Trận Rạch Gầm Xoài Mút
Tháng 2 năm Quý Mão (1783), Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đem quân đi đường thủy, vào cửa Cần Giờ, ngược dòng sông Lòng Tảo tiến vào Gia Định. Bên Bắc ngạn có Tư khấu Nguyễn Văn Kim dẫn đầu, phía Nam ngạn do Đô đốc Lê Văn Kế chỉ huy. Nguyễn Ánh và Châu Văn Tiếp dốc toàn lực chống đỡ, dùng kế hỏa công, bổng gió Đông Bắc nổi lên, khiến ngọn lửa quay ngược lại, thiêu rụi cả hạm đội của Nguyễn vương [1], nên bị thảm bại. Nguyễn Ánh cùng tướng Nguyễn Kim Phẩm và vài kẻ thân tín kéo tàn quân chừng 100 người chạy xuống Ba Giồng (Định Tường). Còn Châu Văn Tiếp, men theo đường núi chạy qua Cao Miên, rồi đến Xiêm La cầu viện. Lấy được Gia Định, quân Tây Sơn vào đóng ở Sài Côn [2].
Nguyễn Ánh là người giàu nghị lực và kiên nhẫn, ông gấp rút tập hợp tàn quân và chiêu mộ tân binh, quyết khôi phục. Và chỉ 2 tháng sau (tháng tư), Nguyễn Vương đủ sức mở cuộc tấn công quân Tây Sơn ở Đồng Tuyên (Kiến An, Định Tường). Nhưng lần này cũng thua đậm, lại mất luôn các tướng: Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Văn Quý, Trần Đại Huề, và Binh bộ Minh (không rõ họ và tên lót). Quân Tây Sơn truy kích gắt gao, Nguyễn Ánh phải tháo chạy ra Phú Quốc [3].
Rồi đầu năm Giáp Thìn (1784), căn cứ cuối cùng của Nguyễn vương tại quốc nội là đồn Tân Hòa [4] bị tướng Tây Sơn là Trương Văn Đa đánh tan. Chúa Nguyễn Ánh phải lánh ra đảo Thổ Châu [5] ẩn náu để được an toàn hơn, và chỉ còn một con đường phải thân hành qua Xiêm cầu viện.
Về phía Tây Sơn, dẹp xong các đồn lũy của quân Gia Định, Nguyễn Huệ cắt đặt các tướng canh giữ những nơi hiểm yếu, giao quyền cho phò mã Trương Văn Đa (rể của Nguyễn Nhạc, và con của Trương Văn Hiến), rồi kéo quân về Qui Nhơn để lo đối đầu với họ Trịnh.
Nước Xiêm lúc bấy giờ ở dưới triều P’hut Yodfa đương thịnh vượng, đang nuôi tham vọng bành trướng lãnh thổ về phía Đông Nam. Được Nguyễn Ánh chính thức cầu viện, vua Xiêm chụp ngay cơ hội tốt. Nhà vua sai cháu là Chiêu Tăng làm chủ tướng và Chiêu Sương làm tướng tiên phong [6], cùng các tướng giỏi như Lục Côn, Sa Uyển và Chiêu Thùy Biện (một cựu thần Chân Lạp thân Xiêm), đem 2 vạn quân cùng 300 chiến thuyền đi đường thủy cả đường bộ sang giúp Nguyễn vương [7]. Trong khi đó lực lượng của Chúa Nguyễn chỉ có chừng 1000 người, góp nhặt từ đám tàn quân và một số tân binh chiêu mộ nơi người Việt lưu vong [8], giao cho Châu Văn Tiếp lãnh chức Bình Tây Đại Đô đốc, và Mạc Tử Sanh [9] làm tham tướng.
Tháng 7 năm Giáp Thìn (1784) đại quân Xiêm Việt có mặt biên giới trấn Hà Tiên là vùng đất tận cùng phía Tây Nam Việt Nam. Châu Văn Tiếp cùng với Chiêu Tăng đồng loạt tấn công các đồn lũy của Tây Sơn. Quân Xiêm lấy được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Măng Thít, Sa Đéc [10]; và chuẩn bị đánh chiếm các thành Mỹ Tho, Gia Định. Cậy công cứu giúp Chúa Nguyễn, và liên tiếp chiến thắng, quân Xiêm càng kiêu căng, càng quấy nhiễu dân chúng, làm nhiều điều tàn bạo, lòng dân oán hận. Hơn nữa, quân Xiêm lộ hình là đạo quân xâm lăng, ra tay cướp phá, họ làm giàu bằng cách thẳng tay tước đoạt tiền của châu báu, xâm phạm nhân phẩm và sinh mạng của dân chúng. Chúng đã dùng chiến thuyền chở về Xiêm không biết bao nhiêu con gái Việt và của cải mà chúng đã cướp đuợc trên đường tiến quân [11]. Nguyễn Ánh rất bực tức về đạo quân thất nhân tâm, nhưng không cách nào ngăn được. Việc làm mất lòng dân là điều tối kỵ mà Nguyễn Ánh từ trước tới nay rất lưu ý [12].
Khoảng tháng 10 cùng năm, một trận thủy chiến lớn xảy ra ở sông Măng Thít [13], giữa Chưởng cơ Bảo của Tây Sơn và Bình Tây Đại Đô đốc Châu Văn Tiếp (朱 文 接; Mậu Ngọ, 1738 – Giáp Thìn, 1784), có Nguyễn Ánh kịp thời tiếp cứu. Kết cuộc, Chưởng cơ Bảo (掌 奇 寶) bị giết, nhưng Đại Đô đốc Tiếp cũng bị tử thương. Còn Trương Văn Đa (張 文 多) thoát được, rút quân về Long Hồ [14], bỏ lại nhiều thuyền bè và khí giới. Trước tình thế địch quân quá đông, Trương Văn Đa trong tay không quá 1 vạn quân, phải phân tán mỏng để chận đứng bước tiến của liên quân Xiêm – Việt. Cuối năm 1784, Trương Văn Đa sai Đô úy Đặng Văn Tuấn về Qui Nhơn cấp báo và xin viện binh [15].
Vua Thái Đức (泰 德), sai Long Nhương Tướng quân Nguyễn Huệ đem quân vào tiếp cứu. Trước tình thế ấy, Nguyễn Huệ không chủ trương phòng thủ Gia Định, hoặc đánh thẳng vào đại bản doanh của quân Xiêm ở Sa Đéc, mà chọn một địa điểm hiểm yếu ở giữa Mỹ Tho và Sa Đéc để thực hiện kế “điệu hổ ly sơn,” với chiến thuật kết hợp thủy quân và lục quân:
Nguyễn Huệ đặt bản doanh tại Mỹ Tho, rồi bí mật chuyển quân và tàu chiến mai phục nơi đã định, dùng kế nghi binh, cho một lực lượng nhỏ khiêu chiến yếu ớt, tạo cho quân Xiêm càng chủ quan khinh thường, xem việc chiếm Mỹ Tho và Gia Định dễ như trở bàn tay.
Chiêu Tăng giao Sạ Uyển ở lại Sa Đéc giữ bản doanh, sai Lục Côn dẫn môt số bộ binh men theo tả ngạn sông Tiền để hỗ trợ. Đêm 18, rạng ngày 19- 1- 1785 (mồng 9 tháng Chạp năm Giáp Thìn), Chiêu Tăng và Chiêu Sương chỉ huy toàn bộ lực lượng thủy bộ, theo sông Mỹ Tho tiến chiếm Mỹ Tho. Đúng với kế hoạch của Nguyễn Huệ, hầu hết thuyền quân Xiêm lọt vào đoạn sông phục kích, từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, dài khoảng 6 – 7 km, và cách Mỹ Tho chừng 12 km. Bất thần pháo lệnh nổ, đồng loạt đại bác cùng pháo hỏa hổ, từ hai bờ sông, từ các cồn Bà Kiểu, cồn Bốn Thôn, cù lao Thới Sơn, và cả trên chiến thuyền Tây Sơn thi nhau nhả đạn như cát vãi. Đồng thời thủy quân từ các nhánh sông đoạn Rạch Gầm – Xoài Mút đổ ra, rồi từ Mỹ Tho kéo đến, khóa chặt hai đầu và đánh thốc cạnh sườn. Khiến đội hình của giặc, ngay từ phút đầu bị chia cắt từng mảng, không còn sự chỉ huy thống nhất. Cùng lúc, quân Tây Sơn dùng thuyền nhẹ chở đầy chất nổ và dễ cháy, lao thẳng vào thuyền giặc. Bộ binh Tây Sơn chờ sẵn ở bờ sông tiêu diệt nốt đám tàn quân bỏ thuyền trốn chạy lên bờ. Ca dao đã phản ánh cuộc chiến đẫm máu này:
Rạch Gầm – Xoài Mút tăm tăm
Xê xuống chút nữa tới vàm Mỹ Tho.
Bần gie đóm đậu sáng trời,
Ra tay một trận muôn đời uy danh.
Kết quả là 300 chiến thuyền và 2 vạn quân Xiêm cùng một số quân chúa Nguyễn, chỉ trong một đêm đã bị Tây Sơn phá tan. Chiêu Tăng và Chiêu Sương tháo chạy về đại bản doanh Sa Đéc, bị quân Tây Sơn truy kích sát nút, hối hả cùng với Sa Uyển dẫn vài ngàn tàn quân chạy bộ sang Chân Lạp, rồi về Xiêm. Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng chạy sang Trấn Giang (Cần Thơ). Mạc Tử Sanh dùng 3 chiếc thuyền còn lại đón chúa Nguyễn về Hà Tiên, rồi chạy sang Xiêm.
Vấn đề đặt ra thay lời kết:
Trước kia vua Xiêm Taksin (1767 – 1782), gọi theo tiếng Việt là Trịnh Quốc Anh, đã từng căm giận chúa Nguyễn, vì một số thương gia người Xiêm từ Quảng Đông về nước, khi đi ngang qua Hà Tiên bị Lưu thủ Thăng giết và cướp hết hàng hóa. Vì thế, khi sứ giả của Nguyễn Ánh là Tham và Tranh (không rõ họ) đến Xiêm để thương thuyết điều đình, thì bị bỏ ngục. Ngoài ra, vua Taksin còn nghi các phái viên của Nguyễn Vương như Mạc Thiên Tứ và Tôn Thất Xuân đang tá túc tại Xiêm tìm cơ hội chiếm Vọng Các. Vua Xiêm hạ lệnh giết Mạc Tử Duyên (con của Mạc Thiên Tứ, anh của Mạc Tử Sanh), Tôn Thất Xuân và 50 người tùy tùng. Khiến Mạc Thiên Tứ quá uất ức phải tự vận vì sự nghi oan này [16].
Thế nhưng, khi Nguyễn Ánh có lời chính thức cầu viện, vua Xiêm Chakri (1782 – 1809), gọi theo tiếng Việt là Chất Tri, niềm nỡ đón tiếp và sẵn sàng phái đến 2 vạn quân và sai người cháu của nhà vua sang cứu giúp. Phải chăng Nguyễn Vương đã có mật ước gì với vua Xiêm, nên vua Xiêm đã bỏ qua mọi sự xích mích nghi kỵ từ triều đại trước, lại đối đãi tận tình như vậy? Điều này vẫn là một bí ẩn! Phải chăng, vua Xiêm giúp Nguyễn Ánh vì “lòng tốt” của lân bang, hay vì thù ghét quân Tây Sơn, hoặc là có âm mưu muốn nhân đó chiếm Miền Nam làm thuộc địa?
Cũng còn may cho dân tộc Việt Nam, trong đạo quân Tây Sơn, có danh tướng Nguyễn Huệ đã đánh tan 2 vạn quân Xiêm chỉ trong 1 ngày (9- 1- 1785), và sau trở thành Hoàng Đế Quang Trung, đã quyét sạch 20 vạn quân Thanh trong 5 ngày (từ đêm 30 đến chiều mồng 5 Tết Kỷ Dậu). Nếu không có Ngài, vị anh hùng cứu tinh dân tộc, nước ta đã bị ngoại bang chia đôi, nửa phía Bắc trở thành quận huyện của nhà Thanh, nửa phía Nam thuộc về Xiêm La.
San Jose, ngày 20- 2- 2017
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
GHI CHÚ
[1] Năm Canh Tý (1780) Nguyễn Ánh xưng vương (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, trang 351)
[2] Sài Côn: Theo Lê Quý Đôn; Phủ Biên Tạp Lục (viết năm 1776), Quyển 1 nói về “Sự tích hai xứ Thuận, Quảng…”; trang 18 (ấn bản điện tử): Năm 1674, chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687) sai tướng ở doanh Nha Trang là Dương Lâm Hầu đi đánh Cao Miên, sách đã chép: “Tháng 4, chia quân 2 đạo, trong khi đêm đánh úp lấy lũy Gò Bích, phá đứt các vòng sắt ở các bè nổi, tiến thắng đến vây thành Nam Vang, Nặc Đai chạy bị chết, Nặc Thu ra hàng, tháng 6 rút quân về, phong Nặc Thu làm chánh Quốc vương trị đất Cao Miên, Nặc Nộn làm thứ Quốc vương đóng ở Sài Côn, hằng năm phải triều cống. Cho Dương Lâm Hầu trấn thủ ở Khang Thái.” Vì chữ Nho không có từ “Gòn” nên các nhà Nôm học mượn từ “Côn ” (棍) có âm na ná để thay thế cho chữ “Gòn.” Như vậy, nếu đọc theo Nôm là “Gòn” (棍) và nếu không biết chữ Nôm thì đọc là “Côn” (棍). Và đây là lần đầu tiên địa danh “Sài Gòn” xuất hiện trên tài liệu Việt Nam. Trong Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn, Viện Việt Học xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2009, trang 443, cũng đã trích 4 câu thơ (từ câu 557 – 560) trong thi phẩm Việt Sử Diễn Nghĩa Tứ Tự Ca (越 史 演 義 四 字 歌), bằng chữ Nôm, của Hường Thiết & Hường Nhung, viết năm 1921, để minh chứng: 岳 差 惠 侶 (Nhạc sai Huệ Lữ), 𠓨 打 柴 棍 (Vào đánh Sài Gòn), 軍 賊 殘 暴 (Quân giặc tàn bạo), 軍 些 耗 𤷱。 (Quân ta hao mòn).
[3] Phạm Văn Sơn; Quân Lực Việt Nam Chống Bắc Xâm và Nam Tiến, Quyển II (Sài Gòn, Bộ Tổng Tham Mưu xuất bản, 1969); trang 339.
[4] Tân Hòa gồm 2 thôn: Tân Hòa Đông và Tân Hòa Tây, thuộc tổng Tân Phong Trung, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định có lỵ sở là Sài Gòn.
[5] Đảo Thổ Châu: nguyên là “Chu” nói trại là “Châu” vì kiêng húy, tên của chúa Nguyễn đời thứ 6 là Chúa Quốc, Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu (阮 福 淍). Quần đảo Thổ Châu gồm: đảo Thổ Châu lớn nhất (13,95 km²) và 7 đảo nhỏ: hòn Tử, hòn Cao Cát, hòn Nhạn, hòn Khô, hòn Đá Bàn, hòn Xanh, hòn Cao, và hòn Khô nhỏ nhất (khoảng 15 m²). Đảo Thổ Châu, còn có tên là Poulo Panjang (trên hải đồ, ghi theo tiếng Malaysia), ở trong vịnh Thái Lan, nằm phía Tây Nam đảo Phú Quốc. Đảo Thổ Chu cách Phú Quốc 102 km tức 55 hải lý, cách Rạch Giá 200 km, cách mũi Cà Mau 157 km tức 85 hải lý.
[6] Theo Phạm Văn Sơn, sách đã dẫn, trang 340: Chiêu Tăng và Chiêu Sương là em của vua Xiêm lúc bấy giờ là P’hut Yodia. Nhưng theo Nguyễn Duy Chính, Tương Quan Xiêm – Việt Cuối Thế Kỷ XVIII, trích dẫn từ The Dynastic Chronicles, The First Reign [Vol. II], trang 121: Chiêu Tăng là con của chị vua Xiêm, gọi nhà vua bấy giờ là Rama Đệ nhất, bằng cậu ruột. Quách Tấn và Quách Giao, Nhà Tây Sơn (San Jose, nxb An Tiêm, 2003), trang 109, cũng chép “Vua Xiêm sai cháu là Chiêu Tăng…,” nhưng tên nhà vua lại là Chakkri (Chất Tri). Tuy tên gọi vua Xiêm có khác nhưng đều chỉ cho một người, vì đó là tên, là vương hiệu, hay triều đại của nhà vua.
[7] Về quân số của quân Xiêm, theo Nguyễn Duy Chính, Tương Quan Xiêm – Việt cuối thế kỷ XVIII, đã trích dẫn tài liệu lịch sử Xiêm:
“Vào tháng 5 [lịch Xiêm, khoảng tháng 3 Dương Lịch] của năm Thìn [Giáp Thìn 1785] nhà vua (Rama I) sai cháu là Chaofa Kromluang Thepharirak chỉ huy một đội chiến thuyền và 5.000 quân, với lệnh là tấn công và tái chiếm – không được thất bại – lãnh thổ Saigon cho Ong Chiang Su [chúa Nguyễn]. Nhà vua cũng cho phép đích thân Ong Chiang Su (Nguyễn Ánh) đi theo với đoàn quân. Một toán quân đường bộ do Phraya Wichinarong chỉ huy được lệnh tiến theo đường Cam Bốt và điều động thêm một đoàn quân Cao Miên. Chaophraya Aphaiphubet tuyển thêm một lực lượng 5.000 quân Cam Bốt để đi cùng quân Thái.”
“Như vậy, lực lượng bản bộ của quân Xiêm ít nhất cũng hơn một vạn người, bao gồm 5.000 đi theo đường thủy và trên dưới 1 vạn đi theo đường bộ. Lực lượng đó thường xuyên được tăng viện bởi quân Việt (cánh quân thủy) và quân Chân Lạp (cánh quân bộ). Cánh quân bộ do Phraya Wichinarong chỉ huy, được tăng viện bởi quân Chân Lạp gồm 5.000 quân của Chaophraya Aphaiphubet (sử Việt chép là Chiêu Thùy Biện) và 2 cánh quân của Phraya Rachasetthi và Phraya Thatsada không rõ quân số. Cánh quân thủy do Chaofa Kromluang Thepharirak chỉ huy, được tăng viện bởi quân bản bộ của chúa Nguyễn đi từ Xiêm La về cộng với các cánh quân khác nằm sẵn trong nước. Ước tính lực lượng liên quân Xiêm – Nguyễn – Chân Lạp có quân số khoảng hơn 2 vạn. Con số này khá phù hợp với các tài liệu sử chính thức của triều Nguyễn.” (Theo vn.wikipedia)
[8] Về quân số của Nguyễn Vương, theo Quách Tấn – Quách Giao, sách đã dẫn, trang 109, chép: “trên dưới 1000 người.” Nhưng theo Nguyễn Khắc Thuần, Danh Tướng Việt Nam, Tập 3 (nxb Giáo dục, 2005), trang 189, chép “khoảng 3, 4 ngàn người.” Có lẽ Quách Tấn tính theo quân số khi Nguyễn Vương từ Xiêm kéo quân về nước, còn Nguyễn Khắc Thuần tính theo quân số khi Nguyễn Vương đem quân về tới Rạch Giá, lúc ấy có một số tàn quân còn ở trong nước đã ra tái nhập ngũ.
[9] Mạc Tử Sanh người Hà Tiên, là con bà vợ thứ tư của Đô đốc Mạc Thiên Tứ, và là em cùng cha khác mẹ với Mạc Tử Duyên.
[10] Các địa danh ở Nam Kỳ Lục Tỉnh:
– Rạch Giá: Năm 1876, Pháp chia tỉnh Hà Tiên làm hai hạt tham biện (tiểu khu) Rạch Giá và Hà Tiên. Từ ngày 1- 1- 1900 hai tham biện này được nâng lên cấp tỉnh; nay là tỉnh Kiên Giang và Rạch Giá là tỉnh lỵ.
– Ba thắc: là tên gọi của đoạn sông Hậu từ Châu Đốc đổ ra biển; còn vùng đất Ba Thắc gồm Sóc Trăng và một phần Bạc Liêu. Nguyên tiếng Khmer gọi là Bàsàk, người Pháp phiên âm là Bassac, tiếng Việt nói trại là Ba Thắc.
– Trà Ôn: một huyện nằm bên bờ sông Hậu, và thuộc tỉnh Vĩnh Long.
– Măng Thít, Nguyễn Ánh sau khi khôi phục đất Gia Định, đặt phủ Mân Thít. Năm 1827, Minh Mạng cải danh là huyện Tuân Ngãi, thuộc phủ Lạc Hóa, trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, Minh Mạng 13, bỏ trấn lập tỉnh, huyện Tuân Ngãi thuộc tỉnh Vĩnh Long. Năm 1908, cải là huyện Cái Nhum. Năm 1961, đổi là quận Minh Đức. Năm 1992, tái lập huyện Mang Thít, thuộc tỉnh Vĩnh Long.
– Sa Đéc là tỉnh cũ ở Nam Kỳ, thành lập tháng 12 năm 1899; nay là tên của thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp.
[11] Quách Tấn và Quách Giao, sách đã dẫn, trang 112.
[12] Phạm Văn Sơn, cùng một trang.
[13] Sông Măng Thít hay sông Mân Thít, là một con sông nhỏ, có tên chữ là Mân Giang (閩 江),dài khoảng 47 km, nối Sông Tiền (nhánh Cung Hầu, Cổ Chiên) với Sông Hậu, chảy trên địa phận tỉnh Vĩnh Long, và là một thủy lộ quan trong cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
[14] Long Hồ là huyện nằm ven phía Đông thành phố Vĩnh Long, và ở về phía Tây huyện Mang Thít. Vào thời Gia Long, địa bàn huyện Long Hồ (ngày nay), xưa thuộc huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh; năm 1832 đổi thành tỉnh Vĩnh Long.
[15] Quách Tấn và Quách Giao, cùng một trang.
[16] Phạm Văn Sơn, sách đã dẫn, trang 339.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– HOA BẰNG; Quang Trung Nguyễn Huệ (Hà Nội, nxb Tri Tân, 1944); Glendale CA, Đại Nam tái bản, không ghi năm.
– HOÀNG CƠ THỤY; Việt Sử Khảo Luận, Cuốn 2; Paris, nxb Nam Á, 2002.
– LAM GIANG NGUYỄN QUANG TRỨ; Vua Quang Trung; Sài Gòn, nxb Thanh Niên, 2001.
– LÊ QUÝ ĐÔN; Phủ Biên Tạp Lục, biên soạn năm 1776; Ngô Lập Chí dịch, ấn bản điện tử; Hà Nội, Trường Đại Học Tổng Hợp, 1959.
– NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1994 – 1995.
– PHẠM VĂN SƠN; Việt Sử Tân Biên, Quyển 3; Sài Gòn, Tác giả xuất bản, 1959.
– . . . . . . . . . . . . . . . . ; Quân Lực Việt Nam Chống Bắc Xâm và Nam Tiến, Quyển II; Sài Gòn, Bộ Tổng Tham Mưu xuất bản, 1969.
– QUÁCH TẤN – QUÁCH GIAO; Nhà Tây Sơn; San Jose, nxb An Tiêm, 2003.
– QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính; Hà Nội, nxb Sử Học, 1962.
– TRANG MẠNG: Google, và vi.wikipedia – Bách Khoa Toàn Thư Mở.
– TRẦN TRỌNG KIM; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7; Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964.
Bài Cùng Tác Giả:
- Quê Tôi
- Cái Duyên Đến Với Đề Tài Lễ Hội Cầu Ngư Và Hát Bả Trạo
- Ngày Xuân Và Lễ Hội Cầu Ngư
- Từ Võ Lý Đến Chiến Thuật
- Khung Trời Kỷ Niệm
- Với San Jose Giáp Bốn Mùa
- Hai Ngôi Chùa Hương
- Những Bài Khảo Luận Đầu Tay – Đoạn II: Đào Duy Từ, Cuộc Đời Và Sự Nghiệp 1572 – 1634 (Nhâm Thân – 17/ 10/ Giáp Tuất)
- Duyên Tri Ngộ – Đoạn 1: Gặp Mộng Bình Sơn
0 Bình luận