em nói chuyện dằng dai đuôi đầu
Đầu tiên gió gác trăng lầu
Cuối cùng đuôi đứt mối sầu trường sinh
Hình dung mộng tưởng chênh vênh
Trăm năm rút gọn gập ghềnh tử sinh
Tam bành tuyệt đối đinh ninh
Rồi ra tứ trướng bất thình lình điên
Thư về bí mật liên miên
Té ra toàn thể là thiên thu khùng
(Tờ thư bí mật)
Nỗi buồn như chiếc lá rơi
Từ cành rụng xuống chốn nơi nào là
Nỗi buồn gieo giọt sương hoa
Cho tim máu động chan hoà một phen
Nỗi buồn chắp cánh bay lên
Vi vu mười hướng bay lên bốn trời
Buồn vui cũng thế mà thôi
Tình thương mơ mộng muôn đời một mai
Ấy người, ấy kẻ, ấy ai
Trận buồn chếnh choáng than dài nỗi vui
Chia nhau một chút ngậm ngùi
Hình dung mộng tưởng ra ngoài trăm năm
(Nỗi buồn)
Thưa em từ bữa xa xưa
Ngẫu nhiên tao ngộ một mùa đa mang
Tình yêu cậy cánh hoa lan
Giãi giùm tinh thể đá vàng đầu tiên
Em người xứ sở thần tiên
Lạc loài để rớt cõi miền đi đâu
Chờ em suốt mấy trăng thâu
Bầu tiên chuốc rượu nguyệt lầu vô phương
Bổng dưng tình huống dị thường
Thình lình một ngã ba đường tẻ ra
(Ngẫu nhiên)
Gần một trăm năm qua, nhà thương điên Biên Hoà đã có hàng chục vạn bệnh nhân đến và đi, tất nhiên đi về đâu của bước chân người điên thì chẳng ai biết được. Có một nghĩa trang phía sau dành cho hàng ngàn người ở lại. Có một phòng bảo tàng rất khiêm tốn dành cho những giá trị mà họ để lại. Ơ đó có những bút tích, những bài thơ, những bức tranh cũng hết sức khiêm tốn, nhưng, nói theo bác sĩ Nguyễn Gia Khanh thì xin chớ vội coi thường bởi điên mà còn biết trăn trở khi ăn hạt cơm của nhân dân như nhà văn Nguyễn Ngu Í thì quả là một người điên cực kỳ tử tế.
2.
Dạ, em tên là Lê Viết Tuấn, em xin nhắc lại là Lê Viết Tuấn chớ không phải là Lê Việt Tuấn, sinh năm 1961, tại . . . Cha em là bác sĩ . . . Em bị rối loạn ngôn ngữ nên em tìm đến hội họa là để khẳng định lại giá trị trong ký tự ABC của Alexandr de Rhodes…
Mọi người cố nín cười. Tôi mời Tuấn điếu thuốc. Tuấn khom người đưa hai tay đỡ lấy và cảm ơn rối rít rồi cúi chào bước ra. Người Tuấn dường như lúc nào cũng co ro, khiêm tốn, trầm lặng với dáng đi lầm lũi, nhẫn nhục và chịu đựng trông thật đáng thương. Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh, trưởng khoa hoạt động liệu pháp – Bệnh viện tâm thần Trung ương II – cho biết, cách đây hơn hai mươi năm, Tuấn đang học đại học năm thứ ba ngành mỏ-địa chất thì phát bệnh, bỏ nhà đi lang thang, miệng nói huyên thuyên về những ý tưởng lạ lùng không ai hiểu. Những lúc tỉnh táo, Tuấn hay kể với bác sĩ Khanh về những quyển sách triết học mà anh đã đọc thời sinh viên, trong đó có quyển tâm lý học của Sigmund Freud, quyển sách nầy có một chi tiết phân tích tâm lý của một chàng trai loạn luân với mẹ ruột, anh ta đã giết chết người cha và tự móc mắt mình. Nỗi ám ảnh tội ác và sự kinh dị ấy làm cho Tuấn bị căng thẳng thần kinh, anh đã ba lần nhảy lầu tự tử nhưng nhờ nhà thấp nên thóat chết, chỉ bị gãy tay.
Theo bác sĩ Khanh thì chứng bệnh của Tuấn gọi là ngộ độc triết học dẫn đến hoang tưởng bị tội. Cha mẹ Tuấn đã lần lượt qua đời, hiện Tuấn chỉ còn người anh đang sống ở Sài Gòn, nhưng vì không đủ điều chăm sóc nên ký gởi cho Tuấn ở lâu dài trong bệnh viện, thỉnh thỏang anh vào thăm và hay chở Tuấn đi chơi trong những ngày lễ tết. Ơ đây, Tuấn luôn được sự chia sẻ của bác sĩ Khanh và anh đã lao vào hội họa như một nhu cầu bộc lộ tâm tư, như tìm thấy một lối thoát nên không còn ý định tự tử như trước nữa.
Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi xuống phòng hội họa thì gặp Tuấn đang ngồi vẽ, Tuấn vẽ một người con gái đang bấu víu vào người con trai. Tôi hỏi vẽ cái gì vậy, Tuấn nói: “ Hồi sáng em đọc báo thấy có một bài viết về sự đột quỵ nên em vẽ bức tranh nầy”. Chẳng ai hiểu gì về bức tranh và lời giải thích của Tuấn. Khi tôi bảo anh giải thích về những bức tranh của mình đang treo trên tường, Tuấn rất nhiệt tình. “ Bức tranh nầy có tên là lương tâm, em nhớ có một quyển sách nói về một nhạc sĩ người Nga kéo đàn violon, khi đàn bị đứt dây, ông ta móc ruột mình ra để làm dây đàn”. Lời giải thích của Tuấn chẳng ăn nhập gì với bức tranh vẽ nội tạng con người, trong đó cái bao tử được ráp lại bởi hai hàm răng lởm chởm. Tuấn nói tiếp: “Em cũng chẳng hiểu sao em vẽ người mà lại không có cái đầu, có lẽ vì em là người điên”. Rồi Tuấn dẫn tôi sang bức tranh khác và giải thích : “Đây là hình con gà, em vẽ bức tranh nầy vào năm Ất dậu, con gà tượng trưng cho sức mạnh để đá độ. Nhưng em lại nhớ đến nạn đói năm Ất dậu 1945, miền Bắc của chúng ta chết hàng triệu người . . .”
Trong phòng treo hơn mười bức tranh của Tuấn, bức nào cũng đẹp, táo bạo và đầy ấn tượng. Thật khó mà hình dung rằng đây là tranh của một người điên.
*
Bệnh nhân thứ hai mà chúng tôi gặp ở đây – cũng rất tình cờ – lại có một câu chuyện hoàn toàn ngược lại với Lê Viết Tuấn. Đó là Nguyễn Văn Hoàng. Nhưng anh ta tự đặt cho mình biệt danh là Tony Hoàng cho nó sang trọng hơn, phù hợp hơn với tính cách của một tay chơi. Trong bệnh án của Hoàng có đọan: “Khởi bệnh từ tháng 11 năm 2002, mất ngủ, luôn nghĩ mình tài giỏi, tiêu xài hoang phí. Bệnh nhân đang học trường nhạc được chín năm, đến năm cuối thì bỏ học. Sau đó làm nhiều việc linh tinh nhưng không làm gì đến nơi đến chốn, ăn xài phung phí, tự cho mình là giàu có, hay yêu sách, nếu không thỏa mãn thì đập phá đồ đạc trong nhà và hăm dọa đánh cha mẹ. Bệnh nhân không có công ăn việc làm nhưng đến các báo đăng quảng cáo tuyển nhân viên khiến gia đình phải giải quyết hậu quả…”
Chúng tôi gặp Hoàng đang làm việc trong khu vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, Hoàng hỏi: “Anh là nhà báo ?”, tôi gật đầu, Hoàng hỏi tiếp: “Anh vô đây làm phóng sự ?”. Thấy Hòang rất vui vẻ và tỉnh táo như một người bình thường, tôi hỏi: “ Em bị bệnh gì ?”, “Dạ, bệnh tiêu xài hoang phí”, “Xài như thế nào mà gọi là hoang phí ?”, “Mỗi đêm em xài hết tám triệu đồng”, “Xài cái gì mà dữ vậy ?”, “Thì nhà hàng, vũ trường, bao mấy em”, “Em có bồ không”, “Nhiều, khoảng tám cô”, “Mấy cô ấy có yêu em không”, “ Em cũng không biết mấy cổ yêu em hay yêu tiền của em”. Rồi Hoàng kể tên mấy cô bồ của mình, nào MT, THV, TH, MA . . . toàn những diễn viên điện ảnh và người mẫu nổi tiếng. Hoàng cho tôi một lô số điện thoại, địa chỉ nhà và nói: “ Vài hôm nữa em xuất viện, em sẽ chở anh đi chơi và bao anh trọn gói. Nhưng kỳ nầy mình chơi á hậu thôi chớ không thèm chơi hoa hậu, tốn kém lắm”.
Bác sĩ Khanh cho biết, bệnh của Hoàng gọi là hoang tưởng tự cao dẫn đến rối lọan nhân cách, lúc nào cũng thấy mình hơn thiên hạ và cho rằng người khác phải có bổn phận cung phụng cho mình. Trong hồ sơ của Hoàng có một mảnh giấy mà tình cờ bác sĩ Khanh phát hiện trong túi Hoàng: “Tony Hoàng, 37 tuổi, độc thân, cao 1,73m, nặng 70kg, trình độ đại học, nghề nghiệp: Kinh doanh địa ốc, điện thọai di động, bán vé máy bay trong và ngoài nước, làm visa, hộ chiếu, cho vay lãi suất 4%. Có nhà riêng, xe ô tô. Hiền, vui tính. Rất hân hạnh được làm quen với các cô”.
Cách đây mấy hôm, Hoàng chuẩn bị xuất viện thì tình cờ bác sĩ Khanh phát hiện cũng trong túi của Hoàng có mấy tờ giấy khác, trong đó Hoàng kê ra chi tiết trong một năm Hoàng nằm bệnh viện, tiền lương và tiền điện thọai hàng tháng mà mẹ và anh trai phải truy trả sau khi Hoàng xuất viện là gần 40 triệu đồng, chưa kể tiền lì xì tết và các ngày lễ trong năm. Thế là, Hoàng phải ở lại để điều trị tiếp.
Bác sĩ Khanh nói rằng, Hoàng vẫn là kẻ đáng thương hơn đáng trách. Tuy mỗi người biểu lộ một tính cách khác nhau nhưng suy cho cùng, tất cả đều là nạn nhân của một căn bệnh ngặt nghèo, bi kịch cho đời họ và làm khổ người thân.
*
Chúng tôi gặp chị Lan, nhà ở Gò Vấp vào thăm đứa con trai tên Võ Văn Khôi, 26 tuổi. Khôi to lớn như kẻ bị béo phì, ngồi gục gặc, mắt đờ đẫn vì dùng thuốc an thần liều cao để chặn đứng cơn kích động. Chị Lan buồn bã kể rằng, vợ chồng chị có hai đứa con, một gái một trai, cả hai đều rất ngoan và học giỏi. Khôi lớn lên trong sự đầm ấm của gia đình, đặc biệt là tình thương của bà ngọai. Ngoại đưa đón Khôi đi học từ nhỏ cho đến hết cấp hai. Thậm chí những ngày Khôi đi học võ, ngoại dắt Khôi đến nơi rồi ngồi chờ ngoài cổng cho đến hết giờ vì bà không yên tâm với môn học dễ xảy ra tai nạn. Thế rồi một hôm, bà ngoại về quê và chết ở quê. Trước sự mất mát mà không lý giải được, Khôi bị mắc bệnh trầm cảm, rồi từ trầm cảm trở nên cộc cằn, hung hăng và nổi loạn. Mỗi khi lên cơn, gặp ai Khôi cũng đánh, bất kể đó là cha mẹ ruột của mình. Mỗi ngày Khôi bắt cha phải chở đi đúng năm tiếng đồng hồ vòng quanh thành phố, phải đi đúng tuyến đường và ghé đúng những quán cà phê mà Khôi quy định. Suốt mười năm qua, Khôi đã hành hạ cha mình như thế. Mỗi năm Khôi vào bệnh viện một lần, mỗi lần vài tháng, nhưng vừa xuất viện thì bệnh lại tái phát.Hai mẹ con ngồi cạnh nhau, Khôi cao to nhưng vô hồn như tượng gỗ, chị Lan tiều tụy, héo gầy, khắc khổ nhưng vẫn nhân hậu, ngọt ngào: “Có những lần hai vợ chồng tôi đưa cháu vào đây, tôi ở lại, ảnh ra về. Bất chợt cháu nhìn theo cha rồi khóc nấc lên, cháu nói: “ Cha đã già, tóc đã bạc, đã khổ vì con quá nhiều, vậy mà con cứ đày đọa cha”. Lúc ấy tôi cứ tưởng đâu cháu tỉnh. Nhưng không ngờ khi về nhà thì chứng nào tật nấy”.
Chị Lan vừa nói vừa nhìn con. Tôi nghĩ đến sự chịu đựng mười năm, có lẽ chị đã khô nước mắt!
3.
Nghe nói chị Huệ có một bức tranh bán cho bảo tàng Đồng Nai, tôi hỏi chị vẽ cái gì trong đó, chị rụt rè nói: “Tôi vẽ sự cô đơn”.
Bác sĩ Khanh nói mấy năm trước chị Huệ vẽ khá nhiều. Đúng là tranh của chị thường mô tả sự cô đơn. Những năm gần đây, bệnh tái phát trở lại, chị không vẽ nữa. Trong hồ sơ của chị còn lại bệnh án của chế độ cũ đã úa vàng với tiêu đề “Bệnh viện tâm trí Biên Hòa”, số 291/73, tức chị là bệnh nhân thứ 291 của năm 1973, cách nay đã 33 năm. Bệnh lịch có đoạn ghi: “Bệnh nhân Đinh Thị Huệ, nghề nghiệp thư ký, quê quán Khánh Hòa. Bệnh tái phát cách nay 3 năm, triệu chứng: Buồn cha có vợ nhỏ, bỏ mẹ không có tiền, bệnh nhân uống thuốc mê, cắt lưỡi, rạch bụng, nhảy lầu. Khi vào viện,bệnh nhân hay viết lên giấy mấy chữ:Trông cha về chắc hết bệnh”. Một bệnh án khác ghi tiếp: “Nhập viện ngày 29 tháng 6 năm 1976, do cán bộ thương binh phường đưa đến vì phá phách ngoài chợ”.
Y tá Nguyễn Thị Ngoan Hiền, người trực tiếp chăm sóc chị Huệ cho biết, những dòng ngắn gọn như thế nhưng ẩn chứa bao nhiêu uẩn khúc của cuộc đời. Những lúc tỉnh táo, chị Huệ theo phụ với Hiền chăm sóc những bệnh nhân khác, chị thường hay tâm sự rằng chị từng có một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Năm 1970, chị thi đậu tú tài, đi làm thư ký được một năm thì phát bệnh. Đến năm 1975, hết bệnh, chị về quê học cao đẳng sư phạm được một năm thì bệnh tái phát. Vậy là suốt ba chục năm qua, cô sinh viên sư phạm xưa đã trở thành một bà già điên loạn. Thỉnh thoảng chị hay mời các bác sĩ và điều dưỡng viên trong khoa đến để giảng bài và cho điểm từng người một. Tôi hỏi chị giảng những bài gì, chị nói giảng về cuộc đời ở ba thế giới khác nhau. Đó là địa ngục, trần gian và cõi thiên đàng, các bác sĩ ở đây chỉ mới thành tiên thôi chớ chưa thành Phật, muốn thành Phật để lên tới tầng trên cùng của thiên đàng phải thêm vài năm nữa.
Tôi hỏi chị có viết văn không, chị gật đầu rồi chạy về phòng mang lên cuốn tập học trò. Ở trang đầu, chị vẽ chân dung cô y tá Hiền rất đẹp và trang trọng. Tiếp theo là những tạp văn. Trong bài “Tình muộn”, chị viết:
“Tôi ghé thăm anh một chiều vàng nhạt, khi ánh thái dương đã tắt sau đồi. Anh ra tiếp tôi với nụ cười rạng rỡ nở trên môi. Tóc anh đã hoa râm nhưng hồn anh vẫn trẻ. Anh bâng khuâng dí giày trên cát. Tôi đến với anh đã muộn màng vì anh đã có vợ rồi. Tôi yêu anh với tình yêu trong trắng của một thiếu nữ đã lớn khôn, hay hơn thế nữa là đã quá tuổi trung niên rồi. Tôi chẳng biết nói gì cùng anh, tôi cũng bâng khuâng dí giày trên cát, cát trắng của miền Biên Hòa xứ bưởi.
Thôi anh ạ, nếu chúng mình còn có duyên với nhau xin làm đôi bướm trắng bay giữa bầu trời xanh đầy ước mơ.
Thân tặng anh Nguyễn Văn Chiến – 1977.”
Tôi hỏi Chiến là ai, chị rụt rè nói: “Hồi xưa ảnh ở khoa nam, rất đẹp trai, hát hay. Tôi yêu ảnh nhưng thấy ảnh có nhiều bạn gái quá nên thôi, không nói.” Y tá Hiền cho biết, ông Chiến là một bệnh nhân đã xuất viện lâu rồi, có lần vào thăm chị Huệ, hai người ôm nhau khóc sướt mướt.
Những tạp văn của chị Huệ thường gởi gấm tình cảm của mình với đức Phật, ca ngợi tình người. Một bác sĩ Trần Lâm Cao nào đó đã cưới một cô gái lầm lỡ về làm vợ, “Tôi yêu tâm hồn cao quý của anh,những người như anh trên đời nầy thật hiếm có, tôi nguyện kiếp sau sẽ gặp lại anh, hai ta sẽ là một, anh là bác sĩ hộ sinh, tôi là bác sĩ chuyên khoa mổ…”; Hay một người thầy cũ mà chị hết lòng tôn kính, một ông anh họ, một người chị dâu, một mùa xuân tuyệt đẹp ở quê nhà. Trong bài “Một chuyến về thăm”, chị kể chuyện về quê gặp lại mẹ, gặp lại các em, các cháu trong trạng thái mừng mừng tủi tủi, nước mắt rung rưng, gặp lại quê hương “với bờ biển về đêm lấp lánh những ngọn đèn, gió thổi lồng lộng nghe hồn mình lâng lâng vui sướng”. Nhưng tất cả chỉ là hoang tưởng như chính tên gọi căn bệnh ngặt nghèo của chị. Khi tôi hỏi chị có nhớ nhà, nhớ quê không, chị nói: “Nhà ấy đâu phải là nhà tôi, nơi ấy có còn ai thương tôi nữa đâu mà nhớ”. Bác sĩ trưởng khoa Lê Văn Hiến nói rằng, suốt ba mươi năm qua, chị Huệ cũng như hàng trăm số phận của những bệnh nhân bị thân nhân ruồng bỏ, chỉ có những người thầy thuốc trong bệnh viện nầy là người thân của chị. Thỉnh thoảng, có ai đó chạnh lòng cho chị một ít tiền, chị đi mua bánh kẹo, trà đá mời tất cả các thầy thuốc trong khoa, ai từ chối là chị giận. Lúc tỉnh, chị theo các nhân viên điều dưỡng đi làm vệ sinh hoặc chăm sóc cho những bệnh nhân khác. Nói chung, chị Huệ là một người điên tử tế.
*
Y tá Hiền kể với chúng tôi một câu chuyện khá đau lòng rằng, cách đây mấy tháng, có một cô giáo rất đẹp ở Vũng Tàu được chồng đưa vào nhập viện. Nhưng khi xuất viện thì cha cô vào rước. Hiền hỏi chồng cô ấy đâu, ông lão nghèn nghẹn trả lời: “Nó bị chồng bỏ từ khi mới phát bệnh, hôm trước chồng nó đưa vào chẳng qua vì tình vì nghĩa mà thôi”. Ơ đây có rất nhiều bộ hồ sơ gọi là “vô danh nữ”, không tên, không tuổi, không quê quán, không cha mẹ, người thân. Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh kể với chúng tôi rằng cách nay hai năm, từ khoa nữ chuyển qua khoa hoạt động liệu pháp của ông một nữ bệnh nhân với bộ hồ sơ như thế. Bệnh án chí có mấy dòng ngắn gọn: bệnh nhân bị người nhà bỏ rơi trước cổng trong tình trạng bấn loạn, đi lang thang, miệng nói lảm nhảm, lúc khóc lúc cười, bảo vệ đưa vào nhập viện vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày 7 tháng 7 năm 2002. Rồi như một sự bất ngờ, bác sĩ Khanh nói vui rằng đó là một ngày đẹp trời của tháng 10 năm 2004, tức sau hơn hai năm điên loạn, chị tỉnh hẳn ra với những tâm sự như nhận diện chính mình: “ Tôi tên là Phạm Kim Thoa, sinh năm 1948, quê xã Xuân Thành, huyện Xuân Thủy, Nam Định . . . năm 1988, tôi theo người chú vô Vũng Tàu rồi lập gia đình với anh Tăng Tự Phi, chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc nhưng không có con. Thế rồi một đêm nọ, tôi nghe có tiếng gọi bên tai, tôi bỏ nhà ra đi như một người mộng du. Hôm sau chồng tôi tìm gặp và chở chở tôi đến bỏ trước cổng bệnh viện”. Tôi hỏi chị có nhớ nhà không, chị nói nhớ, nhất là nhớ chồng. “Nhưng có lẽ ảnh bỏ tôi rồi nên không thấy tới thăm”.
Y tá Nguyễn Thị Ngọc Hương kể một câu chuyện buồn về bệnh nhân của mình – chị Phan Thị Bích, quê ở Hòn Đất, Kiên Giang – rằng khi Bích vừa phát bệnh thì chồng bỏ nhà đi, để lại cho chị đứa con trai ba tuổi. Sự phản bội của chồng đã làm cho bệnh tâm thần của Bích nặng thêm. Chiều chiều chị hay ẳm con ra tắm dưới sông, một hôm, trong lúc giỡn với con, chị đã trấn nước thằng bé mà không hề hay biết. Từ đó, trong mắt người thân và hàng xóm, Bích như người phạm tội giết con. Sau hơn một năm điều trị trong bệnh viện, Bích được xuất viện nhưng không ai đến đón, chị Hương phải đưa Bích về quê. Từ Biên Hòa về đến nhà Bích phải đi bảy chuyến xe đò và một chiếc đò ngang, mất cả ngày đường. Thế nhưng khi đến nơi thì gặp phải sự xua đuổi quyết liệt của hàng xóm, hàng chục người dưới đò không cho Bích qua sông, chị Hương phải nhờ công an can thiệp. Đến khi đưa được Bích qua sông thì lại bị người nhà từ chối, cho rằng chị là một người điên, không được trở lại gia đình. Một lần nữa, chị Hương phải nhờ công an can thiệp theo luật. Vậy rồi vài hôm sau, Bích lại xuất hiện trước cổng bệnh viện tâm thần trong cơn điên loạn. Không còn cách nào khác, Bích nhập viện lần nầy sẽ không có đường về.
Bác sĩ Khanh kết luận rằng, ông làm việc ở đây ba mươi năm nay nhưng chỉ thấy những người vợ âm thầm, nhẫn nhục đi nuôi chồng chớ chưa thấy người chồng nào đi nuôi vợ dù trong hàng trăm hồ sơ bệnh nhân nữ có ghi rõ tên và địa chỉ của chồng. Có chăng là những ông chồng chở vợ đến bỏ trước cổng bệnh viện vào lúc nửa đêm rồi biến mất. Nên chăng xem lại tích xưa về chuyện con cua cái hại con cua kình để giảm án cho người phụ nữ !
4.
Bác sĩ Khanh kể rằng, trong những dịp tết, bệnh viện tổ chức xe đưa những bệnh nhân bình ổn về đoàn tụ gia đình. Căn cứ vào địa chỉ trong hồ sơ và sự hướng dẫn của bệnh nhân mà xe đưa đến. Nhưng hỡi ơi ! khi đến nơi thì gặp phải những ánh mắt từ chối lạnh lùng của người nhà, rằng đây không phải là người thân của tôi, hoặc nhà nầy đã sang cho chủ khác. Khi bệnh nhân gọi tên người thân thì họ cho rằng đó là do người điên ngộ nhận. Khi công an địa phương xác nhận và can thiệp thì bệnh nhân mới được bước vào nhà trong sự ghẻ lạnh của người thân.
Khi tâm trí bệnh nhân bình ổn thì người nhà phải nhận. Đó là quy định của pháp luật. Và khi bệnh nhân tái phát thì bệnh viện phải cho nhập viện. Đó cũng là quy định của pháp luật. Nhưng có một quy luật tất yếu đối với bệnh tâm thần là khi họ không tìm thấy sự chia sẻ tình cảm hoặc bị ngược đãi thì bệnh tái phát. Đó chính là lý do mà bệnh nhân sau một thời gian hồi gia rồi cũng phải quay lại, chọn bệnh viện làm nhà, chọn thầy thuốc làm người thân.
Bác sĩ Phan Văn Tiếng nói rằng, trong bệnh viện nầy có 1650 bệnh nhân là 1650 số phận khác nhau, họ nhập viện hay ra viện như thế nào, người điên không có quyền lựa chọn. Ví dụ như bà Lưu Thị Tám, nhập viện từ năm 1999 do người con trai đưa đến, bảy năm nay không thấy anh ta trở lại thăm, khi bệnh viện liên hệ với chính quyền địa phương để xác minh thì hóa ra địa chỉ anh ta khai trong hồ sơ là một địa chỉ ma. Thế là, người mẹ ấy dù muốn hay không muốn rồi cũng sẽ chọn bệnh viện làm nhà. Chúng tôi gặp bà Hùynh Thị Hương, gần tám mươi tuổi, bà cho biết, bà đã sống hơn nửa cuộc đời trong cơn mê điên loạn và đã ở trong bệnh viện nầy gần bốn chục năm. Ngày xưa, bà đã từng có một gia đình hạnh phúc, nhưng rồi bổng dưng phát điên, bị chồng đuổi ra khỏi nhà, bà lang thang trong khu chợ Bàn Cờ -Sài Gòn thì cảnh sát đưa bà vô bệnh viện. Có một lần tỉnh táo, bà tìm về nhà của một người em nhờ nhắn tin hai đứa con đến cho bà gặp mặt. Đứa con gái thì tỏ ra xúc động khi biết mình còn mẹ, nhưng thằng con trai thì từ chối một cách phũ phàng. Bà ngậm ngùi quay vào bệnh viện. Những ngày tháng sau đó, những lúc bình phục, trong nỗi khát khao làm mẹ, bà nhận một bệnh nhân nữ rất trẻ làm con nuôi. Không ngờ, hai người lại gắn bó với nhau như tình mẫu tử. Cô gái ấy sau khi xuất viện đã xin phép gia đình rước bà về chăm sóc. Nhưng chẳng bao lâu, cô ta xuất cảnh, bà lại trở vào bệnh viện. Từ đó đến nay, chuyện con ruột con nuôi cứ làm xao động lòng bà.
Bệnh nhân Phạm Văn Hoài, tóc trắng màu mây nhưng không biết mình bao nhiêu tuổi. Ông kể rằng ông nhập viện từ năm 1968, cách nay gần bốn chục năm, lúc ấy ông còn tuổi thiếu niên, mắc bệnh động kinh. Sau khi mẹ mất, cha lấy vợ khác, không hiểu ông đã làm gì mà bị cha đánh và đuổi ra đường. Ông vừa đi vừa khóc, cảnh sát Sài Gòn bắt ông bỏ lên xe và đưa vô bệnh viện. Ông sống ở đây như gần trọn một cuộc đời. Ông nói nhờ bệnh viện cho học nghề cắt tóc nên hàng ngày ông có việc làm, có bạn, rất vui.
Những người như ông Hoài, bà Hương đều được các bác sĩ, y tá, nhân viên điều dưỡng gọi bằng ba bằng má một cách ngọt ngào, thân thiện. Có lẽ nhờ vậy mà họ bớt cô đơn. Chưa có con số thống kê chính xác nhưng ở khoa nào cũng có vài ba chục mảnh đời cô độc, bị bỏ rơi như thế. Họ lặng lẽ sống và lặng lẽ chết, có một mảnh đất phía sau bệnh viện dành riêng cho họ.
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Hùng Hiệp, người quản lý nhà xác của bệnh viện suốt hai chục năm qua. Công việc của anh là trực chờ khi tử thần cướp lấy sinh mạng của bệnh nhân thì anh sẽ làm công việc tiếp theo là tiễn họ vào lòng đất. Hỏi trong hai chục năm qua, anh đã giúp cho bao nhiêu bệnh nhân có mồ yên mả đẹp, anh nói hàng trăm, làm sao nhớ nổi. Hiệp nghiệm ra một điều khác lạ trong công việc của mình rằng, nó đơn điệu và buồn hơn nhân viên mai táng ở các công ty. Các công ty mai táng gởi vào lòng đất đủ mọi thành phần, vô cùng phong phú, từ quan chức đến thường dân, từ học giả đến một tên lưu manh, trộm cướp, lại có tang lễ rình rang, có những dòng người đưa tiễn. Còn anh, chỉ lặng lẽ một mình anh với người chết, mà người chết chỉ một thành phần duy nhất: người điên. Cứ sau 24 giờ ngồi canh xác chết, không ai đến nhận thì Hiệp đưa vào hòm, rồi lặng lẽ đào huyệt, nhờ một bệnh nhân gần nhất tiếp khiêng một đầu hòm đưa vào lòng đất. Anh nói nhiều khi buồn lắm, tiễn một kiếp người mà không có lấy một nén nhang. Cái chết của người điên là như thế. Rồi Hiệp lật sổ tử đọc cho tôi ghi vài con số, những con số ngẫu nhiên trong cuốn sổ nhàu nát, ngã màu: Năm 1983 chết 101 người nhưng chỉ có sáu người được thân nhân nhận xác; năm 1984 chết 150 người nhưng chỉ có 13 người được thân nhân nhận xác. Tôi bảo Hiệp thôi đừng đọc nữa, tôi không muốn nghe những con số đầy ta thán chuyện nhân tình. Hiệp nói nghĩa trang gần bốn hécta nhưng đã chật hết rồi, bây giờ phải chèn kẽ để mà chôn.
Song, nghĩ đi rồi nghĩ lại, dù là sống bị người thân ruồng rẫy, chết trong lặng lẽ cô đơn, nhưng ít ra cũng có một nơi để họ sống ra người, được chăm sóc đến giờ phút cuối cùng và chết cũng được yên mồ yên mả. Nếu không có những người thầy thuốc tử tế trong bệnh viện nầy thì hàng ngàn thân phận ấy biết mục rã nơi đâu.
Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh nói rằng, ông đã sống với người điên gần trọn ba mươi năm. Ngẫm ra thấy mình hạnh phúc nhiều hơn họ. Nhiều khi nhìn họ mà trộm nghĩ rằng, cái ranh giới giữa vinh quang và tủi nhục trong cuộc đời nó rất mong manh. Biết đâu những người như Tuấn, như Hoàng, như chị Huệ . . . nếu họ không điên, giờ đây họ là những con người thành đạt, làm được nhiều việc hơn mình. Càng nghĩ càng thấy thương họ. Bác sĩ Tiếng kể rằng, có một bệnh nhân nữ có tình ý với anh tự lúc nào không biết, một hôm anh đang khám bệnh thì bất ngờ cô ấy cầm hai nắm phân vuốt lên người anh, cô giận giữ nói: “Em yêu bác sĩ mà bác sĩ lại yêu cô khác”. Lúc ấy, anh chỉ biết cười. Y tá Ngọc Hương kể, có lần một bệnh nhân nữ lên cơn cắn chị gần đứt lìa ngón tay áp phải, và một lần khác, chị đang tắm cho một bệnh nhân nam thì bất ngờ anh ta thoi vào mặt chị, sụp xương má trái phải ra bệnh viện Chợ Rẩy điều trị cả tuần. Ở đây, hầu như mỗi bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên đều bị bệnh nhân hành hung ít nhất đôi ba lần. Nhưng khi hỏi chuyện ấy, họ đều kể lại như một chuyện vui, một kỷ niệm đẹp trong nghề. Bác sĩ Tiếng nói rằng, chẳng có gì phải tôn vinh, chẳng có gì phải thổi phồng như một tấm lòng cao cả. Thật ra, không ai lựa chọn bệnh viện tâm thần làm nơi lập nghiệp. Nhưng sống với bệnh nhân riết rồi thấy quen dần và thấy yêu thương họ, một tình cảm cần chia sẻ giữa con người với con người. Và, tình cảm ấy đã trưởng thành theo năm tháng, nó đã dẫn đường cho những thế hệ tiếp theo để tất cả cùng đi trên con đường tử tế.
VÕ ĐẮC DANH
Trích từ tập bút ký THẾ GIỚI NGƯỜI ĐIÊN – NXB Trẻ tái bản năm 2008
http://phnhan.vncgarden.com/2015/04/the-gioi-nguoi-ien.html
0 Bình luận