Nhạc sĩ Từ Công Phụng, nhạc sĩ mà dòng nhạc trữ tình trong ông tuôn chảy như dòng suối mượt mà. Dòng nhạc đó đã đến với khách thưởng ngoạn từ những năm ’60. Khán thính giả yêu mến dòng nhạc Từ Công Phụng trong và ngoài nước không phải là số nhỏ. Tôi hân hạnh có dịp được tiếp xúc với người nhạc sĩ tài ba này. Mời bạn đến với những tâm sự, suy nghĩ, và hoài bão của người nhạc sĩ mà ta yêu mến.

Nguyễn Thanh Trúc (NTT): Nếu có một ai đó hỏi cảm nghĩ của chú về vùng đất Ninh Thuận, chú sẽ trả lời họ thế nào?

Từ Công Phụng (TCP): Khi cô đặt ra câu hỏi này, có nghĩa là cô muốn tôi khẳng định một điều: Có phải tôi đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cằn cỗi đầy nắng và gió cát này không. Vâng, đây là mảnh đất đã để lại trong ký ức tôi đầy ắp một khung trời hanh nắng trên những cánh đồng mùa Đông trơ những gốc rạ mà tuổi thơ tôi đã rong chơi với những cánh diều lộng gió, đầy ắp những bãi cát trắng ngần bên bờ biển xanh và khung trời trong vắt không gợn một áng mây. Đây là miền đất đã chuyên chở một dòng tuổi thơ tôi cho đến lúc tôi rời khỏi mái trường trung học để phiêu lưu ở miền đất khác trong các trường đại học và từ đó bắt nhận được những rung động nồng nàn của tình yêu trong tuổi thanh xuân.
   
NTT: Một cử nhân Luật, và một nhạc sĩ sáng tác những dòng nhạc trữ tình mượt mà … dường như là hai mẫu người khác nhau. Thế nhưng cả hai người đó đều là chú. Cơ duyên nào đã đưa chú đến với nghệ thuật âm nhạc?

TCP: Tôi nghĩ con người là một sinh vật siêu đẳng mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho được một khả năng chứa đựng được nhiều sinh hoạt khác biệt trong một cơ thể cũng như có khả năng học hỏi và suy nghĩ về nhiều vấn đề khác nhau trong đời sống trong cùng một não bộ. Nhưng riêng tâm hồn và sự rung động thì mỗi người có một mức độ chuyên biệt khác nhau. Có gì lạ khi Tổng Thống Clinton lại là một người thổi kèn saxo rất hay. Và có ai cấm một người viết nhạc như tôi không có được bằng cử nhân luật. Đối với tôi bằng cấp chỉ là phương tiện giúp chúng ta tạo dựng đời sống vật chất tạm gọi là căn bản để chúng ta có thể thực hiện cứu cánh của tâm hồn là nghệ thuật.

NTT: Thập niên 60, có khoảng 12 ca khúc được chú sáng tác như: Bây Giờ Tháng Mấy, Mùa Thu Mây Ngàn, Lời Cuối, Tuổi Xa Người, Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên, … Bài nào chú ưng ý nhất?

TCP: Đây là một câu hỏi mà tôi thường bị hạch nhất! Làm thế nào trả lời được khi những bài hát ấy luôn luôn được viết ra từ những rung động của trái tim, từ những xúc động của tâm hồn? Bởi vậy chúng đều là những đứa con yêu. Mỗi đứa một vẻ làm sao có thể yêu đứa này hơn đứa kia, phải không?

NTT: Tác phẩm Bây Giờ Tháng Mấy đã được phổ biến rộng rãi và gắn liền với tên tuổi của chú. Chú nghĩ vì lý do nào? Vào hoàn cảnh nào chú đã sáng tác bài hát bất hủ này?

TCP: Như tôi đã đề cập ở câu hỏi trên, Bây Giờ Tháng Mấy được ra đời bởi sự thôi thúc của một tâm hồn lãng mạn thời son trẻ, mê đọc tiểu thuyết lãng mạn, và thấy bàng hoàng ngây ngất khi nghe được một khúc nhạc réo rắt của Chopin ở đâu đó từ một chiếc dương cầm. Hồi đó tôi 18 tuổi.

NTT: Giọt Lên Cho Ngàn Sau được sáng tác vào khoảng thời gian nào thưa chú?

TCP: Giọt Lệ Cho Ngàn Sau là bài hát viết cho cuộc tình vô vọng ở năm 1969, như một lời tạ lỗi dành cho kẻ tình nhân đã để lại trong đời tôi nhiều giọt nước mắt.

NTT: Các tác phẩm của chú có những tựa đề rất nhẹ nhàng, lãng mạn. Chẳng hạn như: Giọt Lệ Cho Ngàn Sau, Mắt Lệ Cho Người Tình, Nằm Nghe Em Hát Trên Vùng Biển, Qua Vùng Biển Nhớ, Một Mình Trên Đồi Nhớ, Như Ngọn Buồn Rơi, Trên Ngọn Tình Sầu, Thiên Đường Quạnh Hiu, … Thường thì chú đặt tựa đề trước hay sau khi tác phẩm thành hình?

TCP: Có khi đặt trước có khi đặt sau. Tùy theo bài.

NTT: Nếu đem so sánh mức độ rung cảm của tâm hồn và sức sáng tác của chú khi còn bên nhà và ở hải ngoại, chú có nhận xét gì?

TCP: Vâng, dĩ nhiên là có sự khác biệt. Ba hay bốn chục năm về trước lúc còn trẻ thì mức độ rung động mãnh liệt hơn. Nếu chúng ta có một thời để sống và một đời để chết, thì thời của thanh xuân là một thời đẹp nhất để sống, để dấn thân, là thời mang nhiều dấu ấn của tình yêu, và đó chính là thời sáng tác mạnh nhất. Nhưng khi rời đất nước ra đi, chúng tôi không còn tuổi trẻ để mang theo mà chỉ đem được rất nhiều kỷ niệm, ngổn ngang trong trí nhớ với những niềm luyến tiếc khôn nguôi. Ở quê hương chúng ta, mặc dù miền Nam chỉ có hai mùa mưa nắng nhưng tháng Tám dường như chúng ta nghe mùa Thu có con nai vàng đạp trên lá vàng khô trong thơ Lưu Trọng Lư. Và tôi tưởng tượng như có mùa Thu trờ mình trên gót nhỏ dìu em đến người bằng vòng tay nâng niu hạnh phúc như trong bản Như Ngọn Buồn Rơi. Nhưng sao ở đây, quê người, mảnh đất tạm dung thân, tháng Chín, nhân dáng mùa Thu trở về đẹp quá trong chiếc áo xanh vàng đỏ đâu đó mà sao lòng mình không xúc cảm là mấy. Có phải quê người không có một chỗ đứng trong tâm hồn kẻ lưu vong như chúng ta, không có một kỷ niệm nào trong ký ức để nhớ để thương. Và cũng có thể tuổi tác đã bắt đầu chồng chất theo năm tháng với những ưu tư về đời sống nên mức độ rung cảm của tâm hồn và cảm hứng sáng tác không còn dồi dào như trước nữa? Có thể là như vậy.

NTT: Thường thì bao lâu chú viết xong một tác phẩm? Trong những tác phẩm của chú, tác phẩm nào được sáng tác nhanh nhất? Tác phẩm nào lâu nhất?

TCP: Tùy lúc. Có khi chỉ cần một giờ là hoàn tất không cần sửa chữa, có khi cả tuần hay cả tháng. Trong những sáng tác của tôi có hai bài tôi viết nhanh nhất là Lời Cuối (1967) và Giữ Đời Cho Nhau (Ơn Em) vỏn vẹn có một tiếng đồng hồ hơn. Và bài hát tôi viết lâu nhất là Mưa Trên Ngày Tháng Đó, mất ba tháng. Thường thì từ ba ngày đến một tuần.

NTT: Trong lúc sáng tác, chú thường dùng nhạc cụ gì để thử thanh âm?

TCP: Đôi khi là dương cầm. Thường thì guitar vì guitar dễ mang theo đó đây.

NTT: Sau khi hoàn tất một tác phẩm mới, thường thì chú sẽ đưa ai hát thử trước?

TCP: Tôi sẽ là người hát trước để trình làng. Sau đó ai thích thì tôi release sau khi có sự đồng ý của tôi. Ca sĩ mà tôi nghĩ tới trước hết là Tuấn Ngọc.

NTT: Tác phẩm mới nhất của chú là gì?

TCP: Ca khúc mới nhất là Bên Dòng Đời Tịch Liêu mới viết cách đây vài tháng.

NTT: Xin chú đánh giá mức thành công của chương trình Nhạc Thính Phòng để gây quỹ cho trẻ em mồ côi ở vùng cao nguyên Việt Nam?

TCP: Có hai loại thành công: Thành công về tài chánh và thành công về nghệ thuật. Thành công nào cũng tùy thuộc vào khán giả tham dự. Khán giả tham dự nhiều thì thành công về tài chánh. Khán giả nhiệt liệt khen ngợi thì thành công về nghệ thuật. Khi nói đến một chương trình Nhạc Thính Phòng thì phải nghĩ đến vấn đề nghệ thuật. Vì đây là lần đầu tiên một chương trình âm nhạc loại thính phòng được tổ chức tại thành phố Portland. Và cũng là lần đầu tiên qui tụ những giọng ca vàng trong nền tân nhạc Việt Nam từ nhiều thập niên qua mà gần đây họ không còn xuất hiện nữa. Kim Tước đã gây ngạc nhiên cho người thưởng ngoạn vì không ngờ tiếng hát của chị vẫn còn thánh thót và sang cả đến như vậy. Mai Hương vẫn ngọt ngào và đầm ấm như thuở nào. Quỳnh Giao vẫn lảnh lót và duyên dáng. Và ban Tam Ca Tiếng Tơ Đồng với Kim Tước, Mai Hương, và Quỳnh Giao cùng đôi song ca Nga My, Lãng Minh đã mang đến cho khán giả Portland, Oregon chiều hôm ấy từng giây phút thích thú, và đã để lại trong ký ức họ những hình ảnh và những dòng âm thanh khó quên. Song song với thành công về nghệ thuật, Ban Tổ Chức cũng gặt hái được thành quả tài chánh khiêm nhường để dành giúp đỡ các em bị bệnh phong cùi đang bị bỏ quên tại các vùng Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam. Nói tóm lại buổi Nhạc Thính Phòng vừa qua rất thành công về nghệ thuật (theo dư luận của khán giả tham dự). Aâu cũng là niềm khích lệ cho tôi tiếp tục tổ chức những buổi sinh hoạt nghệ thuật trong tương lai.

NTT: Ngoài những chuyến lưu diễn, chú có dự định, kế hoạch gì về lĩnh vực âm nhạc trong những ngày sắp tới?

TCP: Những lúc nào không đi lưu diễn thì tôi làm việc để kiếm sống, sáng tác, đọc sách, và học hỏi thêm. Sắp thực hiện thêm những CD mới.

NTT: Chú đi lưu diễn cũng khá nhiều. Chú có kỷ niệm vui nào chia xẻ với bạn đọc của nguyệt san Hồn Quê?

TCP: Thực sự tôi là một nhạc sĩ sáng tác chứ không phải là ca sĩ trình diễn. Nên sự xuất hiện của tôi trước quần chúng rất giới hạn (Ở quê nhà trước kia cũng như ở hải ngoại hiện nay). Tuy nhiên, nếu so sánh với các nhạc sĩ sáng tác cùng thời với tôi ở thập niên 60, tôi là người có nhiều cơ hội xuất hiện trước đám đông nhiều hơn họ. Cho đến nay, mặc dầu gần kề lục tuần, tôi vẫn được mời đi nhiều nơi trong nước Mỹ cũng như các nước ngoài để trình diễn nhạc của mình theo nhu cầu thưởng thức của khán thính giả đã từng yêu mến nhạc Từ Công Phụng. Tôi đến định cư tại Hoa Kỳ nă 1980 sau 5 năm kẹt lại Việt Nam. Tính đến nay, đúng 21 năm. Sau gần mười năm sống ẩn dật tại thành phố Portland, thì tôi bị bạn bè khám phá và lôi tôi xuống núi. Và bắt đầu từ đó, tôi lại có dịp trình bày những sáng tác của tôi trước quần chúng mà lâu nay họ cứ ngỡ là tôi đã gác bút không còn sáng tác nữa. Tôi thường có dịp trở lại nhiều lần trong một thành phố theo yêu cầu của khán giả. Niềm hạnh phúc lớn lao của một người nghệ sĩ là khi trở lại chốn cũ, người đó đã được đón nhận nồng nhiệt hơn.

Tôi có nhiều kỷ niệm ghi nhớ mãi trong đời ở nhiều nơi khác nhau. Thí dụ như ở Montréal Canada, nhà văn Song Thao đã kể cho khán giả nghe một giai thoại về bản Bây Giờ Tháng Mấy. Trước ngày tôi đến Canada, anh đã đi một vòng để làm một cuộc survey nhỏ về tôi. Anh hỏi 10 người tuổi cũng trạc thế hệ tôi là “Có biết Từ Công Phụng là ai không?” Có 9 người lắc đầu là không biết. Nhưng khi anh hỏi “Có biết bài hát Bây Giờ Tháng Mấy không?” thì 10 cái đầu cùng gật gù và tán thưởng “Đây là một bài hát hay, để lại nhiều kỷ niệm trong đời tôi.” Nhà văn Song Thao nhìn tôi mỉm cười và nói: “Anh là một người có phúc vì anh sinh ra một đứa con mà quần chúng biết đến con anh nhiều hơn anh. Con hơn cha là nhà có phúc!”

Có một lần ở Melbourne, Uùc Châu, vì nể lời yêu cầu của đứa con trai, một ông cụ lần đầu tiên trong đời đã đến dự đêm Nhạc Thính Phòng của tôi. Sau khi chương trình chấm dứt, cụ xin được lên sân khấu để phát biểu vài cảm tưởng. Cụ đã tặng cho tôi một nhánh hoa hồng, và nói: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi tặng cho nhạc sĩ một nhánh hoa hồng. Nhạc sĩ đã làm tôi xúc động và thay đổi thành kiến của tôi về nhạc tình. Trước khi tôi rất ghét nhạc tình vì nó ủy mị, không mang đến cho con người một sức sống. Nhưng đặc biệt đêm nay, sau khi nghe ông hát hơn 20 bài tình ca của ông, ông đã đánh tan thành kiến của tôi. Nhất là khi tôi nghe bản Ơn Em, tôi thấy tình yêu cũng là một cần thiết trong đời sống. Và sự trân trọng của ông đối với phụ nữ qua bài hát này là một thái độ rất lịch sự thoát ra từ tình yêu thương mà trước kia thế hệ của chúng tôi không hề nghĩ tới. Nếu tôi không đến được đêm nay thì quả là một điều thiếu sót. Tôi nói đây với tất cả lòng chân thành. Và đoá hồng này chính là niềm ưu ái riêng dành cho ông. Tôi xin thay mặt khán giả đêm nay để cám ơn ông.” Oâng cụ đã làm cho tôi xúc động. Hình ảnh ông cụ đã in sâu vào tâm khảm tôi, rất khó quên.

Năm 1995, trong đêm nhạc kỷ niệm 35 năm Tình Ca Từ Công Phụng, sau khi chương trình chấm dứt, có một bà cụ khoảng 80 tuổi đến chào tôi và nói: “Chừng nào ông đến nữa? Oâng cố gắng trở lại sớm để tôi còn có dịp đến nghe ông một lần nữa. Nếu lâu lắm ông mới trở lại thì có khi tôi đã “đi” rồi.” Tôi cầm lấy tay cụ mà lòng nghẹn ngào.

Có một điều đặt biệt mà tôi muốn nêu lên ở đây là tôi đã gặp được rất nhiều khuôn mặt trẻ trong tất cả các đêm Nhạc Thính Phòng dành riêng cho tôi. Tôi đã đi từ ngạc nhiên đến thích thú khi nhìn thấy họ ngồi im lặng say sưa thưởng thức từ đầu đến cuối khiến tôi có cảm tưởng như họ đang ghi từng nốt nhạc và uống từng lời ca của tôi. Các bạn có thấy không? Niềm yêu thương của khán thính giả dành cho một người nhạc sĩ sáng tác nói riêng và nghệ sĩ nói chung chính là sợi dây vô hình đã buộc chặt người nghệ sĩ với nghệ thuật. Có một lần, trong một dịp xuống miền Nam Cali, một số bạn bè cũ từ thời học chung các trường đại học ở Sài Gòn mời tôi đến cùng vui với anh em trong buổi họp mặt. Họ có yêu cầu tôi hát cho họ nghe một sáng tác mới nhất của tôi. Họ vỗ tay và tôi cám ơn họ. Nhưng rồi họ từ chối tiếng cám ơn của tôi và nói: “Chúng tôi mới là những người biết ơn anh vì anh đã mang đến riêng cho chúng tôi chiều hôm nay một niềm hạnh phúc lớn qua âm nhạc của anh!” Đó cũng là niềm hạnh phúc của tôi nữa chứ. Phải không các bạn? Vì tôi đã mang đến cho đời ít ra là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi qua âm nhạc. Chính đó là sợi dây vô hình đã buộc chặt tôi ở lại với âm nhạc từ 40 năm qua cùng với khán giả.

NTT: Chú có bao giờ viết thơ, văn, hay hồi ký về đời mình?

TCP: Tôi nghĩ chưa phải lúc tôi ngồi viết lại về đời mình. Vả lại đời tôi chẳng có gì đáng nói trong cái bình thường như muôn ngàn cái bình thường khác.

NTT: Người ta nói: “Đằng sau người đàn ông thành công là người phụ nữ tuyệt vời.” Cô đã và đang đóng vai trò gì trong sự thành công của chú?

TCP: Tần tảo để vun xới gia đình của một người đàn bà là đã tuyệt vời rồi. Nhà tôi còn tuyệt vời hơn nữa khi biết dành thì giờ và khuyến khích tôi không ngừng sáng tác (Tạ ơn em! Tạ ơn em!)

NTT: Đối với những nhạc sĩ trẻ (không chuyên nghiệp) hiện nay, chú có lời khuyên gì cho họ?

TCP: Nếu đã chọn âm nhạc như là một cái thú đam mê thì hãy sống trọn vẹn cho âm nhạc. Từ đó bạn sẽ tạo cho mình một thế giới riêng lẻ. Và người đời sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng cái vẻ đẹp mà bạn đã tạo ra.

NTT: Cám ơn chú đã dành chút thời gian quý báu cho bạn đọc của Nguyệt san Hồn Quê. Xin kính chúc chú và gia đình nhiều sức khoẻ và mong được thưởng thức nhiều sáng tác mới của chú.

TCP: Cám ơn cô.

Thực hiện bởi Nguyễn Thanh Trúc

Nguồn: Trích từ Nguyệt san Hồn Quê 2010

 

0 Bình luận

Bình Luận