Đăng Khánh, Từ Công Phụng & Vũ Khanh

Âm nhạc Từ Công Phụng vẫn bàng bạc trong bầu không khí chúng ta đang hít thở hàng ngày đã gần nửa thế kỷ nay, thế mà sang đến Mỹ tôi mới được “gặp” tác giả các tình khúc bất hủ ấy. Nhưng mình vẫn tự bảo “true love” thì chẳng bao giờ muộn cả.

Lúc trước chuyện nghề nghiệp, chuyện binh nghiệp đưa mình đi quá xa Saigon đến khi về gần được gia đình, gần được hơn những sinh hoạt văn nghệ thủ đô thì thời gian ở lại với quê hương không còn nhiều nữa.

Dĩ nhiên chúng tôi “gặp” nhau phải là do cái duyên văn nghệ.

Tôi yêu nhạc Từ Công Phụng từ những ngày mới biết yêu biết nhớ, nhưng mỗi người một cuộc đời, cho đến khi cái duyên nó đến anh em trở thành thân thiết sau chương trình nhạc thính phòng chủ đề bốn tác giả Từ Công Phụng – Thanh Trang – Ngô Thụy Miên và Ðăng Khánh.

Sáng sớm thức dậy bỗng nghe tiếng guitar và giọng hát trầm trầm vọng lên từ library dưới nhà, biết là anh đã dậy sớm.. với dáng dấp của một chí sĩ phong trần, với cây tây ban cầm trong tay anh ngẩng lên mỉm cười thật đôn hậu.

Ðấy là anh Phụng, nhạc sĩ Từ Công Phụng của chúng tôi và các bạn.

Với nửa thế kỷ sống trong âm nhạc, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã đóng góp bao nhiêu tim óc và trí tuệ cho kho tàng âm nhạc Việt Nam, đã mang đến bao nhiêu phút giây hạnh phúc cho cuộc đời, cho những người yêu nhạc của anh và người yêu quí anh thì làm sao kể hết.

Tôi yêu nhạc Từ Công Phụng và quí mến anh dĩ nhiên cũng chỉ là chuyện thường tình, nhưng là một nhạc sĩ sáng tác nên cứ nhìn anh tôi lại nghe ra âm nhạc anh!

Quả thật nếu văn là người thì nhạc lại càng là người gấp bội. Tôi quí “Từ huynh” nhất ở chỗ nhạc của anh mang đầy bóng sắc của người, chẳng khác gì vừa nhìn đứa con xong trông sang bố bỗng bật cười vì sao hai bố con lại giống nhau đến thế.

Câu nhạc của “Từ huynh” lắm nồng nàn mà không suồng sã, nhiều da diết mà không lụy sầu, hay đăm chiêu trắc ẩn mà không để mất cái tự tại điềm nhiên. Nếu kiếp sau mà đầu thai làm con gái, có lẽ tôi cầu cho người đàn ông tôi yêu sẽ yêu lại tôi bằng tình yêu như thế.

Âm nhạc Từ Công phụng vô cùng biến dạng, thể cách của giai điệu dài ngắn bất hạn kỳ, lên xuống không báo trước, quả là độc đáo, phá chiêu! Chỉ riêng một mặt này trong làng nhạc Việt Nam cũng ít người sánh kịp.

Chúng ta thử phân tích một câu nhạc này trong bài Giọt Lệ Cho Ngàn Sau viết ở cung Eb Major:

“Sống buông xuôi theo ngày tháng
Từng thu qua vời trông theo đá mờ
Lệ rơi trên tim tôi
Lệ rơi trên đôi môi
Yêu nhau một thời xa nhau một đời lệ này em sẽ khóc ngàn sau…..”

Nếu xem nốt nhạc câu “từng thu qua vời trông theo đá mờ. (Là đô đô…là mi mi..mí sì../ quãng 3 trưởng lên quãng 3 thứ ,xuống quãng 4)

Bỗng nhiên “từng thu qua” nhói lên hai lần.. vi vút.. để rồi liên tục 15 nốt sau đó đột ngột sụp đổ triền miên (trong đó có hai quãng 6 một thứ một trưởng đi xuống liên tục) cho đến hết cadence về tonic “Lệ nào em nhỏ xuống hồn tôi!”

Giai điệu chuyển động như cả một giải ngân hà trút ngang thềm nhà của Hàn Mặc Tử giữa một đêm trăng rằm vậy!

Chỉ một ví dụ đơn giản như thế thôi đã đủ để nói lên những gì Từ huynh chất chứa trong âm nhạc ấy của chàng, thì… hỡi ôi cái mớ chữ nghĩa của tôi để nói về nhạc của người đã phá sản hết rồi!

Khi nghiệm ra cái “Ảo diệu” trong giai điệu Từ Công Phụng thì tôi hiểu tại sao khi chúng tôi “quen” nhau thì cả hai người,”một không hay nói và một rất hay cười” tuy không có dịp gặp nhau nhiều mà như đã nghe rõ tiếng lòng nhau tự bao giờ…

Nhớ một vài kỷ niệm khi anh chị Từ Công Phụng về Houston chơi hay gặp nhau trong các chương trình nhạc thính phòng đây đó…San Jose, Santa Ana…, Houston …chẳng hạn, đó là lúc anh em có những phút giây vô cùng thú vị.

Anh em đây không phải chỉ là Phương Hoa – Ðăng Khánh với anh chị Phụng mà có lúc còn có cả “ông tây” Ninh ở bên Paris qua, có anh chị Ðoàn anh chị Nguyên Bích và Lân Dương, Hùng Mười….

Những buổi anh em ăn sáng ở La Madeleine từ 9 giờ sáng đến 3 giờ trưa thì quả là “không cách gì quên được”. Cũng may café và bánh mì Madeleine – refill non charged nên chúng tôi mới có thể “làm văn nghệ” lâu đến thế!

Có một điều gắn bó lạ lùng đối với người viết là có những lúc buồn buồn ngồi trước đàn Piano improvising trên vài cái “chord progressions” cho đỡ buồn thì loanh quanh một hồi thế nào ngón tay “nó” cũng tự động dẫn về “Mắt Lệ Cho Người”.

Thế mới lạ?

Tác giả “Lệ Buồn Nhớ Mi” bỗng chợt ngộ ra một điều là : Người nghệ sĩ chúng ta có thể đến với nhau vượt qua không gian (và cả thời gian nữa) khi đúng lúc chạm được vào tác phẩm mà mình tâm đắc. Cùng với các bạn yêu nhạc Từ Công Phụng tôi muốn ngỏ lời “Cám ơn ông”.

Đăng Khánh

Mùa hè 2011
Ðường An Bình -South Hampton.
Houston-Texas

Trích từ Từ Công Phụng Dưới Mắt Bằng Hữu, nhà xuất bản Nhân Ảnh, 2011

 

0 Bình luận

Bình Luận