Nhà hát Trần Hữu Trang

100 năm trước, từ một loại hình sân khấu mới sơ khai ở Miền Tây, Cải Lương đã vượt sông Hậu. Sông Tiền lên Sài Gòn ngự trị tại Nhà Hát Tây sang trọng, chính thức khai sinh một loại hình nghệ thuật mới đặc thù của Nam Kỳ, của Việt Nam. Từ Sài Gòn, cải lương chinh phục Hà Nội, Nam Vang và cả đến kinh đô ánh sáng Paris.

Sài Gòn xưa, thánh địa của Cải Lương

 Vào thời hoàng kim, Sài Gòn thường xuyên có trên dưới chục đoàn, gánh hát cải lương hoạt động. Mỗi đêm có hàng chục rạp cải lương sáng đèn với lượng khán giả đông nghẹt. Có những đại bang như Thanh Minh – Thanh Nga, Kim Chung đã thuê dài hạn các rạp hát lớn nhất hiện đại nhất thành rạp cơ hữu của mình. Nghệ sĩ sân khấu thời xưa như Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước thu nhập cao ngất ngưỡng, chuyên chơi xe hơi đời mới nhất, thương hiệu sang trọng nhất không thua kém ngôi sao màn bạc Hollywood. Báo chí cũng ăn theo cải lương với chuyên trang kịch trường giống như chuyên trang thể thao bóng đá bây giờ.

Sức sống của Cải Lương mãnh liệt đến mức ở thập kỹ 1960-1970, dù trong hoàn cảnh chiên tranh, Sài Gòn bị giới nghiêm vào ban đêm, phim quyền cước Hồng Công với Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Lý Tiểu Long tràn ngập thì Cải Lương vẫn sống khỏe. Các rạp Nguyễn Văn Hảo, Quốc Thanh, Minh Phung …. đêm đêm vẫn sáng rực ánh đèn. Các đại bang Dạ Lý Hương, Kim Chưởng vẫn đóng đô tại Sài Gòn.

Sau 1975, Cải Lương bị quốc doanh, tập thể hóa trước cả các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đội ngũ nghệ sĩ tan đàn xẻ nghé, nhiều người vượt biên không thoát đành ở lại cộng tác trong các đoàn quốc doanh, tập thể hóa.

Bị quốc doanh rồi chết dần

Vào thập kỷ 1970- 1980 với một số đoàn tập thể mang tên Sài Gòn 1,2,3.. và đoàn quốc doanh Trần Hữu Trang, cải lương như con bệnh vào lúc hồi dương sáng lóe lên những tia sáng cuối cùng nhờ đội ngũ diễn viên cũ còn sót lại và yếu tố khách quan là bị cấm vận, từ trong lẫn bên ngoài nên người dân không có sự lưa chọn, phương thức giài trí nào khác. Những tuồng tích sặc mùi tuyên truyền chính trị như Người Ven Đô, Khách Sạn Hào Hoa, Tiếng Hò Sông Hậu… được xen kẽ với các tuồng tích cũ như Tô Ánh Nguyệt, Đời Cô Lựu, Ngao Sò Ốc Hến giống như bữa ăn độn cơm trộn khoai lang hoặc cao lương. Khán giả vẫn đến rạp vì không có lựa chọn nào khác. Giới báo chí tuyên truyền cho rằng đây là giai đoạn vàng son của cải lương cách mạng.

Đến thập niền 1990, khi máy và phim video nhập vào Việt Nam, những làn sóng văn hóa, giải trí từ bên ngoài tràn vào, Cải Lương quốc doanh tụt dốc không phanh vào cái hố lụi tàn. Những động thái kêu cứu, những chương trình tiếp sức “gìn vàng giữ ngọc” đều vô hiệu trước căn bệnh trầm kha thiếu tuồng hay, không có diễn viên giỏi, khán giả không đến rạp.

 Hơn 20 năm nay, các đoàn cải lương hầu như chỉ dựng vỡ mới để đi thi, dự hội diễn liên hoan sân khấu chứ hiếm khi biểu diễn phục vụ công chúng vì số vé bán không bao nhiêu. Thỉnh thoảng trong lễ lạt, đảng nhà nước vung tiền đầu tư những tuồng cải lương hàng chục tỉ đồng nhưng cũng chỉ diễn vài đêm.

Vài năm một lần ánh hồi quang của Cải Lương được hắt lên với những chương trình liveshow của những nghệ sĩ lão thành với những trích đoạn của các tuồng cải lương “kinh điển” thu hút người hâm mộ nhưng số chương trình ấy cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay và ngày càng ít hơn do nguồn nghệ sĩ trước 1975 giờ đã cạn.

Cứu bằng cách giết nhanh hơn

Năm 2018, kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương, tuyên giáo Sài Gòn tổ chức nhiều hoạt động rôm rả, tốn kém. Trong đó có Hội thảo khoa học về nghệ thuật cải lương và công diễn vở mới ‘Thầy Ba Đợi’ do ông Nguyễn Thế Kỹ, Phó Ban Tuyên Giáo Trung ương viết kịch bản và những nghệ sĩ ưu tú nghệ sĩ nhân dân dàn dựng.{1}

 Thật ra có lẽ đây là mượn cái cớ Cải Lương để lấy tiền ngân sách đút túi  ông Kỹ trước khi về hưu. Một quan chức tuyên giáo thuần túy, người quê gốc Nghệ An, một nửa câu ca cổ còn không biết, đến cuối đời tư nhiên soạn kịch bản cải lương là chuyện nực cười.

 Từ hội thảo đến tuồng Cải Lương đều diễn ra trong không gian, trong thế giới quan chức của đảng mà không vọng được chút nào đến công chúng. Dù có phát hết công suất guồng máy tuyên truyền thì người thưởng ngoạn cũng không thể nào nếm trải đước những câu ca đắng chát sặc mùi chính trị của cải lương tuyên giáo được đánh giá là “khắc họa một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc, nhân vật chính là Thầy Ba Đợi (tên thường gọi của Nhạc quan, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại), người có công rất lớn đối với quá trình hình thành, phát triển buổi đầu của nghệ thuật Cải lương”.

Hội thảo về cải lương, diễn cải lương do những người không biết, không yêu thương gì với cải lương càng là cách làm cải lương chết nhanh hơn.

Cũng trong năm này, Cải Lương quốc doanh đươc nhà nước đầu tư tiền tỉ dàn dựng để hát dạo miễn phí trên phố đi bộ Nguyễn Huệ như đánh dấu cho cái chết lâm sàng.

Đầu năm 2019, soạn giả Hoàng Song Việt và một số nghệ sĩ tâm huyết đã lập sân khấu Đại Việt như mô hình sân khấu cải lương tư nhân duy nhất của Sài Gòn biểu diễn nhưng cũng ở mức độ thoi thóp. Cuối tháng 9 vừa qua, đoàn quốc doanh Trần Hữu Trang đươc nhà nước đầu tư hàng trăm triệu để tổ chức diễn miễn phí mỗi tháng hai lần trong sự “la ó” phê phán của cả công chúng và nghệ sĩ {2}

Được đầu tư hàng trăm triệu cho các suất diễn miễn phí, Cải Lương quốc doanh như tự đóng thêm đinh vào cổ quan tài khi nó hoạt động theo nguồn sữa của nhà nước mà bất cần khán giả. Cú đầu tư diễn miễn phí này còn là liều thuốc độc bức tử những cố gắng tuyệt vọng của các nhóm sân khấu cải lương tư nhân ít ỏi ở Sài Gòn như nhóm của soạn giả Hoàng Song Việt, nghệ sĩ Kim Ngân đang thu hút chút ít khán giả cải lương còn sót lại.

Chính trị hóa, bóp chết sáng tạo

Để trả lời câu hỏi Cải Lương vì sao em chết, cách đơn giản và chính xác nhất hảy nhìn lại yếu tô thành công của cải lương Sài Gòn trước 1975 và so sánh với cách quản lý, đầu tư của đảng sau 1975.

Sức hấp dẫn của Cải Lương gồm các yếu tố: tuồng tích hay, diễn viên thanh sắc, dàn dựng diễn xuất hấp dẫn. Thời hoàng kim của Cải Lương, Sài Gòn có đội ngũ đông đảo soạn giả tài năng, chuyên nghiệp, yêu nghề hoạt động chuyên nghiệp như Mộc Linh, Hoảng Khâm, Loan Thảo, …. Riêng đoàn Thanh Minh Thanh Nga đã sở hữu nhiều soạn giả nổi tiếng: Kiên Giang, Nguyễn Phương, Hà Triều, Hoa Phương, Viễn Châu … với lương cô định theo hợp đồng hàng tháng và cộng thêm mức ăn chia theo tỉ lệ bán vé của từng suất diễn.

Soạn giả sáng tác tự do theo cảm hứng và có sự tương tác với nhau như Hà Triều với Hoa Phượng, Kiên Giang với Quy Sắc … tạo ra vỡ diễn kinh điển như Người vợ không bao giờ cưới, Tuyệt tình ca, Nữa đời hương phấn…

Kịch bản đươc đoàn dàn dựng và khán giả thẩm định mà không bị lãnh đạo gò ép qua những lần sơ khảo, phúc khảo, diễn báo cáo trước khi ra công diễn.

 Cái hay của kịch bản cải lương không chỉ ở tình tiết éo le mùi mẫn mà ở chất liệu văn học khắc hoa tính cách của nhân vật sát thật với đời sống. Nhiều vở tuồng có tựa rất hay đã được khán giả đổi tên thành tên nhân vật như Người vợ không bao giờ cưới thành Sơn Nữ Phà Ca, Tuyệt tình ca thành Ông Cò quận 9….

Hơn 50 năm trong chế độ cộng sản, qua biết bao cuộc thi sáng tác, liên hoan cải lương, bao nhiêu kịch bản đươc thưởng huy chương nhưng không một vở tuồng nào, không một nhân vật nào đi vào lòng khán giả như Sơn nữ Phà Ca hay ông Cò quận 9. Ngay soạn giả tài hoa Hà Triều, từng tham gia kháng Pháp, sau 1975 không viết đươc một tuồng nào.

Không có môi trường hình thành nghệ sĩ

Yếu tố thứ hai tạo nên sức hút cho cải lương là thanh sắc và tài năng ca diễn của nghệ sĩ. Phương châm cải lương Thật và Đẹp của nghệ sĩ Năm Châu và cách tuyển chọn tài năng để trao giải thương Thanh Tâm một cách khách quan của nhà báo Trần Tấn Quốc đã tác động tạo ra một thế hệ vàng những nghệ sĩ tài sắc đa dạng và độc đáo về tính cách. Muốn tồn tại, muốn trở thành sao, nghệ sĩ phải tạo ra dấu ấn riêng từ giọng ca, đến phong cách diễn. Nhắc đến nghệ sĩ ngôi sao người ta nhắc đến vai diễn thành công. Hữu Phước đã tạo ra cậu Tư Kiên trong Con gái chị Hằng, Thành Được là Tô Điền Sơn trong Đường gươm Nguyên Bá…

Theo nguyên lý độc đáo đo ni đóng giày của Cải Lương, đôi lúc khi viết tuồng, viết bài ca, soạn giả đã nhắm đến tính cách, giọng ca của diễn viên nào đó nên tạo ra sự đồng cảm, cộng hưởng trong nghệ thuật. Theo soạn giả Kiên Giang, vai Phà Ca và vai Trưng Trắc, các soạn giả đã được bà bầu Thơ đặt hàng viết cho nghệ sĩ Thanh Nga.

Cũng cùng một nhân vật, một kịch bản nhưng với tài năng của diễn viên, họ lại tạo ra cho nhân vật tính cách khác nhau thật độc đáo. Những ông Hội Đồng của Hoàng Giang thì độc ác lộ liễu nhưng ông Hôi Diệp Lang lại thâm hiểm.

Dưới sự lãnh đạo của tuyên giáo, tất cả đều phải lệ thuôc vào chính trị ngay cả việc phân vai diễn. Khi phân vai Thái Hậu Dương Vân Nga cho Thanh Nga diễn, nhiều ý kiến phản đối cho rằng Thanh Nga là vợ ngụy. Đến nổi ông Vỏ Văn Kiệt lúc ấy là Bí Thư Thành Ủy phải tuyên bố “Nếu đòi tiêu chuẩn chính trị tốt thi mời chị Bảy Thư (Trương Mỹ Hoa, lúc đó là Bí Thư Tân Bình) đóng”.

Chính vì vậy, dù về hình thức nhà nước cộng sản tỏ ra ưu đãi, lập nhà hát cải lương, trường sân khấu đào tạo chính quy. Tổ chức thi sáng tác, biểu diễn, liên hoan sân khấu hàng năm… nhưng hàng chục năm qua vẫn không xuất hiện tài năng nghệ thuật thật sự.

Những cuộc thi, những đợt tuyển chọn danh hiệu giải thưởng Trần Hữu Trang của sân khấu quốc doanh đã sản sinh ra những đàn cừu Dolly trong cải lương. Nghệ sĩ lớp sau cứ bắt chước, cứ làm bản sao của nghệ sĩ đi trước ngay từ nghệ danh, giọng ca, cách diễn. Giữa những rừng giải thưởng, huy chương khán giả khó phân biệt những cái tên trùng lắp Linh…, Tâm…, Ngân,…. và không tìm được một tính cách nào độc đáo.

Yếu tố quan trọng thứ ba của sân khấu cải lương là bầu, người quản lý. Đây là nghề đặc biệt, đòi hỏi tố chất đặc biệt, tài năng, uy tín đặc biệt về quản lý vì họ phải quản lý đối tượng đặc biệt là nghệ sĩ và hoạt động trong lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Trong sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường, khó có thể đếm nổi bao nhiêu gánh hát đã thành lập và tan rã nhanh chóng trước 1975. Phần lớn những nghệ sĩ tên tuổi từ Phùng Há, Năm Châu, Năm Phỉ, Bảy Nam đến thế hệ Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Hùng Minh, …. đều từng lập gánh làm bầu và đa số đều thất bại.

Thường những người bầu thành công là nhà quản lý chuyên nghiệp không phải là nghệ sĩ nhưng phải yêu cải lương nồng nhiệt, máu thịt như bà bầu Thơ đoàn Thanh Minh Thanh Nga, ông bầu Phước Cương (ba nghệ sĩ Kim Cương), bầu Long đoàn Kim Chung, bầu Xuân đoàn Dạ Lý Hương.

Quản lý như cơ quan hành chánh

Chính những nhà quản lý chuyên nghiệp này đã đưa ra những quyết sách đúng đắn để cải lương phát triển, nghệ sĩ phát huy tài năng. Bà bầu Thơ nghiêm khắc phạt tiền ngay cả con ruột Thanh Nga nếu phạm kỷ luật nhưng ưu ái chiều chuộng nghệ sĩ Út Trà Ôn từ tiền hợp đồng đến chế độ ăn ở. Ông bầu Ba Bản phải đứt ruột mua xe hơi đời mới cho Hữu Phước để gia hạn hợp đồng… tất cả đều phải quyết định thật nhạy cảm, chính xác từ nguồn tiền túi của mình.

Với các đoàn quốc doanh, quản lý là cán bộ do đảng bổ nhiệm, bất cần có nghề, yêu nghề hay không. Tiêu chuẩn hàng đầu là đảng viên, trung thành với đảng. Việc quản lý cứ làng nhàng, lời lổ là thuộc về nhà nước, nghệ sĩ cũng là một thứ nhân viên với mức lương bình quân hành chính Với cung cách ấy, không ai cần phải lao tâm sáng tạo, rèn nghề. Không thể có chuyện hàng tháng trời ròng rã đi ra lò heo Chánh Hưng quan sát tính cách của các lái heo để tạo ra tính cách Cậu Tư Kiên như Hữu Phước từng làm.

Không có đội ngũ sáng tác tài năng, không có tự do sáng tạo. Thiếu người quản lý tài năng và bị bó trong cơ chế quản lý hành chánh vô trách nhiệm, diễn viên bị định hướng sai lệch trong rèn luyện, thiếu môi trường, không gian nghệ thuật đúng đắn nên tài năng chưa nở đã tàn. Cải lương không thể không chết trong sự lãnh đạo độc tài và thô bạo của cộng sản. Mà đâu chỉ có cải lương, nhiều loại hình nghệ thuật khác cũng đang thoi thóp.

Gió Bấc

1- https://baotintuc.vn/van-hoa/hoi-thao-khoa-hoc-ve-nghe-thuat-cai-luong-v…
2- https://tuoitre.vn/cai-luong-mien-phi-nghe-si-rau-ri-tuc-gian-20191001215654354.htm

Nguồn: https://www.rfavietnam.com/node/5696

 

0 Bình luận

Bình Luận