Ta sẽ khởi đầu bằng những gì xưa nay vẫn là nổi tiếng nhất của thơ Đinh Hùng, gần như đương nhiên được coi là đặc trưng Đinh Hùng nhất. Để từ đó thấy được nét độc đáo đầu tiên, cũng đồng thời là sự trớ trêu đầu tiên (cạm bẫy đầu tiên; bởi vì thơ Đinh Hùng là thơ của cạm bẫy trùng trùng tiếp nối; thơ ấy rất đáng sợ): nổi bật không hề là đặc trưng.

Thơ Đinh Hùng, mặc dù không vô cùng nổi tiếng theo lối Xuân Diệu hay Hàn Mặc Tử, có vài bài mà phàm đã là người đọc thơ tiếng Việt không thể không biết, không lấy làm kinh ngạc sửng sốt, thậm chí tụng niệm suốt một quãng thời gian dài (thời điểm Đinh Hùng qua đời tại Sài Gòn năm 1967, quãng thời gian ngắn đầy bấn loạn và xao xuyến đáng ngạc nhiên ấy, đã có rất nhiều bài viết của văn nghệ sĩ trong đó không ít thú nhận tuổi trẻ của mình gắn liền với những bài thơ của Đinh Hùng: thơ Đinh Hùng “chạm” đến người ta mạnh và dai dẳng hơn nhiều so với vẻ bề ngoài); lừng lững nhất là mấy bài trong Mê hồn ca tức “thi phẩm đầu tiên”: “Bài ca man rợ” (Lòng đã khác ta trở về Đô Thị/Bỏ thiên nhiên huyền bí của ta xưa/Bóng ta đi trùm khắp lối hoang sơ,/Và chân bước nghe chuyển rung đồi suối), “Kỳ nữ” (Ôi mắt xa khơi! Ôi mắt dị kỳ!/Ta trông đó thấy trời ta mơ ước./Thấy cả bóng một vầng đông thuở trước,/Cả con đường sao mọc lúc ta đi,/Cả chiều sương mây phủ lối ta về,/Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ), “Gửi người dưới mộ” (Trời cuối thu rồi – Em ở đâu?/Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?/Thu ơi! đánh thức hồn ma dậy,/Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu), “Người gái thiên nhiên” (Ta đến đây làm chủ hội phong trần/Lấy hoa lá kết nên Tình Thái Cổ), “Thần tụng” (Trước ngọn thần đăng;/Chập chờn gió lốc./Lạc giữa tang thương;/Hồn nào cô độc?); và ở mức độ tương đối “thấp” hơn như “Liên tưởng” (Thùy hương phảng phất sen đầu hạ,/Lén bước trang đài tới gặp ta), “Sóng nước đồng chiêm” (Chưa khuất đầu non đã cố nhân,/Người ôi! cho núi chuyển theo gần./Vầng trăng mười bẩy rưng rưng nhớ,/Con nước đầy vơi lệ thủy ngân) hay “Trái tim hồng ngọc” (Nhớ bàn tay thẹn, mê từng ngón/Môi nhớ làn môi, vai nhớ vai/Hơi thở gọi nhau, hồn nhớ xác/Nhớ như thần phách lạc hình hài). Đặc biệt lừng danh là “Bài ca man rợ” và “Kỳ nữ”.

Nhưng dừng chân quá lâu ở “Bài ca man rợ” là một nhầm lẫn lớn, một cách thức đầy hữu hiệu ngăn chặn con đường đi tiếp vào “thi giới Đinh Hùng”. Là tác phẩm khiến cho không một người sành thơ nào phải nghi ngờ về tài năng xuất chúng của Đinh Hùng, nhưng “Bài ca man rợ” cũng chính lại là bài thơ làm người ta hiểu lầm nhiều nhất.

Đó là lần duy nhất trong thơ Đinh Hùng xuất hiện vài yếu tố ngay sau đó sẽ biến mất hẳn, không bao giờ thấy trở lại nữa. “Bài ca man rợ” là một “yếu tố lạc quẻ” trong sự nghiệp thơ Đinh Hùng, nhưng yếu tố lạc quẻ này xuất sắc đến nỗi phần lớn người đọc thơ Đinh Hùng chắc hẳn sẵn sàng chọn nó, nếu có lúc nào buộc phải làm cái công việc nhàm chán và đầy lừa phỉnh là lựa chọn bài thơ hay nhất của Đinh Hùng. Việc “Bài ca man rợ” xuất hiện chói lọi trên báo và qua đó khẩn cấp đi vào lòng ngưỡng mộ của giới mộ điệu rồi lại nằm ở vị trí đầu tiên trong tập Mê hồn ca chỉ càng làm cho mọi thứ rối lên; từ mớ rối loạn ấy còn lóe ra một đôi chút tính chất quan trọng này của thơ Đinh Hùng: tính chất lừa mị. Thơ Đinh Hùng quyến rũ theo lối mị; điều này ta sẽ trở lại sau.

Bài ca man rợ” không ăn nhập vào thơ Đinh Hùng nếu ta nhìn một cách tổng quát và tỉnh táo là bởi đặc điểm sau đây: đó chỉ là một lần, đầu tiên và duy nhất, Đinh Hùng nhìn ra bên ngoài nội giới của mình. Ta sẽ không bao giờ còn thấy nữa sự xuất hiện của phàm nhân, cũng chẳng khi nào còn gặp lại một tâm trạng na ná như ưu thời mẫn thế, nặng lòng với thời cuộc: “rung một trời thế sự” rồi “một lũ người vong bản”. Những điều ấy có thể quan trọng với cả nhân loại, thì với Đinh Hùng cũng không đáng quan tâm. Lần duy nhất nhìn ra bên ngoài cũng chính là lần thi sĩ vĩnh biệt luôn thế giới ấy, để quay trở về với chốn quê hương đích thực của mình.

Kỳ nữ” là một trường hợp đặc biệt khác nữa, và còn thú vị hơn ở vài phương diện, vì lần này câu chuyện không chỉ liên quan đến riêng Đinh Hùng mà còn liên quan đến một nhân vật được xếp vào hàng cao nhất của thơ ca thời ấy: Thế Lữ.

Năm 1941, viết Trại Bồ Tùng Linh, một truyện ma sẽ còn nổi tiếng lâu dài, đến một thời điểm trong cuộc tình giữa Tuấn và người con gái hiện thân của hương hoàng lan, chợt Thế Lữ chép vào một bài thơ, và đó là “Kỳ nữ” của Đinh Hùng. Ở thời điểm này, Đinh Hùng mới ở tuổi hai mươi, chưa thực sự thành danh thi sĩ, “Bài ca man rợ” còn chưa đăng báo. Ta sẽ đi sâu phân tích câu chuyện này sau, lúc này chỉ cần nêu một lưu ý nhỏ: là một nhà thơ (lại đầy danh tiếng) chuyển sang viết truyện, nếu cảm thấy cần có một bài thơ để cho vào truyện, Thế Lữ hoàn toàn có thể tự sáng tác một cách dễ dàng, hoặc ít nhất ông cũng có thể lấy thơ của các nhân vật thuộc Tự Lực văn đoàn; nhưng ông đã không làm vậy, và điều này đã khởi đầu một số phận tráng lệ cho bài thơ “Kỳ nữ” (mở đầu bằng mấy câu vang dội: Ta thường có từng buổi sầu ghê gớm/Ở bên Em – ôi biển sắc, rừng hương!/Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm,/Em đến đây như đến tự thiên đường).

Ở trường hợp bài “Kỳ nữ”, sự trớ trêu nằm ở chỗ: là tác giả của một thi phẩm được hâm mộ như vậy (cho dù mọi thăng trầm của cuộc đời và sự thờ ơ tương đối của độc giả đại chúng, sau này Đinh Hùng luôn luôn sống giữa lòng hâm mộ, ngưỡng mộ, thậm chí được coi như thần tượng của một số người – cả đến Vũ Hoàng Chương cũng coi ông như một thần tượng), nhưng về cơ bản Đinh Hùng không phải là thi sĩ tiền chiến nổi tiếng. Mặc dù với “năng lực thơ” ấy, sinh năm 1920, Đinh Hùng vẫn còn kịp thời gian vươn tới hàng đầu trong số các nhà thơ được xếp vào danh mục “trước 1945” (khi mà tập Lửa thiêng của Huy Cận in năm 1940 còn tập Mây của Vũ Hoàng Chương mãi năm 1943 mới in), chuyện đã hoàn toàn không xảy ra như thế. Đây chắc hẳn là một lựa chọn hữu ý: sau này khi Đường vào tình sử được ấn hành (1961), đọc những bài thơ mà ông làm từ khi còn rất trẻ, ta có thể thấy Đinh Hùng lẽ ra đã rất dễ dàng được nêu tên bên cạnh Tế Hanh, Xuân Diệu, Huy Cận, với những câu thơ như trong bài “Khi mới nhớn” dưới đây:

Khi mới nhớn, tuổi mười lăm, mười bẩy,
Làm học trò, mắt sáng với môi tươi
……………
Ta ngồi nghe những tiếng thị thành xa,
Hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp.
Nắng thuở đó khiến lòng ta hồi hộp,
Ta nhìn cao mới rõ bị giam cầm
……………
Ta ném bút, giẫm lên Sầu một buổi,
Xa vở bài, mở rộng Sách Ham Mê.
Đã từng phen trèo cổng bỏ trường về,
Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn.
……………
Hỡi thành đô với linh hồn Bách Thảo!
Còn nhớ ta, chàng tuổi trẻ tóc bay,
Làm học trò nhưng không sách cầm tay,
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ
……………

Mê hồn ca, khi mà Đinh Hùng đã quyết định in thơ, lại xuất hiện đúng vào thời điểm 1954 ngập chìm trong tao loạn. Số phận thơ Đinh Hùng như thể, ít nhất là cho tới thời điểm Đinh Hùng đến tuổi ba mươi lăm, nhất quyết tìm mọi cách để né tránh danh tiếng rộng rãi. Dường như trong tất cả những ai từng bình luận về thơ Đinh Hùng, chưa từng có ai để ý đến việc thơ Đinh Hùng hay dùng động từ “lẩn” (bình thường thơ của ông không có nhiều động từ, cũng không có nhiều hành động đặc trưng). Nhà thơ bình thường tìm kiếm danh tiếng, còn Đinh Hùng lẩn tránh danh tiếng: đây là một điều trớ trêu nữa. Nhưng tại sao lại lẩn tránh vinh quang hiển nhiên xứng đáng với một tài năng ở tầm cỡ ấy như vậy? Nguyên do có thể nhiều, nhưng chắc hẳn phải có một phần là sự ích kỷ của thiên tài; một thế giới đặc biệt về hướng “khinh thanh” chẳng thể nào dung được quá nhiều ánh mắt của người phàm.

Một khảo sát nhỏ về từ “lẩn” trong tập thơ thứ ba cho tới nay vẫn ít được để ý, Tiếng ca bộ lạc, cho ta kết quả như sau:

Kỷ niệm vẫy tay – và Em lẩn tránh
Những kỷ niệm môi hồng chớp mắt long lanh
(7. Hơi thở dạ thần)

Xin Em nếp áo ngàn khơi:
Chút mây bay, lẩn dáng đời hôn mê.
(8. Ánh mắt giăng mưa)

Trăng nở huyền đăng, đáy mắt trao,
Đường xưa linh cảm, lối Em vào.
Hỡi hồn lăng kính, sao vây phủ!
Hoa lửa diềm mi, lẩn má đào.
(12. Lăng kính)

Ôi khuôn mặt lẩn hai chiều ánh sáng
Vai nhỏ trao nghiêng biên giới Vô Cùng
Em Mẫu Tượng của lòng anh hải cảng
Cho anh phiêu lưu biển mộng muôn trùng
(13. Những vì sao buồn giữa không trung)

Anh đã khóc khi kề vai hạnh phúc,
Khấn nguyện thầm: nước mắt hết cô đơn.
Sao rụng mông mênh sa mạc linh hồn,
Nửa mái tóc lẩn biên thùy hư thực.
(18. Tiết điệu một bàn tay)

Anh trốn sao đêm, lẩn mặt trời
Ghê từng ý gió, sợ hoa rơi
Chao ôi! mỗi cánh sương run rẩy
Nghe cũng vang âm giọng nói Người.
(20. Trái tim hồng ngọc)

Ta đã mê tìm suối tử quang
Từ trong hứa địa trái tim Nàng
Mắt Em lẩn những tia hồng ngoại
Ký hiệu vùi sâu đáy cẩm nang.
(20. Trái tim hồng ngọc)

Có thể khảo sát thêm sự xuất hiện của vài động từ khác cùng ở trong trường ngữ nghĩa với “lẩn” (như “chìm”, “tránh”…).

Sự “lẩn” của Đinh Hùng hướng đến cái đích nào? Cũng trong Tiếng ca bộ lạc, có rất nhiều “đáy”:

Xanh đáy mắt hư vô
Hồng vực thẳm làn môi
(2. Lời ca đồng thiếp)

Muôn vạn nỗi niềm chuyển thành vân vũ,
Chìm trong đáy mắt nỗi buồn thiên thanh.
(6. Tâm sự kinh đô)

Hơi thở ngây hồn hoa đáy biển
Mây chùng tóc rối, suối ôm chân.
(10. Hình tượng xuân xưa)

Đáy mắt cuồng lưu nước lạ bờ,
Diềm môi bừng đóa mộng san hô.
Đàn lên vút phím da sầu đảo,
Giấc ngủ hương chìm thể phách xưa.
(10. Hình tượng xuân xưa)

Trăng nở huyền đăng, đáy mắt trao,
Đường xưa linh cảm, lối Em vào.
Hỡi hồn lăng kính, sao vây phủ!
Hoa lửa diềm mi, lẩn má đào.
(12. Lăng kính)

Lửa cháy hoàng cung đáy mắt say.
Anh xin thiêu nốt mảnh hồn này.
(16. Hình em giả tưởng)

Bụi đỏ bờ vai, lưới nhện sa,
Đường chiều mây loạn bóng hai ta.
Trăng lên vầng trán thành hoang địa,
Đáy mắt xanh rờn ánh lửa ma.
(19. Tiếng sao tiền định)

Hãy áp môi trên phiến đá mòn
Loài hoa mộ chí cánh thoa son
Vầng trăng đáy huyệt xanh trong mắt
Nghe biển mưa sao, gió gọi hồn.
(20. Trái tim hồng ngọc)

Ta đã mê tìm suối tử quang
Từ trong hứa địa trái tim Nàng
Mắt Em lẩn những tia hồng ngoại
Ký hiệu vùi sâu đáy cẩm nang.
(20. Trái tim hồng ngọc)

Chết giữa mùa xuân, lạ cuộc đời,
Tên Em còn đượm ngát vành môi.
Lung linh sao rụng, mưa hàng chữ,
Chợt sáng hồn Em đáy mắt tôi.
(21. Nét chữ xuân thu)

Soi nghiêng nét chữ đầu mày,
Vần thơ đáy mắt kiếp này còn xanh.
(24. Âm giai áo tím)

Đinh Hùng có một thái độ rất đặc thù: luôn luôn tìm cách lẩn xuống đáy. Thái độ này không thể không làm ta nhớ tới triết lý của Baudelaire: “Au fond de l’Inconnu pour trouver du nouveau” (Xuống đến tận đáy Cái Chưa Biết để tìm ra cái mới). Xưa nay, trong những so sánh, người ta gần như tuyệt đối thấy Đinh Hùng gần với Rimbaud; câu chuyện xuất phát từ nhận xét của Mặc Đỗ, người bạn học thời nhỏ với Đinh Hùng: trên số 91 tạp chí Văn mang tên chung “Thương nhớ Đinh Hùng” ra ngay khi Đinh Hùng vừa qua đời, Mặc Đỗ trong bài “Con người tài hoa” (tên bài làm ta nhớ đến nhan đề bản dịch The Great Gatsby của Mặc Đỗ, Con người hào hoa): “con người Đinh Hùng-Rimbaud đứng ở góc hè mê mải ngó ra Hồ Gươm”. Nhưng Đinh Hùng không thuộc tạng Rimbaud, một ngôi sao băng, mà là nhà thơ kiên nhẫn đi mãi vào khám phá một thế giới mà chỉ riêng mình phát hiện được. Bằng trực cảm của mình, Đinh Hùng biết cái thế giới ấy mình còn chưa nhìn đủ, chưa đi trọn, nên trong lúc còn sống, không lúc nào thi sĩ để cho thơ của mình trở nên quá đại chúng. Nói thêm về mối liên hệ Đinh Hùng-Baudelaire: hình ảnh “Ác Hoa” đã xuất hiện ngay trong tập Mê hồn ca (“Cây Từ Bi hiện đóa Ác Hoa đầu” trong bài “Tìm bóng tử thần”), và Baudelaire dường như là nhà thơ nước ngoài duy nhất được Đinh Hùng dành trọn cho một bài tiểu luận (in trong tập Đốt lò hương cũ). Chưa cần đến những chi tiết ấy, chỉ cần nhìn vào cấu trúc chung của hình thức-nội dung thơ Đinh Hùng cũng đủ thấy con đường của thơ ông chính là con đường mà Baudelaire từng đi: hình thức thơ hoàn toàn cũ nhưng chứa đựng nội dung hoàn toàn mới, nội dung ấy là một thế giới không ngờ, thế giới của cõi ảo, bạo liệt và ma quái. Và bài thơ cuối cùng trong Đường về tình sử chẳng gợi rất rõ âm hưởng Baudelaire ư?

Cung đàn tưởng niệm

Khi anh chết, các Em về đây nhé,
Vị chút tình lưu luyến với nhau xưa.
Anh muốn thấy các em cùng nhỏ lệ,
Tay cầm hoa, xõa tóc đứng bên mồ.

Em lả lướt, Em là Buồn cố kết,
Tự ngày anh ra sống kiếp trần ai.
Em khóc cho anh mối hận tình dài,
Em nói cho anh tấm lòng cô lữ.
Và em nữa, ôi Sầu-Hoài-Thương-Nữ!
Anh thường mê tiếng hát của Em xưa.
Những ngày vui, bóng mộng mất không ngờ,
Em thân ái vẫn cùng anh tưởng nhớ.
Anh quên đấy: còn người em duyên số,
Em đã về chưa nhỉ? hỡi Đau Thương!
Nhớ cùng Em đối bóng mấy canh trường,
Tự đêm ấy cầm tay nhau không nói…

Anh tưởng niệm các Em về một buổi,
Ở bên mồ, cỏ úa sắc chiều rơi.
Ngược Sông Mê, bàng bạc nẻo luân hồi,
Sầu rũ tóc, ngậm ngùi in khóe mắt.
Anh đã thấy dáng Em Buồn cúi mặt,
Anh cảm lòng vì lệ của Thương Đau.
Các Em sang vĩnh biệt tấm thân sầu,
Các Em khóc, các Em buồn lắm nhỉ?
Phải xa anh, từ đây đường nhân thế,
Các Em đi, phiêu bạt giữa thời gian.
Và từ đây trong khe núi, bên ngàn,
Các Em dạo, làm những hồn oan khổ.
Anh bơ vơ lạc trên đường thiên cổ,
Lạnh tâm tư, mờ tỏ ánh tinh cầu.
Mất anh rồi, Các Em sẽ về đâu?

Tập Mê hồn ca ra đời vào đúng thời điểm chẳng ai có tâm trạng để đọc thơ. Tập Đường vào tình sử xuất bản bảy năm sau đó càng làm người ta khó hiểu hơn: chủ yếu đây là những bài thơ Đinh Hùng làm khi còn rất trẻ, và đương nhiên bị coi là non yếu, hay ít nhất là không thể so được với Mê hồn ca, nhất là cái ấn tượng lớn khủng khiếp mà Mê hồn ca từng tạo ra. Con đường thơ của Đinh Hùng rất khó nhìn một cách toàn cảnh, nhất là đối với những đầu óc quá quen với quán tính trông chờ một sự “phát triển” hay “đi lên”. Ít người quan tâm nhiều đến Đinh Hùng ở bên ngoài Mê hồn ca, và trực cảm của nhà thơ Trần Tuấn Kiệt trước đây, theo đó thơ Đinh Hùng không chỉ là Mê hồn ca, hết sức lạc lõng. Nhưng đây lại chính xác là một thứ thơ nhất định phải được nhìn nhận một cách nguyên khối, những tách nhỏ, kể cả khi chọn lấy những yếu tố xuất sắc hơn cả, chỉ có thể gây hại cho việc hiểu nó.

Người ta từng nói rất nhiều về sự vắng mặt của Đinh Hùng trong Thi nhân Việt Nam. Với bản thân Đinh Hùng điều này hẳn không mấy quan trọng, thậm chí còn là một may mắn quá lớn: đền thờ của riêng cõi thơ Đinh Hùng, với bản thân tác giả, chắc chắn thiêng hơn nhiều so với đền thờ của xếp hạng thơ ca thời đại; một nhà thơ luôn tìm cách lẩn xuống đáy thế giới để lần tìm những kẽ nhỏ dẫn sang một thế giới khác không cần đến sự vinh danh như thế. Dẫu vậy, từ trường hợp Đinh Hùng, ta có thể có một nhận xét về tính chất Thi nhân Việt Nam: đã không ít người nhìn thấy sự bài trừ của Hoài Thanh đối với mọi thứ gì lấn sang tượng trưng, siêu thực, những gì mà Hoài Thanh không thẩm thấu nổi. Nhưng có thể nói rõ hơn nữa, cụ thể một cách hết sức rành mạch: mọi lựa chọn thơ của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đều có chung một đặc điểm: những bài thơ ấy là để học thuộc, ngâm nga, tụng niệm. Thơ Đinh Hùng không phải là thơ để thuộc. Đến đây ta lại thấy xuất hiện một điều trớ trêu, một điều trớ trêu khá ngầm, trong thơ Đinh Hùng: thơ Đinh Hùng rất nổi tiếng (trong “the happy few”) nhưng không phải là thơ để thuộc như gần như mọi thơ tiếng Việt khác. Những bài lừng danh trong Mê hồn ca dĩ nhiên là nhiều người thuộc, nhưng gói gọn thơ Đinh Hùng vào Mê hồn ca là một nhầm lẫn cơ bản, nhầm lẫn mà ta thấy ở đa số nhà bình luận thơ Đinh Hùng – điều này không quá khó hiểu, vì đó là một thứ thơ gây hoang mang, thậm chí hoảng sợ, và vẻ trác tuyệt của những bài trong Mê hồn ca dường như có sức mạnh làm giảm bớt sự hoang mang chung, nên dễ đi vào “vô thức tập thể”. Để thấy thơ Đinh Hùng không phải là để thuộc, chỉ cần nhìn lại số 91 của tạp chí Văn ra ở Sài Gòn: trong bài viết của hầu hết mọi văn hữu về ông đều có trích dẫn thơ, và tuyệt đại đa số trong đó trích dẫn sai, thường là sai vài chữ, kể cả Vũ Hoàng Chương. Trong lúc vội vã (để kịp tưởng niệm), tâm thức sẽ bộc lộ: tất cả đều ngầm thú nhận mình hâm mộ thơ Đinh Hùng nhưng không thể thuộc chính xác thơ ấy; hoặc nói một cách khác, thơ Đinh Hùng chính xác không phải là thơ để thuộc, mà đi vào mỗi tâm thức cá nhân, nó sẽ được môi trường nơi ấy nhào nặn lại. Đặc điểm này dẫn tới một ý vô cùng quan trọng trong bài bình luận thơ Đinh Hùng xuất sắc nhất cho đến nay: bài của Đặng Tiến viết vào đúng lúc Đinh Hùng qua đời.

Ý chính của Đặng Tiến là “thi giới” của Đinh Hùng (ở phiên bản đầu tiên năm 1967, Đặng Tiến dùng từ “vũ trụ” chứ không phải “thi giới”) là một hư cấu, với đặc điểm nổi bật là gồm toàn “khiếm thể”, “hủy thể” và mang đặc trưng “không xương khớp”. Cho đến nay, đây vẫn là bài viết thấu hiểu thơ Đinh Hùng hơn cả. Dường như Đặng Tiến chính là “người được Đinh Hùng lựa chọn” vào thời điểm chuyển từ thế giới sống sang thế giới chết: đó là lần hiếm hoi thơ Đinh Hùng không bị gói gọn vào Mê hồn ca và cũng là thời điểm một số tính chất then chốt của thơ Đinh Hùng được chỉ ra một cách hiệu quả. Ở một lúc nào đó, Đinh Hùng đã thoát hẳn khỏi sự dùng dằng giữa hai thế giới: thực và hư, sống và chết, đặc và loãng, để bước chân hẳn vào thế giới “phía bên kia”. Đến một lúc, Đinh Hùng đã nhất định nhận lấy sứ mệnh cho thơ mình và linh hồn mình.

Năm 1967, một loạt nhân vật văn nghệ miền Nam đã viết cho số 91 của tạp chí Văn (“Thương nhớ Đinh Hùng”): Mặc Đỗ, Tạ Tỵ, Nguyễn Mạnh Côn, Đặng Tiến, Mai Thảo. Trong số các nhân vật này, Đặng Tiến là một bất ngờ với bài viết hết sức sâu sắc về thơ Đinh Hùng, còn Mai Thảo chính là người được Đinh Hùng đặt kỳ vọng sẽ viết lời bạt cho tập Mê hồn ca tái bản sau này. Nhưng bài viết của Nguyễn Mạnh Côn ít được quan tâm và nhắc đến lại rất đáng chú ý. Bài viết này khá dài, từ tr.26 đến tr.51 của số báo và mang tên “Họ Đinh, nhà thơ của vô cùng và tuyệt đối”. Trong bài, Nguyễn Mạnh Côn khẳng định ngay từ đầu: “Có lẽ tôi là người bạn thân nhất của Hùng. Chắc chắn tôi là người sợ Hùng hơn cả” (tr.29), sau đó lại nhấn mạnh: “chắc chắn, phải, chắc chắn không ai hiểu Hùng bằng tôi, kể cả anh Vũ Hoàng Chương, vừa là bạn vừa là anh rể Hùng”.

Bài viết của Nguyễn Mạnh Côn hết sức bấn loạn ở thời điểm người bạn thân mới qua đời. Bấn loạn đến nỗi Nguyễn Mạnh Côn nhớ nhầm rằng Thế Lữ đã đưa bài “Kỳ nữ” vào bản dịch Con quỷ truyền kiếp (trong khi Thế Lữ đưa nó vào Trại Bồ Tùng Linh), nhưng chính trong cơn bấn loạn ấy Nguyễn Mạnh Côn lại để lộ ra một số ý tưởng kỳ dị chắc khó xuất hiện vào những lúc khác: Nguyễn Mạnh Côn nói đến tâm lý “thiên thần gẫy cánh” (tr.43) ở Đinh Hùng và liên tục có mấy nhận xét như sau: “Hùng không hề nói nhưng rõ ràng Hùng sống là để theo đuổi một mục đích. Chưa chắc mục đích ấy đã là làm thơ” (tr.46); “Tôi muốn nói rằng Hùng sống như một người chết” (tr.46); “Đã thế, Hùng rất lãnh đạm, kể cả lúc uống rượu thật nhiều […] tôi vẫn thấy nơi Hùng có một cái gì, như một cục băng giá, không bị lay chuyển” (tr.46). Trong quá khứ, Nguyễn Mạnh Côn từng có thời gian sống cùng Đinh Hùng, chứng kiến Đinh Hùng hút thuốc phiện, Đinh Hùng nằm im trong phòng như nằm trong nấm mồ suốt nhiều ngày. Ngoài ra, Nguyễn Mạnh Côn còn có một nhận xét khá đặc biệt: “Tôi muốn ví Hùng như một con hải âu, vì cánh lớn quá nên chỉ bay được và đậu được trên chỗ cao, vì mỗi lần bay lên cần có nhiều khoảng trống để vỗ cánh lấy đà” (tr.37). Đây chính là hình ảnh con “albatros” trong thơ của Baudelaire: “Le Poète est semblable au prince des nuées/Qui hante la tempête et se rit de l’archer;/Exilé sur le sol au milieu des huées,/Ses ailes de géant l’empêchent de marcher” (thi sĩ giống loài chim của những tầng không cao vợi, khi nào bị lưu đày xuống mặt đất thì đôi cánh khổng lồ sẽ khiến nó bước đi hết sức vụng về, trở thành trò cười).

Đại ý, bài viết dài, đầy bấn loạn của Nguyễn Mạnh Côn cho thấy một điều: Nguyễn Mạnh Côn hết sức sợ hãi trước Đinh Hùng, và trong hình dung của Nguyễn Mạnh Côn, hẳn Đinh Hùng ở gần cõi chết hơn là cõi sống. Điều này là chính xác: nỗi sợ mà Nguyễn Mạnh Côn cảm thấy chính là nỗi sợ ma. Hay nói một cách khác, Nguyễn Mạnh Côn lờ mờ cảm thấy Đinh Hùng sống trong một thế giới của ma.

Những người thân cận với Đinh Hùng biết điều đó: Vũ Hoàng Chương trong bài diễn văn tại trung tâm Văn bút tưởng niệm Đinh Hùng nói: “Nhưng từ chối không thể được, tôi đành phải tự nhủ: “Thận trọng đấy nhé! Thận trọng và thận trọng hơn nữa! Điều nào không thể nói ra được thì lặng im; nhưng đã nói ra điều gì, tất điều ấy phải là sự thật! Đừng chủ quan, chớ thần tượng hóa một con người, kể cả trường hợp con người ấy mình vẫn coi như thần tượng”” (bài “Nhớ Đinh Hùng” đăng trên số 112 của Văn ra ngày 15 tháng Tám 1968, “Giỗ đầu Đinh Hùng”).

“Điều nào không thể nói ra được thì lặng im”: câu này hẳn phải hiểu cả theo nghĩa không thể tiết lộ một số điều kỳ lạ ở Đinh Hùng, và theo nghĩa bản thân Vũ Hoàng Chương cũng không thực sự hiểu Đinh Hùng. Mặc dù Vũ Hoàng Chương cũng từng viết “Nửa truyện hồ ly”, nhưng cõi ấy Đinh Hùng còn đi sâu, sâu mãi vào, Vũ Hoàng Chương thì dừng lại từ rất sớm không sao đi tiếp nổi. Từ đó mà xuất hiện tâm lý thần tượng kia. Đinh Hùng làm được một số việc mà không một nhà thơ khác nào làm được. Đồng thời các nhà bình luận thơ Đinh Hùng cũng thường xuyên bị bật ngược trở ra trước thơ ấy, cõi ấy, thế giới ấy. Ngay Nguyễn Mạnh Côn đã trích lời Đinh Hùng nói chuyện: “cái khoảng chân không mà ánh sáng đi hàng tỷ năm không hết mới thật là tuyệt đối, mới thật là vô cùng” (tr.35). Khoảng chân không này đáng sợ, và sự đáng sợ lại còn xuất phát từ một vẻ đẹp trác tuyệt nữa.

Thơ của Đinh Hùng là một tòa thạch động, mà ngay ở cửa hang án ngữ một công trình siêu phàm, tuyệt đẹp: đó chính là ý nghĩa của “Bài ca man rợ”. Nhưng “Bài ca man rợ” lại cũng là thử thách lớn nhất: đa phần người đọc thơ Đinh Hùng thỏa mãn với cảnh đẹp thấy ngay ở bước đầu đó, nhưng trở lui ngay sau cơn choáng ngợp ấy, hoặc để cơn choáng ngợp ấy ám ảnh quá mạnh, người ta sẽ không còn để ý thêm được nữa. Và phải sau “phiến đá cửa ngoài” tức “Bài ca man rợ”, nếu vẫn còn tiếp tục nuôi dưỡng được sự chú tâm thiết yếu, may ra ta mới thực sự biết được cái thế giới hang động đẹp cô quạnh hoang liêu đó. Làm thơ cũng cần lòng quả cảm, và liều lĩnh, đôi khi; đọc thơ cũng vậy, dẫu đó không hoàn toàn là một sự nhất thiết.

Bài ca man rợ” còn dễ dàng (như ta đã thấy suốt một lịch sử bình luận thơ Đinh Hùng) làm người ta xoay theo hướng chia đôi thế giới thơ Đinh Hùng thành hai nửa: đô thị-thiên nhiên (hoang dã) và hiện tại-quá khứ (cổ sơ). Khó có nhầm lẫn nào lớn hơn thế: Đinh Hùng không quan tâm đến đô thị hay thôn quê, và thế giới mà Đinh Hùng tạo ra bằng cách nhập làm một hai thế giới, thế giới ấy không có thời gian.

Giờ ta sẽ đi đến một câu hỏi tất yếu sau toàn bộ sự dẫn dắt trên đây: Cái thế giới của thơ Đinh Hùng cụ thể như thế nào?

Trước tiên, nó nằm ở đâu? Thế giới này phải nằm ở điểm tiếp giáp giữa thế giới thực và thế giới ảo. Ta gọi “thế giới thứ hai” kia là ảo, mộng, chiêm bao (“Ôi kiến trúc một chiêm bao thần bí!” là câu thơ “vỡ lòng” nếu muốn đi vào thế giới của Đinh Hùng; nhưng xưa nay người ta cứ tưởng trong câu này yếu tố quan trọng là “kiến trúc” hay “chiêm bao”, trong khi sức nặng của nó nằm ở “thần bí”), tiềm thức, nguyên thủy, thái cổ, bất kỳ tên gì cũng được, vì thực chất nó không có tên, nó gần giống một miêu tả này hay một miêu tả khác, nhưng có cố gắng đến đâu thì cũng chỉ có thể đạt đến mức gần giống. Thế giới ở giữa này chỉ mở cửa cho rất ít người. Đinh Hùng hiểu điều ấy, nên trong một thời gian rất dài, về cơ bản ông không để lộ thế giới mình bước chân vào kia cho quá nhiều người biết. Nhưng tất nhiên, đã dựng nên thì sẽ có người cảm nhận được. Thế Lữ chính là người cảm nhận được ngay từ sớm. Tới đây, ta đã có thể quay trở lại kỹ hơn cái lần Thế Lữ đưa bài “Kỳ nữ” vào Trại Bồ Tùng Linh năm 1941.

Bài thơ là một tiếng sét với Thế Lữ, không thể khác. Ta có thể hình dung như thế này: Thế Lữ cũng là một nhà thơ, tên tuổi của thơ Thế Lữ chủ yếu nằm ở khung cảnh ảo mộng của một chốn bồng lai tiên cảnh. Chỉ có điều Thế Lữ đã nhầm lẫn lớn, những gì ông chợt thoáng nhìn thấy vào một khoảnh khắc được hưởng ân điển nào đó, bởi đã không hiểu, lại không đủ kiên nhẫn, ông đã mặc nhiên coi nó là “bồng lai tiên cảnh”. Nhưng đó không phải là cõi tiên, mà là cõi của hồn ma bóng quế, linh hồn cỏ cây gỗ đá, của yêu tinh hồ ly. Bài thơ của Đinh Hùng đã làm Thế Lữ hiểu ra mình nhầm tai hại và khổ sở đến như thế nào. Thế Lữ đã không làm thơ nữa, nhưng ông viết rất nhiều truyện kỳ dị. Về phần mình, Đinh Hùng chính là một người viết truyền kỳ bằng thơ. Truyện truyền kỳ xưa nay vốn nhiều trong truyền thống văn chương Á Đông, nhưng những truyền kỳ dai dẳng tồn tại chỉ do một vài người viết ra: những người được lựa chọn. Câu chuyện về Thế Lữ và Đinh Hùng cho ta hiểu tại sao đến giờ đọc lại, thơ bồng lai tiên cảnh của Thế Lữ nhuốm quá nhiều sự làm duyên làm dáng và giả tạo, đồng thời cũng cho thấy con đường nghệ thuật có thể hiểm nghèo đến thế nào: lựa chọn sai là hỏng một sự nghiệp. Nhưng nó cũng cho thấy Thế Lữ đã nhạy cảm đến đâu, để từ bỏ hẳn một sự nghiệp thơ đang được công chúng và giới phê bình nồng nhiệt ca ngợi.

Cái thế giới mà Đinh Hùng tìm đến được, bằng cách nhập hết các thế giới khác lại để tạo khoảng giao nhau, thế giới ấy, một cách đơn giản nhất, chắc hẳn giống như một thạch động:

Ôi cửa động mù sương, mưa bay tiềm thức!
Anh theo em đi hết chuyến luân hồi.
(2. Lời ca đồng thiếp)

Non cao tròn kiếp hoang vu,
Mắt Em ngủ thiếp con đò thần giao.
Lạ lùng cửa động chiêm bao
Tiếng ca mở lối Em vào hồn anh.
(9. Dấu chân bộ lạc)

Và thể xác anh giữa cuộc đời
Tiêu ma vào thạch động làn môi
Vì trong cấm địa hàm răng ấy
Huyệt Lạnh kề bên mỗi nụ cười.
(20. Trái tim hồng ngọc)

Trăng bỗng mơ hồ, nắng cổ sơ,
Em về, nếp áo rộng hư vô.
Khói thương thạch động xa vầng trán,
Ta lạc vào trang tiểu thuyết xưa.
(21. Nét chữ xuân thu)

Em từ thủy động sơ sinh,
Bốn phương âm hưởng, lượn mình dư ba.
(24. Âm giai áo tím)

Muốn tới được “nơi ấy” thì phải biết đường. Tên hai tập thơ in khi Đinh Hùng còn sống đã chứa đựng “mật mã”: Trong Mê hồn ca quan trọng là “mê hồn” còn trong Đường vào tình sử quan trọng là “đường vào”. Muốn có “đường vào” thì phải đạt đến trạng thái “mê hồn”, hiểu cả theo hai nghĩa: đẹp mê hồn và hồn ở trạng thái mê. Để được như vậy thì cần mộng và/hoặc chết. Chưa nhà thơ Việt Nam nào như Đinh Hùng, chỉ liên tục nói đến mộng và chết, ngay từ đầu thi nghiệp.

Anh đã chết trong lời ca đồng thiếp,
Khi ngón tay Em đưa hướng linh kỳ.
Sương khói bạc chiều rừng
Thành quách bến Sông Mê
Những ngọn đèn hồn lênh đênh trôi về kiếp trước
Ôi cửa động mù sương, mưa bay tiềm thức!
(2. Lời ca đồng thiếp)

Chết ở cõi này là sự khởi đầu, chứ không phải kết thúc. Người ta hay kể về người con gái tên Liên yểu mệnh, người yêu ám ảnh cuộc đời Đinh Hùng (bài “Liên tưởng” cần hiểu là “Tưởng nhớ Liên” chứ không phải theo ý nghĩa “liên tưởng” của trường phái tượng trưng). “Gửi người dưới mộ” đã sớm để lộ ý hướng tiến sâu vào cõi chết của Đinh Hùng:

“Em đã về chưa?
Em sắp về chưa?
Trăng sao tắt, ngọn đèn mờ,
Ta nằm rỏ lệ đọc thơ gọi hồn.”

Thơ là để “gọi hồn”, để với tới miền chết lạnh lẽo. Thơ Đinh Hùng mang rất nhiều yếu tố thần chú.

Bài “Màu sương linh giác” cũng trong tập Mê hồn ca cũng nói rõ điều này:

“Từ khi thưa lạnh hương em.
Ta đem phòng làm cổ mộ,
Ta xua giấc mộng từng đêm.
Mỗi lúc hồn cây động gió.”

“Xua giấc mộng từng đêm”, nhưng giấc ngủ cũng chính là một nẻo vào khác. Thật ra ta biết gì về giấc ngủ? Rất ít, dẫu cho Sigmund Freud có viết bao nhiêu trang sách về nó. Trong văn chương, có vài nhân vật đặc biệt hiểu về giấc ngủ, chắc chắn là hơn Freud và lý thuyết của mình. Đây là một đoạn trong Bên phía nhà Swann của Marcel Proust:

“Người đang ngủ là người nắm giữ quanh mình dòng chảy của thời khắc, trật tự của tháng năm và của các thế giới. Lúc tỉnh dậy, theo bản năng, anh ta kiểm định chúng và, trong một giây đọc thấy ở đó điểm anh ta đang chiếm giữ trên trái đất, thời gian đã trôi qua cho đến khi anh ta tỉnh giấc; nhưng trình tự của chúng có thể lẫn lộn, đứt đoạn.”

Trong giấc ngủ diễn ra những chuyện gì? Ngay người nằm mộng cũng không biết được, một khi đã tỉnh, nếu không có những “hướng dẫn” hoặc được sử hữu một số năng lực đặc biệt; nhưng theo lời khẳng định của Proust, trong khi ta ngủ, “các thế giới” được sắp xếp ở ngay cạnh ta, trong tầm với của ta.

Vũ Hoàng Chương, nếu ông là người sắp xếp tập thơ Tiếng ca bộ lạc, cũng hiểu tầm quan trọng của giấc ngủ và chiêm bao trong thế giới của Đinh Hùng, nên bài đầu tiên của tập là “Nhập mộng”. Đó là “giây phút huyền vi”, khi “Điệu nhạc nghiêng mình, anh sẽ nghe/Nghìn xưa âm hưởng bước Em về./Bông hoa áo tím trôi vào mộng,/Anh sẽ tìm Em nhập giấc mê.”

Những dấu vết của giấc ngủ-lối vào ấy không ít:

Lạ lùng cửa động chiêm bao
Tiếng ca mở lối Em vào hồn anh.
(9. Dấu chân bộ lạc)

Khi đêm mở cánh nhung thần khải,
Tóc ngủ rừng trăng, gối xõa hương.
(10. Hình tượng xuân xưa)

Đường đi kiếp trước ngoài vô tận
Em lạc vào mê sẽ gặp anh.
(11. Hàng chữ chim xanh)

Và muốn tới được “nơi ấy” thì phải đợi đến kỳ. Trước tiên, hiển nhiên khung cảnh phải là đêm. Những đêm trăng sáng:

Xin Em kết nửa vòng tay,
Con trăng bóng xế nét mày trao nghiêng.
Kề môi chợt thức niềm riêng,
Thiên thu áp má đôi niềm lệ sa.
Đèn vàng lướt bánh xe qua,
Nhìn nhau sao rụng, canh tà như bay.
(4. Nỗi lòng thu nhỏ)

Em đến cùng trăng, đi với sao,
(20. Trái tim hồng ngọc)

Nhà thơ nhập giới cứ chờ đợi đến màn đêm mãi như vậy:

Nghìn lẻ một đêm, Mộng thắp đèn
Hồn đi vào giấc ngủ hoa sen.
(20. Trái tim hồng ngọc)

Dường như, dựa trên tần suất xuất hiện, khung cảnh thích hợp nhất để thế giới ấy sống dậy là những đêm thu.

Đã đúng thời điểm rồi, còn cần phải có nghi thức. Đinh Hùng không bộc lộ rõ ràng lắm ở khía cạnh này, ta chỉ lờ mờ nhận ra được một số yếu tố, ví dụ: cần có những lời khấn. Ta biết Đinh Hùng không hướng đến cách tân về hình thức, thơ của Đinh Hùng chấp nhận mọi hình thức có sẵn; nhưng có những lúc nó không như vậy nữa, đó chính là khi cần có lời khấn nguyện (có thể giả định đây là nhịp điệu của linh hồn theo đòi hỏi của nguyện cầu và nghi lễ; Đinh Hùng từng dùng những từ đầy sức gợi ý như “tiết điệu” hay “âm giai”). Thế giới ấy cần “nguyện cầu”:

Ai từng đêm vẫn nguyện cầu
Xin hào quang đóa hôn đầu đừng phai.
Xin cho khoảng cách sông dài
Nối liền một nét u hoài làn mi
(3. Khoảng cách làn môi)

Những “lời khấn” rải rác trong suốt thi nghiệp Đinh Hùng, kể cả từ rất sớm, trong tập Mê hồn ca, những khi thơ Đinh Hùng bỗng tự tước bỏ nhu cầu nghiêm ngặt về hình thức, để mặc cho những câu thơ mặc sức ngắn dài trong một nhu cầu tự tại của linh hồn.

Tư thế chủ đạo là gì? Là cầu xin. Ta bắt gặp không biết bao nhiêu lần từ “xin” trong thơ Đinh Hùng, nhất là trong tập Tiếng ca bộ lạc. Và từ “Em” gần như luôn luôn được viết hoa: đó là đối tượng mà lời khấn nguyện hướng tới; nhiều lúc nguyện cầu còn đi kèm với cả quỳ lạy.

Và khung cảnh ấy như thế nào? Có thể tưởng tượng nó thường xuyên mờ mịt hư ảo. Đặng Tiến từng nhấn mạnh vào yếu tố “mưa” trong thơ Đinh Hùng, nhưng trong cõi thơ ấy, thật ra “sao” xuất hiện nhiều hơn rất nhiều so với “mưa”. “Sao” và cả những từ thay thế cho nó như “tinh”, “đẩu”. Một đặc trưng rất lớn của các vì sao là sự lung linh của chúng, và tính chất không rõ nét: vì sao nhấp nháy nên không để ta nhìn rõ; điều này rất gần với quan điểm thị giác về “contour” ở Stendhal. Có đặc biệt nhiều vì sao rất đáng nhớ trong các bài thơ của Đinh Hùng.

Đọc kỹ một số bài trong tập Mê hồn ca và nhất là nhiều bài trong Tiếng ca bộ lạc, ta sẽ biết được nhiều chi tiết về tòa “thạch động” của Đinh Hùng. Ở đây chỉ nói đến một đặc điểm lớn rất dễ bị bỏ qua: tòa “thạch động” ấy có màu gì? Mặc dù có nhiều “hồng”, nhưng màu chủ đạo là xanh, một màu xanh lạnh lẽo và ghê rợn.

Con đường khuya huyền hoặc, trăng xanh gieo mưa.
Đêm mở cánh, ngát màu lam dạ nhạc,
(6. Tâm sự kinh đô)

Xanh trộn lẫn với một biến thể, tím:
Điệu buồn áo tím, mưa đêm xanh.
(5. Khuôn ngọc pha sương)

Và thế giới-thạch động ấy không có lòng thương xót. Bởi thế, thơ Đinh Hùng hao hao giống thơ tình và được rất nhiều người mặc nhiên coi là thơ tình, nhưng đó không phải là thơ tình.

Đặng Tiến cũng từng nhấn mạnh vào việc thi giới của Đinh Hùng không có xương khớp. Điều này hết sức quan trọng. Nó không có xương khớp là vì “Nhạc uốn mình như dải lụa đào” (1. Nhập mộng), vì ở trong nghi lễ, trung tâm là điệu múa không xương của rắn:

Tia mắt nhìn nhau buốt thịt da
Niềm đau nhập thế vút bay xa
Em không hình sắc, anh vô thể
Bốn cánh tay vươn khúc độc xà.
(20. Trái tim hồng ngọc)

Một thế giới mà ta không thể ôm người phụ nữ, bởi không có hình hài, nên có nhiều vòng tay hẫng hụt:

Vòng tay chiếm lĩnh nửa người,
Nhụy hương mười chín, nụ cười yêu tinh.
(27. Vết son phai)

Thế giới ấy của nhan sắc không dung nhan, bởi vì khung cảnh chung như sau:

Thương tuyệt trần thương, nhớ lạ lùng,
Mới kề khuôn ngực, hẫng vòng lưng.
Khi ăn niệm bóng sang ngồi cạnh,
Lúc ngủ, chiêu hồn tới ngủ chung.
(20. Trái tim hồng ngọc)

Một thế giới nồng nhiệt trong sự lạnh lẽo hoang vu vô hình vô ảnh của muôn kiếp nhập lại nhiều khi hỗn loạn:

Có những bông hoa, tiền thân là thiếu nữ,
Những mùi hương rạo rực hiện hình người.
Hương công chúa và men say hoàng tử,
Cánh bướm thời gian treo võng tóc buông lơi.
(6. Tâm sự kinh đô)

Nó hư ảo, “Nụ hôn quận chúa nồng hương xạ” (20. Trái tim hồng ngọc) và tan biến sớm:

Trắng muốt tâm linh vạt áo sầu,
Canh gà chưa rụng đã quên nhau.
(21. Nét chữ xuân thu)

Vũ Hoàng Chương từng rất có lý khi đặc biệt để ý đến bài thơ dài nhất trong tập Tiếng ca bộ lạc, “Trái tim hồng ngọc”. Đây hẳn là bài thơ để bộc lộ nhiều và rõ nhất các phương diện của thế giới thơ Đinh Hùng. Chắc hẳn cũng là bài thơ được viết ở giai đoạn rất muộn trong cuộc đời Đinh Hùng: cuối cùng thì con người sinh năm Canh Thân ấy đã không sống trọn được vòng đời thứ tư. Nhưng ở thời điểm quá đậm đặc tinh thần Phật giáo, Vũ Hoàng Chương chỉ nhìn thấy sự siêu thoát ở tâm thức của Đinh Hùng. Không hẳn là vậy: đã kết thúc một vòng tròn, những gì hư ảo cũng sắp thoát sang một giai đoạn chuyển hóa mới, Đinh Hùng không còn việc gì để làm nữa. Kiếp bướm đã đi đến điểm chung cục.

Đinh Hùng tạo ra cả một thế giới chưa từng có. Điều này rất khó hình dung, nên thơ Đinh Hùng rất khó phân tích. Nhưng thật ra cũng không khó đến mức ấy: Dante từng được chọn để miêu tả địa ngục, còn Nguyễn Du từng được chọn cho thế giới đau khổ của các âm hồn. Những thế giới kiểu như vậy bao giờ cũng đẹp, nhưng hãi hùng. Không cần cảm nhận hết sự hãi hùng cũng đã có thể thấy đẹp, nhưng dù có thế nào, bởi hãi hùng nên những thế giới ấy mới đẹp đến vậy.

Nhị Linh

Nguồn: http://nhilinhblog.blogspot.com/2015/03/tho-dinh-hung-hai-the-gioi.html

 

Bài Cùng Tác Giả:

0 Bình luận

Bình Luận