Bao giờ nước mắt thôi rơi?!
“Khi đất nước tôi thanh bình… Tôi sẽ đi thăm… Hà Nội vô Nam, Sài Gòn ra Trung… Khi đất nước tôi thành bình… Tôi sẽ đi thăm…”. Thú thực là tôi không yêu con người chính trị cực kì hổ lốn của Trịnh Công Sơn, nhưng tấm lòng của ông, ước mơ của ông và mối cảm hoài về quê hương, đất nước của ông trải ra trên tác phẩm khiến cho không ít người nghe, qua đó mà chiêm nghiệm, trở nên sâu sắc và biết suy tư về thân phận chiến tranh, thân phận dân tộc và thân phận con người. Có lẽ, cũng chính vì vậy mà hơn bao giờ hết, trong lúc này, khi mà thông tin cho rằng rất có thể 39 người bị chết cóng trong container đông lạnh ở Anh là người Việt. Tự dưng, tôi lại nhớ đến những câu này, và hoài nghi hai chữ “thanh bình” trong ca khúc của ông. Đất nước đã có ngày nào thanh bình chưa? Và đến bao giờ nước mắt thôi rơi?
Đất nước thống nhất hai miền, vĩ tuyến 17 trở thành kỉ niệm của một thời, và người ta có thể ra Bắc, vào Nam mà không cần phải chờ “giờ nhân ái” hay “giờ đình chiến” của bất kì chính thể đối lập nào. Người miền Bắc có thể vào thăm Cà Mau, thăm Cần Thơ, thăm chợ nổi Cái Răng hay xuống Đầm Dơi, Đất Mũi để hiểu rằng rừng ngập mặn Đất Mũi cũng có sú, vẹt, đước giống rừng ngập mặn ở Ninh Bình nhưng ngoài ra, tôm sú và tôm đất ở Cà Mau khác xa Ninh Bình và Cà Mau có nhiều thứ Ninh Bình không có, cũng như Ninh Bình chưa biết rừng dừa nước hay rừng đước giống như cà Mau.
Và có hàng ngàn câu chuyện để biết nhiều hơn, đi nhiều hơn giữa hai đầu đất nước, hàng ngàn người trong Nam ra Bắc tham quan, thăm thú, để biết thế nào là chùa Thầy hay lăng tẩm hoàng cung, cột cờ Hà Nội, hồ Gươm, hồ Tây hay hồ Ba Bể, hồ Núi Cốc… Và người đồng bào thiểu số miền Nam cũng tìm về thăm đồng bào thiểu số miền Bắc, nơi mà rất lâu gia tộc họ đã li tán vì một điều gì đó. Còn người có thể đi khắp mọi miền đất nước và nhìn ra bao điều mới lạ, nhưng có một điều, qua hai thời kỳ, qua bao đau thương, dường như không hề thay đổi, đó là nước mắt, tiếng khóc quê hương vẫn còn chất nặng niềm đau!
Người Bắc có thể vào Nam đi tham quan, du lịch mà không cần xin phép qua cửa khẩu nào, vĩ tuyến nào. Và người Bắc biết thêm được chợ nổi là gì, Đầm Dơi là gì, Thất sơn là gì… hay dinh Độc Lập ở đâu, sao lại gọi Sài Gòn là hòn ngọc viễn đông… Nhưng người Bắc cũng không thể không nhìn thấy những cô gái trên bến Ninh Kiều, trên đường Huyền Trân Công Chúa hay đường Bạch Đằng… và hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn cô gái miền sông nước đang rải rác khắp đất nước với nghề phục vụ karaoke, massage, gội đầu, tiếp thị bia…
Và, người miền Nam có cơ hội ra miền Bắc để thăm thú, lên tận những bản làng xa xôi như Phiêng Đéng, Bắc Kạn, Hoàng Thu Phố, Simacai, Lào Cai hay Hà Giang với những địa danh gần như chỉ biết trong sách vở như cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pí Lèng, các bản làng nơi cao nguyên đá Đồng Văn hay cột cờ Phai Vệ, cầu Kỳ Cùng, núi Mẫu Sơn, ải Chi Lăng, Lạng Sơn… Những địa danh ấy, khi đi rồi mới hiểu đất nước dài, rộng và đẹp nhường nào, người Việt làm lụng vất vả, yêu quê hương, yêu con người ra sao. Và cũng chỉ khi đi rồi mới hiểu rằng nếu như các cô gái miền Tây Nam Bộ đổ xô khắp ba miền đất nước để kiếm cơm thì các chàng trai, cô gái xứ Bắc cũng lang thang khắp nơi, thậm chí bôn tẩu xứ người với thân phận chui nhũi, bất hợp pháp để kiếm từng đồng trả nợ cho đường dây đưa người vượt biên và nuôi hi vọng đổi đời.
Câu chuyện gần đây nhất, mới vài hôm trở lại đây, nói về thân phận 39 người bị chết cóng trong thùng đông lạnh trên đường vượt biên vào Anh để làm thuê (theo đồn đoán là họ trồng cần sa thuê) lại nhắc biết bao nhiêu chuyện khác xoay quanh vấn đề vượt biên ở miền Bắc. Có một điều đặc biệt mà ít ai nhắc tới là người miền Bắc vượt biên nhiều hơn người miền Nam. Trừ các thuyền nhân đã vượt biển có dính đến chính thể Việt Nam Cộng Hòa kể từ mốc 30 tháng 4 năm 1975, thì hầu hết người vượt biên tìm chân trời mới không phải vì nguyên nhân lý lịch ở miền Nam sẽ rất ít so với miền Bắc. Bắt đầu từ Bắc vĩ tuyến 17 ra đến Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, đặc biệt là các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc, số lượng người vượt biên có thể lên đến hàng chục triệu. Và hầu hết họ vượt biên sang các nước châu Âu, trong đó nước Anh là chính. Vì họ vượt biên theo con đường lao động chui, đường làm thuê và không có giấy tờ nên họ tuyệt nhiên không có cơ hội thành Việt Kiều và cũng rất khó để thống kê về họ.
Nhưng nhà cầm quyền địa phương biết họ vượt biên, vì chính sách quản lý người của chính quyền Cộng sản từ cấp địa phương đến cấp tỉnh rất gắt gao, con muỗi cũng khó lọt. Nhưng vì cái “chung”, cái “vĩ mô” những người vượt biên này mang về quê hương một lượng tiền không hề nhỏ, thậm chí rất lớn, nó giúp cho kinh tế địa phương thay đổi đáng kể và đó cũng là cơ hội để giới chức địa phương gây khó dễ, vòi vĩnh kiếm ăn. Chính vì vậy số lượng người vượt biên sang Anh ở Lệ Thủy, Quảng Bình và ở các huyện ven biển Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa là nhiều vô kể. Đi vào bất kì khu dân cư nào, thấy nhà cửa xây cất bề thế, cửa ngõ khóa cẩn thận và trong làng chỉ có người già thì đích thị đó là khu “vượt biên”. Mà số lượng những khu “vượt biên” này thì nhiều vô kể!
Đó là chuyện đã diễn ra gần hai chục năm nay, còn chuyện mới đây, kể từ khi biến cố biển nhiễm độc do Formosa xả thải thì cấp độ vượt biên của người Bắc miền Trung còn kinh khủng và tội nghiệp hơn nữa. Nghĩa là trước đây còn mơ tưởng chuyện sang Anh và các nước châu Âu, tệ một chút thì sang Trung Quốc, Đài Loan để lao động chui. Còn hiện tại, sau khi biển chết, sau khi rừng bị tàn phá và thiên nhiên đổi màu, lại có thêm hàng ngàn gia đình ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh tìm cách sang Lào, thậm chí nhiều trẻ em bỏ học trốn sang Lào theo các đường dây lao động chui để kiếm sống. Có thể nói rằng số lượng người vượt biên ở miền Bắc vượt rất xa so với miền Nam. Và đáng thương, đáng tội hơn cho họ là họ cũng có chung ước mơ đổi đời, có ước mơ tìm đến xứ sở tự do để sinh sống giống như hàng triệu người miền Nam nhưng họ lại mang lý lịch trái ngược với người miền Nam nên cơ hội làm công dân xứ sở tự do của họ là hoàn toàn không có. Người miền Nam có lý do tị nạn, để qua đó, có thể được các tổ chức nhân đạo cứu giúp, người vượt biên miền Bắc không có lý do nào để được các tồ chức này cứu giúp.
Có chăng, những người được cứu giúp ở miền Bắc là người bị lừa bán sang Trung Quốc (các bạn hãy thử lên các bản làng Tây Bắc, Đông Bắc tìm hiểu, có thể khẳng định rằng Không có bản làng nào là không có người bị lừa bán sang Trung Quốc!) và cơ hội được cứu của nạn nhân là gần như không có. Thế mới hay rằng ước mơ đất nước thanh bình, không còn chiến tranh, để người người được vô Nam hay ra Bắc dường như mãi mãi là một giấc mơ dang dở. Bởi sau chiến tranh mấy mươi năm vẫn chưa thấy thanh bình hay no ấm.
Bởi mới đó, tưởng như thanh bình, thống nhất thì có hàng vạn người phải vào trại cải tạo, sống chết với rừng thiêng nước độc, hàng triệu con người bỏ mạng trên biển, đau đớn trên đường đi tìm tự do, tìm sự sống. Hàng triệu gia đình bị xua ra khỏi nhà và mất trắng mọi thứ, thời kì của nhòm ngó, theo dõi, đấu tố, trừng phạt, trả thù, tịch thu… Thời kì của ba lát sắn cõng một hạt gạo, nói chuyện với nhau chỉ nghe toàn tiếng ợ và mùi sắn khô, mùi hạt kê, hạt bắp đã di chuyển từ kho làng tới kho xã, kho huyện, kho trung ương rồi phân phối quay ngược trở về các kho. Bụng người, thân phận người, suy nghĩ người cũng vòng vèo như chính đường đi của hạt bắp, lát sắn hay hạt kê…!
Và con đường vòng vèo với hạt gạo, hạt lúa, miếng ăn ấy cứ kéo dài mãi cho đến nay, niềm đau kèm theo cũng vòng vèo và lớn dần theo năm tháng, chưa bao giờ nguôi! Nước mắt của những gia đình có con bỏ mạng nơi xứ người bây giờ không phải là riêng nước mắt của người mẹ miền Nam khóc con bỏ mình trên biển, không phải là riêng nước mắt của người mẹ miền Nam khóc con bỏ mạng nơi trại giam… mà là nước mắt của cả người mẹ miền Bắc, của nhiều người mẹ miền Bắc khóc con bỏ mình nơi xứ người vì chén cơm manh áo, vì ước mơ vượt thoát cái nghèo hay đổi đời, nhìn thấy thiên đường. Hay nói khác đi là cái ước mơ mà trước đây hơn nửa thế kỉ, những người mẹ miền Bắc cũng đã từng khóc hết nước mắt, thậm chị quị ngã vì nghe tin con mình không trở về, đã bỏ mạng nơi chiến trường miền Nam, cho công cuộc “cách mạng thần thánh”. Để rồi sau bao nhiêu năm, sau cuộc cách mạng thần thánh ấy, nước mắt lại chảy thêm lần nữa vì những đứa con bỏ mình cho cuộc cách mạng áo cơm, đổi đời!
Đất nước này chưa bao giờ được thanh bình dù đã im tiếng súng. Nhưng tiếng súng nơi lòng người vẫn cứ nổ hằng đêm, và những viên đạn vô hình ấy đang giết dần sinh mệnh, nhân phẩm, lòng yêu thương, tự do và cả tương lai của một dân tộc có số phận vốn dĩ rất buồn!
Viết Từ Sài Gòn
Nguồn: https://www.rfavietnam.com/node/5739
0 Bình luận