Từ Chiều Dọc Thi Ca Việt Nam Tới Thơ Du Tử Lê
(Bài nói chuyện nhân buổi giới thiệu thi phẩm “Đi với về, cũng một nghĩa như nhau,” tại miền nam California, ngày 5 tháng 10 – 1991.)
Lúc gần đây, chúng tôi thường gặp bạn bè, hỏi thăm nhau. Hỏi chuyện xa chuyện gần. Có một số bạn bè khi gặp tôi hay hỏi: “Ông có mạnh khỏe không? Ăn có ngon không? Ngủ có được không?” Và tôi trả lời: “Ăn ngon.” Bạn tôi nói: “Ăn ngon là gút rồi. Thế là tốt rồi!” Một số bạn khác cho tôi một số tiêu chuẩn để đánh giá sức khỏe.
Bạn tôi hỏi:
– Cậu có nhậu không?
Tôi trả lời:
– Xưa nay không nhậu mấy khi. Thỉnh thoảng có uống một chút bia. Bạn tôi mừng rỡ nói:
– Thế thì được. Không sao. Chưa sao.
Một ông bạn trẻ của tôi là ông Lê Ngọc Ngoạn, người in thơ Du Tử Lê, sáng nào cũng điện thoại cho tôi. Ông hỏi:
– Bố đấy à?
– Ờ. Tao đây.
– Bố chưa đi à?
– Ờ. Chưa đi.
– Còn “súng đạn” bố thế nào? Ra sao?
– Ờ, thì cũng còn.
Ông muốn đi sâu vào chi tiết về những khả năng “quân cụ” đó. Tôi tưởng có mấy tiêu chuẩn định giá tức là: Khả năng ăn. Khả năng uống. Và khả năng “tác xạ.” Nhưng cách đây gần bốn năm, tôi tìm thấy một tiêu chuẩn định giá sức khỏe hay hơn ba phương pháp vừa nói. Khi đó, tôi bị giải phẫu. Cuộc giải phẫu được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ hai bác sĩ: Nguyễn Mạnh (có mặt ở đây,) và Trần Anh Dũng (không có mặt.) Giải phẫu xong, tôi sống trong ba tuần lễ không ăn uống, vì bị đánh giá căn bệnh ung thư cổ. Bác sĩ bắt tôi ký giấy: Câm không kiện. Liệt không kiện. Và, chết không kiện. Tôi ký ngay. Khi trở về nhà, phải đeo một uống cao su ở mũi để thức ăn chảy xuống…Thì làm sao ngon được! Bằng mũi thì không uống rượu được. Lại vấn đề “tác xạ” không đặt ra nữa. May qua, lúc đó tôi đọc một bài thơ tôi thích. Và tôi tiếp tục đọc nhiều bài thơ khác.
Suốt thời gian dưỡng bệnh, tôi khám phá ra rằng: Đọc thơ còn thấy hay là còn khỏe. Ngày xưa tôi có gặp bậc lão thành, nhà văn Phan Trần Chúc, cụ nói rằng “Hễ mà đọc thơ hay của bất cứ ai mà không thấy hay, kẻ không may mắn không phải là nhà thơ, tức là mình mà thôi.”
Ông nhấn mạnh, đọc thơ còn hay là còn may mắn. Bây giờ tôi còn thấy thêm: Đọc thơ thấy hay là còn khỏe.” Bài tôi đọc đầu tiên trong thời gian đó là một bài thơ của Du Tử Lê. Sau khi đọc xong bài thơ đó độ năm tuần sau, tôi đến thăm anh Du Tử Lê ở nhà in Number One Printing. Không gặp. Anh thường xuyên không có mặt tại tòa soạn. Sau đó, tôi ra xe hơi. Bị bất tỉnh. May quá, chỉ vài giây thôi, tôi tỉnh lại. Tôi tới thăm Du Tử Lê, định để nói, tôi đọc bài thơ của anh. Tôi rất bằng lòng. Và tôi tiếp tục đọc thơ của các bạn khác, trong đó, có thơ Du Tử Lê. Bài thơ của Du Tử Lê tôi đọc, còn nhớ như sau:
Tôi trở lại đáy khuya ngồi với bóng.
Những chiếc bàn trật khấc nỗi cô đơn.
Em nên biết cuộc đời tôi đã hết.
Có thương nhau lo hộ nhúm xương tàn.
Bài thơ tám chữ. Du Tử Lê vẫn có lối làm thơ tám chữ, thỉnh thoảnh bớt một chữ trong câu bốn, để 32 chữ còn 31 chữ. Lối thơ bốn câu này, tôi rất thích. Ngày xưa bậc đàn anh Vũ Hoàng Chương đã cho chúng ta tác phẩm quý giá “Nhị thập bát tú,” đoạn 4 câu, 7 chữ. Bạn Lê mang lại một loạt những bài thơ 8 chữ, 4 câu, bớt đi 1 chữ thì được 31 chữ. “Tam thập nhất tú.” Bài thơ tôi vừa đọc hầu quý vị, trích trong cuốn “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu.” Cuốn thơ có hai phần. Phần thứ nhất là Những Bài Nhân Gian tuyệt tác. Phần thứ hai hay cũng không kém. Tôi có phần thích hơn là những bài 4 câu trong dòng thơ “Nhị thập bát tú” của anh Vũ Hoàng Chương.
Tôi trở lại đáy khuya ngồi với bóng… rất quen thuộc của chúng ta. Một mình với bóng thì chỉ có một mình thôi. Không thể có hai người.
Những chiếc bàn trật khấc… Bàn, hai cái mộng phải đóng vào nhau. Bàn nó trật khấc! Anh muốn nói chuyện thơ; em lại hỏi anh paycheck về chưa? Trật khấc. Anh muốn ngồi thiền thì em lại đòi đi ăn phở: Trật khấc. Anh chỉ muốn làm việc xã hội vừa phải, dành thì giờ cho thi ca nhiều hơn; thì em lại muốn anh bấm thẻ triền miên: Trật khấc.
Trật khấc thì phải cô đơn. Cái bàn trật khấc nó không cô đơn. Nhưng nó so le. Không dính vào nhau nữa. Hai người trật khấc nhau, ít ra nhà thơ phải cô đơn. Ý nghĩa của câu thơ đơn giản, nhưng mà với tư cách một người quen thuộc ít nhiều với kỹ thuật thi ca, tôi nhìn thấy trong đó có nương náu cả một lịch sử thi ca. Cả một bất biến dài được cô đọng lại.
Thi ca của chúng ta có hai phần: Có một phần ảnh. Có một phần vật. Có cái ảnh nổi. Và có khi vật chìm luôn. Giữa vật và ảnh có một chữ nối liền, người ta gọi là “liên tự.” Có khi liên tự không có.
Thơ Du Tử Lê có sự kết tinh chữ nghĩa dài lâu đó. Chắc hẳn quý vị quan tâm đến thi ca, không ai không biết hai câu thơ lục bát của Huy Cận mô tả:
Lòng anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Lòng anh mở ra, giống như cái quạt mở rộng. Nhà thơ đã cất bỏ liên tự. Giống như ông không dùng là “lớn hơn,” “nhỏ hơn.” Cụ Nguyễn Du có dùng:
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
“Thua” là liên tự. “Nhường” là liên tự.
Nhưng mà Huy Cận muốn đổi thay lục bát: Lòng anh mở ra cũng giống như chiếc quạt mở rộng, thì ông đã đổi lại: Lòng anh mở với quạt này. Một kỹ thuật bắt nguồn từ Nguyễn Du.
Cái quạt được mở ra phe phẩy. Mỗi nan quạt giống như một con chim bay ở trên đầu giường. Cho đến khi sinh ra một trăm con chim bay đầu giường. Hai câu thơ làm tôi suy nghĩ khi còn trẻ. Tôi nghĩ mãi:
“Quái! Ông này không biết lấy đâu chim ra nhiều thế?
Bay lung tung…”
Về sau tôi mới tìm ra cái vật mà ông mô tả là cái quạt. Vì cái quạt nó quạt giống như con chim bay. Cái vật của ông chìm. Cái vật của ông là cái quạt nó chìm. Cái quạt nó phe phẩy giống như một trăm con chim mộng về bay đầu giường. Kỹ thuật làm chìm mất đi một vế. Chìm mất đi liên tự. Làm chìm vật mô tả Du Tử Lê dùng rất tinh tế. Không để lại dấu vết. Người không để ý không thể biết. Chỉ thấy hay. Không biết tại sao hay? Đó là “những chiếc bàn trật khấc nỗi cô đơn.” Anh và em không hiểu nhau, một người một xó. Chúng ta cô đơn giống như chiếc bàn kia. Không có mộng gắn vào nhau. Nỗi trật khắc cô đơn. Từ kỹ thuật dùng ảnh bắt nguồn từ Nguyễn Du, xuyên qua Huy Cận, tới đó, Du Tử Lê từ cõi mộng trở về thực tại với ngôn ngữ trực tiếp, nói lên đau đớn không thể chịu đựng được. Ngôn ngữ đó là: “Em nên biết cuộc đời anh đã hết / Có thương nhau lo hộ nhúm xương tàn” (Thơ Du Tử Lê, trong “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu.”)
Hôm nay, được tiếp nối trong cuốn sách mới có tựa đề “Đi với về, cũng một nghĩa như nhau,” tôi tin tưởng, tôi hy vọng cuốn sách đó cũng sẽ làm quý vị thỏa mãn. Riêng phần tôi, tôi sẽ mang cuốn sách đó làm hành trang trong hành trang không phải để đi ra hoang đảo, mà trở về quê hương trong thời gian ngắn, khi hoàn cảnh cho phép. Tôi nghĩ là một thời gian không lâu.
Quê hương chúng ta giống như những nước bị cai trị bởi chế độ độc tài khác, đã được giải thoát. Chúng ta sẽ được giải thoát. Chúng ta được giải thoát chậm hơn là bởi vì chúng ta bị phạt. Những nước nào trước kia đánh nhau nhiều và lâu với nước Mỹ, bây giờ được tự do chậm hơn. Đó là ba nước Bắc Hàn, Trung Hoa và Việt Nam. Nhưng mà sự tự do chậm đó sẽ tới. Bị phạt một hai năm chứ không bị phạt lâu đâu.
Khi đó, tôi sẽ trở về với quê hương. Các bạn bè của chúng ta ở quê hương sẽ hỏi tôi. Tôi có chuẩn bị câu trả lời. Các bạn tôi sẽ hỏi:
– Hồi đó sao ông đi mau quá vậy? Sao ông không gọi chúng tôi?
Tôi sẽ nói:
– Tôi xin lỗi.
Bạn bè sẽ hỏi tôi:
– Ông ở hải ngoại ông lo làm ăn quá, ông chẳng nghĩ gì đến anh em!
Tôi sẽ nói:
– Tôi nhận lỗi.
Bạn bè tôi sẽ hỏi:
– Nhưng còn thi ca ở hải ngoại? Ông làm được trò trống gì không? Văn hóa Việt Nam ở hải ngoại thì sao?
Tôi sẽ vui vẻ trả lời:
– Tôi hãnh diện. Tôi có những tác giả. Có những anh em. Có những tác phẩm giá trị. Trong hành trang mang về, tôi sẽ tặng bạn tôi: “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu,” cùng “Đi với về, cũng một nghĩa như nhau”.
Nguyên Sa
(Nguồn: Tuần báo Tay Phải, số đề ngày 10 tháng 10- 1991)
Nguồn: https://www.dutule.com/p128a2423/nguyen-sa-tu-chieu-doc-thi-ca-viet-nam-toi-tho-du-tu-le
0 Bình luận