Tô Thùy Yên tự nhận không có nhiều bạn, ít giao du và thích sự cô độc nhưng tôi nhận ra, qua nhiều cuộc gặp gỡ và những chuyến đi kết bè họp bạn sau này, Tô Thùy Yên đã gây cảm tưởng rằng ông “ham vui”. Khoảng cuối năm 2010, ông gọi thăm khi nghe tin tôi trở về  từ Pennsylvnia sau 3 năm …du học. Tôi hỏi vui: “Này, coi chừng đấy. Hết Thắp Tạ rồi lại cử tạ, thơ anh có vẻ xuống sắc lắm rồi đấy nhé. Liệu đừng đàn đúm nữa mà lo ca bài ‘đời tôi cô đơn’,  không thì làm bài thơ nào ‘cũng dở dang’ ‘cũng lỡ làng dù anh chẳng lỗi chi’ (Đời anh cô đơn, Đài Phương Trang). Tô Thùy Yên cười ngất: “Thất sắc mới sợ chớ xuống sắc ăn nhằm gì. Còn bà Nghè, bao giờ đời em hết cô đơn đây? Thôi em ơi, đã ế mấy chục năm rồi còn đòi học tiếp tới Trạng nguyên, Tiến sĩ thì ông già nào dám rước em về nữa.”

Ngừng cười, ông tâm sự, rằng tuy có ham vui phần nào thiệt nhưng muốn khơi một phong trào như Sáng Tạo hồi xưa. Tôi tưởng là ông đùa, “Anh điên à? Không ai bây giờ so sánh được với những kiện tướng như Thái Tuấn, Nguyễn Sỹ Tế,  Duy Thanh, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Quách Thoại, Doãn Quốc Sỹ để lập chung một nhóm…” Nhưng Tô Thùy Yên tin sẽ góp công góp của rồi dựng được 1 thứ văn đoàn ngoài nước. Ông lý luận rằng đã có hơn ba triệu người Việt ngoài nước và thời gian đủ dài cho thấy thành tích bất hảo của chủ nghĩa và chính phủ Cộng sản Việt Nam. Bởi thế, thời điểm đã tới cho cuộc vận động gầy dựng một văn đoàn đẩy mạnh một cuộc đổi mới, lần này từ quần chúng. Tô Thùy Yên rủ tôi tham dự. Tôi nói tôi là người thực tế. Không uống nước lã làm văn nghệ được. Tôi phải mất 10 năm chuẩn bị thu xếp mới có thể trở lại trường học. Đời- tôi -tuy- cô -đơn nhưng làm gì cũng tính toán rất kỹ.

Tô Thùy Yên phân vân về việc xuất bản một tờ báo: “Sao ra một tờ báo có vẻ dễ dàng quá. Như Nhã Ca-Trần Dạ Từ đó. Làm chủ một tờ nhật báo lớn, sống thoải mái.” Đến phiên tôi cười ngất: “Kể ra làm một tờ báo ở cái xứ này, bất cứ tuần báo hay nhật báo, rồi may thì lên xe xuống ngựa hoặc rủi thì lên voi xuống chó với người ta cũng không khó gì đâu. Thứ trôi sông lạc chợ như tờ báo lá cải đăng bài mạ lỵ người khác mà vẫn có văn sĩ tiền hô hậu ủng. Nhưng có một thứ báo hầu như không ai làm được: Báo văn học về Văn học Miền Nam vì văn đoàn của anh phần lớn sẽ là người đi/ có gốc từ Miền Nam và hải ngoại.”

Tô Thùy Yên hỏi tôi về Khởi Hành.  Tôi cho việc làm báo Khởi Hành cùng với Viên Linh là một sự thành công nhưng một sự thành công mà Tô Thùy Yên sẽ rất khó lập lại. Tạp chí Khởi Hành ra số 1 vào cuối năm 1996 chỉ vài tháng trước khi tạp chí Văn được Mai Thảo giao lại cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Rồi ra, Khởi Hành sẽ tiến vượt, bỏ lại Văn và trở thành tạp chí duy nhất nghiên cứu và phổ biến Văn học Miền Nam cùng các vấn đề văn học liên quan đến người Việt tỵ nạn hải ngoại cho đến khi nó đóng cửa vào giữa năm 2018.

Khởi Hành thành công vì thứ nhất, phát hành ngay vào thời điểm thuận lợi nhất, chỉ chậm vài năm cũng sẽ chịu chung số phận với các tờ báo khác. Từng đảm nhiệm phần vụ Trưởng Ủy ban Văn nghệ sĩ-Bị Cầm tù, tôi đặc biệt chú ý đến thời điểm Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức cho phép cựu tù nhân chính trị, đại đa số là quân nhân của Việt Nam Cộng hòa bị giam từ 3 năm trở lên (nói một cách tổng quát), nhập cư vào Hoa Kỳ bắt đầu vào khoảng cuối năm 1989- đầu năm 1990. Từ năm 1990 cho tới năm 1996, cộng đồng Việt tỵ nạn có sự tham dự của một khối độc giả xuất thân ka-ki và, quan trọng không kém, một số văn nghệ sĩ Miền Nam như  Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Vũ Đức Nghiêm, Uyên Thao, Thái Thủy vv,  được phóng thích cũng xin định cư tại Hoa Kỳ. Trước đó, hàng trăm ngàn người Việt, đa số từ Miền Nam, được di tản rồi vượt biển và vượt biên tạo nên một cộng đồng vững chãi có thể làm chỗ tựa cho những sinh hoạt văn nghệ CỦA và VỀ Miền Nam.

Thư ký Tòa soạn Nguyễn Tà Cúc, đại diện tạp chí Khởi Hành và nhật báo Người Việt, dẫn chương trình cho buổi sinh hoạt về Ban Tao Đàn, Đài Phát thanh Quốc gia Sài gòn.

Thứ hai, cộng đồng ấy đã có độc giả muốn đọc và đọc lại về Văn học Miền Nam  nhưng cần người viết. Rất nhiều tác giả Miền Nam, từ Mặc Đỗ cho tới Tô Thùy Yên, đã góp mặt trên Khởi Hành. Thứ ba, Khởi Hành có một người phê bình riêng. Tôi là người làm những loạt không xuất hiện ở đâu khác về Mặc Đỗ & nhóm Quan Điểm, Bách Khoa, Sáng Tạo, Võ Phiến, Phan Khôi vv. hay bình luận về hoạt động liên đới giữa 1 đại học Hoa Kỳ và một số nhà văn Miền Bắc.

Thứ ba, dĩ nhiên là yếu tố nhân sự. Đi vòng vòng lưu diễn lâu nay, cái gánh hát của Tô Thùy Yên đã chiêu dụ được những ai cho hoài bão của ông? Viên Linh, tay làm báo danh tiếng từ Miền Nam, người đã đưa thơ Nguyễn Bắc Sơn ra bìa Khởi Hành-Sài gòn, từng đăng thơ Tô Thùy Yên khi Mai Thảo không dám vv. Còn tôi-Thư ký Tòa soạn, dư hiểu tạo sao bị Võ Phiến định triệt hạ: Tôi không bao giờ là một thứ “đàn em” tìm danh vọng lửa rơm qua sự ca ngợi các ngài trong thế giới Vũ Trọng Phụng này.  Bởi thế, Tô Thùy Yên đã gọi tôi là “người em út” mà không phải người -đàn -em của nhiều tác giả Miền Nam thế hệ trước.

Tôi còn khuyên Tô Thùy Yên chớ bao giờ quên một yếu tố quan trọng mà có vẻ một số không ít người đàn ông (làm báo) đã quên: Phụ nữ. Một nửa Khởi Hành là phụ nữ. Tôi đã làm Diễn Đàn Phụ nữ, đã góp phần tổ chức Đại hội Áo dài, từng diễn thuyết và cùng Viên Linh–Chủ nhiệm & Chủ bút của tôi– mời được tác giả khác diễn thuyết hay trình diễn. Khi Khởi Hành tổ chức bất cứ một cuộc sinh hoạt văn học nghệ thuật nào, chúng tôi đều có sự tiếp tay nồng nhiệt của các bạn gái và các bạn trai, kể cả cựu quân nhân, thí dụ như từ Cục Quân Nhu và Cục Tâm Lý chiến.

Diễn đàn Phụ nữ Khởi Hành – 2 trong rất nhiều phụ nữ đã giúp Khởi Hành: Từ trái qua phải: Bà Ngọc Châm (con dâu họa sĩ Thái Tuấn), Nguyễn Tà Cúc và bà quả phụ (nhà thơ) Trần Thúc Vũ. Cả hai đều sang Hoa Kỳ sau năm 1975.

Đã qua một biến cố long trời lở đất, tôi có thể nói đa số phụ nữ, giới văn nghệ hay giới độc giả mà tôi biết, không phí sức lực và tiền bạc cho những tác giả “viết một đàng, sống một nẻo”. Nếu chúng ta không đánh giá thấp sức mạnh và tiềm năng của người tỵ nạn, nhất là khối ka-ki, chúng ta càng không thể không biết đánh giá những người vợ, người chị hay em gái của họ. Vài người đàn ông làm báo quên rất mau rằng những phụ nữ này cũng chính là độc giả trung thành của báo chí, của các tạp chí văn học Miền Nam. 

Sau năm 1975, phụ nữ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp khi phải đơn thân đối đầu với người Cộng sản lúc không còn người cha, người anh hay người chồng bên cạnh. Bởi thế, họ sẽ không làm một thứ trang sức cho bất cứ một tác giả nào. Tô Thùy Yên nhắc tới các tác gia nữ ở hải ngoại. Tôi trả lời, tuy rất tôn trọng mọi tác gia, nhưng tôi phải biết độc giả phụ nữ của tôi và của Khởi Hành là ai. Với khối độc giả này, nữ quyền không có nghĩa cung hiến và miêu tả những cuộc cung hiến đó (có khi rất trần trụi đủ nghĩa đen và nghĩa bóng) cho đàn ông. Chính họ đã giữ được giềng mối cho gia đình khi có biến. Trong một số trường hợp, chính thân xác họ trở thành bãi chiến đầu tiên khi cửa nhà sa sút dưới các áp lực của một bạo quyền đã tước đoạt hết quyền sống của họ và gia đình họ. Bởi thế, họ muốn chứng kiến và hỗ trợ phụ nữ viết, sống và hoạt động như đời thật đã chứng minh: Như một nữ tướng chứ không phải như một thứ nô tỳ văn nghệ cũng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Cho nên, Tô Thùy Yên cần biết thực lực của chính mình và nhóm mình –đàn bà lẫn đàn ông–trước khi “mưu bá đồ vương”. Những đàn ca hát xướng, tâm tình cởi mở, những tán tụng-cho-vui-đời- tỵ -nạn điển hình trong cuộc lưu diễn tại Little Sài gòn, California vào năm 2004, chỉ là một thứ ảo ảnh sớm nở tối tàn.

Cũng như kinh nghiệm của Miền Nam trước đây, một phần khiêm nhượng của lịch sử báo chí văn học hải ngoại sẽ phản ảnh đời sống người Việt (gồm đại đa số)  ra đi từ Miền Nam. Đó là lý do hầu hết nhà văn Miền Nam định cư tại ngoại quốc vẫn xông ra làm báo dù biết lỗ lã mười mươi hay viết báo không công giúp bạn mình. Giấc mơ của Tô Thùy Yên không thành sự thực vì rất khó làm báo văn học về Văn học Miền Nam thành công. Còn muốn làm một cái gì khác ư? Cử tạ bằng thơ văn có khi lại dễ hơn cử tạ ngoài đời. Ngoài đời, được một vài người đàn ông hay đàn bà dâng hiến mọi sự cho mình không có gì khó: Thơ văn vẫn có sức quyến rũ đầy ma mị của nó, nhất là với loại đàn bà yếu bóng vía. Nhưng để thuyết phục được nhiều người, rất nhiều người, nhất là giới phụ nữ, hầu cùng mình xây dựng một việc chung thì văn thơ rất dễ bong lớp vàng son dát ngoài.

 06.2019

Nguyễn Tà Cúc

Nguồn: http://www.gio-o.com/ANMZ/NguyenTaCucToThuyYenMotAo.htm

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận