Trong lịch sử triều Nguyễn, có một sự trùng hợp khá độc đáo, đó là ngày 19.12 năm Kỷ Mão, nhằm ngày 3.2.1820, ngày qua đời của vua Gia Long (1762-1820), cũng là ngày ra đời của một trong những cháu nội của ông, là con trai thứ 11 của hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm, sau là vua Minh Mạng. Người đó có tên Miên Trinh, tước hiệu cuối cùng trong đời là Tuy Lý vương, cùng với Tùng Thiện vương Miên Thẩm, người anh sinh trước một năm, là hai nhà thơ nức tiếng dưới các triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Song cũng như Tùng Thiện vương, cuộc đời Tuy Lý vương cũng trải qua những tình huống khắc nghiệt nhất.

Tuy Lý vương Miên Trinh (1820-1897)

Tuy Lý vương tự Khôn Chương và Quý Trọng, hiệu Tịnh Phố và Vĩ Dạ, vì ngày sinh trùng với ngày mất của vua Gia Long mà theo lời một trong những người con của ông là Hồng Thiết, Thị lang trí sĩ, lễ kỷ niệm sinh nhật của vương trong gia đình phải lui lại một ngày. Ông tỏ ra thông minh dĩnh ngộ từ khi còn rất nhỏ. Năm 4 tuổi, ông đã được mẹ là bà Tiệp dư Lê thị dạy theo lối truyền khẩu mà vẫn nhớ những lời mẹ dạy. Người thầy học năm ông lên 7 tuổi là Lê Dương Hòa cũng rất ngạc nhiên về sự thông minh và nhạy bén của ông. Chính người thầy này khai tâm cho ông về thi phú và đã khai đúng mạch trong tâm hồn lãng mạn và nhân hậu của ông.

Năm ông 16 tuổi (1836), vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho phép Ngũ quân đô thống là năm chức quan võ cao cấp nhất triều đình (Tiền quân, Hậu quân, Trung quân, Tả quân, Hữu quân) được chọn rể đông sàng trong số ba ông hoàng Miên Thẩm, Miên Trinh và Miên Bửu. Người đã chọn Miên Trinh là Tả quân, Tín Võ hầu Phạm Văn Điển, người từng lập nhiều công trạng dưới các thời vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị. Đám cưới của ông với con gái vị Tả quân đã diễn ra ngay trong năm 1836 và hai năm sau, ông được phong tước Tuy Quốc công.

Chẳng những giỏi học tập, thi phú,Tuy Lý vương còn là người con hiếu đễ với mẹ. Những khi bà Lê thị bị bệnh, ông chăm sóc hết lòng, thường tự nếm thuốc trước khi cho mẹ uống. Cũng như người anh là Tùng Thiện vương, năm 1847, ông cất nhà tại thôn Vĩ Dạ, rước mẹ đến ở để phụng dưỡng sớm hôm. Tuy nhiên, phải đến năm 1851, khi đã 31 tuổi, ông mới bắt đầu tham gia việc công, được vua Tự Đức giao trông coi nhà Tôn học là nơi dạy học cho các hoàng tử, công tử trong cung.

Năm 1865, Tuy Lý vương được giao kiêm chức Hữu tôn nhân của Tôn nhân phủ, ông lấy cớ đang chịu tang mẹ, xin từ chối, song vua Tự Đức không thuận. Những năm ông được 40, 50 tuổi, vua Tự Đức đều có văn thơ hay câu đối để chúc mừng. Năm 1878, nhân ngũ tuần khánh tiết, vua Tự Đức tấn phong ông làm Quận vương. Dưới triều Nguyễn, việc phong tước vương cho một hoàng thân khi còn sống, chỉ đến đời vua Tự Đức mới có. Trước đó ba năm (1875), tập Vĩ Dạ Hợp Tập gồm 11 quyển của ông được khắc trên gỗ, đã ra đời. Tác phẩm bao gồm cả thơ, văn, văn chương và triết học rất được người đương thời, cả Việt lẫn Trung Hoa đề cao. Tiến sĩ Vương Tiên Khiêm, Giám đốc trường Quốc Tử Giám Bắc Kinh cho rằng Vĩ Dạ Hợp Tập là “một kiệt tác văn chương, tác giả của nó là một thi hào”.

Năm 1882, Tuy Lý vương được cử làm Hữu tôn chánh, nhân vật số 2 trong Phủ Tôn nhân. Trước khi mất (19.7.1883), vua Tự Đức để lại di chiếu ủy thác ông cùng Thọ Xuân vương Miên Định “phải hết lời sửa chữa khi nước nhà có việc gì không phải”.

Đâu biết rằng lời di chiếu đó đã tác động mạnh mẽ lên cuộc đời của Tuy Lý vương Miên Trinh.

***
Cái chết của vua Tự Đức đã dẫn đến những biến động kéo dài tại triều đình Huế. Ngoài hai vị hoàng thân kể trên, việc triều chính được phó thác cho ba vị Phụ chánh đại thần, theo thứ tự đệ nhất, đệ nhị và đệ tam là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Trong quan hệ với thực dân Pháp lúc bấy giờ, người ta xếp vị đệ nhất Phụ chánh thuộc phái chủ hòa, hai vị còn lại thuộc phái chủ chiến. Quyền hành trong triều lúc bấy giờ nằm cả trong tay NguyễnVăn Tường và Tôn Thất Thuyết.

Sau ngày 19.7.1883, ông hoàng Dục Đức, cháu ruột vua Tự Đức, chuẩn bị lên ngôi theo nội dung di chiếu của nhà vua. Song, vì nhiều lý do, chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, Dục Đức đã bị hai Phụ chánh Tường và Thuyết phế truất, việc này đã được nhiều tài liệu sử đề cập đến. Người được đưa lên ngôi là Lạng Quốc công Hồng Dật, em vua Tự Đức, lúc ấy đã 37 tuổi. Sự lên ngôi của vị vua này cũng không phù hợp với ý muốn của hai vị Phụ chánh, song vì đấy là ý chỉ của Từ Dụ Thái hậu, nên cả hai chưa thể có một phản ứng nào rõ rệt. Hồng Dật đăng quang ngày 30.7.1883 với niên hiệu Hiệp Hòa và ngay những ngày đầu tiên, nhà vua trưởng thành đã nghĩ ngay đến việc tách mình ra khỏi uy quyền khống chế của hai vị Phụ chánh. Ông đã thực hiện hai việc tiêu biểu sau:

– Nâng đệ nhất Phụ chánh Trần Tiễn Thành từ Văn Minh điện Đại học sĩ, xếp thứ hai trong tứ trụ đại thần, lên Cần Chánh điện Đại học sĩ là người đứng đầu quan tứ trụ, cũng có nghĩa là ở địa vị cao nhất trong triều.

– Phong Tuy Lý Quận vương lên Tuy Lý vương (nhất tự vương), cao hơn Quận vương một bậc.

Lập trường của nhà vua càng rõ rệt hơn khi ông cắt cử Tuy Lý vương làm đại diện triều đình cạnh Tòa Khâm sứ Huế đang dưới sự điều hành của Đại biện (Chargé d’affaires) De Champeaux. Bên cạnh đó, nhà vua còn cử Hồng Sâm, một trong những người con rất có tài của Tuy Lý vương, làm Sung biện Nội các, một vai trò như thư ký riêng của nhà vua. Riêng Trần Tiễn Thành, có lẽ vì thấy tình hình căng thẳng có thể nguy hiểm cho mình nên lấy cớ bệnh, xin miễn lâm triều và về nghỉ dưỡng ở chợ Dinh. Thiếu Trần Tiễn Thành, vua Hiệp Hòa dựa hẳn vào cha con Tuy Lý vương. Việc làm này không qua được mắt Tường và Thuyết, họ chờ cơ hội để hạ thủ. Một ngày hạ tuần tháng 11 âm lịch 1883, Đại biện De Champeaux mời Tuy Lý vương qua tòa Khâm sứ để bày tỏ ý muốn vào bệ kiến vua Hiệp Hòa.

Cuộc tiếp kiến diễn ra tại điện Văn Minh vào sáng ngày 29.11.1883 mà không thông qua hai vị Phụ chánh. Tuy vậy, tay chân của hai vị cũng bám sát cuộc hội kiến này nên hai bên chẳng bàn được việc cơ mật nào. Vì thế, khi De Champeaux trở về tòa Khâm, vua Hiệp Hòa viết một lá thư, bỏ vào một chiếc hộp có đóng dấu riêng, sai Sung biện nội các Hồng Sâm mang qua Tòa sứ. Một viên thái giám tên Đạt biết được việc này bèn mật báo cho Nguyễn Văn Tường. Tường chặn đường Hồng Sâm, giật bức thư lại và mở ra xem rồi cho lệnh giam Hồng Sâm vào ngục về tội tạo phản (A. Delvaux – Quelques précisions sur une période troublée de l’histoire d’Annam – BAVH – No3 – 1943, trang 243).

Với hai phụ chánh đại thần, việc phát giác của Tường là giọt nước làm tràn ly, họ quyết định ra tay, không chần chừ nữa. Ngay buổi chiều 29.11, họ đưa trường hợp vua Hiệp Hòa ra đình nghị và kết tội nhà vua là đã tư thông với giặc, phung phí công quỹ, mang vàng bạc cho vợ con, thủ hạ, cưỡng lại ý kiến của các phụ chánh một cách có hệ thống và buộc phải ký vào chiếu thoái vị. Trong chiếu có ghi rõ câu “Trẫm thấy mình bất lực, ngu dốt, không đức độ, không dũng cảm, có tội đã bán An Nam cho Pháp. Trẫm thoái vị, nhường ngôi lại cho Mệ Mến (tức Ưng Đăng, tự Dưỡng Thiện – LN), con nuôi của Tiên đế”.

Phiên đình nghị kết thúc, vua Hiệp Hòa thu thập vài món đồ tế nhuyễn rồi trở về nhà riêng qua cửa Hiển Nhơn. Nhưng viên quan Ông Ích Khiêm đã chặn bước ông ở đó với cái khay “tam ban triều điển” (khay đựng một vuông lụa, một thanh đoản kiếm, một chén thuốc độc). Biết chẳng thể nào thoát, ông chụp chén thuốc uống cạn (có tài liệu viết rằng ông chống cự, bị đè ngữa, đổ thuốc độc vào miệng).

Chỉ mấy tiếng sau, dù đã trở về nhà sống an phận, đệ nhất Phụ chánh Trần Tiễn Thành cũng ngã gục dưới bàn tay của toán lính Phấn nghĩa do Tôn Thất Thuyết tổ chức riêng.

Sau khi đã nhổ hai cái gai lớn, hai phụ chánh Tường và Thuyết quay sang số phận của Tuy Lý vương. Với con trai ông là Hồng Sâm, thư ký riêng của vua Hiệp Hòa, người trực tiếp mang thư của nhà vua cho Đại biện Pháp De Champeaux (song việc bất thành), và đã bị tống ngục, vấn đề đã được định đoạt.

Đoán trước những nguy cơ có thể xảy đến với mình, Tuy Lý vương ra Thuận An, trông nhờ sự che chở của người Pháp. Việc làm này càng khiến hai ông Tường và Thuyết có cớ để bắt tội ông. Khi các viên chức Pháp đưa ông trở lại Huế, ông bị giam vào ngục thất, bị giáng từ tước nhất tự vương xuống tước Huyện công. May là họ còn nghĩ chút tình, không sát hại ông, mà đày ông vào Quảng Ngãi, con cháu ông bị đưa đi Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên … Trong các con trai của ông, Hồng Sâm bị thi hành án trảm ngày 30.12.1883. Sau khi vua Kiến Phúc qua đời vào tháng 6.1884, hai quan phụ chánh tiếp tục giáng đòn xuống gia đình Tuy Lý vương, sát hại tiếp một người con nữa của vương là Hồng Tu, anh Hồng Sâm.

Khi kinh thành thất thủ, sau khi triều đình thất bại trong cuộc tấn công vào các cơ sở của Pháp tại Huế vào rạng sáng ngày 5.7.1885, việc Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Trị rồi Quảng Bình đã làm cho mọi việc thay đổi hẳn. Hai tháng sau, Nguyễn Văn Tường bị Pháp đày sang đảo Tahiti, tháng 2.1886, Tôn Thất Thuyết cũng sang Tàu mưu việc cầu viện quân phương Bắc.

Tháng 9.1885, ông hoàng Ưng Đường (Ưng Xuy), tự Chánh Mông, được Pháp đưa lên ngôi với niên hiệu Đồng Khánh, đã ban dụ phục hồi tước công cho Tuy Lý vương, con cái đều được trở về nguyên quán. Khi vua Thành Thái lên ngôi, ông đã cử Tuy Lý vương làm Chủ tịch Hội đồng Phụ chánh. Tháng 11.1897, theo chủ trương của tân Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, Hội đồng Phụ chánh bị giải tán, vương được nhà vua bổ làm Phụ nghi cận thần (Cố vấn gần gũi của nhà vua). Song ông đã qua đời vào ngày 18 tháng đó.

Đền thờ Tuy Lý vương tại Vĩ Dạ

***
Tiện đây cũng xin nói thêm về lệ “tam, tứ bất khả” trong cung đình triều Nguyễn được một cây bút không mấy hiểu biết về lịch sử tung ra và được nhiều người máy móc tin theo, trong đó có “bất khả vương tước”. Thực tế lịch sử cho thấy rằng dưới triều vua Tự Đức và Duy Tân, có ít nhất 4 trường hợp được phong tước vương khi còn sống, đó là Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Thọ Xuân vương Miên Định và An Thành vương Miên Lịch, tất cả đều là con của vua Minh Mạng. “Lệ” trên, cũng như một số tin đồn đãi giật gân khác, chỉ là thủ đoạn gây tiếng vang của những cây bút lịch sử “tài tử”, cần được người học sử cảnh giác và tìm hiểu thật kỹ.

Lê Nguyễn
9.6.2019

Nguồn: trang FB của Lê Nguyễn

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận