Tình Bạn Với Du Tử Lê
Vào những ngày đầu năm, ở Saigon Nhỏ Quận Cam California, tôi tình cờ đi trốn được cơn bão mùa đông ở Houston để lái xe quanh quẩn, đi qua các con phố ở Westminster và đi hết con đường Bolsa, đại lộ của khu người Việt tị nạn.
Con đường Bolsa chạy về phía Bắc đến góc đường Beach bên tay phải là nơi nằm nghỉ của những ông bạn gìa, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa, nhà báo Đỗ Ngọc Yến… Nhà thơ Đỗ Qúy Toàn của tập “Cỏ và Tuyết” đã trốn đất trời Canada nơi: “Đất lại hoang sơ trời lại rộng”, nơi có “Tuyết, tuyết phủ đầy trái dất, Ai đang thắp một ngọn lửa hồng trên sông”, nói với tôi rằng: “mỗi lần lái xe đi qua đây, anh dở chiếc mũ để gọi là chào nhớ những người bạn cũ”. Còn tôi, mỗi lần lái xe qua đây, tôi lại nhớ đến một Mai Thảo hay lên giọng sau ly Cognac, một Mai Thảo đến Houston khi còn tờ Văn Nghệ hơn mười năm trước: “Dạo này có viết gì mới cho tao đọc không?”. Một Mai Thảo khật khừ và một Nguyên Sa tháng 4 năm 1993, ngày Nguyên Sa ở Houston nói chuyện triết lý. Một Nguyên Sa rất thản nhiên về cái chết và cuộc đời. Một Nguyên Sa đùa cợt với Tam Đoạn Luận của Socrate: “Đã là người ai cũng chếât, ta là người nên ta cũng chết”. Cái tam đoạn luận hiển nhiên nhưng hình như chỉ áp dụng cho người khác chứ không bao giờ xẩy ra cho chính mình. Nguyên Sa cười cợt với triết lý, một triết lý “không giúp anh trở nên người giầu có nhưng trở nên con người rất triết lý”. Khác với nhà thơ Tú Xương, lúc nào cũng cay cú với cuộc đời, ghét y sĩ dính dáng vào văn chương: “Văn chương nào phải như đơn thuốc, Chớ có khuyên sằng chết bỏ bu!”. Nhà thơ Du Tử Lê hơn mười năm trước, khuyến khích mầm non văn nghệï lôi tôi vào con đường chữ nghĩa. Từ Bàn Viết Houston, một cột mục mới trên tờ Văn Nghệ, tham dự vào cuộc chơi nhưng không có một tham vọng về văn học như các bậc thầy và đàn anh trong y học trước năm 1975 như giáo sư Y khoa Trần Ngọc Ninh, đã đóng góp đều đặn cho tờ Bách Khoa cùng những công trình nghiên cứu giá trị như “Đạo Phật giữa chúng ta”, bác sĩ Y khoa Nguyễn Tuấn Phát với cột mục “Cảm tưởng của người thầy thuốc” trên tờ Ngôn Luận hay bác sĩ Trang Châu với “Y sĩ tiền tuyến” và bác sĩ Ngô Thế Vinh với “Vòng đai xanh”, v.v…
Trong những ngày ở Saigon Nhỏ, chạy theo con đường Bolsa về phía nam đến Santa Ana để thăm một người bạn đang nằm giữa biên giới tử sinh, tôi chợt nhớ đến câu viết của André Malraux: “Quá khứ là gì nếu không phải là câu chuyện sống động về cuộc đời”. Cuộc đời sống động nhưng qúa ngắn ngủi. Cuộc đời của con người trong bệnh viện cống hiến những chất liệu, giầu có cho văn học như André Malraux viết Lazarus khi ông đối diện với những ngày cuối cuộc đời với cơn bệnh trong tình trạng hấp hối và cái chết. Một André Malraux và George Orwell dùng bệnh viện và những người bệnh trong tình trạng hấp hối để dẫn chứng cho kiếp người.
Từ Bàn Viết Houson, trên tờ Văn nghệ năm 1993, đi vào con đường Y khoa và văn nghệ, xưa như Louis Pasteur vừa là nhà khoa học và là triết gia vừa là nhà văn, từ bài viết về “ngừa bệnh dại” cho đến đoạn văn đọc khi ông về thăm căn nhà cũ sau khi ông đoạt giải Nobel, ca tụng công ơn cha mẹ đã là những áng văn bất hủ đã để lại trong kho tàng văn chương thế giới. Câu nói của ông: “Nhìn dưới kính hiển vi thấy những sinh vật vô cùng nhỏ, khi nhìn lên bầu trời bao la lại thấy những vật vô cùng to lớn mới thấy vũ trụ được cấu tạo bởi một bàn tay huyền diệu” là một câu triết học của con người khoa học.
Sau Louis Pasteur có nhà bác học Christian Barnard với cuốn “Y khoa thực nghiệm” đã dựng nên nền tảng khoa học và triết học Tây phương. Tiếp theo, bác sĩ Alexis Carrel, nhà giải phẫu mạch máu, giải Nobel, là tác giả cuốn “Homme cet inconnu” một cuốân sách để đời cho y khoa và văn học.
Nhà văn nổi tiếng Sommerset Maugham, nổi tiếng với cuốn Of Human Bondage (Kiếp người, 1915) đã bỏ hẳn nghề y sĩ sản khoa để theo đuổi sự nghiệp văn chương. Ông viết dễ dàng nhờ những kinh nghiệm của cuộc đời y sĩ vì có gì huyền nhiệm hơn tử sinh?
Có gì trầm thống hơn nỗi đau khổ của con người? Phật thấy tứ khổ sau chuyến du ngoạn ngoài hoàng thành còn người y sĩ nhìn thấy tứ khổ mỗi ngày và trong suốt cuộc đời y sĩ. Những nỗi đau khổ của kiếp người và sự tàn tật của cá nhân ông đã giúp Sommerset Maugham xử dụng những chất liệu giầu có và đẹp đẽ trong các tác phẩm khác của ông như Moon and six pence, The Razor’s edge và The Magician.
Có thể nói, nếu không có nhà thơ “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu” thì đã không có cột mục Từ Bàn Viết Houston. Sau khi tờ Văn Nghệ đình bản, có lẽ một phần vì lời hứa sau ly Cognac quá độ giữa tôi và ông chủ nhiệm Trọng Kim, cột mục Từ Bàn Viết Houston được chuyển sang Ngày Nay. Cái tài làm thơ dễ dàng của Du Tử Lê ảnh hưởng đến cách viết của tôi.
Hơn 13 năm trước, khi gặp Du Tử Lê, tôi biết được cả hai chúng tôi đều có cùng một tật do trời sanh ra. Tật sáu ngón, cùng dư ngón cái ở bàn tay phải. Người ta hay nói, có tật có tài. Điều đó đúng với Du Tử Lê, một người nhiều tài và nhiều tật còn tôi ngược lại ít tài và nhiều tật. Một trong những tật từ nhỏ không bỏ được là quên nghề nghiệp đi la cà với giới văn nghệ và mê sách vở. Cũng chỉ vì hai tật này mà tôi gặp Du Tử Lê qua ông Trọng Kim.
Ông thi sĩ “đi với về cùng một nghĩa như nhau” chỉ khác tôi ở cái tật nghịch ngợm. Bố của thi sĩ, vì tật sáu ngón tay, đã dăt cho ông con tên Lê Cự Phách, ngón tay lớn, còn cha tôi thực tế hơn khi tôi lên năm tuổi trước khi đi học được ông đem vào bệnh viện Chợ Rãy để cắt đi cái ngón tay dư nằm cạnh ngón tay cái dài hơn ngón giữa vướng víu khi cầm viết. Cái ngón tay dư đó được tôi cấât vào trong chai alcohol, bỏ trong túi quần mỗi ngày đến trường. Nhờ con chó Jacquot to lớn và ngón tay dư đó mà tôi tránh được cảnh các ông con nít hàng xóm bắt nạt cho đến một ngày tôi bắt buộc phải ném lọ cồn chứa ngón tay vào mặt ông nhô con bắt nạt tôi, lọ cồn vỡ, ngón tay bị bạn bè đá như đá bóng thì ngón tay dư đó mới rời khỏi hẳn cuộc đời tôi. Nó không đi theo tôi như cái tên Lê Cự Phách đi theo Du Tử Lê suốt cuộc đời.
Du Tử Lê làm thơ rất dễ dàng như “Đêm ở biển Galvleston với Việt Nguyên, tưởng thấy Vũng Tàu, cũ” được Lê làm ngay sau khi chúng tôi nằm nói chuyện với nhau, một đêm, tiếng sóng Galveston dội về mơ màng như tiếng sóng Vũng Tàu. Tôi với Lê nhớ về những kỷ niệm cũ, những đêm trăng, những cây bàng trên đường phố ở Bãi Trước về ngọn Hải Đăng trên núi khác hẳn ngọn Hải Đăng Mù của Mai Thảo ở Pula Besar, về những người tị nạn vượt biên… Hai ngày sau tôi được xem bản thảo một bài thơ đúng như tâm trạng của một đêm bên bờ biển:
Dễ chừng hai mươi năm
Chúng ta đã quên khuấy những cây bàng bãi trước
Sự thật chẳng còn gì để nói thêm về biển
Ngoài việc hãy dựng ngay đài kỷ niệm
Làm trại tạm cư cho trăm ngàn linh hồn uổng tử
Tổ quốc thở ngoài ta, nói gì không giả dối
. . . . . .
Sự thật chẳng có gì để nói thêm về biển
Ngày em cũng quên
Buổi sáng. Bãi sau. Ông Tàu già hiện thân thùng nước lèo, Tô hủ tiếu
Những sợi bánh em nút ngon lành.
Nhiều năm sau nữa, những trận mưa ở thành phố
Galveston, đổ về vào nửa đêm,
ở đó tôi với những người bạn khác trong những cơn gió mịt mùng vẫn nhớ đến những câu thơ chót của Du Tử Lê trong bài thơ ấy:
“Sự thật chẳng còn điều gì để nói thêm về biển
Một trận mưa nửa đêm
Đủ vùi chôn hết thảy
Nếu ta được tái sinh
Xin làm: Đêm. Biển ấy”
Khi tôi viết về một căn nhà của tôi, một ngày đã bỏ đi, một ngày lại được trở về. Khi tôi viết về bà mẹ, bà mẹ già của Du Tử Lê lại đến với tôi. Hình như Du Tử Lê làm thơ về mẹ anh cũng giống như mẹ tôi và những bà mẹ khác. Một người mẹ già suốt đời cần cù rồi cuối cuộc đời cũng trắng tay.
“Trí nhớ tôi là căn nhà nằm ven sông Đáy
Ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
Có cánh cửa ngó xuống nỗi lầm than của mấy đời chạy giặc”.
Một bà mẹ chất phác và ngỡ ngàng, mất hẳn một ngôi nhà cũ quen thuộc, bà mẹ của Lê đã làm tôi nhớ về bà cụ mẹ của vợ tôi vừa qua đời:
“Những khuya tỉnh dậy
Mẹ tôi chỉ băn khoăn có một điều: cửa giả
Bà sợ chúng tôi quên khóa cửa
Kẻ trộm sẽ vào lấy gạo, lấy cơm
Hơn hai mươi năm ở đây
Chưa bao giờ mẹ tôi tin rằng bà đã ra ngoài đất nước
Hai mươi năm không thật
Hơn hai mươi mẹ tôi sống như còn ở quê nhà”.
Bà mẹ của Du Tử Lê như bà mẹ Việt Nam của nhạc Phạm Duy, nhưng ở trong thơ của Lê, bà mẹ Việt Nam đi theo tôi thân thiết hơn như một linh hồn đất nước còm cõi:
“Trong ký ức tôi
Chỉ có một mẹ già
Một buổi sáng bước ra
Ngỡ ngàng đặt tay trên lồng ngực lép
Lồng ngực Việt Nam non thế kỷ
Lòng ngực buồn như đất nước xa
Lồng ngực thở bao năm. Lồng ngực Phủ Lý, Bắc Cạn,
Nho Quan, Đồng Quan, Đồng Văn, Cống Thần, Chợ Đại
Lồng ngực hom hem vì dứt ra cho con
Những chuyến xe nửa đường nửa đoạn
Những chuyến xe chưa kịp về sông Đáy đã nghe buồn
trên những trở lui.” (Thơ Mẹ Du Tử Lê)
Và, cũng những ngày ở quận Cam, tin tức quê nhà khiến tôi nhớ hai câu thơ cuối trong bài “Đêm Nhớ Trăng Saigon” của Du Tử Lê nằm in trong đầu tôi lần về Saigon, đi qua nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa:
“Nhớ nghĩa trang quê bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường”
Ở chỗ này, nhân gian đều hiểu tấm lòng của Du Tử Lê.
Việt Nguyên
(Bán nguyệt san Ngày Nay, Houston, TX, số đề ngày 1 tháng 2-07)
Nguồn: https://www.dutule.com/p128a2439/tinh-ban-voi-du-tu-le
0 Bình luận