Đã từ gần bốn năm tôi vẫn ân hận vì chưa trả lời email của ông. Vào khoảng cuối năm 2009 ông gửi cho tôi một email ngắn kêu gọi tôi đóng góp cho blog Nguyễn Xuân Hoàng và bằng hữu trên website VOA. Tôi không hồi đáp, có lẽ lúc đó vướng bận chuyện công việc làm và gia đình, hoặc có lẽ vì tôi ngại, sợ chuyện hứa với ông cho vui miệng rồi không làm được, và vì thế đã giữ im lặng. Anh Phùng Nguyễn, bạn ông, về sau có nói với tôi là ông hơi buồn vì tôi đã “ignore” ông.

Hiện hữu trong cái tảng lờ đáng trách của tôi là một băn khoăn nan giải. Dù đã làm việc trong Ban Biên tập Da màu từ nhiều năm, tôi vẫn bị … áy náy trong cách xưng hô và giao tế qua thư từ với các nhà văn tiền bối –những vị xấp xỉ tuổi đời, hoặc còn “lớn” hơn bố mẹ tôi. Nhiều khi tôi đắn đo chuyện hồi đáp vì thấy nếu gọi người đi trước bằng danh từ thân mật như “anh” và “chị” thì có phần không ổn, còn nếu gọi các vị là “bác, cô, v.v.” và xưng “cháu” thật cũng không xuôi. Đinh Linh, một bạn văn lâu năm của tôi, nói rằng anh thường “gọi mọi người là anh chị hoặc … mày tuốt luốt cho được việc.” Nhưng cuộc sống của tôi là một cái tủ với những ngăn hộp. Cả nước Mỹ là những cái hộp lồng vào nhau, dựa rón rén bên cạnh nhau, hay chèn ép, chênh vênh ngất ngưởng bên trên những cái hộp khác, nhiều hộp bị chôn kín dưới đất và loang lổ đầy rêu như những ngôi mồ. Quật mồ để rồi bị dìm chôn vào một cái mồ tập thể khác là số phận của nhiều nhà văn Mỹ gốc di dân thế hệ tôi. Sự đa hóa không ngừng nghỉ của xã hội Mỹ tuy kích thích tâm trí nhưng cũng dễ làm chúng tôi bị tan loãng. Và cứ như thế chúng tôi cố ngóc đầu bơi ngược dòng. Trái lại, cộng đồng văn chương Việt, tuy ở thời đại toàn cầu hóa, vẫn duy trì không khí xuề xòa của một quán cà-phê nơi cả chủ và khách đều tự túc. Chính vì thế mà tôi ái ngại. Tôi ít khi xưng “em” với các nhà văn đàn ông còn viết tiếng Việt, nhưng cũng ngập ngừng khi xưng “tôi” (hay “chị”) với họ.

Giá tôi đã đọc nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng kỹ hơn vào thời điểm 2009, có lẽ tôi đã không bị chi phối quá nhiều về cung cách xưng hô, xử thế giữa những người viết đồng hương nhưng chênh lệch tuổi tác; có lẽ tôi đã trở nên cởi mở, tự tin hơn: cuộc sống sáng tạo không thể là những cái hộp vuông vắn, mà là những phút giây đặc thù, những bứt mở đột ngột, những tình cờ mỏng manh tuyệt đẹp mà người ta tưởng là phép lạ. Nhưng làm sao tôi có thể cởi mở hay tự tin khi tôi đã mất đi cả một Tháng Tư của thời niên thiếu?

Từng là một giáo sư Triết, chắc hẳn ông bi quan, can đảm hoặc vị tha hơn tôi về thân phận của một con người bị bứt rễ. Tôi không được đọc nhiều văn của ông, nhưng những truyện ngắn của ông, mà truyện tôi thích nhất là “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu” — viết vào tháng 9 năm 1968 và tái bản năm 1998 — đã có một phán đoán rất ngậm ngùi và súc tích cho nỗi băn khoăn của tôi, dường như cũng là nỗi lo sợ của chính ông dành cho mọi đôc giả, mọi đối tượng tương lai/hậu duệ: Bởi vì, giữa tôi và em, chúng ta có bao nhiêu là sông núi, bao nhiêu là hố thẳm, bao nhiêu thung lũng, bao nhiêu biển trời. Có cả sương mù và sấm sét. Có đêm và ngày. Có cả “Khổng tử” và gia phong. Và…

Tôi nghĩ những giòng chữ ông viết ở trên biểu lộ một chấp nhận cay đắng hơn là một tiên đoán cho sự sụp đổ của một thời đại. Vào năm 1968, tuy trận chiến Việt Nam đã bắt đầu khốc liệt, ông không thể ngờ rằng số phận văn chương miền Nam sẽ bị gian nan, dập vùi, hoặc tiếng nói nhà văn miền Nam Việt Nam sẽ bị ngăn trở bởi ngôn ngữ, không gian, thời thế, chính trị. Nhưng tôi nghĩ “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu”chắc chắn không chỉ là một thư tình gửi cho một người con gái tên Vy mà còn gói ghém cả một khối suy tư cho mọi người viết văn “sáng tạo” trong thế hệ ông: “Vy” của ông, V/Vi/y (tiếng Anh) hoặc “Vê” trong tiếng Pháp, chính là văn hóa, văn chương Việt Nam–một vũ trụ phức tạp, tinh vi và dễ méo bẹp như cái hộp chứa con cừu tí hon của chàng hoàng tử bé trong truyện của St. Exupéry. Một người viết văn Việt Nam trong thời loạn thì nên viết những gì, viết cho ai, viết về tình yêu, cái chết, hay viết về thời thế, chính trị, viết làm sao để mình không chỉ là một kẻ tự truyện ngoài cuộc, một kẻ rỗi nhàn “vô tích sự”—quả là bao nhiêu nỗi suy tư bắt đầu bằng chữ V:

Bữa qua có tin từ mặt trận về cho hay chiến trường miền Trung đang hồi ác liệt, một bạn tôi vừa mất xác. Sáng nay trên cao nguyên báo xuống, một người bạn khác nữa của tôi mới vừa tử trận. Những tin tức ấy đã làm tôi chảy nước mắt. Bao nhiêu người ở tuổi tôi đang đối mặt với cái chết, tại sao tôi vẫn ngồi đây yên ổn. Và tại sao tình yêu của chúng ta? Có phải tôi là một người may mắn bất hạnh. May mắn mà sống sót, nhưng bất hạnh thay chưa sống đủ kiếp người.

Có phải là một điều nhảm nhí không khi ta nói đến tình yêu trong một thời đại mà người ta chỉ đề cập đến sự chết. Tôi vẫn nghĩ rằng con người càng đến gần với tình yêu chính là tiến gần đến cái chết. Yêu là chết. Và trước cái chết, người ta bao giờ cũng ham muốn sự sống. Và sự sống là gì nếu không là tình yêu? Ngụy biện quá, phải không?

Trong thời đại của ông, và sau này, ngay trong thời của những nhà văn hải ngoại, văn chương “miệt vườn” về một địa thế, lề thói, văn hóa đặc thù (như tác phẩm Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc) bị một số người coi là lỗi thời, vì nó “kín mít,” không “đột phá,” hoặc không lột trần những tệ nạn của thời đại hỗn tạp. Tuy vậy, trong truyện Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ ở Đâu, ông đã nhẹ nhàng đề cập đến Rừng Mắm như một cách tri ân: “Lúc viết những giòng này cho em, những người thợ sắp chữ vừa vỗ bản in truyện ngắn của tác giả Rừng Mắm đặt trên bàn tôi.” Khái niệm hiện tại của địa thế, không khí, thời gian, “những người thợ sắp chữ vừa vỗ bản in …” là tất cả.  Tương tự, khái niệm hiện tại và đặc thù của bối cảnh cũng được bày tỏ rất rõ trong lời giới thiệu cho Rừng Mắm của chính nhà văn Bình Nguyên Lộc:

Câu truyện trong “Rừng Mắm” chỉ xẩy ra tại miền Nam nước Việt, còn thì không thể xẩy ra ở phần nào khác trong lãnh thổ ta. Miền Nam là đất mới, mà cho đến ngày nay việc khẩn hoang cũng chưa xong. Ðất này lại là đất bùn lầy, nên không giống với việc khẩn hoang các vùng đất khô như trong tỉnh Quảng Ðức chẳng hạn. Bạn đọc gốc miền Bắc khó lòng mà hình dung được lối khẩn hoang này. Miền Trung lại càng khó tưởng tượng đến những gì xẩy ra trong truyện hơn.

Như cái hộp đựng cừu của hoàng tử bé, bây giờ tôi hiểu rằng địa danh không “đóng hộp” tác giả, mà chính là tấm hộ chiếu, là lý lịch giúp ông băng qua những hành tinh lạnh. (Hoàng tử bé nói: “mọi thứ từ hành tinh tôi đều rất nhỏ.”)

Tôi xem sự đề cập về Rừng Mắm ngay đầu truyện “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ ở Đâu” như đầu mối cho cấu trúc văn phong của ông. Chính tựa truyện “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ ở Đâu” là một cái bẫy, một cách áp dụng sự mâu thuẫn của tác giả. Không phải là bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, mà là ngay ở lúc này, ngay ở đây. Văn chương gây ấn tượng là văn chương có thể gây cảm xúc ở bất cứ không gian, ngôn ngữ, hay địa thế nào, nhưng phải được tạo dựng từ một khoảnh khắc riêng tư, đặc thù, hay từ một địa thế, bối cảnh, sự vật cá biệt. Một truyện ngắn khó quên gây ngạc nhiên cho người đọc như một đóa hoa quỳnh nở bừng đêm, là giao điểm giữa phù du và định mệnh, là bây giờ.

Trong “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ ở Đâu,” nhân vật kể rất rõ về thời gian và không gian của ông: mười giờ sáng là lúc ông viết thơ cho người tình tên Vy trong  tòa soạn một tạp chí văn chương trên đường Phạm Ngũ Lão, thành phố Sàigòn “con đường ấy, khá nhiều nhà in, nhà báo, nhà phát hành, chắc em đã biết, là một con đường nhỏ, đầy bụi và nhiều xe.” Khi ông viết về những người thợ sắp chữ “vỗ” bản in đầy mực và nước lên bàn làm việc của nhân vật kể truyện, thì ta cũng biết rằng đây là thời điểm của thập niên 1960, khoảng 20 năm trước khi máy vi tính thay thế công việc typeset trong một nhà in hay tòa báo.

Tiếp theo, tuy rằng nhân vật nói rằng “cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào mường tượng ra nổi nơi ăn chốn ở của em,” độc giả được biết, qua những chi tiết khá tỉ mỉ, là người yêu của ông sống ở Đà lạt, một nơi cũng rất quen thuộc với chính ông: “Thành phố trên cao ấy đã một thời nhìn thấy tôi lớn lên, đã nghe tôi thở, đã thấy tôi yêu, đã chứng kiến những trận đòn thù trên Đồi Cù, đã dí tôi trong quán cà phê Huyền nửa đêm về sáng. Và giờ đây những dấu chân em in trên con đường đất đỏ dưới những cơn mưa tầm tã đang làm tôi thương nhớ em. Cánh cửa sổ từ căn phòng em ở mỗi sáng mở ra có thể nhìn thấy chăng đỉnh núi Langbiang?

Và tên gọi của người yêu trong truyện cũng gợi nét đặc thù, như bông hồng thân thiết của hoàng tử bé, đẹp và đặc biệt trên hết mọi bông hồng khác: “Và em, Vy của tôi, tên em phải viết i ngắn hay y dài? Và tại sao phải là y dài mà không là i ngắn?” Rồi ông thố lộ, “Tôi đang nghĩ đến em, đến hơi thở em, khuôn mặt thần thánh em …. Sẽ buồn biết bao nếu trí tưởng tôi không còn cái khả năng tưởng tượng ấy nữa, cái khả năng khiến cho đời sống tình cảm chúng ta giàu có hơn, màu sắc hơn .…

Văn của Nguyễn Xuân Hoàng nhấn mạnh cái nhớ. Những nhân vật của ông nhớ, nhớ và để ý từng địa danh, từng mẩu đối thoại, ngay cả một vệt bùn trên mũi giày (“Một Người Ngồi Trong Ghế Bành”), để vượt qua mọi vô tình và lãng quên, để làm chậm lại cái Lãng Quên Cuối Cùng, để xua đuổi những trận mưa lúc nào cũng xuất hiện (mưa trong “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ ở Đâu,” trong “Một Người Ngồi Trong Ghế Bành,” trong “Barbara.” Nỗi nhớ trong các tác phẩm của ông không hẳn là nostalgia vì nó luôn luôn ngự trị như một hiện tại chễm chệ, một gia sản bằng xương bằng thịt. Nỗi “may mắn/bất hạnh” vang vọng mãi mãi từ các các địa danh được ông tái dựng, như lời Jacques Prévert nhắc nhở Barbara, với điệp vận dồn dập của phụ âm “r”và “s” rít sâu về cuống họng như chính hơi thở của một người đang hấp hối:

Rappelle-toi Barbara
Il pleuvait sans cesse sur Brest ce jour-là
Et tu marchais souriante
Épanouie ravie ruisselante
Sous la pluie
Rappelle-toi Barbara

Đọc văn của ông tôi phải cẩn thận. Độc giả của ông, như nhân vật trong “Người Ngồi Trong Ghế Bành” phải biết đi bộ qua “những lỗ trũng đầy nước, ổ gà tùm lum, mặt lộ dợn sóng làm chao xe, nhiều bữa đang chạy ngon trớn … bỗng hụp xe một cái, tá hỏa tam tinh, tưởng chết đi được.”[1] Văn phong ông không hẳn là khó hiểu, nhưng chính vẻ “giản dị” của nó lại ơ hờ úp mở những đường hầm sâu hút, tạo ra những nhột nhạt nghi vấn giữa tác giả, văn bản và độc giả. Cái “tưởng chết đi được” chính là sự bấp bênh của ngôn ngữ và ý nghĩa khi bị cắt lìa ra khỏi môi trường văn hóa. Trong tiếng Việt, khi đọc “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu,” tôi cảm thấu được nỗi suy tư của tác giả – ông như một người du hành vượt thời gian, gửi đến cho tôi những băn khoăn của ông về sự phù du của cuộc đời. Lúc đó, ông không tin rằng tình yêu hoặc nghệ thuật là giải đáp hữu hiệu cho chiến tranh hay sự chết.

Tôi hiểu rằng “chết” ở đây có nhiều nghĩa. Không phải chỉ chết vì súng đạn, nhưng chết vì không được ai nghe, ai hiểu mình, chết vì mình đã mất đi ngôn ngữ cảm thông, mất đi cái tình thân thương giữa người với người, mất đi mọi niềm tin. Điều mâu thuẫn ở đây là cho dù tác giả/nhân vật có vẻ nghi vấn khả năng truyền đạt của mình (“Thư từ làm cái gì, chữ nghĩa cũng sẽ chỉ là điều vô ích”) người đọc hình như không có sự nghi vấn đó đối với văn bản. Tôi hiểu, từ phương diện một độc giả Việt, lớn lên ở Mỹ, ở thế kỷ 21 đọc một tác giả miền Nam Việt Nam sáng tác trong tiếng Việt vào thời điểm 1968.  Tuy tôi may mắn vì không phải là nạn nhân của chiến tranh hoặc của chế độ sau 1975, tôi bất hạnh vì chưa bao giờ có dịp sống như một người hoàn toàn Việt Nam. Miền Nam mất, và một phần của tôi cũng mất đi với nó. Nhưng ngôn ngữ Việt vẫn an ủi tôi, vẫn kết nối tôi với quá khứ. Rồi quá khứ trở thành hiện tại. Tôi trở thành người viết thư cho Vy. Vy là Việt Nam ngoài tầm với của tôi. Vy là một Việt Nam của dĩ vãng xong cũng rất thật, rất sống động qua trí trưởng tượng của tôi.

Thế nhưng,  khi tôi dịch truyện “Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu” sang tiếng Anh, hình như khái niệm siêu hình trong nguyên bản đã bị thu hẹp lại. Không hiểu hiện tượng này đã xảy ra bởi sự khiếm khuyết trong khả năng dịch thuật của tôi, hay là vì tiếng Anh quá lô-gích, không uyển chuyển, không  “bóng gió” như tiếng Việt? Hay tôi cũng biến thể, thành một người khác, khi suy nghĩ và phân tích văn bản trong tiếng Anh? Đọc bản dịch tiếng Anh của chính mình (hình như trong tiếng Anh những vấn đề nữ quyền mới xuất hiện, thách thức, chất vấn tôi?), tôi nhận ra sự vị kỷ của người viết thư trong “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu.”  Ông ta là một người từng trải, trí thức và nghệ sĩ, còn Vy của ông thì mới lớn, thua ông nhiều tuổi. Ông nói ông nhớ cô, cô là tình yêu “hâm nóng một trái tim tưởng chừng đã nguội lạnh” của ông. Ông nhớ vẻ đẹp, thân hình của của cô (tôi nghĩ “bờ ngực nặng” trong câu văn tiếng Việt của Nguyễn Xuân Hoàng gợi ra nhiều ý nghĩa phong phú, ngoài nghĩa thiên về tình dục: một bờ ngực không hời hợt, một bờ ngực bao dung, chắc nịch, một bờ ngực biết cáng đáng bão táp, một bờ ngực đang bị thách thức bởi trọng lực ngầm của thời gian?? Nhưng trong tiếng Anh, hình như khái niệm thể xác trở nên lồ lộ hơn, ít chênh vênh hơn, ít cao rộng hơn, khi hờ hững biến thành “ full breasts”? Tôi cố ý không chọn chữ “bosom” tuy chữ này thanh nhã hơn, vì “bosom” là ngực của các bà mẹ, không phải là ngực của người tình, và không hợp với giọng nhân vật đàn ông khi chuyển ngữ qua tiếng Anh – một giọng lịch lãm chán đời rất … Hemingway.

Cuối cùng, lá thư gửi Vy, trong tiếng Anh, cho dù úp mở, vẫn là một lá thư đoạn tuyệt. Tuy người viết thư cố làm dịu cái sốc cho người nhận bằng những lý do mang tầm mức quan trọng: vì ông bị mặc cảm tội lỗi về những người bạn lính không may mắn đã nằm xuống, vì tình yêu trong thời loạn là “điều nhảm nhí,” vì giữa Vy và ông có nhiều khác biệt xã hội, v.v… Tôi nghĩ rằng, từ phương diện của Vy, một người bị khước từ, một cô gái không có giọng nói mà chỉ là đối tượng của người viết thư, tất cả những lý do trên đều chưa đủ.

Bản dịch tiếng Anh làm tôi trắc trở, vì từ một “fan” khi đọc nguyên bản Việt ngữ, bỗng dưng sau khi dịch sang Anh ngữ, tôi trở thành một “nhà phê bình nữ quyền”! Thì ông cũng đã nói rồi, “Bởi vì, giữa tôi và em, chúng ta có bao nhiêu là sông núi, bao nhiêu là hố thẳm, bao nhiêu thung lũng, bao nhiêu biển trời.…” Đối với người di dân, ngôn ngữ thứ hai là bẫy mìn, là du kích, nó chĩa súng vào người đọc, tra khảo y với những yếu tố, giá trị văn hóa hiện hữu ngay trong cấu trúc của nó, phủ nhận, đè nén những tình cảm u uẩn của nguyên bản.  Cách đọc một văn bản, cũng như cách dịch một tác phẩm, trở thành cuộc nội chiến trong tâm trí độc giả/người dịch.

Ông đặt vấn đề hơi khác trong “Barbara,” chú trọng về  khái niệm màu da như hộ tịch hoặc sự cản trở hộ tịch, hơn là ngôn ngữ:

Một người Pháp hay một người Đức, nói chung là một người Âu Châu, khi đến Mỹ họ đã có ngay một mẫu số chung là màu da và màu tóc, là chiều cao và sức nặng, là vóc dáng và tổ tiên trước của họ. Họ chỉ còn có cái trở ngại duy nhứt là ngôn ngữ. Bức tường ấy tuy vậy mà cũng không phải là khó leo. Còn chúng ta, những người Á Châu da vàng mũi tẹt, chiều cao thì khiêm tốn, sức nặng thì nhẹ nhàng, tóc đen nhánh, mắt nâu buồn … Chúng ta xa lạ biết bao với người bản xứ.

Thưa ông, chúng ta vừa xa lạ với người bản xứ và với chính chúng ta nữa. Có sao đâu? Trong trạng thái chia rẽ đồng đều này chúng ta có được sự đoàn tụ. Đồng thời chúng ta cũng tự do như những hòn đảo giữa đại dương. Giữa những thế hệ Việt Nam ở ngoài lãnh thổ Việt Nam vẫn là những hố thẳm. Đó là thân phận của những con người mất nhà.  Điều này đã được ông tiên đoán từ hơn 40 năm trước, và lập lại trong “Barbara,” “Truyện Kể Trên Đồi Cam,” “Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự,” và “Ở Quán Cà phê Starbucks.” Chuyện “mất nhà” có thể xảy ra dưới nhiều hình thức trước và sau, thậm chí rất lâu sau khi biến cố lịch sử đã nhào ập đến—đó là một triệu chứng “rối loạn căng thẳng sau chấn thương” mà người Mỹ gọi là PTSD (Post-Traumatic Stress Disorder).

Nếu “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ ở Đâu” với Đồi Cù, đỉnh Langbiang, công trường Saint Paul hay con đường Phạm Ngũ Lão là thông điệp gửi đến những người tình hay bạn hữu của ông trong thế hệ trước 75, thì “Barbara” là lá thư ông gửi đến thế hệ một ruỡi của chúng tôi. Barbara là biến tấu của “Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ ở Đâu.” Những địa danh đặc thù trong “Barbara” cũng chính là những địa danh trong đời tôi. Con đường Hai Mươi Hai, Hai Mươi Mốt, gần đại lộ Constitution trong Washington D.C. là đường đến sở làm từ hơn 20 năm qua của tôi. Springfield, thuộc tiểu bang Virginia, thành phố mà ông gọi là “Cánh Đồng Mùa Xuân” (nhưng gia đình tôi đã chế diễu gọi là “chợ” Đồng Xuân) chính là nơi tôi đã sinh sống và lớn lên sau khi rời Việt Nam–nơi mà hiện nay người ta gọi là cái “bô” hỗn tạp (mixing bowl) vì nó là chỗ cụng đầu của nhiều xa lộ.

Springfield, thành phố tuổi teen mà tôi chưa một lần chấp nhận, đã và vẫn ngập “cái màu trắng lạnh lùng của ông thần Băng Giá” vào mỗi mùa đông. Qua “Barbara,” ông nhìn rất rõ sự cách trở giữa con người nhiệt đới của tôi với cái không gian quái ác miền Đông Bắc – nơi tôi luôn nguyền rủa vào mỗi tháng Chạp khi băng tuyết làm tôi bị cầm tù nằm nhà đồng thời mất điện, không nước tắm và không sưởi trong căn rừng cao dốc, cho dù tôi đã có vẻ là một phần tử của cái xã hội “Đông Bắc” này:

Buổi sáng thức dậy, trước khi đi làm, em có phải lội tuyết ra sân, áo khoác, khăn quàng cổ, nón len, găng tay và một bình nước sôi đổ vào ổ khóa cửa xe đã bị đóng đá, cho máy nổ và chờ mọi thứ “tan ra,” defrost.

Vâng, vâng, và vâng. Ông nói trúng hết thảy. Tôi ghét mùa đông ở Virginia và lúc nào cũng nghĩ đến miền Tây nước Mỹ, như một bài thơ khác của Jacques Prévert, “L’Accent Grave” (“Dấu Huyền” hay là … “Hướng Mồ” trong cách chơi chữ của Jacques Prévert?)  Être òu ne pas être.  Ở nơi mình không muốn ở. Être ou ne pas être. Có hiện hữu hay không hiện hữu.  Hai câu hỏi khác nhau, chỉ khác bởi một dấu huyền.  Ở mặt khác, đó là hai câu hỏi giống hệt nhau.

Ông viết trong “Barbara,” “Có một nơi chứa đầy mâu thuẫn, đó là trái tim của chúng ta.” Vâng, tôi nghĩ nhận xét này vị tha và dung thứ hơn khynh hướng đóng hộp những vấn đề nan giải: out of sight, out of mind. Là một người viết và đọc giữa/trong hai ngôn ngữ, tôi sẽ nhớ mãi điều này, vì sự mâu thuẫn bao hàm khái niệm bình đẳng giữa nhiều nghịch lý. Sự mâu thuẫn không đầy ải những gì không hợp với nó. Sống với sự mâu thuẫn là sống với lòng nhân, là sống với nỗ lực sáng tạo, với bây giờ. Trong nhận thức này, có lẽ ông “Mỹ” (và “thiện”) hơn tôi chăng?

Tôi nghĩ rằng bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, ông luôn dùng những kẽ hở trong ngôn ngữ, những khoảng trống lấp lửng, để đối thoại với các độc giả của ông, những người của ngã ba đường, những du mục miễn cưỡng, những thế hệ chưa, sắp, và đã quên tháng Tư. Thậm chí, cả những thế hệ chào mừng tháng Tư mà chưa một lần tư lự băn khoăn.

Trong mọi mâu thuẫn, ông luôn là người trung thành với V.

Đinh Từ Bích Thúy

 


[1] “Người Ngồi Trong Ghế Bành,” tr. 461, từ Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta (nxb Sóng: 1973).

Nguồn: https://damau.org/28523/ngay-luc-nay-ngay-o-day

 

0 Bình luận

Bình Luận