Giới thiệu một biên niên sử có một không hai về báo chí Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Bạn có thể thấy xa lạ với khái niệm “báo chí cách mạng”, nhưng nếu ai đó dùng từ “làng báo”, hẳn là bạn sẽ thấy rất quen.

Tính đến ngày 21/6/1925, khi Nguyễn Ái Quốc cho ra đời tờ báo Thanh Niên ở Quảng Châu, Trung Quốc (sau này được chọn làm ngày kỷ niệm duy nhất của báo chí Việt Nam), ở Sài Gòn đã có một làng báo chính trị hoạt động sôi nổi với hàng chục tờ báo lớn nhỏ khác nhau.

Khi báo Thanh Niên vẫn còn được viết bằng bút sắt trên giấy sáp, [1] phát hành vài trăm bản một tuần, các tờ báo có tên tuổi như Đông Pháp Thời Báo được in một tuần ba kỳ trên khổ lớn bốn trang. Mỗi kỳ khoảng 3.000 bản.

Tôi không đặt ra những so sánh này nhằm xúc phạm hay cười cợt nền báo chí cách mạng vốn có sứ mệnh riêng và vận hành trong sự thiếu thốn đặc thù của nó. Điều tôi muốn nói là việc chúng ta vẫn hàng năm nói về báo chí Việt Nam như thể không hề có một nền báo chí chính trị đã ra đời và phát triển mạnh mẽ từ trước đó ở Sài Gòn là một thiếu sót nghiêm trọng.

Rất may cho chúng ta là có người đã ghi chép lại thời kỳ ngắn ngủi mà sôi động có một không hai này. Ông là Philippe M. F. Peycam, một học giả người Pháp. Cuốn sách mà tôi muốn nhắc đến là “The Birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon, 1916-1930“, được Nhà xuất bản Đại học Columbia ấn hành tháng 5/2012. Một điều rất may khác nữa là cuốn sách quý giá này đã được dịch sang tiếng Việt, dưới tên gọi “Làng báo Sài Gòn, 1916-1930” (Trần Đức Tài dịch, Nhà xuất bản Trẻ, 2015).

“Sài Gòn vào những năm 1920 là trung tâm tranh luận chống thực dân công khai ở Việt Nam và không khí ấy đầy kích thích.” (Peycam, 2012, bản dịch của Trần Đức Tài).

Với sự nới lỏng kiểm soát của chính quyền thực dân Pháp, một lực lượng đối lập đã hình thành vào thời gian này. Họ là những trí thức thuộc nhóm đặc quyền trong xã hội, có tư tưởng chính trị cấp tiến, quan tâm đến đất nước, và dùng báo chí để bày tỏ quan điểm của mình. Cùng với họ, một nền báo chí chính trị sôi động được sinh ra trong một môi trường công khai chỉ có thể hình thành ở một đô thị đặc thù như Sài Gòn.

Có thể kể đến những cái tên mà lịch sử không thể quên như Đông Pháp Thời Báo, Nam Kỳ Kinh Tế Báo, Công Luận Báo, Đuốc Nhà Nam và nhiều tờ báo cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp khác, đi liền với những nhân vật kiệt xuất như Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu, Nguyễn Phan Long, Bùi Quang Chiêu, Cao Văn Chánh, Diệp Văn Kỳ. Chính thời đại này đã định hình cái gọi là một nền báo chí chuyên nghiệp tại Việt Nam, nơi không chỉ nội dung mà cả mô hình tòa soạn, cách thức kinh doanh cũng liên tục được đổi mới để tiếp cận độc giả, trong một không khí cạnh tranh sôi động.

Đông Pháp Thời Báo, số ra ngày 29/3/1926. Ảnh: trinhnhattuan.com.

Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng sự sinh sôi của báo chí dành cho người Việt vào thời gian này rất mạnh mẽ. “Không một tuần lễ nào trôi qua mà lại không có một đầu báo mới ra đời ở Hà Nội hay Sài Gòn.” [2] Và họ tranh biện về đủ mọi điều, từ giá cà phê bỗng tăng lên một xu, sự bành trướng của các doanh nghiệp Hoa Kiều, đến tình trạng độc quyền Cảng Sài Gòn của chính quyền thực dân. Họ đề xuất những đường lối khai phóng dân tộc. Họ công khai thách thức nhà cầm quyền bằng những tờ báo của mình.

Dù không hề là một nền báo chí toàn bích (tất nhiên, dưới ách đô hộ của thực dân), cái không khí kích thích của môi trường tranh biện từ 100 năm trước khiến tôi… chỉ biết ước. Nếu bạn muốn tìm một chút niềm cảm hứng về nghề báo, thứ bạn cần đọc có lẽ là cuốn sách này.

“Làng báo Sài Gòn 1916-1930” bắt nguồn từ luận án tiến sĩ của Philippe M. F. Peycam. Nó được đánh giá là một “biên niên sử báo chí thực sự công phu, chi tiết và hấp dẫn” và là một “đóng góp độc đáo” vào lịch sử Việt Nam đương đại. Peycam nghiên cứu và viết luận án này trong suốt bảy năm, trong đó có bốn năm ở Việt Nam. Ông tiếp cận với một lượng đồ sộ những tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt và tiếng Pháp trước đó chưa ai đụng tới, và điều này làm nên giá trị đặc biệt của công trình. Với tôi, sự đặc biệt còn nằm ở chỗ sách được viết rất hay. Tôi chưa từng biết một biên niên sử, lại là một luận án tiến sĩ nào hấp dẫn đến nhường ấy.

Bản dịch tiếng Việt của Trần Đức Tài cũng cực kỳ trôi chảy. Danh tiếng của dịch giả này đã được xác lập trong các cuốn sách khác trước đây, và ông không làm độc giả thất vọng. Chỉ có một điều đáng tiếc lớn không thể không nhắc đến là để sách được ra đời, nhà xuất bản đã phải cắt đi ba đoạn ở phần kết luận. Những đoạn này liên quan đến hành xử của Việt Minh sau 1945 với các nhà hoạt động ở miền Nam, đến thái độ của chính quyền Hà Nội với báo chí sau 1975, và đoạn kết nói về tính cấp thiết của việc chất vấn cách nhìn lịch sử “nhất nguyên, đơn điệu, và thiếu tính phân tích”. (Nhà nghiên cứu Hà Dương Tường đã diễn giải và dịch lại những đoạn này trong một bài giới thiệu của ông. [3])

Kiểm duyệt rõ ràng là một chuyện xấu xí, nhưng từ góc độ độc giả, tôi trân trọng nỗ lực của những người đã giúp bản tiếng Việt được ra đời, và đặc biệt hơn, đã chú thích cẩn thận những chỗ mà họ đã cắt, ba lần, rằng “Nhà xuất bản có cắt một đoạn”. Tôi nhìn thấy trong đó tinh thần phản kháng của làng báo Sài Gòn đầu thế kỷ 20.

Hiền Minh

Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2022/06/tu-truoc-khi-bao-chi-cach-mang-khoi-sinh-sai-gon-da-co-mot-lang-bao-chinh-tri-soi-dong/

 

 

0 Bình luận

Bình Luận