Đọc lại TIẾNG ĐỘNG của Thanh Tâm Tuyền
Le poème est l’amour réalisé du désir demeuré désir. René Char
(Bài thơ là tình yêu được hiện thực của sự ham muốn vẫn còn là ham muốn.)
“Tiếng nói của văn chương chỉ là những lời thầm thì giữa những hỗn độn của lịch sử, lời cô đơn không sức mạnh vì bị lấn áp về mọi phía”.
(trích TTT Tựa cho quyển Bếp Lửa tái bản lần thứ 2 năm 1965.)
Sau gần nửa thế kỷ kể từ khi Tiếng Động (TIẾNG ĐỘNG) ra mắt người đọc (nhà xuất bản Hiện Đại, 1970) đọc lại quyển truyện này của Thanh Tâm Tuyền (TTT) tôi có mấy nhận định mở đầu sau đây trước khi đọc-diễn giải ở phần dưới:
1) Hào quang thành công ban đầu của Bếp Lửa (BL) đã che lấp giá trị văn chương hơn hẳn của Tiếng Động so với quyển truyện đầu tay BL. Một lý do khác khiến Tiếng Động ít được chú ý vì thị hiếu và trình độ đọc văn của độc giả: Tiếng Động là tác phẩm khó đọc, chọn lựa người đọc.
2) So với những truyện TTT viết trước và sau Tiếng Động như Cát Lầy (1967), Mù Khơi (1970), Ung Thư, kể cả Một Chủ Nhật Khác (1974) tôi cho rằng Tiếng Động là quyển truyện thành công của TTT. Nếu ta theo dõi kỹ lộ trình sáng tác của TTT ta có thể nhận thấy: từ sau Tôi Không Còn Cô Độc và Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy – nghĩa là từ khoảng giữa thập niên 60 trở đi TTT đã “trốn” Thơ (chữ của TTT nói về Mai Thảo) bằng cách trở lại với tiểu thuyết. Nhưng cố gắng tìm kiếm một cách viết tiểu thuyết khác với tiểu thuyết của thế hệ nhà văn trước 1945 đã không thành công ngoại trừ truyện kể Tiếng Động. Điểm thú vị khác là Chương 2 của Tiếng Động có thể coi như những đoạn rời thơ xuôi (poème en prose) cho thấy sau thất bại về tiểu thuyết TTT lại bị Thơ quyến dụ trở lại. Khi ở trong tù cải tạo TTT đã thật sự trở lại với Thơ (tập Thơ Ở Đâu Xa) phần vì có thể “làm thơ trong đầu” chứ không thể ngồi viết truyện.
3) Nếu đặt song song hai bản văn Tiếng Động của TTT và Voix/Tiếng nói của Linda Lê ta có thể cùng lúc nghe hai lời độc thoại âm/dương xôn xao đuổi bắt nhau khi thì lặng lờ chìm khuất khi thì thúc bách bùng vỡ. Hai giọng văn độc thoại này để lại những vết/vạch hằn sâu khó quên trong tâm trí người đọc.
Trung tâm điểm của bài viết về Tiếng Động này được triển khai từ hai câu văn sau đây: “Tôi có thể điên như bừng tỉnh rạng rõ, như đáy thung lũng chợt khoe đóa hoa đỏ ối sau một màn sương,”( Tiếng Động, trang 44) và “Tôi không muốn làm người điên. Tôi không muốn chứng nghiệp cho một lẽ đạo. Tôi tầm thường, tôi hèn mọn, tôi mênh mông bát ngát, tôi chật hẹp chen chúc, tôi chỉ là bóng dáng một lớp sóng, tôi là tôi hoài tan nát thành muôn mảnh, dật dờ khốn nạn như đêm qua, như ngày qua.” (Tiếng Động trang 45)
Có thể coi Tiếng Động là một truyện kể (récit). 167 trang sách Tiếng Động được chia thành 2 chương, với chương 1 dài gấp rưỡi chương 2, viết ở ngôi thứ nhất với nhân vật xưng “tôi”. Truyện kể khác với tiểu thuyết ở điểm chính yếu: thời gian của truyện kể là thời gian của chính câu truyện, nằm trong truyện, chứ không phải thời gian sinh hoạt đời thường, của thế giới ngoại tại. Nhân vật xưng tôi tác giả giới thiệu với người đọc là một người đàn ông trẻ dưới 30 tuổi, có ý tưởng và hành vi như một kẻ không bình thường (nhưng câu hỏi đặt ra là: thế nào là một người bình thường?), tâm lý luôn luôn ở trong trạng thái đối nghịch, có triệu chứng nhân cách nhị phân (schizophrenia), hoang tưởng, bị ám ảnh tình dục vì tình dục không thể thăng hoa (hay vì vượt quá ngưỡng thăng hoa), mất ngủ thường xuyên nhưng vẫn cố bám víu vào thế giới thực tại. Để đối phó với sức căng giữa thực tại (thân xác, thế giới) với mộng mơ cuồng loạn về phụ nữ hắn chỉ còn biết để “thói xấu” xô đẩy: “Cuối cùng để chấm dứt cơn tỉnh táo mê muội bao giờ tôi cũng phải cầu cứu đến “thói xấu” mới mong được nghỉ ngơi…Khi thân xác lả đi sau cơn giật động trơ trọi, đầu óc trở nên trống rỗng. Mối buồn bã trở nên dịu dàng cùng sự nguội lạnh lan thấm, xua đuổi những mơ mộng cuồng loạn.” (Tiếng Động,11-12). Hắn cũng là kẻ mộng du tỉnh thức lần mò trong mê cung thực tại ngoại giới nhưng không ngừng mơ tưởng khuôn mặt một phụ nữ, tuy bất lực trong tỏ lộ tình yêu cũng như gần gũi người phụ nữ này nhưng lúc nào hắn cũng vẫn ngoan cố khẳng định “tôi có thể, tôi có thể”: nhưng lại có thể bằng “thói xấu” tự sướng cho “hắn những rung động mù tít không sao có được với người đàn bà chung chạ” như hắn tự thú nhận vì hắn sợ hãi ngủ với phụ nữ nên thực hành “thói xấu” như một phép trị liệu để được “yên ổn, tránh được những bất trắc hiểm nguy.”. Hơn nữa chỉ có cách đó mới giúp hắn không phải ra khỏi nơi ẩn náu là căn gác chật hẹp bề bộn dơ bẩn hắn tự giam mình trong đó vừa như sinh vật vừa như thảo mộc.
Điểm qui chiếu thời gian của Tiếng Động: những năm từ giữa thập niên 60 khi cuộc nội chiến Nam-Bắc bắt đầu đi vào giai đoạn khốc liệt, thảm họa lịch sử đang phủ chụp lên dân chúng Miền Nam, treo lửng trong ánh hỏa châu và tiếng đại bác gần xa đêm đêm vọng về. Qui chiếu không gian: những khu ngoại ô lao động nghèo nàn “điện câu” của Sàigòn thời đó. Nhân vật chính xưng tôi này hiện trong tình trạng trốn lính, sống lẩn trốn vật vờ trong một căn gác tối tăm nghèo nàn ở ngoại ô. Sang đến Chương 2 thì người đọc có thể đoán chừng hắn là một nhà văn: “Anh phải viết. Trong đêm nay và nhiều đêm khác. Mỗi đêm. Viết hoài hủy, viết miệt mài. Viết những gì anh không toan tính, anh không biết.” (Tiếng Động, 93) “Tôi đang viết những gì? Tôi đang kể một chuyện. Một câu chuyện thật của tôi. Của đứa bạn thân đã mất. Em đọc, em đọc và em chẳng thấy gì. Nó chỉ là câu chuyện bịa đặt, của anh chàng mất ngủ nói nhăng nói cuội.” (Tiếng Động trang 108)
Căn gác “không cửa sổ, không đồ đạc” của hắn chỉ cách một căn nằm giữa là căn gác nơi trú ngụ của một phụ nữ có hành vi tông tích khả nghi, tuy có một đứa con gái còn nhỏ nhưng thường bỏ con ở nhà một mình vào ban đêm. Hắn mơ tưởng người phụ nữ này một cách huyễn hoặc. Khi vắng mẹ vào ban đêm con bé thường khóc dai dẳng và tiếng khóc của nó càng làm cho hắn nôn nao điên cuồng, rưng rưng muốn khóc thay cho đứa trẻ, tỏ ra thương xót vu vơ đứa trẻ, “tiếng khóc hòa tan tôi vào đêm tối mịt mùng.” Sự thương sót này ẩn dấu sự ham muốn vô ích như cơn lũ người mẹ đứa bé nhưng niềm ham muốn này cũng lụn tắt khi con bé dứt khóc. Ra khỏi hư tưởng hắn trở lại với thực tại và đeo lại mặt nạ của một kẻ bình thường trong mắt người khác bằng những trò diễn và chính bản thân cảm thấy đau đớn khi có ý thức khốn khổ về bản thân và hắn muốn tự hủy “Tôi đau đớn, tôi khổ não, tôi nhăn nhó, tôi nói năng, tôi im lặng, tôi nhìn thấy.”( Tiếng Động, 17) Hắn là kẻ vong thân trong ốc đảo trí tưởng của mình và tự phán xét cũng như bị dằn vặt về sự phán xét của người khác. Hắn đồng hóa mình với Maldoror (nhân vật trong quyển Les Chants de Maldoror của Lautréamont) và với Zarathoustra/Nietszche. Thế nhưng “Tôi đau đớn. Tôi kỳ cục. Tôi đang bị đẩy theo nỗi đau kỳ cục, đau của trời rạng đông. Maldoror mal d’aurore. Tiếng cười quái quỉ, mệt, bắt mệt.” (Tiếng Động, 35) [TTT chơi chữ bằng cách biến tên riêng nhân vật Maldoror của Lautréamont được đọc thành mal d’arore=Cái ác của rạng đông].Và “Vào năm Zarathoustra ba mươi tuổi hắn rời bỏ quê hương và mặt hồ của quê hương và bỏ vào trong núi. Tại chốn này hắn nô đùa với cái đầu và thân trơ trọi của hắn không biết chán suốt trong mười năm liền. Nhưng cuối cùng lòng hắn biến cải và một buổi sáng thức dậy cùng rạng đông, hắn tiến đến trước mặt trời và nói như thế này…Nói thế nào? Này! Ta đã phát ngấy cái minh trí của ta…ta phải đi xuống tận những vực sâu kia…ta phải biệt tích như nhà ngươi, phải lặn chìm…hãy xem, ly rượu này muốn được uống cạn và Zarathoustra muốn trở lại làm người…”( Tiếng Động 26) Nhưng thay vì tuyên bố “Thượng đế đã chết” như Nietszhce hắn tuyên bố “tôi đã chết” và sung sướng phát điên về ý tưởng này. Những chi tiết này chỉ ra TTT viết Tiếng Động trong vòng ảnh hưởng của tư tưởng và văn chương Tây phương, cho nhân vật truyện sống trong đam mê và xúc cảm tuyệt cùng, tuy biết mình bị hành hạ dầy vò nhưng lại hân hoan “được sảng khoái ngây ngất.” Nhưng hắn cũng lại muốn vứt bỏ tất cả, đóng sập cửa trận đồ ý thức kỳ cục này để trở lại với thiên nhiên, tìm lại lạc thú tự nhiên thay vì lạc thú điên rồ từ sự tự đầy đọa do những giòng chữ đen ngòm tra khảo hắn của Lautréamont, Nietszche và Cách mạng. Trong trạng thái chập chờn mơ tỉnh này hắn “vuột ra ra ngoài cái trùng vây của một cõi chất chứa toàn tiếng nói độc diễn miên man” để trở về với thực tại. Và với người phụ nữ hàng xóm hắn mê đắm: “Người đàn bà đã về…”( Tiếng Động, 22) Nằm yên trong bóng tối hắn tưởng tượng ra cảnh người đàn bà và đứa con trong đêm tối “Tôi tắt ngọn đèn, dìm mình trong bóng tối đặc, để tưởng mình trông thấu toàn thể cảnh tượng bên ấy”, (Tiếng Động, 23) và trầm tư về sự cô độc, coi cô độc như một lạc thú.
Cuộc hóa thân của hắn là một hóa thân vô ích vì “Toute joie veut la profonde éternité/Mọi niềm vui đều muốn sự vĩnh cửu sâu thắm.”(Nguyên căn tiếng Pháp trong Tiếng Động, TTT không dịch ra tiếng Việt). Và hắn lại tiếp tục lang thang vô định trong xóm, quan sát một cậu thanh niên tập tạ, những sinh họat ngoài đường xá và đi ra vùng ngoại ô v.v…và hắn cảm thấy lòng nhẹ nhõm đi. Gặp gỡ những khuôn mặt lạ quen nhưng sự cô độc vẫn bám cứng trên mặt mày hắn, hắn thầm thì cất tiếng gọi “tôi ơi…tôi ơi…”, và khi nghĩ đến người phụ nữ hắn mộng tưởng hắn gào thầm “Chúng ta. Chúng ta ơi. Chúng ta còn đâu đó chăng?…Tôi đang điên đây chúng ta ơi. Cần một bàn tay nào nắm giữ lại, siết chặt lại không tôi bay theo buổi mai này mất ạ.” Dừng chân trước cổng một ngôi trường đóng kín cửa hắn hồi tưởng về những cuộc họp hành của sinh viên đấu tranh hắn tham dự, về cuộc trò truyện tưởng tượng với người bạn gái trong đám sinh viên này. Nhưng người bạn này chỉ câm lặng như nàng Eurydice dưới địa ngục còn hắn là chàng Orphée nhầu nát thảm bại đi tìm lối thoát ra khỏi địa ngục. Và hắn cũng cảm thấy bị lùng bắt rượt đuổi (vì hắn là một tên trốn quân dịch.) Hắn hồi tưởng thời thơ ấu của hắn, một đứa trẻ thảm bại, bị hất hủi là hắn, hình ảnh đứa bé trong đôi mắt hắn nhòa lệ như huyệt sâu và hắn muốn chôn cất kỷ niệm tuổi thơ này. Lang thang thả chân không định hướng hắn lạc vào một vùng xa lạ cho đến đêm lại mò mẫm trở về căn gác của mình và mường tượng ra cảnh người đàn bà hàng xóm trở về. Trong một chuyến lang thang vào buổi sáng hắn thất lạc vào khu cấm quanh một trại lính nên hắn bị một nhóm lính phục kích đêm trước tóm được, nhốt hắn trong một cái “conex” không ai quan tâm ngó ngàng. Hắn phải trải qua cái lạnh thấu xương vào ban đêm và cái nóng thiêu đốt vào ban ngày. Trong phần này tác giả đưa ra mô tả tình cảnh của người thanh niên Miền Nam bị đẩy vào tham dự cuộc chiến cũng như của người trốn chạy cuộc chiến: hắn gặp lại chính người bạn học thời tranh đấu trước đây vốn là một chủng sinh nay là viên sĩ quan đang thẩm vấn hắn. Hắn câm nín ngu ngơ, cảm thấy mình bị vây bủa bởi những tiếng động chung quanh cũng như trong ký ức. Biết hắn là một tên trốn quân dịch nhưng người bạn cũ này đã tha hắn. Người bạn cũng nhân dịp này tâm sự về đời sống chật vật của một sĩ quan, sự tù túng trong quân ngũ tuy không có công việc gì để làm nhưng vẫn phải có mặt đang bào mòn con người anh ta, không kể việc phải đụng chạm với “bọn lính nghề”. “Giờ tôi thấy cứ biểu tình xuống đường bắt giận. Không hiểu sao ngày trước mình lại có thể như thế nhỉ. Anh thấy không. Chỉ đưa lưng cho chúng đạp để tiến thân. Mình được cái gì không nào. Hết, cái thời ấy hết rồi…Biết mình đứng ở phe nào bây giờ…” (Tiếng Động, 87) Người sĩ quan bạn cũ này đã thành vô cảm, bất lực vì không thể chọn lựa nên trong túi luôn thủ sẵn một gói thuốc gây nôn mửa phòng khi lâm vào tình cảnh bế tắc, chẳng hạn khi xảy ra đảo chánh khỏi phải chọn phe.
Được thả hắn trở về nhà trên một chuyến xe đò cọc cạch. Trở lại xóm mình ở hắn có cảm giác dân trong xóm không ai nhìn ngó ai, tuy vậy hắn vẫn cảm thấy bị săn đưổi :“Trong đầu tôi nổi lên hai nhịp phân cách, những tiếng dồn chạy mỗi lúc thêm nhanh miết, lập đi lập lại như xe lửa trên sự níu kéo chậm về im sững ngẩn ngơ.” (Tiếng Động 89). Hắn lay cửa căn gác của hắn ầm ầm và có huyễn tưởng như một người vừa “ở thành phố xa sẽ tới, tôi như vừa đến một thành phố xa chưa từng biết.” Nhưng hình bóng người đàn bà hắn mê muội vẫn đeo cứng hắn và “Em. Anh không thể không viết cho em. Không thể, em có hiểu thế không? (Thật thế không? Làm gì có chuyện ấy? Có thể không viết chứ.) Không thể của không thể – mệnh đề phủ nhận kép – có thể mà không, không mà có thể – và tình yêu câm lặng của hắn chỉ thể được tỏ lộ bằng hành vi viết. Viết là cách thế hiện hữu duy nhất để làm đầy hữu đã cạn kiệt, trống rỗng của hắn: Viết/ngôn ngữ như cách thế Tương Hữu (Ereignis) theo Heidegger. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là: nhân vật xưng tôi sống trong mê cung được soi chiếu bởi ánh rạng đông của cái ác, hữu của hắn cũng như hữu của thế giới đã mảnh vụn, đã tan nát và chìm nghỉm đó có thể nào tạo lập được cái tương-Hữu không? Đây là câu hỏi dành cho người đọc Tiếng Động tác giả không hề đưa ra.
Không khí truyện trong Chương 2 vẫn vang vang những tiếng động nhưng đã được tác giả hạ nhiệt, bớt đối nghịch, căng thẳng để chuẩn bị cho chia lìa, mất mát, cho sự biến mất của nhân vật truyện. Để chỉ còn lại nỗi nhớ, để chỉ còn lại ký ức. “Tôi ngồi đây, ngồi trước trang giấy và người đàn bà ở đó, người đàn bà ôm đứa nhỏ trong lòng, ôm ghì nỗi câm chết đang bất động…Có cần thiết không? Có dối trá không? Có lường gạt không? Có…có…có gì nữa không.” (Tiếng Động, 95) Hắn viết để tìm kiếm sự thấu hiểu nơi người đàn bà ở trong hoàn cảnh “không chịu thấu” giữa cô ta và sự câm lặng như “cánh cửa đóng bằng thép lạnh, như tảng đá sần sùi ngu ngốc” là hắn tuy hắn vẫn khăng khăng rằng mình đang “phơi mở, đang bỏ trống “Lúc ấy, lúc ấy…” Tuy hắn nhận hết người đàn bà ở nơi hắn nhưng hắn bất lực hoặc không muốn động dậy tay chân. Lời tâm sự hắn viết ra không hy vọng sẽ tới tay người đàn bà nhưng hắn lại tưởng tượng ra cảnh lúc ấy người đàn bà buồn bã vì hắn “vui khủng khiếp” và vẫn hy vọng “Anh phải viết cho em trong những lúc xa cách này may ra.” (Tiếng Động 97) Hắn cho rằng những từ hắn viết ra sẽ mang thứ tiếng nói không có giọng của hắn, triền miên không phải là gửi tới người đàn bà nhưng gửi ra xung quanh có ý nghĩa mơ hồ của tình yêu vô tận hắn dành cho cô ta: tiếng kêu to của sự im lặng hoài hoài không tan lay thức hắn và cô ta. Kỷ niệm, tưởng tượng, ước muốn lan tỏa trong chữ viết của hắn mong để hắn và cô ta thành Chúng ta “Anh yêu em và anh yêu chúng ta. Như một người mê hoảng trong sáng suốt tột vời (Không phải tự sáng suốt. Đó là luồng sáng ma quái lóe rực đến lòa mắt)” (Tiếng Động 102) Hắn cũng kể về cái chết của một người bạn thân khi hai người mới hai mươi tuổi cùng nhau đi tắm biển, người bạn này ra biển để được bỏ lại sau lưng, quên đi cái thành phố chiến tranh đổ nát nhưng chật cứng người, cái thành phố anh ta sống trong đó nhưng thù ghét. Tuy người bạn thực sự đã chết đuối nhưng hắn cố không tin: không chịu tin vì hắn muốn chạy trốn cái chết, không chịu xóa bỏ kỷ niệm thời trẻ với người bạn. Hắn cũng muốn kể cho người đàn bà nghe về những khúc hắn và người đàn bà đứt rời ly tán nhưng lại khuyên cô ta đừng tìm cách nối kết “Đời sống chúng ta anh nhìn rõ gồm toàn những giây phút chia lìa ly tán.” (Tiếng Động 109) Hắn cũng hiểu được rồi ra sẽ đến lúc người đàn bà hắn yêu mê trốn biệt như người bạn chết đuối. Hắn nhận ra giữa hắn và người đàn bà bị những lớp sương mù dầy đục ngăn cách, che khuất mặt nhau và hắn đã phát đi những tín hiệu hỗn loạn sẽ bị thổi bay lạc. Bị cái chết ám ảnh hắn nhắc đến cậu bé mười tám tuổi tập tạ trong xóm đã treo cổ tự sát. Khi đi ngang nhà cậu bé này hôm xác cậu bé được khám phá hắn tưởng tượng ra mình chính là cậu bé ấy, rồi hắn đứng trên những bực thang dốc dẫn lên căn gác của hắn quan sát quang cảnh dân trong xóm hiếu kỳ tụ tập trước căn nhà cậu bé. Hắn có ảo giác tưởng như nhìn thấy người đàn bà hớt hải lẫn lộn trong đám đông cho đến khi mọi người tản đi và cô ta ngước mắt dòm hắn ở xa. Hắn từ chối mọi lời giải thích về cái chết của cậu bé, “Anh chỉ muốn sống thử những giây phút mà người chết đã ôm theo mất dấu.”( Tiếng Động 113) Đây là một ước muốn bất khả vì con người chỉ nhìn thấy cái chết của người khác, không thể nghiệm sinh cái chết của chính mình. Nên tuy biết điều mình muốn đó chỉ là muốn “dưng không” nên hắn lái suy nghĩ về cái chết theo một ngả khác trong lời cật vấn: “Anh muốn sống thử giây phút của người khác. Có phải luôn luôn như thế chăng? Vượt thoát ngoài thân xác này. Không quan trọng. Vượt thoát ngoài những ý nghĩ, những xác của riêng lẻ, bời rời của một người. Có một cõi âm u nào gặp gỡ giao hòa được với hết thảy. Là lúc này chăng? Lúc này, lúc thảng thốt mở toang tất cả những ngăn che của ban ngày, ban mặt. Lúc thu rút và tỏa mù chẳng rõ đang ở chốn nào. Mọi chốn đều như nhau, phẳng lỳ bất tận.” (Tiếng Động, 114). Đó là cái chết trừu tượng, tuyệt đối. Cũng là cái chết bất khả. Hắn hiểu vậy và cảm thấy mình hèn nhát. Hoài niệm về lần gặp gỡ người đàn bà – có thể chỉ là tưởng tượng – trong một khu vườn vào một ngày nắng ủ ê – người đàn bà dắt theo đứa con. Tuy rình rập chờ đón người đàn bà nhưng hắn vẫn nói dối, vẫn ngụy tín “Nào anh có chờ đón. Anh ở đấy vì muốn rời bỏ thành phố nhưng không biết tới đâu.” Nhưng người đàn bà và hắn không có sự giao tiếp gặp gỡ thực sự, cô ta thản nhiên chơi đùa với đứa con chạy nhảy tung tăng và điều này khiên hắn cảm thấy cô đơn tuyệt cùng. Những tiếng động, những hình ảnh ngoại giới dội đập vào hắn “Những tiếng động bảng lảng quanh quất như một chuỗi âm thanh ám ảnh. Gương mặt em nhắc anh nhớ một ước vọng cũ kỹ chôn sâu…Những âm thanh ngày nay chỉ còn là những tiếng động khua rộn đầu óc không ngưng nghỉ.” (Tiếng Động, 117) Nhưng hắn vẫn chìm đắm trong những tiếng động, những hình ảnh đã xưa cũ đó, không thoát ra được. Hắn tưởng tượng ra người đàn quan tâm về hắn, chẳng hạn trong bức thư hắn hứa sẽ không thức khuya để viết nữa. Hắn nâng niu cuộc gặp gỡ chuyện trò chỉ có trong tưởng tượng với người đàn bà. Và hắn nhận ra hai người yêu nhau dù có nói nhiều bao nhiêu nhưng nói chỉ là quên sống, và tình yêu trốn núp. Tuy vậy hắn vẫn vĩ cuồng: “Hôm nay anh bắt đầu tin tình yêu là những phút ngời sáng hiếm hoi đời người mà chúng ta đã bỏ qua. Cả hai chúng ta đều là những kẻ không tin có tình yêu như mọi người nói. Chúng ta bị ngộ độc. Ngay trong những phút trôi nổi nhiệt thành nhất chúng ta vẫn gặp những lúc khựng đứng tan rã. Như kịch sĩ thiên tài, chúng ta vừa ở trong vừa ở ngoài vai trò. Rồi chúng ta mê hoảng đến ngây ngô buồn bã. Chỉ bây giờ đến khi chẳng còn gì để gìn giữ nữa, anh mới cảm nhận được sự lầm lạc ngu muội của chúng ta.” (Tiếng Động 129) Những điều hắn viết ra cho thấy hắn quả thực là một kẻ ngu muội tỉnh táo. Tác giả cũng qua lời hắn đưa ra những nhận định khác về tình yêu của kẻ thất bại trong tình yêu. Nhưng thử hỏi trên đời này mấy ai thành thực không chịu nhìn nhận tình yêu chỉ là sự thất bại? Lý do thất bại: khao khát sự liên tục, sự đồng nhất bất khả với người yêu, sự xóa bỏ bản thân, xóa bỏ chiếm đoạt, xóa bỏ sợ hãi, tù hãm, tìm kiếm vô vọng một cõi khác…Thất bại trong tình yêu, viết bức thư chia tay để thổ lộ để xóa tan sự mù mờ dẫn hắn tới ý định tự tử. Nhưng vì đoán trước được những “điều bày đặt” của thiên hạ về cái chết của mình, ý nghĩa của cái chết “sẽ được gán lên cái chết của mình, khiến anh không thể tự tử. Nhất là cái ý nghĩa em sẽ tìm thấy.” (Tiếng Động, 159) nên hắn bỏ ý định tự hủy nhưng hắn đã chết cũng như người đàn bà đã chết theo một nghĩa khác: “Anh hiểu tình anh đã chết. Tình đã chết khi chúng ta cùng nhau làm những tác phẩm bằng đời mình. Em đã quyết liệt trong vẻ im trơ. Xa quá, xa quá, nên anh không nhìn rõ những xúc động nào hiển hiện ở em bây giờ. Anh chỉ còn trong mắt anh chiếc bóng trắng của em nổi trên hiên gác trong đêm, càng lúc càng như vô tận miệt cùng.” (Tiếng Động, 163) Trong lúc tỉnh thức sáng suốt trở về với thực tại sần sùi nhơ nhám hắn hiểu được rằng trước mắt mọi người “Chúng ta chỉ là những mặt gương đặt trước nhau, đặt trước những người khác. Ảnh tượng trôi tít đến vô cùng, hoa mắt. Em có hiểu như thế không. Mọi người sẽ nói về chúng ta như thế này: Đó là một cô gái lưu lạc, đáng thương với một đứa con yêu, một anh con trai đầy mặc cảm hèn nhát. Cô ta tưởng gặp được tình yêu rồi không ngờ chỉ bị đọa đầy và cuối cùng…” (Tiếng Động, 167).
Và cuối cùng là những nhận định về Tiếng Động sau đây: Thứ nhất, Tiếng Động là một truyện đóng kín (closed), nghĩa là tác giả khép cánh cửa truy tìm ý nghĩa tác phẩm trước người đọc, và đặt trong chính bản viết của mình một quan niệm về truyện, về viết và về văn chương. Nhận định sau đây của Blanchot về tác phẩm văn chương loại này (như quyển Les Chants de Maldoror của Lautréamont) trong quyển Lautréamont et Sade có thể coi như chiếc chìa khóa cho đọc-diễn giải (lecture-interprétation) Tiếng Động: “Bởi nếu đọc nó [tác phẩm] được giả thiết có sự thuận lòng mong đợi một sự sáng suốt cuồng nộ, chuyển vận bao trùm tự nó tiếp diễn không có mưu mô nào, thì hãy cứ để chuyển vận này sẽ chỉ được nhận ra trong kết thúc của nó và như sự hoàn tất của một ý nghĩa tuyệt đối, hoàn tất này lãnh đạm với mọi ý nghĩa nhất thời người đọc cần phải đi qua để đạt tới nơi chốn cái tối thượng, tức là việc cho nghĩa toàn thể (signification totale) nằm ở đó.” Thứ nhì, có thể thấy tác giả tuy chịu ảnh hưởng của Sartre trong quyển La Nausée/Buồn nôn, của Lautréamont trong Les Chants de Maldoror, của Nietzsche trong Như Zarathoustra đã nói thế nhưng TTT cho thấy đã tiêu hóa sáng tạo những ảnh hưởng này. Tuy nhiên những ý tuởng cũng như cách viết của TTT khiến cho người đọc với thị hiếu và thói quen đọc truyện cũ kỹ cảm thấy xa lạ, chóng mặt và khó tiếp cận, đi vào tác phẩm. Điiều quan trọng ở đây là: tác giả Tiếng Động đã trung thành với quan niệm về văn chương của mình như đã tuyên bố: “Tiếng nói của văn chương chỉ là những lời thầm thì giữa những hỗn độn của lịch sử, lời cô đơn không sức mạnh vì bị lấn áp về mọi phía.”
Đào Trung Đạo
3/2016
Nguồn: http://www.gio-o.com/DaiSu/TTT2016DaoTrungDao.htm
0 Bình luận