Hai Mươi Năm Hội Họa Miền Nam
Hai mươi năm Hội Họa Miền Nam (1954-1975) từ NHÓM SÁNG TẠO đến HỘI HỌA SĨ TRẺ VIỆT NAM, đã tạo nên vẻ mặt hiện đại cho nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Giai đoạn ấy rất quan trọng trong lịch sử Mỹ Thuật chung cho toàn bộ đất nước.
Năm 1954, hiệp định Genève được ký kết, đất nước bị chia cắt, Sài gòn trở thành đầu não văn hóa của miền Nam tự do, qui tụ tất cả các sinh hoạt văn học nghệ thuật trọng yếu của Miền Nam. Sau một thời gian dài chiến tranh ác liệt, mọi người như đều nô nức góp tay xây dựng một cuộc sống mới tự do, dân chủ, và hòa bình. Bầu khí ấy quả thực hết sức thích hợp cho những phát triển tự nhiên của một nền nghệ thuật tạo hình đang khao khát nở rộ.
Trong một bài viết về Nghiêu Đề trước đây, tôi đã từng có dịp ghi nhận một nét chung của giai đoạn này: Những năm giữa thập niên ’50 kéo dài đến đầu ’60, không khí văn học nghệ thuật ở Sàigòn như hừng hực những ánh lửa kêu đòi đổi mới, khao khát sáng tạo. Làm mới, làm mới, phải bước qua những trang đời đã quá nhạt nhòa cũ kỹ không còn thể nào chịu nỗi nữa. Trước vận hội đầy hứa hẹn của một đất nước trẻ trung vừa vươn mình đứng dậy, sức sống sáng tạo thực sự bùng nổ. Sàigòn đã có những tiếng nói rất mới, đầy âm vang, mạnh mẽ và vô cùng thiết tha, ví dụ là những Duy Thanh, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Quách Thoại… (l)
Tự do, dân chủ, và sáng tạo không phải chỉ là tiêu đề, biểu ngữ, mà đã thực sự trở thành nhịp thở và sức sống của nhân dân. Đất nước vươn vai, nền văn học, nghệ thuật cũng vươn vai đứng dậy, và rất rõ ràng là những người làm văn học nghệ thuật đã cùng góp sức làm rực sáng một cuộc sống tinh thần đầy hương vị mới mẻ. Bất kỳ ai đã sống qua giai đoạn lịch sử này thì cũng đều phải thừa nhận sự thật ấy. Màu sắc tươi tắn cùng hương thơm nồng ấm của một nền dân chủ và tự do thực sự là mục tiêu phải đạt tới. (2)
Giữa bầu khí chung ấy, dường như đã có một sự gần gũi thực sự giữa nghệ sĩ và người cầm quyền. Có một sự hợp tác chân thành và thân thiện để xây dựng đất nước; và chính trên nền tảng đó mà một nền văn nghệ tự do cũng phát triển rất rực rỡ. Mặc dù giai đoạn hoàng kim này kéo dài không được bao lâu, dường như chỉ được chừng mấy năm, khoảng 1954-1958, rồi chấm dứt hẳn vào năm 60, và sau đó là sự vỡ mộng hoàn toàn của mọi người. Vậy nhưng, cũng kịp thời và cũng đủ thuận lợi để văn nghệ được phát triển. Riêng trong lĩnh vực tạo hình, một nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại đã phát triển rất nhanh, bắt kịp được tiếng nói thời đại, rồi trên đà chuyển động về phía trước, tính đến năm 1975, chỉ với 20 năm ngắn ngủi, đã dựng nên được một nền nghệ thuật rực rỡ, trẻ trung, rất hiện đại, và vô cùng sáng tạo như chưa từng thấy.
Cần đặc biệt nhấn mạnh đến hoạt động mở đường cho một nền nghệ thuật hiện đại của nhóm Sáng Tạo và Người Việt Tư Do, điển hình là Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh, họ di cư từ miền Bắc vào Nam, mang trong mình một giòng máu tự do, có đôi chút phiêu lưu, kết hợp với những thuận lợi của hoàn cảnh, họ bước vào cuộc canh tân ngôn ngữ hội họa ngày càng mở rộng. Một số họa sĩ và điêu khắc gia có dịp nghiên cứu về nghệ thuật ở Âu Châu vừa trở về, cũng góp phần mạnh mẽ trong việc xây dựng một nền nghệ thuật phong phú, đa dạng. Chúng ta có thể kể đến Văn Đen, Nguyễn Khoa Toàn, Ngy Cao Uyên, hai nhà điêu khắc Lê Ngọc Huệ, Nguyễn Văn Thế, kiến trúc sư mà cũng là họa sĩ Ngô Viết Thụ. Rồi đến khoảng giữa thập niên ’60 và những năm ’70, các nghệ sĩ trẻ đã nô nức và hăm hở tiến đến với tiếng nói mới mẻ của thời đại, phải kể đến những khuôn mặt qui tụ chung quanh nhóm nghệ thuật tiền phong của Sàigòn là Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam.
Nhìn lại những năm đầu sau l954 ở Sàigòn, nhiều phòng triển lãm được mở cửa, hoặc do vài ba họa sĩ hợp tác chung, hoặc do chính quyền tổ chức. Riêng trong năm 1958, người ta đã thống kê được trên 50 cuộc triển lãm khắp nơi trong nước, trung bình mỗi tuần lễ có một cuộc triển lãm. (3) Phòng Triển Lãm Mùa Xuân Kỷ Hợi (1959) đánh dấu một bước tiến mới và mở đầu cho các cuộc triển lãm thường niên về sau, với 75 họa sĩ gởi tranh tham dự, trung bình mỗi họa sĩ gởi đến bốn bức. (4)
Ghi nhận về cuộc triển lãm này, ông Đoàn Thêm, một nhà nghiên cứu mỹ thuật của thời bấy giờ, đã ghi lại: “Trong mấy năm vừa qua, đã khá nhiều họa sĩ lần lượt ra mắt công chúng, nhưng chưa từng thấy cuộc trưng bày họa phẩm nào có nhiều ý-nghĩa và sức hấp dẫn hơn là triển lãm khai mạc từ ngày l0.3.l959 tại Phòng Thông Tin Đô Thành. Số 300 bức tranh đủ các loại và các khuynh hướng, của những vị có tên tuổi cũng như của người chưa được công-chúng biết; sự tham gia nhiệt liệt của các giới nhất là của báo-chí trong sự giới thiệu hoặc phê bình; đó là những triệu chứng đáng mừng cho sự tiến-bộ mạnh mẽ của nghệ thuật. Và hơn nữa, cho sự tự do phát- triển tinh-hoa muôn màu sắc.” (5)
Triển lãm Hội Họa mùa Xuân Canh Tý (l960) cũng nhộn nhịp tương tự năm trước. Đặc biệt đáng kể nhất là cuộc triển lãm Quốc Tế năm 1962, được mệnh danh là Đệ Nhất Triển Lãm Quốc Tế Mỹ Thuật tại Sàigòn, tổ chức ở vườn Tao Đàn từ 26 tháng 10 đến 15 tháng 11-1962, với sự tham dự của họa sĩ nhiều quốc gia khác như Pháp, Đức, Hòa Lan, Mỹ, Thụy Sĩ, Mã Lai, Trung Hoa, Úc Đại Lợi, Nhật Bản, Ma Rốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Phi Luật Tận, Tunisie, Đại Hàn, Á Căn Đình, Hồng Kông, Thái Lan, Ấn Độ. Một số họa sĩ Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, theo lời mời của ban tổ chức cũng đã gửi tranh về tham dự. Như ở Pháp, các họa sĩ, Lê Phổ, Thái Bá, Võ Lăng, Vĩnh Tự đã có tác phẩm tham dự trong cuộc họp mặt lý thú này. Với phòng triển lãm này, Sàigòn rõ ràng đã có tham vọng xây dựng nơi đây thành một trung tâm mỹ thuật lớn. Với lợi thế địa lý là một bao lơn mở ra trên Thái Bình Dương, Sàigòn muốn biến nơi đây thành một ngã tư quốc tế, nơi hội tụ và gặp gỡ của những trào lưu nghệ thuật của thế giới. (6)
Trong lúc bộ môn hội họa phát triển mạnh, việc tổ chức một cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế như thế thật hết sức hợp thời và hữu ích. Mấy năm trước, trong vòng 5 năm, từ 1955 đến 1960, những cuộc triển lãm liên tục mở cửa của Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Tạ Tỵ đã tạo nên nhiều hào hứng, phấn khởi. Nhịp đập rộn ràng của một nền nghệ thuật mới như đang reo vang; Anh em sáng tác, cũng như giới nghiên cứu, phê bình và thưởng ngoạn đều nô nức theo dõi.
Chúng ta thử nhớ lại đôi chút về các khuôn mặt Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn. Những người nghệ sĩ di cư này, qui tụ chung quanh nhóm Sáng Tạo, đã góp nhiều phần làm mới nền nghệ thuật hiện đại của đất nước. Cái mới của họ vốn đã tiềm tàng từ đất Bắc, rồi trong các đợt sóng di cư vào Nam, trong một tình thế hết sức mới mẻ, có lẽ cái giục giã, thúc đẩy của lịch sử đã đưa họ đến những cách phát biểu rất mới, phù hợp và đòi hỏi của tình thế và thời đại. Dĩ nhiên, nói rằng nghệ thuật của họ mới mẻ, có nghĩa là phải nhìn họ trong tình hình của nữa thế kỷ trước, để xem xét những vận động đổi mới của họ như thế nào, chứ không thể đứng trong thời điểm hiện nay mà bàn luận, phê phán thế này thế khác được. Ngày nay, xem lại tranh của Ngọc Dũng, Duy Thanh, Thái Tuấn, nghệ thuật của họ cũng chỉ dừng ngang mức hậu ấn tượng, hoặc là dã thú, tượng trưng, siêu thực. Nhưng vào thời điểm đó người xem tranh chỉ mới loanh quanh với cái đẹp từ các tác phẩm được sinh sản từ trường Mỹ Thuật Đông Dương, ổn cố và chải chuốt với nghệ thuật ấn tượng là chủ yếu, thì những người nghệ sĩ ấy đúng là đã mang lại nhiều cái đẹp mới, đáp ứng với yêu cầu đổi mới của thời đại một cách mạnh mẽ và đúng mức.
Chúng ta hãy trở lại với Duy Thanh. Duy Thanh bày tranh lần đầu tiên ở Sàigòn, trong một cuộc triển lãm chung với Ngọc Dũng, khoảng đầu năm 1956, ở phòng Thông Tin Đô Thành ở đường Tự Do. Đến tháng 3.1958, anh bày phòng tranh riêng của mình ở Cơ sở Pháp Văn Đồng Minh Hội, và đến tháng 5.1958, anh lại bày tranh chung với Thái Tuấn ở Văn Hóa Vụ đường Tự Do, với 80 tác phẩm sơn dầu và bột màu của cả hai họa sĩ. Màu sắc của Duy Thanh nhìn chung là chói chang và rực rỡ, gần với Matisse; đường nét thì rất mạnh, nhiều lúc khốc liệt như Vlamink. Không khí của Duy Thanh là những vệt màu và đường nét biểu cảm mạnh mẽ, sắt nét, táo bạo đến độ hồn nhiên, tạo nên một sự hấp dẫn mãnh liệt. Trong kỳ Triển Lãm Hội Họa Mùa Xuân Kỷ Hợi, 4 tấm tranh của Duy Thanh là Xuân, Bình Hoa, Tĩnh Vật với những mảng màu và nét hoang dại ấy quả là quá mới mẻ và táo bạo, đã mang lại một điều gì đó có tính chất báo hiệu về sự đổi mới của ngôn ngữ hội họa trong những năm sắp đến. Những năm về sau, Duy Thanh và Ngọc Dũng dường như đều muốn tiến về khuynh hướng biểu hiện. Trong nghệ thuật hiện đại, nghệ thuật biểu hiện dễ đạt được nhiều chia sẻ nhất với mọi người.
Cùng với Duy Thanh và Ngọc Dũng, Thái Tuấn đã có những đóng góp hết sức đặc biệt đối với sinh hoạt hội họa ở Miền Nam, tạo nên một dấu mốc quan trọng chung quanh điểm tựa lịch sử 1954. Khác với Duy Thanh và Ngọc Dũng, hội họa của Thái Tuấn giản dị và đạm bạc; là không gian rất thoáng, đôi lúc mênh mông, đường nét rất giản dị, và màu thì chủ yếu là xanh sậm, xanh xám, xanh rêu chuyển đổi theo sắc độ. Thái Tuấn đã tổng hợp tinh túy của nghệ thuật Á Đông và kỹ thuật hội họa Âu Châu, để vẽ nên những tấm tranh của mình. Có thể nói, đó là sự khoáng đạt của những chấm phá giản dị nơi nghệ thuật thủy mặc cộng với nghệ thuật sơn dầu của phương Tây. (7)
Nhắc đến Duy Thanh, Thái Tuấn, Ngọc Dũng, chúng ta cũng tức thời nhớ đến Tạ Tỵ. Tạ Tỵ sinh năm 1921 ở Hà Nội, theo học Trường Mỹ Thuật Đông Dương năm 1938, ra trường năm 1943, đỗ đầu khi tốt nghiệp. Những năm dồi dào sinh lực thời trai trẻ và trung niên, ông đã tổ chức được 3 cuộc triển lãm cá nhân vào các năm 1952 ở Hà Nội; 1955 và 1960 ở Sàigòn. Người ta thường nhớ đến Tạ Tỵ vì tính cách mới mẻ của “lập thể Tạ Tỵ”. Ông là người đầu tiên nghiên cứu và đưa không khí lập thể vào Việt Nam. Bị vây bủa bởi đường lối nghệ thuật này từng vang dội từ Âu Châu đầu thế kỷ XX, ông muốn sử dụng bút pháp này để xây dựng thế giới của mình, để tháo gỡ và đào sâu vào đối vật, làm thiên nhiên lệch lạc đi, phá vỡ tất cả những cách nhìn quen thuộc về sự vật để khám phá ra những khía cạnh mới mẻ, tạo được sự bỡ ngỡ và đưa người xem đến chỗ bất ngờ. Nhớ đến lập thể Tạ Ty, chúng ta cũng không thể quên Duy Liêm, bởi vì tiếng nói của Tạ Tỵ có tiếng vang trong một mức độ cao thuộc các tầng lớp trí thức, các giới hoạt động văn hóa nghệ thuật, thì Duy Liêm lại đưa được tiếng nói mới mẻ của nghệ thuật hiện tại phát triển trên bề rộng, đến với quần chúng khắp nơi. Duy Liêm rất thành công với “Lập thể Duy Liêm” trong đại chúng, xâm nhập mạnh mẽ vào trong cuộc sống hàng ngày của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt qua các minh họa nhan nhản trên các bìa nhạc của Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Hoàng Trọng, Nguyễn Hữu Thiết, Phạm Đình Chương, Trần Thiện Thanh…, và đặc biệt hơn nữa, trên vô số mẫu vẻ thực hiện trên các sản phẩm mỹ nghệ của xưởng sơn mài Thành Lễ, mà những thứ sản phẩm này thì đúng là đã lan tràn khắp nước, rất quen thuộc với quần chúng Việt Nam.
Sau những phòng tranh gây được nhiều hứng khởi chung của Tạ Ty, Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh, hội họa hiện đại Sàigòn phát triển mạnh mẽ trong ngôn ngữ chung của nền hội họa khắp thế giới.
Tiến vào nền nghệ thuật mới, cuộc Triển Lãm Hội Họa Mùa Xuân Giáp Thìn, 1964, do Văn Hóa Vụ tổ chức ở nhà Hát Lớn Sàigòn là một cột mốc đáng kể. Có 583 họa phẩm sơn dầu do hơn 200 họa sĩ khắp nơi gửi về tham dự, đáng lưu ý nhất là các khuôn mặt trẻ với những đường nét và màu sắc linh động, mạnh mẽ, đa dạng, đã tạo được một bầu khí tươi mát, rạng rỡ, đầy chất sáng tạo. (8) Phòng tranh này đã gây được nhiều dư vang trong cuộc sống tinh thần của đất nước chính phần nào cũng là nhờ ở sự thúc đẩy của Hội đồng giám khảo cuộc triển lãm, cổ xúy cho cái mới, hỗ trợ cho những tiếng nói trẻ táo bạo, với Chủ tịch hội đồng là Thái Tuấn và 4 thành viên khác trong hội đồng: Văn Đen, Hiếu Đệ, Lưu Đình Khải, Nguyễn Sao.
Có thể nói là một sự bùng nổ của nghệ thuật mới bắt đầu được khơi dậy. Và rồi thì, những trường phái nghệ thuật lớn đều trở thành nơi thử thách của các họa sĩ trẻ, từ lập thể, dã thú, biểu hiện, đến siêu thực, trừu tượng, vô hình dung, tân hiện thực. Phải kể đến những nghệ sĩ trẻ qui tụ chung quanh nhóm nghệ thuật tiền phong của Sàigòn là Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam: Trịnh Cung, Đinh Cường, Nguyên Khai, Nguyễn Trung, Hồ Thành Đức, Đỗ Quang Em, Nghiêu Đề, Lê Tài Điển, Cù Nguyễn, Nguyễn Phước, Hồ Hữu Thủ, Mai Chửng, Dương Văn Hùng, Nguyễn Lâm, Nguyễn Đồng, Hoàng Ngọc Biên, Ngy Cao Uyên, Rừng. Cũng phải kể đến một số nhà tạo hình khác nữa, không ở trong Hội Hoạ Sĩ Trẻ, nhưng cũng nằm trong trào lưu chung như Vị Ý, Lê Ngọc Huệ, Vĩnh Phối, Tôn Thất Văn, Hiếu Đệ, Đỗ Mai Lan, Trương Đình Quế, Lê Thành Nhơn, Huy Tường, Nguyễn Thanh Thu, Đặng Hoài Nam, Nguyễn Quỳnh, Cao Bá Ninh, Phạm Hoán, Lâm Triết, Trịnh Hữu Định, La Hon, Hồ Nguyễn, Nguyễn Trọng Khôi, Duy Liêm, Huỳnh Kim Ngọc, Trần Vạn Lộc, Nguyễn Hữu Nhật, Thái Lãng, Đỗ Trọng Nhơn, Đằng Giao.
Riêng về trường hợp Nguyễn Quỳnh, cũng cần nói: ông là một trong những sáng lập viên đầu tiên của Hội Họa Sĩ Trẻ, nhưng không hiểu vì sao sau đó đã rút ra khỏi hội.
Những trường phái nghệ thuật lớn với ngôn ngữ mới mẻ nhất như là một tiếng gọi mãnh liệt đối với tuổi trẻ. Nhãn quan truyền thống cần phải được thay thế bằng một cách nhìn khác để có thể thích ứng với thế giới mới, một thế giới đã đổi thay rất nhiều vì nền khoa học hiện đại với những phát minh tối tân đã tràn ngập khắp nơi. Những bậc thầy của hội họa thế giới đến với tuổi trẻ làm nghệ thuật Việt Nam: Gauguin, Matisse, Van Gogh, Picasso, Miro, Chagall, Mondrian, Modigliani, Dufy, Kandinsky, Klee, Braque… Thế giới màu sắc và đường nét nở rộ tưng bừng trong nhiều bút pháp. Hai đường lối gây nhiều ảnh hưởng lớn nhất trong thời kỳ này là Modigliani và Paul Klee dù rằng rất khác biệt nhau nhưng lại chính là hai điểm nối kết lớn của nền hội họa mới.
Đề cập đến khuynh hướng chịu ảnh hưởng nghệ thuật của P. Klee, chúng ta có thể liên tưởng ngay đến Nguyễn Quỳnh như một điển hình rất đặc biệt. Tranh của Nguyễn Quỳnh bàng bạc khắp nơi, từ điểm cực nhỏ đến bầu khí tổng thể, những tiếng vọng của Klee. Khởi nguồn chính là tư duy tạo hình học hỏi trên tư duy tạo hình của Paul Klee. Nếu tôi nhớ không nhầm thì trong một buổi nói chuyện tại Trung tâm Văn Hóa Đức, đề tài của Nguyễn Quỳnh là “P. Klee và tôi”. Và mới đây, khi nhìn lại nền Hội họa Việt Nam hiện đại, Nguyễn Quỳnh đã tự đánh giá chính mình: “Có người lủi thủi và trốn tránh một mình như trường hợp Nguyễn Quỳnh, để học hỏi cả hai lĩnh vực: Sáng tạo và tư duy, từ Klee qua Kandinsky, qua Miro, qua Pollock, qua Picasso của thời lập thể tổng hợp, và vươn tới cả Op Art. Những nổ lực đơn điệu này xem ra không thích hợp với nghệ thuật Việt Nam”. (9)
Lời tự nhận xét này khá chính xác. Nguyễn Quỳnh có một tư duy tạo hình rất sâu, vẽ thành tranh thì rất đẹp, rất nhuần nhuyễn vì sự chế ngự kỹ thuật vô cùng vững chắc. Vậy nhưng những phòng tranh của ông bày ở Goethe-Institut trên đường Phan Đình Phùng, hoặc là cuộc triển lãm rất đồ sộ bày ở Thư Viện Quốc Gia khoảng năm 1974 hay đầu năm 1975 gì đó, đã không tạo được sự hấp dẫn đối với thưởng lãm.
Nguyễn Quỳnh là một trong những sáng lập viên đầu tiên của Hội Họa Sĩ Trẻ, nhưng sau một thời gian ngắn, đã rút ra khỏi hội. Ông giải thích là vì nhiều khó khăn của thời chiến khiến ông phải xin ra khỏi hội. (10)
Nguyễn Quỳnh hiện nay là giáo sư về thẩm mỹ học và lịch sử mỹ thuật ở Trường San Antonio College, Texas. Ông là họa sĩ Mỹ gốc Á Châu đầu tiên có tranh được tuyển chọn vào bộ sưu tập của Nhà Bảo Tàng Guggen-heim ở Nữu Ước; ông cũng bày tranh thường xuyên ở Columbus Art Gallery, New York City.
Ghi nhận tiếp về các khuôn mặt khác, những họa sĩ trẻ đã thực sự góp phần tạo nên bầu khí nghệ thuật trẻ trung, đầy sức sống và rất hiện đại. Chúng ta quan tâm đến Trịnh Cung và Đinh Cường, mấy năm đầu thập niên ’60, hai người đã có nhiều gắn bó, gần gũi nhau trên diễn biến tư tưởng nghệ thuật cũng như trong sinh hoạt mỹ thuật ngoài xã hội.
Bước đầu, ở cả hai đều đượm một không khí lãng mạn xanh pha lẫn giữa Chagall, Modigliani và Klee, rồi dần dà mỗi người ngả theo một con đường riêng, tạo nên những dấu ấn sâu đậm giữa nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Màu sắc của Trịnh Cung mặc dù đạm bạc, tiết chế nhưng vẫn tràn đầy một không khí thơ mộng không cùng. Đường nét và hình ảnh của anh không vụ vào những chi tiết nhỏ, mà thường là những mảng lớn rất phóng túng, hào hoa, và rất thanh nhã. (11)
Về Đinh Cường thì từ 40 năm trước, bước vào thế giới của sắc màu và đường nét, anh đã xây dựng ngay được một vũ trụ nghệ thuật riêng của mình. Bước đầu, bị hấp dẫn với thế giới trừu tượng, rồi sau nột thời gian dài theo đuổi những giấc mơ trôi nổi giữa nền nghệ thuật này Đinh Cường lại chuyển hướng để trở về với nghệ thuật tượng hình, với những hình ảnh quen thuộc giữa Nội thành Huế, hay với rừng núi Đà Lạt, Di Linh, Đơn Dương, với nỗi ám ảnh đất đá rêu phong, tường thành cũ. lau lách đìu hiu, những dáng ngựa trắng và những con chim lạ, những chùm bông lạ, tất cả đã hợp nhau lại để tạo nên một thế giới kiểu cách của riêng anh, rất thơ mộng, rất đài các trong cái cõi tịch lặng riêng, rất Huế và rất Đinh Cường.
Đinh Cường tái định cư ở Mỹ năm 1989. Vẫn với cung cách sống và phong cách nghệ thuật đã định hình từ nhiều năm về trước, anh tiếp tục làm nghệ thuật trên đất Mỹ theo cách của anh. Sống đời lưu vong mà tiếp tục làm được nghệ thuật đã là một điều đáng kể, may mắn và hạnh phúc lắm rồi! Còn bao nhiêu chuyện khác thì cứ để trôi chảy tự nhiên, cái gì đến sẽ đến. Đinh Cường làm việc rất đều tay, mới đến Hoa Kỳ có mấy năm, đã tổ chức được 5 cuộc triển lãm. Năm 1989 ở Mc Lean, Virginia; Năm 1991 bày tranh ở Georgetown Art Gallery, Washington, D.C.; Năm 1991 ở Le Jardin du Boisé, Montréal, Canada; Năm 1993, lại bày tranh ở Mc Lean, Virginia; và một phòng tranh khác năm 1994 ở Metro Gallery, Đại học George Mason, Virginia. Cuộc triển lãm gần đây nhất của Đinh Cường, bày chung với ba nghệ sĩ Nhật Bản (nữ họa sĩ Akemi Ohira và hai nhà tạo hình vẽ gồm: Ester Ikéda và Yoshiro Ikeda) ở phòng triển lãm Springfield Art Association Gallery, Illinois. Cuộc trưng bày này mang một tựa đề chung: Lịch nghiệm phương Đông, Biểu hiện phương Tây (Oriental Experience, Occidental Expression), từ 4 tháng 3 kéo dài đến ngày 22 tháng 4 năm 2000.
Tính cho đến năm 1994, cả trong và ngoài nước Đinh Cường đã bày tranh riêng một mình được mười sáu lần, bày tranh chung với các tác giả khác mười một lần, đã được phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa chọn tranh để tham dự triển lãm tại Museé d’Art Moderne, Paris từ 28.9 đến 3.11.1963 và tại các nước Tunisie, Brasil, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Đinh Cường sinh năm 1939 ở Thủ Dầu Một, tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1963, dạy hội họa ở trường nữ trung học Đồng Khánh Huế từ 1963 đến 1967; dạy Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế từ 1967 đến 1975. Là tổng thư ký Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam 1969- 1971, Đinh Cường cũng đã từng đoạt được huy chương bạc Hội Họa Mùa Xuân hai lần liên tiếp năm l962, 1963. (12)
Mỗi khuôn mặt trong Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam là một thế giới riêng, một phong cách riêng, với đường nét và màu sắc riêng. Như với họa sĩ Rừng, một thời kỳ dài trước năm 1975, luôn luôn đập vào mắt người xem những hình ảnh dữ dội, đẩy ta trở lại đối mặt với những gốc rễ nền tảng nguyên thủy. Những gốc rễ ăn sâu vào trái đất của nhục dục mà đâm chồi, nẩy nụ những cành lá xanh tươi siêu hình. Rừng thích Dali và Chagall; nghệ thuật của anh có nhiều tính cách thơ mộng và quái dị mà anh đã nghiệm ra từ hai bậc thầy này, dĩ nhiên đã tinh lọc hoàn toàn qua cách nhìn của một nghệ sĩ Việt Nam.
Trong khi ấy, tranh Nguyên Khai thì đầy chất thơ, pha lẫn giữa thần thoại và hiện thực của cuộc đời. Đây là thơ được dựng lại bằng sắc màu trên nền bố và giá vẽ, luôn luôn vương giả, yêu kiều, và quí phái như phong cách của anh từ nhiều thập niên qua.
Một người làm tranh khác cũng rất thơ mộng là Hồ Thành Đức, tuy nhiên, đó là thứ thơ mộng hiện ra dưới một hình thái buồn thảm, cô quạnh, và phần nào hơi tan vỡ, nứt rạn. Hồ Thành Đức không vẽ sơn dầu mà làm tranh collage, dán giấy. Khó cắt nghĩa chính xác tại sao trên tranh Hồ Thành Đức lại nhuốm đầy vẻ bi thảm, hoang mang, và ác mộng. Nhưng ít nhiều chúng ta cũng đã biết đến những ám ảnh khắc nghiệt vào thời tuổi thơ của họa sĩ, cùng những dằn vặt của thời tuổi trẻ, và sau cùng là tuổi trưởng thành trên một đất nước mà chiến tranh đang đè nặng như một định mệnh tàn khốc. Hẳn rằng tất cả những yếu tố ấy đã hợp nhau lại để dựng thành một thế giới bi thảm riêng tư.
Với Hội họa Miền Nam trước năm 1975, tranh Hồ Thành Đức khá đặc biệt với kỹ thuật dán giấy của anh. Sau nhiều năm làm việc, thử thách với hình thức hội họa này, anh đã đạt được nhiều thành công đáng kể, chinh phục được công chúng thưởng ngoạn cũng như anh em sáng tác cùng giới. Phòng tranh bày vào tháng 5.1970, ở phòng triển lãm quen thuộc Pháp Văn Đồng Minh Hội (Alliance Francaise), đã để lại những ấn tượng tốt đẹp về một đời sống nghệ thuật sâu sắc và một kỹ thuật đã được thủ đắc một cách vững chắc. Phòng tranh này hầu như đã đưa người xem tiếp xúc và gặp gỡ một bầu khí chung khá buồn thảm, với sắc độ lạnh lẽo khắp nơi. Xanh xám, đen nâu pha trộn vào nhau, pha cùng với màu nâu sậm, màu chỉ của bầu trời đầy mây tối: Cảnh vật bị đè nặng dưới sức ép của bạo lực và kinh hoàng, trầm lắng dưới những khối màu ảm đạm. Một nỗi buồn bã, trống trải, tan rã giữa một thời đại gẫy đổ, nứt rạn, chia cách, phân hóa. Những con người hiện ra đang tê cứng và biến dạng, để trở thành một thứ đá im lìm, u uất, bất động mà bao nhiêu tiếng gào, bao nhiêu nỗi căm phẫn đều dồn vào bên trong.
Những năm về sau này, có lẽ tâm cảnh cũng biến chuyển theo với thời thế bên ngoài, khi chuyển qua giai đoạn thực hiện tranh sơn mài, khi căn nhà của Bé Ký – Hồ Thành Đức ở 78bis Điện Biên Phủ (tức Phan Thanh Giản cũ) thực sự trở thành một xưởng sơn mài đáng chú ý ở Sàigòn, thì tranh của Hồ Thành Đức đã vui tươi hơn nhiều, những nành vẽ trong collage trước đây càng làm cho sơn mài của Hồ Thành Đức sâu hơn và gợi cảm hơn. Tranh sơn mài của Hồ Thành Đức được sản xuất hàng loạt, không kịp đủ để bán, rồi theo các chuyến tàu, các người chơi tranh, các nhà sưu tập mà đi khắp thế giới. Bức Chân dung Chúa treo ở phòng khách lớn Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Ba Lê, được nhiều người chiêm ngắm và cảm xúc. Nhà Bảo Tàng Nghệ Thuật Thái Bình Dương, Warsaw, Ba Lan, năm 1984, đã chọn bức sơn mài Mẹ Âu Cơcủa Hồ Thành Đức để giữ trong bộ sưu tập thường xuyên. Tranh Hồ Thành Đức có trong nhiều bộ sưu tập riêng ở Pháp, Canada, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Thụy Sĩ… Có lẽ cũng nên biết thêm: Hồ Thành Đức là giảng viên Mỹ Thuật Trường Đại Học Vạn Hạnh từ 1969- 1975, và năm 1974 cho đến 30.4.1975, đặc trách ban Mỹ Thuật áp dụng của Trường Đại Học Phương Nam vừa thành lập, đang dự định sẽ tổ chức thành một phân khoa mỹ thuật thì biến cố 30.4 xảy đến, chấm dứt hẳn dự án ấy.
Nhóm Hội Họa Sĩ Trẻ là một tập hợp những bảng màu kỳ lạ và tuyệt đẹp của nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Nguyễn Phước là một trong những khuôn mặt rực rỡ trong đó. Nguyễn Phước có nhiều biến chuyển, đi qua nhiều thời kỳ, đi từ cực này đến cực khác và ở điểm nào anh cũng đạt được những thành tựu lạ lùng. Đi từ hội họa có hình đến trừu tượng, vô thể, rồi cho đến nay anh đi đến một bút pháp, kiểu cách rất lạ, đưa những mảng ánh sáng của nghệ thuật thời phục hưng vào thế giới của thời ấn tượng, rồi những màu hồng, lục, đỏ tươi chói chang đã trầm xuống và thủy tràn qua, bao trùm lên trên toàn thể. Đó là một thế giới giản dị, bình thường, ví dụ là hình ảnh những thiếu nữ đài các, thanh tú với dáng dấp của thời 1930-1945, nhưng càng nhìn ngắm kỹ mới càng nhận ra cái công phu, nghiêm cẩn, rất tinh tế, nhuần nhuyễn, mịn màng. (13)
Cùng với Nguyễn Phước, có một thời Cù Nguyễn cũng rất được chú ý, mặc dù anh sớm bị quên lãng vì không giữ sức sống nghệ thuật cho được dài hơi. Về thời kỳ nghệ thuật đẹp đẽ của Cù Nguyễn, Nguyễn Trung đã từng ghi nhận: “Cù Nguyễn với không khí thâm trầm, tạo bằng nền thường là nâu sậm, với những hình thể vỡ tan của một thế giới đầy bất trắc, được tô bằng những màu trong suốt, óng ánh. Khoảng năm 1962 về trước, Nguyễn theo đuổi khuynh hướng tượng hình, những hình thể với đường viền đậm và màu xám, hồng lục đắp dày. Trong vòng 10 năm sau cùng, Nguyễn khám phá ra Bissier, bị hấp dẫn bởi kỹ thuật tô màu của họa sĩ này rồi tạo được đường nét riêng của mình.” (14)
Năm 1961, mới 23 tuổi, Cù Nguyễn đạt được huy chương vàng Triển Lãm Hội Họa Mùa Xuân với tác phẩm Chân dung thiếu nữ. Rồi năm 1964, anh được tặng huy chương đồng Triển Lãm Hội Họa Mùa Xuân Giáp Thìn cho tác phẩm Trăng, Chim và Hoa. Trên đường dong ruổi tìm kiếm cái đẹp, quan điểm của Cù Nguyễn tương đối phóng khoáng, có lẽ chính vì vậy mà anh đã bắt gặp nhiều điều mới mẻ rất sớm. Ý kiến này của anh phản ảnh được nhiều phần cách nhìn riêng biệt cũng như thế giới riêng tư của anh: “Tại sao anh cho rằng tranh tôi đẹp, rồi anh lại đi tìm những tiểu tiết mà anh lại cho là xấu kia làm gì. Làm như vậy là anh đã vô tình để lộ sự gò bó của chính anh, anh đã quá tuyệt đối mà sự tuyệt đối thường đẩy anh rơi vào những công thức, ước lệ máy móc…” (15)
Đáng tiếc là Cù Nguyễn nổi danh sớm nhưng đã không phát triển được sự nghiệp nghệ thuật đúng mức như sự trông đợi của mọi người.
Giữa những khuôn mặt của Hội Họa Sĩ Trẻ Đỗ Quang Em nổi bật vì chất nghệ thuật hiện thực của anh. Lúc ban đầu, cuối thập niên ’60 và đầu ’70. Đỗ Quang Em có phần gần Nguyễn Trung, chú ý đến ánh sáng và sự tương phản clair-obscur, nhưng chỉ một thời gian ngắn, anh đã tìm ra được một đường lối hoàn toàn riêng của mình, cũng là sáng-tối nhưng để nói về một sự thực nằng nặng của cuộc đời, của nhân sinh, của bản năng, của những màu đất thó, đất nung, của màu nâu chìm xuống, ngược lại với Nguyễn Trung thì nhẹ nhàng và bay bổng lên với màu xanh, màu lục, với ánh sáng nhẹ nhàng, thơ thới.
Tỉa vẽ chi li, công phu, dựa vào nguyên tắc ánh sáng và bóng tối thì có lẽ chỉ cần tập luyện nhiều thì ai cũng làm được. Nhưng vấn đề không phải chỉ là như vậy, mà là cách nhìn, là nội tâm của người nghệ sĩ. Trong giòng nghệ thuật cổ điển, từ thời Phục Hưng đến nay, đặt tranh anh bên cạnh các tác giả khác, chúng ta thấy ra ngay một thế giới riêng của Đỗ Quang Em, đó chính là đóng góp lớn và đặc biệt của anh vào nghệ thuật thế giới từ nghệ thuật hiện thực Việt Nam.
Có thể là mòi ví dụ là bức Tỳ Bà của Đỗ Quang Em bày trong cuộc triển lãm Từ Hai đầu Đại dương xa cách: Tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam hiện đại đang sinh sống trên đất Mỹ và từ trong nước (An Ocean Apart: Contemporary Vietnamese Art From The United States and Vietnam) do Viện Smithsonian tổ chức năm 1995. Bức tranh này đã nổi bật rất mạnh vì một không khí của thực rất thơ mộng và huyễn hoặc. Chiếc đàn Tỳ Bà và cái áo dài để trên chiếc chõng tre chiếm khoảng chừng một phần ba không gian tấm tranh, tất cả còn lại là khoảng trống. Khoảng trống và sự vật đều rất sống động dưới ánh sáng đang rạng chiếu. Dưới công phu chi li của cây cọ Đỗ Quang Em, thế giới tầm thường chung quanh đã trở nên bí ẩn, có hồn và lên tiếng bằng thứ ngôn ngữ tĩnh lặng của mình; Sự vật nói chuyện mà những không gian trống vắng càng nói chuyện thiều hơn.
Không phải chỉ là cảm nhận và ghi chép thực tại của một thứ nghệ thuật tự- thiên chủ nghĩa, mà là qua quá trình tìm tòi, suy gẫm, lọc lại một thực tại với tất cả vẽ rực rỡ bên ngoài mà vẫn đạt tới chiều sâu thẳm bên trong. Đó là nghệ hoạt của các nhà tân hiện thực, hay nói cho chính xác là cực thực, hyperréaliste, gần gũi với nhiếp ảnh nhưng hoàn toàn khác xa nhiếp ảnh, chỉ cách nhau một đường tơ nhưng là hai thế giới ngoài nhau hoàn toàn. Đối vật trong tranh Đỗ Quang Em hiện ra rất thực nhưng luôn luôn là bí mật, tạo nên một vẻ gì hư ảo vượt ra bên ngoài thực tại, dễ gây nên cảm giác về một điều gì đó rất quạnh hiu nhưng là một thứ quạnh hiu bất tử. Đó chính là cài huyễn hoặc mà cũng là huyền hoặc của nghệ thuật hiện thực Đỗ Quang Em. Tôi muốn lập lại ở đây một cụm từ mà cũng là khái niệm tôi đã sử dụng nhiều lần khi viết về Đỗ Quang Em: cụm từ Tân-hiện-thực-Đỗ-Quang-Em.
Đề cập đến các họa sĩ của Hội Họa Sĩ Trẻ, cũng cần đặc biệt lưu tâm đến Nguyễn Lâm và Hồ Hữu Thủ bởi vì đây là hai họa sĩ chuyên tâm về sơn mài, nâng cấp sơn mài trên một tầm cao, đưa chất liệu và kỹ thuật sơn mài truyền thống đến với nền nghệ thuật hiện đại, cống hiến nhiều cái đẹp rực rỡ, góp phần tạo nên một bầu khí và phong cách của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Dĩ nhiên, vào thuở bàn đầu đến với mỹ thuật, cả hai đều vẽ sơn dầu, rồi mới dần dà bước qua sơn mài.
Trước 1975, Hồ Hữu Thủ đã vẽ sơn mài, Nguyễn Lâm thì về sau này, khoảng giữa thập niên ’80 mới tìm đến với chất liệu này và càng về sau anh càng như dứt khoát sống với nghệ thuật sơn mài. Ngày nay, nói đến sơn mài hiện đại miền Nam, chúng ta phải nói ngay đến Nguyễn Lâm và Hồ Hữu Thủ.
Nguyễn Lâm tên thật Lâm Huỳnh Long, sinh năm 1941 ở Cần Thơ. Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Sàigòn năm 1965, rồi giảng dạy ở trường này cho đến năm 1975.
Nguyễn Lâm là một trong những khuôn mặt hội họa trẻ nổi bật rất sớm ở Sàigòn: Anh đã từng đạt được huy chương bạc Triển Lãm Hội Họa Mùa Xuân ]962, bằng danh dự Đệ Nhất Mỹ Thuật Quốc Tế ở Sàigòn năm 1962, rồi huy chương đồng triển lãm hội họa Công Giáo năm 1967. Từ năm 1963 đến 1972, đã tổ chức 7 cuộc triển lãm cá nhân ở Sài gòn và Tân Gia Ba. Đã tham dự nhiều cuộc triển lãm tập thể trong và ngoài nước như: Triển Lãm Mỹ Thuật Quốc Tế Lưỡng Niên tại Paris năm 1961 và 1963, Triển Lãm Kuala Lumpur 1963, Tân Đề Li 1965, Nhà Việt Nam ở Paris 1979 và 1993, Triển Lãm Mandarin, Singapore năm 1992, Triển Lãm tại Notices Art Gallery, Singapore năm 1992, Triển Lãm New Space ở Singapore năm 1993…
Mặc dù trải qua nhiều thời kỳ, hội họa Nguyễn Lâm biến chuyển rất ít. Vào những năm đầu của thập niên ’60, như một nhật xét của Nguyễn Trung, anh thường sử dụng hai màu vàng, cam chen lẫn trên tấm nền sâu tối của màu đen, để mô tả thế giới của những người lao động nghèo khổ. Chuyển qua một thời khác, cũng chỉ là gam màu u tối, màu vàng và cam đã trở thành hồng, lục pha xám để rạng chiếu mờ ảo trên những cảnh trí bán trừu tượng. Và đến ngày nay, anh vẫn chậm chạp di động giữa những màu sắc thăm thẳm và u tối ấy, anh lại nắm được thêm một lợi thế mới là chất liệu sơn mài, rất phù hợp với thế giới ẩn mật của anh. Hai bức Cấu trúc I và Cấu trúc II bày trong cuộc triển lãm An Ocean Apart: Contemporary Vietnamese Art from the United States and Vietnam trông rất bí ẩn, tạo được nhiều ảo giác về chiều sâu với một bố cục bề mặt khá chặt chẽ.
Nguyễn Lâm đã phác họa về hành trình và sinh mệnh nghệ thuật của mình: “Vẽ là một quá trình hình thành và hủy diệt. Sự sáng tạo không cho phép người nghệ sĩ lập lại chính mình. Đó là một hành trình luôn đổi mới với lòng đam mê, khao khát hướng tới cái đẹp. Và chỉ trong lúc làm việc thì điều đó mới có ý nghĩa. Đôi khi ta tưởng rằng mình sắp đạt đến mục đích nhưng thật sự chỉ là một mục tiêu rất nhỏ trong cái Đẹp vĩ đại và xa vời.” (16)
Nguyễn Lâm nói rất đúng, anh không lập lại chính mình, nhưng anh chuyền biến rất chậm, và ngày nay anh đang di động giữa những bố cục trừu tượng với các mảng màu ấm cúng đỏ son, cánh dán, xanh lam, đen nâu, và trắng ngà của vỏ trứng. Chất liệu và các màu sơn ta ấy đã như là một vùng đất hoang vu hoang dại, và sâu thẳm, mặc sức cho Nguyễn Lâm khai phá, tìm kiếm, hít thở và sống.
Chúng ta đề cập tiếp về Hồ Hữu Thủ. Khoảng năm 1970, tranh Hồ Hữu Thủ thường được ghi nhận là có nhiều gần gũi với Nguyễn Trung, về bố cục, màu sắc, và ánh sáng. Nhưng căn bản thì vẫn là hai thế giới khác biệt: tranh Nguyễn Trung là một cái đẹp khô(sèche beauté) thì ngược lại nơi Hồ Hữu Thủ là một cái gì đó vô cùng tươi mát, mềm mại.
Ngoài sơn dầu, Hồ Hữu Thủ còn thực hiện nhiều tranh mộc bản và sơn mài. Anh là một trong những họa sĩ trẻ hiếm hoi đầu tiên tại miền Nam sau thời kỳ 1954 chuyên sâu về sơn mài, tiếp tục truyền thống sơn mài của các họa sĩ xuất thân từ Trường Mỹ Thuật Đông Dương, mà cùng lúc lại biết vận dụng cách nhìn mới trong những phát biểu rất hiện đại.
Vẽ nhân vật, sự vật, và thiên nhiên với thủ pháp ánh sáng: sáng-tối, âm bản-dương bản. Vẽ như thế mà không hoàn toàn là một sao chép hiện thực, lại có nhiều chất tượng trưng, nên thế giới của Hồ Hữu Thủ không phải bị ràng buộc với thực hữu, mà như đã bay bổng lên, hoặc cũng có thể đã nhập vào một cõi vô thức nào. Có lẽ đó chính là khuynh hướng của Hồ Hữu Thủ; cuộc hành trình đã vẽ ra và muốn chuyển động trên sự định hướng đó, để đi tìm cái đẹp. Vì có lần anh đã nói: “Với tôi sự thật không có ở thế giới bên ngoài, mà chỉ có ở thế giới vô thức, huyền thoại, của nội tâm vô cùng mẩn cảm, ở đó mới sáng tạo ra thế giới mới hơn, rực rỡ hơn.” (17)
Nhiều tranh của Hồ Hữu Thủ của những năm sau này đã nhập hẳn vào thế giới trừu tượng, mang lại cho chúng ta một cái đẹp rất kỳ diệu, rực rỡ, rất ấm áp nồng nàn. Hãy thử lấy một ví dụ, bức Khúc Đông Phương 1 bày năm 1994 ở cuộc triển lãm chung với Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Nguyễn Lâm, Nguyễn Phước và Nguyễn Trung, với một bảng màu đỏ son là chính yếu, rồi ở trong đó là những mảng màu đen, những vệt màu vàng đất, màu nâu, điểm vào những vệt rạn nứt trắng ngà. Cái sâu thẳm của bố cục đã chập chùng với cái sâu thẳm của màu, tất cả đã hợp nhau lại để dẫn chúng ta đến một cảnh giới rất kỳ lạ của cái đẹp, vô cùng, vô tận.
Có lẽ cũng nên biết thêm đôi nét về tiểu sử Hồ Hữu Thủ. Anh tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Gia Định năm 1963, rồi từ năm 1971 đến 75 là giáo sư ở trường này. Năm 1963-l974: bốn lần triển lãm cá nhân. Năm l967-1974: tham dự triển lãm thường niên của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam. Năm 1992: tham dự triển lãm Art & Material 92 ở Gallery mỹ thuật thuộc Bảo Tàng Quốc Gia Singapore cùng năm nay, anh bày tranh ở Asian Masters Gallery BHD (Mã Lai).
– Năm 1993: Tham dự triển lãm New Space của các họa sĩ Việt Nam và Singapore. Với cuộc triển lãm tập thể không gian mới này, Việt Nam có 19 họa sĩ tham dự cùng với 20 họa sĩ Tân Gia Ba.
– Năm 1994, cùng với Nguyễn Lâm, Thọ Văn, và Đào Trọng Lưu, Hồ Hữu Thủ bày tranh ở Trung tâm Văn hóa Espace Jacques Prévert ở thành phố Aulnay-sous-Bois thuộc ngoại thành Paris.
– Cũng vào dịp viếng thăm nước Pháp năm 94, Hồ Hữu Thủ và Nguyễn Lâm đã cùng với các họa sĩ Việt Nam đang sống ở Pháp: Thái Tuấn, Nguyễn Cầm, Lê Tài Điển và Philippe Franchini(nguyên giám đốc Galerie Dolce Vita ở Sàigòn trước 1975) mở cuộc triển lãm tập thể dưới tên gọi chung Gốc Rễ (Racines) ở Galerie Bellint, 28 bis Bd. de Sébas-topol, 7500 Paris, sát cạnh Trung Tâm Văn Hóa G. Pompidou, từ ngày 7 đến 30 tháng 7.1994. Cuộc triển lãm ngày khai mạc cùng lúc với 11 phòng triển lãm khác ở Paris, do các nghệ sĩ đến từ các quốc gia nói tiếng Pháp, trong dịp Liên Hoan Văn Hóa Thể Thao các nước nói tiếng Pháp.
– Một sự kiện nữa cũng đáng lưu ý: Hồ Hữu Thủ là một trong 4 họa sĩ ở Sàigòn (Hồ Hữu Thủ, Trịnh Cung, Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung) và các họa sĩ Hà Nội Đỗ Sơn, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Tư Nghiêm, Đặng Thị Khuê, Nguyễn Quân được tuyển chọn để giới thiệu trong công trình lớn 100 họa sĩ nền tảng của Đông Nam Á (Southeast Asian Art: A New Spirit) do Nhà Bảo Tàng Singapore chủ trương vào năm 1997.
Khuôn mặt cuối cùng của nhóm Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Namđược ghi nhận ở đây là Nguyễn Trung, có lẽ là một trong những họa sĩ có nhiều cá tính, tài năng và trí tuệ bậc nhất của giai đoạn vừa qua.
Vào thời kỳ đầu tiên, Nguyễn Trung cũng đã ít nhiều thử thách với hội họa trừu tượng, thứ trừu tượng lãng mạn, abstraction lyrique, với những đường nét tinh lọc đến cùng cực những chim, nai, đồi cây, hoa, thiếu nữ… ẩn hiện gợn lên trên nền tranh với hòa sắc lạnh, nhưng chỉ vài năm sau thì bỏ hẳn để xây dựng cho mình một thế giới hết sức cá biệt, dầu vẫn bị ràng buộc trong những phạm trù của một thứ nghệ thuật tượng hình.
Khoảng năm 1965-66, ngôn ngữ riêng của Nguyễn Trung đã định hình. Rõ ràng là có nghiên cứu và chịu ảnh hưởng sâu đậm một số nguồn gốc nghệ thuật nào đó, ví dụ là Henri Rousseau và một số tiểu họa phẩm là bích họa Ấn Độ và vùng Trung Cận Đông. Thêm vào đó, Nguyễn Trung giải thích là anh chịu ảnh hưởng tính cách và màu sắc đạm bạc của thủy mặc Trung Hoa và sự khắc khổ của hội họa Đức.(18) Như vậy, thực là dễ hiểu tại sao trong tranh Nguyễn Trung luôn luôn tỏa ra một không khí vô cùng thơ mộng mà pha nhiều chất đắng và khô.
Nguyễn Trung sử dụng nguyên tắc về bóng tối và ánh sáng, một nguyên tắc chủ yếu từ thời nghệ thuật Phục Hưng mà những Leonardo da Vinci, Rembrandt, Raphael, Van Vermeer đã rất chú tâm dụng đến. Ánh sáng tỏa chiếu trên sự vật, bị che lấp gây nên bóng tối, ngay trên từng vật thể, dù rất nhỏ, trên từng hòn sỏi, từng cánh hoa, ngọn lá, hay trên từng đường nhăn của chiếc áo thiếu nữ. Nhưng đó chỉ có vấn đề nguyên tắc về kỹ thuật, cái quan trọng là việc sử dụng kỹ thuật ấy vào trong tranh. Chúng ta đã được tận hưởng một thế giới lấp lánh lạ lùng của Nguyễn Trung, với khuôn mặt thiếu nữ, con cá loang loáng ánh bạc dựng đứng lên, những dụm cát, những đợt sóng, những cồn đá v.v… và v.v… Tất cả đều rất hiện thực mà cũng như rất mơ hồ. Điều ấy có được đều là do thủ pháp ánh sáng và màu sắc xanh xám, xanh lục đạm bạc trong cách nhìn của Nguyễn Trung đưa lại. Đó là một cách nhìn qua nhiều chất mộng ảo, luôn luôn bay bổng lên và rất ít khi bị sự trì trệ kéo xuống.
Hiện nay, sau khi đi qua nhiều thời kỳ, Nguyễn Trung có vẽ như đang muốn trở lại với hội họa trừu tượng.
Hội họa trừu tượng vẫn là một cám dỗ bí mật đối với Nguyễn Trung, hay nói cho đúng hơn, đối với bất kỳ họa sĩ nào của thời đại chúng ta. Trở lại với tranh trừu tượng, Nguyễn Trung có thêm một đóng góp mới của anh, anh đưa ánh sáng vào trong những mảng bố cục trừu tượng, và quả là anh đã tạo ra sức hấp dẫn mới với cách nhìn này. Trong dịp triển lãm năm 1994 ở Sàigòn, với Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Nguyễn Lâm, Nguyễn Phước, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung lại có dịp xác định thêm một lần nữa. “Trong thiên nhiên, ánh sáng là chiếc vương miện vĩ đại, làm tăng thêm vẻ sang trọng, uy nghi của núi rừng hoa cỏ. Trong hội họa, ánh sáng là sức sống của hình và nét, và tự nó cũng là hình nét. Tùy theo to nhỏ, dày mỏng, tùy theo cách sắp đặt, có thể làm cho nó chuyển động, nô đùa trên khung bố.” (19)
Nguyên lý về ánh sáng là một điều không có gì mới, vậy mà vẫn rất mới với hội họa Nguyễn Trung, và rất hiển nhiên, đó là một đóng góp lớn của Nguyễn Trung cho nền mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Chúng tôi vừa phác vẽ trở lại những nét chính yếu về sự hình thành và phát triển của nền nghệ thuật tạo hình Sàigon trước năm 1975. Hai mươi năm Hội Họa Miền Nam l954-l975, đó là một chuyển động liền mạch nhưng có nhiều tính bức phá, cho nên từ Nhóm Sáng Tạo, nền nghệ thuật ấy đã chuyển động mạnh với sự xuất hiện của các khuôn mặt trong nhóm Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam. Có thể nói rằng đó chính là những nghệ sĩ tiền phong đã góp phần xây dựng một tiếng nói tạo hình riêng biệt và mạnh mẽ, tạo nên một vẻ mặt hiện đại cho nền nghệ thuật tạo hình non trẻ của Việt Nam. Chúng ta có thể khẳng định rằng nền nghệ thuật ấy, tuy chỉ ngắn ngủi trong vòng 20 năm, cũng đã thành hình và trở thành một giai đoạn mỹ thuật khá đặc biệt, rất quan trọng trong lịch sử mỹ thuật chung của toàn bộ đất nước.
Quận Cam, California tháng 5-2003
Huỳnh Hữu Ủy
(Khởi Hành số 81, Tháng 7.2003))
CHÚ THÍCH:
(l) (2) Huỳnh Hữu Ủy, “Mấy ấn tượng và kỷ niệm với Nghiêu Đề” trong Mấy Nẻo đường của Nghệ Thuật và Chữ Nghĩa, Văn Nghệ. Calif., 1999, trang 67-68.
(3) Sỹ Trung, “Theo chân ban tổ chức cuộc Triển Lãm Mùa Xuân Kỷ Hợi”, Văn Hữu, Sàigòn, số 1 tháng 6.1959, trang 31.
(4) Vựng tập Triển lãm Mùa Xuân Kỷ Hợi, Văn Hóa Vụ Bộ Thông Tin tổ chức, tại 105 đường Tự Do, Sài gòn (nay là Đồng Khởi), từ ngày 10.3 đến 25.3.1959.
(5) Đoàn Thêm, “Vài nhận xét nhân dịp Triển Lãm Hội Họa Mùa Xuân Kỷ Hợi”, Văn Hữu, số 1, tháng 6-1959, trang 49.
(6) Sau khi đất nước bị chia cắt vào năm 1954, Sài gòn trở thành đầu não văn hóa của miền Nam tự do. Trong khi ấy, Hà Nội là thủ đô của miền Bắc, một trong những thành trì của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Hai chế độ chính trị, với hai chính phủ quản lý hai vùng riêng biệt. Tình hình ấy đã đưa đến hai nền nghệ thuật hoàn toàn khác biệt: nghệ thuật của miền Nam tràn đầy tự do và cá tính sáng tạo, thì ngược lại, nghệ thuật của miền Bắc chỉ là khí cụ của chế độ chính trị, là phương tiện tuyên truyền, tất cả đều bị áp đặt dưới một đường lối chỉ huy thống nhất của nhà nước. Mọi cánh cửa mở ra bên ngoài đều bị đóng lại. Mỹ thuật Hà Nội chỉ còn là một thứ nghệ thuật nghèo nàn, chật chội và đóng kín.
Để hiểu được bản chất tự do và mở rộng với thế giới của nền mỹ thuật Sàigòn sau năm 1954, chúng tôi trích dẫn lại ở đây lời phát biểu của Tổng Thống Diệm vào ngày 3 tháng 7 năm 1956, nhân buổi lễ đặt viên đá xây cất Thư Viện Quốc Gia: “Chúng ta thiết tha với nền Văn-hóa cố-hữu vì nền văn hóa ấy nhìn nhận con người là vạn vật chi linh. Nhưng ta sẽ thiển-cận và nông nổi nếu ta quên rằng giữa năm châu luôn luôn có sự giao hoán. Nước ta đứng vào một vị-trí tiền- phong tại Đông Nam Á, trên ngã tư của nhiều trục giao thông quốc tế, thì tất nhiên sẽ đón được các luống tư tưởng từ bốn phương đưa lại. Trong cuộc sống tinh thần, dân tộc ta cũng phải tiến hóa ăn nhịp với các dân-tộc tiên-tiến trên Thế-giới Tự-do.
Vậy nên, ngoài việc khai thác kho tàng văn-hóa của tiền-nhân, chúng ta còn phải tìm học những văn-hóa các nước ngoài để có thể hấp-thụ những cái hay, làm giàu thêm cho nền văn-hóa dân-tộc và đồng thời góp phần vào việc xây dựng nền văn-hóa chung của nhân-loại” (Dẫn lại trong lời giới thiệu sách Nghệ Thuật Việt Nam Hiện Đại của Nguyễn Văn Phương, do Nha Mỹ-Thuật Học Vụ, Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH ấn hành năm 1962, ở Sàigòn).
Lời phát biểu đó cũng phản ảnh được phần nào bản chất và sách lược về một nền văn hóa tự do. Nền văn hóa miền Nam, mà nghệ thuật tạo hình là một bộ phận trong đó, đã phát triển rất rực rỡ trên nền tảng đó. Và như vậy, thực là dễ hiểu tại sao chỉ trong vòng 20 năm ngắn ngủi, nền mỹ thuật Sàigòn đã có những thành tựu to lớn và rực rỡ vô song.
(7) Giữa Thập niên ’80, Thái Tuấn di cư sang Pháp. Anh có điều kiện thuận lợi để làm việc trở lại với nhiều hứng khởi. Năm 1995-l996, Hội Văn Hóa Nghệ Thuật Việt- Mỹ (VAALA), Tạp Chí Thế Kỷ 21, và các thân hữu của Thái Tuấn đã kết hợp tiến hành Dự Án Thái Tuấn, rất công phu có hơn một năm trời, góp được một nét rất thanh nhã và sinh động vào đời sống văn hoá của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ngoại trừ cuộc triển lãm giới thiệu mỹ thuật Việt Nam do viện Smitsonian tổ chức, đây là một hoạt động tốn nhiều công sức và tâm huyết, chuẩn bị công phu và kỹ lưỡng chưa từng có trong sinh hoạt văn hóa suốt hơn 25 năm qua. Dự án Thái Tuấn thành công rực rỡ với 2 cuộc triển lãm được tổ chức ở Washington D.C., và Quận Cam California, và một Tuyển tập Tranh và Tiểu luận của Thái Tuấn in khá đẹp do Hội VAALA xuất bản. Trong tập sách này, ngoài các tiểu luận của Thái Tuấn, còn có một số bài viết khác của Huỳnh Hữu ủy, Võ Phiến, Nguyễn Đồng, Lê Uyên Phương. Nhắc đến tập tiểu luận và tuyển tập tranh này, chúng ta cũng cần nhớ rằng Thái Tuấn là một nhà viết tiểu luận về hội họa tài hoa và rất sâu sắc. Trên Tạp chí Sáng Tạo, Thái Tuấn đã góp phần kích thích sự phát triển một nền nghệ thuật mới với những bài viết rất mới mẻ. Năm 1967, các bài viết ấy đã được nhà xuất bản Cảo Thơm tập hợp lại và in thành sách CâuChuyện Hội Họa.
Dự án Thái Tuấn được tiến hành cẩn trọng và thành công rực rỡ; sau đó hai năm, một cuộc triển lãm khác của Thái Tuấn được bày tiếp cũng ở Hoa Thịnh Đốn, trong khuôn viên Tòa Đại Sứ Pháp, từ 5.3 đến 3.4.1998. Hầu hết tranh bày trong dịp triển lãm này đều đã được bày trong 2 cuộc triển lãm trước, chỉ thêm có vài tấm vẽ trong hai năm sau này. Nơi bìa Tập Catalogue nhỏ, bức Quả Dưa Đỏ được in lại khá đẹp. Về bức tranh này, Thái Tuấn giải thích: “Bức tranh ấy tôi vẽ xong, mới chợt nhận ra câu chuyện An Tiêm khắc chữ vào quả dưa đỏ thả trôi ra biển như một thông điệp gửi về đất liền, nên đã đặt tên là Quả Dưa Đỏ. Khi vẽ tôi bị quyến rũ bởi đường nét, hình khối của chiếc yếm và cái thắt lưng mà tôi thích nhất trong lối phục sức giản dị của người phụ nữ Việt ở thời kỳ qua. Vẻ đẹp ấy là những gì vẫn còn lại trong cái tầm thước thẩm mỹ rất Việt, mặc dù cái “mốt” đã qua từ lâu như mọi cái mốt”. (Trích thư riêng của Thái Tuấn gửi cho H.H.U, ngày 24.4.1998).
Cũng nhân đây, chúng tôi trích in lại phát biểu của Thái Tuấn trong dịp triển lãm này, như là một vết tích đẹp đẽ đáng ghi nhớ của người nghệ sĩ lão thành vừa đúng 80 tuổi vào dịp triển lãm này (1918-1998). Phát biểu này cũng có thể được xem là một đúc kết của cuộc đời họa sĩ, với hơn nửa thế kỷ hiến mình cho mỹ thuật, đã góp công rất lớn vào sự hình thành và phát triển nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Trong vựng tập triển lãm, phát biểu này chỉ in bản chuyển dịch tiếng Anh. Chúng tôi trích in lại ở đây phác thảo đầu tiên của Thái Tuấn bằng Việt ngữ, viết khi vừa đến Washington, D.C., ngày 2 tháng 3.1998.
Có những lúc ngước lên bầu trời đầy trăng sao, hay có khi nhìn xem đóa hoa nở và cũng đôi lần nghe tiếng chim hót véo von. Tôi đã không tìm được lời giải đáp cho những câu hỏi: Mọi sự vật từ đâu tới? Tại sao tất cả đã gây cho tôi một niềm xúc động vô biên.
May thay, bàn tay tôi chợt nắm lấy cây cọ như người lữ khách cầm chiếc gậy dò dẫm trên quãng đường dài. Nhưng không để tìm kiếm một cái đích, bởi những cái ĐẸP nằm ngay trong mỗi bước đi vô tận. (Thái Tuấn)
(8) Những khuôn mặt trẻ được chú ý đặc biệt trong cuộc triển lãm này: Trịnh Cung với hai bức sơn dầu Trên vùng an nghỉ và Địa đàng ấu thơ (huy chương bạc), Đinh Cường với Ốc đảo và Những người hái hoa ban đêm, Cù Nguyễn với tác phẩm Trăng, Chim và Hoa (huy chương đồng), Âu Như Thuy với Những chó và những người(huy chương bạc), Nguyên Khai với Đường chim bay, Trầm Tích, Hồ Điệp, Orphée và Eurydice, Đỗ Mai Lan vớiChuông gọi, Tôn nữ Kim Phương với 4 tác phẩm: Chân Dung, Hy Vọng, Cô gái ngồi, Đoàn tụ, Hồ Thành Đức với hai bức collage Những vùng Thạch Động và Tóc Trăng, và Nguyễn Quỳnh với Theo hay Chống.
Những khuôn mặt trẻ trung, với sự biểu lộ màu sắc vươn lên mạnh mẽ, nồng nhiệt, quả đã không phụ lòng với sự trông đợi của đất nước. Chỉ vài năm sau, trong một thời gian rất ngắn, họ đã góp phần phát triển và đưa nền nghệ thuật mới của Việt Nam tiến đến những chân trời hiện đại vô cùng rực rỡ.
Trong cuộc triển lãm này, chúng ta cũng cần ghi nhận số hỗ trợ nồng nhiệt của Thái Tuấn, với tư cách chủ tịch hội đồng cuộc triển lãm, đã cổ súy, tán thưởng đặc biệt những tiếng nói tạo hình trẻ trung và táo bạo vừa kể đến bên trên. Đó là một nguồn cổ vũ mạnh mẽ để kích thích các đồng nghiệp trẻ hơn vững tin mà tiến bước.
(9) Nguyễn Quỳnh, “Nhìn Lại Hội Họa Việt Nam Hiện Đại (1930-l975): Một bài học để so sánh và Tìm hiểu”, Hợp Lưu, Calif., số 10 tháng 4 & 5 năm 1993, trang 30.
(10) Nguyễn Quỳnh, Hợp Lưu, đã dẫn, trang 32.
(l1) Trịnh Cung là một họa sĩ lớn của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Từ những năm đầu thập niên 60 cho mãi đến nay, hầu hết tranh của anh đều là những dấu vết rất đặc biệt. Mỗi tác phẩm là ấn chứng của một thời kỳ Suy nghĩ và Sáng tạo. Tranh trừu tượng hiện nay của Trịnh Cung là một bảng hòa sắc rất thơ mộng đến từ phương Đông, bay bổng mà trầm mặc: đó là Sáng tác của một nghệ sĩ có tư duy sâu, gần với sự lập thuyết trong tạo hình.
(12) Đề tài của bài viết này nhằm vào hai mươi năm Hội Họa Miền Nam (1954-1975), tuy nhiên ở đôi nơi chúng tôi cũng mở rộng sự trình bày về những năm sau này.
– Xin xem thêm: Huỳnh Hữu Ủy, “Vẻ ẩn mật trong Hội Họa Đinh Cường”, trong Mấy Nẻo Đường của Nghệ Thuật và Chữ Nghĩa, Văn Nghệ, California 1999; trang 81-88.
(13) Xin xem thêm: Huỳnh Hữu Ủy, “Đôi điều ghi nhận về họa sĩ Nguyễn Phước”, trong Tuyển Tập Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995, Đại Nam, Califomia 1995, trang 1433-1437.
(14) Trích nhận xét của Nguyễn Trung in trong brochure triển lãm của Hội Họa Sĩ Trẻ nhân cuộc trưng bày chung năm 1973 ở phòng tranh Dolce Vita (khách sạn Continental năm 1973 ở Sài gòn).
(15) Trích từ vựng tập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam: Triển lãm Hội Họa và Điêu Khắc, 1969, Goethe Inistitut bảo trợ, bày ở Pháp Văn Đồng Minh Hội, 24 Gia Long, Sàigòn.
(16) In trong vựng tập triển lãm 36 tác phẩm mới của Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Nguyễn Lâm, Nguyễn Phước, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung, Bảo Tàng Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh, Sàigòn 1994.
(17) Vựng tập 36 Tác phẩm mới…, như trên.
(18) Đinh Cường, Họa sĩ Nguyễn Trung với không gian màu xám nâu, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, số 31 ngày 7.9.1986.
(19) In trong vựng tập triển lãm 36 Tác phẩm mới Trịnh Cung, Đổ Quang Em, Nguyễn Lâm, Nguyễn Phước, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung, Bảo Tàng Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh, Sàigòn 1994.
0 Bình luận