Louis Vuitton, khởi đầu của một huyền thoại
Tọa lạc tại khu đất vàng trên đại lộ nổi tiếng thế giới Champs-Elysées, cửa hàng Louis Vuitton là điểm hẹn của mọi du khách khi tới Paris, dù mua hàng, thăm thú toà nhà hay chỉ để chụp ảnh. Sản phẩm của nhà thiết kế thường được bán với giá “trên mây” nhưng luôn được khách hàng mơ ước sở hữu ít nhất một sản phẩm vì chất lượng hay vì phong cách riêng. (Tạp chí phát lần đầu ngày 08/01/2016).
Trước khi nổi tiếng với các bộ sưu tập thời trang, túi xách và đồ trang sức, Louis Vuitton khởi nghiệp là một nhà thuộc da, sản xuất rương, hòm và vali. Bước khởi nghiệp từ năm 1854, sự khéo léo và kinh nghiệm thành thạo của nhà thiết kế đồ da được vinh danh tại triển lãm “Volez, Voguez, Voyagez” từ 04/12/2015 đến 21/02/2016, dưới sự chỉ đạo của Olivier Saillard, Giám đốc Bảo tàng Thời trang (Musée de la Mode – Palais Galliera) và đạo diễn Robert Carsen.
160 năm sự nghiệp của đế chế chữ lồng LV nổi tiếng được trưng bày thành chín chủ đề trong chín gian phòng của Grand Palais (Đại Điện), từ những chuyến du lịch bằng tầu hỏa, một chiếc cầu cảng, tới những đụn cát tượng trưng cho chuyến phiêu lưu khám phá vùng đất mới của các nhà thám hiểm cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Và mỗi chủ đề lại được ông Olivier Saillard trình bày theo trình tự thời gian, sống động hơn nhờ những trang phục và phụ kiện của nhà thiết kế Louis Vuitton thiết kế trong giai đoạn đó còn lưu lại được trong bảo tàng Thời trang.
Bước đầu khởi nghiệp của cậu bé “cứng đầu” Vuitton
Câu chuyện bắt đầu với cuộc phiêu lưu của một cậu bé xuất thân từ vùng núi Jura (vùng Bourgogne-Franche-Comté, đông bắc nước Pháp). Cha cậu là nông dân, còn mẹ cậu làm chủ một cối xay. Một buổi sáng mùa thu năm 1835, cậu bé Louis ở thôn Anchay, năm đó mới hơn 14 tuổi, bỏ nhà tìm đường lên Paris một mình. Không ai biết tại sao cậu bé lại bỏ nhà đi. Một số người cho rằng cậu muốn trốn bà mẹ ghẻ hà khắc. Một số người khác lại kể là cậu không chịu được cảnh hiu quạnh của chốn bốn bề chỉ có rừng, đá và nước.
Sải những bước chân đầy quyết tâm, Louis Vuitton đi dọc các con suối, băng qua các ngôi làng hẻo lánh và để lại phía sau những ngọn núi im lìm của vùng rừng núi Jura. Chặng đường 450 cây số để tới Paris không làm mòn ý chí của cậu, nhất là khi người ta mang dòng họ Vuitton, có nghĩa là “cứng đầu” (tête dure) theo tiếng địa phương franc-comtois nơi cậu xuất thân.
Louis Vuitton đặt chân tới thủ đô Paris chỉ với chiếc ba lô chất đầy tham vọng và kinh nghiệm nghề mộc mà cậu tích góp được khi giúp người cha làm thêm ở xưởng xay của gia đình kiếm thêm chút tiền bù cho xưởng xay không có việc vào mùa đông.
Hai năm đầu tiên ở thủ đô, chàng thanh niên phải làm nhiều công việc vặt để kiếm sống trước khi được nhận vào học việc tại xưởng Romain Maréchal, trên phố Saint-Honoré, vào năm 1837. Công việc chính được giao là đóng hòm, rương bằng gỗ theo yêu cầu để đựng đồ, bảo vệ và vận chuyển.
Louis Vuitton học rất nhanh. Chàng thanh niên vùng Jura biết chọn theo cảm tính những loại gỗ phù hợp nhất, sau đó cậu cắt, tỉa, chỉnh sửa và lắp ráp lại. Tài năng của cậu khiến nữ hoàng Eugénie phải ấn tượng. Từ năm 1852, Louis Vuitton là người duy nhất mà nữ hoàng tin tưởng để giao đóng những chiếc rương chở những chiếc váy phồng sang trọng khi đi nghỉ. Và cũng từ đó, ông nổi tiếng trong giới thượng lưu.
“Sang trọng, tiện ích, sáng tạo”, châm ngôn của Louis Vuiton
Năm 1854, Louis mở cửa hiệu riêng “Louis Vuitton” ở số nhà 4, phố Neuve-des-Capucines, sau 17 năm làm việc cho ngài Maréchal. Từ đó, chàng thanh niên hiểu rằng phải tạo ra được những chiếc rương hiện đại và có chất lượng tốt với ba tiêu chí : sang trọng, tiện tích, sáng tạo.
Ý tưởng độc đáo của ông là sáng tạo ra kiểu rương phẳng và nhẹ, được chia thành nhiều ngăn hay thêm những chiếc ngăn kéo bằng gỗ hồng và không hề cồng kềnh so với những loại rương truyền thống trước đó. Rương của ông có thể chất gọn trên giá để hành lý trong các toa tầu hoả hay cất dưới những chiếc giường nằm trên những con tầu thủy vượt Đại Tây Dương. Óc sáng tạo của Louis Vuitton bay bổng biến những chuyến chu du giờ trở thành một nghệ thuật sống.
Năm 1859, nhãn hiệu Vuitton ngày càng phát triển và nhà sáng lập chuyển xưởng sản xuất với khoảng 20 người thợ sang thành phố Asnières, bên bờ sông Seine, để tiện cho việc chuyên chở đường thủy. Sau đó, cùng với người vợ, họ xây một ngôi nhà ngay bên cạnh mà hiện trở thành bảo tàng Louis Vuitton (trong một con phố sau này được đặt tên ông, “rue Louis-Vuitton”).
Năm 1870, người thợ đóng hòm dũng cảm và bền bỉ mở thêm cửa hiệu thứ hai tại phố Scribe, ngay trước Grande Hôtel và cách không xa nhà hát Opéra nơi du khách nước ngoài giầu có thường lui tới. Cửa hàng mới không bao giờ vắng khách, còn xưởng sản xuất tại Asnières thì làm việc liên tục.
Tại Paris, thương hiệu Louis Vuitton luôn xuất hiện cùng với những trang phục sang trọng giành cho phụ nữ, mà nhà thiết kế là Charles Frederick Worth, người sáng lập ra ngành thời trang cao cấp và là một người bạn của Louis. Nhà nhiếp ảnh Nadar (tên thật là Gaspard-Félix Tournachon) cũng là một người bạn. Louis Vuitton còn quen biết nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thời đó, như các hoạ sĩ trường phái ấn tượng Pissaro, Monnet, Cezanne.
Thương hiệu gắn đi liền với chiến tích trong thế kỷ XIX
Những chiếc rương Louis Vuitton luôn đi kèm với những vinh quang trong suốt thế kỷ XIX được cho là thời kỳ của các nhà khảo cổ và thám hiểm. Đối với những chuyến đi xa, Louis Vuitton thiết kế những mẫu mã có khả năng thích ứng trong mọi điều kiện đặc biệt, như một chiếc rương kín bọc kẽm hay một chiếc rương bằng gỗ long não được gò đồng. Chiếc hòm hay chiếc rương không chỉ đơn thuần là chỗ để cất hành lý tư trang mà là nơi bảo vệ những bộ quần áo bằng vải lanh của nhà thám hiểm khỏi các loại côn trùng trong khu rừng rậm Châu Phi.
Nhà sản xuất nổi tiếng đáp ứng mọi yêu cầu của từng cá nhân, tất cả đều được làm bằng tay. Những chiếc rương có thể biến thành giường xếp hay thư viện, thành hộp đựng kim cương hay hộp đựng trứng cá hồi. Có những chiếc rương bên trong được thiết kế như một tủ quần áo để bảo vệ những chiếc váy phồng sang trọng, những chiếc mũ rộng vành quý phái, chân váy hay áo vét… Hay có những rương được thiết kể thành một quầy bar, một chiếc máy cassette, hộp nữ trang, một bàn làm việc…
Tiểu thuyết gia người Mỹ Ernest Hemingway và nhà văn người Pháp Françoise Sagan rất chuộng chiếc rương-thư viện có “bàn” làm việc, giá sách và máy đánh chữ Underwood bên trong (năm 1932). Diễn viên nổi tiếng Katharine Hepburn tới Paris ngày 19/07/1948 với hành trang là những chiếc rương và vali của Louis Vuitton. Ngoài ra, các thành viên hoàng tộc, các nhà tỉ phú, những ngôi sao hay người thích phiêu lưu du lịch… đều khẳng định “đẳng cấp” với sản phẩm của Louis Vuitton.
Chính từ chiếc rương vừa là giường mà nhà thám hiểm người Pháp gốc Ý Pierre Savorgnan de Brazza đã đàm phán với tộc trưởng Iloo Đệ nhất, người đứng đầu tộc người Tékés, để trao Congo cho nước Pháp, mở đầu giai đoạn thuộc địa của Pháp tại Châu Phi. Cũng trong chuyến đi này, Brazza còn mang theo một chiếc rương-bàn làm việc di động với một ngăn bí mật. Nhà thám hiểm chết ở Dakar (Senegal) trên đường về Pháp vào năm 1905. Chỉ có chiếc rương là về tới nơi.
Vào thời điểm đó, Louis Vuitton đã qua đời được 13 năm. Người con trai Georges, đứng đầu doanh nghiệp, được triệu lên Bộ Thuộc địa để tìm cách phá khóa lấy những bản ghi chép được nhà thám hiểm người Ý cất trong ngăn kéo bí mật. Điều này chứng tỏ những chiếc rương của Louis Vuitton nổi tiếng chắc chắn và an toàn đến mức nào.
Cha truyền con nối
Trong những năm 1870, thương hiệu Vuitton bắt đầu xuất ra nước ngoài. Louis đã truyền lại cho người con trai Georges những kỹ năng, kinh nghiệm và dần dần nhường chỗ cho thế hệ sau. Con cháu nhà Vuitton đều phải trải qua mọi vị trí trong xưởng sản xuất. Georges sống hai năm tại Anh và mở cửa hàng đầu tiên tại Luân Đôn, trên phố Oxford nổi tiếng, vào năm 1885.
Tại Pháp, Louis thiết kế loại túi vải tráng caro nổi tiếng, hoàn toàn không thấm nước, mà ngày nay vẫn “làm mưa làm gió”, với dòng chữ “Bản quyền thương hiệu Louis Vuitton” để tránh hàng giả. Louis Vuitton mất vào năm 1892. Người con trai Georges, được cả gia đình ủng hộ, lên điều hành đế chế Vuitton và tiếp tục gặt hái thành công.
Năm 1896, Georges đã thay thế dòng chữ dài in trên túi với biểu tượng hai chữ cái “LV” lồng vào nhau. Đây được coi là một cuộc cách mạng! Vì lần đầu tiên, một nhà thiết kế lại đặt tên thương hiệu lên sản phẩm. Cũng từ thời điểm này, để tránh bị làm giả, nhà sản xuất luôn tạo ra nhiều họa tiết mới, như chỏm kim cương, những vì sao và hoa… để trang trí cho chiếc túi vải của mình.
Nhà Louis Vuitton trở thành trung tâm thu hút tại Triển lãm Hoàn cầu do Paris tổ chức vào năm 1900, với hơn 48 triệu khách thăm quan. Georges Vuitton phụ trách khu vực “Vật dụng du lịch và đồ da” và đã biến gian hàng thành một vòng đu quay kỳ diệu bày những chiếc vali và những chiếc túi độc đáo nhất, lịch lãm nhất của nhà sản xuất.
Năm 1977, Henry Racamier, một nhà công nghiệp vùng Franche-Comté (quê hương của Louis Vuitton) và là chồng của bà Odile Vuitton (cháu gái của Louis), tiếp quản cơ nghiệp và biến doanh nghiệp gia đình thành một thương hiệu quốc tế sang trọng. Chiếc túi đơn mầu trông có vẻ tẻ nhạt giờ trở thành một biểu tượng nổi tiếng trên toàn thế giới.
Cho tới năm 1989, nhà tỉ phú Bernard Arnault, chủ tập đoàn LVMH, mua lại Louis Vuitton và mở rộng sản phẩm của thương hiệu với những bộ sưu tập quần áo, nước hoa, phụ kiện thời trang… Louis Vuitton nhanh chóng trở thành biểu tượng cho phong cách lịch lãm kiểu Pháp trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Khi nhắc tới Vuitton, dù không phải là tín đồ thời trang, người ta vẫn nghĩ ngay tới nghệ thuật sáng tạo và phong cách “sang trọng” kiểu Pháp. Ông Patrick-Louis Vuitton, là thế hệ thứ năm trong dòng họ và hiện phụ trách các đơn đặt hàng đặc biệt, vẫn liên tục nhận được những yêu cầu “độc” từ những khách hàng giầu có. Ông giải thích :
“Rất đơn giản. Bạn muốn mang một đồ vật nào đó đi cùng, chỉ cần nói cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ làm phần còn lại. Chẳng có gì là không làm được, nhưng tôi từ chối làm quan tài hay rương cho động vật. Đó không phải là nghề của tôi”.
Những “Yêu cầu kỳ lạ nhất” mà ông đã từng làm, là một chiếc rương chứa đàn xtrađivariut, hay cất vòng nạm kim cương, một chiếc hộp để chứa 1.000 điếu xì gà có máy giữ ẩm bên trong, một chiếc hộp để đựng trứng cá hồi, rương đựng búp bê, rương trang điểm kịch Nhật Bản hay hộp đựng iPod (của Karl Lagerfeld).
Với Patrick-Louis Vuitton, mỗi một đồ vật là một thách thức, song mang đầy phong cách riêng. Ông kể lại :
“Cách đây ba năm, một khách hàng Trung Quốc nói với tôi : Tôi muốn có thể xem vô tuyến khắp nơi trên thế giới và uống một tách cà phê với bốn người. Thế là tôi đã làm một chiếc rương bên trong gắn một màn ảnh, một đầu truyền hình vệ tinh, một đầu máy DVD và một máy pha cà phê. Ông ấy chỉ việc mở chiếc rương ra để xem bộ phim yêu thích với bạn bè giữa hoang mạc…”
Chưa bao giờ, nhà Vuitton biết đến hai từ “khủng hoảng”. Xưởng sản xuất tại Asnières-sur-Seine, được Louis mua lại năm 1859, vẫn có 200 nghệ nhân làm việc. Kỹ năng và óc sáng tạo của họ tiếp tục đáp ứng được nhu cầu ngày càng tinh túy và “ngông” của khách hàng giầu có.
Thu Hằng
Nguồn: http://www.rfi.fr/vi/v%C4%83n-h%C3%B3a/20200515-louis-vuitton-kh%E1%BB%9Fi-%C4%91%E1%BA%A7u-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%99t-huy%E1%BB%81n-tho%E1%BA%A1i
0 Bình luận