Nhật Tiến Vẫn Đứng Ở Ngoài Nắng
Một buổi chiều Sài gòn, ít ngày sau khi 30 tháng tư 1975, ngồi sau chiếc xe gắn máy của Duyên Anh, cùng tác giả Ngựa Chứng Trong Sân Trường dạo quanh một vòng trên những phố phường tan hoang của thành phố vừa đổi chủ, tôi bỗng nhìn thấy Nguyễn Thụy Long trên một khúc vỉa hè ở khu đại học Duy Tân. Long ngồi sau một cái quán lộ thiên mới mở, như hàng ngàn cái quán lộ thiên mọc lên như nấm ở Sàigòn lúc bấy giờ. Tác giả Loan Mắt Nhung đang nhậu, mặt mày đỏ xậm, kính trắng dầy cộm. Và cạnh đó, là một quán hàng khác, với Nhật Tiến, Nhật Tiến không nhậu, không nhậu bao giờ, đang lúi húi với một chậu nước và một chồng bát đĩa nhớp trước một gốc cây.
Cái cảnh tượng đập vào mắt tôi lúc đó, về hai cái quán liền sát cùng trước một vỉ tường thấp chạy dài, là cái cảnh tượng của một đối nghịch hoàn toàn. Mang chung sự thất thủ của văn nghệ gác bút ra đường bán quán trước hoàn cảnh mới, cái quán của Nguyễn Thụy Long với những xị đế ngổn ngang trên mặt bàn và mấy người khách hàng trẻ tuổi cùng ngất ngưởng như Long, hiện rõ vẻ bụi đời anh chị. Cái quán của Nhật Tiến khác hẳn. Nó lành mạnh hơn và cũng gia đình hơn gấp bội, với những đĩa rau muống chẻ nhỏ đặt ngay ngắn, bên cạnh là một chảo mỡ sôi bốc khói xanh um, chị Nhật Tiến má hồng cái củi lửa chiên những cái bánh tôm vàng ngậy và đứa cháu lớn, nơ cài mái tóc, váy xếp chững chạc, đang phụ một tay với ông bố nhà văn.
Nhìn Long một bên, Tiến một bên, cùng đã lăn xả ra với sương nắng thời thế với gió bụi hè đường, cũng đã trở thành hai ông chủ quán tài tử bất đắc dĩ, mà quán bạn là quán bạn, quán tôi là quán tôi, bạn anh chị bụi đời, tôi gia đình nghiêm chỉnh, tôi đã nhìn thấy một lần nữa, và lần đó là lần cuối cùng, điều tôi yêu thích và tự hào nhất cho văn nghệ miền Nam 20 năm, là cái trạng thái đa diện và đa dạng không bao giờ đồng dáng và đồng tính. Đó là cái thế giới văn nghệ của mỗi người một trời mình, mỗi kẻ một biển mình. Đó là vùng đất đai văn nghệ của mỗi người một cõi bờ, mỗi người một sông núi. Cái không đồng dáng không đồng phục nơi mỗi người trước bàn viết cũng như trong đời sống ấy, lại là điều văn nghệ miền Bắc đổ khuôn và con số thù ghét nhất. Và bởi vì thù ghét nhất nên muốn triệt hủy nhất. Đó cũng chính là nguyên nhân của đại nạn đã tới với mọi ngành văn học nghệ thuật muôn hình nghìn vẻ của ta. Và đương nhiên đại nạn ấy cũng đã đến với Nguyễn Thụy Long và Nhật Tiến.
Nhớ hôm đó, tôi và Duyên Anh đã ngừng xe lại. Đã vào ngồi xuống mấy cái ghế đẩu thấp. Đã lên tiếng ca ngợi cái tinh thần quả cảm của gia đình Nhật Tiến, hàng ngày từ thật xa cổng xe lửa Số Sáu xuống, vui vẻ hội nhập được tức khắc vào nếp sinh hoạt mới ở quanh mình. Nhớ hôm đó, chúng tôi đã ăn ủng hộ Thềm Hoang Quán mỗi người một đĩa bánh tôm, rất ngon, và tôi đã hỏi đùa Nhật Tiến:
– Rửa bát thạo ngay. Giỏi nhỉ?
Và Nhật Tiến đã cười, nụ cười bình thường chừng mực. nụ cười hơi già trước tuổi một chút của một nhà giáo. Nhật Tiến bao giờ cũng trước hết xác nhận mình là một nhà giáo:
– Giỏi quỷ gì. Việc phải làm thì phải làm. Để cho ai đây.
***
Suốt thời gian những năm sau, buổi chiều hè đường Duy Tân hôm đó thường hằng trở lại trong trí nhớ tôi. Mỗi lần nghĩ đến Nhật Tiến ở xa. Mỗi lần nghe nói về Nhật Tiến. Trở lại, thời kỳ tôi nằm ẩn ở một xóm nhỏ bên quận Bình Thạnh, nghe nói Nhật Tiến cùng dự một khóa học tập chính trị với Hoài Bắc, Thái Thanh, Lệ Hằng và Nguyễn Thị Hoàng. Khi ở Tây Bắc, được tin Nhật Tiến đã cùng gia đình vượt biển. Khi nghe Ko Kra đảo quỷ. Khi đọc Songkhla trại tù. Khi thấy bản văn đầu của Nhật Tiến gửi sang từ đất Thái. Lúc nhận được bạch thư cứu nguy người vượt biển, cáo trạng gửi đi cùng khắp thế giới về cướp biển Thái Lan. Và mới đây chuyến đi Âu Châu của Nhật Tiến. Và vừa đây, một buổi trưa chủ nhật, đến gặp tác giả Thềm Hoang trong ngôi nhà mới dọn đến của gia đinh ông ở đường King, một khu vực yên tĩnh của thành phố Santa Ana.
****
Ba giờ chiều. Nắng cuối năm có hơi lạnh lùa vào từ một triền núi xanh thẫm ở xa xa gợi nhớ tới đỏ au rạo rực những gò má thiếu nữ Đà Lạt những mùa thu về trên cao nguyên và thông rừng đất nước. Ngôi nhà thấp. Thảm cỏ trên lối vào. Cửa ga-ra mở rộng. Căn phòng khách, hai họa phẩm lập thể lớn treo tới sát trần ngó xuống tấm hình trẻ măng tươi cười của người đoạt Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1961, tấm hình đánh dấu thời kỳ chủ bút Thiếu Nhi, thời kỳ giám đốc Huyền Trân. Mặt bàn, chân ghế bừa bộn sách báo, tài liệu và những xấp photocopy bản thảo, là phương cách cất giữ từng giòng chữ viết ra cực kỳ cẩn thận ở Nhật Tiến. Chuông điện thoại reo. Thấp thoáng một bóng con gái. Đứa cháu chiều nào nơ cài mái tóc, váy xếp chững chạc ngồi phụ bố một tay dưới gốc cây Duy Tân, đã thiếu nữ và đang quay lưng điện đàm với bạn. Rồi Nhật Tiến, tóc ngắn, kính trắng, rắn rỏi từ một phòng trong nhanh nhẹn đi ra.
Một tách trà nóng. Ông tới muộn vậy. Và trong khi Nhật Tiến chọn vài tấm hình cho in trong phần chân dung, tôi nhìn ngắm người bạn đã có những hoạt động tích cực mạnh mẽ nhất trong bọn chúng tôi từ ngày tới Mỹ. Bảy năm đã trôi qua. Bảy năm thân thế tử sinh, xấp ngửa hình hài, kín trùm giông bão. Bảy năm của ở lại, của lên đường, của gặp nạn, của tới bến. Mỗi chặng, mỗi đoạn của hành trình một đời là một tầng đầu, một tầng hai địa ngục. Nhưng bản năng tồn tại và khả năng phục hồi ở Nhật Tiến thật mạnh, khiến so với ở nhà thấy ông cũng chẳng đổi thay gì mấy. Như những người có một tầm vóc nhỏ nhắn, rằn rỏi, lại sống một đời sống hàng ngày rất lành mạnh chừng mực-điều nầy thấy thật rõ ở người bạn thân của ông là Lê Tất Điều- Nhật Tiến chưa hề bị khối đá tháng ngày đè nặng, vẫn ở giữa vùng trời sáng láng nhất của tuổi trung niên. Hèn nào đời sống vẫn băng băng, thế sống vẫn lấp lánh, dáng sống vẫn mũi kiếm, những hoạt động nhiều mặt vẫn thật đều thật khỏe. Ông nói lát nữa đi họp. Sẽ có bài thuyết trình ở hội nghị giáo giới. Ông thuật vừa ở Sacramento về, kêu gọi cứu nguy người vượt biển, tố cáo tệ nạn hải tặc Nhật Tiến vừa rời khỏi Songkhla rồi lại hoành hành dữ dội ở vịnh biển Thái Lan. Những việc làm khác, không nói, chiếm hết thời giờ, lấp đầy được cái khoảng trống vĩ đại mọi người đều ít nhiều cảm thấy về ngày tháng trên xứ sở nầy. Sống và viết. Đi và thuyết trình. Đến và hội nghị. Trở lại và lên tiếng. Hai trăm trang bạch thư. Một trăm trang cáo trạng. Thơ nói sẽ trở về giòng sông xa. Truyện kể những khốn cùng xã hội. Tiếp tay cho con tàu Akuna. Đặt lại vấn đề in lại sách. Một con người toàn phần của cộng đồng. Một tham dự thường trực với tập thể. Tiếng Kèn đã in ra. Sắp in tiếp Mồ Hôi Của Đá. Hôm qua, theo anh em Khai Phóng đi cắt cỏ mướn trong những khu vườn Beverly Hills, vầng trán cháy nắng. Chủ Nhật chăn đoàn sói con đi cắm trại, cái khăn vàng ở cổ, hướng đạo từ ngày xưa, vẫn huynh trưởng bây giờ.
****
Đó Nhật Tiến hiện giờ, Nhật Tiến lưu vong, Nhật Tiến ở Mỹ. Nhật Tiến mà Võ Phiến: hắn còn viết được khá lắm ông ơi, mà Đỗ Quý Toàn: hắn tới rồi thúc đẩy mọi người cùng phải viết. Nhật Tiến của lát nữa ra khỏi nhà đi họp, chiều tối mới về, sáng ngày mai lại cắt cỏ dưới nắng, ngọn đèn bàn viết sáng mãi tới khuya cho bài tham luận phải hoàn tất đêm nay.
Tôi ra về, cho Nhật Tiến đi họp. Tác giả Thềm Hoang đã ra xe: Hôm nào ông tới đây ngủ lại một đêm, mình trò chuyện. Ừ, hôm nào sẽ tới.
Bốn giờ chiều. Cái nắng cuối năm của Santa Ana vẫn trải lụa trên những lòng đường yên tĩnh. Cái nắng càng về chiều càng tuyệt đẹp. Cái nắng rất mùa thu, lả lả, ngây ngây, châm kim vào da thịt, như từ một tứ thơ Đinh Hùng thả xuống, như từ một trang tiểu thuyết Nhất Linh đi ra. Cái nắng còn đuổi theo bước chân của Dũng vượt biên giới sang Tầu, tà áo của Loan vẫn thấp thoáng ở trong vườn, tình yêu lớn lao một đời thả không tiếng những nụ hoa vàng lên mái tóc. Cái nắng Chủ Nhật, cái nắng cực kỳ thanh bình, cực kỳ an toàn còn ở quanh tôi từ ngôi nhà Nhật Tiến đi ra, suy nghĩ tới những cõi nắng, những trời nắng, những cái nắng khác. Cuối cùng là con đường phải cuốc bộ thăm thẳm mịt mùng qua những cánh đồng cháy nắng, những đồi trọc hoang vu đầy những hố bom. Nắng ấy, cháy rực, thiêu đốt là nắng trong “Mẹ Tới Giữa Mùa Xuân”, một truyện ngắn mới của Nhật Tiến. Từ một nhà giáo mẫu mực, hiền hòa, nhỏ nhẹ Ba Sinh đã biến thành một con người dầm mưa dãi nắng suốt ngày ngoài đường phố. Cái nắng cơ cực ấy được tả trong “Trận Đánh Cuối Cùng Của Một Kẻ Sĩ”, một truyện ngắn mới nữa, vẫn của Nhật Tiến. Nhà giáo. Ba Sinh. Nhật Tiến đó không, một phần nào trong nhân vật?
****
Còn bao nhiêu những cõi nắng khác chói chang, dữ dằn đổ lửa như vậy. Những cái nắng thế kỷ, bỏng cháy vai trần hàng triệu con người lầm than trên trái đất, những con người mất quyền làm người, theo Nhật Tiến “nạn nhân của thế lực tiền bạc và thế lực bạo lực”. Những cái nắng Việt Nam. Ôi, cuối cùng là những cái nắng Việt Nam. Nhễ nhại trên bãi mìn Long Giao, nơi đôi chân tù đày của Phan Nhật Nam trên những mảnh thủy tinh vỡ. Ngùn ngụt ở K1, K2. Pleiku, nơi Nguyễn Sỹ Tế, Mặc Thu vác nặng lội qua suối khô trong mệt lả những trưa rừng. Rời những cõi nắng lên đường, những giải nắng vượt tuyến, những thác lửa trại đảo. Hai ngày ở bãi đáp. Bốn phía chung quanh sình lầy mặn chát. Một tháng lênh đênh ngoài biển Đông, nắng quỷ múa cười trên ngàn con sóng dữ, những da dẻ cháy xém, boong tàu lửa bỏng, hải tặc tràn sang, cái nắng kẽm gai trên Ko Kra làm điên loạn thần phách, cái nắng ở Songkhla dưới những tấm tôn hực lửa trên đầu.
Những trong nắng và những ngoài nắng ấy. Nhật Tiến đã thấy đã trải qua, đã viết ra, đã thuật lại. Gọi đó là nắng cáo trạng, nắng bạch thư, gọi đó là nắng Ko Kra, nắng Nhật Tiến. Trước cái khuynh hướng muôn thuở của con người là sự kiếm tìm những tàn cây đầy bóng mát cho tâm hồn và đời sống, văn chương bây giờ của Nhật Tiến, những vận động, những lên tiếng không ngừng của Nhật Tiến cho thấy ông vẫn lựa chọn đứng ở đó. Ngoài nắng. Dưới nắng. Thái độ đó có thể bị nhìn thấy là khô cứng quá khích. Hoặc với những tâm hồn đã bóng rợp, một đọa đầy vô ích. Tôi chỉ nhìn thấy tự nhiên và bình thường nơi người nhà văn lưu đày ở Nhật Tiến một ý muốn. Cái ý muốn được đứng cùng, đứng mãi với vượt biển thê thảm như đứng với quê nhà, với Việt Nam.
Mai Thảo
Nguồn: Chân Dung, trang 154-157
0 Bình luận