Microsoft: Người Việt trên mạng trong nhóm hành xử xấu xí nhất thế giới
Hãng công nghệ khổng lồ Microsoft vừa đưa ra một khảo sát cho thấy cư dân mạng Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước có lối hành xử kém văn minh nhất thế giới.
Trong bảng kết quả khảo sát về Chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) năm 2019 do Microsoft vừa công bố nhân ngày Safer Internet Day, Việt Nam đứng thứ 21 trong số 25 quốc gia được khảo sát khi người sử dụng mạng phải đối diện với nhiều rủi ro do những hành vi kém văn minh gây ra.
Báo cáo của Microsoft dựa trên ý kiến của 500 thanh thiếu niên và người trưởng thành (trong độ tuổi từ 13 – 74) tại Việt Nam. Những người này cho biết họ đều từng gặp phải những hành vi được xem là “không đúng mực” trên không gian mạng và những hành vi này diễn ra khá thường xuyên trong thời gian gần đây. 97% nói rằng họ đã bị tổn thương vì những hành vi đó và 83% lo lắng rằng họ sẽ gặp phải những hành vi tương tự một lần nữa.
Giáo sư-Tiến sĩ Trịnh Duy Luân, Viện trưởng Viện Xã hội học ở Hà Nội, nói với VOA rằng ông “không ngạc nhiên” về kết quả báo cáo của Microsoft, mặc dù để đưa ra những nhận định chính xác, thì cần phải xem xét cụ thể phương pháp và các mẫu khảo sát.
“Tôi cho rằng những đánh giá như thế không phải là không có nguyên cớ”, GS-TS. Trịnh Duy Luân nói.
Theo ông, mạng xã hội hiện nay là một lĩnh vực “quá rộng lớn” và “rất nhiều tự do”, trong khi xã hội Việt Nam bao gồm nhiều nhóm khác nhau, mà trong đó, trình độ học vấn, văn hóa khác nhau là một trong những yếu tố dẫn đến những hành vi “kém văn minh” được thể hiện trên không gian mạng.
“Xã hội chúng tôi là một xã hội đang phát triển, đang chuyển đối nên những hiện tượng đấy là dễ hiểu”, GS-TS. Trịnh Duy Luân nhận định.
Theo ông, “Dân trí trong chừng mực nào đó đang tăng dần, nhưng không phải là đạt được mức như ở các xã hội (phát triển) truyền thống lâu đời hơn. Chúng tôi lại chuyển đổi từ một xã hội truyền thống mang tính chất tiểu nông rất nặng nề, hàng ngàn năm, cho nên trong văn hóa ứng xử với những cái mới như vậy thì người Việt Nam trong chừng mực nào đấy còn mới. Và còn có một bộ phận nhất định, họ không hoàn toàn hiểu được quyền và nghĩa vụ để tham gia một cách đúng đắn”.
Từ góc nhìn của một người dùng mạng xã hội tại Việt Nam, nhạc sĩ trẻ Đức Tiến cũng thừa nhận về những hành xử xấu xí của cư dân mạng đã tạo ra “cái cớ” đưa đến kết quả khảo sát của Microsoft.
Đặc biệt, theo anh, những người hay đưa ra ý kiến phản biện hoặc những bài viết phản biện trên mạng luôn là nạn nhân của những hành vi “kém văn minh” này.
“Tất cả những phản biện đó, theo mình, là giá trị của văn minh. Nhưng có một đạo quân mà người ta gọi là ‘dư luận viên’, đạo quân này có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, ngay cả để bảo vệ cho một ca sĩ thôi”.
Nhạc sĩ Đức Tiến kể lại một kinh nghiệm anh từng gặp khi xảy ra vụ mâu thuẫn giữa một ca sĩ và một nhạc sĩ anh quen biết.
“Mình lên (mạng) bảo vệ người nhạc sĩ như một người đàn anh thì bị fan của ca sĩ đó tấn công, thậm chí chửi thề mình. Họ hoàn toàn không phản ứng giống như những bài hát mà thần tượng họ đã hát. Họ sẵn sàng chửi, thậm chí tìm đến nhà đánh, hăm dọa”.
Theo nhạc sĩ Đức Tiến, đội ngũ “dư luận viên hoàn toàn không có khả năng phân tích sự kiện để phản biện với các nhà phản biện” nên đã quay sang sử dụng lối hành xử thiếu văn minh trên.
“Mình cảm thấy tình trạng này giống như được cổ xúy, bởi vì nó nhiều quá và công khai nữa nhưng không có người, không có tổ chức nào ngăn chặn việc này”.
Năm ngoái, trong cuộc thảo luận tại Quốc hội về vấn đề mạng xã hội, Chủ tịch hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân – ông Thuận Hữu – nhận định rằng: “Có lẽ không có nước nào như Việt Nam, mở máy ra thấy chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai”.
Nhà báo kỳ cựu này cho rằng mạng xã hội đang “tác động ghê gớm” đến đời sống của người dân Việt Nam, và “những giá trị đạo đức đang bị lung lay”.
Kể từ khi Việt Nam bắt đầu áp dụng Luật An ninh Mạng vào đầu năm ngoái, đã có nhiều trường hợp người sử dụng mạng bị cơ quan chức năng xử phạt theo luật này. Trong đó, lý do phổ biến được nhà chức trách đưa ra là vì đối tượng “tung tin giả, sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội”.
Theo nhạc sĩ Đức Tiến, Luật An ninh mạng là “quá mới” đối với người dân, và những người bị xử phạt, hay trong trường hợp bản thân anh là bị khóa nick một vài lần vì chia sẻ bài viết, vẫn không hiểu tại sao mình bị phạt.
“Khóa nick cũng là thực thi Luật An ninh mạng vì không muốn mình làm như vậy nữa, nhưng cá nhân mình nghĩ rằng những bài viết đó có gì đâu mà mình lại bị cấm!”
Khi được hỏi liệu bộ luật mới này có góp phần “cải thiện” cách hành xử của người Việt không, GS-TS. Trịnh Duy Luân cho rằng “có thể giúp một phần”.
“Tất nhiên, không kỳ vọng nó giúp được hoàn toàn, triệt để, bởi vì nguyên nhân sâu xa của văn minh là khác. An ninh mạng chủ yếu là cho an ninh nhiều hơn, đặc biệt trước hết là ổn định chính trị. Thứ hai là cho mức độ văn minh, tham gia (mạng xã hội) với tính chất xây dựng”.
Báo cáo của Microsoft cho thấy rủi ro về tình dục và lừa đảo là những nguy cơ phổ biến nhất mà người sử dụng mạng Việt Nam đang phải đối diện.
Trong số những người tham gia khảo sát tại Việt Nam, 49% cho biết họ đều gặp những liên lạc không mong muốn, 41% nhận được những tin nhắn gợi dục không mong muốn, 39% từng nhận được tin lừa đảo, 30% bị quấy rối tình dục trên mạng, 29% bị gạ gẫm tình dục.
Những chủ đề mà người Việt thường hành xử thiếu văn minh trên mạng bao gồm: Các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%).
Trong số 5 quốc gia đứng cuối bảng, Việt Nam xếp trên Nga, Colombia, Peru và Nam Phi.
Năm quốc gia được đánh giá là hành xử trên mạng văn minh nhất theo thứ tự là Anh, Hà Lan, Đức, Malaysia và Mỹ.
Khánh An
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/microsoft-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-tr%C3%AAn-m%E1%BA%A1ng-trong-nh%C3%B3m-h%C3%A0nh-x%E1%BB%AD-x%E1%BA%A5u-x%C3%AD-nh%E1%BA%A5t-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi/5305174.html
Bài Cùng Tác Giả:
- Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, vị trưởng lão uyên bác, viên tịch ở tuổi 81
- Thành Được, ‘kép chánh 100 năm có một’, qua đời ở tuổi 90
- Ke Huy Quan, diễn viên gốc Việt đoạt giải Oscar: ‘Đích thực giấc mơ Mỹ’
- Thẩm Thúy Hằng, huyền thoại điện ảnh Sài Gòn trước 1975, qua đời ở tuổi 83
- Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, cựu tư lệnh Không lực VNCH, tạ thế ở tuổi 92
- Thiền Sư Nhất Hạnh ra đi ‘yên bình’ ở tuổi 95
- Danh ca Lệ Thu qua đời sau thời gian chống chọi với Covid-19
- Ca sỹ Lệ Thu nhiễm Covid, gia đình ‘cầu nguyện và hy vọng’
- Việt Nam dọa đóng cửa Facebook nếu không chịu kiểm duyệt thêm thông tin
- Sông Mekong và hiểm hoạ từ các con đập thượng nguồn của Trung Quốc
- Việt Nam xếp hạng 136/167 về Chỉ số Dân chủ 2019
- Mai Khôi & Những người Bất đồng: Tự do ngôn luận không tự nhiên mà có
- Ô nhiễm ở Việt Nam do ‘sản xuất thiếu kiểm soát’
- AirVisual nói gì về cáo buộc ‘thao túng dữ liệu’ để bán hàng ở Việt Nam?
- Việt Nam đứng đầu thế giới về nguồn tài chính bất hợp pháp
- Lo ngại về nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông
- Việt Nam tố cáo vi phạm của Trung Quốc ở bãi Tư Chính là ‘nghiêm trọng’
- Mekong: Trận ‘hạn hán thế kỷ’ nhìn từ quan điểm hạ lưu
- Việt Nam chính thức nêu tên Trung Quốc ‘vi phạm vùng đặc quyền kinh tế’
- Thực hư chuyện QH Việt Nam ‘không thông qua 2 quy định về uống rượu bia’
- Nhà thờ Bùi Chu và việc bảo tồn di sản kiến trúc tôn giáo
- ‘Bắt nhà báo ở nước ngoài, VN không đếm xỉa tới luật pháp quốc tế’: RSF
- Chính phủ Việt Nam chính thức thua kiện Trịnh Vĩnh Bình tại Tòa án Quốc tế
- ‘Báo cáo Thế giới 2019’ lên án nhân quyền Việt Nam, chỉ trích Mỹ về vấn đề di dân
- CPJ: Việt Nam trong số những nước bỏ tù nhiều nhà báo nhất
- Rút văn bản cấm hoạt động Giáng sinh trong trường học vì ‘nhầm lẫn’
- Tiểu thuyết gia võ hiệp Kim Dung qua đời
0 Bình luận