Nhà thơ Bùi Giáng. (Tranh: Đinh Cường)

Bùi Giáng là một trong những thi nhân cách biệt với đám đông. Mặc dù ông từng có thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa, Mai… Nhưng tiếng thơ ông khởi đầu ít phổ cập đại chúng.

Ngược lại, ông được anh em trong văn giới nhắc nhở nhiều. Không phải vì thơ ông khiến họ phải nhớ. Cũng chẳng phải tại ông đã xuất bản nhiều sách trong thời gian từ 1963 trở về trước. Mà có lẽ vì cuộc sống khác thường, tinh thần đôi khi không quân bình, cũng như thái độ xử thế với anh em văn nghệ gây nhiều điều tiếng, đồn đãi…

Nếu nghĩ về Bùi Giáng chỉ với chừng đó, tôi thấy bất công đối với ông: Một thi nhân hằng băn khoăn về nguồn cội. Tôi muốn đi vào thế giới tâm hồn phức tạp của nhà thơ này, với hy vọng sẽ vẽ được phần nào cõi giới đích thực Bùi Giáng, người được mệnh danh là cuồng sĩ thời đại.

Bằng những bước thăm dò nghiêm chỉnh, khi tìm vào vũ trụ thi ca họ Bùi, cảm tưởng đầu tiên tôi trực nhận được là cảm tưởng bồng bềnh trôi giữa một khoảng trời bao la, chứa nhiều bỡ ngỡ, hoang mang, hỗn độn. Từ vùng ưu tư này tôi bị thơ ông đẩy trôi sang vùng ưu tư khác. Từ không gian của Nguyễn Du trầm mặc niềm tin Thiên Mệnh, tới không gian Heidegger váng vất những khắc khoải siêu hình. Từ không gian bàng bạc hoài cổ của Huy Cận, qua tới những hay bỡn cợt, hiện hữu…

Trong cái thênh thang rộng mở đó – người đọc cũng thấy một Bùi Giáng chân phương không trang điểm cho thơ của mình những xung động thời thế, hoặc khao khát về cõi thiên đàng đã mất. Thơ ông bay lượn giữa hai đầu tuyệt đối và hữu hạn. Thơ ông tựa như bị vây khổn trong tấm lưới trầm suy của những quay cuồng, điên đảo kiếp người. Tôi có cảm tưởng, ông cố tạo dựng cho thơ ông một thế giới riêng, rồi đưa hồn mình ẩn trú trong cõi ấy.

“Giấc xanh cô độc thề vàng
nguồn tiên nga dậy mơ màng gieo âm”

Nếu trước đó, một Huy Cận cũng đã thiết lập cho mình một địa-giới-khác:

“Hồn đơn chiếc như đảo rời dặm biển
suốt một đời như núi đứng riêng tây”

Thì hôm nay, Bùi Giáng, cũng mang tâm thức tìm về nguồn trời lượng bể, tìm về với tinh thần an lạc phương Đông:

“Vì thiên cổ và bây giờ gần gũi
vì hôm nay là chính bữa hôm qua
thế nên chi anh xin trở lại nhà
vì hơi thở là linh hồn của phổi
vì máu se là nhịp đập của tim
thế nên chi anh ngồi ở dặm nghìn”

“Xin trở lại nhà” và “xin ngồi ở dặm nghìn” quê hương họ Bùi là cõi phi thời gian lẫn không gian (?) Hay đó là cõi trú của những tâm hồn bị ám ảnh ý thức bị đọa lạc, lãng quên? Dường như đấy cũng là mơ mộng chung của đa số thi nhân hiện đại. Chỉ khác nhau ở chỗ họ có tìm được họ mình một lối thoát? Tạo được cho mình một hơi thở, tiếng nói khác hay không mà thôi.

Ở Bùi Giáng, cũng với những cô độc, gánh vác hệ lụy bất ưng của của kiếp người:

“ngủ yên nghe rộng mười phương
mây trời tâm hướng thổi hương lại đèo
sịch bừng suối đá trôi rêu
ghềnh se sắt vó ngựa leo chán chường.”

Trước bế tắc, loay hoay tìm cho mình một mảnh trời mới, đa phần các nhà thơ hôm nay, ít nhiều gì cũng bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp tư tưởng, hình ảnh, ngôn từ của một số danh nhân Tây phương như Nietzche, Malraux, Camus, St. J. Perse, Paul Claudel, Jaque Prévert, Paul Eluard… hoặc thấp thoáng xa gần của những Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương… Mà, không mấy ai chịu quay về với Nguyễn Du, một tác giả hậu bán thế kỷ 18, một thiên tài của thi ca Việt Nam.

Riêng Bùi Giáng, với khát vọng về nguồn, về với bản thể dân tộc, ông đã chấp nhận Kiều của Nguyễn Du như ngọn lửa cứu rỗi thần trí thương tích của ông:

“Nửa năm hương lửa đang nồng
bây giờ cố quận xuống giòng viễn lưu
cõi cư trú rộng băng cần
nhịp thao thiết gọi về thâu thiên hà”

Hoặc:

“tôi người viễn khách đa mang
lọ là thâm tạ con đàng ai đi
ngồi trong cỏ mọc xanh rì
cầu xin mưa lại đền nghì cho hoa.”

Ông mơ mộng tìm thấy một quê chung, cho mọi người:

“Buổi về đắm lụy điêu linh
còn nguyên xứ sở nguyên hình chiêm bao
máu se tàn lạnh điệu chào
trên đầu phố lạ vẽ mầu quê chung”

Quê chung ở đây phải chăng là cõi trú – là chốn dừng chân cuối cùng của những tâm hồn khao khát tìm ý nghĩa cho cuộc sống xô bồ phồn tạp? Mà vực sâu là khoảng trống hãi hùng và hiện tiền chỉ là những bon chen, lừa đảo?

Trước thực trạng đen tối ấy, tất cả sẽ còn gì? E chẳng còn gì, một khi những biểu tượng của niềm tin thiêng liêng cũng đã xiêu đổ! Một khi bước chân thi nhân trên lộ trình xuyên qua cuộc đời đi về tình người, cũng là những bước chân hẫng! Một khi cả phần đất mà vết dầu vật chất lẽ ra chưa đủ điều kiện lấn tới, văn minh cơ khí còn bên ngoài ngưỡng cửa đang chôn dần truyền thống đạo lý cũng đã sụp đổ:

“Tin từ cố quận bờ nương
hoàng hôn thâm tạ môi hồng bình minh
gửi trăng lục nhạc về ghềnh
bước du tử dựng miếu đền chiêm bao
mọc từ đất trích mòn hao
mùa xuân tinh thể xin chào bồng sơn
cổng xô còn vọng tiếng hờn
xin em ở lại bấm tròn cho cung.”

Ở Bùi Giáng, người ta thường bắt gặp những tư tưởng, những hoài vọng mang tính  chua xót. Thơ ông cũng rực rỡ những khao khát đẹp xưa. Đó là những chiếc lá rơi, là những cánh hoa hiu hắt bay; là những tiếng cười tố nữ mong manh, trong vắt thủy tinh; hoặc bàng bạc tiếng hò ruộng đồng, xa xưa…

Nếu như một Huy Cận tiền chiến, bằng linh khiếu thi nhân đã nhìn ngắm mùa Thu nhập hình mình trong không gian thiên cổ:

“Nai cao gót lẫn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.”

Thì họ Bùi cũng cam đành dìm đắm tâm tư trong vũng lầy cuộc sống, trong những xao động u ẩn bất lường của nhân thế, một thứ một tư-hữu-đau-thương… Rồi từ đó, ông đưa tư tưởng tới cõi miên viễn mà danh từ nhà thơ thường dùng là chốn vĩnh-thể trường tồn.

“sóng đi lớp mọc phiêu bồng
mang về thớ củi chất chồng mưa sa
thư cưu mỏng mắt hiên nhà
tròn như ngược tự người ta ngó người
đất xanh vẽ cỏ xa trời…”

Với những hình tượng mang nhiều sắc thái quê chung, cùng những địa danh cõi riêng… tôi muốn nói đó là những chất liệu chính mà Bùi Giáng đã tận dụng, để tạo một vòm trời thi ca mang tên ông: Mang lại cho tương lai một khoảng không gian phương đông cổ kính:

“giết linh hồn lúc nghiêng mày
mù sa xứ sở trùng vây hai miền”
(Trích “Nietzche”)

Hoặc:

“Bây giờ tôi ngó bãi ngang
bên này dọc ruộng duỗi vàng hoe nương…”

Nói theo Hoài Thanh, Hoài Chân, khi kết luận về Huy Cận là: “… Đã gọi dậy cái hồn buồn Đông Á, đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này.”

Thì nay với Bùi Giáng, ông cũng đã đang nổi trôi trong nguồn suối sầu vạn cổ. Nhưng không phải vì thế mà Bùi Giáng hoàn toàn giống Huy Cận.

Bởi ở Huy Cận, như Uyên Thao từng ghi nhận thì, Huy Cận “… là thiên nhiên từ trước khi thành thi sĩ…” (1) còn Bùi Giáng chỉ mượn thiên nhiên làm bối cảnh trải bày như Xuân Diệu hay lẩn vào thế giới nội cỏ mây ngàn, của trăng của gió… làm cõi ẩn trú cho những chán chường, mất mát niềm tin.

 

Du Tử Lê

(trích “Năm sắc diện năm định mệnh,” nhà xuất bản Tao Đàn, Sài Gòn, 1965)

Nguồn: nguoi-viet.com

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận