Chân dung tự họa của Duy Thanh năm 1960.
 
DUY-THANH
Họ Nguyễn.
Sanh ngày 1-8-1931 tại Thái-Nguyên (Bắc-Việt).
Học vẽ năm 1954 với họa sĩ Nguyễn Tiến-Chung.
 
Triển lãm: năm 1954 tại nhà hội Khai trí tiến đức, Hà-Nội; năm 1956 tại phòng Triển lãm Đô thành và Pháp văn đồng minh hội, năm 1958 và năm 1961, cũng tại Pháp văn đồng minh hội.
 
Đã dự nhiều cuộc triển lãm chung với các họa sĩ khác ở Thủ đô.
 
Xe ngừng, tôi nhìn lên đã thấy anh tựa bao lơn tự lúc nào, nhìn xuống. Tôi cười, xin lỗi tới trễ và lên mau thang lầu…

 
Được biết nửa giờ sau anh lại có hẹn, tôi vội nói ngay: 
 
– Anh cho xin một bức ảnh để giới thiệu trên báo. 
 
Anh lẳng lặng lại bàn làm việc, lấy một miếng giấy vẽ, đưa tôi. Tôi tay nhận, mắt nhìn anh, rồi nhìn bức anh tự họa, bụng hỏi thầm chẳng biết khi đăng lên báo, có ai nhìn ra đó là họa sĩ Duy-Thanh không?
 
Nghĩ mình quá lo xa, và chợt nhớ tới một ý do một anh bạn vừa gợi hôm qua, tôi vào đề:
 
– Anh thấy giới hội họa cần làm cách nào cho công chúng hiểu và thích tranh hơn không?
 
Anh nhìn tôi, đôi mắt hiền lành của anh có chiều ngơ ngác sau đôi gương cận thị.
 
Tôi lặp lại câu hỏi.
 
Mắt anh nhấp nháy:
 
– Công chúng cần đọc sách bàn về mĩ thuật, cần đi xem các cuộc triển lãm, cần sự giáo dục về nghệ thuật, rồi mới có thể thích tranh.
 
– Đó là phần công chúng. Còn giới các anh chị, tưởng cũng nên làm gì để gần công chúng hơn.
 
– Chẳng lẽ chúng tôi lại mang tranh mình đem tới từng nhà, giải thích chỗ hay, rồi mời người ta mua à? 
 
Tôi cười. Nhà họa sĩ đang độ… nửa chừng xuân này, lúc bất bình cũng không có gì là dữ.
 
– Công chúng đi tới Hội họa, thì Hội họa cũng tiến lại công chúng. Có kẻ đi qua, người đi lại, mới sớm có sự gặp gỡ, mới dễ có sự cảm thông chứ!
 
Anh nghĩ ngợi một chút. 
 
– Tôi thấy mỗi anh chị em họa sĩ cố làm sao thực hiện được những gì mình ôm ấp, – tôi muốn nói tìm tòi cho đến nơi đến chốn – rồi tổ chức thường xuyên những cuộc triển lãm, đó là một trong những cách để Hội họa với công chúng gần nhau. 
 
Thấy tôi bỗng chăm chú nhìn mấy chục bức tranh treo khít, anh lên tiếng trước: 
 
– Câu hỏi trong thư phỏng vấn; nói về bức tranh nào tôi ưng ý nhất, tôi thấy không thể trả lời anh được.
 
– Tôi cũng biết nghệ sĩ có bao giờ hài lòng hẳn về một công trình nào của mình, “Cái Đẹp ngày nay không đẹp đến ngày mai”. Nhưng trong một lúc nào đó, ta cũng vẫn thấy rõ rệt là ta ưng ý bức tranh này hơn những bức tranh khác; sau đó sự ưa thích của ta có đổi thay cũng là lẽ thường.
 
Anh cười tủm tỉm, đứng dậy, lại gần tường chỉ ba bức tranh treo khích nhau :
 
– Bây giờ, đây là ba bức tranh tôi ưng ý hơn hết.
 
Đó là ba bức họa không có người. 
 
Một góc phố vắng hoe. 
 
Một cảnh ở cao nguyên thì phải. 
 
Một cảnh ở đồng bằng, chắc thế.
 
– Ba đám lúa. Lúa vàng, lúa xanh và lúa đỏ?
 
Anh nhìn tôi:
 
– Tùy anh muốn hiểu sao thì hiểu.
 
– Thế là anh ở trong phái Trừu tượng?
 
– Tôi không ở trong phái nào cả. Nhận mình ở trong môn phái nào, là cho mình bằng lòng với lối họa mình đeo đuổi, là đứng ì lại một chỗ, tức là không còn băn khoăn, nghi ngờ, học hỏi, tìm tòi nữa. Đó là việc của nhà phê bình, cho mình vào hạng nào đó, hoặc khám phá mình đang đi vào một con đường lạ.
 
– Anh nói vậy, nhưng hiện nay, anh cũng về theo một xu hướng nào đó chớ!
 
– Hiện thời, tôi có thể nói là tranh vẽ của tôi mang tính chất trừu tượng. 
 
– Tôi để ý thấy màu anh chỉ một sắc và anh ít chú trọng đến chi tiết.
 
Anh gật đầu.
 
– Như bức tranh ba đám lúa anh nói đây, anh nhìn lại đám đất mà tôi cho màu đỏ, mới nhìn, anh thấy như một màu, nhưng thật ra, có nhiều màu trong đó. Tôi muốn sao màu tranh của tôi nó là một khối, và chi tiết, tôi bớt đi nhiều. Đề tài với tôi ở vào vai phụ, rất phụ.Tôi muốn chơi với chất họa. 
 
– Vậy bức tranh “ba đám lúa với mặt trời’ đây, cũng chẳng phải anh vẽ cảnh thật, nhìn theo anh. 
 
Anh lắc đầu.
 
– Tôi nhận rằng Thiên nhiên giúp người học rất nhiều, nhưng tôi không nô lệ Thiên nhiên. Thiên nhiên chỉ gợi hứng cho tôi 
 
– Nếu vậy đứng trước một cảnh anh thích, thấy cần ghi lại…
 
– … thì tôi vẽ phác, rồi về nhà, mầu sắc, hình thể tôi diễn tả theo cảm quan của tôi. Như tôi ngắm một cảnh trong cơn dông tố, về nhà, tâm trí tôi xúc động vì cảnh Tạo vật nổi cơn thạnh nộ mà tôi “cảm” những đồ vật, người ta, cảnh trí qua tâm hồn tôi dao động vì cơn dông tố nọ.
 
Tôi nhìn bức tranh ở góc trong: một người đàn ông mà thân mình không rộng bằng bề ngang cái đầu và cái mặt méo mó, màu xanh đậm, màu đỏ tươi, màu đen đem lại cho mặt anh ta một cái gì vừa đáng sợ vừa đáng thương. 
 
– Cái anh chàng này, anh nhìn theo cảm quan anh lúc đó nên chẳng bình thường như mọi người thường chớ gì?
 
Anh gật đầu.
 
– Tôi tự hỏi không biết anh ta đang si mê ai hay đang dự định làm đổ máu ai đây!
 
Anh cười nhẹ, lại gần tranh.
 
– Tranh này, tôi vẽ hai lần. Lần đầu, màu khác, lần sau tôi đổi lại màu khác. Cả tranh về phong cảnh cũng vậy. Có khi tôi chỉ đổi có màu trời, rồi phải đổi luôn màu đất, màu cây cho các màu ấy được hòa hợp nhau.
 
Tôi lùi ra xa, để nhìn. Anh lặng lẽ lại tủ lạnh, mở một chai xá xị, rót ra li, mời.
 
Tôi vừa nhắp nước giải khát, vừa thong thả hỏi anh:
 
– Với anh, chắc dân tộc tính không thành vấn đề.
 
– Đúng thế. Có phải mình dùng bút lông giấy bản là nêu lên những gì riêng biệt của người mình đâu. Dầu mình vẽ theo lối nào đi nữa, tâm hồn dân tộc cũng ẩn hiện không đó thì đây. Một người Mĩ biết thưởng thức tranh chẳng bạn nhìn vào một tấm tranh vẽ cảnh Đế-Thiên hay tháp Eiffel của một họa sĩ Việt mình vẫn thấy cái gì Á-Đông trong cách ghi lại những cảnh ấy. Tâm hồn, cá tính người vẽ, khó mà giấu được. Chỉ trừ những người không có cá tính, bắt chước người này, theo người nọ là tranh không nói lên cái gì đặc biệt, trừ ra cái ngây ngô.
 
Nhìn lại đồng hồ, thấy còn năm phút, tôi vội hỏi:
 
– Anh thấy hiện giờ hội họa nước mình có xu hướng nào đáng kể?
 
– Có hai xu hướng. Xu hướng hội họa có hình dung, Pháp gọi là peinture figurative, và xu hướng hội họa không có hình dung (peinture non figurative).
 
– Chắc anh Tạ Tị đại diện cho xu hướng sau này?
 
– Ở nước ta, chưa có ai đi hẳn con đường này, anh Tạ-Tỵ mới là một người đang thí nghiệm với vài bạn khác.
 
– Nhưng theo anh thì xu hướng nào nổi bật nhất?
 
– Xu hướng Ấn tượng. Và (với một nụ cười) những tranh vẽ theo xu hướng này bán khá chạy… cho người ngoại quốc.
 
– Anh có thấy giữa “phái già” và “phái trẻ” ở nước ta, hiện có sự xung đột không?
 
– Nói xung đột có lẽ quá đáng. Tôi nghĩ nên nói: quan niệm hai phái có khác nhau, do đó ít gặp gỡ, ít thông cảm. 
 
– Vậy trong giới hội họa, anh chị em có thường gặp nhau để trao đổi ý kiến, kinh nghiệm…?
 
– Dường như là ít khi.
 
– Anh có mong gì ở Chính quyền để ngành Hội họa mau phát triển?
 
Anh nhìn tôi. 
 
– Anh muốn chúng tôi mong gì giờ?
 
– Tỉ như giúp phương tiện, tạo dịp đi đây đi đó, cấp học bổng đi nước ngoài…
 
– Thôi, xin anh đừng nói nữa. Đó là những giấc mơ hoa! 
 
– Tỉ như thường mở những cuộc “Triển lãm”.. 
 
– À, cái đó chẳng cần mong. Chánh quyền đã thực hiện ba năm nay rồi. 
 
Quá giờ năm phút, tôi đứng dậy: 
 
– Trưa mai, tôi sẽ đưa người nhà báo đến xin anh chụp hai bức tranh. Một là bức mặt trời với ba đám lúa hay đất gì đây, hai là… À, hai cô thanh nữ trong tranh này vẫn một ở ngoài đời chớ? Hai là một trong hai bức tranh tóc xõa bờ vai này. Anh hỏi tôi chọn cô nào? Cô này có vẻ yên vui, thôi để yên cô ấy, cô này thắc mắc, lo âu rõ ràng, tôi xin chụp vậy. À, quên hỏi ý kiến anh về tương lai Hội họa nước nhà.
 
– Tôi có hỏi một bạn họa sĩ người Pháp. Anh ấy trả lời: “Cuộc triển lãm mùa Xuân năm nay khá hơn các cuộc triển lãm khác đã qua, nhưng tôi chưa thấy một ai có một cá tính, một chân tài nổi bật”. 
 
Giã từ anh, tôi còn rán hỏi:
 
– Trong tranh anh, anh thích dùng màu nào nhất? 
 
Anh tươi cười:
 
– Màu đó không phải màu trắng!
 
NGUYỄN-NGU-Í thuật 
Bách Khoa số 131 ngày 15-6-1962
 
Nguồn: https://www.dutule.com/a8952/nguyen-ngu-i-cuoc-phong-van-ve-quan-niem-hoi-hoa
 
 

0 Bình luận

Bình Luận