Nguyên tác: https://www.theguardian.com/music/2021/oct/28/saigon-twist-meet-phuong-tam-vietnam-first-rocknroll-star

Phương Tâm, hình bài tạp chí Đẹp, Sài Gòn 1965

Vào những năm đầu thập niên 1960 ở Sài Gòn, Nguyễn Thị Tâm xuất hiện trên sân khấu các phòng trà và hộp đêm sôi động của thành phố. Cô thể hiện tinh hoa của một thiếu nữ trẻ với mái tóc đen dài buông thẳng và tà áo dài trắng thanh lịch. Nhưng thay vì những bài hát truyền thống, cô lại trình diễn những bản nhạc gợi nhớ đến những chiếc xe độ của Mỹ, những cơn sốt nhảy lắc hông và thậm chí là sự bỏ rơi của tuổi teen: lấy nghệ danh là Phương Tâm, cô là một trong những ca sĩ rock’n’roll đầu tiên của Việt Nam. “Hồi đó, mọi người đều hát tiếng Việt, một số hát nhạc Pháp, nhưng không ai hát nhạc Mỹ,” cô Tâm, nay 76 tuổi, tâm sự .

Bị thất lạc trong nhiều thập niên, 25 trong số những bài hát tuyệt vời mà cô đã thu âm – tất cả đều giàu sức sống và không khí – giờ đây có thể tìm thấy trong Magic Nights (Đêm huyền diệu), một biên soạn bước ngoặt đòi hỏi nỗ lực tập thể quốc tế để khôi phục lại một thời kỳ sơ khai của nhạc rock Việt Nam. Tâm và tôi nói chuyện bằng tiếng Việt, từ nhà của chúng tôi tại hai cộng đồng người Việt lưu vong lớn nhất thế giới: cô ở San José, California; tôi thì ở Sydney, Australia. Dù rằng chúng tôi đang nói về các sự kiện từ hơn nửa thế kỷ trước, tôi thực sự ngạc nhiên về trí nhớ của cô. “Dĩ nhiên, đây là những kỷ niệm quý giá. Tôi đã may mắn. Tôi đã trình diễn mỗi đêm ”.

Lớn lên ở Hóc Môn gần Sài Gòn phồn hoa của những năm 1950, Tâm nghe tiếng nhạc lơ lửng qua bức tường trong sân nhà cô. “Khi radio của hàng xóm mở lên, thì thường là nhạc Mỹ – và tôi thích nhạc này, cho nên tôi ngồi ngoài sân để nghe.” Năm 12 tuổi, cô bắt đầu học nhạc từ một người hàng xóm chơi đàn mandolin, người đã gợi ý cô nên lấy nghệ danh là Phương Tâm nghe có vẻ nữ tính hơn. Năm 1961, ở tuổi 16, cô thi tuyển vào Biệt đoàn Văn nghệ, một đoàn văn hóa nghệ thuật miền Nam Việt Nam: chương trình của chính phủ chiêu mộ các nghệ sĩ biểu diễn tham gia quân đội. Cha cô muốn cô tiếp tục việc học, nhưng cô đã quyết định – “Tôi yêu ca hát” – và bỏ học.

Trong những năm 1960, sân khấu ca múa nhạc sống động ở Sài Gòn nở rộ với sự đóng góp từ lính Mỹ và các doanh nhân Việt Nam. Phương Tâm được nhiều nơi mời trình diễn. Ban ngày cô tập dượt và ban đêm cô biểu diễn cho khán giả Việt Nam và nước ngoài. “Tôi hát từ năm giờ chiều cho đến một giờ sáng. Tôi bắt đầu ở căn cứ sân bay, sau đó lúc 7 giờ tối tôi hát ở câu lạc bộ sĩ quan. Sau đó, tôi đến một câu lạc bộ khiêu vũ khác, với Nguyễn Văn Xuân đệm piano. Buổi biểu diễn cuối cùng là ở một câu lạc bộ khác vào lúc nửa đêm. “

Chính trong thời gian này, cô đã gặp Hà Xuân Du, một bác sĩ quân đội, người say mê giọng hát của cô. Hai năm sau, họ kết hôn, bất chấp sự phản đối từ gia đình khá giả của ông. Nhưng đây là tình yêu đích thực. Khi người chồng mới của cô – một bác sĩ trong lực lượng không quân miền Nam Việt Nam – phải đi nhận nhiệm sở mới ở Đà Nẵng cô đã không ngần ngại đi theo. Mặc dù cô kiếm được nhiều tiền hơn với nghề ca hát so với chồng cô làm bác sĩ, nhưng cô đã bỏ lại tất cả. Tâm nói: “Tôi quên hết chuyện ca hát. Tôi không có thời gian để cảm thấy hối tiếc vì phải lo chăm sóc ba đứa con nhỏ.” Vào tháng 4 năm 1975, trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, gia đình cô di tản qua Mỹ tị nạn.

Tâm chưa bao giờ kể lại cái quá khứ âm nhạc của mình cho các con nghe. Chỉ một lần khi ghé qua một cửa hàng âm nhạc Việt Nam ở Quận Cam, cô thấy một đĩa CD có một vài bài do cô hát, nhưng cô không nghĩ là sẽ cho các con biết. Khi tôi hỏi dồn là tại sao cô lại không cho các con biết về chuyện ca hát của mình, cô chỉ cười nhẹ và không nói gì thêm. Nhưng quá khứ của cô không bị xóa bỏ hoàn toàn: trong những năm gần đây, người chồng quá cố của cô đôi khi tìm thấy nhạc của cô trên YouTube và cho cô xem, mặc dù các bản nhạc thường ghi không đúng người hát.

Phương Tâm trình diễn với ban nhạc Khánh Băng trong đại nhạc hội Hoa Hậu Việt Nam, 1965

Magical Nights tổng hợp các bản thu âm từ năm 1964 đến năm 1966, những năm cuối cùng ca hát của cô. Đó là một bằng chứng cho sự đón nhận rock của Việt Nam. Ban đầu, âm nhạc lan đến các trường trung học Pháp, một di sản của chế độ thực dân, sau đó qua người Mỹ – sự hiện diện ngày càng nhiều kể từ những năm 1950, khi chiến tranh Việt Nam leo thang. Ở miền Nam Việt Nam, việc biểu diễn nhạc nước ngoài được phép nhưng không được phép ghi âm, vì tất cả các sản phẩm văn hóa bị kiểm duyệt. Nhưng ảnh hưởng của âm nhạc ngoại quốc không thể bị dập tắt, vì vậy các nhà soạn nhạc bắt đầu viết ca khúc Việt Nam theo các phong cách như twist, surf, hully gullymashed potato. Tất cả âm nhạc này được gọi chung là nhạc kich động.

Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Khánh Băng thường tập dượt với Tâm trước khi vào phòng thu để thu âm. Những bài hát rock này nhìn chung là những biểu hiện lạc quan và trẻ trung của tình yêu, đan xen với nỗi cô đơn và mất mát, với những ca từ như “chia ly là một phần của cuộc sống” và “chiến đấu trong một cuộc chiến không mong muốn”. Việt Nam đã bị chia hai bởi Hiệp định Genève 1954, sau một cuộc đấu tranh kéo dài để giành độc lập từ người Pháp. Tiếp theo là cuộc nội chiến. Tuy nhiên, vào giữa những năm 1960, Tâm đã hát mà không hề sợ hãi. Cô nói: “Tôi không phải lo lắng gì khi hát ở Sài Gòn. Chiến tranh trở nên khốc liệt hơn nhiều vào những năm 1967-1968, nhưng lúc đó thì tôi đã nghỉ hát rồi”.

Con gái lớn của Tâm, Hannah Hà, tham gia cuộc gọi với hai chúng tôi từ St Louis, Missouri, nơi cô sống và làm việc với tư cách là một bác sĩ. Lớn lên ở Mỹ, Hà đặc biệt không thích nhạc Việt Nam so với nhạc jazz, rock và pop, “nhưng bây giờ thì tôi nghe không biết bao nhiêu cho đủ”.

Hà luôn biết mẹ mình không phải là một người ca hát tài tử, nhờ cái cách bà nổi bật trong các buổi tiệc karaoke. Như cô viết trong lời giới thiệu cho CD: “Lắc lư và nhắm mắt khi hát, cô đã làm cả buổi tiệc quay trở lại cái không khí hộp đêm Sài Gòn trước năm 1975.” Tuy nhiên, cô không nghĩ nhiều đến sự nghiệp ca hát của mẹ mình, cho đến cuối năm 2019, khi nhà sản xuất của bộ phim Mắt Biếc (Dreamy Eyes) viết thư cho Tâm bàn về việc sử dụng âm nhạc của cô. Chuyện này làm Hà tò mò: mẹ cô có thực sự hát rock’n’roll không? Ngay sau đó cô tìm thấy một dĩa nhựa 7in rao bán trên eBay với ba bài hát của Y Vân và Tâm trình bày: 60 Năm, Đêm Huyền Diệu20-40. Những bài hát này vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay trên khắp cộng đồng người Việt hải ngoại, và được ghi âm lại nhiều lần.

Phương Tâm (bên phải) với con gái Hannah Hà

Hà đặt giá đấu tối đa là 2.000 đô la. “Tôi mong muốn mãnh liệt mua được dĩa này,” cô nói (cuối cùng, cô thắng cuộc đấu giá với 167 đô la). Sau đó, Hà đã nhờ đến Mark Gergis, nhà sản xuất của bản tổng hợp đình đám Saigon Rock and Soul (2010), nhưng việc tìm kiếm phần còn lại của âm nhạc của Tâm dường như là chuyện lấp biển vá trời, vì tất cả những gì có trong tay chỉ là ba bản nhạc từ cái dĩa nhựa mua ở eBay và một số video YouTube dán nhãn không chính xác.

Gergis dựa vào bộ sưu tập của mình và tiếp xúc với những liên hệ rộng lớn của mình. Hà đã liên lạc với những người lạ trên YouTube và Discogs trước khi tìm được Adam Fargason, một nhà sưu tập người Mỹ sống ở Việt Nam. “Adam đưa tôi đi mua sắm ảo ở Sài Gòn, vì là thời kỳ đại dịch,” Hà nói. “Ông đến những cửa hàng bán nhạc cũ nơi có những dĩa hát cũ bỏ vất vưởng trên sàn nhà ở phòng sau. Những dĩa nhựa này thường phủ nhiều lớp bụi và không có bìa. Ông phải dùng điện thoại video để tôi có thể nhìn thấy, và chúng tôi xem qua từng dĩa một. ” Tổng cọng tìm ra cô Phương Tâm đã ghi âm 27 bản nhạc.

Tâm nói: “Khi Hannah gửi nhạc cho tôi, tôi đã khóc khi nghe lại từng bài hát. Tôi không nhớ là mình đã thu thanh nhiều như vậy và đã quên mất phần này của cuộc đời mình. Tôi cảm thấy tiếc là chồng tôi không còn sống để nghe được album này ”. Cô khóc khi nhắc đến người chồng quá cố của mình, người đã qua đời năm 2019 – ông là người ái mộ lớn nhất của cô ấy, nhưng ông đã không biết rằng những bản ghi âm này vẫn còn tồn tại.

Tôi tự hỏi cô Tâm nghĩ gì về việc con gái mình đào bới quá khứ, lùng kiếm những gì tưởng chừng đã mất, giống như đối với rất nhiều thứ khác trong giai đoạn đầy biến động này của lịch sử Việt Nam. “Dự án kéo dài, nhưng Hannah kiên quyết theo đuổi,” cô nói. “Phải mất 18 tháng với các dĩa nhựa trầy xước này; giống như leo núi ngược vậy. Cô ấy rất cứng đầu. “

Tôi nghĩ rằng Hà cũng cứng đầu như chính cô Tâm đã từng, như cách cô quyết tâm theo nghề ca sĩ bất chấp sự phản đối của cha mẹ. Ba chúng tôi cười: phụ nữ Việt Nam cứng đầu thường sẽ cố tìm cách để thực hiện những điều không thể thực hiện được.

Sheila Ngoc Pham

Phỏng dịch: Nguyễn Sĩ Hạnh

Magical Nights: Saigon Surf, Twist & Soul 1964-1966 có bán ở  Sublime Frequencies.

Nguồn: https://www.theguardian.com/music/2021/oct/28/saigon-twist-meet-phuong-tam-vietnam-first-rocknroll-star

6 Bình luận

  1. htha66@gmail.com'

    Nguyễn Sĩ Hạnh dịch bài báo rất hay. Hannah là con gái lớn của ca sĩ Phương Tâm. Hannah gửi qua cho Mẹ đọc xong, là Mẹ cũng khóc. Hannah xinh cảm ơn Hạnh nhiều.

    1. nguyensihanh@yahoo.com.au'

      Cám ơn cô Hannah!
      Bài original viết rất hay & cảm động .
      Nỗ lực của cô trong việc phục hồi lại âm nhạc của mẹ mình rất là đáng phục!
      Hi vọng âm nhạc của cô Phương Tâm sẽ được nhiều người nghe và nhớ .
      H.

  2. phanle95121@yahoo.com'

    Rất ngạc nhiện là vào cái thời ban sơ của cuộc sống ở Saigon khi mới di cư từ miền Bắc vào Nam vào thập niên 60-70 , Các ông bà cụ như cha mẹ của chúng tôi rất kỵ khi nghe các loại nhạc trẻ kích động mà Phương Tâm trình diễn .

    Tiếc rằng ca sỹ Phương Tâm đã bỏ nghề hát , để đi theo tiếng gọi của con tim và lên xe hoa với ông Hà Xuân Du , chị đã để lại bao tiếc nhớ của giới trẻ thời bấy giờ đã đam mê tiếng hát của chị. .

    Cho đến bây giờ giọng ca của chị vẫn còn trong sáng và tình cảm dạt dào ,mổi lần chị cất tiếng hát là làm người nghe thấy cảm mến và gần gũi .

    TL

  3. amyvu99@gmail.com'

    Chúng tôi hân hạnh được thân thiện với anh chị Phương Tâm Hà Xuân Du khi chúng tôi đi thực tập tại NY. năm 1977. Thời đó khổ cực lắm, vì làm việc ngày đêm, ít có ngày nghỉ. Chúng tôi chưa có gia đình, nhưng anh chị đã có 3 cháu nên cuộc sống rất chật vật. Chị không quản ngại, kiếm tiền phụ chồng bằng nghề tay chân. Sau này mới biết thuở vàng son của ca sĩ PT thời xa xưa, chúng tôi lại càng mến phục anh chị hơn: bác sĩ phu nhân, ca sĩ hái ra tiền một thời mà vẫn tuối cuội làm những công việc minimum wage !!

    Chúng tôi càng thân thiện hơn khi ra trường lại may mắn mở phòng mạch gần nhau !!!

    Khi phong trào ca nhạc thịnh hành trở lại, Bác sĩ Hà Xuân Du khuyến khích thần tượng của mình trở lại ca hát, nhưng chị chỉ hát từ thiện, không lấy thù lao .

    Một ngày đầu năm 2010, con trai Timothy Vu sưu tầm 1 bài hát cháu rất thích “Có Nhớ Đêm Nào”. Cháu lại càng sửng sốt khi biết PT hay đến nhà chơi mà cháu gọi là bác Du.

    Hiện tại chị PT vẫn thường xuyên sinh hoạt với chúng tôi. Không bao giờ chị tỏ thái độ ta đây của một ca sĩ nổi tiếng, đòi hát trướcc, hay hát nhiều. Lúc nào cũng khiêm nhường, chờ đến lượt mình và nhất là, không bao giờ hát xong rồi bỏ về, lúc nào cũng ở lại đến giờ cuối cùng. Giọng hát hay hơn trướcc, điêu luyện hơn, hấp dẫn hơn, dù đã nhiều tuổi rồi.

    Một luyến tiếc duy nhât: bác sĩ Hà Xuân Du không còn nữa để tiếp tục thưởng thức giọng hát mà anh ngưỡng mộ ngày xa xưa: vẫn tươi mát, cao vút nhưng rất tình cảm của 60 năm về trước .

  4. ptxuanduha@gmail.com'

    Cám ơn anh dịch bài báo quá hay . Đọc rất cảm động .
    Bài hát “Có nhớ đêm nào” là bài Twist đầu tiên ở VN mà nhạc sĩ Khánh Băng viết và tôi là người thu dĩa đầu tiên.
    PT

    1. nguyensihanh@yahoo.com.au'

      Cám ơn cô PT đã quá khen!
      Bài hay là do ở nguyên bản tiếng Anh của cô Sheila Ngoc Pham!
      Cám ơn cô Hannah đã ráng phục hồi lại âm nhạc 60 năm về trước của mẹ mình.
      Hi vọng là nhờ vào nỗ lực này mà âm nhạc của PT sẽ được nhiều người nghe lại và nhớ đến!
      Kính chúc cô PT luôn bình an!
      H.

Bình Luận