Việt Nam là một quốc gia có nhiều lễ hội thuộc hàng top ten trên thế giới: khoảng 8,000 lễ hội đủ loại hàng năm. Việt Nam cũng là một quốc gia có những phong tục tập quán phong phú, song rất nhiều trong số đó là những hủ tục lẽ ra cần phải bỏ đi cho phù hợp với cuộc sống văn minh, tuy nhiên, nhà cầm quyền dường như không tỏ vẻ gì ngăn cấm mà còn khuyến khích, khiến cho những tập tục man rợ, nạn mê tín dị đoan ngày càng phát triển.

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa lễ hội là báo chí lại đăng tải những hình ảnh không được hay, không được đẹp của dân chúng, dư luận cũng chỉ trích nhiều, nhưng năm sau lại tái diễn, thậm chí càng nặng hơn.

Lễ hội là dịp giúp cho con người nhớ về nguồn cội tổ tiên, nhớ về những sự kiện lịch sử, gắn bó với cộng đồng, hiểu rõ hơn những truyền thuyết, huyền thoại, sự tích dân gian, văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc, vừa là vui chơi nhưng cũng để sống lành mạnh, yêu đời hơn. Song rất nhiều lễ hội ở Việt Nam đã bị biến tướng, chỉ khơi gợi lên những bản năng của phần Con hơn phần Người. Ví dụ như kích thích bản chất bạo lực qua những lễ hội dã man như thắt cổ trâu, đâm trâu, cầu trâu (đập đầu trâu), chém lợn… Làm con người thêm mê tín, dị đoan với những yếu tố cầu may như : chọi trâu cầu may, đá gà cầu may, đấu vật cầu may…Rồi thì những hình ảnh đám đông nhúng tiền polymer vào máu lợn để cầu may, chà tiền vào cột chùa Đồng, Quảng Ninh sau đó áp lên mặt cầu may (“Vạn người đổ về Yên Tử, vẫn cảnh chà tiền vào cột chùa Đồng”, VietnamNet), hò nhau bắt lợn, sờ lợn, bứt lông lợn lấy may tại lễ hội bắt “ông cầu” diễn ra tại xã Hà Thạch (Phú Thọ) vào ngày mùng 5 Tết (“Bắt lợn, bứt lông để cầu may đầu năm”, Zing.vn)… Kích thích lòng tham và sự ích kỷ như tranh nhau cướp lộc, cướp phết tại lễ hội đền Gióng, đền Sóc, cướp ấn đền Trần…Lợi dụng lễ hội để hét giá, “chặt chém” du khách v.v…

Những biến tướng của lễ hội thì rất nhiều. Nhiều phong tục cũng bị méo mó đi bởi những suy nghĩ hết sức thực dụng. Ví dụ tục phóng sinh, tự nó có một ý nghĩa rất đẹp nhưng phải tự nhiên mà ra, như khi thấy một con cá mắc cạn trên bờ ta thả xuống nước, con chim bị mắc bẫy ta cứu và thả cho nó bay đi…Đằng này cá đang bơi trong sông, hồ, chim đang bay trên trời lại bị chích điện, giặng lưới, bẫy bắt rồi bán cho người có nhu cầu mua, có khi trong một khúc sông người phóng cứ phóng, người đứng gần bên lại lùa bắt lại, cái vòng bắt thả bắt thả cứ tiếp diễn làm tình làm tội con vật. (“Bó tay với nạn chích điện, bắt cá phóng sinh”, Tuổi Trẻ). Phóng sinh làm phúc đâu chưa thấy mà chỉ gây thêm tội thúc đẩy sát sinh, thúc đẩy lòng tham kiếm tiền từ việc bắt chim, bắt cá ở người khác.

Mà không chỉ dân, quan chức cũng tham gia vào những trò có tính cách “diễn” này, như hình ảnh ông Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng long trọng thả cá chép tiễn ông Táo (‘Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng kiểu bào thả cá chép tiễn ông Táo ở Hồ Gươm” có cả sư thầy làm lễ, quan chức bu xung quanh, phóng viên chụp hình, viết bài ca tụng…Nhưng thử lướt qua các trang mạng xã hội, mới thấy hành động này rất ít được cư dân mạng khen ngợi, ngược lại dư luận cho rằng thay vì thả cá, nếu ông Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư thực sự muốn làm điều tốt, phúc đức thì hãy thả những người bất đồng chính kiến hoặc những trường hợp bị oan sai đã nhiều năm thì hơn.

Ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) thì đua nhau đi mua vàng, mua cá lóc, heo quay cúng để mong phát tài “Loạn’ giá vàng ngày Thần tài” (VNExpress), “Xếp hàng từ giữa đêm để mua vàng ngày vía Thần tài” (VNExpress), “Phố cá lóc ở Sài Gòn nổi lửa xuyên đêm chuẩn bị cho ngày vía Thần Tài”, VNEXpress, “Heo quay nguyên con đắt hàng, khách đặt trước vẫn phải đợi đến lượt”, Zing.vn …chỉ khiến cho các mặt hàng này vọt giá lên cao.

Trong suy nghĩ thực dụng của nhiều người, dường như càng thành tâm cúng lễ thật nhiều thì sẽ được trời phật ban phát lại nhiều. Đi chùa thì thi nhau nhét tiền vào tay Phật như một hình thức “hối lộ”, cúng người âm thì cúng tiền vàng mã, nhà lầu, xe hơi, thậm chí đốt cả người mẫu xuống cho người cõi âm có…bạn! Phải thấy rằng con người bây giờ đặt lòng tin vào tâm linh quá nhiều, đi chùa để cầu mong làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức, con cái đi thị cha mẹ lại đến chùa, miếu dâng số báo danh, viết sớ cầu cho con thi đỗ (Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong những địa điểm có đông thí sinh hàng năm đến khấn nhất, hết sờ đầu rùa đội bia tiến sĩ ở Văn Miếu lại chuyển sang sờ chim hạc và rùa đồng để cầu may mắn…)

Phật giáo ở Việt Nam cũng bị dung tục, thương mại hóa đi khi một số chùa chiền bày ra trò cúng sao giải hạn, người người đua nhau đi làm lễ chuyển vận, dâng sớ cúng sao giải hạn (“Người Sài Gòn đổ xô đi chùa cúng sao giải hạn đầu năm”, Pháp Luật TP.HCM, có chùa tổ chức lễ cầu nguyện mùa thi cho các sĩ tử trước mùa thi, dù có khi là ý tốt nhưng mặt khác, lại khiến cho cái tâm lý mong chờ được phù hộ độ trì, thiếu lòng tin vào chính bản thân nặng hơn ở một số bạn trẻ…

Tóm lại, lễ hội và một số hủ tục đã phơi bày một đời sống tín ngưỡng còn nặng tính chất đa thần giáo, bái vật giáo…của xã hội Việt Nam , và những nhược điểm trong tính cách của người Việt, đó là sự thực dụng, trông chờ vào rủi may, sự khủng hoảng về niềm tin…

Nhà cầm quyền luôn luôn tuyên truyền rằng Việt Nam là một đất nước yên bình, ổn định, nhưng thực tế chưa bao giờ xã hội Việt Nam lại bất ổn, bất an như dưới chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo. Xã hội nào thì cũng có những tệ nạn xã hội, tội ác các kiểu nhưng trong một xã hội độc tài và thiếu vắng hoàn toàn một cơ chế dân chủ, minh bạch, thượng tôn pháp luật sẽ khiến cho các tệ nạn và tội ác càng có dịp hoành hành.

Ngày nào mở báo ra cũng đọc thấy những vụ cướp, giết, hiếp…với mức độ dã man ngày càng tăng. Luật pháp bị vô hiệu hóa bởi nạn tham nhũng nặng nề và sự bất bình đẳng giữa dân với quan, giữa những người có thế lực, có tiền, có thể mua án, chạy án với người dân nghèo thân cô thế cô. Nạn tham nhũng và thói vô trách nhiệm còn gây ra vô số những cái chết trời ơi từ trên trời rơi xuống-chết do chất lượng đường xá kém, tài xế lái ẩu hoặc sử dụng ma túy, chết do hỏa hoạn vì ý thức phòng cháy chữa cháy kém, chết do chất lượng công trình xây dựng kém gây tai nạn, chết do ung thư vì môi trường sống độc hại v.v… Khiến con người luôn luôn có tâm lý bất an, không biết trông cậy vào đâu họ đành cầu cứu đến trời phật, và các sức mạnh siêu nhiên.

Không chỉ người dân nghèo, thấp cổ bé miệng mới cảm thấy bất an, người giàu và quan chức cũng đâm ra mê tín dị đoan, càng giàu càng có chức thì càng siêng đi chùa giải hạn, phóng sinh, cúng dường…để mong trời phật độ cho giàu thêm nữa hoặc được ngồi lâu dài trên cái ghế của mình, không bị các “đồng chí” của mình ám hại.

Trong khi đó, ở những xã hội tự do, dân chủ, thượng tôn pháp luật, người dân được luật pháp bảo vệ, được hưởng những chính sách an sinh xã hội giúp cho con người có thể sống mà bớt đi những lo âu nếu chẳng may thất nghiệp, lúc đau yếu, khi tai nạn hay tuổi già. Sự minh bạch trong xã hội giúp con người không phải đi tắt, chạy vạy để kiếm một chỗ đứng trong xã hội hay phải âm mưu nghĩ cách giành giật chỗ của người khác…Nhờ thế con người sống nhẹ nhàng hơn, và thay vì trông chờ vào những yếu tố rủi may thì nỗ lực tự thân là chính.

Sự biến tướng trong các dịp lễ hội, Tết nhất, sự sinh sôi nảy nở của các hủ tục mê tín dị đoan ngày càng nhiều, không chỉ phản ánh cái tâm mê loạn, bất an của đám đông, mà còn phản ánh sự bất lực của một chế độ đã không thể tạo cho dân chúng một cuộc sống bình an thật sự, lại còn cố tình làm lơ cho nạn mê tín dị đoan phát triển vì “dân có ngu thì mới dễ cai trị”.

 

Song Chi

Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/5096

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận