Nguyễn Xuân Hoàng: Kỉ niệm và bằng hữu
“Anh bị chứng ung thư có tên gọi là Sarcoma.” Anh bảo tôi vậy.
Hừmmmmm… Trong bộ từ vựng y học cực kì ít ỏi của tôi, tôi chưa bao giờ nghe đến cái thuật ngữ lạ lùng đó. “Sarcoma? Có nguy hiểm lắm không, anh?” Tôi lo lắng hỏi lại anh, hi vọng một câu trả lời nhẹ bẫng như câu chuyện đùa kèm theo tràng cười sảng khoái rất Nguyễn Xuân Hoàng. Nhưng anh đã không cười.
Tháng bảy tôi lên San José thăm anh. Hai anh em cùng hai người bạn khác rủ nhau ra ăn cơm trưa tại một tiệm ăn Ý gần nhà anh vùng Milpitas. Tháng bảy San José dịu ngọt êm ái, những ngọn đồi cỏ xanh hoa dại vàng chưa cháy nắng hè vẫn phơi phới giao hoà với màu xanh của nền trời, màu trắng của mây trong khúc giao hưởng màu sắc tuyệt đẹp của thiên nhiên. Chúng tôi vào lúc đã xế trưa nên quán không đông người. Câu chuyện xoay quanh kỉ niệm và văn chương. Bao giờ cũng là văn chương. Anh Hoàng rất vui, và có lẽ nhờ vui nên trưa hôm đó anh ăn được. Cái thuật ngữ y học đáng ghét Sarcoma hình như không ai buồn nhắc đến.
The rest of the story is now history.
Tôi gặp lại “thầy Hoàng” khi anh mới từ Virginia về định cư ở quận Cam. Tôi gọi là “thầy” vì năm lớp 12, anh là giáo sư dạy môn Triết trong lớp tôi học. Anh không nhớ tôi là học trò cũ của anh—làm sao thầy giáo nhớ mặt nhớ tên hết học trò của mình, nhất là anh học trò đó chẳng có gì đặc biệt, xuất sắc—anh bảo tôi đừng gọi anh bằng thầy nữa mà cứ anh em cho gọn.
Bọn học trò chúng tôi thuở ấy ngưỡng mộ anh lắm. Anh có dáng dấp một trí thức… Tây. Anh đã là nhà văn nổi tiếng trong văn giới và quần chúng, lại là một giáo sư Triết, đi dạy học chạy chiếc Lambretta màu trắng trông thật hào hoa, phong nhã. Trời, bọn tôi nghĩ chắc anh “đắt đào” lắm và thằng nào cũng mơ tưởng có ngày trở thành nhà văn kiêm giáo sư như anh. Chỉ để có nhiều đào. Chẳng cần biết trong bọn có thằng ma nào biết văn chương viết lách là cái gì, và những khuôn mặt ngố ngác như mán rừng ấy thì làm sao mà “đắt đào” cho được.
Bọn chúng tôi có bốn thằng nhất quỷ nhì ma. Mạnh là thằng ngổ ngáo nhất trong bọn. Một hôm nó bày ra một trò hư đốn nho nhỏ nhưng suýt nữa đã thay đổi vận mệnh đời tôi.
Buổi sáng hôm ấy, hai giờ đầu là lớp Triết của thầy Hoàng. Lớp học hình như có không khí khang khác mọi ngày. Gần đến giờ chuông báo hiệu vào lớp rồi mà chung quanh bàn giáo sư lũ học trò vẫn xúm xít bu quanh, hình như chúng nó đang tranh nhau đọc một tờ giấy hay một lá thư gì đó. Đứa nào đọc xong, đi xuống bàn miệng đều nở nụ cười bí mật, hai mắt tinh quái như đang ngấm ngầm dự mưu vào một biến cố ghê gớm trọng đại nào. Sau tiếng chuông reng báo hiệu, thầy Hoàng đi vào lớp, vẫn cái dáng cao cao lịch lãm, tướng đi hơi điệu điệu. Chưa kịp ngồi vào bàn giáo sư mắt thầy chạm ngay lá thư nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Thầy liếc mắt vào đọc sơ và chúng tôi không ai bảo ai tiếng cười bỗng vỡ ùa như muốn giật sập cả ngôi trường Trung học. Chúng tôi cười như nắc nẻ, cười điên dại, cười lắc lư cả người trong lúc thầy vo tròn mảnh giấy đoạn ném vào sọt rác với nụ cười rất Nguyễn Xuân Hoàng:
“Tụi bay thiiiiiệt . . .”
Câu chuyện tưởng chỉ có thế nhưng không biết đứa xấu mồm xấu miệng nào trong lớp lén lên thưa văn phòng Tổng Giám thị và ngay trưa hôm đó cả bốn đứa chúng tôi bị ông giám thị già xuống điểm mặt rồi thất thểu đi theo ông lên nghe thầy Tổng Giám thị xỉ vả cho một trận nên thân.
Đó là một lá thư dài tả cảnh tả tình lâm li kì hận lắm viết bằng mực tím, nét chữ con gái mềm mại, do thằng Mạnh đạo biên đạo diễn với nội dung đại khái như: “Anh Hoàng ơi, em đã có thai được ba tháng, anh phải về gấp lo cho em, nếu không ba em sẽ làm lớn chuyện và sẽ đi thưa anh về tội dụ dỗ gái vị thành niên . . .”
Bốn thằng đều bị kỉ luật và học bạ thằng nào cũng có con dấu đỏ loét trông phát khiếp. Bố tôi đã phải vất vả chạy chọt hối lộ thầy Tổng Giám thị đôi ba phen mới thoát. Nếu không thì cuối năm đó làm sao tôi đi du học được và cuộc đời tôi chắc đã đi vào ngõ quành khác.
Tôi kể chuyện ấy cho anh Nguyễn Xuân Hoàng nghe lúc chúng tôi đã ăn xong và đang thưởng thức tách cà phê Ý. Anh cười ngất. Nhưng anh bảo lưng anh bắt đầu đau lại. Chúng tôi đứng lên, ra ngoài chụp vài bức ảnh đoạn tôi đưa anh về. Chia tay.
Tôi bảo anh tháng tám tôi lại lên thăm anh, mình lại đi cà phê, anh nhé, như cái hôm mùa đông ở Paris đó, anh nhớ không. Anh bảo anh nhớ chứ, và biết bao buổi cà phê khác. Kỉ niệm và bằng hữu. Ôi, sao dịu ngọt.
Anh dặn tôi lái xe cẩn thận. Khúc đường vào nhà anh có một ngã tư rất nguy hiểm, “lái xe dễ xảy ra tai nạn lắm, em cẩn thận.” Tôi vâng dạ rồi quay đầu xe lái đi. Vâng, khi đến cái ngã tư đó em sẽ chậm xe lại, nhìn trái nhìn phải không thấy xe mới dám phóng đi. Chuyện đó tương đối dễ. Nhưng còn cuộc sống này thì sao hở anh? Cuộc sống là mong manh, đầy bất trắc, cẩn thận nhìn phải nhìn trái, nhìn trước nhìn sau, nhìn lên nhìn xuống, nhưng làm sao em biết được chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai?
Trịnh Y Thư
Nguồn: https://damau.org/28541/nguyen-xuan-honag-ki-niem-va-bang-huu
0 Bình luận