Tết Kỷ Hợi 2019: Nhớ chuyện vui trên sân khấu của Thành Được, Thanh Nga
Tôi xa rời đất nước đi định cư ở Montréal – Canada đã hơn ba mươi năm, nhưng cứ mỗi độ Xuân về, tôi không tài nào quên được hương vị Tết của quê hương dù tôi đang ở nơi muôn trùng viễn cách.
Tết ở Canada tuyết trắng mịt mù, giá lạnh buốt xương, đường tuyết trơn trượt, cái tuổi xuân già 97 của tôi không cho phép tôi chống gậy xuất hành đi hái lộc và rước ông Thần Tài như những ngày Xuân xưa ở quê nhà. Đành ngồi nhà, nhâm nhi tách trà, nhìn tuyết rơi từng bông tuyết lớn như hoa mai mà tưởng chừng như những đóa hoa bạch mai của trời ban cho, gợi nhớ chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ Sài gòn.
Chân không ra khỏi nhà được nhưng tâm hồn tôi vẫn lãng du, bay bỗng về vùng trời kỷ niệm xa xưa để nhớ mãi về những cái Tết khó thể quên của giới nghệ sĩ Cải Lương trước năm 1975.
Ngày đầu Xuân ở quê hương Việt Nam, từ thành thị đến thôn quê, mỗi góc phố, chợ búa, mỗi thôn xóm, mỗi gia đình, từng mỗi con người, tuỳ theo tuổi tác và nghể nghiệp, tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình, tất cả đều nô nức chuẩn bị đón những ngày tươi đẹp nhứt trong năm.
Nghệ sĩ cải lương cũng không ngoại lệ, nhưng nghệ sĩ có cách ăn Tết khác người thường. Khi người bình thường vui Xuân, chơi Tết thì người nghệ sĩ phải làm việc, phải biểu diễn cống hiến niềm vui cho mọi người. Vậy nên từ ngày 25 tháng chạp, sau xuất diễn cuối cùng trong năm, Bầu gánh, các nam, nữ nghệ sĩ và các công nhân sân khấu và các bạn bè thân thiết của bầu gánh và nghệ sĩ đều tụ tập trên sân khấu, trước bàn thờ Tổ nghiệp để làm lễ cúng “Tổ” và đưa “Ông” về trời, giống như người dân bình thường có tập tục cúng và đưa “Ông Táo” về trời ngày 23 tháng chạp hàng năm. Sau đó là tiệc cuối năm, rượu thịt ê hề, có cả đàn ca tài tử để nghệ sĩ vui Xuân đón Tết trước. Cuộc vui kéo dài thâu đêm suốt sáng. Ai say thì lăn quay ra sàn diễn mà ngủ để rồi sáng hôm sau người nhà tới kiếm đưa về. Từ 25 tháng chạp đến 30 tháng chạp, các đoàn đều nghỉ hát, các nghệ sĩ có thời gian lo cho gia đình hưởng Tết hoặc đi về thăm quê thăm bà con thân quyến và đi tảo mộ. Đêm 30 Tết, người dân bình thường cúng rước ông bà và đón Giao thừa, nghệ sĩ cúng rước ông Tổ nghiệp rồi rước ông bà sau. Sau đó mọi người về nhà nghĩ đến sáng mùng 1 tập trung nơi gánh hát để hát suất hát đầu xuân.
Trước năm 1975, các đoàn hát khai trương những vở tuồng hát Tết đều có tựa tuồng và nội dung hạp với ý muốn của khán giả đi xem hát đê bói tuồng, mong gặp hên. Đoàn Thanh Minh Thanh Nga có vở Tình Xuân Muôn Tuổi, đoàn Dạ Lý Hương có vở Hai Nụ Cười Xuân, Anh Hùng Xạ Điêu, đoàn Kim Chưởng có Bến Hẹn Ngày Xuân, đoàn Thái Dương có Tuổi Hồng Cho Em, đoàn Kim Chung có Một Ngày Xuân, Mạnh Lệ Quân Kỳ Nữ, đoàn Minh Tơ có tuồng Lưu Bị Cầu Hôn Giang Tả, trước khi hát vô tuồng chánh, đoàn Minh Tơ còn có màn Lục Quốc Phong Tướng để cho khán giả đi xem hát bói tuồng cảm thấy năm mới sẽ rất hên: ”Đi lính lên lon, làm quan thăng chức, buôn bán nhứt bản vạn lợi, cưới vợ thì đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái.”
Thời đó tuồng hát là nhắm vào việc giải trí, mua vui cho khán giả chớ không bị một chủ thuyết chính trị của một đảng phái nào ép buộc, nên tuồng Tết có tiêu chuẩn chung là Vui, Hên, có Hậu, Hạnh Phúc và Đoàn Tụ. Tuồng nào có chia ly, chết chóc, thù hận, khi hát Tết, soạn giả phải sửa lại theo tâm lý chung của khán giả thích khi đi xem hát ngày Tết, sau Tết có thể diễn lại như nguyên bản cũ.
Đối với nội bộ trong đoàn hát thì ngày Tết là ngày vui vẻ, thương yêu nhau, giúp đỡ và tha thứ cho nhau nếu có lỗi lầm gì trong khi ca hát.
Tết năm 1960, đoàn Thanh Minh (lúc đó Thanh Nga chưa đứng tên trên bảng hiệu của đoàn hát) hát tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Mùng 1 đoàn hát tuồng Tình Xuân Muôn Tuổi, Mùng 2 hát tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, Mùng 3 hát tuồng Hồi Trống Vân Lâu. Nữ nghệ sĩ Thanh Nga lãnh huy chương vàng Giải Thanh Tâm năm 1958 nên liên tiếp hai năm sau, bà Bầu Thơ muốn cho Thanh Nga hát các vai chánh để nâng cao tên tuổi của cô. Lần diễn Hồi Trống Vân Lâu mùng 3 Tết có trục trặc kỹ thuật nguy hiểm cho Thanh Nga.
Chuyện tuồng Hồi Trống Vân Lâu: Tân Thành Hầu Trương Phụ (giặc Minh) xâm chiếm nước Việt, âm mưu tiêu diệt văn hóa Việt Nam nên hắn cho tịch thu hết sách sử của Việt Nam chở về Tàu. Sử gia Lê Văn Hưu vì bảo vệ pho Đại Việt Sử Ký nên bị Phan Liêu(một kẻ hàng giặc) giết chết.
Ngay khi Trương Phụ mới xâm chiếm Việt Nam thì cha của Phan Liêu là Phan Quí Hựu đã hàng giặc. Ông ta bị dũng sĩ Hóa Châu bắt, hỏi tội. Phan Quí Hựu tự tử chết, trước khi chết hắn phóng hỏa đốt dinh thự của hắn. Trần Lưu một dũng sĩ Hóa Châu xông vô biển lửa, cứu được một bé gái. Trần Lưu đưa bé gái đó cho cô Thùy Phương nuôi, người quét lá trước cổng chùa ở Lâm An. Đứa con gái đó được đặt tên là Phương Hà, con của Phan Liêu trong biển lửa được Trần Lưu cứu. Mười năm sau, Phương Hà cũng quét lá trước cửa chùa thay cho mẹ và gặp lại Trần Lưu…
Thanh Nga thủ vai Phương Hà, cô gái quét lá đa trước cổng chùa Lâm An. Để thực hiện cảnh nầy, một anh dàn cảnh bưng một thúng lá cây khô, leo lên phía nóc rạp hát, ngồi phía trên mấy tấm frise để thả từng nắm lá cây khô xuống, một anh dàn cảnh khác liệng từng nắm lá khô bên cánh gà ra sân khấu. Một cây quạt máy lớn thổi cho những chiếc lá bay dật dờ như lá rụng mùa thu.
Phương Hà (Thanh Nga) vừa quét lá vừa trả lời câu hỏi của Trần Lưu (Út Trà Ôn): “Tôi chỉ là người quét lá…Là người đếm thời gian qua cửa ngõ cuộc đời.”
Trần Lưu: “Vậy ra cô đếm được bao nhiêu tháng năm rồi ?»
Phương Hà: “Tôi đếm được vài đôi mùa đỉnh cách, qua lá thu trải trên mặt đất lành… Lần đầu tiên là vó ngựa quân Chiêm Thành, năm Kỷ Tỵ rút đoàn quân chiếm đóng… Năm Giáp Tuất cánh cửa chùa mở rộng, để làm chay cho cái chết của Nghệ Tông.”
Trần Lưu: “Té ra cô là người quét lá, phán xét đời qua đường chổi tinh vi. Lá vàng rơi trên sân cỏ vô tri, đều chứa đựng một đôi lời lịch sử!”
Phương Hà: “Giòng họ tôi đã từng ghi quá khứ, chép thời gian bằng giấy trắng mực đen.»
Trần Lưu: “Chuyện đời thật vô biên, thời gian dài vô tận…”
Phương Hà: “Từng ấy lá trên sân là từng xác người ôm hận…
(Tiếng gió rít mạnh, lá vàng rơi thật nhiều, bay vật vờ theo từng cơn gió, Phương Hà vừa quét lá vừa ngâm thơ)
Gió vi vu… Gió vi vu thổi thu về đó…Gió cuồn cuộn cuốn lá vàng rơi… Lá vàng rơi rụng xuống chân tôi. Sông nhè nhẹ đưa lá vàng về đồng nội…
Ca Lý Con Sáo
Lá lá ơi! Thu về lá vàng tả tơi
Đầy đường úa tàn lá rơi
Bay cuộn trên sân chùa
Toàn những lá khô vàng
Mà hằng ngày tôi ra tay quét
Quét lá rơi, lá cứ rơi đầy sân
Biết bao giờ cho lá khô hết bay
Để cho ta rảnh tay vài giây.
Tiếng hát của Phương Hà (Thanh Nga) êm như ru, như hơi gió thoảng ngoài song, nét mặt đẹp và nhu hiền một cách thánh thiện…Gió vẫn thổi, lá bay bay, khung cảnh thơ mộng, bỗng một cái thúng lớn từ trên cao rớt xuống, lá vàng cũng đổ ập xuống thật mạnh trên đầu Thanh Nga. Cái thúng úp trúng đầu nhưng may là trúng cái đít thúng chớ không phải vành thúng. Nếu là vành thúng trúng đầu thì đầu của Thanh Nga đã phun máu rồi. Thanh Nga đau quá, khóc ngất: Má ơi ! Chết con….
Anh Út Trà Ôn (trong vai Trần Lưu) đứng gần Thanh Nga, chạy lạy đỡ Thanh Nga. Bà bầu Thơ nghe tiếng kêu khóc của Thanh Nga, bà cũng mau tới bên cánh gà. Mọi người trong đoàn cũng chạy tới cánh gà nhìn ra.
Khán giả lúc đầu cười ồ lên khi thấy cái thúng từ trên cao rơi xuống trúng đầu Thanh Nga và thấy một đống lá khô đổ ụp xuống chớ không bay lả lướt theo gió nhưng rồi khán giả thấy Thanh Nga khóc, Út Trà Ôn chạy lại đỡ Thanh Nga. Họ im lặng một giây, rồi không biết ai khởi đầu, một tràng pháo tay nổ vang dội, cổ vũ Thanh Nga thay cho tiếng cười ban nảy.
Qua phút bàng hoàng, với trách nhiệm Giám đốc kỹ thuật đêm diễn, tôi ra lịnh bỏ màn xuống. Tôi cầm micro đứng sau tấm màn nhung, lên tiếng thay mặt đoàn xin lỗi khán giả vì trục trặc kỹ thuật làm gián đoạn sự thưởng thức của khán giả. Tôi giải thích tóm tắt việc sơ xuất của một anh dàn cảnh, làm rớt cái thúng lá nhưng tôi cũng nói rõ sự khó khăn nguy hiểm cho anh em dàn cảnh khi họ phải leo lên phông sân khấu để thực hiện cảnh lá rơi mùa thu và xin khán giả thông cảm. Khán giả lại vỗ tay, như vậy chứng tỏ là khán giả thông cảm, bỏ qua sơ xuất vừa rồi.
Màn mở lên, Thanh Nga tiếp tục hát vai cô gái quét lá, vừa thấy Thanh Nga, khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Trước khi hát, Thanh Nga bước đến tiền đài, chấp tay cúi đầu chào cám ơn khán giả, lại tiếng vỗ tay cổ vũ… Thanh Nga bước lui vô giữa sân khấu, tiếng đàn rao lên, lá lại rơi rơi, Thanh Nga hát lại vai cô gái quét lá…
Chuyện xảy ra đã hơn năm mươi năm nhưng cứ mỗi độ xuân về, dù đang ở Mông Lệ An tuyết trắng mịt mù buốt giá, nhớ về sân khấu xưa, nhớ các bạn nghệ sĩ cũ và khung cảnh sàn diễn từng đêm sáng đèn, tràn ngập khán giả thân thương, tâm hồn tôi như được một ngọn lửa tình cảm bùng lên sưởi ấm.
Tết năm 1965, đoàn Thanh Minh Thanh Nga hát tuồng “ Người Yêu của Hoàng Thượng”, tác giả Viễn Châu và Nguyễn Ang Ca, trong tuồng có cảnh vì tranh tình mà nhân vật do ns Thành Được thủ diễn dùng súng lục bắn vị Quốc Vương (do Việt Hùng đóng) để cướp người yêu(Thanh Nga đóng).
Anh Chín Siểng, chuyên viên phụ trách Ánh Sáng, chuyên vấn thuốc pháo làm bom, làm đạn giả trên sân khấu “ cắc bùm” của ông Bầu Bảy Cao, đoàn Hoa Sen. Chín Siểng về giúp việc cho đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, anh làm những khẩu súng lục và dàn súng thần công trên chiếc tàu của Hoàng Thượng(hát trong tuồng Người Yêu của Hoàng Thượng). Trước đêm diễn, nghệ sĩ Thành Được được anh Chín Siểng chỉ cho cách sử dụng cây súng lục giả. Súng lảm bằng cây, hình dáng giống như cây súng colt 12 thiệt. Lòng súng bằng ống thép, để ngòi pháo và ngòi nổ điện bên trong. Cò súng là contact điện, nối liền với 4 cục pin AA. Khi bấm cò súng, điện Pin sẽ làm cháy ngòi nổ, pháo trong nòng súng sẽ bắt lửa, nổ toé lửa từ trong nòng súng phun ra phía trước như bắn súng thiệt.
Cuộc tranh tình giữa Quốc Vương (Việt Hùng) với anh sĩ quan cận vệ (Thành Được) đến hồi gay cấn, Quốc Vương (Việt Hùng) thét lớn: “ Ta thích nàng…Ta yêu nàng…Nếu nhà ngươi cản trở, ta sẽ giết ngươi…”
Sĩ quan cận vệ (Thành Được): “ Nhưng nàng là người yêu của tôi. Nếu Quốc Vương cướp đoạt, tôi phải giết ông !” Thành Được rút cây súng colt 12 ra, nhắm Quốc Vương (Việt Hùng) bấm cò. Súng không nổ. Việt Hùng không chết được nên anh hát cương: “Bắn đi ! Ngươi có giỏi thì bắn ta đi !”
Sĩ quan (Thành Được) lại chỉ súng vào Quốc Vương, bấm cò lần thứ hai, súng vẫn không nổ. Theo như lối hát ngày xưa, khi bên ngoài diễn viên làm động tác bấm cò, anh thợ đèn bên trong cho nổ một viên pháo thì khán giả biết là súng nổ dầu trên sân khấu cây súng trên tay của diễn viên không có tóe lửa.. Nhưng sau lối hát các tuồng cắc bùm của đoàn Hoa Sen, “ Nợ Núi Sông, Mộng Hòa Bình” súng nổ tóe lửa ngay ở đầu họng súng giữa sân khấu, khán giả và diễn viên đều mặc nhiên xem đó là một kỹ thuật cần thiết để diễn cảnh bắn nhau trong tuồng hát. Cây súng không nổ toé lửa trước mắt khán giả thì xem như là chưa có nổ súng.
Thành Được lại làm động tác bấm cò súng. Vẫn không có gtiếng nổ và không có lửa toé ở đầu cây súng. Khán giả cười ào ào… Quốc Vương Việt Hùng không chết được. Bên trong các anh thợ đèn cuống cuồng. Chín Siểng vò đầu vò cổ: “Trời ơi! Làm sao bây giờ ?”
Tôi nói: “Anh Chín, Anh canh chừng Thành Được, khi anh ta bấm cò, anh cho nổ pháo trong nầy. Có tiếng nổ thì Việt Hùng mới chết được. Anh canh chừng nghe không ! Tôi nhắc Thành Được bắn lại.” Tôi bước sát vô cánh gà, nhắc tuồng cho Thành Được: “Thành Được, bắn lại đi, trong này sẽ cho nổ pháo”.
Thành Được giận quá, liệng cây súng trên bàn, không thèm bắn nữa. Nếu không bắn thì Quốc Vương Việt Hùng không thể chết ở chỗ nầy, làm sao Thành Được ca vọng cổ để các diễn viên diễn tiếp được. Cô Thanh Nga bước tới cầm cây súng, định đưa cho Thành Được vì cô tin khi cô đưa súng thì nhất định Thành Được sẽ bắn vào vai Quốc Vương để hát tiếp vì cô cũng nghe tôi dặn dàn đèn cho nổ pháo bên trong khi Thành Được bấm cò. Thanh Nga cầm cây súng lên, vô tình ngón tay chạm vào cò súng, súng bỗng nổ cái rầm thật lớn, Thanh Nga hết hồn, liệng cây súng và nói liệu: “Úy! Mẹ ơi! Nó nổ cái đùng!”
Khán giả cười ồ lên…Thành Được cũng bật cười nhưng Quốc Vương Việt Hùng không thể ngã ra chết được vì Thanh Nga cầm cây súng mà không đưa súng về phía Việt Hùng. Việt Hùng lại đứng sau lưng Thanh Nga khi súng nổ, vì vậy dầu có bắn thì viên đạn cũng không thể bay quành lại phía sau lưng Thanh Nga để trúng Quốc Vương Việt Hùng.
Tôi lại nhắc: ”Thành Được, lượm cây súng lên bắn Việt Hùng đi, trong nầy nổ pháo.” Thành Được cúi xuống, lượm cây súng lên, chưa kịp chỉa vào Việt Hùng thì anh thợ đèn vì bị căng thẳng tinh thần, chụp contact điện đẩy lên cho pháo nổ. Không dè anh ta quá quýnh, chụp nhằm contact điện cho nổ dàn trọng pháo trên tàu, bốn phát nổ toé lửa trên đầu mấy cây cà nông đặt trên tàu, họng cà nông chỉa thẳng lên trời. Thành Được tức quá, hát cương: “Quốc Vương nầy phải dùng trọng pháo, bắn nó bốn phát nó mới chết!”
Việt Hùng thay vì ngã ra chết vì súng lục bắn, anh ngơ ngác ngó thấy dàn cà nông trên tàu, chỉa lên trời nổ bốn tiếng thật lớn, lại nghe Thành Được nói đã dùng cà nông bắn anh, Việt Hùng ôm bụng lảo đảo đi vô hậu trường, anh thều thào nói: “Nó nở nào dùng cà nông bắn ta… ta chết mất !”
Khán giả cười ồ, vỗ tay, huýt sáo, la hét….Khi hơi êm, Thành Được lẩm bẩm: “Súng cà nông bắn thẳng lên trời mà ông Quốc Vương bị trúng đạn chết…cũng hay thiệt …” Thanh Nga ráng nín cười: “Bây giờ…bây giờ tính sao anh ?”
Khán giả la lớn: “Bây giờ ca vọng cổ đi! Quốc Vương chết rồi, vô vọng cổ đi !”
Thành Được ca vọng cổ, mạch tuồng nối lại như cũ, vở diễn tiếp tục.
Sở dĩ cây súng trục trặc không nổ vì Thành Được rút cây súng quá mạnh khi nó bị kẹt trong bao súng, động tác giựt mạnh làm cho giây tungstène nối hai đầu dây điện bị sút một bên, nên khi Thành Được bấm cò, giây tungstène không dẫn điện, pháo không cháy. Khi anh liệng cây súng xuống bàn, vô tình làm cho giây tungstène nối lại hai đầu dây điện, Thanh Nga vô tình bóp cò, súng nổ bất ngờ là vì vậy.
Tuy có trục trặc kỹ thuật nhưng với truyền thống Tết thì các nghệ sĩ và công nhân sân khấu thân yêu nhau, giúp đỡ và chúc lành cho nhau. Bất cứ khó khăn trở ngại nào cũng không thể để ảnh hưởng đến suất hát. Vì vậy thay vì trách cứ việc làm sơ xuất của anh thợ đèn Chín Siểng, Thành Được, Việt Hùng, Thanh Nga, bà Bầu Thơ và các nghệ sĩ khác đều xem việc vừa xảy ra như một giai thoại vui trong đoàn hát.
Vãn hát, tất cả các nghệ sĩ và công nhân sân khấu dùng cơm hội tại rạp hát, xong mỗi người vô chỗ nghỉ ngơi để chuẩn bị cho suất hát tối. Dịp nầy cô Thanh Nga nhắc lại một tai nạn nghề nghiệp mà Thanh Nga là nạn nhân tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo. Tôi nghĩ đó cũng là một giai thoại xảy ra trong dịp Tết, chứng minh cho tình nghệ sĩ và tình yêu nghệ thuật lúc nào cũng là động lực gắn bó các nghệ sĩ với nhau.
Ngàn sợi dây tình cảm vô hình ràng buộc tôi với sân khấu và các nghệ sĩ. Một đầu mày cuối mắt, một hơi ca ngọt ngào, một giọng nói thanh tao, một tướng đi lả lướt, một tiếng cười dòn dã hay một giọt nước mắt long lanh dưới ánh đèn sân khấu là những kỷ niệm khắc sâu vào lòng tôi không bao giờ phai lạt.
Đây là một thứ tình yêu giản dị và chân thật. Bởi vậy, đón xuân Kỷ Hợi 2019, dù đã quá chín mươi tuổi, tâm hồn tôi vẫn nghe như Tình Xuân chớm nở giữa trời đông.
Nguyễn Phương
Nguồn: http://thoibao.com/tet-ky-hoi-2019-nho-chuyen-vui-tren-san-khau-cua-thanh-duoc-thanh-nga/
0 Bình luận