Hình minh họa

Ngoại trừ số ít học sinh đặc biệt yêu thích sử học vì một lý do gia đình hay đam mê cá nhân nào đó, sử học với những cuốn sách dày vài trăm trang chứa đầy vô số dữ liệu, sự kiện, ngày tháng, số liệu cần nhớ đã trở thành môn học kém phần hứng thú với các học sinh. Không chỉ riêng với các học sinh Mỹ vốn không quen việc phải học từ chương, thuộc lòng mà là tình trạng tại cả Việt Nam cùng không ít các quốc gia khác.

Theo dõi và đánh giá khả năng các học sinh trong những môn học được giảng dạy tại trường học, tổ chức NAEP của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ trong một phúc trình vài năm trước từng cho biết chỉ có khoảng 18 % học sinh lớp tám là được xem nắm được lịch sử Mỹ đã từng được học qua.

Không được xem là một môn học chính, không nằm trong các cuộc sát hạch quan trọng để vào đại học, những tỉ lệ thấp như trên xem ra chưa phải là mối bận tâm lớn từ các nhà giáo dục cho đến phụ huynh học sinh. Ngoại trừ những nhà sử học.

Bởi các nhà sử học cho rằng, lịch sử đóng một vai trò quan trọng trong việc mang lại cho các em một khả năng nhận thức và đánh giá các vấn đề xã hội đương thời một cách hữu hiệu, độc lập và công tâm hơn khi liên tưởng, so sánh với những câu chuyện trong lịch sử.

Đó là nền tảng để có sự thông hiểu và góp phần phát triển xã hội.

Lịch sử không phải là một môn học riêng biệt với các học sinh Hoa Kỳ, nó là một phần trong môn học khoa học xã hội, bao gồm lịch sử, địa lý, công dân giáo dục, hệ thống công quyền, kinh tế, chính trị, tôn giáo…, thay đổi theo các bậc học khác nhau.

Từ lớp một, các học sinh đã học dăm câu chuyện lịch sử căn bản lồng trong những chú gà tây mùa lễ Tạ Ơn, lá cờ Hiệp Chủng Quốc dịp lễ Độc Lập… được kể bằng ngôn ngữ dành cho trẻ thơ. Bậc học tăng cao, sử học được giảng dạy trong học đường là chương trình lịch sử Hoa Kỳ, lịch sử thế giới với các cuộc chiến tranh, các phong trào, xu hướng xã hội cùng các nhân vật lịch sử liên quan.

Nếu xem những môn học căn bản nhằm tạo nền tảng cho các chương trình học và công việc chuyên môn sau này, thì sử học đã góp thêm phần tạo dựng một thế hệ công dân yêu nước và có tinh thần công dân tích cực. Nó giúp cho các em phát triển một khả năng nhận thức, phân tích, lý luận và cách giải quyết vấn đề trong các vấn đề xã hội và giao tiếp với con người.

Sử học thực chất là môn học về con người, về một tiến trình phát triển của nhân loại. Cho dù có những khác biệt về địa lý hay ở các giai đoạn thời gian khác nhau, con người vẫn có chung những đặc tính căn bản với dăm khác biệt đến từ văn hóa và môi trường sống của mình tạo nên.

Sử học dạy cho các em nhìn thấy sự biến chuyển của xã hội theo thời gian, hiểu được sự việc đã xảy ra như thế nào, tại sao và những ai đã dự phần, những ai đã bị bỏ quên. Nó giúp cho các em biết về những nhân vật lịch sử, yêu thích những người đã có công với quốc gia, với nhân loại trong quá khứ, từ đó ảnh hưởng và hình thành tích cách của mình theo những nhân vật mang lại niềm hứng khởi cho các em.

Lịch sử giúp các em nhận diện được chân dung của chính mình, của một cộng đồng và của cả dân tộc. Các em được học về những bước thăng tiến lẫn các sai lầm mà con người đã mắc phải và trả giá trong quá khứ, trong lịch sử để định hình một cái nhìn, cách giải quyết vấn đề cho hiện tại và tương lai. Ở nhiều lãnh vực khác nhau. Bởi lịch sử không giới hạn trong chiến tranh, những phong trào, xu hướng, mà còn là khoa học, kỹ thuật, vũ trụ, y tế, canh nông…

Không phải vô số các kỹ thuật tân tiến ngày nay thực chất đã xuất phát, rồi tiến hóa từ những ý tưởng của người xưa, những điều thô sơ đã có từ thời cổ đại? Hay nói cách khác, thế giới hôm nay là một sự tiếp diễn, kéo dài từ những con người và sự việc hôm qua. Không biết những câu chuyện hôm qua, sẽ khó lòng cho bất cứ ai hiểu tường tận và có cái nhìn đúng đắn với những điều đang xảy ra hôm nay.

Như tên gọi “historia” trong tiếng Hy Lạp, lịch sử mang ý nghĩ là một sự tìm hiểu và thu nhận kiến thức từ những khảo cứu. Sự nghiên cứu này có đặc tính riêng biệt của nó vì lịch sử không phải là một khoa học chính xác như toán học, mà nó được nhìn ở nhiều góc cạnh và cấp độ khác nhau, phụ thuộc vào sự diễn giải và quan điểm có thể gây tranh cãi của những nhà sử học, cho dù sử học hiện đại đã có những bước khá dài trong nỗ lực nhìn lại quá khứ một cách trung thực và công tâm hơn.

Chính lẽ đó mà trên thực tế thì lịch sử viết về Đệ Nhị Thế Chiến ắt sẽ có những sự khác biệt khi nó được viết ra từ những quốc gia can dự như Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Do Thái, Nhật Bản… Hay cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc gần nửa thế kỷ qua vẫn còn là câu chuyện tranh cãi từ nhiều phía.

Rồi hiện nay, câu chuyện thời cuộc về sắc tộc, phong trào tranh đấu của cộng đồng người Mỹ gốc Phi, tranh cãi về tượng đài của các danh tướng trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ… lại có nguy cơ gây xung đột, bất hòa cho nước Mỹ bởi người ta nhìn lại lịch sử một cách khác biệt và không trong bối cảnh và thời điểm của lịch sử.

Chính vì những điều này, học sử và đọc sử nhằm giúp người ta một khả năng thu thập, phân tích và so sánh những sự kiện lịch sử dựa theo những tài liệu lịch sử khả tín khác nhau. Nó tạo những nhìn nhận một cách độc lập, không thiên kiến hay bị ảnh hưởng từ các diễn giải đầy mâu thuẫn, thậm chí là bịa đặt từ dăm người mang mục đích nào đó. Xa hơn nữa, là một khả năng lý luận, phản bác bằng những lập luận riêng biệt của mình, dựa trên sự thật và xu hướng tích cực, nhân bản.

Việc xem nhẹ lịch sử cùng những giá trị, bài học lịch sử và hệ lụy của chúng, cho dù với bất cứ quốc gia nào trên thế giới, thì những thế hệ đương thời chắc chắn sẽ đối diện nhiều rủi ro lặp lại những vết chân lịch sử và quá khứ bi thương của dân tộc hay nhân loại. Ở mặt nào đó, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng chia rẽ, xung đột trong cộng đồng cho đến quốc gia hiện nay.

Đinh Yên Thảo

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/biet-su-de-nhin-hien-tai-cong-tam-hon/5477120.html

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận