Phỏng Vấn Nhà Văn Nguyễn Xuân Hoàng
1.
Sử Mặc (SM): Chào nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Từ khi kế nhiệm tờ Văn của Mai Thảo (MT), nhiều người nhận thấy rằng mục Sổ Tay của NXH viết hay không kém nhà văn tiền nhiệm. Nhưng cũng kể từ khi chuyên trách mục này, độc giả lại ít được đọc truyện MT trước đó hoặc truyện NXH sau này . Đây chỉ là một sự dừng chân nghỉ mệt để khơi động một chu trình viết lách khác . Hay có sự bế tắc nào?
Nguyễn Xuân Hoàng (NXH) : Chào anh Sử Mặc. Sao hôm nay lại có chuyện phỏng vấn này? Chắc phải có chuyện chi đặc biệt phải không? Dù sao đã hỏi thì xin trả lời: Phần anh Mai Thảo thì tôi không dám có ý kiến, còn phần tôi thì vì công việc lu bu, thì giờ cho việc viết quá ít, thành ra mới có cơ sự đó.
2.
SM: Trước kia, nhà văn NXH là một giáo sư triết. Vậy nghề giáo chuyên môn này có giúp ích gì cho nghề văn không? Sự giao thoa giữa hai nghề mang tỉ lệ thuận hay nghịch?
NXH : Đi dạy học cũng như làm thợ nề thợ mộc, nói chung cũng như những ngành nghề khác, nó cũng giúp cho nghề văn mặt này và có trở ngại cho nghề văn mặt khác. Có khi thì thuận, cũng có khi nghi.ch.
3.
SM: Có người cho rằng trong giới văn nghệ với nhau có sự kết bè và phân biệt đối xử . Cụ thể: nhà văn nhà thơ “lớn” phải đánh bạn với nhà văn nhà thơ cùng tầm cỡ! -Văn nghệ “cung đình”(có dán marque trí thức, phú hộ) không đi đôi với văn nghệ “bụi”(hiểu theo nghiã chịu chơi, bất cần dư luận) – Báo chuyên đề văn học không chơi với báo chợ – vv và vv . Anh có nhận thấy như vậy không ? Nếu có, tình trạng này có ở mức đôỉ tệ hại và có cơ may cải thiện không ?
NXH: Không biết có hiện tượng này cho “một ai đó” với “một ai đó” không? Nhưng cá nhân tôi, tôi không thấy có chuyện này. Vì thật sự tôi không hiểu thế nào là “lớn” thế nào là “tầm cỡ”? Nhưng tôi biết một điều – một điều rất cũ và rất xưa – là hai người hợp tánh với nhau, cùng chia sẻ được với nhau về một số suy nghĩ đời sống cũng như chuyện chữ nghĩa, dễ nói chuyện với nhau hơn là những người gặp nhau chẳng biết PHẢI nói chuyện gì. Chẳng hạn, tôi vẫn thích giao du với anh Nguyễn Mộng Giác vì chúng tôi là bạn với nhau từ lâu. Không phải vì anh ấy làm báo Văn Học còn tôi làm báo Văn. Anh Giác có lúc không làm tờ Văn Học, còn tôi anh Mai Thảo mới chuyển tờ Văn để trông coi từ tháng Chín 1996. Chẳng hạn, anh Phùng Nguyễn tôi mới quen khi gặp anh ở nhà anh Giác, và tôi trở thành bạn thân của anh ấy từ năm sáu năm nay. Mà rất thân như anh em. Trường hợp nhà văn Lê Minh Hà ở Đức, Ngọc ở New York – nay do công việc đã dọn về Florida – tôi chưa hề quen mà cũng chưa hề biết mặt, nhưng tôi có cái cơ may được đọc bản thảo của chị (Ngọc) và được cho bài (Lê Minh Hà) và Văn được phép đăng truyện của các chi.. Tôi rất sung sướng quen biết với ho.. Trường hợp Nguyễn Nam An, Phạm Chi Lan, Nguyên Nhi, Nguyễn Thị Thảo An… là những tác giả tuy không giao du thân thiết [riêng Nguyễn Nam An tôi vẫn tự cho phép mình coi là anh em trong một gia đình] nhưng tôi bao giờ cũng vẫn qúy mến các anh chị đó. Không những vì tài năng của họ mà còn vì tư cách của họ nữa. Anh có để ý là khi mình đi dự một tiệc cưới, khi được xếp ngồi cùng bàn những người mình không quen thật khó nói chuyện không. Không phải chuyện giàu nghèo hay có danh vọng gì đâu, mà là vì không cùng ngành nghề hay sở thích đó thôi…. Anh có nghĩ vậy không?
4.
SM: Đúng đấy nhà văn à ! Hoan nghênh tinh thần cởi mở của anh NXH . Nhưng tôi thấy điều này vẫn còn lấp ló đâu đó . Nhưng thôi ! Bá nhơn bá tánh …miễn sao mình sống thật với mình là qúy phải không anh ! Như vậy trong văn chương cũng cần triệt hạ quan niệm đàn anh đàn em, chia bè kết lũ, phải thế không ạ ?
NHX: Tôi nghĩ câu hỏi đã được trả lời.
5.
SM: Với tư cách chủ nhiê.m/chủ bút một tạp chí chuyên đề văn học có tầm vóc hiện nay ở hải ngoại, anh có thiên vị không trong việc lựa chọn bài vở ? Lấy một ví dụ nhỏ : giữa một thân hữu cộng tác có phụ giúp vật chất cho tờ báo nhưng khả năng văn chương yếu kém và một ngòi bút cộng tác khá nhưng hoàn toàn không có khả năng góp gạo thổi cơm chung, anh nghiêng về bên nào ?
NXH : Chúng tôi thấy câu hỏi này rất dễ trả lời: Thứ nhất, chúng tôi không có may mắn có được một thân hữu cộng tác có phụ giúp vật chất cho tờ báo mà lại đòi đăng bài. Tờ Văn được rất nhiều thân hữu giúp, nhưng không thân hữu nào đòi cái chuyện kỳ quái đó. Thứ hai, tôi vô cùng mừng rỡ và sung sướng được đăng bài của những tác giả tài năng. Tôi sợ các bậc tài năng ấy không chịu cho bài chứ. Anh cứ hỏi các ông Nguyễn Mộng Giác, Khánh Trường thì biết KHÔNG CÓ NHÀ VĂN VIẾT BÀI, ĐỐ ANH LÀM SAO RA BÁO!
6.
SM: Hiện tượng nữ giới rầm rộ tham gia sinh hoạt văn nghệ, theo anh là để :
– Điểm trang cho cuộc đời ?
– Bình đẳng với nam giới ?
– Do hoàn cảnh xã hội mới thúc đẩy?
NXH : Hình như nhà văn Võ Phiến có nói đâu đó một câu đại khái là chúng ta đang có một nền văn chương đổi phái tính. Tôi không phải là nhà nghiên cứu sợ trả lời kiểu thầy bói thì anh cười.
7.
SM: Nhìn lại sinh hoạt văn học VN hải ngoại hơn hai mươi năm qua, anh nhận thấy kể theo phái tính ngòi viết nam hay nữ dài hơi hơn ? Tại sao ?
NXH : Tôi nghĩ người dài hơi vẫn là người nam: Trước đây là nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Hình như giờ đây nhà văn Hoàng Khởi Phong có dự tính viết bộ trường thiên Người Trăm Năm Cũ dài hơn Sông Côn Mùa Lũ……
8.
SM: Anh có quan niệm đem ngôn từ dung tục vào văn chương có thể tẩy được phần nào cái vết nhàm chán của văn chương lãng mạn cổ điển . Đấy có phải là một hình thức đổi mới nghệ thuật viết không ?
NXH: Càng ngày tôi (cá nhân-chủ quan) càng thấy những chữ nghĩa “đẹp đẽ” “lãng mạn” làm văn chương chúng ta không chỉ nhàm chán mà còn khó nuốt nữa.
9.
SM: Nhiều người hô hào : phải gia nhập, đầu tư vào thị trường văn chương chữ nghĩa bản xứ . Anh nhận thấy có mảy may nào hi vọng không ? Hay chỉ là một ý niệm suông ?
NXH : Gia nhập, đầu tư như thế nào? Tôi không rõ. Nhưng tôi biết những nggòi bút trẻ như Nguyễn Quí Đức, Andrew Lam, Andrew Phạm, Linda Lê và… đã và đang đi vào thị trường chữ nghĩa bản xứ bằng chính tài năng của họ trên lãnh vực văn chương. Họ viết trực tiếp bằng tiếng Anh, hay tiếng Pháp (trường hợp Linda Lê). Họ đang làm cái việc mà cá nhân tôi ao ước vì tôi không có khả năng đó.
10.
SM: Anh có nhìn ra cái động lực đã làm chùn bước các ngòi bút được kể là năng động, là niềm hi vọng cho văn học lưu vong lâu nay như Trần Vũ, Đỗ Kh. , Nguyễn Qúi Đức, Vũ Quỳnh Hương, Vũ Quỳnh Nh. vv..vv
NXH : Tôi nghĩ các người trẻ đầy tài năng này vẫn viết đấy chứ. Nguyễn Quí Đức vẫn sáng tác trong khi đang làm cho một đài phát thanh của nguồn bản xứ, Đỗ Kh. làm điện ảnh, hai nhà văn họ Vũ thì một người công chuyện đa đoan, một người đời sống gia đình bận bi.u. Để hai vị nữ lưu đó có chút thì giờ tôi tin là người đọc chúng ta sẽ có cơ hội thưởng thức văn chương của ho.. Riêng Trần Vũ, tôi có may mắn gặp anh hồi đầu tháng Mười Một vừa qua tại Paris, anh nói lúc này anh “ngưng viết vì anh cần làm việc có tiền và có địa vị trong xã hội”. Anh Trần Vũ có lý riêng của anh. Đôi khi văn chương chẳng qua cũng chỉ là một trò chơi. Không thích trò chơi đó người ta tìm trò chơi khác thực tế hơn.
11.
SM: Nhà văn NXH trong mong gì ở giới viết lách trẻ ?
NXH : Chưa bao giờ tờ Văn được đăng nhiều sáng tác của người trẻ như những năm gần đây.
12.
SM: Anh theo đuổi nghề báo là vì :
– Muốn gánh lấy một trách nhiệm ? ( như duy trì một diễn đàn văn nghệ đứng đắn ) – Thời cơ đưa đẩy ? – Thỏa mãn một sở thích cá nhân ? – Mưu sinh ?
NXH : Như đã trả lời ở trên: Công việc làm báo của tôi hiện nay (không phải tờ Văn) cũng như mọi người khác trong xã hội là phải làm việc làm một việc nào đó để sống. Không lẽ mình cứ ngồi chơi lấy gì nuôi bản thân, nói chi chuyện nuôi gia đình. Còn tờ Văn là một chuyện khác. Nó chẳng mang lợi lộc gì ngoài bỏ công bỏ sức xxin bài, lay out, chịu nợ nhà in, gửi báo mỗi tháng và những khi báo gửi trễ bị một vài bạn đọc khó tánh mắng vào mặt, như mình là một người được bạn ấy nuôi sống bằng mấy cục đồng trong một năm. Chúng tôi luôn luôn biết ơn bạn đọc. Những bạn đọc đã thông cảm việc làm của chúng tôi, đã thông cảm nhưng khi báo ra trễ, gửi trễ vì nhiều lý do, trong đó có lý do Sổ Tay bao giờ cũng đưa chậm, vì cứ muốn chờ thời sự sau cùng để cho vào bài viết. Một vài bạn đọc hiếm hoi ccó vẻ như muốn nói “Tôi mà giận lên không thèm mua báo nữa thì chỉ có nước đi ăn mày.”
13.
SM: Từ ngày báo chí liên mạng nở rộ, báo dưới “đất” có bị ảnh hưởng gì không về lượng độc giả, thân hữu cộng tác bài vở ? …
NXH : Tôi không rõ lắm. Báo Văn cũng như Văn Học, Hợp Lưu đâu có đông người đọc đến nỗi sự thay đổi này làm ảnh hưởng chuyện kia, trừ phi các tác giả thỉnh thoảng có cho bài nay họ chỉ dành cho báo liên mạng thì họ không cho nữa thôi.
14.
SM : Có người than phiền đa số các vị chủ báo lười trả lời thư tín, thắc mắc của độc giả thân hữu như một thái độ xem thường bạn đọc . Điều này oan hay ưng ?
NXH : Tôi không biết các ông Nguyễn Mộng Giác, Khánh Trường thế nào chứ cá nhân tôi thích trả lời bằng điện thoại (nếu người viết có ghi số điện thoại) hoặc thích nhất là trả lời qua email. Chuyện viết một bức thư trả lời với tôi lúc này là một nỗi khổ tâm, không phải xem thường bạn đọc đâu, oan lắm!!!!!- mà vì quá lu bu. Có một cách trả lời thứ ba là mở hộp thư tòa soạn. Tôi nghĩ nhân đây lợi dụng câu hỏi của anh, tôi cầu mong bạn đọc tha thứ và thông cảm. Nhớ cho số điện thoại hoặc cho địa chỉ email. Hết lòng biết ơn các bạn và anh Sử Mặc.
15.
SM : Xin cám ơn nhà văn NXH . Cám ơn quý bạn đọc !
Canada 01 decembre 2001
Nguồn: https://sites.google.com/site/gsnguyenxuanhoang/phong-van
0 Bình luận