Chỉ quân nhà nghèo mới khóc thương di sản!
Giời, đúng là quân thực dân. Cháy có mỗi tí cái nhà thờ già cỗi cũng khóc ầm lên. Tại vì ít di sản quá đấy mà, chứ giàu như Việt Nam di sản cả rổ thì buồn buồn đốt chơi vài cái cũng vô tư đê chứ đáng gì mà khóc?
Đây ngay ở Sài Gòn có một nhà thờ đệ của Notre Dame Paris đây, cũng được gọi là nhà thờ Đức bà Sài Gòn, với kiến trúc hao hao Notre Dame. Nằm giữa trái tim Sài Gòn, trong không gian đầy lá xanh và những cánh bồ câu xây tròn bay liệng. Xây bằng những viên gạch trần đỏ ong không mọc rêu mang từ Pháp qua. Gần 150 năm, qua bao binh lửa, hai ngọn tháp mũi tên vẫn kiêu hãnh vút lên trời.
Nhà thờ Đức bà Sài Gòn đẹp như thế, nên rất nhiều người Việt Nam đến đây muốn để lại dấu ấn. Họ viết, vẽ bằng bút mực, bút xóa màu trắng lên những viên gạch, họ dùng cả vật nhọn khắc thật sâu. Những góc khuất của nhà thờ (nhìn từ trên xuống, nhà thờ mang hình chiếc thánh giá), người ta đái vào thật đẫm, đến nỗi gạch không bao giờ khô nổi, chuyển màu nâu và tróc lở, rơi rụng từng mảng. Cha xứ phải quây rào sắt và dán bảng thông báo nơi tôn nghiêm, thì người ta đái luôn vào rào sắt.
Đấy là nhà thờ.
Di tích quốc gia chùa Sổ (huyện Thanh Oai, Hà Nội) được mô tả “xây dựng từ thời Mạc, đến năm 1634 được tu sửa, tạc thêm 20 pho tượng và đúc chuông, lưu giữ một phong cách kiến trúc độc đáo với những viên gạch đất nung, hòm sớ thời Mạc, trang trí các hình rồng, cua, lân, hoa cúc, rắn, ngựa long mã, rùa, hổ, chim, thỏ…”. Báo chí Việt Nam viết: “Năm 2014, đoàn kiểm tra của Bộ Văn hóa-Thông tin-Du lịch đến kiểm tra chỉ biết thở dài. Vì giống như ở đình Hương Canh (tỉnh Vĩnh Phúc) cũng được trùng tu trong năm ấy, những người thợ được thuê trùng tu đã dỡ ngói bằng cách dùng cuốc xẻng bổ vỡ mái ngói rồi gạt thẳng từ trên xuống”.
Quang cảnh được đoàn kiểm tra nói trên tả lại là “như một đống đổ nát sau chiến tranh”.
Notre Dame 855 tuổi. Chùa Sổ mới có… gần 2.000 tuổi thôi.
Di tích quốc gia chùa Đậu (Hà Nội), được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên Trong cuốn sách bằng đồng có từ thời Sĩ Nhiếp đầu thế kỷ thứ III (năm 200 – 210) hiện còn cất giữ tại chùa, có ghi rõ sự tích nàng Man Nương và Phật giáo Ấn Độ du nhập vào Việt Nam, là nơi lưu giữ chứng tích của sự phát triển Phật giáo ở Việt Nam. Vì vậy, chùa còn có tên gọi khác là chùa Vua, chùa Bà.
Cũng theo “Sách đồng”, chùa Đậu được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, cách đây gần 2000 năm. Chùa đã được nhiều đời vua chúa sau đó sửa chữa, tôn tạo và được gọi là Đệ nhất đại danh lam.
Nhưng theo tác giả Trinh Nguyễn (Báo Thanh Niên), lần tu tạo mới nhất, người ta đã tô môi, sơn móng tay móng chân đỏ chót và bóng loáng cho… các bức tượng La Hán trong chùa. Tác giả Trinh Nguyễn viết:” GS Trần Lâm Biền, một chuyên gia mỹ thuật cổ, đánh giá: “Đấy là xu hướng đĩ thõa hóa tượng”.
Di tích quốc gia đặc biệt, đền Gióng (Hà Nội) ít nhất hơn ngàn năm tuổi. Nhưng trong lần tu bổ gần nhất, những mảng gỗ chạm khắc nghệ thuật và vì kèo từ thế kỷ 17, 18 đã bị sơn một lớp sơn đỏ rực rất dày lên toàn bộ chi tiết khiến không thể phục hồi như cũ. “Chuyên gia mỹ thuật sau giám định cho biết, nếu bóc lớp sơn này đi sẽ làm hỏng mảng chạm tốt nhất, đẹp nhất ở đây”(trích báo Thanh Niên).
Hang động đá vôi Đầu Gỗ ở Hạ Long, được tạo thành từ cách đây 2 triệu năm, di sản UNESCO, được một doanh nghiệp tổ chức hòa nhạc bên trong cho 150 người dự, thắp nhiều nến và đóng cọc thẳng vào những cột đá.
Vẫn theo báo chí Việt Nam, năm 2013, suối Khe Thẻ tại di sản thế giới, thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam) gây kinh ngạc cho giới bảo tồn vì được đổ bê tông làm kè cứng. Trưởng ban quản lý khu di tích Mỹ Sơn giải thích do mùa lũ dòng suối này chảy rất dữ, gây xói lở và sắp làm nghiêng một tháp cổ nên phải làm vậy. Lịch sử bảo tồn cho thấy trước kia người Pháp đã từng làm đập để can thiệp dòng chảy của suối Khe Thẻ nhưng không thành công, do vậy những giải pháp cực đoan này không được xem là tối ưu. tha
Cùng tuổi với Notre Dame có ngọn tháp Chăm hùng vĩ mang tên Po Klong G’Rai nằm trên đồi Trầu, TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Đây được đánh giá là ngọn tháp đẹp nhất còn lại, là di tích đặc biệt cấp quốc gia và cho đến tận bây giờ vẫn là nơi tế lễ của cộng đồng người Chăm. Cũng như nhiều di tích khác, tháp được du khách viết, vẽ, khắc lên những viên gạch không nung hiếm có, trèo lên chụp ảnh bất chấp biển cảnh báo gây tổn thương cho tháp.
Trong lòng một ngọn tháp Chăm khác là tháp Po Sha Inư tại Bình Thuận, được xây dựng từ thế kỷ 15, là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, người viết bài này có lần tận mắt chứng kiến một chiếc chiếu cũ nát cuộn tròn trong lòng tháp, cùng với đầy phân dơi.
Thôi nói túm lại, hầu như bất cứ di sản chùa chiền nhà thờ đình miếu đền quán nào của Việt Nam cũng đã và đang bị xâm phạm thô bạo. Phổ biến nhất là viết vẽ khắc chạm, đóng đinh… lên chính di sản, phổ biến nhì là trùng tu theo cách phá hoại.
Tính đến năm 2014, Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Trong số di tích quốc gia có 62 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản thế giới. Ngoài 3 di sản thiên nhiên thế giới (vịnh Hạ Long, vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và cao nguyên đá Đồng Văn), Việt Nam có tới 15 di sản văn hóa thế giới và 4 di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh.
Ấy thế nhưng chẳng thấy ngôi sao MC nào nửa đêm chợt bừng giấc hoang mang khóc nghẹn cho những di sản tuyệt vời ấy cả.
Giàu mà lị! Phong cách quý s’ tộc nó phải coi khinh mọi sự như thế chứ ai như bọn nhà nghèo Pháp mất có tí cái tháp gỗ cũ mốc meo cũng khóc ầm cả lên, lêu lêu, rõ xấu!
Tre
Tham khảo:
https://dulich.tuoitre.vn/van-hoa/chum-anh-muon-kieu-buc-tu-thap-co-po-klong-garai-1181397.htm
https://vtv.vn/vtv8/xot-xa-di-tich-bi-viet-ve-bay-20180507094013047.htm
https://news.zing.vn/cong-trinh-xuyen-loi-di-san-trang-an-bat-dau-bi-thao-do-post830362.html
https://nhandantv.vn/di-san-lai-ton-thuong-va-nhung-van-de-dat-ra-n79852.htm
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/only-the-poor-cry-for-heritages-04172019104130.html
0 Bình luận