Nguyễn Xuân Hoàng – Người Đi Trên Mây
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng có những tác phẩm xuất bản trước 1975. Ở ngoài nước, ông viết thêm bốn tác phẩm khác, gồm bộ “Người Đi Trên Mây”, hai tập: tập I – Người Đi Trên Mây, tập II – Bụi và Rác, cùng tiểu thuyết Sa Mạc và tập truyện Căn Nhà Ngói Đỏ. Trong những tác phẩm viết sau 1975, theo tôi, bộ Người Đi Trên Mây có thể xem là tác phẩm tiêu biểu của ông. Vì thế bài viết này phần lớn sẽ dựa vào đó để rọi sáng phần nào văn chương của Nguyễn Xuân Hoàng trong giai đoạn ở ngoài nước, dù rằng tài liệu trong những tác phẩm khác có được đề cập đến, nhưng mục đích cũng chỉ nhằm làm sáng tỏ những vấn đề thuộc về văn chương trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Hoàng.
Người Đi Trên Mây (NĐTM) bắt đầu những năm 70 ở Sài Gòn. Nhân vật chính, Trần Lâm Thăng, người quen biết nhiều với giới văn nghệ sĩ thời đó. Thăng có cơ hội tiếp xúc với một khuôn mặt chính trị sáng giá lúc bấy giờ, cũng như một sự đam mê quyền lực tột cùng, ông Phan. Cũng có lúc Thăng nằm trong gọng kìm tiền bạc của ông Lý, mà chỉ cần một cái gật đầu, Thăng sẽ có tất cả. Thăng có cái cơ may trong đời: lúc nào đàn bà đẹp cũng ở bên cạnh anh. Từ Lan – con gái ông Lý; đến Uyên – con gái ông Phan; cho đến Quỳnh, rất quyến rũ, người đã dám bước trên những mũi nhọn của dư luận mà sống chung với Thăng giữa một Sài Gòn đầy rẫy những dị nghị, những tin đồn, và dĩ nhiên không phải không ít lần ác ý. Trong những ngày tháng chuẩn bị chờ ra tòa ly dị với Lan, Thăng bước vào biệt thự của ông Phan để tránh những sức mạnh vô hình bắn ra từ phía Lan và ông Lý. Tù túng và ngột ngạt trong một không gian thừa mứa mọi thứ cùng sự chăm sóc quá ân cần và chu đáo của bà Phan và cô Uyên, Thăng dứt khoát bước ra khỏi ngôi biệt thự này và chung sống với Quỳnh sau đó, ở một khu thuộc loại tồi tàn của thành phố.
Bụi và Rác (BvR) tiếp theo những ngày cuối tháng tư 1975, khi thành phố hỗn loạn trước cơn lốc đổi thay của lịch sử. Thăng và Quỳnh, như bao người khác, chứng kiến những cảnh đổi đời, không những của riêng mình, mà của cả một thành phố hơn bốn triệu dân lúc bấy giờ. Người khác gọi đây là một cuộc cách mạng, nhưng chính cái tên gọi này làm cho một người, với những kinh điển triết Tây, như Thăng, phân vân. Cách mạng? “Cách mạng có phải là giật ngôi nhà của người này, đuổi họ ra đường để cho một tay tự xưng là từng đổ máu xương cho chủ nghĩa dọn vào. Cách mạng có phải là làm trống trải những căn nhà – kể cả những căn nhà không còn có gì để làm trống trải thêm nữa – để làm đầy những căn nhà khác. Cách mạng có phải là hạ thấp mức sống của một xã hội đang không cao gì cho lắm xuống cho bằng một xã hội mà cuộc sống đã bị ngưng đọng suốt hai mươi năm?” (BvR, trang 207). Giữa đất trời lồng lộng, Thăng chỉ thấy “một bầu không khí đầy những “hơi gió” nghi ngờ.” (BvR, trang 66). Thậm chí, anh chỉ thấy mình như bụi giữa những đống rác hay rác giữa cuộc đời đầy bụi bặm. Không thể sống với cái đổi thay mà người ta gọi là “cách mạng”; không thể hòa nhập vào cái không khí đầy “nghi ngờ” ám chướng bao trùm cả đất nước, Thăng tìm mọi cách ra đi như bao người khác. Sau lần bị bắt ở miền Tây, về lại Sài Gòn, Thăng thấy cửa nhà trống rỗng, biết Quỳnh đã ôm con lao ra biển đông tìm anh, Thăng hết chỗ dựa, sống như một bóng ma, vất vưỡng, nhưng lòng luôn phập phồng cho những dự định ra đi.
***
Nguyễn Xuân Hoàng dựng tiểu thuyết bằng những nhân vật thật ngoài cuộc đời, những người chung quanh ông, bạn bè ông và những người thân của họ. Bằng lối hư cấu từ chất liệu thật này, nhà văn dễ dàng “thấy” được mặt mạnh, yếu cùng những nét đặc thù của từng nhân vật. Nhờ thế, những trang chữ của Nguyễn Xuân Hoàng lôi cuốn bởi những chất liệu sống ngoài đời và cùng những hư cấu rất lý thú về đời sống của họ. Dười ngòi bút của ông, mỗi nhân vật có một vị trí, một chỗ đứng riêng trong tiểu thuyết. Họ như những mắc xích nối liền nhau, mà ở đó, nếu thiếu bóng họ, bức tranh tổng thể sẽ khiếm khuyết và cái điều ông muốn nói đến, dù đẹp, vẫn không thể trọn vẹn.
Người đọc dễ dàng nhận ra những nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng. Những Ký, Lộc mà ông nhắc đến rãi rác trong truyện chính là Tạ Ký, Lê Tấn Lộc ngoài cuộc đời. Khô Khốc Thiền Sư mang nhiều nét của Huỳnh Phan Anh. Vinh, dĩ nhiên là Ngô Thế Vinh với vụ hầu tòa truyện ngắn “Mặt Trận Ở Sài Gòn”. Nhật cũng mang máu thịt, những phần đời của Phan Nhật Nam. Đình, ắt hẳn ít nhiều dính dáng đến Nguyễn Đình Toàn. Nhơn, cũng là Hà Thúc Nhơn, ngoài một trái tim của một thầy thuốc còn là một chiến sĩ xã hội, một mũi tên trong phong trào chống tham nhũng, đã chọn một thế đứng, chọn một cách ngã, giữa quân y viện Nguyễn Huệ, Nha Trang v.v… Có một nhân vật được Nguyễn Xuân Hoàng nhắc đến rất nhiều lần, trong nhiều chương sách, từ Người Đi Trên Mây đến Bụi và Rác, chính là nhạc sĩ Nguyễn Giang, với nhạc phẩm Nối Vòng Tay Lớn được loan đi trên đài phát thanh Sài Gòn vào lúc giao thời của tháng tư, 1975. Dĩ nhiên ai cũng hiểu ông dựng hình ảnh Nguyễn Giang từ người nhạc sĩ nào ngoài đời.
Những người mà Thăng quen biết, phần lớn đều là những văn nghệ sĩ của miền Nam, được khá nhiều người biết đến. Tuy vậy, có một người mà anh tình cờ quen được sau năm 1975, một nhà thơ sống và lớn lên từ miền Bắc, một nhà viết kịch mà tên tuổi của anh không xa lạ gì với mọi người trong nước sau 1975, nhất là những năm cuối thập niên 80. Người đó chính là Vũ, Lâm Quốc Vũ. Thực ra, Lâm Quốc Vũ trong tiểu thuyết cũng chính là Lưu Quang Vũ ngoài đời, mà những vở kịch của ông đã là những ngọn gió đầu mùa, làm chính quyền đương thời rất e dè. Sau đó, ông cùng gia đình mất đi trong một tai nạn giao thông đầy nghi vấn. Nhưng đó là chuyện sau này, không dính dáng đến Vũ rất nhạy bén và phóng khoáng của Bụi và Rác ở những năm đầu sau 1975.
***
Điểm nổi bật đầu tiên ở tiểu thuyết Nguyễn Xuân Hoàng: cung cách xây dựng nhân vật khá đặc biệt. Ông không nói nhiều về nhân vật của mình. Những dòng chữ ngắn đủ làm độc giả “bắt” được ngay hình ảnh và nhân cách một con người. Xin được trích dẫn ở đây hình ảnh một vài nhân vật để thấy rõ hơn điều này.
Ông Phan, một người đam mê quyền lực:
“Tôi thấy cằm ông Phan bạnh ra, hai hàm răng nghiến lại, đôi mắt nhỏ dưới chiếc kính lão nheo lại và thỉnh thoảng sáng lên một thứ ánh sáng kỳ lạ. (…)
Ông đặt ống nói xuống. Hai tay xoa vào nhau. Ông cắn một hớp rượu. Các thớ thịt ở gò má ông cuộn lại. Tôi có cảm tưởng ông đang có một quyết định quan trọng trong đầu.(…)
Ông Phan bắt tay tôi. Cái bắt tay chặt chẽ thân mật, nhưng những ngón tay mập và nhão của ông vẫn không làm tôi bớt ghê sợ.” (NĐTM, trang 23-24)
Hiếm nhà văn dùng chữ “cắn một hớp rượu” như Nguyễn Xuân Hoàng. Diễn tả như vậy đủ để chở một toan tính lớn giữa những thay đổi dồn dập của thời cuộc và qua đó, người đọc có thể hình dung một cách khá rõ ràng về một “chính khách” lúc bấy giờ.
Ở hình ảnh của ông Lý, chỉ bằng một câu thôi, Nguyễn Xuân Hoàng cho người đọc thấy một sức mạnh ghê gớm của một nhân vật đại diện về tài chánh ở miền Nam Việt Nam:
“không có cánh cửa nào của chính quyền còn được coi là kiên cố dưới sức gõ của bàn tay ông” (NĐTM, trang 118)
Lan, người vợ cũ của Thăng, một người chỉ biết có tiền và tiền:
“…người đàn bà lớn lên trong một gia đình mà đồng tiền ngự trị trên tất cả, đã có lần nói với tôi rằng nếu phải đổi tất cả danh dự và phẩm giá con người để có được trong tay cái tài sản trở thành người giàu nhất Saigon, cô ta sẽ không do dự đặt danh giá dưới gót chân mình.” (NĐTM, trang 53)
Mười Tân, một kẻ say sưa với chủ nghĩa Cộng Sản, với “hai con mắt luôn nhấp nháy, thỉnh thoảng giật giật như bị kích thích” và “những ngón tay lúc nào cũng gõ gõ trên mặt bàn”, đã từng nói oang oang: “Đảng luôn luôn là chân lý chỉ có những con người bất toàn mới sai thôi.” (BvR, trang 188)
Về nhạc sĩ Nguyễn Giang, NXH đã viết:
“Giang nói mặc dù âm nhạc của anh luôn luôn được quần chúng ưa thích, nhưng Mười Tân đã có lúc cho người gọi anh đến và nói rằng âm nhạc của anh chẳng qua chỉ là một thứ “nhân đạo chủ nghĩa”. Đó là một loại hình văn học “kết án chiến tranh mà không cần phân biệt loại chiến tranh nào, kết án bạo lực mà không cần hiểu xuất xứ, tính chất mục đích của mỗi bạo lực.”
“Âm nhạc của anh”, Mười Tân nói, “có chứa đựng những lời than thở phản chiến nhưng nó cũng làm đảo lộn mọi thứ, nó lẫn lộn trắng đen, trung và nịnh, yêu nước và cướp nước. Coi chừng âm nhạc của anh cũng là một hình thức tiếp tay cho bọn phản loạn.” Nguyễn Giang rùng mình khi nhắc lại chuyện trên. Lúc đó tôi nhìn thấy hai bàn tay Giang run giật như người mắc kinh phong (…). Có lúc Giang thở ra, “Tôi như đứa trẻ tìm nơi nương tựa mà sao vẫn cứ lạc loài … Đừng tin tôi nhé, vì tiếng cười.” Đó là những lúc tôi thấy khuôn mặt Giang vốn đã nhỏ và nhô xương, hai con mắt sâu núp dưới đôi kính trắng, tối sầm lại.” (BvR, trang 130-131)
Không bao nhiêu con chữ nhưng làm nổi bật được hai điều.
Thứ nhất, hình ảnh bên ngoài và đáy sâu tâm tư của người nhạc sĩ rõ mồn một. Hai bàn tay run giật như người mắc kinh phong là một hình ảnh động. Cái động tìm thấy từ một người nghệ sĩ trầm lặng. Cái động đã bứt ra khỏi con tim, làm đôi bàn tay run bần bật, chính là dấu hiệu của một sự kinh sợ, ghê hồn. Người nghệ sĩ vào đời, cho đời bằng trái tim, nhìn đời bằng đôi mắt. Trái tim đã giật thót. Đôi mắt đã tối xầm. Chỉ còn lại xác thân, gởi nhờ cõi tạm, mà lòng lúc nào cũng phập phồng, hoang mang.
Thứ hai, tất cả những phản ứng bên ngoài nối tiếp nhau của người nhạc sĩ cho thấy một sức mạnh ghê gớm đang diễn ra bên trong: quyền sinh, sát của những “con người mới” đáng ghê rợn, mà điển hình là Mười Tân. Dùng hình ảnh này để tạo nên sự liên tưởng khác là một trong những điểm đặc thù của Nguyễn Xuân Hoàng.
Nhưng quan trọng hơn và nổi bật hơn tất cả những nhân vật khác, chính là: Trần Lâm Thăng. Thăng học triết, rồi dạy triết. Mớ triết lý mà Thăng thâu lượm được từ trường lớp là thứ triết lý kinh điển Tây Phương. Chính những thứ triết Tây còn lợn cợn trong dòng suy nghĩ, nên Thăng chỉ là một kẻ: sống lông bông, lêu bêu; không quyết định dứt khoát, không lập trường rõ ràng. Trong lúc mọi người lo cho cuộc sống hiện tại thì Thăng trôi giữa cuộc đời vô phương hướng. Trong khi người khác đạp chân xuống đất để sống, thì Thăng bước những bước vô hồn trên mây.
***
Xã hội miền Nam vào những năm 70 là một xã hội mang đầy sắc thái của chiến tranh. Chiến tranh không xảy ra ngay tại Sài Gòn, nhưng chiến tranh có thể “chen vào làn môi của những cặp tình nhân”. Tiếng súng không vọng về thành phố, nhưng hàng hàng lớp lớp thanh niên giã từ người thân, ra trận. Trong rừng người này, có biết bao bạn bè của Thăng, những người như Vinh, như Nhật. Một Vinh, vừa mang trên mình trái tim của người thầy thuốc, vừa mang một tấm lòng nhiệt huyết của một chiến sĩ xã hội vào đời. Một người mang ba lô dẫm nát núi rừng nhưng lúc nào cũng canh cánh trong lòng: mặt trận lớn nhất vẫn là “Mặt trận ở Sài Gòn”. Một Nhật, người mũ đỏ với hào khí bừng bừng, sẵn sàng chịu đựng mọi nghịch cảnh chung quanh, cùng đồng đội “dựa lưng nỗi chết”, mở bừng con mắt vẫn thấy chập choạng “tù binh và hòa bình”, rong ruỗi “dọc đường số một”, mà nghe từng tấc lòng quặn thắc. Tuổi trẻ thời loạn ly với một ý thức rõ ràng về cuộc sống, về chính trị là thế. Còn Thăng? Thuở mới bước vào đời, Thăng hạnh phúc bên Lan. Khi gia đình lộn xộn và chờ đợi thủ tục ly dị với Lan, Thăng bám vào ông Phan để tránh những áp lực vô hình từ phía ông Lý, để có dịp nghe những phần thân thể rung động bên Uyên. Khi quá ngột ngạt với gia đình bà Phan, anh bám víu vào Quỳnh. Khi Quỳnh ôm con lao vào biển, Thăng như một kẻ mất hồn.
Trong suốt bộ tiểu thuyết, Thăng chỉ hừng hực nhựa sống trước thân thể phụ nữ. Thăng chỉ tỉnh táo trước mùi hương phấn quyến rũ của đàn bà. Thăng sống bám vào người khác, như một thứ dây leo. Không có người khác, anh chênh vênh bên này, nghiêng ngã bên kia. Vì thế, người đời nhìn Thăng như một thứ người không bình thường. Thậm chí, ngay cả Thăng, anh cũng từng tự nhận mình là một thứ bóng ma lởn quởn giữa đời thường:“Có lần Mười Tân nói thứ người như tôi giống như bóng ma chập chờn trong một nghĩa trang những đêm tháng bảy. Cái bóng ma ấy chẳng làm hại được ai, nhưng chắc chắn xã hội không cần. Ông ta nói đúng.” (BvR, trang 173)
Thứ người nhếch nhác như anh, chỉ “như một thứ cây mọc ven sông, nhìn giòng nước chảy miết, liên tu hồ tận”, chẳng làm được cái “giải” gì cho những đứa con của chính mình, huống hồ gì là người thân, là cuộc đời.
Và không ai hiểu mình bằng chính mình:
“Tôi biết tôi là một tên lười biếng.
Tôi chỉ đọc những gì liên hệ đến công việc tôi đang làm, chỉ ăn những thức ăn đã dọn sẵn lên bàn, chỉ trò chuyện với những ai đụng vào trái tim tôi, chỉ yêu những ai can đảm yêu tôi. Tôi không biết sục sạo, bươi móc như con gà tìm kiếm chút hạt gạo thừa ngoài sân.
Tôi là tên đàn ông thụ động trong tận cùng xương tủy.” (NĐTM, trang 70)
Với một lối sống như vậy, dĩ nhiên người đời, ngoài bạn bè anh, hầu như người người đều nhìn anh mà ngán ngẫm. Không chán sao được, khi chính anh cũng chán lấy bản mặt của mình mỗi khi soi gương. “Đừng tưởng tôi không chán tôi. Tôi chán tôi như người ta vẫn thường chán những thức ăn thừa phải hâm đi hâm lại mãi nhiều lần trong nhiều ngày.” (NĐTM, trang 70)
Dưới mắt người thường, Thăng là một kẻ không bình thường. Bởi người bình thường, nếu không có những toan tính xa, thì cũng phải có những lo lắng gần. Nhưng với Thăng, tuyệt nhiên là không. Thăng bảo: “Hiện tại tôi sống chưa xong, chưa hết, việc gì tôi tìm kiếm tương lai.” (BvR, trang 144). Vì thế, người đương thời với anh, khó lòng chấp nhận. Người đọc sau này cũng dễ dàng bực mình vì cá tính hợm hĩnh của anh. Nhưng Thăng là ai? Hãy nghe anh tự khai một phần tiểu sử của mình.
“Tôi là người đàn ông lang bang, lêu bêu. Tôi đang là cái tôi cách đây mười năm khi mới vừa tốt nghiệp ra trường. (…) Tôi đang bắt đầu từ âm số. Dưới con số không nhiều bậc kia. Tôi đã bị trừ đi cái mười năm của tuổi trẻ phung phí vào một người đàn bà gian trá. Tôi đã bị trừ đi cái mười năm của một sự trống trơn về tai tiếng. Tôi đang bắt đầu từ những âm số của nợ nần, của những lời thị phi, của nụ cười đã tắt, niềm vui đã chết, hi vọng đã tan hoang.” (NĐTM, trang 70 – 71)
Đó là Thăng, là cái tôi, trong truyện. Từ tiểu thuyết nhìn ra cuộc đời, bóng dáng Thăng lẩn quẩn, chập chờn. Hình ảnh của Thăng thời nào cũng có, xã hội nào cũng tồn tại, nhất là một xã hội xô bồ trong chiến tranh như miền Nam trước 1975. Thăng không còn là hình ảnh của một nhân vật, mà là hình ảnh của cả một lớp người sống trong các thành phố lớn của miền Nam. Lớp người này được trang bị bằng một thứ cá nhân chủ nghĩa, thờ phụng cái tôi học được từ những mớ triết lý chưa tiêu hóa hết từ phương Tây. Lớp người này coi chuyện nóng hổi thời sự là chuyện của người khác; xem chuyện binh lửa đốt cháy quê hương một cách dửng dưng; thấy cái đau của đồng bào vẫn bình chân như vại. Họ là ai? Là những kẻ đi trên mây!
Song song với lối sống và cá tính “chẳng ra con giáp nào cả” của Thăng, Nguyễn Xuân Hoàng còn dựng nên một khía cạnh khác trong cuộc sống của Thăng, đó là sự tỉnh táo. Tỉnh táo đến độ ngay cả trong những giây phút choáng ngợp khi đối diện người bên cạnh, dù họ là đại diện của cái đẹp đầy quyến rũ hay họ là trọng tâm của quyền lực. Hầu như ở mọi hoàn cảnh, Thăng nhận xét từng đường nét biến chuyển bên ngoài và đánh giá họ bên trong một cách sâu sắc. Anh quan sát người khác một cách hết sức tinh tường, như một cái máy quét, xuyên qua một lần là thu gọn hình ảnh người đang liên hệ, sự kiện đang diễn ra chung quanh. Mà ở những hình ảnh này, cá tánh của nhân vật, của người đối diện nổi bật lên, rõ nét. Đây không chỉ là biểu hiện về bản năng sinh tồn của kẻ thụ động, mà xa hơn thế, nó ẩn chứa bề sâu của một cuộc đời, nằm đằng sau cái bộ mặt có vẻ hời hợt, nguội lạnh của Thăng.
Sau khi đọc xong bộ Người Đi Trên Mây, độc giả thấy Thăng dường như mang nhiều phần đời của Nguyễn Xuân Hoàng.
Thăng học triết, rồi dạy triết. Thăng bị “tẩu hỏa nhập ma” với những tư tưởng triết học, nhiều lúc đối chọi nhau, từ cổ chí kim như Platon, Aristote, Descart, Kant, Hegel, Heidegger, Nietzche v.v. Đứng bên bờ này mà mắt cứ đăm đắm nhìn sang bờ kia; khi đứng ở bờ kia thì lòng lại tham lam nhìn qua chân trời khác. Choáng, ngợp. Mất tự tin, xa lạ với cuộc sống. Cùng hít thở trong một bầu khí quyển như mọi người nhưng lại bước đi bên lề cuộc đời.
Còn Nguyễn Xuân Hoàng? Ông cũng học triết. Vậy ông có thuộc loại người đi trên mây không? Ở một tác phẩm khác, trong một bài tùy bút, Nguyễn Xuân Hoàng đã cho biết: “Thứ triết mà Đà lạt nhét vào đầu tôi là thứ triết học kinh điển, thuần túy kinh điển đến tội nghiệp. Nó là động cơ thứ nhất vẽ vời trong trí tôi cái hình ảnh quá xa lạ với cuộc sống. Nó thổi tôi bay lên trời. Và từ đó tôi đi giữa những đám mây.” (Căn Nhà Ngói Đỏ, trang 180)
Thường, nhà văn, người tạo ra những nhân vật, nhất là nhân vật chính, cho các tác phẩm của mình, thường đắn đo, do dự. Cũng dễ hiểu, vì nhân vật chính thường ảnh hưởng đến sự thành bại của tiểu thuyết. Và dù nhân vật chính được dàn dựng thế nào đi nữa, họ phải mang những nét hết sức điển hình. Hay nói một cách khác: họ là người đại diện của tầng lớp mà họ xuất hiện trong tác phẩm. Một Chí Phèo của Nam Cao, cũng là tập hợp của nhiều Chí Phèo ngoài đời. Một Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng cũng là tổng hợp của năm bảy Xuân trong cuộc sống. Ngược dòng thời gian, đi ngược trở về trước một chút, chúng ta đã từng biết, sau tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình”, khi được hỏi Natasa là ai, Tolstoi trả lời rằng: Natasa là một phép cộng của phu nhân Tolstoi và em gái của bà ta.
Qua bộ Người Đi Trên Mây, ta dễ dàng nhận thấy rằng: Thăng và Nguyễn Xuân Hoàng có mẫu số chung. Không chỉ là mẫu số chung bình thường, mà là một mẫu số chung lớn: cả hai đều liên hệ với Triết. Vâng, triết Tây. Nhưng Trần Lâm Thăng, trước và sau chỉ là một nhân vật tiểu thuyết, chứ không phải là Nguyễn Xuân Hoàng dù Thăng mang dáng dấp và một phần đời của ông.
Nguyễn Xuân Hoàng dựng nên mẫu nhân vật thuộc loại đi trên mây này, theo tôi, không có nghĩa là ông chủ trương hay cổ xúy cho lối sống như vậy trong cuộc sống. Dù nhân vật và nhà văn có mẫu số chung, giữa họ vẫn có một đường ranh giới. Cũng như để có được hình ảnh độc đáo của một gã say, thì bắt buộc người dựng nên hình ảnh đó phải ở trong khoảnh khắc tỉnh táo. Và quan trọng hơn hết, không vì hình ảnh gã say đó mà cho rằng nhà văn cỗ vũ cái say quên đất, quên trời. Vì thế, dựng được nhân vật đi trên mây một cách ngoạn mục, nhà văn phải là người đạp chân xuống đất, tinh tế nhìn quanh cuộc đời, gạn lọc thật kỹ lưỡng, mới nhào nặn được mẫu người tiêu biểu này, dù rằng cái tiêu biểu này có khi rất đáng ghét đối với không ít độc giả.
***
Đọc Nguyễn Xuân Hoàng, độc giả dễ làm một sự so sánh, dù vẫn biết chẳng có so sánh nào là hoàn hảo. Cùng một “lớp” với Nguyễn Xuân Hoàng, người đọc dễ liên tưởng đến những nhà văn khác, những người ông đã từng nhắc đến trong tác phẩm của mình, như Ngô Thế Vinh, như Phan Nhật Nam chẳng hạn. Thì cứ lấy họ làm ví dụ.
Sự khác biệt giữa Ngô Thế Vinh và Nguyễn Xuân Hoàng rõ rệt. Cái xông xáo vào đời cũng như sự chọn lựa ở những nhân vật của Ngô Thế Vinh là cách thế biểu lộ mình với thời cuộc. Cái sống ở những nhân vật của Ngô Thế Vinh là cái nhập cuộc, bừng bừng. Cái sống ở những nhân vật của Nguyễn Xuân Hoàng là cái đứng bên lề, nguội lạnh.
Sự khác biệt giữa nhân vật của Phan Nhật Nam và Nguyễn Xuân Hoàng cũng tương tự. Ở Phan Nhật Nam, nhân vật ông hừng hực một ngọn lửa vào đời và cho đời. Ở Nguyễn Xuân Hoàng, ngược lại, nhân vật của ông hững hờ với thế sự, thờ ơ với thời cuộc, lãnh đạm với tha nhân, và để ngoài tai tất cả những gì không trực tiếp chạm vào tim mình. Ở Phan Nhật Nam, nhân vật của ông đạp lún mặt đường-số-một, chạy đua với từng tích tắc đồng hồ để mưu tìm sự sống. Ở Nguyễn Xuân Hoàng, họ có thừa mứa thời gian để nhẫn nhơ, hầu như trong mọi tình huống; họ sống bám vào kẻ khác ở những nơi chốn an toàn quanh quẩn Sài Gòn.
So sánh Nguyễn Xuân Hoàng với những nhà văn cộng sản cùng thời, thì chỉ như nước với lửa. Nhà văn cộng sản được “chỉ đạo” đưa lửa vào những trang sách của mình để phục vụ chính trị. Nguyễn Xuân Hoàng thì đối nghịch. Ông không tạo ra những anh hùng trong chiến tranh, những chiến sĩ thi đua trên mặt trận sản xuất, mà ngược lại đã tạo nên những nhân vật không giống ai, tính cách của họ như cơm nguội và nước lạnh trước cuộc đời và xã hội.
Sự so sánh giữa nhân vật của nhà văn này với nhân vật của nhà văn kia không phải để tìm cái đồng thuận, mà là để nẩy lên cái khác biệt. Tuy nhiên, không vì cái khác biệt này mà cho rằng văn chương người này hay hơn người kia. Sự so sánh chỉ góp phần làm sáng tỏ thêm một điều: nhân vật của Nguyễn Xuân Hoàng thuộc lớp người ngủ đứng. Nói một cách nôm na, họ thuộc lớp người xé khô mực theo chiều dọc, chẳng giống ai.
***
Ở Người Đi Trên Mây, Thăng là một kẻ lơ là với chuyện chính trị. Thăng là một kẻ ghê tởm chiến tranh. Anh chỉ như con đà điểu chôn đầu dưới cát, chạy trốn sự thực (NĐTM, trang 144). Ở Bụi và Rác Thăng lại có ý thức rõ rệt về chính trị. Không những rõ rệt mà còn sâu sắc. Mâu thuẫn chăng? Thực ra không phải thế. Thăng đã thay đổi cách nhìn về thời thế. Bởi thời thế đã tạo nên những cảnh ngộ đau lòng chạm vào tim anh. Thời thế đã mở ra những thay đổi lớn, những thay đổi chỉ có xấu đi chứ không hề tốt hơn, ở thế nhìn của Thăng. Thời thế đã khoát cho mọi người một chiếc áo lạ lùng. Thời thế đã khắc trên từng khuôn mặt của mỗi người dân những đường nét quái gỡ, tạo cho “mỗi khuôn mặt của người Sài Gòn luôn luôn có một chữ vô hình nhưng rõ nét. Ngụy! Ngụy! Ngụy!” (BvR, trang 205). Vinh và Nhật mang trên vai những năm lính, lội nát núi rừng: Ngụy. Ký và Lộc mang thân phận biệt phái: Ngụy. Trần Lâm Thăng đứng trên bục giảng, ấm ớ với chủ đề hợp tác xã: Ngụy. Cả một thành phố, hay nói rộng hơn là cả miền Nam, chỗ nào người ta cũng thấy Ngụy và CIA. Sự nghi ngờ của chính quyền mới bao trùm lên cả xã hội tạo ra những nỗi bất an. Người ta sợ một ánh mắt lạ, e dè trước một tiếng gõ cửa. Sau những tháng ngày đầu chờ đợi trong phập phồng, người ta rõ dần với “cách mạng”. Và rồi, người ta bàn tính chuyện lao ra biển đông bất chấp mọi hiểm nguy đang chờ chực. Bởi nếu không ra đi, họ “phải cúi xuống gánh tiếp những tai ương còn đầy rẫy trong một thời đại của “Chủ Nghĩa”.” (BvR, trang 76). Cuộc sống mới sau 1975, đầy nghi ngờ và gãy đổ niềm tin giữa người với người như thế, không phải là chỗ dung thân cho những văn nghệ sĩ đúng nghĩa. Càng không phải là chốn nương tựa cho những người đi bên lề cuộc đời như Thăng. Khi vào đường cùng, bản năng sinh tồn phải tìm lối thoát. Khi vào ngõ cụt, con người phải cố xoay sở để tìm đường sống. Vì thế, cái khác biệt trong ý thức chính trị của Thăng ở giai đoạn trước và sau 1975 là một hiển nhiên. Nhưng trước và sau: Thăng vẫn là Thăng, một kẻ bước đi trên những đám mây.
Có thể nói Nguyễn Xuân Hoàng đã giữ được điều tâm huyết của mình: không để chính trị lấn áp văn chương, trong một tác phẩm văn chương, điển hình là nhân vật chính, Trần Lâm Thăng.
***
Cuộc sống mới sau 1975 thực ra là một cuộc sụp đổ khá đớn đau của dân tộc Việt. Cái đáng sợ nhất: Sụp đổ về niềm tin mới đáng sợ. Không ai còn tin được ai, ngay cả những người thân quen, ngay cả những người tưởng là bạn bè xưa cũ. Khi mất niềm tin, con người như mất tất cả. Xã hội như cạn kiệt nhân tình. Con người như mất dần nhân tính. Quan hệ giữa những người tự xưng là bạn dân và người dân chẳng khác nào quan hệ của quan lại và dân đen trong thời đại phong kiến. Quan hệ giữa người và người trong xã hội không còn là mối quan hệ bình thường. Mà dường như đằng sau đó thường là những mối trục lợi, nếu không thì cũng e dè, khiên cưỡng. Tuy phần lớn là thế, nhưng cuộc đời luôn có những ngoại lệ. “Bụi và Rác” cho thấy những ngoại lệ đó. Và dù là bình thường hay ngoại lệ, Nguyễn Xuân Hoàng đã gần như đi đến đích trong những điều ông muốn diễn tả. Nói rõ hơn, cuộc sống sau tháng tư 1975 dưới ngòi bút của Nguyễn Xuân Hoàng rất rõ nét. Ông đã đi vào thế giới nội tâm của nhân vật thật xuất sắc, từ những người cũ như Tâm, Nguyễn Giang, Phước v.v. đến những “con người mới của thời đại mới” như Mười Tân, Nhị Hà, Lê Hiên, hay những người một thời đóng góp máu xương cho “cách mạng” như Ba Trương Phi, chẳng hạn.
***
Nguyễn Xuân Hoàng viết đều tay và cẩn trọng với chữ nghĩa của mình, ngay cả ở những dấu chấm, dấu phẩy. Đặc biệt ông có lối diễn tả rất bắt mắt: đầy hình tượng và giàu âm sắc. Nói một cách khác, văn chương của Nguyễn Xuân Hoàng: đẹp. Không những đẹp mà còn đầy chất sống. Ở nhiều chỗ, ông có những hình ảnh so sánh lạ, tạo nên những liên tưởng mạnh, hiếm thấy các nhà văn khác sử dụng. Tất cả những điều này giúp cho những trang sách của ông chống lại sự bào mòn của năm tháng.
Có một nét khá đặc thù trong chữ nghĩa của Nguyễn Xuân Hoàng, tưởng cũng nên nhắc ở đây. Ông thường dùng chữ “rất” đứng đằng trước một danh từ để diễn tả những điểm riêng tư, hay cá tính của một nhân vật mà ông muốn nói, như: rất đàn bà (NĐTM, trang 22, 74, 77), rất con gái, rất phụ nữ (NĐTM, trang 76), rất Sài Gòn (BvR, trang 209), rất Hà Nội (BvR, trang 213) v.v…
Không phải chỉ ở bộ Người Đi Trên Mây, mà trên những trang sách khác, ở những tác phẩm khác của ông, người đọc cũng thấy cách diễn đạt này. Chẳng hạn như:
“Ba má Đông đã già. Đó là một gia đình người Nam rất Nam kỳ quốc.” (Căn Nhà Ngói Đỏ, trang 121)
Và không chỉ trên những trang sách của mình, mà khi viết về những người khác, Nguyễn Xuân Hoàng cũng dùng một lối diễn tả như vậy. Như trong bài bạt cho một tập truyện của Đỗ Kh., chẳng hạn, ông viết:
“Bằng một làn điệu riêng, ông hát những ca khúc của chính ông sáng tác, rất Đỗ Kh., và thuần túy Đỗ Kh.” (Không Khí Thời Chưa Chiến, trang 162).
Ở khía cạnh sử dụng “rất+danh từ” này, nhiều trường hợp Nguyễn Xuân Hoàng cô đọng được điều mình muốn nói. Tuy nhiên, cũng có nhiều chỗ, cụm chữ “rất+danh từ”, không chở nổi điều ông muốn diễn đạt. Nó chỉ như một hình thức khái-quát-hóa, chung-chung-hóa. Nó chưa bẫy lên được cái riêng tư của nhân vật, chưa tách được họ ra khỏi đám đông.
Đẩy một danh từ ra khỏi vị trí thường hằng của nó để làm thành một tính từ, không những một, mà là nhiều lần, gần như làm thành một đường dây nối liền tác phẩm này qua tác phẩm kia trong thế giới chữ nghĩa của Nguyễn Xuân Hoàng, cho thấy một khía cạnh về cá tính của nhà văn: khi ưng ý một cách diễn đạt nào, nhà văn thường lập lại cách diễn đạt đó. Nhưng cũng có thể đây là một thói quen của người viết: lười. Cái lười đi tìm một chữ nghĩa riêng, một hình ảnh riêng để diễn tả cho từng trường hợp. Trong cái lười này, trước tiên, ông là một người thiệt thòi. Nhưng người thiệt thòi nhiều hơn, chính là độc giả, những người đọc đã “lỡ” yêu văn chương của ông, yêu nhiều hình tượng bén nhọn mà ông từng dựng nên, muốn tìm thấy thêm những lối so sánh mới lạ, độc đáo như ông đã từng, trên những trang sách khác.
***
Qua Người Đi Trên Mây, chúng ta dễ dàng nhận thấy ngay một điều: văn chương để đấu tranh giai cấp, không có Nguyễn Xuân Hoàng. Văn chương để tải đạo, hiểu theo nghĩa “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”, không có Nguyễn Xuân Hoàng. Văn chương để ca tụng lãnh tụ và dựng nên những anh hùng, không có Nguyễn Xuân Hoàng. Vì thế bản sắc của Người Đi Trên Mây càng trở nên đặc biệt. Nó như một thứ tuyên ngôn, mà người đọc thấy được, của Nguyễn Xuân Hoàng: văn chương của Người Đi Trên Mây là văn chương vì văn chương. Và ở đó, nhân vật chính, Trần Lâm Thăng, đã bứt ra khỏi cái chờ đợi trong lối thưởng ngoạn quen thuộc. Kết quả cuối cùng: hình ảnh và cá tính của Thăng rất dễ làm người đọc dị ứng.
Trong khu vườn tiểu thuyết Việt Nam, có muôn vàn nhân vật được dựng nên. Trong số đó, có rất ít ở lại với người đọc. Đó là những nhân vật, dù yêu hay ghét, mà mỗi khi được nhắc đến, người ta nghĩ ngay đến nhà văn, và ngược lại. Ở bộ Người Đi Trên Mây, Trần Lâm Thăng của Nguyễn Xuân Hoàng nằm trong con số không nhiều này.
Đoàn Nhã Văn
(11/2000, sửa lại 1/2005, xem lại 08/2013 cho chuyên đề Nguyễn Xuân Hoàng)
Nguồn: https://damau.org/28496/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may
0 Bình luận