Danh sách học sinh được nâng điểm ở Sơn la

1) Đáng lẽ tôi ko viết bài này nhưng thấy hai đồng nghiệp trẻ tôi quen biết tranh luận với nhau nên cầm lòng không đặng. Khi người này đăng bản danh sách các em học sinh được nâng điểm ở Sơn La(các em có tên nhưng ba mẹ thì không có tên, chỉ để chức vụ đảm trách trong bộ máy công quyền) thì người kia không đồng tình vì cho rằng lỗi không phải ở các em mà thuộc về cha mẹ, nếu đưa tên các em ra như thế, tội nghiệp cuộc đời các em. Cả hai người, ai cũng có lý lẽ của riêng mình.

2) Chạy điểm hay gian lận điểm thi đại học, theo tôi là một tội ác, trước tiên vì nó hủy hoại sự trong sạch của học đường; thứ hai, nó tước đoạt cơ hội chính trực của học sinh giỏi để trao không chính trực cho các học sinh dốt. Thứ ba, nó làm băng hoại cả hệ thống công quyền đang điều hành đất nước vì những người tổ chức chạy điểm là các quan chức quản lý ngành giáo dục và các phụ huynh mua điểm cho con em mình là quan chức quản lý xã hội. Và thứ tư, điều này mới quan trọng, việc chạy điểm đã lột trần chuyện chạy trong xã hội chúng ta lâu nay, từ chạy bằng, chạy chức, chạy cả huân huy chương và tước hiệu anh hùng, chạy đất đai nhà cửa tài nguyên vân vân…

3) Chính sự dối trá của việc chạy điểm( từ điểm 0 biến thành thủ khoa, từ rớt thảm đại học lại được vào đại học) đã lột trần sự dối trá của xã hội; đến lượt chúng, các thứ dối trá này cộng hưởng với nhau, cùng tiến đến hành trình“ dối trá hóa” cả một quốc gia. Bất kỳ ai cũng có thể dối trá, bất kỳ cương vị nào cũng có thể dối trá. Dân dối phần dân quan dối phần quan. Chính vì vậy, mỗi lần tăng giá điện hay giá xăng, các quan chức là kẻ dối trá đầu tiên khi hùng hồn tuyên bố, việc tăng giá đó là “có lợi cho người dân”; chính vì vậy mà người dân vào đồn công an mới bị chết thảm vì nguyên nhân tự đụng đầu đụng cổ vào đâu đó – cạnh ghế hay cạnh bàn; chính vì vậy mà những người đang trần truồng yêu nhau trong khách sạn cứ bảo với mọi người là chúng tôi đang điều trị bệnh sốt rét cho nhau. Một quan chức đầu tỉnh như bí thư Triệu Tài Vinh của Hà Giang còn nâng tầm dối trá đến mức thượng thừa khi cho rằng có kẻ xấu nào đó đã tự ý nâng điểm vào đại học cho con của ông ta chứ ông ta không hề hay biết…

4) Rất nhiều người, trong đó có cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, cho rằng không nên công bố tên tuổi các em gian lận điểm vì lý do nhân đạo. Tôi không biết những người này đang thỏa hiệp với cái ác hay là đang sợ hãi cái ác? Tại sao các cơ quan chức năng không công bố ngay lập tức những kẻ gian manh trong đường dây chạy điểm vào đại học mà phải vòng vo tam quốc đủ kiểu thế? Giống như việc không khởi tố vụ án cựu phó viện trưởng viện kiểm sát Đà Nẵng có hành vi ấu dâm trẻ em trong thang máy vậy. Tại sao các hành vi cô giáo thông dâm với học trò, thầy giáo sàm sở với nữ sinh, nữ sinh bạo hành lẫn nhau cứ được các hiệu trưởng bao che? Đơn giản, vì họ đang thỏa hiệp với cái ác, hoặc là sợ hãi nó như một người dân lương thiện sợ kẻ cướp. Khi mà cái ác đôi lúc còn được luật pháp bảo trợ, như hành vi tấn công tình dục trong thang máy chỉ bị phạt vạ 200.000 đồng, còn tự vệ trước kẻ cướp ư? Chủ nhà có thể là kẻ đi tù trước dù chân lý ai cũng biết là đứng về phía anh ta.

5) Ai cũng biết, cái ác và cái thiện luôn song hành và chế ngự nhau để xã hội được cân bằng. Dù chân thiện mỹ là mục đích mà nhân loại luôn hướng đến nhưng không thể có một xã hội thiện hoàn toàn mà thiếu cái ác. Nhưng nếu cái ác được thỏa hiệp và sợ hãi giống như sự thỏa hiệp và sợ hãi của bà Doan, thế giới sinh ra Hittle còn Việt Nam sinh ra những thằng bé 16 tuổi giết người không ghê tay chỉ vì một lời nhắc nhở” nên tôn trọng đèn đỏ” trên đường phố đông người…

6) Quan điểm của tôi là, không chỉ công bố danh tính các thủ phạm của đường dây chạy điểm, mà phải công bố danh tánh các bậc phụ huynh chạy điểm và cả danh tánh con cháu họ – những người hưởng lợi trực tiếp từ tội ác này. Cha mẹ và con, dĩ nhiên là đồng phạm. Nếu một đứa trẻ được giáo dục lòng trung thực kiên quyết không chấp nhận việc chạy điểm thì liệu cha mẹ chúng có thực hiện hay không ? Những người tỏ lòng thương tiếc cho tương lai những đứa trẻ 18 tuổi con ông cháu cha này, nếu có lòng nhân thật sự thì hãy dành một ít thứ quý hiếm đó để nghĩ về những đứa trẻ cũng 18 tuổi đang thi hành nghĩa vụ quân sự ở Trường Sa hay biên cương phía bắc. Vì không được vào đại học nên chúng phải cầm súng và đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ bình yên cho quý vị ngồi trong phòng lạnh mà nói phét về lòng nhân đạo.

7) 18 tuổi là tuổi đủ chịu trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm về chính cuộc đời mình. Cũng năm 18 tuổi, tôi và những bạn trẻ cùng lứa đã cầm súng ra chiến trường đánh trận và rất nhiều người trong số đó đã nằm xuống ở biên cương Tây Nam và phía Bắc. Họ đã không được trở về với cha mẹ để báo đáp công sinh thành. Ai thương tiếc, ai nhân đạo với họ và cha mẹ của họ đây?

 
Ngọc Vinh
Nguồn: Trang FB của Ngọc Vinh

0 Bình luận

Bình Luận